22. Những ngày mưa.
Tôi đến nhà của Hải Đăng vào cuối tháng bảy. Thời tiết năm nay rất khó chịu, mới sáng sớm trời đã nóng nực. Hải Đăng bảo tôi ăn mặc thoải mái là được, tôi phân vân rất nhiều rồi quyết định vẫn mặc áo sơ mi quần jeans đàng hoàng.
Nếu như bố mẹ Hải Đăng thấy cảnh tôi mặc quần đùi áo rách ngồi vắt chân lên ghế, tôi lo rằng khả năng cao là Hải Đăng sẽ bị bắt nhốt để ngăn không cho tôi tới gần anh nữa.
Tôi bắt đầu muốn bỏ chạy khi mọi người khuyên rằng tôi nên mua quà đến. Không phải thiếu thốn tiền bạc, tôi chỉ cần tưởng tượng cảnh mình khép nép khoe răng cười, hai tay run run dâng lên một chiếc hộp óng ánh đựng củ sâm và ngọc trai là đã thấy sai trái đầy mình. Negav gợi ý cho tôi mua tranh của Bảo Khang để mang sang tặng, anh Minh Hiếu bảo rằng khi nào chắc chắn mình cũng sẽ có tên trong gia phả nhà Hải Đăng rồi hãy tặng tranh. Tôi biết Phạm Bảo Khang tặng tranh cho bố của anh Minh Hiếu ngay từ lần gặp đầu tiên nhưng không muốn so đo gì, chính tôi cũng thấy kì quặc khi ôm một bức tranh tới rồi diễn tả nội dung của nó. Hải Đăng không biết tư vấn ra sao bởi vì anh cũng là lần đầu đưa bạn đến nhà, Nguyệt Ánh nói với tôi rằng con bé trong lần ra mắt đã mua một giỏ trái cây.
Cảm giác trái cây cũng là thứ tạo đề tài tốt hơn củ sâm hay tranh ảnh, tôi quyết định mua hoa quả tới nhà Hải Đăng. Tôi cất công chạy xe đến tận chợ đầu mối, rồi không biết là vì thời tiết quá nóng nực hay vì thấy mấy giỏ trái cây được sắp xếp cẩn thận nhìn rất giống đồ cúng trên bàn thờ, tôi không mua những thứ trái cây đắt tiền gì mà chỉ mang về nhà ba quả dưa hấu rất to.
Thành thật mà nói, dù buổi ra mắt đã hỏng bét ngay từ giây phút tôi bật cốp xe cho ba quả dưa xuất hiện, tôi vẫn tự hào với quyết định đó của mình.
--
Nhà của Hải Đăng không lớn như của bác sĩ Thiên Kim, nó có vẻ giản dị và hợp mắt tôi hơn tòa lâu đài châu chấu đó. Hải Đăng phá lên cười khi thấy ba quả dưa hấu nằm gọn trong hộp giữ nhiệt mà tôi đã đổ vào đó rất nhiều đá lạnh, anh vừa ôm quả dưa lớn nhất ra vừa nói trong tiếng cười:
"Vì sao em lại giấu anh? Anh còn tưởng em mang rượu rắn hổ mang hay là nhân sâm ngàn năm tới nên mới phải giấu."
Tôi mở rộng chiếc túi gai cho Hải Đăng thảy quả dưa vào. Hải Đăng cố gắng mãi mà quả dưa thứ hai vẫn lăn tròn trong thùng đá, tôi dúi chiếc túi vào lòng anh rồi tự mình lúi húi lấy dưa ra.
"Em sợ anh không cho em mang những thứ chợ búa này đến, phải mang đồ thượng đẳng nhất mới xứng tầm con rể quốc dân."
Tôi chỉ nói vui nhưng Hải Đăng lại giận. Anh cau mày nghiêm túc nói anh không phải người như thế rồi xách túi đựng dưa hấu đi vào nhà. Tôi níu lấy quai túi định xách thay anh, Hải Đăng gạt ra nhưng cũng không nắm tay tôi đi tiếp. Chỉ trong quãng đường từ nơi đỗ xe vào tận bãi cỏ nhà Hải Đăng, tôi đã thầm nghĩ rằng thật tiếc vì Hải Đăng chưa từng đưa ai về nhà ra mắt. Nếu như anh đã từng làm chuyện đó, có lẽ anh sẽ không để mặc tôi lóng ngóng đi phía sau chỉ vì một câu nói đùa.
