C1.(4). Thuận Thiên
Tranh yên tĩnh ngẫm nghĩ, rồi lại hỏi: "Phụ hoàng ơi... tại sao con trai phải gánh chí tang bồng còn con gái lại chỉ học thi thư gia giáo? Vậy chẳng phải nặng nhọc cho nam nhân và phí bỏ tài năng của nữ nhân sao?"
"Con à, có những việc đã là thâm căn cố đế nên chẳng ai hỏi lời giải thích tường tận. Việc phân chia nhiệm vụ nam nữ có thể cho là định kiến, thật ra thì điều hiển nhiên là nam nhân khi trưởng thành, sức khỏe có khác biệt quá lớn so với nữ. Tuy nhiên nữ nhân cũng có thể làm nghĩa lớn, con mau lật điển tích Nguyên Phi ra đọc cho trẫm."
Sử viết rằng Nguyên phi Ỷ Lan có tài trị quốc an dân.
Mùa xuân năm 1069, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Lần ra trận này mãi không phân thắng bại. Khi vua đem quân lui về châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa vui vẻ, trong cõi yên bình, tôn sùng Phật giáo, nhân dân gọi là Quan Âm thánh mẫu, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn tài lược như thế, ta là đàn ông thì được việc gì!" Nói rồi lại quyết tâm ra trận, lần này toàn thắng, bắt được vua nước địch là Chế Củ và dân binh năm vạn người.
Quan gia ôn tồn nói: "Người con gái tài sắc vẹn toàn là người phong thái như lan đầu cành, trí tuệ kinh qua vạn thi thư. Việc học võ xông pha trận mạc, nợ công danh với đất nước, điều ấy giao cho con trai phải làm, không bắt ép con gái. Tuy nhiên con gái cũng học được làm được thì lại càng tốt."
"Phụ hoàng... có phải người đồng ý với Đông rồi?"
Quan gia gật đầu. Người không ngạc nhiên trước câu hỏi của Tranh tức là Đông đã nói trước với người rồi, quả nhiên. Nhưng dù sao Tranh cũng rất vui.
Lúc này lão thái giám vào bẩm báo Trần Thủ Độ cầu kiến.
Trần Tranh hiểu ý, sắp gọn sách bút, cúi đầu tạ ơn Quan gia rồi rời đi.
Tranh hiếm khi gặp Trần Thủ Độ. Vừa bước ra khỏi cửa thư phòng, Tranh thấy Thái sư đang tới, thân hình ông ấy cao lớn uy nghiêm, ánh mắt sắc bén như hổ rừng sâu. Trần Thủ Độ dừng trước cửa, hạ thấp tầm mắt nhìn Tranh vẻ cảnh cáo.
Trần Tranh cố giữ vẻ bình tĩnh ngẩng lên đối chất: "Thái sư, người đã là bậc lão thần rồi, chẳng lẽ không phân định rõ ai là đồng minh ai là thù địch..."
Trần Thủ Độ cúi xuống đối diện thân hình thấp bé mảnh mai của Tranh: "Lòng người khó đoán, Thiên Thành công chúa còn non nớt lắm, chỉ nên vui chơi học tập thôi, chớ bàn luận việc quân triều."
Trần Tranh bước đi tới cửa lớn của cung Quan Triều. Ban nãy trời còn sáng mờ, giờ đã chuyển tối nhanh chóng, màn trời âm u. Nàng thở dài tự nhủ ổn định lại nội tâm, bước chân bình lặng. Dần dần đèn lồng dọc hai bên đường nơi đây lại được thắp lên, khung cảnh bừng sáng ánh vàng lung linh giữa màu đêm đen, Tranh ngoảnh lại nhìn cung Quan Triều của phụ hoàng rực rỡ uy nghi.
Hôm sau, Trần Tranh đem lễ tới cung Chiêu Hòa bái sư.
Tranh kể với Đông chuyện ở quán dì Hạ, rồi chuyện trong thư phòng. Chiêu Thánh phì cười: "Ngày xưa ta cũng đâu đấu lại lão."
