CNH-HDH_vchl
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá và vấn đề tam nông
(VOV) - Lịch sử phát triển sức sản xuất của xã hội loài người bắt đầu từ việc con người tận hưởng những tặng vật của tự nhiên và tác động vào tự nhiên. Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải.
Khởi đầu của quá trình sản xuất ra của cải của xã hội là như thế và tất nhiên nông nghiệp là ngành kinh tế đầu tiên được hình thành, phát triển. Từ nông nghiệp và vì nông nghiệp, các ngành công nghiệp đã mở ra phục vụ cho đời sống xã hội, tiếp sức cho năng lực và trí tuệ con người. Đến lượt nó, trí tuệ con người khi được chắp cánh, đã cho ra đời trùng điệp các ngành nghề ngày càng hiện đại với công nghệ ngày càng tinh khôn. Khi công nghiệp phát triển đến mức nhất định, việc tất yếu sẽ diễn ra là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, cải tạo và làm mới mẻ về chất quá trình sản xuất nông nghiệp.
1.Tất yếu phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Ở nước ta, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước mở ra không chỉ vì bản thân sự phát triển tất yếu kinh tế, mà còn xuất phát từ mục tiêu, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã lựa chọn. Việc thiết kế, thi công và thực hiện thành công mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một quá trình phấn đấu lâu dài, gian khó nhưng nhất định thành công. Nó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta đồng tâm hiệp lực, có đường đi nước bước rõ ràng, có ý chí và nghị lực để sẵn sàng tạo lập và nắm bắt thời cơ, khắc phục nguy cơ, vượt qua thách thức, đưa đất nước đi lên.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì thế là sự giao phó của lịch sử Việt Nam cho thế hệ hôm nay. Đây cũng là khát vọng cháy bỏng của nhân dân, mong muốn đất nước ta có tiềm lực to lớn, đủ khả năng xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân, dân chủ, công bằng, văn Minh cho xã hội, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Chỉ có công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Các Mác cho rằng, những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất cái gì, mà ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào với những tư liệu lao động nào. Nền kinh tế nước ta hiện nay, về cơ bản vẫn ở trong tình trạng sản xuất nhỏ, lạc hậu, trình độ lao động và năng suất lao động thấp, lao động thủ công còn nhiều. Đề làm ra hạt thóc, người nông dân vẫn “hai sương, một nắng” trên đồng ruộng với bao khó khăn vất vả do bão lụt, thời tiết thất thường. Lao động nông nghiệp ở nước ta vẫn chiếm gần 70% tổng số lao động; địa bàn nông thôn chiếm khoảng 75% dân số cả nước và là nơi tập trung tuyệt đại bộ phận người nghèo trong xã hội.
Trong khi đó, ở các nước Tây Âu, nền nông nghiệp do được công nghiệp hóa với trình độ khá cao nên lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội ngày càng giảm, năng suất lao động trong nông nghiệp đạt mức cao. Năm 1980, lao động nông nghiệp ở các nước Tây Âu chiếm 10,4% tổng số lao động xã hội; năm 1990: 6,8%; năm 2000: 4,5% và hiện nay dưới 4%. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, một lao động nông nghiệp sau một năm làm ra 13 tấn lương thực và 2000 kg thịt, đủ cung cấp cho nhu cầu của 50 người. Ở Pháp, một lao động nông nghiệp một năm làm ra 13,5 tấn lương thực, 600 kg thịt, đủ cung cấp cho 40 người.
Những số liệu so sánh trên chưa hẳn là chính xác, lại cũng chưa nói đến mặt trái của nền nông nghiệp được công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Điều đáng nói ở đây chính là vai trò của công nghiệp hóa trong việc làm thay đổi toàn diện nền nông nghiệp và nông thôn, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống của nông dân. Cũng chính vì vậy, Đảng ta coi nhiệm vụ hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa là hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
2. Tác động của công nghiệp hóa hiện đại hóa đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội trong nông nghiệp và ở nông thôn từ lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện sản xuất và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động trong nông nghiệp ngày càng cao, làm thay đổi diện mạo của nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều mặt đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Thứ nhất, là làm thay đổi, biến dạng và chia nhỏ các đơn vị sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp khởi động và nhanh chóng chiếm chỗ các dư địa của sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng của ngành nông nghiệp sẽ giảm sút, ngày càng nhỏ đi một cách tương đối.
