Hoa hồng đỏ

Buổi sáng hôm sau đi làm. Duy Nhất nhận được một bó hoa hồng đỏ xinh đẹp bắt mắt và một tấm thiệp chữ bay bướm:
"Chúc Duy Nhất một ngày làm việc thành công vui vẻ."
Duy Nhất lặng thinh nhìn bó hoa rồi tấm thiệp, suy xét xem nên để chúng ở đâu. Cuối cùng cô nhét tấm thiệp vào ngăn bàn, bó hoa để dưới chân. Duy Nhất đi làm sớm nhất, phòng Kế Toán chưa ai vào. Đến trưa khi cô đứng dậy đi ăn, bó hoa rơi ra từ chỗ ngồi, lọt vào mắt đồng nghiệp Nga ngồi bàn đối diện.
Nga là hoa khôi của công ty, xinh đẹp yêu kiều, tóc xoăn nhuộm vàng thời thượng, trang điểm đẹp mắt, thân hình gợi cảm. Nghe đâu chú của cô còn là thành viên Hội Đồng quản trị. Người yêu của cô cũng là nam tài tử Thế Huy, "gà" cưng của công ty Hi Vọng.
Nga cười với Duy Nhất, giọng nói mềm mại:
" Hôm nay là sinh nhật của cậu à? Người yêu cậu tâm lý quá nhỉ?"
Duy Nhất bình thản đá bó hoa sát vào góc bàn:
"Hôm nay không phải sinh nhật tôi, người này tôi cũng không quen."
Nga rất chán ghét thái độ không nóng không lạnh của Duy Nhất, trong lòng luôn âm thầm quy chụp cô là do được chị Hà Trưởng phòng thiên vị mà chảnh chọe. Có mấy người ở phòng Truyền Thông để ý đến Duy Nhất, khiến Nga càng thêm khó chịu. Cô không hiểu con bé nhà quê cục mịch kia có sức hấp dẫn gì. Cho nên mấy ngày sau thấy Duy Nhất nhận được thiệp mời đến dự tiệc mừng Giáng Sinh tại nhà riêng của Tổng Giám Đốc, Nga tức giân đến độ cả ngày không tập trung nổi vào công việc. Thân thế của cô cũng thuộc hàng "khủng" trong công ty, thế mà vẫn không được mời. Thế Huy cũng không kiếm nổi cho cô tấm vé. Ngay cả chị Hà cũng không có. Nhìn vẻ mặt bình thản của Duy Nhất, Nga càng căm tức.
Con nhỏ giả tạo, Nga thầm mắng trong lòng.
Duy Nhất lại ném tấm thiệp vào ngăn bàn, dọn dẹp đồ đạc ra về. Hôm nay cô hứa với Minh Tuấn sẽ đi kiểm tra ở bác sĩ Lan Anh.
Minh Tuấn đón cô dưới sảnh tòa nhà. Duy Nhất ngồi vào ghế lái phụ chiếc Range Rover, liếc thấy cô đồng nghiệp đang trố mắt nhìn mình, cô thở dài nói với Minh Tuấn:
"Em đã bảo anh đi xe đừng gây chú ý mà. Không phải cảnh sát các anh đều tránh sự chú ý sao."
Minh Tuấn mang kính râm, mặc áo thun tay ngắn lộ ra cơ bắp tay săn chắc, anh cười vui vẻ:
" Hiện tại anh đang nghỉ phép mà. Xe nhỏ mẹ anh lấy đi làm đẹp rồi, nhà chỉ còn chiếc này thôi, anh cũng không thể đón em bằng xe máy được."
Duy Nhất không hỏi rõ gia đình của Minh Tuấn, chỉ lờ mờ biết bố anh làm rất lớn trong quân đội, mẹ anh cũng giữ vị trí cao trong Ngân hàng Nhà nước. Anh là con trai cả, sau anh còn có hai em gái và một em trai.
Thế mà kì nghỉ nào anh cũng quanh quẩn bên cô.
Bác sĩ Lan Anh là trưởng khoa của bệnh viện Tâm Thần, cũng là giảng viên đại học bộ môn Tâm lý. Bác sĩ mở phòng mạch riêng tại nhà, khám ngày thứ bảy và chủ nhật.
Minh Tuấn đã hẹn trước, hai người vừa đến đã được mời vào phòng. Cô y tá có vẻ là người mới, cô nhẹ nhàng nhắc nhở Minh Tuấn, ánh mắt lúng liếc:
"Anh ơi, chỉ người bệnh mới được vào thôi, anh chờ ở bên ngoài nha."
Minh Tuấn lịch sự đáp:
"Tôi là người giám hộ, được chỉ định luôn phải ở bên cạnh cô ấy."
Duy Nhất nghe lời nói này, vài mảnh kí ức ngày đó không khống chế được mà tuôn ra.