Tranh tròn mắt ngóng, Chiêu Thánh vừa bóc vỏ quýt, vừa thở dài: "Trần Thủ Độ lòng dạ thâm sâu quá nên đối với mọi sự lão đều cảnh giác cao. Đứa trẻ Quốc Tuấn kia lại có thân phận đặc biệt. Cha nó, Trần Liễu năm xưa nổi loạn ở sông Cái, nay lại rèn được cả đội quân từ con ruột của những binh sĩ nổi loạn đã bị xử tử năm xưa, hỏi làm sao lão ấy để yên được. Nói quân Ngũ Yên là quân tư gia ư? Có trời mới tin. Trần Tranh à, ngươi có biết, nếu uy lực không đủ mà lại nắm ngọc quý trong tay thì sẽ có kết cục thê thảm lắm không?"
Những điều này nàng đều hiểu, nhưng câu cuối... hình như không chỉ nói đến Tuấn. Tranh nhìn sâu vào đôi mắt đen tuyền của Chiêu Thánh, đôi mắt phượng hoàng thoáng nét thê lương của nữ nhân đã trải qua biến sự lưỡng triều, dường như đang vọng về hồi ức xa lắm.
Chiêu Thánh thu lại ánh nhìn ấy, mỉm cười: "Nhưng chung quy ta biết lão chỉ muốn tốt cho giang sơn bách tính. Lý Chiêu Hoàng thân mang nợ dòng tộc, ta trước kia không làm gì vì ta không thể làm gì. Còn Trần Thủ Độ lại khác, nếu lão muốn thì đã lật đổ Cảnh từ khi chúng ta còn nhỏ rồi. Tới tận bây giờ, mọi chuyện đều hóa tích cũ, lão chứng minh được lòng trung nghĩa, ta buông bỏ được nợ hồng trần."
Tranh ngạc nhiên nghĩ thầm: "Cũng chỉ Chiêu phi mới có thể bình thản buông những lời này. Câu nào câu nấy bàn chuyện triều chính đều là tội chém đầu."
Chiêu Thánh đẩy đĩa quýt mọng nước về phía nàng, bảo rằng: "Đứa trẻ đó sẽ làm được thôi, ngươi vẫn nên lo chuyện của mình đi Trần Tranh à."
--
Trần Tranh mỗi ngày đúng giờ mão tới luyện tập với Đông, giờ ngọ lại về.
Thời tiết mùa xuân gió ẩm. Sáng sớm trời còn hơi lạnh.
Đông ép Tranh luyện qua rất nhiều hình thức khác nhau.
Hôm thì phải giữ miệng hũ đựng đầy nước rồi nâng lên, hạ xuống nhiều lần cho đến khi các ngón tay Tranh căng cứng mất cảm giác. Có hôm Tranh lại phải cõng những những bó củi nặng trên vai, chạy ngược lên núi, xuống núi cho đến khi đôi chân mỏi nhừ.
Để tăng sức chịu đòn của Tranh, Đông dùng đũa dài bằng tre cột lại thành bó lớn, đập vào cẳng chân, cẳng tay, lưng, bụng đau rát. Phải luyện cho tới khi nào chịu được đòn đấm thật của Đông mà không ngã.
Đông đào những chiếc hố đất, đá Tranh xuống rồi bắt phải đứng từ dưới nhảy lên, càng ngày Đông càng đào hố sâu dần, sức bật của Tranh cũng theo đó mà tăng lên.
Tranh luyện tập chạy nhanh trên cát cho tới khi dấu chân mờ dần thì thân thể và tốc độ đã nhẹ như gió.
Đông dìm Tranh xuống nước ép tập thở, bơi và lặn sâu.
Trần Tranh không có bảo kiếm của riêng mình, Đông cũng không cho nàng dùng mấy thanh kiếm mua ngoài chợ. Đông đưa nàng kiếm gỗ, vì luyện kiếm được giao đấu thực với Đông nên Tranh không quan trọng kiếm gì, nàng luôn hào hứng.