Thứ hai là sự phi nông hóa của người làm nông nghiệp, số lượng lao động trong các ngành phi nông nghiệp ngày càng tăng lên. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ đã thu hút một lượng khá lớn lao động nông thôn.
Thứ ba là quá trình đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng, văn minh đô thị đã ngày càng hấp dẫn người dân và những sản phẩm của đô thị từng bước tiến vào nông thôn, chế ngự nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn chuyển biến nhanh chóng.
3. Những kết quả đạt được
Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm trở thành những chủ trương, chính sách cụ thể và đồng bộ. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X chỉ rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng… Các vấn đề nông nghiệp, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước… Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và toàn xã hội” ([1]).
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều chương trình, dự án để phát triển nông nghiệp, nông thôn cải thiện đời sống nông dân. Việc thực thi các chính sách đã đạt được những kết quả đáng kể. Có thể khái quát trên mấy khía cạnh.
Một là, quan hệ giữa thành thị và nông thôn đã có bước chuyển đột phá. Không chỉ việc giao lưu thông thương giữa thành thị và nông thôn ngày càng thuận lợi mà khoảng cách về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn đã có bước thu hẹp.
Hai là, trình độ sức sản xuất của nông nghiệp, nông thôn đã được tăng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp ngày càng tốt hơn. Năng suất các loại cây trồng, vật nuôi đã không ngừng tăng lên. Bước đầu đã có những nông sản hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh như: gạo, điều, hồ tiêu, bưởi, thanh long, cá tra, cá ba sa…
Ba là, chất lượng đời sống của người nông dân đã được nâng lên một bước. Thời gian qua chúng ta đã tập trung vào việc “tăng” và “giảm” cho nông thôn. “Tăng” là tăng cường đầu tư, tăng các chính sách hỗ trợ cho phát triển. “Giảm” chủ yếu là giảm gánh nặng cho người dân như miễn giảm thuế nông nghiệp, thủy lợi, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, an sinh xã hội.
Kết quả của những chính sách kinh tế tổng hợp và việc “tăng”, “giảm” tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, thu nhập của người nông dân tăng trưởng khá nhanh, nhiều vùng quê đã trở thành khá giả.
Bốn là, bộ mặt của nông thôn đã có nhiều thay đổi. Với việc đầu tư cụ thể về điện, đường, trường, trạm y tế, chợ nông thôn, hệ thống thủy lợi… kết cấu hạ tầng nông thôn được củng cố và tăng cường, nông thôn đang khởi sắc.
Xét về tổng thể, sau những năm đổi mới đầy nỗ lực, công cuộc phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn đã thu được những kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang xuất hiện nhiều vấn đề mới gọi chung là vấn đề tam nông.
4. Vấn đề tam nông
Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có từ lâu, thấm đậm trong cả ngàn năm văn minh lúa nước. Vậy nhưng, chỉ một số năm gần đây, với sự gia tăng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề “tam nông” ngày càng được chú trọng nhiều hơn, trở thành vấn đề nóng bỏng thu hút mọi sự quan tâm của xã hội. Trong các nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta, vấn đề “tam nông” đã được nâng tầm thành vấn đề chiến lược, là vấn đề của các vấn đề, trở thành vấn đề lý luận trọng yếu và là vấn đề thực tiễn bức thiết.
Thực tế ở nước ta hiện nay, vấn đề “tam nông” không chỉ là đại vấn đề mà còn là hệ các vấn đề, ngổn ngang các vấn đề. Đó là hệ quả không mong đợi phát sinh trong quá trình chuyển đổi mô hình xã hội do hiện đại hóa đưa đến.
Thứ nhất là vấn đề tổ chức sản xuất trong nông nghiệp.
