20. Houston, we have an invitation.

Đỗ Hải Đăng có nhiều khi làm tôi hạnh phúc vô cùng.

--

Nghe tin tôi và Hải Đăng lại hẹn hò, người khóc ngất không phải bác sĩ Thiên Kim, không phải gia đình Hải Đăng, không phải Huỳnh Hoàng Hùng mà là con gái của chúng tôi. Lam Anh giãy nảy không chịu tin việc đó là sự thật, dù chúng tôi đã chọn một ngày trước ngày Cá tháng tư để thú nhận.

Hôm đó, Hải Đăng bắt đầu bằng việc mua kem cho Lam Anh vào bữa tối. Hải Đăng mua rất nhiều, tôi cũng ăn ké của Lam Anh một hộp. Thấy tôi ngồi múc kem ăn khí thế, Lam Anh bỏ hộp kem tới ôm cổ tôi.

"Lam Anh thương bố Đăng Dương lắm."

Tôi nhăn nhó liếc nhìn Lam Anh, cả nhà đều ngồi thinh lặng chờ nghe xem tiếp theo con bé sẽ nói gì.

"Bố Hải Đăng có tiền mua nhiều kem như vậy mà chỉ cho bố Đăng Dương tiền lẻ để đi hẹn hò."

Có lẽ Lam Anh vẫn nhớ ngày tôi than không có tiền để đi hẹn hò rồi sau đó Hải Đăng móc túi cho tôi mấy đồng tiền lẻ. Hải Đăng ngồi cạnh tôi thoải mái cười, anh vuốt tóc Lam Anh rồi nói:

"Từ nay bố sẽ không cho bố Đăng Dương tiền nữa nhé."

Lam Anh chưa gì đã xịu mặt xuống, Hải Đăng cầm lấy tay tôi:

"Bố dẫn bố Đăng Dương đi hẹn hò là được mà."

Tôi đã nhìn thấy rồi, Pháp Kiều nắm lấy khăn bàn giả vờ nôn ọe. Tôi thương Pháp Kiều nhiều hơn giận, nếu thấy cậu ấy tình cảm với bạn trai thì tôi cũng sẽ buồn nôn thôi.

Lam Anh nói:

"Người yêu nhau mới hẹn hò với nhau, bố có yêu bố Đăng Dương đâu."

Hải Đăng trả lời Lam Anh mà không ngại ngùng chút nào:

"Bố yêu mà. Yêu nhiều lắm. Yêu từ lâu rồi."

Lam Anh mếu máo:

"Bố đừng nói dối con! Bố từng nói bố Đăng Dương không có gì đáng yêu cả, nếu như loài người bị thiên thạch đâm phải như khủng long, trái đất chỉ còn một mình bố Đăng Dương thì bố cũng không yêu bố Đăng Dương."

Mọi người cười òa, chỉ riêng tôi câm nín.

--

Hải Đăng phải chứng minh tấm lòng mình với Lam Anh bằng cách kể ra một ngàn lý do để yêu tôi.

Mỗi ngày Hải Đăng lại kể ra một ít lý do đủ để làm tôi thỏa mãn và Pháp Kiều giống như bị ngộ độc thực phẩm: bố Đăng Dương rất dễ thương, bố Đăng Dương không thù dai, bố Đăng Dương thích xem phim hoạt hình, bố Đăng Dương như thế này, bố Đăng Dương như thế nọ. Tôi tin Hải Đăng thật lòng nghĩ vậy, bởi vì tôi cũng cảm thấy hình như mình đang được cưng chiều.

Lại là Pháp Kiều cười hềnh hệch bảo tôi rằng ngồi đợi mốc meo đến ba mươi tuổi, cái tuổi cần phải đi chiều chuộng người khác rồi mới được cưng chiều, đúng là nỗi buồn mang tầm nhân loại. Hải Đăng nhân tiện đó hất mặt lên trời nói với Pháp Kiều rằng vì đến ba mươi tuổi mà Đăng Dương chưa được ai cưng chiều nên anh càng phải cưng chiều nhiều hơn để bù đắp lại.