Mỗi ngày Tranh trở về đều thương tích đầy mình. Hôm thì sặc nước ướt như chuột lột, hôm thì trầy xước chảy máu đỏ loang ra áo, hoàng hậu vô cùng xót con, nhiều lần khuyên nàng đừng đi nữa nhưng Tranh không chịu. Hoàng hậu tìm đến Quan gia, xin người cản Tranh, nữ tử khuê các, lại là công chúa thân ngọc cao quý, sao có thể mỗi ngày đều chịu đánh như vậy. Quan gia chỉ bảo hoàng hậu yên tâm, luyện tập nâng cao sức khỏe, Đông tự biết chừng mực nên sẽ không quá nguy hiểm được đâu.
Hôm nay Tranh đến lầu Trường Minh luyện kiếm một mình. Dưới ánh trăng sáng, thân ảnh nhỏ bé chuyển động có khí lực, thanh kiếm gỗ trong tay nàng vụt xé gió, cắt đứt dây hoa leo thành. Người luyện ở đây đã hơn một canh giờ, hoa cũng như muốn vận khí cùng người, theo gió bay khắp trời. Cảnh thực như mộng, người thực như hoa.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai.
Xuân tới kinh thành Thăng Long gieo lộc non, gọi trăm hoa bừng tỉnh, vận khí Trần triều đương thịnh cũng như mùa xuân, nhân tài đua nhau nở rộ. Ra Giêng triều đình sẽ tổ chức lệ thi trạng nguyên bảy năm mới có một lần. Quan gia và triều thần đều bận rộn chuẩn bị, tết này sĩ tử khắp nơi đổ về, kinh thành hẳn sẽ đông vui lắm đây. Lại nhắc tới Tết Nguyên Đán, ba ngày nữa là giao thừa rồi, không khí trong hoàng cung náo nhiệt hơn bao giờ hết. Tranh khoanh tay dựa người vào tường thành ngắm nhìn đèn lồng treo khắp Thăng Long phồn hoa.
Từ lầu Trường Minh còn có thể thấy được Thụy Chương cung, nơi sân chính điện có một thiếu niên cũng đang luyện kiếm. Tranh bất giác mỉm cười, ngoảnh mặt đi về hướng đó.
Cúc đại đóa nở rộ bung tỏa hương thơm ngào ngạt, Trần Tranh bước tới gọi tên anh.
Trần Quốc Tuấn nhìn thấy Tranh thì hỏi: "Sao người lại đến đây? Cửa Long Phượng thành sắp đóng rồi."
Tranh giơ kiếm gỗ lên trước mặt Trần Quốc Tuấn, trình bày: "Anh xem, ta chỉ có kiếm gỗ để tập luyện. Ta thấy anh luôn mang một thanh đoản đao theo bên mình nhưng lại không bao giờ rút nó ra khỏi vỏ, rốt cuộc nó có ý nghĩa gì vậy? Có thể tặng cho ta không?"
Trần Quốc Tuấn cầm thanh đoản đao vỏ đen tuyền khắc đầu kỳ lân ánh bạc gài ở thắt lưng lên. Tranh đã nhìn thấy nó ngay từ lần đầu gặp anh.
Trần Quốc Tuấn nghiêm túc nói: "Trong thời gian ba khắc trước khi hương này tàn hết, ta không tấn công, chỉ phòng thủ, người tự giành được nó thì ta sẽ tặng."
"Anh nói phải giữ lời đấy nhé!"
"Ừ"
[...]
Khi lửa hương trầm tắt hẳn, Tranh gục xuống vì cạn sức.
Trần Quốc Tuấn nửa ngồi nửa quỳ trước mặt Tranh, nhẹ giọng bảo: "Người về Thuận Ninh cung đi. Ta hứa người tìm ta tranh đao lúc nào đều được."
Tranh thu chân khoanh tròn lại, nghiêng đầu hỏi: "Ngày mai anh rời kinh đô à?"
