Chương 1. Nhị thiếu gia họ Hàn về quê dưỡng bệnh
Đang vào mùa mưa, ngoài đồng đã trắng xóa một màu nước, hôm nay nhân lúc mưa ngớt, Thu Cúc cùng em trai liền ra đồng mò tôm bắt tép để kịp phiên chợ sáng. Ra đồng từ giờ Dần* mà chỉ chưa đầy một canh giờ tôm tép đã đầy ắp cả hai giỏ mang theo. Phía bên kia thấy em trai cũng bội thu cả một thúng lớn, Thu Cúc liền gọi lớn một tiếng kêu em trai về.
Hôm nay tuy mưa đã ngớt, nhưng trời vẫn âm u, mây đen phủ kín một khoảng không. Thu Cúc cùng em trai đi đến mương nước gần đường lớn rửa chân tay. Nước trong mương do mưa lớn liên tiếp nhiều ngày mà đã tràn lên bờ, Thu Cúc để hai giỏ tôm tép vừa mò được xuống, xắn ống quần, trực tiếp đưa chân xuống mương mà cọ rửa. Người quê thường không chú ý tới tiểu tiết, việc để lộ một ít da thịt ra bên ngoài vốn là điều bình thường. Đúng lúc này tiếng động từ đằng xa thu hút ánh sự chú ý của cả hai chị em. Thằng Năm Hạ em Thu Cúc sau khi nhìn chằm chằm phía xa liền quay qua phía Thu Cúc mà trầm trồ:
" Em chưa bao giờ như thấy chiếc xe ngựa nào lớn như chiếc đằng kia."
Quả thật chiếc xe ngựa đang tiến lại gần phía chị em thật sự xa hoa, không những có mái che phía trên, mà ba phía cũng được vây bằng gỗ, phía trên mặt gỗ được khắc hoa văn tinh xảo, cửa phía trước được che bằng một chiếc rèm lụa. Theo sau còn có một chiếc xe ngựa kích thước có vẻ nhỏ hơn một chút, cùng hai chiếc xe kéo khác, bên trên xe kéo chất đầy hành lý. Phía trước xe ngựa được hai người trên hông đeo kiếm trông có vẻ như hạ nhân cưỡi ngựa đi trước bảo hộ. Sống ở vùng quê quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đi lại bằng chân là chủ yếu thì đoàn người kia quả là làm cho hai chị em Thu Cúc được mở rộng tầm mắt.
Lúc xe ngựa đi ngang qua hai chị em Thu Cúc, nước mưa tạo thành những hố nhỏ trên đường bắn tung tóe ra hai bên văng vào người hai chị em. Thằng Năm Hạ bị bắn nước lên mặt tức giận mà chửi thề hai ba câu. Tiếng chửi của cậu có vẻ đã bị tên phu xe chở đồ phía cuối nhìn thấy. Hắn quay đầu lại khẽ ngườm cậu một cái. Thu Cúc thấy vậy liền khẽ quát em trai:
" Năm, im lặng!"
Nhìn đoàn người kia hẳn là kẻ có tiền, dù không có tiền cũng chắc chắn có quyền thế. Nhà Thu Cúc vốn chỉ là nông dân nghèo khó, lỡ có gì đắc tội với người ta thật không biết hậu quả ra sao.
Cu Năm vốn định chửi thêm câu nữa liền nhanh nhẹn nuốt ngược vào trong .
(*)Giờ Dần: từ 3h-5h sáng
Hôm nay quả là bội thu, ngoài chỗ tôm tép Thu Cúc mò được, cu Năm còn bắt được thêm ba con ếch lớn. Về tới nhà, Thu Cúc liền mang tôm tép mò được chia làm ba phần, một phần nàng ngâm trong chậu rồi đặt thúng lên trên,hai phần còn lại nàng bỏ vào một giỏ lớn cùng và một giỏ bé khác. Thấy chị mình phân chia như vậy thằng Năm liền trêu:
" Hai giỏ kia, hẳn là một giỏ mang sang nhà Bùi mặt trắng ?"
Nghe xong mặt Thu Cúc liền nóng lên, cốc đầu cu Năm một cái rồi nói:
"Mi đó, ngày càng nhiều chuyện nha."
Bùi mặt trắng trong miệng Năm Hạ chính là Bùi Lâm Phương, cách nhà nàng một ngõ, là thanh mai trúc mã từ nhỏ của nàng. Con trai ở vùng này do phải làm vệc nặng nhọc từ sớm nước da đều ngăm đen, tay chân cơ bắp. Duy chỉ có Bùi Lâm Phương là ngược lại, môi đỏ da trắng, chân tay lại mảnh khảnh có phần hơi yếu ớt. Từ nhỏ Lâm Phương thường hay bị lũ con trai cùng xóm bắt nạt, bị gọi là thằng đàn bà, lần thì bị ném bùn đất vào người, lần thì bị đẩy ngã vào khóm tre đầu ngõ. Tệ hại hơn, có lần Lâm Phương bị đám con trai vứt xuống cái ao sen trước đình làng mà Lâm Phương lại không biết bơi. Vốn cả đám đang hả hê cười lớn trước trò đùa của mình, nhìn thấy Lâm Phương vừa vùng vẫy dưới nước vừa kêu cứu mạng cả đám dần ngưng cười quay sang nhìn nhau. Thu Cúc đi qua thấy vậy, trong lúc đám con trai đang hoảng loạn, nàng đã nhanh nhẹn nhảy xuống nước cứu Lâm Phương. Sau lần ấy, mẹ Lâm Phương vốn hiền lành vì xót con liền sang nhà mấy thằng kia làm ầm một phen khiến mấy cu cậu từ đó về sau cũng không dám làm gì quá trớn với Bùi Lâm Phương nữa. Mà Thu Cúc cùng hắn cũng làm bạn với nhau từ đó.
