V. Mục 2- Bồi thường thiệt hại
Mục 2- Bồi thường thiệt hại
24. Khi một bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường những thiệt hại nào?
Theo Điều 74 CISG, có hai loại thiệt hại được bồi thường, bao gồm:
- Tổn thất mà bên bị vi phạm đã gánh chịu. Trong thực tế, thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng thường sẽ là: những tài sản bị mất mát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút về tài sản, chi phí mà bên bị phạm trong hợp đồng phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do bên vi phạm hợp đồng gây ra (ví dụ như chi phí sửa chữa hàng hóa hư hỏng);
- Khoản lợi bị bỏ lỡ (thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút) đối với bên bị vi phạm, là hậu quả của sự vi phạm hợp đồng.
Về tính chất của thiệt hại được bồi thường, CISG nhấn mạnh đến tính dự đoán trước được của thiệt hại: các thiệt hại được bồi thường không thể cao hơn những tổn thất và khoản lợi bỏ lỡ mà bên bị vi phạm có khả năng đã dự liệu được vào lúc giao kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ đã biết hoặc đáng lẽ phải biết.
CISG không quy định rõ ràng về tính chất trực tiếp hay gián tiếp của thiệt hại được bồi thường, nhưng yêu cầu về tính dự đoán trước được của thiệt hại cũng sẽ dẫn đến việc các thiệt hại quá "xa", mang tính gián tiếp thường sẽ không thỏa mãn yêu cầu này và thường sẽ không được bồi thường.
Các khoản thiệt hại phải được tính toán và chứng minh một cách hợp lý. Tính hợp lý ở đây được đánh giá một cách khách quan, dựa trên thực tiễn các yếu tố của tranh chấp và của thị trường. Nguyên tắc này không cho phép các bên thổi phồng thiệt hại của mình lên một cách vô căn cứ, bất hợp lý.
25. Khi có hành vi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại, nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm được quy định như thế nào?
Khi có vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm hợp đồng phải áp dụng những biện pháp hợp lý căn cứ vào các tình huống cụ thể để hạn chế tổn thất kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do sự vi phạm hợp đồng gây ra (Điều 77 CISG). Nếu bên bị vi phạm hợp đồng không thực hiện việc hạn chế tổn thất, bên vi phạm hợp đồng có thể yêu cầu giảm bớt một khoản tiền bồi thường thiệt hại bằng với mức tổn thất đáng lẽ đã có thể hạn chế được.
Ví dụ, theo hợp đồng, Công ty S có nghĩa vụ giao hàng trị giá 100.000 USD cho Công ty B vào ngày 01/05. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, giá thị trường cho loại hàng hoá tương tự là
125.000 USD. Khi đến hạn giao hàng, Công ty S thông báo với Công ty B rằng Công ty S không có ý định giao hàng nữa. Công
ty B đã tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng hợp pháp nhưng lại không tiến hành mua hàng hoá thay thế trước ngày 01/07 - là thời điểm giá thị trường cho hàng hoá tương tự đã lên tới 150.000 USD. Trong trường hợp này, Công ty B không thể lấy lại phần tổn thất trị giá 50.000 USD, vì anh ta đã không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để giảm bớt thiệt hại của mình. Do vậy, giá trị bồi thường thiệt hại của B bị giới hạn chỉ trong 25.000 USD.
26. CISG quy định như thế nào về bồi thường thiệt hại tinh thần?
CISG không quy định cụ thể thiệt hại tinh thần, ví dụ thiệt hại do ảnh hưởng đến uy tín của một bên có được bồi thường hay không.
Mặc dù việc đòi bồi thường thiệt hại tinh thần ít xảy ra đối với hợp đồng mua bán hàng hóa (mà chỉ thường xảy ra trong những hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, vận động viên cấp cao hoặc những nhà tư vấn thuộc một công ty hay một tổ chức), các bình luận chính thức của CISG khẳng định bên bị thiệt hại tinh thần được đòi bồi thường, với điều kiện phải tuân thủ các yêu cầu của CISG về tính dự đoán trước được của thiệt hại và phải chứng minh thiệt hại tinh thần đó một cách hợp lý.
Việc bồi thường thiệt hại tinh thần có thể được xác định dưới những hình thức khác nhau và việc quyết định về các hình thức này, áp dụng riêng lẻ hay kết hợp, sao cho phù hợp nhất với việc bồi thường toàn bộ thiệt hại thuộc về toà án. Toà án không những có thể quyết định về bồi thường thiệt hại mà
còn quyết định các hình thức sửa chữa khác, như buộc công khai trên báo chí (ví dụ bồi thường cho vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín v.v...).
