Túi thơm
- Tướng gia, bên ngoài có công chúa tìm gặp.
- Ta biết rồi. Mời công chúa vào đi.
- Công chúa, vương gia mời người vào.
Sinh Hương đỡ tay Nhạc Bình tiến vào. Trong lều, mùi trà rất đậm, là trà hương sen. Đây là loại trà truyền thống của Đại Duyệt, đã trải qua quá trình với không biết bao nhiêu bước thu hái sơ chế, xử lí công phu mới có được cốt trà quyện hương sánh vị như lúc này.
Vương Huyền An ngồi sau án, thấy Nhạc Bình liền đứng dậy hành lễ. - Thần Vương Huyền An tham kiến công chúa.
- Tể Tướng hữu lễ.
- Không biết công chúa tìm thần là có chuyện gì?
- Bổn cung nghe người dưới nói Tể Tướng đêm qua làm rơi túi hùng hoàng trong lúc đi tìm Nhạc Bình nên bị rắn cắn. Nhạc Bình hổ thẹn, không biết nên báo đáp ân tình này thế nào. Nếu không nhờ Tể Tướng một đường ứng cứu, cả đêm đi không nghỉ, Nhạc Bình hiện giờ ắt hẳn không thể bình an đứng đây.
Nàng cố ý nhấn mạnh ba chữ "đi không nghỉ", người thông minh ắt sẽ hiểu. Dù sao nàng cũng là tân nương đợi gả, cả một đêm lưu lạc cùng nam nhân khác khó tránh khỏi sẽ có nhiều lời ra tiếng vào. Danh tiếng đối với nàng lúc này chỉ như nước chảy mây trôi, cái nàng quan tâm là Trấn Bắc vương sẽ để tâm những lời đồn không hay này rồi gây khó dễ cho việc mượn binh và quan hệ với thiên triều.
- Công chúa quá lời. Là bổn phận của thần.
- Hoạt Sắc, mang qua đây.
- Dạ, công chúa.
Tỳ nữ bên cạnh Nhạc Bình đưa lên một hộp gỗ, đến khi mở ra, Vương Huyền An trông thấy vật trong hộp liền kinh ngạc.
- Công chúa, đây là...
- Bổn cung suy nghĩ, cuối cùng quyết định tự tay thêu tặng Tể Tướng túi hương hùng hoàng mới, bên trong có thêm hương liệu, có thể đuổi rắn, có thể xua côn trùng, cũng có thể an thần. Mong Tể Tướng nhận lấy chút vật mọn này.
- Công chúa, thần vô công bất thụ lộc.
- Tể Tướng sao lại nói vậy? Ngài chính là ân nhân cứu mạng của bổn cung. Nếu như ngài chê tâm ý này quá nhỏ, bổn cung sẽ viết thư truyền ngàn dặm về Kiến Lăng. Sau khi ngài trở về Kiến Lăng, Hoàng thượng ắt sẽ trọng thưởng.
- Công chúa, thần kinh sợ. Vậy phần tâm ý này, Huyền An xin nhận. Đa tạ công chúa chiếu cố.
- Tể Tướng không cần khách khí.
- Thần vừa khỏa trà, công chúa liệu có nhã hứng cùng thần thưởng thức?
- Đa tạ Tể Tướng khoản đãi. Nhưng bổn cung có chút mệt mỏi, muốn trở về nghỉ ngơi. Tể Tướng cứ tự nhiên.
- Thần, cung tiễn công chúa.
Đợi đến khi tiếng bước chân của nàng ngày càng xa rồi biến mất hẳn, Vương Huyền An mới mở hộp gỗ đàn hương. Xung quanh hộp gỗ điêu khắc tinh xảo, chiếc túi hương nằm gọn bên trong, thêu hình cách điệu một bông hoa bạch sắc, hắn chỉ nhận biết được nhụy và cánh hoa, không rõ đây là loại hoa gì. Đường thêu uyển chuyển mềm mại, hắn lại nhớ đến mái tóc của nàng đêm ấy, hắn có cảm giác mùi hương từ mái tóc ấy đang tràn ngập trong khoang ngực hắn, khiến hắn không rõ đâu là thực tại, đâu là do trí tưởng tượng.
