§6. Berlin Thương Yêu

 Disclaimers: Các nhân vật thuộc về CLAMP, nếu họ thuộc về tôi thì NokTom đã canon từ lâu rồi, . Những nhân vật trong banners đều được vẽ bởi CLAMP, hình nền được sưu tầm từ internet, điều duy nhất tôi làm đem mọi thứ lại với nhau.

Characters/Pairing: NokTom (CSD&CCS/TRC), Kotori Monou (X/1999)

Rating: K+

WARNING: CÁC NHÂN VẬT KHÁ OOC (OUT OF CHARACTER).

Summary: Ở Berlin một bức tường, một chàng trai trên tháp canh một gái ngoài ban công nhỏ.

Note: Viết cho những năm chia cắt của Berlin, theo ngôi kể của Kotori.

1.

Năm mười tuổi, Nokoru gặp một nàng công chúa.

Hoặc ít nhất đó là những gì anh kể cho tôi nghe mỗi lần đem thức ăn tối cho cha về. Nàng ở phía bên kia bức tường đồ sộ, cao vút mà cha chúng tôi cứ vài hôm lại phải trực đêm canh gác. Nàng sống trong căn phòng màu xanh trên tầng hai một tòa nhà bằng gạch đỏ gần bên bức tường, ngoài phòng nàng có lan can sắt đã gỉ sét, tróc sơn, hướng thẳng về phía phòng quan sát trên tháp canh. Những chiều vàng nắng, nàng thường lén mẹ ra ban công chải suối tóc dài, cho những lọn tím xoăn bồng bềnh chảy xuống bờ vai nhỏ nhắn và đung đưa trong làn gió thoảng, tới khi mẹ nàng hốt hoảng kéo nàng vào trong, tránh xa khỏi tầm mắt của những tay lính trên tháp canh bên này bức tường, dù vài ngày sau đó người ta lại thấy nàng, ung dung ngâm nga và khúc hát không lời, an nhàn và tự tại lắm.

Qua lời kể của Nokoru, tôi nhẩm đoán chắc nàng đã luôn ở đó, trong căn phòng màu xanh và trên chiếc ban công khi chiều đến. Chẳng hiểu vì sao tới tận năm mười tuổi - hai năm sau lần đầu tiên được mẹ chúng tôi tin tưởng gia nhiệm vụ mang cơm cho cha - anh mới nhận ra sự có mặt của nàng, nhờ cái duyên đến từ dải ruy băng buộc tóc. Chuyện dải ruy băng tôi đã nài nỉ anh kể cho tôi nghe không biết bao nhiêu lần, lần nào anh cũng chiều tôi và kể lại không bỏ qua dù một chi tiết nhỏ.

Công chúa ấy hả, anh luôn mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi tu từ đó. Nàng chỉ là một đứa trẻ thôi - có khi lại còn nhỏ tuổi hơn cả anh và tôi. Nàng có một dải ruy băng bằng lụa trắng. Mỗi khi chải tóc xong nàng thường tết những lọn màu hoa violet thành một bím dài tới tận thắt lưng, rồi buộc dải ruy băng trắng quanh đuôi tóc thành chiếc nơ nhỏ. Hôm ấy nàng cũng theo thói quen tết tóc như thế, đang cầm dải ruy băng thì có cơn gió đột ngột từ đâu thổi tới cuốn nó đi mất! Nàng bất lực nhìn theo, bàn tay nhỏ nhắn vô thức đưa ra như muốn níu lấy nó. Cơn gió đem dải ruy băng vượt qua bức tường cao gấp đôi một người lớn, qua luôn cả khoảng trống đầy cát trắng nằm giữa tháp canh và bức tường, rồi nhẹ nhàng đặt nó xuống bệ cửa sổ mở toang. Thứ lụa trắng lấp lánh dưới ánh nắng cuối ngày thu hút Nokoru khi anh vừa hổn hển leo hết mấy chục bậc thang lên đưa cơm cho cha. Anh tiến lại và nhặt nó lên trước khi đưa mắt hiếu kì nhìn quanh quất, cố tìm xem nó đến từ đâu. Và anh chạm phải ánh mắt nàng từ tuốt bên kia bức tường. Tay nàng thôi vươn ra để níu kéo dải ruy băng, và hình như nàng đã vẫy tay chào anh. Tôi không biết bao nhiêu phần trăm của câu chuyện nên thơ này là sự thật, nhưng Nokoru quả quyết với tôi rằng nàng đã cười với anh bằng mắt. Mắt nàng cũng mang màu loài hoa violet tím như mái tóc nàng, nhưng sáng hơn và trong trẻo hơn nhiều. Tất nhiên, họ đâu thể nói với nhau câu nào, nhưng có điều gì đó trong nụ cười hồn nhiên của nàng khiến anh tin rằng nàng đã tặng cho anh dải ruy băng trắng.