Quy luật phát triển của các ngành kinh tế nói chung và của nông nghiệp nói riêng là sản xuất từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại, từ năng suất lao động thấp tới năng suất hiệu quả cao. Thực tiễn nông nghiệp Việt Nam về cơ bản là như thế nhưng cũng có những vấn đề không như thế. Khoán 10, khoán 100 trong nông nghiệp như chúng ta đã biết, thực sự là một đột phá hợp quy luật, tạo sức sống mới cho nền nông nghiệp và đưa tới một kết quả ngoạn mục. Thành công tuyệt vời của khoán 10, khoán 100 đã được phát huy hết công suất. Tuy vậy việc tăng sản lượng lương thực hiện nay do nhiều yếu tố nhưng chưa hẳn là năng suất mà chủ yếu là do tăng cường độ và thời gian lao động của nông dân. Sản xuất nông nghiệp vẫn là nền sản xuất nhỏ, phân tán, có phần còn manh mún như ở Đồng bằng Bắc Bộ. Vậy nên vấn đề tổ chức lại cách thức và quan hệ sản xuất nông nghiệp cũng như việc tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp mới như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Thứ hai là việc sử dụng đất nông nghiệp.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với đô thị hóa tác động rất mạnh mẽ, trực tiếp đến lĩnh vực đất nông nghiệp. Các khu công nghiệp, các khu vui chơi giải trí, các sân gôn mọc lên khắp nơi, những khu dân cư mới đang lấn dần diện tích đất nông nghiệp. Có những vùng đất, làng quê nổi tiếng trồng lúa, trồng hoa nay không còn dấu vết. Hàng loạt các nông trường, lâm trường bị đổ vỡ hoặc thay đổi phương thức quản lý đã dẫn tới tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa hoặc chuyển đổi mục đích trở thành phổ biến. Chung quanh việc thu hồi đất, giao đất tràn lan vừa gây lãng phí tài nguyên đất, vừa gây ra bao chuyện đau lòng có ít nụ cười có nhiều nước mắt. Chính sách giải tỏa, giá đất đền bù khó có thể thấu tình đạt lý đang gây ra nhiều bức xúc ở làng quê và trong xã hội.
Vấn đề nông thôn
Nông thôn Việt Nam chưa bao giờ mới mẻ, khang trang và đang ngày càng hiện đại như bây giờ. Tuy nhiên, xen lẫn bao điều tốt đẹp ấy là những bức xúc.
Thứ nhất, đang có nhiều miền quê nửa quê nửa tỉnh. Phong cảnh làng quê xưa đang bị phá vỡ, những mẫu hình làng quê mới chưa được định hình. Do thiếu quy hoạch, tùy tiện, tự phát nên đa số làng quê đang mất dần những nét đẹp của ngày xưa.
Thứ hai, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Với các khu công nghiệp, vui chơi giải trí mà chất thải các loại không được xử lý, với cách ăn ở thiếu quy củ, nhiều dòng sông mát lành, con kênh xanh quê xưa đã không còn như trước. Nhiều nơi kể cả con cua cái cá cũng không sống được nên đã xuất hiện những “làng u biếu”, hàng loạt bệnh tật đe dọa như những bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, bệnh truyền nhiễm.
Thứ ba, chất keo gắn làng xóm bấy lâu nay đang bị thách thức. Ngày xưa “phép vua thua lệ làng”, có thời “dân có ruộng dập dìu hợp tác” nay như thế không còn. Chuẩn mực văn hóa truyền thống ở làng quê đang bị phá vỡ khi chuẩn mực mới chưa được khẳng định. Các tệ nạn chưa hề thấy ở thôn quê thì nay đang xuất hiện và có nơi gia tăng. Văn hóa làng quê như vừa đang khơi nguồn tươi mới, vừa đang bị xuống cấp khó lường.
Vấn đề nông dân
Thành tựu trong nông nghiệp và đổi mới ở nông thôn làm cho đời sống cả vật chất và tinh thần của nông dân nói chung được cải thiện đáng kể, nhiều vùng quê, cuộc sống nông dân có phần khá giả, nông dân truyền thống đang chuyển thành nông dân hiện đại. Bên cạnh những khởi sắc đó, người nông dân đang gặp không ít những khó khăn bức xúc, vấn đề nông dân đang nổi lên rõ nét.