Ừ thì tôi cũng đáng giận vì chơi đánh đu giữa vô tư và vô duyên, nhưng tôi tưởng Hải Đăng biết rằng mỗi lần lo lắng thì tôi lại bắt đầu nói nhảm.
Chó cắn áo rách, vừa bước chân vào nhà thì tôi đã thấy bác sĩ Lê Thiên Kim đang ung dung ngồi ở giữa phòng khách. Đối diện với cô là bố của Hải Đăng, hai người đang trao đổi rất hăng, trên bàn còn có một hộp sách rõ ràng vừa mới được khui.
Vậy mà ông ấy đảm bảo sẽ không có vị khách vô duyên nào xuất hiện...
Mẹ của Hải Đăng ra đón chúng tôi. Bà cười cười kéo tay tôi vào nhà dù vẫn còn hơi gượng gạo, vừa dắt tôi đi bà vừa nói với Hải Đăng:
"Thiên Kim vừa sang đưa mấy quyển sách bố con tìm mãi chưa thấy. Có con trai làm bác sĩ làm gì khi mà phải để người khác mang tài liệu sang cho bố mình?"
Tôi vô thức đưa tay lên sờ đầu. Hộp tài liệu quý giá kia đem so với ba quả dưa của tôi, sự tình có hơi bi đát. Hải Đăng nói với mẹ rằng Thiên Kim vừa đi du học về còn anh thì đi đã lâu, bạn bè ở bên kia không phải là người có thể nhờ vả được. Tôi nghe câu chuyện bằng một tai, mắt chỉ có thể liếc quanh ngôi nhà lớn. Dù sao tôi cũng không thể nhờ họa sĩ Phạm Anh Quân đặt mấy quyển sách Y khoa giúp mình.
--
Viện phó Đỗ thân thiện với tôi hơn tôi nghĩ, nhưng ông cũng thân thiện với bác sĩ Thiên Kim như tôi nghĩ. Thiên Kim không đứng dậy ra về khi gặp chúng tôi, cuối cùng bàn phòng khách lại hiện ra một cảnh dở khóc dở cười: Bố mẹ Hải Đăng ngồi ở hai chiếc ghế đơn, trên sofa dài là tôi và Thiên Kim ngồi hai bên, Hải Đăng ngồi giữa. Hải Đăng chỉ có một chị gái đã sống ở nước ngoài lâu năm, tôi nhìn đi nhìn lại trong nhà cũng chỉ gặp bóng hai người giúp việc chốc chốc lại ở trong bếp đi ra hỏi han thứ này thứ khác.
Những câu chuyện về tôi nói mãi cũng hết, bốn người bác sĩ bắt đầu quay lại nói về bệnh viện. Tôi ngồi đờ đẫn làm như mình chú ý lắng nghe về tình hình bệnh viện mới của ngài viện trưởng sắp về hưu, phương pháp mổ bằng dao laser gì đó, dịch mers đang quay lại ở tỉnh nào đó. Thật ra trong lòng tôi chỉ muốn đứng lên đá Hải Đăng một cái, liếc Thiên Kim một lần rồi sau đó ôm một quả dưa đi về.
Tôi đã ngờ rằng mọi chuyện sẽ xảy ra như thế này, nhưng chưa bao giờ nghĩ Đỗ Hải Đăng sẽ đưa tôi về nhà rồi thả tôi một mình lênh đênh giữa biển như thế kia.
Đỉnh cao của buổi ăn trưa thân mật đó là bác sĩ Thiên Kim từ chối ở lại nên ra về sau rất nhiều lời mời gọi, nhưng chỉ mười phút sau khi ngồi xuống, khi tay Hải Đăng còn bóc dở một con tôm không biết là cho mẹ hay là cho tôi, anh nhận được điện thoại từ bệnh viện báo cần tăng cường. Người đàn ông thuận cả hai tay của cuộc đời tôi vút một cái cho con tôm bóc một nửa vào miệng của chính anh, tay kia nhặt khăn ăn lên lau vài cái rồi nói rằng mình sẽ sang đón bác sĩ Thiên Kim để cùng đến bệnh viện.