Cha Lâm Phương là Bùi Lâm Lộc một thầy dạy chữ trong làng. Bùi Lâm Lộc từng thi làm quan nhưng không đỗ sau về làng mở lớp dạy chữ. Cả nhà hắn đều sống dựa vào tiền dạy học đó. Tuy nhiên, ở cái làng quê này, biết chữ chưa chắc đã có cơm ăn áo mặc, chi bằng dùng sức lực tự thân mà ra đồng cày cấy làm thuê cho phú hộ trong làng hay làm mấy công việc gánh vác nặng nhọc mà nhanh chóng kiếm tiền còn thực tế hơn. Cũng vì vậy học trò của Bùi Lâm Lộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mẹ Lâm Phương lại bệnh tật quấn thân, hàng ngày thêu ít khăn tay bán được chiếc nào hay chiếc ấy. Cuộc sống gia đình họ Bùi cũng chẳng mấy dư dả. Vì thế mỗi lần mò tôm tép được nhiều, Thu Cúc liền chia cho nhà họ một ít.
Từ nhỏ, khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, thay vì dong duổi trên những cánh đồng lúa hay lặn lội trong ao sâu bùn lầy, Lâm Phương lại làm bạn với Phật Giáo, Nho giáo cùng Đạo giáo. Nàng nghe Lâm Phương nói, kì thi làm quan năm sau nếu chỉ biết về Nho giáo là không đủ. Cần phải tinh thông cả kiến thức về Phật Giáo cùng Đạo Giáo* thì may ra mới có cơ hội công thành danh toại. Triều đình không chỉ coi trọng chữ tài mà còn đặt nặng chữ đức. Có tài mà không có đức thì xem như cũng uổng phí. Mà kì thi làm quan không phải năm nào cũng tổ chức, khoa thi gần nhất cũng cách đây cả chục năm, chính là khoa thi mà cha Lâm Phương thi trượt*. Cha Lâm Phương vì không hoàn thành ước nguyện làm quan liền đem ước nguyện của mình đặt hết lên người hắn. Theo nàng thấy hắn cũng thật cố gắng đi. Hàng ngày đều chăm chỉ đọc sách luyện chữ, dù nàng có rủ đi chơi mà đang lúc hắn còn chưa tập viết xong liền nhất quyết bắt nàng đợi. Có lần cũng vì việc này mà nàng giận hắn hai ba ngày .
(*)Dưới triều Lý các khoa thi không hỏi riêng về kiến thức một lĩnh vực Nho giáo đơn thuần mà hỏi cả về Phật giáo và Đạo giáo, vì vậy đòi hỏi người ứng thí các khoa thi phải thông hiểu kiến thức cả ba đạo này mới có thể đỗ đạt. Việc tổ chức thi Tam giáo (Phật, Nho, Đạo) chính thức được thực hiện năm 1195 dưới triều vua Lý Cao Tông.
* Khoa Nhâm Thân (1152) niên hiệu Đại Định thời Lý Anh Tông, thi Đình ( kỳ thi mà cha Bùi Lâm Phương thi)
Khoa Ất Dậu (1165) niên hiệu Chính Long Bảo Ứng thời Lý Anh Tông, thi học sinh (như thi Tiến sĩ thời Hậu Lê sau này(kỳ thi mà Bùi Lâm Phương chuẩn bị thi).
Nguồntrích: vi. wikipedia
Trước khi lên chợ trên trấn, nàng ghé qua nhà Bùi Lâm Phương đưa giỏ tôm tép kia. Giờ này chỉ có thím Hàm mẹ của Lâm Phương ở nhà, nghe thím nói hình như hắn đã ra ngoài mua sách cùng cha. Thím Hàm nhận lấy giỏ từ trong tay Thu Cúc :
"Con thật là, lần nào cũng vậy. Hay con vào nhà chơi đã, thằng Phương chắc cũng sắp về rồi."
Thu Cúc liền lắc đầu từ chối:
" Thôi để lần khác , con phải lên trấn không là muộn mất phiên chợ sớm ạ."