Vương Huyền An đóng hộp lại, đưa cho người bên cạnh.
- Lục Vũ, đi kiểm tra xem bên trong túi hương này có gì. - Rõ.
...
- Hồi Tướng gia, trong túi hương này có hùng hoàng, bách diệp thảo, tứ cán, tây sa và hương phụ liệu đuổi côn trùng, ngoài ra còn có tác dụng an thần như lời công chúa nói.
- Không có gì bất thường?
- Không có. Tướng gia, vậy túi hương này... - Được rồi, lui đi. Ta sẽ tự xử lí.
- Thuộc hạ cáo lui.
Vương Huyền An có chút đau đầu, hắn đưa tay miết hai đầu lông mày. Lại nhìn chiếc hộp gỗ kia, hắn thở dài, không biết nên làm thế nào. Ném đi thì không ổn, rơi vào tai kẻ khác chính là khinh thường bất kính với công chúa, đem bên người càng không thể, rất khó ăn nói. Tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng hắn quyết định tạm cất vào một góc ít chú ý tới. Mắt không thấy tâm không phiền.
Sau chút sự cố nhỏ đó, đoàn hộ tống nhổ trại tiếp tục lên đường ngay trong ngày hôm sau. Vương Huyền An vốn muốn đến Kinh Bắc theo đúng dự tính, nhưng lại phát sinh chuyện Nhạc Bình đi lạc. Những tưởng chuyện chỉ có thế, đoạn đường còn lại có thể yên tâm không còn chướng ngại, thế nhưng lại xảy ra chuyện lớn khiến hắn trở tay không kịp.
Bắt đầu từ những năm cuối triều Khang Ninh, Đại Duyệt lâm vào cuộc biến động nội loạn chưa từng có trong lịch sử, tính chất không khác gì "Loạn bát sứ quân" trong quá khứ. Phiên vương cát cứ nổi lên khắp nơi. Đại Duyệt như miếng bánh bị kẻ gian tham nhúng tay chia cắt, ai cũng đều muốn giành một phần cho mình, đất nước sớm đã bị đục rỗng từ bên trong. Khang Dương đế nhắm mắt làm ngơ trước nội loạn, càng vô lực trước biên cảnh bị Bắc Ương dòm ngó thèm thuồng đã lâu. Nếu không có Tể Tướng bấy giờ cứng rắn chống đỡ, Đại Duyệt sớm đã bị giẫm đạp xâu xé.
Vương Huyền An lợi dụng chính lòng tham quyền lực của thủ lĩnh các phiên vương cát cứ để trước mắt bình ổn nội loạn. Hắn chủ động hiến kế cho những thủ lĩnh thế lực nổi trội mang quân đi dẹp những thế lực nhỏ hơn khác. Nhược nhục cường thực, cường giả vi tôn*, cá lớn nuốt cá bé là đạo lí từ xưa, được Vương Huyền An vận dụng một cách khéo léo, không chút sơ hở bên cạnh khả năng nắm bắt lòng người.
* cường giả vi tôn: kẻ mạnh làm vua
Một mũi tên trúng hai con nhạn, Vương Huyền An không những giải quyết được tình thế nước sôi lửa bỏng của Đại Duyệt, mà còn thu được nhân tâm. Đại Duyệt thay vì hàng trăm cuộc chia cắt diễn ra lớn nhỏ nay chỉ còn lại bốn phiên vương, sử sách gọi là "Tứ vương ngũ địa". Tứ vương là Trụ Nam vương, Bình Tây vương, Cát Tây vương và Trấn Bắc vương cùng với hoàng thất thiên triều chia nhau cai quản năm vùng đất Đại Duyệt. Ngũ địa lần lượt là Kinh Bắc, Tây Kinh, Tây Nguyên và Nam Kinh tạo hình cánh cung chạy dọc theo bờ tây, từ bắc xuống nam ôm trọn lấy Đế Kinh.