Hải Đăng vừa đi khuất sau cánh cửa, mẹ anh nhìn tôi áy náy:
"Như vậy không sao chứ?"
Tôi hối hả gật đầu:
"Không sao ạ, dù sao thì tôm vẫn còn nhiều."
Tôi tỉ mẩn bóc tôm cho bố mẹ Hải Đăng, phải mất rất nhiều công sức mới đặt được con tôm vào bát của viện phó bởi vì bàn ăn nhà anh rất lớn. Hải Đăng đi cũng tốt, anh ở lại càng làm tôi ngứa mắt hơn. Viện phó Đỗ ăn hết tôm tôi bóc thì chống đũa cất giọng trầm trầm:
"Làm bác sĩ là như vậy, sau này lên đến tuổi của bác thì mới bắt đầu tạm gọi là nhàn nhã. Lúc đó sẽ có nhiều thời gian."
Tôi vâng dạ rồi tiếp tục ăn cơm. So với việc giận Hải Đăng, lúc này tôi đột nhiên thấy thương hai người lớn tuổi. Hai ông bà luôn ngồi cùng nhau trước bàn ăn lớn như thế này, con trai chưa kết hôn cũng đã mua nhà riêng để ở. Không còn Hải Đăng và Thiên Kim nữa, cơ miệng của tôi bắt đầu bớt đóng băng. Tôi khoe với bố mẹ Hải Đăng rằng tôi yêu Hải Đăng không hề buồn chán, ở đâu tôi cũng kết bạn được, cả nửa bệnh viện bây giờ đã thành người nhà của tôi rồi. Nhân nói chuyện bạn bè, tôi kể hết về những ngôi nhà tôi xây và những chủ nhân bây giờ đã thành bạn của tôi, còn hẹn bác gái khi nào đó cùng mẹ tôi tới thăm trang trại trồng nho của cậu khách hàng sáu múi. Bố mẹ Hải Đăng có vẻ chăm chú lắng nghe, tôi chỉ cần có người nghe thì sẽ không ngừng nói. Cho đến khi bữa ăn kết thúc rồi chuyển qua tráng miệng bằng nửa quả dưa hấu tôi mang tới, tôi đã bắt đầu mời mọc mẹ của Hải Đăng chơi game cùng mình.
Mẹ của Đỗ Hải Đăng, sau này cũng là mẹ tôi, từ giây phút đó bắt đầu gọi tôi là Đăng Dương đa cấp.
--
Tôi không có ý định ở lại chơi hết buổi chiều nhưng bố của Hải Đăng lại vô tình nói rằng tưởng sẽ nhờ được hai chúng tôi làm giúp một giàn hoa nho nhỏ. Tôi không phải thợ mộc nhưng ít ra cũng có thể cầm búa không rơi trúng giày, tôi bảo bố mẹ Hải Đăng cứ đi nghỉ, tôi làm xong sẽ tự về. Đương nhiên không có ai cho phép tôi làm như thế, mẹ của Hải Đăng dẫn tôi tới phòng anh để nghỉ trưa.
Phòng của Hải Đăng đã lâu không có người ở nhưng vẫn gọn gàng sạch sẽ. Có một bình hoa mới đặt trên bệ cửa sổ, chắc hẳn nơi này đã được sắp xếp để tôi nghỉ trưa cùng với Hải Đăng. Tôi vừa bước vào đã sà tới giá sách chứa toàn những truyện tranh kinh điển, tôi không ngờ Đỗ Hải Đăng cũng có thời gian để đọc tất cả những thứ đó. Bác gái bảo tôi đi ngủ bởi vì tiêu chuẩn làm vườn của viện phó Đỗ không hề đơn giản, tôi thành thật trả lời rằng mình không có khi nào ngủ trưa. Bác gái nghe vậy thì cũng vào phòng với tôi, chúng tôi ngẩn ngơ không tìm ra được câu chuyện nào để nói. Tiếp tục chúi mũi vào quyển truyện tranh thì hơi bất lịch sự, tôi suy nghĩ một hồi rồi bỗng nhiên buột miệng:
"Nhưng mà... Bác thực sự thấy ổn ạ?"