"Trung úy Minh Tuấn, anh được đặc cách vào bệnh viện chăm sóc nạn nhân, cô bé đang rất hoảng loạn, anh lại là người đầu tiên tiếp cận hiện trường, giải cứu cô bé, anh có thể vào viện khuyên cô bé tiếp nhận điều trị. Hiện tại cô bé không cho bất kỳ ai tiếp cận."
"Nè bé con, anh là Minh Tuấn, em biết anh sẽ không làm hại em mà đúng không?"
"Em tên Duy Nhất sao? Nghe lạ tai thật, em bằng tuổi với thằng Út nhà anh, hay anh gọi em là Út Một nhé?"
" Duy Nhất, em nghe anh nói, anh biết rất khó khăn cho em, nhưng em phải nói ra hết diễn biến ngày đó, để tòa án có thể kết tội kẻ xấu, trừng trị hắn, không cho hắn đi hại những cô bé khác nữa."
Trong phòng điều hòa rất lạnh, nhưng Duy Nhất đổ mồ hôi, cả người cứng lại, một khuôn mặt đen sì lởn vởn quanh đầu cô.
Minh Tuấn để Duy Nhất ngồi ghế bên trái, anh tự ngồi vào ghế bên phải. Bác sĩ Lan Anh vẫn còn ghi chép vài tài liệu, sau đó bà lật đến hồ sơ bệnh nhân trước mặt.
Lâm Duy Nhất.
Chuẩn đoán: Trầm cảm, sợ xã hội.
Bà ngẩng lên, mỉm cười đôn hậu.
"Đã lâu rồi không gặp con, Duy Nhất."
Cô chỉnh lại gọng kiếng, xem như là đáp lễ với bà. Mùi thuốc sát khuẩn trong phòng này liên tục đánh vào đầu Duy Nhất, nhằm moi ra cho bằng được những kí ức đen tối cô có trong căn phòng này. Không như những tâm sự đau khổ, càng nói ra càng dễ chịu, bị ép phải nói những điều thối tha chôn sâu trong lòng, bạn nói một lời lại tủi nhục, nói một lời lại sợ cái nhìn của người khác dán lên người mình, những cái nhìn tò mò, thương hại, hả hê, nghi hoặc.
"Mắt kính to quá nhỉ, hình như là không có tròng." Cặp mắt sắc bén của bác sĩ Lan Anh lia tới vẻ ngoài của Duy Nhất, âm thầm đánh giá.
Duy Nhất biết bà ấy đang bắt đầu đợt trị liệu.
" Có ạ." – Duy Nhất không nhìn lên.
Bà Lan Anh cũng không truy hỏi, vẫn tiếp những câu hỏi như là trò chuyện giữa người thân đã lâu không gặp:
"Con đã tập đi xe máy chưa?"
" ... chưa ạ."
"Công ty thì thế nào, con nhớ tên bao nhiêu đồng nghiệp ở công ty?"
"... 3 người."
"Trong đó có người nào là nam không?"
"Có ạ."
Mắt bác sĩ Lan Anh lóe sáng, biểu cảm của bà khiến Duy Nhất khá cảm động. Dẫu sao, bà ấy cũng đã điều trị cho cô từ ngày ấy...
Kết thúc điều trị, Duy Nhất cầm toa thuốc ra quầy thanh toán, Minh Tuấn vẫn còn ở trong phòng nói chuyện với bác sĩ Lan Anh.
" Con bé vẫn còn kín đáo, tâm tư khó dò, không mở lòng cũng không đặc biệt quan tâm đến chuyện gì. Nói tình hình tệ hơn thì cũng không phải nhưng nếu nói có tiến triển thì cũng không đúng. Cách ăn mặc như tự ngụy trang bảo vệ mình thì không nói, nhưng xe máy không tập, chính là không muốn ở ngoài đường tiếp xúc nhiều người. Trong công ty chỉ biết tên trưởng phòng, và Tổng Giám Đốc. Cậu hãy chuẩn bị tâm lý rằng con bé có thể sẽ như vậy đến cuối đời, cứ sống như một người đã chết."
Minh Tuấn im lặng trong suốt 20 phút lái xe, đến một ngã tư, anh bất ngờ đánh lái sang hướng ngược lại. Duy Nhất nhìn anh. Anh cười nói:
" Đi thăm con trai em đi!".

+++
Một ngày năm năm trước, Duy Nhất lẻn lên tầng thượng bệnh viện, chuẩn bị nhảy xuống. Lúc đó có một đôi vợ chồng già làm lao công bệnh viện, không con cái, giăng lều trái phép trên tầng thượng để sống. Đôi vợ chồng vô tình trông thấy Duy Nhất, kéo cô xuống, giáo huấn cho cô một trận ầm ĩ cả bệnh viện, đến nỗi người ta phát hiện ra căn lều của họ. Sau đó bà vợ quyết dẫn Duy Nhất đi Chùa nghe đọc Kinh Phật mỗi Thứ Bảy.