Sau này lớn rồi, nghĩ lại tôi bỗng thấy buồn cười trước miêu tả chi tiết ấy - anh cứ làm như khoảng cách giữa tháp canh và nhà nàng bên kia bức tường chẳng hơn một cái vươn tay không bằng! Nhưng năm tôi mười tuổi, câu chuyện của Nokoru và công chúa của anh đối với tôi còn đẹp đẽ hơn cả cổ tích.

Sau lần gặp gỡ định mệnh sến sẩm đó và thêm vài lần vô tình chạm mặt nàng lúc nhìn ra cửa sổ trên tháp canh, Nokoru trở nên sốt sắng hơn khi đem cơm đến cho cha khiến mẹ tôi còn phải ngỡ ngàng. Chẳng thấy anh phàn nàn về những bậc thang tít tắp hay con đường dài mà anh từng miêu tả cách thái quá là "vô tận". Nàng công chúa của anh cũng hay ra ngoài ban công hơn và ở lại lâu hơn dù tóc nàng đã chải xong từ lâu. Đôi khi họ chỉ nhìn nhau, cười và chẳng nói gì. Đôi khi hứng chí, công chúa lén đem cả chiếc radio cũ kĩ của mẹ nàng ra ban công và tự khiêu vũ theo nhạc nền bản "She's not there" vui tai của Santana vặn đủ lớn để anh loáng thoáng nghe thấy từ bên này bức tường. Nàng nhảy lạc nhịp, và chẳng làm động tác nào khác ngoài xoay vòng cho chiếc váy màu cam đất xòe rộng như đóa hoa nở bung, nhưng như thể đủ để anh thích thú ngắm nhìn - và khi nhận ra không có ai nhìn mình, anh còn dám khẽ khàng nhịp nhịp chân theo, miệng lẩm nhẩm lời bài hát có câu được câu mất. Đối với anh, những buổi chiều bên cạnh công chúa chính là những buổi chiều vui vẻ nhất, dù thường thì anh chẳng nấn ná lại tháp canh được lâu hơn hai mươi phút trước khi bị cha thúc về nhà.

Tất nhiên, sự tồn tại của nàng là bí mật nho nhỏ của tôi và anh. Nếu để cha biết, ông sẽ cấm anh leo lên tháp canh để nhìn thấy nàng mất. Đối với cha, bức tường chính là hàng rào bảo vệ chúng tôi - những đứa con chân chính của Đông Đức - khỏi thứ độc hại mà bọn Cộng Hòa Liên bang bên Tây Đức dung túng. Như là tự do ngôn luận ấy - ôi trời, thất kinh làm sao, cứ nghĩ đến chuyện người ta muốn nói gì thì nói, chửi cả chính quyền cũng được thì hỏi ai lại không rùng mình? Nếu cha biết Nokoru gọi cô gái anh nhìn thấy trên tháp canh là "công chúa", anh sẽ chết chắc cho coi. Tất cả những thứ bên kia bức tường đều thuộc bàn tay của Satan, cha cảnh cáo chúng tôi như thế. Và như một điều tất yếu, những ai tiếp tay cho quỷ dữ cần được thanh trừng. Trong Thánh kinh chúng tôi nghe hằng ngày ở nhà thờ, người phạm tội bị thanh trừng trong lửa dưới luyện ngục, nhưng tôi đoán phải chạy tuốt xuống dưới đó để lấy lửa lên thanh trừng mấy đứa con trời đánh thánh vật của ông thì mất công quá, nên thôi cha tôi đành quyết định cho chúng tôi no đòn thay vậy.

Năm mười tuổi, thứ đáng sợ nhất đối với chúng tôi là những trận đòn của cha. Nhưng sau này cả hai đứa mới vỡ lẽ ra rằng chúng thực chất là cách ông bảo vệ chúng tôi khỏi chính cái miệng trẻ con không biết kiểm soát của mình khi ấy, để chắc chắn rằng chúng tôi không nói ra, hay làm điều gì thu hút sự chú ý của những cái tai bí mật được Liên Xô rải rác khắp Đông Đức, ngấm ngầm điều tra những kẻ muốn làm loạn sự yên bình chỉ có được sau khi người ta dựng lên bức tường ở Berlin, chia nước Đức thành hai nửa như bổ đôi quả cam.

Nhưng ngay cả những mối đe dọa đó cũng không thể làm Nokoru bớt yêu thích dải ruy băng trắng công chúa của anh tặng. Rồi chắc lại thấy con trai mà cứ khư khư sợi ruy băng ấy thì kì cục quá, hoặc vì anh biết tôi thích mê những chiếc nơ cài tóc, nên anh tặng nó lại cho tôi. Với một đứa bé gái mỗi ngày đi ngang qua tiệm quần áo, mê mẩn ngắm nghía mấy cô mannequin đứng làm dáng hờ hững sau tủ kính với những chiếc nơ tuyệt đẹp trên mái tóc bằng sợi nylon, dải ruy băng trắng đó nghiễm nhiên trở thành một báu vật. Và bằng một cách thần kì nào đó, Nokoru lại thuyết phục được tôi nuôi mái tóc nâu nhạt xoăn tít, ngắn cũn cỡn của mình dài thật dài.

