IX
CUỘC SỐNG CỦA MỘT CHÀNG THANH NIÊN 22 TUỔI LÀ GÌ? Tất nhiên là đọc báo và nghỉ trưa, ai mà chẳng biết. Trời hôm nay nắng lắm, nên là ta cũng chẳng đi đâu làm gì, cứ ngồi nhà mà lười nhác vậy thôi. Kệ mấy kẻ đang chật vật ngoài kia, ta cứ thưởng thức thú vui của cuộc đời cái đã.
Tôi nghĩ bụng, đơn giản là vì nay là ngày tôi chính thức thi xong, chính thức bước sang một con đường mới.
Bạn cũng đừng trách tôi phung phí thời gian quá như vậy. Đơn giản là vì chỉ vài ngày nữa thôi, tôi sẽ không còn được thảnh thơi như thế này nữa, mà sẽ phải đi, biền biệt. Sẽ xa gia đình, bạn bè, và cả Phương Anh trong vòng 2 năm không thêm không bớt.
Trước lúc đi, mẹ tôi có dặn dò tôi hàng lô lốc điều mà tôi đã thuộc lòng như cháo chảy, bố tôi thì bắt tôi phải rèn luyện thân thể để vào đó còn có thể chịu đựng được những bài tập có thể nói là khó khăn. Còn tôi? tôi chẳng thèm bận tâm đến điều đó mảy may, mặc kệ những lời nói của những cụ già trong làng. Nào là " nghĩa vụ cực lắm, mày đi làm gì cho mệt người " " đi nghĩa vụ khổ lắm, tao còn phải trốn về đây " " cuộc sống ở đó kham khổ lắm " tôi chỉ cười khẩy và không thèm quan tâm dù chỉ một chữ. Đi nghĩa vụ thì sao chứ? Khổ thì sao chứ? Tôi coi đó là một hành trình để rèn luyện thân thể cũng như là hiểu được cuộc sống của những người bộ đội thời kì tranh chiến. Và còn quan trọng hơn, sau khi trở về, tôi sẽ chính thức được coi là một công nhân đàng hoàng, có cuộc sống đủ ấm no như bao người khác. Vợ chồng sẽ có nhà,có cửa, có con có cái. Thậm chí tôi với em còn là đồng nghiệp nữa chứ. Đó mới là cuộc sống mà tôi hằng mơ ước. Họ thì chỉ nghĩ đến bản thân, sự ham vui và những dục vọng của cuộc sống, họ coi trời như vung, coi chiến tranh và bộ đội cụ Hồ như rác. Lũ con người nhà quê đó sáng thì đi chơi xem hoa xem nước, tối về đánh tổ tôm thì kêu khổ là đúng. Tôi nghĩ vậy và cười thầm, trong bụng càng khinh rẻ những con người như vậy.
1 tuần, 2 ngày, rồi 1 ngày, chỉ một ngày nữa thôi, tôi sẽ phải xa mọi người. Ôi sao mà nhanh đến vậy! Tôi mải nghĩ đến cuộc sống mới, môi trường mới nên cũng chẳng buồn bao nhiêu, chỉ mãi khi bước lên xe, thấy mọi người đang ngày càng xa dần, tôi mới hay mình đã rơi nước mắt.
Vào nơi đây, tôi gần như thay đổi. Cuộc sống khắc nghiệt đã khiến tôi không còn giữ được lối bạt mạng như cũ nữa. Tôi trở nên điềm đạm, trầm tĩnh hơn. Và dường như ai ở nơi đây cũng vậy, trông họ trên người toàn những hình xăm, vết chém nhưng lại rất thân thiện, ôn hòa. Điều đó khiến tôi càng thêm nể phục cách đào tạo của những người nơi đây.
Thêm một điều tôi thấy khá là buồn cười, đó chính là ở đây sử dụng phương thức sinh hoạt chung. Nghĩa là bạn làm gì, ở đâu, ai ai cũng đều biết hết cả. Tôi nhớ có lần có một anh, vì than khổ mà quyết định trốn đi, vừa trèo lên đến bờ rào thì đã thấy 5-6 cặp mắt đang tò mò nhìn anh rồi, đã thế lại còn chỉ trỏ bàn tán. Hóa ra khi anh vừa bước ra khỏi phòng, phải hàng chục người đã để ý anh và đi theo, họ cứ nhấp nha nhấp nhổm, như sợ bỏ lỡ cuộc vui này vậy. Bây giờ ngồi viết lại những thứ đó, tôi vẫn còn phải bật cười.