Thứ nhất là nông dân chưa thật ổn định và chưa yên tâm với phương thức làm ăn. Hầu như tất cả các ngành nghề nông nghiệp của nông dân đều bị thách thức. Đầu vào của sản xuất tăng giảm rất tùy tiện trong khi đầu ra lại bấp bênh. Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Lối làm ăn manh mún, nhỏ lẻ không bao giờ làm chủ được các tình huống của thị trường. Nông dân vẫn đang chới với với thị trường và sản xuất đang còn nhỏ lẻ.
Thứ hai là tình cảnh của những nông dân bị thu hồi đất. Khó khăn đối với các đối tượng này theo cả cuộc đời là vấn đề công ăn việc làm, là tìm kiếm nguồn thu nhập.
Thứ ba là những hối thúc của đời sống thực tế như giá cả sinh hoạt leo thang, hoạn nạn khi ốm đau bệnh tật, gánh nặng viện phí, học phí… đều là những câu chuyện nan giải triền miên.
5. Một vài khuyến nghị
Chúng ta cần thấy rằng công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay dù đạt nhiều kết quả đáng kể những vẫn ở giai đoạn leo dốc khó khăn, cơ sở hạ tầng nông nghiệp vẫn còn yếu kém, xã hội ở nông thôn vẫn còn lạc hậu, …về khoảng cách thu nhập và hưởng thụ về vật chất và tinh thần của cư dân thành thị với nông thôn vẫn còn nổi cộm, giải quyết vấn đề “tam nông” vẫn còn là nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Góp vào sự nghiệp trọng yếu đó, xin nêu mấy kiến nghị sau:
Thứ nhất, về mặt nhận thức.
Ai cũng thấy “Tam nông” đang có vấn đề nhưng như thế là chưa đủ, trong nhận thức cần thấy sâu sắc hơn là muốn đất nước trở thành nước công nghiệp thì nông nghiệp nông thôn phải được hiện đại, nông thôn phải đổi mới hơn. Phải coi việc phát triển nông nghiệp nông thôn mới xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ cấp bách, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất hiện nay.
Thứ hai, cần thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt những chính sách và chương trình kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn đã ban hành. Có nhiều chính sách đúng nhưng thực hiện chưa triệt để, “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”.
Thứ ba, chú trọng đến qui hoạch vùng, quy hoạch tổng thể để có sự đầu tư nguồn lực đúng lúc, đúng địa chỉ. Vừa qua chúng ta chú trọng đến qui hoạch phát triển từng địa phương, từng tỉnh mà chưa có sự kết nối vùng một cách khoa học, hợp lý. Vậy nên đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ một số chính sách như: tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn thủy lợi phí, chính sách giá cả đền bù đất đai bị thu hồi một cách hợp lý, các chính sách hỗ trợ về văn hóa, y tế, giáo dục…
Thứ năm, cần tăng cường đầu tư đột phá cho nông nghiệp nông dân, nông thôn với một mức tầm cỡ như những công trình trọng điểm quốc gia mà chúng ta đã làm. Chẳng hạn đầu tư 30 - 50 tỷ USD trong 10 năm để thúc đẩy nông thôn có bước phát triển mới vượt bậc, tạo đà cho công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Thứ sáu, động viên toàn Đảng, toàn xã hội quan tâm ủng hộ và tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Có thể khẳng định rằng, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước tiếp tục được đẩy mạnh và vì thế vấn đề “Tam nông” đang tiếp tục diễn biến. Nhưng đó là vấn đề của sự phát triển. Vấn đề “Tam nông” đang nổi cộm thành vấn đề quan tâm của Đảng, Chính phủ và của toàn xã hội. Vậy nên có cơ sở để tin rằng nhất định vấn đề “Tam nông” sẽ được giải quyết thấu đáo, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nhất định phát triển mạnh mẽ, vững chắc, đời sống mọi mặt của người nông dân nhất định ngày càng tốt đẹp, vững bền./.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top