"Em để tóc dài, buộc ruy băng nhìn dễ thương y hệt một cô công chúa vậy, Kotori à!"

Tôi lúc đó nghe mấy lời đầy mùi nịnh hót anh nói mà trong bụng sướng rơn, đâu có biết "công chúa" anh đang nói tới là nàng công chúa bên kia bức tường Berlin - người cũng có làn tóc dài thật dài. Có lẽ anh muốn tôi nuôi tóc cho giống nàng. Nhưng tôi biết anh khen tôi xinh thì không phải là nói cho có, vì trong đáy mắt anh chất chứa vẻ tự hào pha lẫn sự dịu dàng tuyệt đối của một người anh dành cho đứa em gái. Dù khi đứa em gái đó chỉ nhỏ hơn anh có ba phút rưỡi.

Năm Nokoru mười tuổi, chẳng có Đông Đức hay Tây Đức nào, chỉ có một nàng công chúa xinh xắn hay cười với anh ở bên kia bức tường Berlin thôi.

2.

Năm mười lăm tuổi, Nokoru thôi gọi cô gái bên kia bức tường Berlin là "công chúa" vì nàng chẳng còn mặc những chiếc đầm nữ tính thường xuyên như hồi nhỏ nữa. Có khi đang ngồi học cùng tôi, anh bỗng phá lên cười khùng khục khiến tôi trố mắt kinh ngạc, cố tìm xem có chuyện gì vui vậy thì anh liền kể với tôi về chiếc quần ống loe dạo này nàng hay mặc. Cái khái niệm quần ống loe đối với tôi lạ lùng như chuyện ăn bánh kem chung với sốt nấm vậy. Nghe nói bên Tây Đức đang thịnh "mốt" đó dữ lắm, nhưng tôi vẫn nghĩ hoài không ra có gì hay ho về những cái quần ống xòe ra như cái loa. Tôi có lần buột miệng cảm thán như thế khi cha tôi có mặt và điều đó có vẻ khiến ông vui lòng, dù đó không phải là ý định của tôi. Ông bảo ông thấy yên tâm về tôi khi tôi không chạy theo thói đua đòi độc hại giống bọn Cộng hòa Liên bang bên Tây Đức.

"Cô ấy vụng về lắm, có hôm đứng lên còn đạp vào ống quần suýt ngã." Nokoru vuốt cằm làm mặt tư lự sau trận cười. Nét mặt anh bỗng chuyển sang lo lắng lắm.

Chắc anh lo có ngày nàng đạp phải ống quần mà ngã lộn cổ xuống ban công. Ý nghĩ đó khiến tới lượt tôi bật cười ha hả và anh trố mắt nhìn. Tôi kể cho anh, và như mọi lần sau khi nghe tôi nói xấu gì cô gái của anh, anh với tay cốc nhẹ lên trán tôi một cái. Không đau nhưng tôi vẫn xịu mặt xuống ra vẻ phụng phịu, như mọi lần:

"Trời, em là em gái anh. Người ta là gì của anh mà anh bênh dữ thế?"

Nokoru đáp lại tôi bằng cái nhướn mày làm bộ ngây ngô, dù gò má anh hơi ửng hồng trông buồn cười làm sao.

"Cô ấy là bạn anh!" Anh trả lời cụt lủn, nuốt nước bọt cái ực rồi hối thúc tôi mau làm nốt bài tập.

Tôi có hỏi anh, bạn anh mà anh còn không biết tên thì có thấy kì không. Nhưng anh chỉ phẩy tay cười xòa. Anh nói những cái tên vốn để lỡ có gặp nhau trên đường thì gọi nhau cho dễ thôi, nhưng nàng và anh đâu có phải gặp nhau bao giờ nên đâu cần phải biết tên. Những cái tên được trao đổi để biến lạ thành quen. Biết tên nhau, theo lẽ thường tình, thì đã được tính là người quen của nhau. Nhưng tình bạn của anh và nàng đâu có thuộc hàng "lẽ thường tình" để cho tôi suy xét kiểu đó.