Duy Nhất gặp Út Một trong Chùa. Con là đứa bé bất hạnh, bị bỏ rơi lúc mới có 1 ngày tuổi, dây rốn cũng chưa cắt. Bà mẹ để lại một phong thư toàn lỗi chính tả, viết rằng cô là một cô gái làng chơi, mang trong mình căn bệnh thế kỷ, không thể nuôi đứa con này, mong rằng gửi nó vào Chùa, cho nghe Kinh Phật mỗi ngày, sống được ngày nào hay ngày đó.
Duy Nhất là người đầu tiên phát hiện ra Út Một, do cô bị bà lão bắt đến Chùa rất sớm, vì bà còn phải đi quét rác. Út Một có lẽ là rất đau đớn, con khóc rất hăng, mặt đỏ ửng, đôi tay nhỏ xíu nắm lấy ngón tay của Duy Nhất, lực hầu như không có nhưng cái nắm đó chạm được vào tim Duy Nhất. Cô thấy bản thân mình trong Út Một. Cô cũng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, cũng bị một "căn bệnh" mà những người cùng nằm viện luôn chỉ trỏ thì thầm sau lưng cô. Nhưng nhìn Út Một, cô không muốn con chấm dứt sinh mạng, cô muốn con tiếp tục được sống, được biết đến thế giới này, có thể ăn một món ngon, nghe một bài hát hay, du lịch đến một nơi tuyệt đẹp... Cô chợt hiểu được nỗi lòng của Minh Tuấn, bác sĩ Lan Anh, hay bà lão trước mặt đây.
Từ đó Duy Nhất thôi không muốn tự tử nữa. Cô bỏ một khoản tiền mua cho hai vợ chồng già một căn nhà, thấy họ vẫn tiếp tục đi quét rác, Duy Nhất thuê họ làm công việc chăm sóc Út Một hộ cô. Cặp vợ chồng già không con mừng mừng tủi tủi. Nhờ điều trị bằng thuốc tốt nhất, thiết bị hiện đại nhất, Út Một lớn lên từng ngày, tuy không cao to khỏe mạnh bằng đám bạn nhưng đáng yêu và thương Duy Nhất hết mực. Cuộc sống của Duy Nhất, nhờ vào Út Một và những người yêu thương cô, mà trôi qua yên bình.
Nhưng những kí ức tủi nhục không buông tha cho Duy Nhất. Cô quyết định đi du học một thời gian. Ban đầu muốn mang theo Út Một, nhưng đôi vợ chồng bà lão bảo họ đã già quá rồi, không biết còn sống bên Út Một được bao lâu, Duy Nhất lại đi không biết khi nào mới về. Ông bà nài nỉ, Duy Nhất đành để Út Một lại, một mình sang Mỹ.
Lúc trở về thì Út Một đã sống được 5 năm 3 tháng 12 ngày. Lâu hơn những đứa trẻ bị bệnh, nhưng lịch sử ghi lại, đứa sống được nhiều nhất cũng chỉ 7 năm. Từ năm 4 tuổi, Út Một sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Duy Nhất nhìn con qua tấm kính, giọng cô khàn khàn hiếm có:
"Con đã được đi những đâu rồi?"
Minh Tuấn khẽ đáp:
" Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Hà Nội."
"Ăn uống thế nào?"
" Từ món Âu đến món Á đều xơi hết rồi."
Duy Nhất hơi mỉm cười, nhưng rồi đôi mắt lại đượm buồn:
" Còn nhiều nơi chưa đi, nhiều món chưa ăn."
Minh Tuấn lặng lẽ nhìn Duy Nhất, anh thận trọng lên tiếng:
"Đã bao lâu rồi em không bước chân ra ngoài? Ăn những món ngon? Kết giao bạn bè? Em nói muốn cho Út Một biết đến thế giới muôn màu muôn vẻ này, nhưng còn em, em có làm được điều đó không?"
Duy Nhất lặng thinh. Cô thấy mình cũng đang nằm cùng Út Một trên giường bệnh, bị "căn bệnh" ấy hành hạ, mệt mỏi ngủ thiếp.
Một đám điều dưỡng đi ngang qua, cười giỡn, vô tình đụng phải Duy Nhất. Cô giật thót mình. Nam điều dưỡng thấy cô xinh đẹp, liền lợi dụng xoa tay cô hỏi han. Minh Tuấn chưa kịp lên tiếng, Duy Nhất đã gằn giọng, đôi mắt hung dữ độc địa:
"Đừng chạm vào người tôi!"
Đám điều dưỡng hoảng sợ tản ra, cuối cùng xì xào to nhỏ sau lưng Duy Nhất.
Minh Tuấn suy tư nhìn Duy Nhất, đôi mắt ngấn nước, sau tất cả những gì anh đã chứng kiến, làm sao anh lại trách Duy Nhất? Cô như vậy, đâu phải do cô chọn.
+++

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top