27. Nếu một bên chậm thanh toán tiền hàng hay một khoản tiền khác thì bên kia có quyền đòi tiền lãi không? Lãi suất được tính như thế nào?
CISG cho phép bên bị chậm thanh toán "bất kỳ khoản tiền nào" có quyền đòi tiền lãi trên số tiền chậm trả đó. Tuy nhiên, CISG không quy định rõ ràng về cách tính tiền lãi. Chiếu theo Điều 78 CISG thì có thể thấy Điều 78 cho phép bồi thường tiền lãi đối với bất kỳ "khoản nợ" nào (bao gồm cả việc người bán chậm trễ trả lại tiền hàng mà người mua đã thanh toán khi người mua sử dụng hợp lý quyền hủy bỏ hợp đồng của mình), tức là tiền lãi được cộng dồn cho đến ngày thanh toán. Án lệ Điều 78 của Công ước cho thấy các tòa án, trọng tài đã cho người mua được hưởng tiền lãi tính đến ngày người bán giao hàng đúng hợp đồng; hay cho người bán được tính tiền lãi cộng dồn cho đến ngày người mua thanh toán thực tế.
Điều 78 CISG không quy định lãi suất nào được áp dụng (lãi suất tại nước bên bị vi phạm, lãi suất tại nơi thanh toán, hay lãi suất tại nơi tranh chấp được giải quyết). Án lệ CISG cho thấy xu hướng cơ quan giải quyết tranh chấp áp dụng lãi suất trung bình cho vay ngắn hạn của ngân hàng bằng đồng tiền thanh toán tại địa điểm thanh toán, nếu tại địa điểm thanh toán không xác định được lãi suất này thì áp dụng lãi suất tại quốc gia có đồng
tiền thanh toán đó. Nếu cả hai tỷ lệ lãi suất trên đều không xác định được thì áp dụng mức lãi suất hợp lý (reasonable rate) do luật của quốc gia có đồng tiền thanh toán đó xác định. Có thể tham khảo vụ kiện số 8128 của ICC về tranh chấp từ hợp đồng mua bán phân bón giữa người mua Thụy Sỹ và người bán Úc. Luật áp dụng là CISG. Khi tính toán tiền lãi đối với khoản tiền hàng, trọng tài đã dẫn chiếu đến lãi suất LIBOR+2% (London Interbank Offered Rate) do đồng tiền thanh toán là bảng Anh và lãi suất người mua phải trả là lãi suất đi vay và thường cao hơn lãi suất cho vay.
28. CISG có quy định về phạt do vi phạm hợp đồng không?
Về các chế tài do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, CISG không có quy định nào về điều khoản phạt và hiệu lực của các điều khoản này, trong khi các điều khoản này được sử dụng khá rộng rãi trong các hợp đồng quốc tế cho các trường hợp vi phạm thời hạn thực hiện nghĩa vụ (chậm thực hiện nghĩa vụ) hay không thực hiện nghĩa vụ.
Tuy nhiên, còn có rất nhiều tranh cãi về hiệu lực của các điều khoản này giữa hai hệ thống Civil Law và Common Law. Các nước theo hệ thống Civil Law thường chấp nhận hiệu lực của các điều khoản phạt, trong khi đó, các nước thuộc hệ thống Common Law sẽ bác bỏ những điều khoản như vậy nếu chúng được lập ra với mục đích là phạt vi phạm, là trừng phạt. Trong quá trình soạn thảo CISG, các nhà soạn thảo đã không tìm được tiếng nói chung về vấn đề này, vì vậy, vấn đề
này bị bỏ ngỏ.
Theo xu hướng pháp luật hợp đồng hiện đại, án lệ CISG cho thấy xu hướng chấp nhận hiệu lực của các điều khoản này nếu chúng đáp ứng được các điều kiện nhất định. Có thể tham khảo giải pháp của PICC - một văn bản thống nhất luật thường được dẫn chiếu để bổ sung các thiếu sót của CISG. PICC quy định chấp nhận hiệu lực của các điều khoản được gọi là "khoản tiền bồi thường định trước" (liquidated damages) nhằm tránh thuật ngữ điều khoản "phạt vi phạm" (penalty clause) dễ gây "khó chịu" cho các tòa án thuộc các nước Anglo Saxon. Điều khoản này được áp dụng trong cả trường hợp bên bị vi phạm chưa có thiệt hại thực tế. Tuy vậy, để tránh trường hợp lạm dụng điều khoản này, PICC quy định khoản tiền bồi thường định trước này phải hợp lý và có thể được giảm nếu nó được quy định quá cao so với thiệt hại thực tế hoặc những thiệt hại mà các bên có thể lường trước được (Điều 7.4.13).
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top