Anh không biết tên, nhưng biết nàng thích nhất hoa mộc lan, qua những ngày cuối đông nàng khệ nệ xách giá vẽ ra ban công để vẽ cây mộc lan con con trồng trong chậu đất đang trổ bông tím trắng đẹp mê lòng. Nàng có học kéo vĩ cầm, nhưng kéo cọt kẹt được vài bài đơn giản bên ô cửa sổ mở hướng về phía tháp canh thì nàng bỏ ngang, cây đàn về đâu cũng không biết. Nàng vẫn thích khiêu vũ như ngày còn bé, dạo này cứ đúng giờ nàng lại bật radio để nghe nhạc, và vặn thật lớn khi đến bài "Ain't no sunshine" của Bill Withers rồi bắt đầu lắc lư theo điệu nhạc vui tươi, dù nàng nhảy vẫn lạc nhịp như thuở nào, và hầu hết động tác là xoay vòng. Nàng không mặc váy xòe nữa, nhưng nàng xõa tóc cho từng lọn tím thẫm xoay theo bước chân nàng như một cơn lốc xoáy duyên dáng nhất mà Nokoru từng chứng kiến. Nàng vô tư hồn nhiên quá làm anh buột miệng bật cười, tay chống cằm tựa vào cửa sổ tháp canh, đôi mắt xanh biếc không rời lấy người con gái xinh đẹp kia lấy một giây. Và nàng lại cười với anh bằng mắt, vẫn trong veo và dịu dàng hệt như năm năm trước.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào Nokoru cũng bắt gặp nàng tràn đầy năng lượng như thế. Những chiều mùa đông có nắng, nàng lại đem chiếc ghế gỗ dài ra ngoài ban công chỗ có nắng, phủ kín chăn lên mình và thư thả sưởi nắng rồi chìm vào giấc ngủ khi nào không hay. Tóc nàng rũ xuống gò má hồng hào, có vài sợi kẹt giữa đôi môi mọng khép hờ khiến anh bức bối, muốn từ cửa sổ nhảy qua hàng rào gai, qua chỗ cát trống và cuối cùng là bức tường đồ sộ để leo lên ban công nhà nàng mà vén mớ tóc ra sau tai cho nàng yên giấc. Cũng có những chiều nàng ngồi lặng thinh, tựa đầu lên thành lan can sắt để suối tóc dài rũ xuống những thanh sắt lạnh lẽo, tanh tanh mùi kim loại. Đôi mắt tím của nàng sâu hơn, trông mang mác nỗi buồn không tên mà anh ước mình biết được. Nhưng mỗi khi ánh nhìn nàng chạm vào mắt anh thì nàng lại cười trong veo như trẻ con. Tôi chưa từng gặp nàng, cũng không biết anh có nói quá lên không, mà sao tôi thấy nàng giống một thiên thần quá!

Khi người ta đã biết nhau sâu sắc đến vậy thì cái tên có còn là cần thiết không? Nokoru đã chất vấn tôi như thế khiến tôi phì cười chịu thua. Nhưng tôi vẫn bướng bỉnh muốn nàng có một cái tên.

"Để em biết đường gọi khi anh kể về cô ấy!" Tôi lấp liếm vụng về trước cái nheo mắt ngờ vực của ông anh song sinh.

Nhưng anh cũng chiều tôi và nghĩ cho nàng một cái tên thật đẹp. Anh gọi nàng là Sonne - là "ánh dương" trong tiếng Đức. Rồi anh thu dọn sách vở cất lên kệ, liếc nhìn đồng hồ chuẩn bị tới giờ đem cơm cho cha. Trước khi ra khỏi nhà tôi có nghe anh ư ử hát lạc tông vài câu trong bài "Ain't no sunshine":

"Em đi rồi, chẳng còn ánh dương!"

Tối đó anh về với nét mặt tràn đầy niềm vui. Hôm nay, nàng đọc sách. Chẳng biết làm cớ gì mà nàng lại lựa đúng cuốn sách anh thích nhất - kịch bản và thoại vở bi kịch "Othello" của Shakespeare. Hình như nàng đã nhận ra sự hớn hở không thèm che giấu trên gương mặt anh khi anh nhận ra bìa sách quen thuộc. Và nàng đã đáp trả bằng cái cười niềm nở hân hoan không kém.

"Anh không định hỏi tên thật của cô ấy ư? Chẳng lẽ cứ gọi cô ấy bằng biệt danh như mấy người Venice gọi Othello bằng cái tên "gã Moor thành Venice"(*)?"

(*) Trong vở "Othello", nhân vật Othello là người gốc Phi Châu và có màu da sậm hơn, nên bị những người thành Venice gọi kì thị là "the Moor" (ý chỉ những người da màu gốc Ả Rập hoặc Phi Châu).

Nokoru thở dài thườn thượt nghe câu so sánh khập khiễng của tôi. Anh đặt cho nàng cái tên Sonne xinh đẹp như thế mà bị tôi đem lên bàn cân với cái tên "the Moor" đặc sệt mỉa mai thế đó. Nhưng rồi thấy mặt tôi vẫn tỉnh queo, anh biết tôi đùa nên cũng cười phì.

"Có chứ, nếu anh gặp được cô ấy." Anh đáp.

"Vậy anh có định gặp cô ấy không?" Tôi lại hỏi, nhưng giọng tôi hạ xuống một âm vực thấp với âm lượng thật nhỏ, chỉ đủ cho mình anh nghe trong căn bếp chật hẹp. Dù vậy, tim tôi vẫn thấp thỏm lo sợ cho câu hỏi đầy liều lĩnh này. Ai mà chẳng biết rằng các bức tường ở Đông Đức đều có tai.