Đương nhiên cưng chiều của Hải Đăng cho tôi không có nghĩa như anh Minh Hiếu với Bảo Khang, cũng không giống cưng chiều mà Đặng Thành An nhận được từ "bố đường" Phạm Lưu Tuấn Tài. Chúng tôi vẫn chia đôi tiền vé xem phim, vẫn giành giật nhau một chiếc ghế trong phòng trực của khoa Nhi, vẫn nhắn cho nhau mấy tin nhắn trời ơi đất hỡi theo như nhận xét của đa số mọi người vào nửa đêm, nhưng tôi có cảm giác rất rõ ràng rằng Hải Đăng đang thoải mái yêu đương mà không hề lo lắng điều gì cả. Có thể trước đây Hải Đăng có quá nhiều thứ để cân nhắc mỗi khi hẹn hò, như là chuyện lỡ như đi trong bệnh viện sẽ gặp viện phó, chuyện không biết bao giờ bác sĩ Thiên Kim sẽ về, và cả chuyện tôi lẽo đẽo bám theo anh làm anh phiền nhưng không bám theo anh nữa thì anh sẽ thấy thiếu thốn đến mức phải chủ động nhắn tin.

Mùa hè đã tới, Hải Đăng chuyển đa số ca trực ban đêm sang ban ngày. Năm giờ chiều mỗi ngày, sau khi Hải Đăng cởi áo blouse để mặc áo sơ mi như một người bình thường thì chúng tôi lại có thể hớn hở dắt nhau ra khỏi bệnh viện. Lam Anh vẫn chưa đồng tình với một ngàn lý do của Hải Đăng, con bé nhất định giận dỗi không theo chúng tôi đến rạp chiếu phim nữa.

Chúng tôi tặc lưỡi bỏ qua, thôi thì con bé cũng là con gái nhà người ta, sau này lớn lên lại gả cho một nhà người ta khác.

Thật ra thì không có Lam Anh, việc hẹn hò của chúng tôi trở nên người lớn hơn nhiều. Sau buổi xem phim còn có thể cùng nhau đi dạo, đi uống, đi đến những nơi chỉ có người lớn mới được phép đi.

--

Bác sĩ Lê Thiên Kim trở thành phó khoa trẻ tuổi nhất trong lịch sử bệnh viện, gia đình cô ấy tổ chức tiệc mừng rất lớn. Cả khoa Nhi trừ những người gặp lịch trực đều được mời, mọi người nhìn tôi ái ngại. Bác sĩ Thiên Kim đương nhiên không mời tôi, thiệp mời chỉ viết tên của Hải Đăng cùng dấu chấm hết trong khi thiệp mời của Huỳnh Hoàng Hùng lại có thêm một dấu cộng nho nhỏ đằng sau.

Tôi liếc tấm thiệp trắng muốt in nhũ vàng vài giây rồi ngồi xuống ôm đùi Hải Đăng nhe răng cười vui vẻ. Hải Đăng sẽ không uống rượu đề phòng trường hợp có cấp cứu đột xuất, tôi đi dự tiệc mà không được uống rượu thì thà ở nhà còn hơn.

Chúng tôi - gồm có tôi, Hải Đăng, chị Hồng Hoa, Phương Nhi và Hoàng Hùng đang ngồi ăn mì tương đen trong phòng thì bác sĩ Thiên Kim bước vào. Sau mọi thủ tục chúc mừng, tôi vui miệng nói với Huỳnh Hoàng Hùng rằng dù sao dấu cộng của cậu ta cũng bỏ trống, hay là tôi điền vào chỗ trống giúp cho. Hải Đăng cau mày bóp mạnh vào eo tôi, bác sĩ Thiên Kim tròn mắt hỏi:

"Sao Đăng Dương không đi với Hải Đăng mà phải đi với Hoàng Hùng?"

Tôi rầu rĩ nói:

"Hải Đăng được mời nguyên con, không có hàng khuyến mãi kèm theo ạ."

Eo tôi lại bị nhéo thêm lần nữa, tôi chưa kịp bỏ sang chỗ Hoàng Hùng ngồi thì Hải Đăng đã vừa vỗ vừa xoa.

Bác sĩ Thiên Kim ôm miệng nói xin lỗi, chị sơ suất quá, có lẽ đã viết thiếu chứ không hề cố ý không mời. Để bù lại, Thiên Kim không thêm cho Hải Đăng một dấu cộng mà viết thiệp mời riêng cho tôi.

Buổi tối, tôi lăn lê trên giường nhắn tin cho Hải Đăng:

"Bác sĩ Thiên Kim của thí chủ chấp niệm lớn quá, bần tăng sợ rằng mình sẽ bị ăn thịt mất."