Mẹ Lâm Phương nghe xong cũng không giữ người lại nữa liền dặn nàng đi đường cẩn thẩn. Thím Hàm thấy bóng lưng Thu Cúc dần đi xa khẽ mỉm cười vẻ mặt hài lòng. Thu Cúc năm nay đã sắp 15, tuy người có chút gầy lại hơi đen nhưng bù lại là đứa chăm chỉ, ngoan ngoãn. Thằng Phương nhà bà với Thu Cúc cũng thật tâm đầu ý hợp đi. Càng nghĩ bà càng cảm thấy hài lòng, định sẵn đứa con dâu tương lai trong lòng.
Từ xóm Thu Cúc lên chợ trong trấn cũng mất khoảng một tuần hương*, dọc đường đi liền gặp Mai Liên làng bên cũng đang trên đường tới chợ. Mai Liên nhìn thấy Thu Cúc liền hí hửng bắt chuyện:
" Này Cúc, mày đã nghe tin gì chưa?"
Nhìn vẻ mặt tràn đầy hào hứng kể chuyện của cái Liên, Thu Cúc làm ra vẻ tò mò:
" Chuyện gì mà mới sáng ra đã khiến mày hào hứng thế, mau kể."
Chỉ chờ có thế, cái Liên bắt đầu kể:
" Mấy nay mẹ tao với tao được lão phú hộ Nhân mướn dọn dẹp phủ ốc bỏ không sát vách nhà lão đấy. Nghe nói là có đứa cháu họ hàng xa từ trên kinh thành về dưỡng bệnh."
Thu Cúc nhớ không nhầm lão Nhân tuy là phú hộ giàu có nức tiếng ở lộ Kiến Xương nhưng lão nổi tiếng ki bo, ngoại trừ vụ mùa mới thuê người làm bên ngoài còn lại đều dùng hạ nhân trong phủ. Nay chỉ vì dọn dẹp toà viện sau nhà mướn thêm cả người ngoài, thật không giống tính lão chút nào. Thu Cúc hỏi lại xác nhận:
" Lão Nhân sao bữa nay lại hào phóng thế?"
Cái Liên thuật lại mấy tin mà mình nghe ngóng được ra:
" Tao nghe người làm trong phủ lão kể lại, đứa cháu này tuy là họ hàng xa, nhưng lai lịch không tầm thường. Là con thứ hai của một vị quan lớn trong triều. À vị quan tên là gì nhỉ, hình như là Hàn Quốc Bảo*. Mà chắc mi không biết, nhà họ Hàn có công lớn phụ giúp vua khi lập quốc. Được vua ban thưởng nhiều đất đai, nhà mấy đời đều làm công thần trong triều. Tới đời này người đứng đầu dòng họ Hàn cũng đã làm tới chức ngoại lang của thượng thư sảnh * rồi đấy. Mà lão Nhân trở thành phú hộ trong vùng cũng là nhờ được thơm lây của vị này. "
Cái Liên dừng lại một lúc rồi nói tiếp :
"Nghe nói, đứa cháu này là về quê dưỡng bệnh,cần nơi yên tĩnh nên không muốn chung đụng với gia đình lão. Mà toà viện bỏ hoang kia vốn trước đây là nơi ở khi về già của lão phu nhân nhà họ Hàn trên kinh thành. Tiếc là lão phu nhân mất vì bạo bệnh cách đây mấy năm, từ khi lão phu nhân mất, nhà họ Hàn liền giao cho lão Nhân trông coi. Mà mày cũng biết lão Nhân vốn tính kiệt xỉ trước đây còn thỉnh thoảng cho người dọn dẹp, về sau liền thôi luôn. Cũng vì thế toà viện bị bỏ hoang nhiều năm,nhiều chỗ đã bắt đầu hỏng hóc. Nghe tin cậu hai nhà họ hàng sắp đến, lão mới cần gấp rút sửa lại viện.'
Thu Cúc nghe xong đúng lại được khai sáng, lại nhớ tới đoàn người sáng nay gặp, bèn hỏi lại :
"Này, cậu hai nhà họ Hàn hôm nay tới phải không ?"
Nghe xong dường như bị bất ngờ, cái Liên lập tức hỏi lại :
" Sao mày biết hay vậy ?"
Thu Cúc liền miêu tả lại đoàn người sáng nay nhìn thấy cho cái Liên nghe. Hai người vừa đi vừa câu qua câu lại thoáng chốc đã đến chợ. Chuyện về cậu hai nhà họ Hàn cùng lão phú hộ Nhân cũng không khiến Thu Cúc để tâm là mấy, dù sao cũng là chuyện của người ta, chẳng dính dáng gì tới nàng. Mà Thu Cúc cũng không ngờ chuyện tưởng như không dính dáng này mấy ngày sau liền bắt đầu có dính dáng.
(*)Sảnh là các cơ quan giúp việc cho hoàng đế. Nhà Lý có 2 sảnh hay được nhắc đến trong các tư liệu lịch sử cũ là Thượng thư sảnh và Trung thư sảnh. Đứng đầu các sảnh là chức viên ngoại lang.
(*)Hàn Quốc Bảo là một nhân vật có thật trong lịch sử làm quan tới chức ngoại lang của thượng thư sảnh thời nhà Lý.
Nguồn: vi.wikipeda
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top