❤︎ Chương 11 ❤︎
Thiệu Long năm thứ nhất[1], mùa xuân năm nay tới sớm, không khí thanh tân như thể một trường chém giết máu tanh kia chỉ là một giấc mộng phù vân.
Mùng một Tết năm Mậu Ngọ, Thiện hoàng tuyên bố quân dân Đại Việt toàn thắng, mở tiệc khao quân, luận công ban thưởng. Ban thưởng cho những ai ta cũng không rõ, chỉ nghe Quang Khải nói với ta: Ngự sử trung tướng Lê Tần lập công lớn, ban cho ngoại hiệu Lệ Phụ Trần, tấn phong Ngự sử đại phu[2], đem Lý phế hậu Chiêu Thánh công chúa gả cho.
Nét mặt Quang Khải lúc nói những lời này với ta, ta không diễn tả được, bàn tay nó cứ nắm chặt rồi lại buông lỏng, hồi lâu cũng không nói được gì. Ta chỉ bảo nó hồi cung đi, ta muốn ở một mình. Nó lưỡng lự mãi mới nhấc chân lên, sau cùng còn nói với ta một câu: "Nếu người không muốn... bọn con đứng về phía người." Ta phất phất tay áo, trở vào trong phòng.
Đại địch đã lui, bách tính lại có thể an cư lạc nghiệp. Những người ta yêu thương đều lành lặn trở về. Ta vốn tưởng trái tim mình đã lành lại, ta vốn tưởng sẽ chẳng còn gì khiến ta đau đớn nữa.
Nhưng thì ra chỉ một chiếu chỉ của hắn, lại vẫn có thể rạch cho tim ta nát bươm.
Quang Khải mất sáu năm chữa lành vết thương lòng cho ta, nhưng giờ phải mất bao nhiêu năm nữa, trái tim này mới lại liền sẹo, hơn nữa ta biết tìm đâu ra thần dược tốt như thế nữa đây.
Ta yêu hắn như vậy, yêu đến mức hèn mọn tự nguyện moi tim mình ra trước mặt hắn như thế, hắn lạnh lùng vứt bỏ đã đành. Nhưng giờ đến ngay cả cơ hội nhìn thấy hắn, hắn cũng không cho ta nữa.
Tặng ta cho người khác dễ dàng như vậy...
Thì ra tình yêu của ta, chẳng đáng mấy đồng.
Hai mươi tư tháng hai năm Mậu Ngọ, Thiện hoàng truyền ngôi cho Hoàng thái tử Trần Hoảng, chuyển tới Bắc cung làm Thượng hoàng; Trần Quang Khải được sắc phong làm Chiêu Minh vương. Ta tự mình xuống bếp nấu một bữa tiệc, đào vò rượu xương bồ lên, cùng ba anh em Quốc Khang no say nhậu nhẹt đến tận tối mịt.
Trần Hoảng vì mới lên ngôi, còn nhiều chuyện phải giải quyết, giữa chừng bị đám nội hầu tới lôi về, ta bọc một con cá rán gói vào trong giấy, ném cho nó rồi phất tay đuổi đi.
Quốc Khang là thằng nhóc to mồm nhưng tửu lượng kém vô cùng, chưa uống được mấy ly đã lăn kềnh ra sàn nhà ngáy khò khò. Ta vào trong phòng kiếm một cái chăn mỏng đắp lên người nó. Đêm xuân dù sao vẫn cứ hơi se lạnh.
Quang Khải dõi mắt nhìn ta đắp chăn cho Quốc Khang, trong tay cầm một chén rượu lắc qua lắc lại. Nhóc con này nhìn thì yếu ớt chứ thực chất tửu lượng cực cao, mình nó uống hết nửa vò mà mặt vẫn tỉnh rụi như thường. Ta ngồi xuống bên cạnh nó, ngẩng đầu ngắm trăng sáng trên trời.
Ta nghe thấy tiếng nó nhàn nhạt vang lên bên cạnh: "Tranh thủ ngắm đi, ngày sau lại không thấy được nữa."
Ta biết nó muốn nói tới cái gì, nhưng vẫn thích giả bộ hồ đồ: "Trăng thì ở đâu chẳng giống nhau."
Nó nghiêng đầu, khẽ lẩm bẩm: "Cũng có thể. Lòng thế nào thì sẽ nhìn sự vật thế ấy. Người cảm thấy nó giống thì nó sẽ giống, thấy nó khác thì nó sẽ khác."
Ta mỉm cười, tự rót cho mình một chén, sau đó làm bộ nghiêm túc cúi đầu, hai tay dâng rượu ngang trán: "Thiên Hinh cảm tạ vương gia nhiều năm qua quan tâm chăm sóc, tận tình chỉ điểm, xin ghi lòng tạc dạ ơn này. Ngày sau vương gia nếu có gì giao phó, Thiên Hinh dù thịt nát xương tan cũng chẳng từ."