Hải Đăng ở dưới sofa nhắn tin lên cho tôi:

"Bác sĩ Thiên Kim không phải của anh, nhưng chấp niệm của cô ấy là do anh tạo nên. Thôi để anh ăn thịt thay cho cô ấy, gánh bớt nghiệp chướng ."

Tôi vừa nghe thấy tiếng chân Hải Đăng bước lên cầu thang sắt thì đã hoảng hốt phóng vèo ra ban công bằng đường cửa sổ, mãi không dám chui vào.

--

Nhận được thiệp mời rồi, đương nhiên tôi phải đi tới tiệc chúc mừng của bác sĩ Thiên Kim. Hải Đăng cảnh báo trước cho tôi rằng nhà của bố mẹ anh và nhà của Thiên Kim ở cùng một khu, hơn nữa cả bố mẹ bạn bè của Hải Đăng cũng sẽ đến. Hải Đăng báo trước cho tôi không phải là để khuyên tôi đừng đến mà chỉ để nhắc tôi chú ý ăn mặc. Tôi chọn bộ lễ phục dùng đi dự tiệc khánh thành khi còn làm ở MI, Hải Đăng trêu tôi hình như có tham vọng làm chú rể. Tôi mặc kệ, anh cũng khoe chân dài trong bộ vest đen nghiêm chỉnh, chân tôi ngắn một chút nhưng không ai cấm người chân ngắn mặc vest bao giờ.

Hải Đăng cười tôi mãi từ nhà tôi tới tận nhà bác sĩ Thiên Kim. Tôi cau có nói với Hải Đăng rằng tôi sẽ tài trợ cho cả hai hai bộ vest màu cam neon và hồng neon để sau này cùng nhau mặc đi tiệc, Hải Đăng không do dự mà dứt khoát gật đầu.

Nhà của bác sĩ Thiên Kim nói là biệt thự mới tạm đúng, chính xác nhất thì phải gọi là lâu đài. May mắn cho tôi vì tôi là kiến trúc sư, những kiểu nhà như thế này dù tôi không được ở nhưng đã xây rất nhiều, tôi không đến nỗi trợn mắt há hốc miệng khi bước vào sân vườn ngập đèn nến. Không chỉ nhà của Thiên Kim, cả một khu nhà đều như nhau, đều là những tòa biệt thự.

Hải Đăng khoác vai tôi đi vào, tôi rùng mình trước ngôi nhà màu trắng theo kiến trúc phục hưng với mấy vòm cột cao. Hải Đăng vỗ nhẹ vào vai tôi, tôi run run nói:

"Em cảm giác mình đã thành nhân vật chính trong truyện cổ tích."

Hải Đăng bứt một cọng tóc của tôi:

"Lâu đài này không thuộc sở hữu của hoàng tử đâu, hoàng tử của em sống ở cuối đường cơ. Lọ Lem vào nhầm tiệc thì đừng đánh rơi giày đấy."

Tôi lắc đầu:

"Không phải, là người đàn ông đánh cá và con rùa vàng. Em ra biển thả lưới, vô tình thả trúng một con rùa có cả long cung."

Đỗ Hải Đăng vừa nghe xong đã bảo rằng không muốn dự tiệc nữa. Anh một mực đòi về nhà để cắn tôi cho thỏa thích, dù tôi vẫn không hiểu mình đã làm sai chuyện gì.

--

Bữa tiệc mừng bác sĩ Thiên Kim lên phó khoa diễn ra rất chán chường, trừ một chi tiết thú vị là Nguyễn Trường Sinh cũng đến. Trong lúc Hải Đăng nói chuyện với mấy người đồng nghiệp, tôi đứng cạnh anh ngơ ngác trước những phương pháp điều trị gì đó, Nguyễn Trường Sinh ngoắc tay tôi. Tôi lò dò bước tới cạnh anh ta, thì ra Nguyễn Trường Sinh tranh thủ tới đây để tìm hợp đồng xây bệnh viện tư nhân cho viện trưởng sắp về hưu, cũng là bố của bác sĩ Thiên Kim. Tôi nghe Nguyễn Trường Sinh nói vậy thì đau khổ tránh xa anh ta. Tôi giải thích rằng vì bác sĩ Thiên Kim và rất có thể là cả gia đình của cô ấy không thích tôi, nếu như biết rằng tôi có quen biết với Nguyễn Trường Sinh thì nửa tờ hợp đồng anh ta cũng sẽ không lấy được.