Cả Nokoru cũng có cùng một nỗi lo với tôi khi gương mặt anh hơi đanh lại, ánh mắt anh dáo dác nhìn quanh như một phản xạ. Anh bước tới gần tôi hơn, thu hẹp khoảng cách cho anh có thể đáp lại tôi bằng một âm vực còn thấp hơn của tôi khi nãy:

"Không, anh không nghĩ là anh có thể đâu."

Tôi nhận ra mình đang thở ra nhẹ nhõm trước câu trả lời của anh. Tôi đã lo anh sẽ nói điều gì ngu xuẩn chỉ vì vô tình để ý một cô gái. Ngắm nhìn người con gái ấy qua cửa sổ tháp canh đã là một điều thật liều lĩnh rồi. Tìm cách vượt qua bức tường Berlin thì đâu khác gì tự sát. Suy cho cùng, cha vẫn luôn nói đúng - bên kia bức tường là quỷ dữ. Kẻ nào tiếp tay cho Satan phải bị thanh trừng.

Ở tuổi mười lăm, cả Nokoru và tôi đều đã quá lớn để nhận ân huệ từ những trận đòn. Từ giờ chúng tôi sẽ đối mặt với lửa luyện ngục thanh tẩy mà nòng súng Liên Xô chĩa vào đầu sẽ sẵn sàng tiễn chúng tôi đi đến, nếu cần.

3.

Năm hai mươi tuổi, Nokoru hốt nhiên nhận ra mặt trời xinh đẹp của anh đã trưởng thành.

Tôi biết về sự trưởng thành của nàng không phải qua lời kể của anh mà là điều ngược lại. Nokoru thôi không còn kể cho tôi những câu chuyện về người con gái tóc tím sống trong căn phòng màu xanh bên kia bức tường nữa. Nàng biến mất đột ngột như cuộn băng hỏng, vừa chơi được nửa bản nhạc đã kêu cọt kẹt rồi im lìm.

Anh cũng không còn phải mang cơm cho cha mới được tới tháp canh. Giờ anh trai tôi trở thành đồng nghiệp với người cha khắc kỷ của chúng tôi. Và ngày đầu anh nhận chức, tôi thấy ông nhìn anh với ánh mắt mà trước đây ông chỉ dành để nhìn bức tường Berlin - đầy ắp tự hào và trìu mến. Tôi từng nửa đùa nửa thật hỏi anh cũng giống cha, bị bức tường mê hoặc rồi hay sao thì anh chỉ nhún vai cười, đáp hờ hững một câu "Chắc thế!" rồi lại lảng sang chuyện khác. Tôi mấy lần định hỏi thẳng anh có phải vì cô gái của anh mà anh chọn công việc chán ngắt, gò bó mà hồi nhỏ anh từng hùng hổ tuyên bố rằng sẽ không bao giờ làm không. Nhưng chẳng lần nào tôi thốt nên lời khi tôi bắt gặp ánh mắt anh. Đôi đồng tử xanh biếc nhìn tôi, nhưng trông xa xăm vô tận, như thể tâm trí anh đã trôi dạt về tận phương trời nào. Có lẽ là bên kia bức tường, trên chiếc ban công con con hoặc trong căn phòng màu xanh của cô gái mà cả cái tên anh cũng không biết. Đôi khi tôi vẫn nghe anh lẩm bẩm khúc nhạc xưa mỗi hôm trực đêm về:

"Em đi rồi, chẳng còn ánh dương..." Không biết anh hát vì cảm mến nhạc Bill Withers hay vì cảm mến người con gái mà hồi năm năm trước anh đã dịu dàng gọi là "ánh dương".

Cùng thời điểm này, tôi bắt đầu công việc dạy học ở một trường Tiểu học gần nhà, tôi và anh ít gặp mặt nhau hơn. Tôi bận túi bụi, ra khỏi nhà để đến trường từ sáng sớm khi anh vẫn còn ngủ vùi, đến khi tôi tan làm buổi xế chiều, về tới nhà anh đã đến tháp canh để bắt đầu ca trực rồi. Ít thấy mặt anh, tôi chẳng dám quả quyết anh có buồn về sự thay đổi đột ngột của nàng - bất kể đó là gì đi nữa. Tôi gặng hỏi vài câu vu vơ khi có cơ hội thì đều được anh đáp bằng những câu mông lung không kém. "Anh ổn mà", "Trời, Kotori của anh ra dáng cô giáo quan tâm học sinh quá", "Em đừng lo", "Anh không sao". Nhưng sao đôi mắt anh chẳng còn trong trẻo như ngày xưa. Môi anh cười mà mắt anh thì không.

Tôi tự đoán mò chắc nàng đã phủi tay bỏ rơi anh rồi. Cho dù chưa một lần anh thừa nhận anh yêu nàng, nhưng mười năm qua, tôi chưa thấy anh nói về ai với thái độ dịu dàng như anh từng nói về nàng. Từ năm mười tuổi, cô gái tóc tím bên kia tường Berlin đã luôn là người rất quan trọng đối với anh. Thật buồn cười thay khi đến cái tên của nàng anh cũng không biết và chưa một lần được trò chuyện, vậy mà chỉ cần nàng cười một cái trong veo đã khiến tim anh vỡ vụn.

