Bắt đơm đớm ở Sài Gòn
Ngay từ nhỏ tôi đã được nghe bố mẹ thay phiên nhau kể về tuổi thơ của họ. Tuổi thơ kì diệu gắn liền với những con đom đóm có khả năng phát sáng trong đêm tối. Rồi khi đến tuổi cắp sách tới trường, tôi lại tiếp tục được nghe thầy cô dậy về câu chuyện của những quan Trạng ngày xưa đã dùng đom đóm thay đèn đọc sách. Hình ảnh những chú đom đóm bay lượn chập chờn trong đêm tuy vô cùng giản dị nhưng với tôi đó là 1 trong những hình ảnh thần kì và đẹp đẽ tựa như những vì sao lấp lánh mà tôi chẳng thể chạm đến được. Đơn giản vì tôi là 1 đứa con nít thành thị. Và bởi vì là 1 đứa con nít thành thị nên tôi chẳng thể nào biết con đom đóm hình dạng như thế nào, ánh sáng lập lòe của nó ra làm sao. Cũng như 1 đứa con nít nơi phố phường thì chẳng thể nào biết leo cây, biết câu cá, biết bắt ếch hay biết lội sông, v.v... Những hình ảnh trẻ thơ giữa cánh đồng dường như chỉ có trong những bài văn, bài thơ mà chúng tôi đọc trên trang sách nhà trường, ngoài ra chẳng thể kiếm ở đâu được trong thành phố này những thứ dân dã như thế.
Tôi còn nhớ hồi học tiểu học, cô giáo cho 1 bài tập làm văn với đề tài em hãy tả con gà trống. Tôi đã nghe theo lời dạy của cô giáo xinh đẹp rằng, mở bài phải có những ý đại loại như: em về quê ngoại chơi, rồi thấy con gà trống chạy lon ton trên sân nhà, hoặc bố em bỗng đem về 1 con gà trống trong 1 ngày hè nóng nực, v.v... và sau đây, em xin tả lại con gà trống! Giờ nghĩ lại thật buồn cười làm sao! Đơn giản từ lúc lọt lòng mẹ, tôi chưa bao giờ về quê ngoại, bởi lẽ ngoại tôi cũng đã sống trên mảnh đất Sài Gòn này từ thuở nào rồi. Bố tôi thì càng không bao giờ giữ trưa hè nóng nực lại mang về 1 con gà trống cả, giả sử có mang về thu cũng mang về nhà 1 con gà mái dầu đã làm lông sẵn, chứ nguyên con gà còn sống thì xin chào thua, tôi chưa bao giờ chứng kiến. Nhưng không sao! Qua sách ảnh và tivi tôi cũng biết được con gà trống nó như thế nào rồi. Với 1 học sinh tiểu học thì thầy cô chẳng thể nào đòi hỏi chúng tôi tả chân thực và đầy cảm xúc cho được. Cứ theo cách cô giáo chỉ bảo là thế nào tôi cũng trên điểm trung bình : con gà của em có cái đầu to bằng quả quít, trên đầu có 1 cái mào màu đỏ như 1 cái vương niệm trông rất kiêu hãnh; gà chạy lon ton trong vườn ngoại kiếm mồi, vừa đi vừa vỗ cánh phành phạch rồi bỗng rướn chiếc cổ dài gáy ò ó o. Rồi sau đó, tôi chỉ cần bịa thêm vài chi tiết hoa hòe vào là được thêm điểm: Chú gà trống nhà em còn biết đá nữa. Chú Tư dưới quê dắt em đi xem đá gà ở cuối xóm rất vui. Chiến thắng trở về, bà ngoại thưởng cho 2 chú cháu 1 nồi cháo gà ngon tuyệt vời...
Con gà trống dễ nhận ra nhất, ấy vậy mà tuổi thơ của những đứa trẻ thành phố như tôi còn khó bắt gặp huống gì nói đến con đom đóm biết phát sáng. Đối vs tôi, cảnh tượng ấy thật tráng lệ nhưng cũng nhạt nhoà như thể 1 giấc mơ đẹp.
Tôi đã hỏi bố rằng: "Bố ơi, làm sao con có thể tìm được 1 con đom đóm phát sáng đây?". Bố tôi đã trả lời: "Dưới quê nhiều lắm con ạ!". Thế là tôi về quê, quê đối với 1 đứa trẻ thành thị như tôi vào lúc bấy giờ chỉ là... Phú Xuân Nhà Bè. Chạy bằng xe máy đến đó chưa đầy 30 phút! Quê tôi ngày xưa là thế đấy! Chẳng có gì lạ lẫm và xa xôi heo hút như các bạn vẫn tưởng. Nhưng thời ấy, Phú Xuân Nhà Bè vẫn còn hoang sơ, vẫn còn rất nhiều dừa, nhiều sông rạch, mương đào, trẻ em vẫn có thể trèo cây, câu cá, thả diều chứ không hiện đại, nhiều đường tráng nhựa như bây giờ! Thế là tôi lao vào công cuộc săn tìm đom đóm! Lạ thật, chạy khắp 1 khu xóm hỏi han, vậy mà chẳng ai biết được lũ đom đóm sinh sống ở chỗ nào. Hoa ra lũ trẻ dưới quê cũng chẳng biết đom đóm ra làm sao, tôi nghĩ. Rõ ràng là bố tôi nói xạo rồi!
Thế thì đành vậy! Về Sài Gòn thôi, nơi phố thị phồn hoa. Ngồi trên yên xe phía trước, trong lòng bố, ngắm nhìn đèn đường lấp lánh đủ màu sắc cũng vui rồi, và dùng hết sự ngây ngô của trẻ thơ mà tưởng tượng, mà mơ mộng. Con đom đóm là thế đấy, nó nhỏ như ngọn đèn neon, cũng nhấp nháy ánh sáng như ngọn đèn neon chớp tắt, cũng huyền diệu và chẳng thể nào với tới được!
"Bố ơi! Con muốn ăn kem Bạch Đằng!"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top