Nguyễn Trường Sinh cười lớn, lần đầu tiên tôi thấy anh ta khoe cả lúm đồng tiền. Cười chán, anh ta nheo mắt nói với tôi:

"Trần Đăng Dương, cậu biết sao không? Thật ra cậu không quan trọng đến mức đó đâu. Dù người ta có ghét tôi hay cậu thì tôi vẫn là nhà thầu số một, chỉ cần Anh Tú không nhúng tay vào."

Nguyễn Trường Sinh nói tôi không quan trọng bằng vẻ đương nhiên đến nỗi tôi không hề thấy tự ái chút nào. Có Nguyễn Trường Sinh, tôi bắt đầu nói được nhiều chuyện hơn. Anh ta nói không biết công ty nào xây nên tòa lâu đài này cho gia đình bác sĩ Lê Thiên Kim, nhưng ngôi nhà này đã nói hết được tính cách của chủ nhân nó.

"Trưởng giả, thích được khen ngợi, vừa muốn khoa trương vừa muốn người khác thấy mình giản dị, luôn muốn người khác làm theo ý mình."

Nguyễn Trường Sinh nói ra một tràng dài, tôi gật đầu đồng ý. Sẵn bàn rượu ở trước mắt, tôi và Nguyễn Trường Sinh anh một ly tôi một ly, lần lượt nói ra hết tất cả nhận xét của mình về căn biệt thự này.

Câu chuyện của chúng tôi thu hút khá nhiều người, hoặc là những người không thuộc ngành Y, hoặc là những nhân viên quá nhỏ bé không đủ tiền xây biệt thự nên tới nghe chuyện về biệt thự. Tôi và Nguyễn Trường Sinh bị vây quanh bởi một đám người, đến khi Hải Đăng tìm tới nơi thì tôi đã chuyển sang giai đoạn ví von bay bổng:

"Thực ra... Anh em chúng tôi gọi kiểu nhà này là nhà châu chấu."

Tôi không chịu giải thích, Nguyễn Trường Sinh uống một ngụm rượu vang rồi bình thản nói:

"Châu chấu là côn trùng biến thái không hoàn toàn."

Tôi vỗ vai anh ta cười hớn hở:

"Tổng giám đốc Sinh, chúng ta rõ ràng là một cặp trời...á!"

Hải Đăng nắm lấy cổ tay tôi bóp một cái, tôi nhảy dựng kêu lên:

"Anh làm cái gì vậy?"

Hải Đăng nghiến răng nói đủ để tôi nghe:

"Trời sinh không phải thứ dễ nói ra như vậy đâu."

Cổ tay tôi vẫn còn đau nhói, mọi người lại nhìn chăm chú, tôi ứa nước mắt càu nhàu:

"Anh nghe hết câu thì chết à? Em nói em và Nguyễn Trường Sinh rõ ràng là một cặp trời đánh."

Hải Đăng có vẻ hơi quê độ nhưng vẫn không buông tay tôi ra. Nguyễn Trường Sinh lạnh nhạt nhìn Hải Đăng, hình như anh ta đã loại bỏ cái tên Đỗ Hải Đăng ra khỏi trí nhớ rồi. Tôi đưa tay giới thiệu:

"Nguyễn Trường Sinh, đây là.. haha.. Con chim tông cửa kính của tôi."

"À", Nguyễn Trường Sinh nhếch môi cười. "Người hẹn gặp cậu ở tòa án phải không?"

Hải Đăng hơi bất ngờ, chắc anh không biết tôi và Nguyễn Trường Sinh nói chuyện với nhau nhiều hơn so với anh tưởng tượng. Thế giới của tôi vốn rất đơn giản, ngoài công việc thì có mọi người ở văn phòng kiến trúc cũ và Hải Đăng. Tôi và Nguyễn Trường Sinh đều coi nhau như trò tiêu khiển, vì vậy chúng tôi thường hay nhắn tin cho nhau. Điều đó đến tôi còn không thể ngờ.