Bác gái cầm chiếc khung ảnh trên bàn học của Hải Đăng lên ngắm nghía phủi bụi, phải mất một lúc lâu tôi mới nhận được câu trả lời ngắn gọn:
"Ừ."
Tôi so vai bối rối không biết nên tiếp tục nói hay nên yên lặng đọc sách. Đăm đăm nhìn khu vườn bên ngoài héo rũ trong nắng, tôi tự trách mình nếu biết mọi chuyện như thế này thì đã nói dối là mình cần đi ngủ cho xong. Tôi vừa định giả vờ gục đầu xuống như buồn ngủ thì đã giật bắn mình khi nghe tiếng nói nhè nhẹ:
"Đây là lần đầu tiên trong đời Hải Đăng chọn khác với gia đình. Cháu biết quy trình học tập của thành phố chúng ta không?"
Tôi biết chứ. Một con người danh giá sẽ bắt đầu từ một trường mầm non trọng điểm đi lên trường tiểu học trọng điểm, trường trung học trọng điểm, sau đó là đại học trọng điểm.
"Hải Đăng là đứa trẻ như thế đấy. Sau khi tốt nghiệp đại học thì du học ở ngay tại trường đại học mà chúng tôi cũng từng học, ra làm ở..."
"Bệnh viện trọng điểm."
Tôi kết thúc nốt câu nói của bác gái, bỗng nhiên bà lại mỉm cười.
"Sau đó chúng tôi đã tính cho nó kết hôn với hai kiểu người. Hoặc là một cô gái không cần học hành giỏi giang nhưng có thể dịu dàng kiên nhẫn và nghề nghiệp chính là nghề làm vợ làm mẹ, hoặc là Thiên Kim. Chúng tôi nghiêng về phía Thiên Kim hơn, vì con bé có cá tính. Chúng tôi biết rằng Hải Đăng sẽ nhanh chán khi gặp những người không có gì thú vị, may mắn là Thiên Kim khá thú vị."
Tôi gật gù đăm chiêu như thể mình cũng là người trong gia đình đang suy nghĩ chọn người yêu cho Đỗ Hải Đăng. Đang mông lung tưởng tượng xem thử bệnh viện còn có ai trong tầm tuổi của Hải Đăng mà cũng thú vị như Thiên Kim, tôi đột nhiên vỗ đầu:
"Chết rồi!"
Bác gái quay ngoắt nhìn tôi:
"Cái gì chết?"
"Chết Hải Đăng rồi! Cháu không phải người khá thú vị mà là người quá thú vị."
Đáp lại câu nói sặc mùi tự luyến của tôi là một tràng cười dài. Chừng một phút sau, bác gái đưa tay day nhẹ hốc mắt rồi nói với tôi:
"Không biết nói điều này có bị cháu coi là xúc phạm không, nhưng cháu làm cho Hải Đăng trở nên giống như người bình thường. Bác chưa bao giờ thấy nó như tuần qua, tan trực là lái xe về nhà dẹp bỏ hết thứ này đến thứ khác trong phòng khách. Bố của Hải Đăng thích sưu tầm đồ gỗ, mấy thứ mà... đi, bác cho cháu xem."
Mẹ của Hải Đăng dẫn tôi tới căn phòng ngủ bỏ trống ở cuối dãy. Vừa bắt gặp con ó bằng gỗ đỏ xòe cánh ngay khi cửa bật mở, tôi ngay lập tức nhăn mặt. Không chỉ có ó, bên trong còn có đủ một sở thú: mấy con cóc gỗ khảm đá, cá chép hóa rồng, con gì đó lai giữa nhím và lợn rừng, cả mấy súc gỗ không chạm theo hình thù gì cụ thể.
Tôi phải đoán được ngay từ đầu chứ, làm gì có chuyện một người lên tới chức viện phó mà lại không có mấy thú vui như thế này. Làm kiến trúc, tôi cực kì khó chịu với những thứ trang trí lệch hẳn tông với nhà cửa. Tưởng tượng một con rồng bằng gỗ đứng hiên ngang trong cái phòng khách giản dị dưới nhà, chưa gì tôi đã có cảm giác muốn bỏ đi.