"Ừ."
Tranh biết năm nào phụ hoàng cũng cho phép Trần Quốc Tuấn về nhà ăn Tết Nguyên Đán. Nàng hướng nhìn ra phía xa, nơi ánh đèn lồng nhân gian chỉ còn là đốm đỏ tí xíu lẫn vào trong màn trời, trầm ngâm gọi: "Trần Quốc Tuấn!"
"..."
Tranh lại quay sang đối diện Trần Quốc Tuấn, mỉm cười: "Ta sẽ đợi anh trở về."
—-
Ngày ba mươi Tết, Quan gia ngự tại cửa Đoan Củng, các thần tử đều làm lễ, xong thì cùng nhau xem kịch hát múa trăm lối. Kinh thành, người dân đốt pháo tre trước cửa nhà để xua đuổi tà ma và đón mừng năm mới.
Tranh vẫn ở gian bếp từ chiều, ngẩn ngơ xem mọi người gói bánh chưng. Trong sân xếp đầy những lá dong xanh mướt, người ta đổ bát gạo trắng lên mặt lá, cùng với đỗ vàng mềm mịn và thớ thịt tươi ngon đủ nạc đủ mỡ, rồi gói lại vuông vức, buộc chặt bằng lạt giang.
Thầy dạy rằng bánh chưng trong Tết cổ truyền nước ta thể hiện cho trời đất giao hòa, là ước mơ của người người nhà nhà về một năm mới sung túc, an lành. Tranh không để ý mấy câu văn đó lắm, nàng chỉ đơn giản là thích ngắm nhìn khung cảnh này, nơi có củi gạo dầu muối và khói bếp dìu dịu lan ra, quyện vào hơi ấm của con người. Lửa cũng reo vui dưới nồi bánh chưng lớn nước đang sôi ùng ục, Tranh ngồi tựa cửa, khoan khoái đắm chìm trong hơi ấm và âm thanh trò chuyện xung quanh.
Tranh ngước lên nhìn màn trời như vải nhung dệt muôn ngàn vì sao. Trăng đêm nay rất sáng, người đang đi về phía này còn sáng đẹp hơn trăng. Đó là hoàng hậu.
Hoàng hậu ngồi xuống cạnh ghế gỗ, xoa đầu Tranh.
"Tranh đang nghĩ gì thế? Sao con không về cung mà ở đây cả ngày vậy?"
Tranh nhìn mẫu hậu của nàng dịu dàng như ánh trăng, lại tò mò: "Mẫu hậu ơi, người sẽ ước gì trong khoảnh khắc giao thừa? Một điều ước của riêng người thôi nhé, không phải cho chúng con hay ai khác đâu."
Hoàng hậu mỉm cười nhưng đôi mắt người thoáng ưu tư: "Ta ước sang tháng ba, tiết Hàn Thực được ăn bánh trôi nước."
"Sao lại thế ạ... năm nào người chả ăn món đấy?"
"Năm xưa em gái ta thích nặn bánh trôi, rồi đòi ta phải tự tay đun bánh cho. Thiên Hinh nghịch ngợm, bánh trôi viên tròn mà lại nặn ra đủ hình dáng linh tinh, nhưng trông rất ngộ nghĩnh. Khoảnh khắc ấy khiến ta hoài niệm vì nó không bao giờ trở lại. Lý triều song vị công chúa đã là dĩ vãng tựa như một kiếp phù sinh khác vậy."
"Năm nay người nhất định sẽ được ăn bánh trôi nước đặc biệt, con hứa."
Hoàng hậu lặng yên ôm Tranh vào lòng.
Pháo hoa giao thừa rực rỡ từng chùm nối tiếp nhau một chốc rồi tan biến. Nhưng dù chỉ là khoảnh khắc thì đã sao...
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Xuân đi, trăm hoa rụng,
Xuân đến, trăm hoa nở
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.)
_Mãn Giác thiền sư_
Nay ngày mùng bốn tết, phố chợ nhộn nhịp khai xuân, cầu cho buôn may bán đắt.