Hải Đăng hỏi tôi tòa án gì, tôi không thể đáp là tòa án xử vụ kiện cáo tôi cố tình hay vô tình kéo bác sĩ Thiên Kim xuống nước. Tôi lại là người không thể nói dối, Hải Đăng thấy tôi vòng vo tam quốc mãi mà không nói ra được đáp án thì kéo tôi đi thẳng. Chúng tôi khoác vai nhau đi vòng vòng, gặp ai cũng không dừng lại, cuối cùng không hiểu vì sao Hải Đăng lại dẫn tôi tới nơi tôi không muốn tới nhất: hội viện trưởng và phu nhân viện trưởng, viện phó và phu nhân viện phó, phó khoa mới nhận chức và vài vị trung niên đáng kính đang đứng nói chuyện gì đó với nhau. Nói đơn giản hơn, bố mẹ Hải Đăng, bố mẹ Thiên Kim, bản thân Thiên Kim và một loạt những người thân trong gia đình của Hải Đăng đang đứng quanh một chiếc bàn nhỏ, và tôi là người duy nhất không phải bác sĩ cũng không có quan hệ huyết thống đùng đùng tiến vào.

--

Hải Đăng chưa cần đến ba giây ngắc ngứ đã giới thiệu ngay rằng tôi là bạn trai của anh. Mượn mấy ly rượu đã uống cùng Nguyễn Trường Sinh, tôi mạnh mẽ chào ra mắt. Đối với mỗi người tôi lại khai báo thẳng thắn "cháu là kiến trúc sư" dù không ai hỏi câu nào. Hải Đăng đứng cạnh bên tôi cười cười. Anh không khoác vai tôi nữa mà chỉ chắp hai tay ra phía sau lưng, đầu vai Hải Đăng thỉnh thoảng lại chạm vào vai tôi rất khẽ.

Không ngoài dự đoán, tôi ngay lập tức bị vặn vẹo vì công việc của mình. Những câu hỏi đầu tiên rất bình thường, tốt nghiệp trường nào, có học lên thạc sĩ hay không, sau này vẫn muốn thiết kế nhà cửa hay muốn đi dạy, tôi trả lời trơn tru không vấp váp. Nhưng hình như vì Hải Đăng nhìn tôi quá tình cảm, hoặc vì tất cả mọi người đều nghĩ tôi quá vô liêm sỉ khi đang đứng trước bạn gái thanh mai trúc mã của Đỗ Hải Đăng mà khoe khoang về cuộc đời mình, mấy câu hỏi về sau khiến cho tôi dần dần không chấp nhận nổi. Hải Đăng nhận ra điều đó nhưng anh vẫn không phản ứng gì hơn là càng ngày càng đứng sát vào người tôi.

Một người hỏi tôi đi làm kiến trúc sư thế có biết trộn vữa đắp gạch hay không. Tôi biết hẳn là người đó coi những người thợ xây của chúng tôi - những con người mà ngày nào tôi cũng phải cảm ơn rối rít - là những người chỉ có tay chân mà không có đầu óc, tôi trả lời rằng ước mơ ngày bé của tôi là trở thành công nhân xây dựng để kéo ròng rọc chở gạch lên mấy tầng nhà.

Có người hỏi tôi rất nghiêm trọng:

"Đăng Dương, lương tháng của cháu có đủ để nằm phòng VIP khi bị ốm hay không?"

Tôi thật thà đáp:

"Không đủ đâu ạ."

Người phụ nữ đó ừ à ra chiều thông cảm, tôi bồi thêm một câu:

"Cháu không muốn làm việc quần quật để đổ tiền đó vào phòng VIP trong bệnh viện, cháu thà nằm nhà chơi game còn hơn."

Tôi thấy rõ ràng một nụ cười xẹt qua bên môi của ngài viện phó. Hải Đăng không đỡ cho tôi một câu hỏi nào. Mấy người phụ nữ đã nhiều chuyện rồi, những ông chú già cũng không khỏi thắc mắc:

"Làm kiến trúc sư chắc chắn là bận lắm, yêu bác sĩ cháu có thấy có quá ít thời gian cho nhau không?"

"Không bận bằng bác sĩ yêu nhau đâu ạ."

Tôi chỉ nói ra một câu thật lòng, vài người trên bàn tái mặt. Hải Đăng cười khẽ rồi lắc đầu, tôi vội vàng chữa lại:

"Vì cháu không bận bằng nên ngày nào cháu cũng tự thân đi tìm Hải Đăng đấy ạ. Bác có thể hỏi bác sĩ Thiên Kim, cô ấy ngày nào cũng gặp cháu trong bệnh viện với Hải Đăng."

Tôi đã chữa cháy rồi, không hiểu sao lại vài khuôn mặt tái hơn.

