Buông bỏ.




Gió thổi qua trên những tán cây phượng vĩ vẫn còn xanh màu lá, tôi đưa mắt nhìn ra bầu trời cao xanh, lòng như trôi dạt trên những nấc mây trắng lửng lơ. Trời đã sang xuân, nhưng cái lạnh day dứt của mùa đông vẫn còn len lỏi. Khẽ vùi đầu trong chiếc áo len rộng thùng thình, tôi lấy vở che lại ánh nắng hằng lên gương mặt, mặc kệ tiếng giảng vẫn ồ ồ trên bục, thiếp mắt và ngẫn ngơ.

Tôi họ Mộc, tên một chữ Lam. Năm nay 22 tuổi, là sinh viên khoa thiết kế. Vẻ ngoài tôi không tính nổi bật, vẫn hai mắt một mũi một miệng tứ chi. Ngoại trừ khuôn mặt khá non nớt cùng đôi mắt luôn ngụy trang thuần khiết đáng yêu ra thì tôi đã ra đời được hai năm nay. À, ý tôi là tự lập.

Ba tôi là chủ một công ti điện máy tầm trung của thành phố, mẹ là một dược sĩ hơn 40 tuổi. Ba mẹ tôi li hôn nhau từ hồi tôi tầm hơn 10 tuổi. Từ đó, mẹ tôi ra nước ngoài, tôi sống với ba. Suốt hơn 10 năm qua, tôi vẫn chưa gặp lại bà, ngoại trừ vài tin tức nhỏ lẻ thu thập được từ bà con láng giềng, tôi biết mẹ tôi đã tái hôn và có một người con trai kém tôi 12 tuổi.

Tôi sống với ba, trong một căn nhà khá to nằm trên mảnh đất sầm uất của thành phố. Ba tôi bận bịu với nhiều công việc, hay đi công tác, cũng chẳng hay dành nhiều thời gian cho tôi. Thế nhưng, có chăng vì đã quá quen với điều đó, nên tôi từ ngày bé đã không còn chút cảm xúc gì đối với sự "ghẻ lạnh" này. Hoặc là vì điều gì đấy, tôi thấy được trong ánh mắt của ba khi đối mặt, là thập phần khó xử.

Cho đến khi tôi học năm cuối cấp hai, ba tôi đi thêm bước nữa. Đối tượng của ba là dì Nhã – Một người phụ nữ truyền thống, ít nói và có vẻ khá nghiêm khắc. Dì có một đứa con gái trạc tuổi tôi, tên Thuần Thuần, rất xinh đẹp. Thuần Thuần là một sinh viên kinh tế, rất tài giỏi, tính tình bình ổn trưởng thành, lại khéo léo ăn nói. Nhiều lúc, tôi thiết nghĩ, nếu Thuần Thuần là con ruột của ba, ắt hẳn ông sẽ yêu thương con bé đến cỡ nào. Chỉ có điều, sự thật vẫn là sự thật, và có lẽ vì một nguyên do nào đó, tôi cứ có cảm giác Thuần Thuần chẳng nhìn thuận mắt tôi!?

Ngày đầu tiên dì Nhã và Thuần Thuần chuyển vào sống chung, tôi ngoại trừ sự ngại ngùng gặp mặt thì còn có cả niềm vui con con trong lòng. Bởi lẽ, trong căn nhà rộng lớn này, từ nay sẽ không còn những chuỗi ngày một mình tôi với bốn bức từng, hay những bữa cơm lạnh lẽo và vài lời hỏi han có lệ của trợ lý ba tôi. Nhưng, duy chỉ có một điều mà chỉ bản thân tôi biết, đó chính là hoài niệm. Trên chiếc bàn kia, người ngồi đó, cạnh ba tôi từng là mẹ.

Cho đến khi, tôi nhìn ra được. Trên bàn ăn 4 người, sự lẻ loi luôn thuộc hẳn về tôi. Ba tôi từ ngày mẹ con Thuần Thuần chuyển về, ông về nhà sớm hơn lúc trước, cũng chẳng còn những buổi công tác kéo dài suốt 3,4 tháng trời. Tuy rằng ông vẫn không hay cười như lúc trước, không hay buông lời ngọt ngào sủng nịch, nhưng tôi thấy được, niềm hạnh phúc ngập tràn trên khuôn mặt của ông lại tràn đầy mãnh liệt.

Khi ông vuốt tóc dì Nhã, khi ông dịu dàng nhìn Thuần Thuần chăm luống hoa hồng, khi ông lặng lẽ kéo chăn cho Thuần Thuần trong những đêm về muộn, khi ông mỉm cười với họ, khi ông âu yếm nhìn họ. Tôi từng đứng trên cầu thang hàng giờ chỉ để nhìn cảnh ba người hòa thuận chuyện trò ngoài phòng khách, ánh mắt ba tôi trìu mến, khóe miệng dì Nhã cong cong cười, Thuần Thuần đáng yêu luyên thuyên kể chuyện về tương lai dự định. Những lúc đó, họ thật giống một gia đình, à mà không, họ vốn dĩ đang là một gia đình.