Bác gái sờ đầu một con rùa đã lên nước bóng loáng mà không cần quét bất cứ chất tạo bóng nào rồi nói với tôi:
"Nó nói cháu ghét mấy thứ này nên nhất quyết đem tống vào kho. Nó nói lần đầu mang cháu về nhà chơi nên phải cẩn thận vì cháu rất dễ bỏ của chạy lấy người. Hai hôm rồi bác trai ôm gối ra trước cửa phòng này ngủ lại."
Tôi cảnh giác hỏi lại:
"Bác cho cháu xem mấy thứ này có phải là để cảnh cáo cháu nên bỏ của chạy lấy người không ạ?"
Bác gái lắc đầu:
"Những thứ này khi ở phòng khách mới là nguy cơ khiến cháu bỏ chạy, còn ở trong kho thì sẽ là lí do cho cháu ở lại lâu hơn."
Tôi sờ cánh con ó, vuốt đầu con rùa rồi sau đó nhanh chóng lùi ra. Bác gái đi nghỉ trưa, còn một mình tôi nằm trên giường của Hải Đăng nghĩ ngợi. Thì, tôi cũng không thể yêu cầu một Đỗ Hải Đăng hoàn hảo từ trong ra ngoài từ trên xuống dưới, nếu hoàn hảo đến mức đó thì anh nên sống một mình để bảo toàn nòi giống, không cần thiết phải kéo thêm tôi ngã vào đời anh.
Tôi định nhắn tin cho Hải Đăng hỏi mượn mấy cuốn truyện tranh, nhưng cuối cùng lại lăn lộn trên giường rồi ngủ quên mất.
--
Buổi chiều hôm đó, tôi mặc áo quần thể thao của Hải Đăng xuống vườn. Anh Minh Quân và ông chú của Hải Đăng cũng vô tình có mặt, ông chú từ sau khi tôi xây xong căn nhà thì đã chuyển thành người hâm mộ của tôi. Tôi và anh Minh Quân vừa cùng nhau dựng giàn cây chỉ cao chưa đầy hai mét vừa nói chuyện mấy trò chơi mới phát hành, viện phó Đỗ và bác gái cùng ông chú chỉ ngồi ở trong nhà hóng gió cách đó không xa để điều khiển chúng tôi bằng miệng.
Anh Minh Quân vừa làm vừa lẩm bẩm, giàn cây một mét như thế này chắc làm ra để chụp ảnh cho cháu nội. Lại còn là vào chính giữa mùa hè, không gieo hạt trồng cây được mà cũng phải làm giàn hoa. Tôi biết bố mẹ của Hải Đăng sẽ không có ý xỏ xiên đó ngay trong ngày gọi tôi về ra mắt. Họ chỉ muốn để chúng tôi làm một thứ gì đó trong nhà, tiếc là Hải Đăng đi mất, còn một mình tôi ngồi làm cùng với anh họ của Hải Đăng.
Anh Minh Quân miệng kêu ca nhưng tay vẫn thoăn thoắt buộc dây thép đóng đinh, chúng tôi làm xong thì ngồi ngay tại đó chụp ảnh cùng nhau, sau đó tranh nhau ăn hết hơn một quả dưa hấu. Công việc xong xuôi thì đã thành chiều muộn, hai người nhất định giữ tôi ở lại nhưng tôi lại nhất định ra về. Không ai ở lại nhà bạn trai ăn đến hai bữa cơm trong lần đầu ra mắt, mọi người đã dặn tôi cẩn thận vì biết tính tôi dễ xiêu lòng trước mấy lời mời mọc.
Tôi về nhà chưa được một tiếng đồng hồ thì anh Minh Quân gọi đi uống. Chúng tôi thật ra không thân thiết đến mức có thể đi uống khi không có lí do gì, nhưng cuối cùng tôi vẫn hẹn anh ra một quán rượu sát bờ sông. Gió thổi mát rượi, tôi được thoải mái ngồi ăn đồ nướng uống bia lạnh, tự nhiên lại nhắn lung tung cho Đỗ Hải Đăng một cái tin không rõ ràng.