Tôi kiên nhẫn trả lời những câu hỏi nhàm chán như là công trình nào lớn nhất từng xây, có cần cúng bái hay xem thầy bói cho những tòa nhà có đầu tư quốc tế, khả năng bớt xén vật liệu của tôi như thế nào, cuối cùng vẫn không thể chịu nổi trước câu hỏi của một người tự nhận là chú của Hải Đăng:

"Thì ra bạn trai của Hải Đăng đang xây nhà ở bình thường. Này, khi nào xây cho chú một căn."

Tôi ngang bướng hỏi lại:

""Xây cho chú" là có ý gì ạ?"

Người đàn ông cười ha hả đáp lời tôi:

"Thì là dân trong ngành mà, vẽ một cái nhà có tốn mấy thời gian đâu. Sau này biết đâu lại thành người một nhà, người một nhà ưu tiên nhau một chút."

Thì ra đây là nguyên nhân cho rất nhiều câu chuyện ưu tiên quen biết được trở thành chuyện thường ngày ở viện. Hải Đăng đưa tay nắm tay tôi, tôi hừ một tiếng rồi nói:

"Không đâu ạ. Cháu vẽ nhà rất giỏi nên cháu không làm miễn phí cho chú đâu. Chú có thể để lại email hoặc số điện thoại, nhân viên của cháu sẽ báo giá chi tiết cho chú."

Ông chú chê tôi keo kiệt, tôi chưa biết đáp lại ra sao để khỏi vô lễ thì Hải Đăng đã ôm lấy vai tôi cười tươi rói:

" Chú khám bệnh cho cháu cũng lấy tiền công và tiền thuốc, vậy mà chú bảo bạn trai cháu vẽ nhà cho chú không lấy tiền công. Đăng Dương rất giỏi, thời gian của cậu ấy đẻ ra nhiều tiền lắm."

Ông chú ngay lập tức mỉa mai bóng gió rằng nếu thật sự giỏi thì tôi đã đi xây mấy tòa nhà lớn, không việc gì phải xây mấy công trình quy mô nhỏ để nhặt bạc lẻ như thế này. Vài người lớn nhìn tôi thông cảm, tôi vừa co chân định giẫm lên chân Hải Đăng thì anh đã bấm mấy ngón tay vào vai áo tôi. Cách một lớp áo nên tôi không cảm giác được đau đớn, tôi ngước mắt nhìn sang thì thấy nét mặt Hải Đăng đã rắn đanh như sắp mắng mấy cô cậu sinh viên của mình.

"Đăng Dương giỏi nhất không phải là xây nhà mà giỏi nhất là biết cách lựa chọn giữa điều mình có thể làm và cái mình muốn làm. Cậu ấy có thể xây những tòa nhà lớn để lấy danh tiếng nhưng muốn thảnh thơi xây nhà nhỏ để có thời gian cùng với bạn bè, cậu ấy không tham lam chọn phần danh tiếng. Không giống như cháu, cháu cũng muốn làm bác sĩ và chỉ là bác sĩ thôi, nhưng vì cháu chỉ là một con người tầm thường nên nếu như chức trưởng phó khoa được giao cho cháu, cháu vẫn sẽ nhận. Cho cháu hỏi, bao nhiêu người ở đây có thể chọn được như Đăng Dương của cháu?"

Nói xong một tràng, Hải Đăng không đợi ai trả lời mà xin phép ra về trước. Tôi vừa đi vừa cố gắng ngoái đầu chào mỗi người một tiếng, còn kịp vẫy tay rối rít khi thấy bác gái vẫy tay mỉm cười.

--

Không phải tôi không thấy tổn thương, chẳng qua là tôi đã chuẩn bị tinh thần trước. Bác sĩ là những người trực tiếp nắm trong tay sự sống của con người. Đau đớn thể xác luôn làm con người yếu đuối hơn rất nhiều, có lẽ vì thế nên bác sĩ được quyền tự hào và nhận được nhiều tôn trọng hơn những ngành nghề khác. Hải Đăng lại không bình tĩnh được, anh luôn miệng nói trên đường về.

"Anh xin lỗi, anh không nghĩ người nhà anh lại có lúc như vậy. Truyền thống của nhà anh là nói xấu người khác sau lưng còn trước mặt thì giữ vẻ thanh cao."

Tôi đến quỳ lạy vì truyền thống của gia đình Hải Đăng. Anh nới bớt chiếc cà vạt rồi tháo hẳn ra ném vào lòng tôi.