Trần Tranh chơi cướp bóng với Quang Khải trong sân. Nó là em trai thứ hai của nàng, nhỏ tuổi hơn thái tử.
Đã chơi mười trận rồi mà tỷ số vẫn hòa nhau, Khải ném bóng xuống giận dỗi.
"Võ lực của em không thắng nổi Tranh. Sao đáng mặt nam nhi chứ!"
"Dù sao Khải vẫn còn nhỏ mà, số năm ta luyện võ cũng gấp đôi Khải."
"Ba tuổi thì nhỏ chứ sáu tuổi là lớn rồi!"
"Ừ thế Khải định bỏ cuộc à?"
Tranh bảo nó: "Khải đừng so sánh mình với ta hay ai khác, cứ luyện tập và tin vào bản thân là được rồi! Sau này Khải sẽ còn cao lớn và khỏe mạnh hơn nhiều."
"Không so với Tranh cũng được, nhưng vẫn phải so với Trần Quốc Tuấn!"
Tranh cười bất lực. Khải lại chau mày như tra hỏi nghiêm trọng lắm, trong khi gương mặt bầu bĩnh non búng ra sữa của nó làm Tranh thấy vô cùng đáng yêu.
"Tranh cũng giống phụ hoàng thiên vị Trần Quốc Tuấn hơn em sao? Em không thích hắn, trông thấy hắn là muốn đánh nhau."
"Không phải ha... ha... Phụ hoàng quan tâm để Trần Quốc Tuấn đỡ cảm thấy bị bỏ rơi giữa hoàng thành không người thân thôi, làm sao mà thương nhiều hơn Khải được. Khải đừng ghét Trần Quốc Tuấn mà gây hiềm khích, như thế không hay đâu."
Quang Khải khoanh tay hừ một tiếng: "Em vẫn sẽ đánh hắn và giành chiến thắng sớm thôi!"
Lúc này hai đứa trẻ đang tung quả bóng tre lên thì A Dược hớt hải chạy vào báo tin: "Công chúa, có người gần giải được hết câu đố của công chúa rồi, mau đến xem nhanh kẻo lỡ mất!"
Sao vừa mới một buổi sáng mà học trò nào đã chặn đường của nàng rồi.
Là như thế này. Ngày Tết quán xá mở cửa trở lại cũng là lúc người dân đang rủng rỉnh tiền tài, tâm trạng hứng khởi nên dễ chi tiêu cho cái mới, cái thú vị. Tranh treo bảy câu đố trên giải giấy đỏ, thu hút người đến xem, ai giải đúng một câu được tặng tấm vé miễn phí một bữa ăn, gọi món thỏa thích. Người đến giải dù không đúng cũng được tặng bánh của quán mang về. Như vậy mọi người sẽ biết đến quán, ghé thăm quán. Đồng thời nàng tranh thủ treo biển giảm giá đầu năm, người đến đông ắt sẽ có những vị thấy hời mà bỏ tiền luôn, vậy là có thêm nhiều khách hàng mới, dễ trở thành khách quen trong tương lai.
Tranh cũng biết là xuân tháng Giêng nhiều sĩ tử lên kinh thành, phải nhân dịp này đối đãi họ, biết đâu sau kỳ thi lại có nhiều vị ra làm quan lớn, quán dì Hạ sẽ ngày một phát đạt.
Tranh vừa chạy tới nơi, dì Hạ thấy nàng thì hồ hởi ra đón.
"Năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!"
Dì Hạ vừa lễ chào vừa dâng lì xì đỏ cho nàng, Tranh cười tươi như nắng mới, vui vẻ nhận lấy.
"Cảm ơn dì Hạ, chúc người năm mới an khang thịnh vượng, tài lộc đầy nhà!"
"Cũng nhờ phúc công chúa, sáng giờ quán đông khách lắm. Mà Tranh xem, học trò kia sắp giải được hết rồi, ta trông cậu ấy cũng chỉ trạc tuổi người."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top