co cau xh_giai cap, xu the trong thoi ky qua do.
19. Nêu khái niệm cơ cấu xã hội - giai cấp và xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
* Khái niệm cơ cấu xã hội và cơ cấu xã hội - giai cấp
- Cơ cấu xã hội là tất cả những cộng đồng người và toàn bộ các quan hệ xã hội do sự tác động lẫn nhau của các cộng đồng ấy tạo nên. Bao gồm cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - dân số, cơ cấu xã hội - dân cư, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, cơ cấu xã hội - dân tộc, cơ cấu xã hội - tôn giáo ... Dưới góc độ môn học, chỉ tập trung đề cập cơ cấu xã hội - giai cấp.
- Cơ cấu xã hội - giai cấp là một cơ cấu bao gồm các giai cấp, các tầng lớp xã hội và những mối quan hệ của chúng (như quan hệ sở hữu, quản lý, địa vị chính trị xã hội ...) được hình thành dựa trên một cơ cấu kinh tế nhất định.
Trong một xã hội có giai cấp thì cơ cấu xã hội - giai cấp là bộ phận cơ bản, có vị trí quan trọng quyết định nhất, chi phối các loại hình cơ cấu khác, vì những lý do sau:
+ Cơ cấu xã hội - giai cấp tồn tại nhằm bảo vệ lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.
+ Cơ cấu xã hội - giai cấp quy định tính chất và bản chất của các quan hệ khác về xã hội.
+ Cơ cấu xã hội - giai cấp còn liên quan trực tiếp đến quyền lực chính trị.
+ Cơ cấu xã hội - giai cấp còn là yếu tố đặc trưng cho sự khác nhau về chất giữa xã hội này với xã hội khác.
+ Xuất phát từ cơ cấu xã hội - giai cấp mà người ta xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá phù hợp với mỗi giai tầng.
Như V.I. Lênin nói: Kết cấu xã hội và chính quyền có nhiều biến đổi, nếu không tìm hiểu những biến đổi này thì không thể tiến được một bước trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào.
* Xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội
- Xu hướng chủ yếu
Trong thời kỳ quá độ và kể cả dưới chủ nghĩa xã hội, mặc dù đã xoá bỏ được sự đối kháng về giai cấp, bất bình đẳng về giai cấp, mang lại sự thay đổi về chất của các giai cấp và tầng lớp nhân dân lao động so với xã hội trước đó, nhưng với nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần dưới sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa nên vẫn còn tồn tại sự khác nhau giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội về nhiều mặt. Song, sự khác nhau đó sẽ ngày càng được rút ngắn, sự xích lại gần nhau ngày càng được gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xu hướng xích lại gần nhau được thể hiện ở 4 điểm sau đây:
+ Sự xích lại gần nhau từng bước giữa các giai cấp, tầng lớp về mối quan hệ với tư liệu sản xuất. Xu hướng này thể hiện thông qua việc dần dần hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao. Với chủ trương phát triển nhiều thành phần kinh tế, đa dạng hoá chế độ sở hữu ... tạo điều kiện cho các thành phần xã hội tồn tại bên cạnh nhau, xích lại gần nhau, đan xen lẫn nhau để cùng phát triển.
+ Sự xích lại gần nhau về tính chất lao động giữa các giai cấp, tầng lớp. Xu hướng này thể hiện thông qua việc phát triển cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ, áp dụng những thành tựu mới vào quá trình phát triển lực lượng sản xuất, rút ngắn khoảng cách của sự khác biệt giữa các lực lượng xã hội trong quá trình lao động.
+ Sự xích lại gần nhau về mối quan hệ phân phối tư liệu tiêu dùng giữa các giai cấp và tầng lớp. Xu hướng này diễn ra chủ yếu liên quan đến việc thực hiện ngày càng hoàn thiện nguyên tắc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế.
+ Sự xích lại gần nhau về tiến bộ, về đời sống tinh thần giữa các giai cấp. Xu hướng này thể hiện trực tiếp thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá làm cho các giai tầng xích lại gần nhau.
- Tính quy luật của sự biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Sự biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp gắn liền và được quy định bởi biến động cơ cấu kinh tế, thành phần kinh tế, cơ chế hành chính kinh tế - xã hội. Sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế tất yếu dẫn tới cơ cấu xã hội giai cấp đa dạng và phức tạp. Trong thời kỳ này, có những giai cấp, tầng lớp của cơ cấu xã hội giai cấp mới và một bộ phận của giai cấp, tầng lớp bóc lột. Quá trình biến đổi cơ cấu xã hội giai cấp cũ sang cơ cấu xã hội giai cấp mới là quá trình liên tục, đa dạng, phức tạp và mạnh mẽ. Cơ cấu xã hội giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội biến động và phát triển trong mối quan hệ vừa có mâu thuẫn, vừa có mối quan hệ liên minh với nhau, tiến tới xoá bỏ hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội, đưa đến sự xích lại gần nhau giữa các giai cấp và tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giữa công nhân, nông dân và trí thức.
- Xu hướng phát triển của cơ cấu xã hội - giai cấp ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ: tính đa dạng và tính thống nhất
Tính đa dạng thể hiện ở sự tồn tại nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp xã hội: Giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, bộ phận tư sản và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Tính đa dạng còn thể hiện ngay cả trong cơ cấu của mỗi giai tầng.
Tính thống nhất thể hiện ở chỗ trong cơ cấu xã hội giai cấp ấy, giai cấp công nhân, lực lượng tiêu biểu cho phương thức sản xuất giữ vai trò chủ đạo trong quá trình cải biến xã hội. Đồng thời giai cấp công nhân cùng với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức tạo thành nền tảng chính trị - xã hội vững chắc, tạo nên sự thống nhất của cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top