"Hồi đầu mới đi học anh cũng nghĩ làm bác sĩ thì được nhìn người khác bằng nửa con mắt, bác sĩ là nghề duy nhất được cầm dao rạch bụng người khác mà không phạm pháp cơ mà. Nhưng ông chú của anh đã sống đến khi đầu hai thứ tóc còn nói nhảm, không có kiến trúc sư và thợ xây thì lấy bệnh viện đâu ra cho ông ấy khám bệnh? Gạch vữa tự có chân leo lên xếp chồng lên nhau chắc?"

Tôi phá ra cười, Hải Đăng đưa ngón tay cốc mạnh vào đầu tôi.

"Em còn cười được? Không có lao công thì bệnh viện cũng thành bãi rác, ở đó mà cho là mình thượng đẳng mãi. Anh thật lòng thấy có lỗi vì để em phải nghe mấy câu đó. Sau này em đừng để ý đến người nhà anh nữa, một mình anh yêu em là được rồi."

Đỗ Hải Đăng thấy có lỗi với tôi, còn tôi lại thấy tự hào vô cùng.

Tôi rất thích Hải Đăng ở một chi tiết nhỏ, nếu như là ở giữa đám đông những người tôi không quen biết, Hải Đăng luôn cư xử rất bình thường với tôi. Bình thường có nghĩa là thay vì lo lắng săn sóc cho tôi như cách một người bạn trai phải làm, Hải Đăng để tôi một mình xoay sở. Và thay cho nắm tay hay ôm eo, Hải Đăng chỉ khoác vai tôi như bạn bè. Tôi không thích bị người ta nhòm ngó. Bởi vì nếu như bị nhòm ngó, tôi sẽ không nhịn được mà sân si với người ta. Chúng tôi ở ngoài ánh sáng giống như một đôi bạn thân hơn là người yêu, nhưng hôm nay anh lại bỏ qua hết mấy quy tắc đó chỉ vì một ông chú lỡ miệng nhờ tôi xây nhà giúp.

Sau đêm tiệc đó, có hai điều tôi không ngờ được. Điều thứ nhất là vào một ngày cuối tuần đẹp đẽ, ông chú đó đã gọi đến văn phòng kiến trúc của tôi xin báo giá thiết kế nhà. Sau bao nhiêu lần đàm phán không phải với ông chú mà là với Hải Đăng, anh cho phép tôi được lấy tiền phí thiết kế bằng giá thị trường. Trước đó, Hải Đăng một mực bắt tôi khai khống giá lên gấp bốn.

Điều không ngờ thứ hai là viện phó Đỗ, người đàn ông làm cho tôi rón rén sợ sệt vào lần đầu gặp mặt đã nhắn tin ra lệnh cho Hải Đăng đưa tôi về nhà với một lời đảm bảo rằng sẽ không còn nhân vật nói chuyện "có duyên" nào xuất hiện.

--

Tối hôm đó Hải Đăng ở lại nhà tôi. Chúng tôi yên lặng ai làm việc nấy, anh ngồi đọc mấy quyển sách tiếng Anh dày cộp vẽ hình tim gan gì đó, tôi lướt điện thoại chơi game với Huỳnh Hoàng Hùng. Chơi xong vài hiệp, tặng cho cậu ta một đống thuốc tôi vừa bỏ tiền mua, tôi gối đầu lên chân Hải Đăng, hai chân vắt vẻo trên dưới sofa ê a theo vài bài hát. Hải Đăng vẫn bình chân như vại vừa gãi đầu tôi vừa lật sách, tôi mở tin nhắn ra nhắn cho anh một dòng.

"Đỗ Hải Đăng, sau này anh xây nhà thì hãy tìm em, em miễn phí thiết kế cho anh."

Hải Đăng mở điện thoại lên với vẻ mặt lãnh đạm. Anh trả lời tin nhắn ngay vài giây sau:

"Ừ, em góp bản vẽ, anh góp vật liệu, còn tiền công thợ chúng ta chia đôi."

Một câu tán tỉnh hạng bét, vậy mà tôi lăn lộn trên đùi Hải Đăng rồi vung vẩy hai chân mình ca múa cho đến tận nửa đêm.

Có nhiều khi, Đỗ Hải Đăng làm cho tôi hạnh phúc vô cùng.

--

Hết phần 20.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top