Mặc dù phải đi xa, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một số tin tức ở quê nhà do những phong thư của bố mẹ gửi lên. Và vẫn những câu hỏi muôn thuở, lúc nào cũng là về cuộc sống của tôi như thế nào, ăn uống, sinh hoạt có bị thiếu thốn gì không để bố mẹ gửi lên. Và cũng những câu trả lời muôn thuở, tôi luôn nói lại rằng tôi ở đây vẫn khỏe, chẳng bệnh tật, ốm đau chi hết, mặc dù đôi khi tôi vẫn lên cơn sốt rên hừ hừ được.
Nhưng điều thú vị nhất và tôi quan tâm nhiều nhất lại là thư của Phương Anh. Chúng tôi trao đổi với nhau suốt ngày, từ những điều lặt vặt nhất. Nghe những câu nói nhũng nhịu của em, tôi càng cảm thấy như hoa nở bung hơn, vạn vật như có sức sống hơn và thế giới như đáng sống hơn hẳn. Và nó cũng tô điểm cho ngày trở về của tôi càng thêm sắc.
- Ê, tao mới kiếm được ít đồ hộp này. Tây hẳn hoi nhé.
- Mày lấy đâu ra mấy thứ này vậy?
- Của mấy bà nay đi thăm chiến sĩ đó, toàn bà đầm, bà hiệu cả, tao chỉ cần vác cờ đi loanh quanh qua lại là mấy bà đã rối rít mời lại cho quà rồi.
Rồi hai đứa nó lại cười hì hì, tôi nghe thấy tiếng mở hộp soàn soạt.
Rõ là thằng Quân với thằng Long, tôi nhủ bụng. Đó là hai đứa mới vào, toàn con nhà quan cả, nên chúng nó cũng cóc sợ ai hết. Nó thậm chí còn lên giọng với cả chính trị viên, cán bộ,... như đây là nhà của nó vậy. Chúng nó cả gan ăn đồ ngay giữa đêm như này, hẳn không biết sợ. Hôm nay vẫn là thứ ba, nghĩa là chưa đến ngày nghỉ. " mai mình phải nói với trung đội trưởng, quạt chúng nó một trận ", nhưng rồi tôi lại dẹp đi ý nghĩ đó ngay. Chẳng lẽ tôi lại trở thành một con người dò xét, chĩa mõm vào chuyện thiên hạ như vậy sao? Ôi thôi, đó là kiểu người mà trước đến nay, tôi vẫn thầm ghét. Chẳng lẽ môi trường ở đây đã biến tôi thành con người khác? Trước đây, tôi vẫn là người ưa cười cợt, chẳng để tâm đến chuyện thiên hạ bao nhiêu, vậy mà giờ đây tôi lại biến thành một người khó tính, thích dò xét? Chúng nó làm gì thì mặc kệ chúng nó, mình lo việc đó làm chi, rồi lại vác họa vào thân. Bên cạnh những dòng suy nghĩ tôi, tiếng sột soạt của đồ hộp vẫn vang lên, thậm chí còn to hơn khi nãy, như muốn phá vỡ không gian tĩnh mịch của buổi đêm vậy.
Sau đêm hôm đó, tôi nghĩ rằng mình không thể nào ra vẻ trầm tính, người có học mãi được, nó sẽ thay đổi cả con người mình mất. Mình cần phải thay đổi bầu không khí im lặng giữa mọi người thế này. Và thế là trong lần thăm tiếp theo, tôi đã xin mẹ mang cho mình một cây guitar đến, rồi những giờ nghỉ, căn phòng của chúng tôi đều vang tiếng nhạc, kể cả buổi trưa hay buổi tối, khiến cho cán bộ chức vụ cao nhiều lần chẳng ngủ được mà chạy sang mắng chúng tôi. Nhưng cũng vì vậy mà khi ra quân, tôi được mọi người bầu làm chiến sĩ xuất sắc, góp phần mang sự vui tươi của văn nghệ đến với mọi người. Khi tôi đi, mấy đứa nhóc mới vào có ý tiếc, bởi vì chúng nó sành hát, mà chỉ có mỗi tôi có guitar, tôi nghe chúng nó nói vậy mà chỉ cười cười, rồi bảo: " không có tao, thì chúng mày vẫn hát được đấy thôi, tận dụng cây cỏ mà làm nhạc cụ " đó là tôi nói chơi, ai ngờ chúng nó lại làm thật. Chính chúng nó đã gửi thư cảm ơn về cho tôi kia mà.
Mà thôi, mặc kệ chúng nó đi. Có lẽ giờ này em đang mong tôi ở nhà đấy, nhỉ ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top