Nhưng cũng đôi khi tôi tự nhủ rằng mình đã huyễn hoặc nhiều quá. Có lẽ anh tôi đã quá tuổi để đeo bám vào mối quan hệ mập mờ, không có tương lai như thế. Năm hai mươi tuổi, người ta tự nhiên bớt mộng mơ, nhìn đời thực tế hơn và biết sợ hơn. Sợ đi tù. Sợ liên lụy gia đình. Sợ chết. Nỗi sợ giữ cho người ta tỉnh táo trước cám dỗ. Bức tường Berlin nhìn đồ sộ thế đó, nhưng nó cũng mong manh không kém gì ranh giới giữa sống và chết cho anh lựa chọn. Có lẽ anh đã chọn rồi - chọn sống và từ bỏ nàng. Lâu dần, tôi chấp nhận sự vắng bóng của nàng trong những cuộc đối thoại hiếm hoi của tôi và anh, và coi như nàng chưa từng tồn tại. Hoặc có chăng cũng chỉ là một nhân vật tưởng tượng, một niềm ủi an và một cơn nổi loạn lặng thầm mà tuổi thơ gò bó, đầy sợ hãi ở Đông Đức đã buộc chúng tôi phải vẽ nên.

Cho đến một hôm nàng lại thình lình xuất hiện và xáo động cuộc sống của tôi, và hơn hết là cuộc sống của anh một lần nữa.

"Anh sẽ vượt tường Berlin để đến Tây Đức."

Tôi như chết lặng trước câu nói nghe nhẹ tênh của anh buổi tối nọ khi anh không phải trực đêm và cha mẹ tôi đã ngủ say. Tôi thầm biết ơn vì tôi đã ngồi xuống trước khi kịp nghe anh nói, nếu không tôi đã sốc đến ngã quỵ rồi. Vươn đôi tay mình qua mặt bàn ăn gỗ tròn, tôi siết lấy hai bàn tay to lớn, đầy những vết sạn cho luyện tập bắn súng ở quân trường, nhưng vẫn đầy hơi ấm.

"Anh nói gì em không hiểu." Tôi thều thào bằng thứ giọng run run như muốn vỡ òa.

Anh lặp lại chính xác từng lời vừa nãy, không sót một chữ. Và lần đầu tiên tôi ghét cách kể tỉ mỉ của anh.

"Anh tới đó để làm gì? Anh thừa biết rằng vượt tường là tự sát. Chính anh đã được huấn luyện để bắn hạ bất kì ai có ý định điên rồ đó cơ mà!" Tôi phản bác liên hồi, nhưng không làm lung lay nụ cười trên môi anh.

"Ừ, nhưng anh vẫn muốn đi. Vì cô ấy cần anh."

Tai tôi như ù đi khi nghe đến "cô ấy". Tôi định hỏi "cô ấy" là ai, nhưng lại tự cười mình ngốc và đành nín thinh. Anh có bao giờ biết tên người con gái ấy đâu. Tôi cắn môi, cố không cho những lời lẽ căm phẫn dành cho cô gái của anh thoát khỏi kẽ môi. Mắt nhìn ghim vào anh như đòi hỏi một lời giải thích. Cho cái quyết định điên rồ này. Cho nỗi buồn miên man mà anh đã cố tình che giấu. Cho sự trở lại không được chào đón của nàng.

Như cách Nokoru vẫn luôn chiều theo ý tôi từ thuở ấu thơ, anh bắt đầu kể cho tôi câu chuyện về người con gái tóc tím mà lúc này anh, với tất cả trìu mến, đặt cho nàng cái tên Michelle. Michelle của The Beatles mà anh yêu thích nhất. Michelle mà Paul McCartney đã hết lòng hết dạ thổ lộ tâm tư, nói biết bao lời yêu đương âu yếm. Và khi Nokoru gọi nàng bằng cái tên ấy, tôi biết đó chính là lời thú tội kín đáo của anh, rằng anh yêu nàng mất rồi.

Nàng đã không biến mất như tôi nghĩ. Nàng ra đi với một lời từ biệt.

Hôm cuối anh gặp nàng, nàng bước ra ban công với gương mặt rạng rỡ nhất mà anh từng trông thấy mười năm qua quen biết nàng. Nắng soi vào đôi mắt tím như muốn làm nổi bật niềm vui, muốn ném nó vào mặt anh, muốn cho anh biết nàng đang hạnh phúc tột độ. Và anh đáp lại bằng nét mặt ngạc nhiên thay cho câu hỏi. Nàng chìa mu bàn tay về phía cánh cửa mở toang của phòng quan sát, những ngón tay hơi đung đưa nhè nhẹ trong vạt nắng như muốn để viên đá quý trên ngón áp út của nàng sáng lên lấp lánh để người dù ở khoảng cách khá xa vẫn có thể nhận ra.