Vương tướng (1) sau sự kiện ấy được lòng vạn dân, được lòng Khang Dương đế, Tứ vương mang ơn. Có thể nói đây là nước cờ nhân tâm tuyệt diệu nhất, là bàn đạp củng cố quyền lực và địa vị của vị Nhất phẩm Tể Tướng đương triều. Tài năng và tâm kế của hắn không hổ danh kì tài trăm năm, ngàn người khó gặp.
Tứ vương ngũ địa cuối triều Khang Ninh vì buộc chặt với thiên triều nên an phận thủ thường, tự cai quản vùng đất của mình. Sau khi Khang Dương đế băng hà, Tân đế lên ngôi, Tứ vương bắt đầu rục rịch không thủ phận, đặc biệt là khi quyền lực gần như toàn bộ nằm trong tay Vương Huyền An. Tể Tướng nắm quyền theo di chiếu rồi cuối cùng cũng phải trả lại cho Tân đế. Nếu hắn cứ tiếp tục nắm quyền chính là danh không chính ngôn không thuận. Mọi người nắm được điều đó, Tứ vương nắm được điểm đó, Vương Huyền An càng hiểu rõ điều đó. Đợi đến khi Vĩnh Dương đế thu lại quyền lực, Tứ vương không cần nể mặt Vương Huyền An, kinh đô Kiến Lăng có thể sẽ nhanh chóng rơi vào tay phiên vương.
Để một lần nữa bình ổn thế cục, thiên triều gả công chúa cho các phiên vương để thiết lập quan hệ hòa hữu. Bởi thế mới có chuyện hộ tống Nhạc Bình công chúa lên Kinh Bắc gả cho Trấn Bắc vương. Mặt khác, Nhạc Bình là mắt xích quan trọng trong lần hòa thân này.
Phía bắc Đại Duyệt giáp với Bắc Ương. Từ ngàn năm nay, qua vô số triều đại, dù cho có đổi tên bao nhiêu lần, trải qua bao nhiêu đời vua, Bắc Ương luôn là kẻ mang dã tâm nuốt gọn nước non Đại Duyệt.
Lần này, lợi dụng việc Đại Duyệt quốc nội bất ổn, Bắc Ương đã mấy lần mang binh quấy nhiễu biên giới phía Bắc, lần nào cũng bị Trấn Bắc vương đẩy lùi. Nhưng không vì thế mà bọn chúng thôi ôm mộng với quốc thổ Đại Duyệt. Lần này, Bắc Ương đã tập binh, rèn vũ khí, hợp quân lương, chuẩn bị thời cơ xâm lược Đại Duyệt. Thời cơ ấy chính là khi Tể Tướng Vương Huyền An rơi đài, trung ương tập quyền về tay Vĩnh Ninh đế, Tứ vương dấy binh, nội bộ đất nước rối ren, nội loạn. Đó chính là thời cơ vàng để Bắc Ương mang binh hốt gọn những gì còn lại sau cuộc binh biến nội loạn.
Để ngăn chặn điều đó xảy ra, Nhạc Bình chính là cầu nối quan hệ giữa Kinh Bắc và Kiến Lăng. Tể Tướng lần hộ tống này chính là có ý họp binh cùng Tứ vương đặc biệt là Trấn Bắc vương để đao sắc chặt đay rối. Đại Duyệt Tứ vương ngũ địa hợp sức đánh cho Bắc Ương tan quân bại tướng, khiến cho Bắc Ương đại thương nguyên khí, khó có thể hồi phục. Đây chính là "nhất lao vĩnh dật", một lần vất vả, cả đời an nhàn.
(1) Vương tướng: ý chỉ Tể tướng Vương Huyền An
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top