Quang Khải gập cái quạt trong tay phạch một tiếng, không phân biệt tôn ti gõ thẳng lên đầu ta, giọng nó bực bội: "Đâu phải là sinh ly tử biệt, người phải nhớ dù người có ở đâu thì người vẫn là cô cô của bọn con."
Ta nhe răng cười với nó. Thằng bé vẫn làu bàu mãi không thôi.
Sau cùng nó xoa đầu ta, cực kỳ không ra thể thống gì, nói một câu: "Lý Thiên Hinh, sống cho tốt nhé."
Ta mỉm cười gật đầu. Ta nghĩ có lẽ nhờ lời ban phúc này, những năm về sau, ta thực sự sống rất tốt.
Kinh trập, trời ấm, nhiều mây.
Ngày mai ta sẽ mặc giá y lần nữa. Chỉ là người cùng ta bái đường, đã chẳng phải người năm xưa.
Ta vuốt ve bình đựng tro của nhũ mẫu, cẩn thận bọc trong vải mềm, đặt sang bên cạnh.
Ta ôm trong lòng một chiếc hộp gỗ làm bằng đàn hương, bên trong có một cây đoản đao tuy lưỡi vẫn bén nhưng lớp vỏ khảm châu ngọc đã bạc màu, một chuỗi tràng hạt sưa đỏ thiếu mất ba viên, một nghiên mực trạm trổ hoa sen và một cây bút lông thơm mùi trầm hương chưa bao giờ được sử dụng, một vòng hoa bện bằng mây, vài quyển truyện du ký và hai quyển sách mỏng, một quyển không đề tựa, một quyển chỉ có hai chữ "Lạc Đạo" phóng khoáng.
Những thứ không đáng mấy tiền này đối với ta lại là báu vật liên thành. Là chứng minh chân thực nhất, sống động nhất hai mươi năm tuổi thanh xuân ta chôn chân ở nơi này.
Kỳ thực ta rất muốn đem theo cây đào mà Quốc Tuấn trồng tặng ta. Nhưng cây đào mười mấy năm tuổi này, rễ đã sớm bén sâu vào lòng đất, ta nghĩ nên để lại đây thôi.
Có rất nhiều thứ dẫu muốn đến mấy cũng chỉ đành buông bỏ, giống như cây đào Quốc Tuấn trồng tặng ta, hoặc giống như bát mỳ gà khó nuốt kia.
Không phải không muốn, mà là muốn cũng chẳng thể làm được gì.
Khi ta tới lãnh cung, chỉ đem theo một người nhũ mẫu.
Khi ta rời khỏi đây, ta đem tất cả hoài niệm theo cùng.
Ngày ta xuất giá chỉ có ba anh em Quốc Khang đến tiễn ta, Trần Bồ không xuất hiện. Từ sau buổi đêm trước ngày xuất chinh năm ngoái, ta không hề gặp lại hắn. Tựa như sự im lặng của hắn ngày hôm đó, thực sự là lời từ biệt sau cùng.
Ta xuất giá theo nghi thức của một công chúa, được đích thân Hoàng thượng ban phúc, được chính tay Tĩnh Quốc vương và Chiêu Minh vương đề tranh chúc mừng, ta nghĩ chắc chẳng có tân nương nào hạnh phúc như thế đâu.
Ta nghiêng người chui vào trong kiệu. Đúng lúc ấy đằng xa vang lên tiếng ngựa hí, vó ngựa gõ lên nền đá vang rền, bàn tay nâng rèm kiệu của ta hơi dừng lại, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn không quay đầu.
Kiệu hoa dập dềnh, ta hé mắt nhìn qua khe cửa. Bóng người trên lưng ngựa thẳng tắp oai phong, kiêu ngạo chắn một nửa vầng mặt trời.
Ta nhoẻn cười như thuở trước, tề thiên lập địa, ta chờ người.
Ta ngồi trong phòng tân hôn rực rỡ ánh nến, màu sắc chói lọi kiểu này quả thực khiến ta không khỏi nhớ tới mấy bộ quần áo lòe loẹt của Quốc Khang. Lần trước thành hôn với Trần Bồ, vì Thái sư muốn nhanh chóng gạo nấu thành cơm mà làm rất qua loa đại khái, còn ta và Trần Bồ khi ấy đều là trẻ con, có rất nhiều chuyện đều không hiểu rõ.
Giờ chính thức gả cho người ta thế này, dù có là một bà già như ta thì vẫn không tránh khỏi có chút thấp thỏm lo lắng.
Trong lúc ta còn đang ngó nghiêng thì cửa phòng bật mở, người bước vào là một nam tử ngoài ba mươi tuổi vận hỉ phục đỏ tươi, dáng người thanh tú, mi mục ôn hòa, gương mặt cũng đã điểm phong sương, bớt đi nét ưu nhã, thêm vài phần can trường.
Ta mỉm cười, thì ra đúng là cố nhân.
"Giờ huynh đã đủ tiền lấy vợ chưa?"