Chỉ là, niềm vui nhỏ bé tôi mơ ước những ngày họ đầu tiên về nhà, đã thành sự thật, nhưng lại chẳng còn hạnh phúc như đã tưởng tượng. Tôi thấy được sự lạc lõng của mình, cũng nhìn ra được, giữa ba và tôi, không còn chỉ là cách nhau khoảng cách, dường như có một bức tường vô hình nào đó ở giữa chúng tôi, ngăn cản trái tim đang thèm khát tình yêu của tôi và người ba từng một mực thương yêu tôi hết lòng.

Rồi dì Nhã có thai, một bé trai kháu khỉnh ra đời. Bé rất đáng yêu, ở nhà, mọi người hay gọi Lập Lập. Lập Lập hơn một tuổi mới bập bẹ biết nói, bé mập mạp, cười lên có những cái răng nhỏ nhỏ xinh xinh. Tôi rất thích bẹo cái má phúng phính bao nhiêu thịt của bé, rồi nghe cái miệng nhỏ nhỏ ấy ậm ừ gọi hai tiếng "chị...chị...". Chỉ là, có vẻ như, mỗi lần tôi gần gũi Lập Lập, ánh mắt của dì Nhã là muôn vàng khó chịu, đôi mày của ba tôi khe khẽ cau lại và đôi môi mím chặt không vui của Thuần Thuần.

Tiếp theo đó, chuỗi ngày Lập Lập từ bập bẹ biết nói sang có thể chập chững biết chạy, cũng chính là chuỗi ngày với bao nhiêu sự thay đổi trong cuộc sống của tôi. Sự hiện diện của tôi bao giờ cũng là gáo nước lạnh dội lên những câu chuyện phiếm hay tiếng cười của họ.

Mãi cho đến khi tôi hai mươi tuổi, trong một lần tình cờ nghe cuộc trò chuyện giữa ba và dì Nhã, tôi mới hiểu rõ nguyên nhân tường tận. Thì ra, không phải vì biểu hiện của tôi kém hơn Thuần Thuần, cũng không phải vì tính tình tôi lầm lì ít nói, không phải vì sự khó xử khi phải lựa chọn đối mặt với hai bên mà ba lại đối xử với tôi như vậy. Mọi chuyện, chỉ đơn giản vì tôi không phải là đứa con ba nên có, đơn giản vì tôi là thứ được sinh ra bởi sự lầm lỡ của ba mẹ trong ngày còn trẻ.

Tôi vẫn còn nhớ, đêm ấy, ba tôi đã buông tiếng thời dài rồi lặng lẽ buông lời than trách: "Giá mà lúc đó tôi không ngu dại, giá mà lúc đó tôi không sa chân lỡ bước. Lầm lỡ ngày trước tạo nên cục diện hôm nay, người đàn bà ấy vốn dĩ không nên bước vào đời tôi, cả con bé cũng vậy. Chỉ là, giờ đây như thế này, chính là thập phần khó xử."

Tôi không nhớ bản thân mình lúc đấy đã đứng lặng người bao lâu trước căn phòng luôn rủ rỉ tiếng nói chuyện kia. Chỉ là, đến khi chân không còn tí gì cảm giác, đôi mắt mờ tịt bởi nước mắt lưng tròng, đến khi đôi môi bị cắn đến bật máu và cả người ngồi thụp xuống sàn nhà lạnh lẽo, tôi mới biết được, thì ra bản thân là đang bị tổn thương.

Ngày trước, là ai đã từng ôm tôi bế vào lòng rồi thì thào kể chuyện cổ tích.

Ngày trước, là ai đã từng hôn tôi trong những đêm làm việc về muộn tận khuya.

Ngày trước, là ai chắt chiu từng giờ nghỉ quý báu để móm tôi ăn, chăm tôi học.

Ngày trước, là ai nắm lấy tay khi tôi vấp ngã xướt trầy đầu gối, lặng lẽ cạnh bên và hỏi: Tiểu Lam, đau lắm không?

Giờ đây, không phải là đầu gối, mà là trái tim. Không phải là trầy xướt, mà là vỡ vụn. Nỗi đau không còn là âm ỉ vài ngày mà là thấu tận tâm can. Nếu như lời kia là thật, vậy quá khứ ít ỏi kia chính là giả dối. Hoặc là, lời nói kia chỉ là trong phút nóng nảy hồ đồ, nhưng dù là thế nào, thì cũng thật bi ai.

Tôi muốn níu lại một chút gì đó , cho dù là đống vỡ nát của sự lãng quên . Nhưng tất cả mọi thứ đều thật mơ hồ. Họ đều đang bước vào con đường của riêng họ , chỉ còn tôi là đang bơ vơ đứng giữa những câu chuyện đầy đẹp tươi sớm trở thành quá khứ. Biết bao nhiêu nỗi sợ hãi chẳng thể gọi thành tên.

Đứng trước nỗi thương tổn ấy, một Mộc Lam hai mươi tuổi, tôi đã bỏ chạy ra khỏi đóng hỗn độn của cảm xúc tận đáy lòng. Tôi, là bỏ chạy, không phải là bỏ trốn, bởi vì tôn vốn dĩ không trốn tránh trái tim mình, mà là buông bỏ.

Chỉ là, đâu đó, có lẽ như thói quen hay là vô tình trong tiềm thức, vẫn còn một loại day dứt mang tên nỗi luyến lưu. 


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top