Hai chúng tôi uống hết bốn chai bia, đột nhiên anh Minh Quân nói:
"Hôm nay ra mắt thế nào?"
"Hỏng bét, em còn không dám trả lời tin nhắn hỏi han của anh em bạn bè."
Tôi vừa dầm một miếng râu bạch tuộc nướng vào dĩa ớt vừa trả lời anh Quân. Đặt chai bia đã rỗng xuống đất, anh Quân nhăn mặt:
"Sao lại hỏng được? Em là người vô hại nhất anh từng gặp. Đến bố anh còn coi em như thần tượng."
Tôi cười cười:
"Anh tưởng tượng mà xem, anh vừa không phù hợp với mẫu người mà gia đình người ta mong muốn, lại mang tới nhà người ta ba quả dưa hấu trong khi cô gái trong mơ của nhà người ta mang đến một thùng sách quý phải đặt ở nước ngoài về. Bạn trai anh không thèm nói chuyện với anh mà nói chuyện bệnh viện với người nhà, vừa ngồi xuống bàn ăn thì đã đứng lên đón cô kia đi bệnh viện mất, để lại anh một mình chiến đấu với hai vị phụ huynh nghiêm túc trong khi anh nói ra câu nào cũng cần người phiên dịch để tránh hiểu lầm. Anh đánh giá thế nào về buổi ra mắt như thế?"
"Hỏng bét."
Anh Quân chạm cổ chai thứ ba vào chai bia vẫn còn hơn nửa của tôi. Rồi như bao người khác, anh nói ra một câu thừa thãi:
"Cũng phải thông cảm cho Hải Đăng. Dù sao cũng là lên bệnh viện, không phải đi đến nơi nào khác."
Tôi bò hẳn ra bàn để cười. Hải Đăng mà đi cùng bác sĩ Thiên Kim đến một nơi nào khác ngay trong buổi ra mắt, chắc hẳn bây giờ tôi lại khóc lóc ôm chân Hải Đăng để lại tiếp tục xóa đi đám tin nhắn cùng ảnh chụp trong mấy tháng vừa rồi. Anh Quân ngồi ca cẩm chuyện người yêu, tôi nhàn rỗi đăng lên mạng xã hội một tấm hình tôi làm giàn hoa với anh, có người vào bình luận ngay lập tức:
"Đẹp đấy. @ĐỗHoàng"
--- Tôi phun ngay ngụm bia trong miệng ra bàn.
Ba phút sau, tài khoản tên Đỗ Hoàng cũng trả lời ngay bên dưới bình luận đánh dấu tên ông:
"Hôm nào trời mưa nhớ sang hoàn thành công việc."
Tôi ôm điện thoại chết đứng giữa quán nhậu, bố mẹ của Hải Đăng đúng là cô đơn quá rồi: hai người ở bên dưới tấm ảnh chụp tôi và anh Minh Quân tranh thủ bàn bạc với nhau nên trồng hoa gì cho hợp với cái giàn hoa tôi làm. Ba tiếng sau, khi điện thoại tôi lại bắt đầu nối mạng ở nhà, tôi nhận được hơn hai mươi lời mời kết bạn của những người hoặc họ Đỗ hoặc mặc áo blouse trên ảnh đại diện. Có một người con gái họ Đỗ mà tôi khá chắc là chị gái của Hải Đăng, đi rải tim đều đều trên từng tấm ảnh một, lại đặc biệt để lại bình luận trên mấy tấm ảnh "bạn trai tôi mua kem cho tôi", "bạn trai tôi mua chân gà cho tôi", "bạn trai tôi mua bánh quy gừng cho tôi" hồi Giáng Sinh năm ngoái.
Bởi vì đã quá muộn để chặn đứng sự xâm lăng của người nhà Hải Đăng, tôi bắt đầu nghĩ đến phương án ngày mai tới Gerdnang bắt Bảo Khang chụp một tấm ảnh mặc vest nghiêm chỉnh làm ảnh đại diện thay cho tấm ảnh mặt mày lem luốc đứng giữa vườn nho ngày nào.