Lê Tần bật cười, ngồi xuống bên bàn tự rót cho mình một chén rượu, giọng y tự trào: "Lê Tần chỉ là kẻ bần hàn, trong nhà có mấy mẫu đất, thêm một con trâu khỏe, một khoảnh sân nhỏ đủ trồng vài cây ăn quả, gia đinh trong nhà có trên dưới mười người. Vậy đã được xem là đủ tiền lấy vợ chưa?"
Ta híp mắt cười, quá đủ. Ta qua loa gỡ mấy đồ trang sức nặng trĩu trên tóc xuống, vén váy đi tới bên bàn, ngồi xuống phía đối diện, cũng tự nhiên rót cho mình một chén: "Ước nguyện của huynh thành sự thật chưa?"
Lê Tần trầm ngâm một lúc mới nói, giọng y xa xăm mơ hồ: "Thành rồi. Vốn muốn để mẫu thân gặp nàng một lần... chỉ tiếc là không kịp."
Ta mím môi, im lặng không hỏi nữa.
Rất lâu sau ta mới nghe thấy tiếng y nói: "Kỳ thực nàng không cần phải gượng ép mình. Nàng có thể ở lại đây làm khách quý cả đời. Hoặc, nếu nàng thích... đi đâu đó, ta sẽ cho người đưa nàng đi. Đều nghe theo nàng cả."
Ta biết y thật lòng có ý tốt nhưng vẫn không kìm được ý muốn trêu chọc, thế là ta làm bộ thở dài: "Ta biết, phải lấy một mụ già quá lứa lỡ thì, trong tay chẳng có đến nửa phần quyền lực, đúng là thiệt thòi cho huynh rồi." Quả nhiên mặt y tái mét, vội vàng thanh minh. Nhìn bộ dạng luống cuống của y, ta liền bật cười, cười đến mức khiến y chỉ còn biết nghệt mặt nhìn ta.
"Lê Tần, ta chi hỏi huynh một câu thôi. Huynh có thật lòng muốn lấy ta không?"
Ta nhớ khi ấy, trong ánh nến chập chờn, y nở một nụ cười, độ lượng dịu dàng như thể đem theo mười dặm gió xuân: "Cầu còn chẳng được." Ta bằng lòng đánh cược lần nữa.
Chớm đông mà đã lạnh như thể muốn lấy mạng người ta.
Ta nằm trên giường, quấn đến ba bốn lớp chăn dày mà vẫn co ro.
Từ sau vụ nằm cùng xác chết trong gầm giường mấy ngày liền, ta đâm ra bị sợ bóng tối, đi ngủ cũng phải thắp nến. Thỉnh thoảng ta cũng nằm mơ thấy binh sĩ Mông Cổ ấy tìm về đòi mạng, toàn thân gã thối rữa, cột sống vặn vẹo, có chỗ xương trắng lòi cả ra ngoài, gã bước từng bước về phía ta, ta muốn chạy nhưng không nhấc chân lên nổi, trong tay lăm lăm một thanh đoản đao mà không dám đâm tới, ta ôm chặt đoản đao trong lòng, thầm gọi người tới cứu.
Nhưng lại không biết phải gọi ai, ta tuyệt vọng đến mức ôm đầu gào khóc.
Lúc tỉnh dậy thì khuôn mặt đã ướt đẫm nước mắt.
Những lúc ấy Lê Tần thường ôm ta rất chặt, cằm tì lên đỉnh đầu ta, thấp giọng thầm thì: "Chỉ là mơ thôi, đừng sợ, có ta bên nàng rồi."
Ta duỗi tay ôm lấy y, tựa vào lồng ngực vững chãi của y khóc nức nở, khóc cho đến khi mệt mỏi thiếp đi. Thế là chỉ trong vòng mấy tháng ngắn ngủi, ta hình thành một thói quen rất xấu. Đó là nếu không ôm Lê Tần thì không cách nào ngủ được.
Gần đây Lê Tần công vụ bận rộn, mỗi ngày đi sớm về khuya. Lần nào về, chui vào trong chăn cũng thấy ta đang mắt mở thao láo, Lê Tần dở khóc dở cười nhìn ta: "Sao còn chưa ngủ?" Ta cũng muốn làm nũng, nhưng nghĩ tới bản thân đã già như vậy rồi, làm nũng thì thật là mất mặt, ta chỉ vòng tay ôm lấy y, không đáp. Lê Tần cũng chỉ mỉm cười cho qua, thật sự dịu dàng đến mức khiến người ta không nỡ buông tay.
[1] Niên hiệu đời Trần Thánh Tông, Thiệu Long năm thứ nhất tức năm Mậu Ngọ (1259).
[2] Chức quan đứng hàng thứ 5 trong số 6 quan làm việc ở Ngự Sử Đài.
Note: Thiện hoàng là danh hiệu Trần Thái Tông tự xưng.
Tác giả có lời muốn nói: Lê đại nhân cũng là một sự lựa chọn tốt phải không ? =]]]]
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top