VII

 CUỘC SỐNG KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG NÊN BUỒN. Tôi rút ra kết luận cực kì tươi sáng này khi tôi đang nằm trên giường, nghe gió thổi hiu hiu và tiếng ve râm ran trên những cành cây còn mơn ướt do trận mưa tối hôm qua, vào một ngày cũng tươi sáng không kém. Đó là khi tôi bước sang tuổi 18.
Ở tuổi 18, tôi có hai niềm vui lớn, 1 là tôi đã chính thức trở thành người lớn, không bị bố mẹ quản lý chặt chẽ mỗi ngày nữa, thậm chí tôi có thể đi chơi cả đêm mà không sợ bị quát mắng hay rầy la, và 2 là tôi vẫn giữ được mối tình của mình không bị sự tàn nhẫn của thời gian làm thêm xước.
 Nếu so sánh hai niềm vui thì có lẽ đối với tôi niềm vui thứ hai quan trọng hơn cả, bởi vì dù sao đó cũng là người con gái mà tôi mong muốn sẽ đi cùng nhau đến cùng trời cuối đất, được chở che, bên cạnh nhau trong những ngày  cô đơn, khốn khổ nhất. Không chỉ khi chúng tôi học hết đại học, mà sẽ còn giữ đến lúc xa hơn nữa, lâu hơn nữa mà tôi cũng không dám chắc đó là lúc nào.

Tất nhiên là tôi có thể đi chơi bất cứ lúc nào bản thân muốn, nhưng không ai lại dành thời gian ôn thi của mình để lông bông ở quán bi-a hay những chỗ ăn chơi đàn đúm cả,  mà dốc sức để chuẩn bị cho cuộc thi sắp là đáng hơn nhiều. Ba mẹ tôi hướng tôi vào đại học nông nghiệp, tuy rằng làm việc vất vả nhưng bù lại sẽ không bao giờ lâm vào tình trạng thiếu thốn lương thực, mà thậm chí còn có thể dư ra cho con cháu đời sau, nhưng tôi không thích. Hình ảnh người thầy giáo nghiêm trang, đạo mạo cầm viên phấn viết từng nét chữ con con đã in hẳn vào trong tâm trí tôi như đóng một cái nêm. Nên tôi quyết định thi vào cao đẳng Vĩnh Phúc, nuôi trong mình một ước mơ cháy bỏng.
Khoảng thời gian ôn thi có lẽ là khoảng thời gian thoải mái nhất khi tôi hầu như không phải động vào một việc gì. Từ nấu cơm, đi chợ, quét nhà,... tất cả đều dồn vào đôi tay của mẹ tôi khiến bà không lúc nào ngơi tay. Tôi cũng dốc sức vào ôn thi, chỉ mong sao có kết quả tốt nhất để mẹ tôi được nở mày nở mặt với mọi người.
Tôi vừa đi thi sơ khảo về mà lòng như lửa đốt, bài làm gồm 30 câu mà chỉ làm được 24 câu, thậm chí còn chưa biết đúng sai ra sao, điều đó càng khiến cho tôi mấy ngày qua cứ đứng ngồi không yên.
Vòng sơ khảo chưa qua được bao lâu, vấn đáp lại tới khiến cho lũ học sinh bị quay như chong chóng. Hôm đó tôi tới trường với một tâm trạng hơi bối rối, lòng cứ bồn chồn không biết khi vào đó sẽ phải trả lời những câu hỏi như thế nào. Quyển sách văn để trên tay, tôi cứ lật ra lại gấp vào, trong trạng thái mơ hồ.
  Nhưng rồi sau đó, tôi gặp lại được vài đứa bạn cũ học cùng nhau cũng lên đây thi vấn đáp, hai bên trò chuyện với nhau tíu tít, dần dần tôi cũng dần trấn tĩnh lại, và chẳng bao lâu, tên tôi đã được gọi lên phòng.
Có ba thầy phụ trách việc kiểm tra, thầy ngồi giữa có dáng dấp của một thư sinh, thầy ngồi bên phải có bụng trông như hồ lô phong thủy tôi hay nghịch hồi bé, còn thầy cuối cùng không có gì đặc biệt lắm nên cũng chẳng để ý.
 Câu đầu tiên là về lịch sử, tôi tủ môn này nên trả lời ro ro, câu thứ hai hơi khó nhưng nhờ sự bình tĩnh, tôi cũng trả lời được mặc dù hơi ấp úng, còn đến câu thứ ba thì mới ngã ngửa.
Câu thứ ba do ông thầy dáng dấp thư sinh hỏi:
- Cậu tên Đông, đúng chứ?
Tôi chột dạ:
- Vâng, thưa thầy.
- Hãy kể một tác phẩm có tên cậu.
Tôi giật mình, ngơ ngác. Giữa hàng ngàn hàng vạn tác phẩm trên thế giới, lấy đâu ra tác phẩm có tên tôi?
Bỗng nhiên tôi nhớ đến tác phẩm Sông Đông êm đềm của Mikhail Sholokhov được học hồi tôi lớp 3, liền đọc to, kính cẩn như đọc bản tuyên thể khiến ba ông thầy kia phải bật cười.
Bước ra khỏi phòng, tôi như trút được hàng tấn gánh nặng, mấy đứa bạn lúc nãy thấy tôi bước ra khỏi phòng, liền nhao nhao:
- Thế nào, trả lời được không?
Tôi kể lại mấy câu hỏi của các thầy, chúng nó nghe xong nhăn mặt nói:
- Mấy ông này toàn hỏi gì đâu!
Nhưng kết quả là chúng nó vẫn không trượt, mấy đứa này số hên hết biết!
Nhưng đó chưa phải là điều bất ngờ nhất, trong lúc tôi đang xem tôi đứng thứ bao nhiêu thì cái tên " Nguyễn Phương Anh " đập vào mắt tôi, nghe sao da diết.
Lúc đầu tôi còn tưởng người giống người, nhưng sau khi nhìn thấy mái tóc bồng bềnh đã làm chỗ dựa cho tôi không biết bao nhiêu lần đang thấp thoáng sau những tà áo dài, tôi mới biết là mình không lầm.
Tôi chạy tới cầm tay nó, trên vẻ mặt yêu kiều đó thoáng lộ một nụ cười, có lẽ nó đã biết người đằng sau nó là tôi.
Hai đứa kéo nhau ra quán cà phê, tôi mừng rỡ hỏi:
- Không ngờ tao lại gặp mày ở đây! mày cũng định mai sau làm cô giáo à?
Rồi tôi chêm thêm câu nói đùa:
- Mày làm cô giáo sức mấy học trò sợ.
- Học trò như ông mới không sợ thì có.
Rồi hai đứa cùng cười vang.
Bỗng nhiên, Phương Anh nói:
- Ông có biết tôi thi vào trường này để làm gì không?
Rồi không để cho tôi kịp trả lời, một giọng nói nhẹ nhàng, mỏng manh lướt qua như một cơn gió:
- Để hàng ngày được đi học chung với ông đó.
Khi tôi nghe câu nói đó, bóng mặt trời đã không còn gắt như hồi mới trưa. Bên vệ đường, những chú chim cũng không bay xuống đùa nghịch để nhường chỗ cho sự trang hoàng của ánh chiều tà, và cả cho cô bạn nhỏ của tôi nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top