--
Nửa đêm, Hải Đăng nhắn tin hỏi tôi có ở nhà hay không. Tôi mắt nhắm mắt mở trả lời rằng anh về nhà ngủ đi, giường anh đã đi lâu như vậy mà vẫn còn thơm mùi bạc hà và quế. Hải Đăng nói rằng anh đang ở ngay trước cửa nhà, là mẹ đuổi anh tới. Tôi cố gắng mọi cách để xua Hải Đăng đi hoặc giảm bớt mùi bia trên người mình nhưng vẫn vô dụng, liêu xiêu ra mở cửa thì ngay lập tức thứ đập vào mắt tôi là đôi tay trắng nhợt vì ngâm nước của Hải Đăng.
Tôi mở to mắt nhìn Hải Đăng, anh chậm rãi lắc đầu. Vậy là từ giữa trưa cho đến nửa đêm, công sức phẫu thuật của Hải Đăng đã không đem đến phép màu nào cho người bị bệnh.
Hải Đăng đã cố gắng không khóc dù mắt anh đỏ ngầu. Tôi hỏi anh đã ăn gì chưa anh cũng không đáp lại, tôi liền lọ mọ đi hâm nóng mấy thứ đồ ăn mẹ anh đã gói cho tôi đem về.
Sau này Hải Đăng nói cho tôi biết rằng đó là một ca mổ liên kết sản - nhi, người mẹ sống ở vùng quê rất xa nên chưa từng biết đến việc siêu âm hay sàng lọc. Người mẹ mang thai đôi, chuyển đến bệnh viện trung tâm thì ngay lập tức lên bàn mổ. Hai đứa trẻ một trai một gái, cả hai đứa đều bị dị tật và dính lưng nhau. Ba mẹ con cùng được phẫu thuật một lần, cũng tạm biệt thế giới trong cùng một lúc. Hải Đăng đã quá quen với những cái chết như thế, nhưng cũng như rất nhiều người bác sĩ khác, anh bị sốc bởi những hình hài không nguyên vẹn ngay từ trong bụng mẹ. Hình ảnh đó sẽ ám ảnh rất lâu hoặc không bao giờ xua đi được, bác sĩ cũng phải trở nên "máu lạnh" để có thể tiếp tục bước vào những trận chiến tiếp theo.
Tôi đã tưởng rằng mình không giận Hải Đăng mười lăm phút thì cũng phải giận mười giây để giữ giá. Nhưng cuối cùng khi Hải Đăng ôm chiếc gối tựa ngồi thừ ra trên ghế sofa, tôi lại sấn tới dụi đầu vào cánh tay anh không nói gì.
Hải Đăng hẹn tôi xem phim hoạt hình, lúc đó đã là một giờ sáng. Tôi chọn đại một bộ phim rồi mở máy chiếu, Hải Đăng vừa nhìn màn hình vừa nghịch tóc tôi. Mãi cho đến khi tôi bắt đầu gà gật, Hải Đăng tựa cằm vào đỉnh đầu tôi nói nhỏ:
"Anh xin lỗi."
Tôi líu lưỡi đáp lại anh:
"Em tự chiến đấu được mà."
Hải Đăng hình như đã lưỡng lự rất lâu, có lẽ anh cũng biết được điều anh sắp nói sẽ làm tôi nổi da gà. Quả thật mọi lỗ chân lông trên người tôi đều dựng ngược, tôi vùng dậy mạnh đến nỗi Hải Đăng phải ôm cằm đau đớn sau khi nghe anh nói:
"Em mang thứ gì đến nhà anh cũng thích, thứ thượng đẳng xứng tầm con rể quốc dân là em chứ không phải là quà."
Đêm hôm đó sau khi ôm cằm quằn quại trên ghế sofa suốt ba mươi phút, Hải Đăng ngồi thẳng dậy rồi bình tĩnh nói vẫn còn may mắn, ít ra anh không bị sái quai hàm.
--
Thật ra thì buổi ra mắt của tôi cũng khá thành công, thành công nhất là chuyện giàn hoa tôi làm đổ sập chỉ sau mười ngày tồn tại.
--
Hết phần 22.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top