Nàng sắp lấy chồng.

Nàng bắt đầu xoay vòng dù chẳng có bản nhạc nào bật lên. Tà váy yêu kiều xòe rộng như búp hoa nở bung như ngày còn thơ. Lần này nàng không nhảy lạc nhịp - uyển chuyển, dập dìu và hòa vào nhịp tim anh đang đập loạn lên như muốn vỡ tung. Hốt nhiên, anh thèm được lao mình ra ngoài cửa sổ, chẳng phải để vượt qua rào gai, khu cát trắng hay tường Berlin mà đến với nàng mà để lao thẳng xuống sỏi đá ở bên dưới tháp canh, cho cả bộ não và trái tim anh nát nhừ, chỉ như thế nỗi đau mới biến tan. Và có lẽ khi đó, anh mới có thể an nhiên chấp nhận lời tạm biệt của nàng.

Nhưng nàng đâu có chờ được đến lúc đó. Đợi đến lúc anh thu đủ can đảm để buông mình từ cửa sổ tòa tháp xuống chắc bó hoa cô dâu của nàng héo hon mất. Thế là nàng đi thôi, sau khi nhận lãnh nụ cười chúc mừng máy móc trên khóe môi anh. Nàng đã quay đi rất nhanh, chắc là nàng biết và không muốn làm cho câu chuyện thêm phần gượng gạo, hoặc là nàng đơn thuần chỉ muốn đến bên người thương thật nhanh.

Tôi đã suýt thốt lên rằng sao nàng phũ phàng quá! Lẽ nào nàng không nhận ra anh yêu nàng? Nhưng tôi chợt nhớ rằng nàng chưa hề biết tên anh. Và bức tường Berlin lúc nào cũng hiện diện giữa họ như một lời nhắc nhở về sự vô vọng của cả hai. Cái bức tường xấp xỉ ba mét rưỡi ấy vậy mà như cao tận trời xanh.

Nàng đi, anh một mình ôm lấy trái tim vỡ nát. Vỡ nát đến đâu, anh chẳng cần kể, tôi đã chứng kiến đủ rồi, từ cái cười vô hồn của anh cho tới ánh mắt nặng trĩu. Chắc anh đã thực sự cố quên nàng. Hoặc là điều ngược lại, khi anh lựa chọn công việc canh giữ tòa tháp nơi anh từng có thể ngắm nhìn nàng hằng ngày. Cứ làm như nếu anh đợi, nàng sẽ về với anh.

Vậy mà nàng về thật.

Nàng về với gương mặt sưng húp, đôi mắt thâm quầng và hai cánh tay đầy những vết bầm. Nàng ra ban công vào ban đêm, chong đèn và dựa lưng vào thành lan can gỉ sét năm xưa, hai mắt nhìn về phía tháp canh có ô cửa sổ đóng kín. Bên trong phòng quan sát không bật đèn, nàng chỉ thấy phản chiếu của chính mình trên lớp kính mỏng - mong manh, tàn úa và cô độc. Khóe môi nhợt nhạt của nàng cong lên thành một nụ cười yếu ớt, nhưng vẫn trong veo và dịu dàng như nàng vẫn cười với anh bao năm qua, nhưng hôm ấy nàng tự cười cho chính mình. Chắc nàng đã nghĩ anh không có ở tháp canh vì trước đây anh chỉ đến và ở lại đến cuối buổi chiều. Nàng biết anh chàng tóc vàng chiều chiều mang thức ăn đến cho cha, nhưng nàng không biết anh lính canh tóc vàng đang ngồi chết lặng phía sau ô cửa kính vẫn cài then. Chắc vì thế mà nàng dám để nước mắt rơi lã chã trên gương mặt xinh đẹp. Trong đêm tĩnh lặng, anh như nghe được tiếng than khóc, và cả lời nguyện cầu của nàng gửi vào làn gió. Xin thượng đế hãy đem nàng khỏi cuộc hôn nhân đau khổ này, hẳn là nàng đã thì thầm với Chúa Trời như thế, trước khi gã đàn ông to lớn, vẻ hung tợn xuất hiện và lôi nàng rời khỏi ban công, mặc cho nàng vùng vẫy cầu xin.

Điều cuối cùng khắc ghi trong tâm trí Nokoru là đôi mắt màu hoa violet ướt đẫm nước mắt của nàng hướng về phía tháp canh, xuyên qua lớp kính mỏng và ghim chặt lấy anh.

Hệt như cái cách năm xưa, chỉ một nụ cười trong veo của nàng làm tim anh xốn xang; giờ đây chỉ cần một cái nhìn tha thiết đã đủ cho anh lao vào cái chết để đến bên nàng.

Thứ tình yêu khốn nạn! Tôi thầm nguyền rủa, quệt đi nước mắt trong khi tay kia vẫn siết chặt lấy tay anh, sợ rằng nếu tôi buông tay anh sẽ liền lao ra ngoài cửa, chạy tới tường Berlin mất.

"Mặc kệ cô ấy đi anh! Anh đừng đi mà! Cha sẽ không tha thứ cho anh nếu anh phản bội Đông Đức đâu!" Tôi van lơn, thiếu điều như muốn quỳ xuống cầu xin anh.

"Anh sẽ không tha thứ cho bản thân mình nếu anh phản bội cô ấy."

"Nhưng cô ấy còn không biết tên anh!"

Anh rời khỏi ghế, tiến lại và ôm lấy tôi, vỗ về như cách anh vẫn làm hai mươi năm nay mỗi khi tôi khóc. Nụ cười anh chẳng phai màu dù trong ánh mắt anh có chút xuyến xao. Làm như nếu có phải trả giá bằng mạng sống mình cho ý định điên rồ ấy, anh vẫn sẽ vui vẻ bằng lòng.

"Cô ấy không biết tên anh, nhưng cô ấy biết linh hồn anh. Và anh biết linh hồn của cô ấy."

Tôi vỡ òa. Và anh không nói gì nữa.

Năm tôi ba mươi lăm tuổi, bức tường Berlin chia đôi nước Đức bị phá hủy trong tiếng hò reo vui mừng của tất cả công dân Đức, trong đó có cả cha tôi.

Tôi chuyển về dạy ở một trường học phía Tây Berlin. Sự sụp đổ của bức tường gây nhiều xáo trộn làm lượng học sinh hằng năm cũng biến đổi thất thường, năm nay lại tăng đột biến khiến nhà trường yêu cầu tôi xuống hỗ trợ phòng ghi danh những ngày trường mở sổ nhận hồ sơ nhập học của học sinh.

"Mời người tiếp theo!" Tôi cất giọng đều đều, vẻ mệt mỏi. Cũng dễ hiểu thôi, sáng giờ hàng trăm hồ sơ đã được thu nhận mà.

Một bàn tay gầy guộc lịch sự đặt túi hồ sơ xuống trên bàn trước mặt tôi. Và khi ngước mặt nhìn, tôi nhận ra mình vừa sa chân vào màu tím trong trẻo, sâu hun hút trong đôi mắt người ấy. Người phụ nữ nhìn tôi cười nhã nhặn. Mái tóc màu hoa violet của cô tết thành một bím dài xuống tận thắt lưng. Và tôi nghe tai mình ù đi trong thoáng chốc.

"Xin chào, tôi đến nộp hồ sơ nhập học cho con trai tôi, Paul," cô nói bằng chất giọng mềm mại.

Tôi thoáng thấy mình nhếch môi cười vô thức. Paul ấy hả? Paul McCartney đã viết tình ca đẫm lời yêu đương cho nàng Michelle đấy ư?

Sau hàng loạt cái tên ngớ ngẩn mà anh nghĩ cho nàng. Tên nàng hóa ra lại là Tomoyo Daidouji. Một cái tên xinh đẹp cho một con người xinh đẹp.

Ánh mắt cô nhìn tôi có chút ngạc nhiên khiến tôi vội bắt đầu làm thủ tục nhận hồ sơ để chữa lỗi sơ xuất ngớ ngẩn vừa rồi. Khi xong việc, cô lịch sự nói lời tạm biệt, toan quay đi thì bị tôi gọi với theo:

"Cô Daidouji, có cái này tôi nhận từ một người, và tôi muốn trả lại cho cô."

Nói rồi tôi tháo trên chùm tóc đuôi gà sợi ruy băng bằng lụa trắng và đặt vào tay người phụ nữ. Những ngón tay cô nhanh chóng quấn lấy nó, thận trọng dò xét. Tôi lén nhìn sang ngón áp út trên cả hai bàn tay cô và khẽ cười khi nhận ra không có chiếc nhẫn nào ở đó. Cả vệt trắng do đeo nhẫn cũng đã mờ đi rất nhiều - chắc cuộc hôn nhân đã kết thúc được một thời gian dài rồi. Cuối cùng thì cô đã được giải thoát, đúng như nguyện ước của anh, cho dù anh đã không thể tự tay thực hiện nó.

"Đây là..." Người phụ nữ run rẩy nói bằng giọng xúc động.

"Tên anh ấy là Nokoru Imonoyama."

Nhưng người phụ nữ dường như không nghe thấy cái tên. Trông cô như đã lạc đến tận nơi xa xôi nào đó. Có lẽ là mười hay hai mươi năm trước, khi chiều chiều lại có ánh mắt xanh biếc dịu dàng nhìn cô từ xa.

Tôi biết cô không cần cái tên của anh. Vì từ lâu cô đã biết linh hồn anh rồi.

Hốt nhiên, cô kéo sợi ruy băng trắng lên gần kẽ môi như muốn kín đáo đặt lên nó một nụ hôn. Cô nhoẻn miệng cười, sắc tím trong mắt cô đục ngầu rồi nhoè đi giữa lời thì thầm không dành cho tôi:

"Cuối cùng anh cũng đến."

Fin.

06/09/2017
Anise

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top