Phần 6

[...]

*
* *​


Trường Bưởi ở cách Hồ Gươm, trung tâm thành phố, gần 5 cây số. Đại đa số học sinh đi học, thường dùng xe điện, phương tiện giao thông nhanh chóng và rẻ tiền nhất lúc bấy giờ. Xe đạp ít và đắt tiền, học sinh không mấy người có khả năng dùng được. Những chuyến xe điện gần giờ học và sau giờ tan học chật ních học trò. Anh em thường lấy vé tháng, gọi là các (carte). Các đi hai đường phải trả 2 đồng (bạc Đông Dương), đi bốn đường trả 2đ50. Ai có các thì bất cứ lúc nào cũng đi xe được. Có anh hình như lúc nào cũng ở trên xe điện, nhất là mùa hè, họ chuyền xe này sang xe khác. Các ông "nhất quỷ nhì ma" này nhiều lúc quấy rối trật tự và vi phạm thể lệ đi xe. Ví dụ xe đương chạy nhanh, các ông nhảy bổ xuống hoặc nhảy tót lên. Hành khách ghê cả người, nhưng các ông không bao giờ ngã, hình như đã thành một thói quen. Người ta thấy anh nào nhảy xe điện giỏi biết chắc họ là học sinh Trường Bưởi. Những anh nào nhảy mà ngã lăn chiêng, thì biết là học sinh các tỉnh mới được vào học. Anh em cứ gọi đùa là "phường tỉnh" (les provinciaux). Hành động nhảy xe này đã gây nên nhiều lần xung đột giữa học sinh và nhân viên xe điện, nhất là các người bán vé và soát vé. Nhưng cũng chỉ cãi cọ nhau qua loa thôi vì anh em học sinh không có ác ý và các người làm việc thì cho là trò chơi của "các ông ôn Trường Bưởi" hơi đâu mà dây vào.

Trong đám soát vé, có một nguời tên là Hai Nhỡ, người to lớn, khệnh khạng, tự xung là Tổng kiểm soát hoặc Phó chủ An Nam. Hắn không biết chữ Pháp, nhưng nói "tiếng bồi' rất thạo, thạo hơn các ông Thông ngôn Tòa án nói tiếng Tây. Hắn hay đi theo chủ Tây và hay bắt nạt học sinh để tâng công với chủ, nên anh em ghét.

Một hôm sau buổi học, anh em ào lên xe điện đỗ ở quãng đường tránh nhau gần cổng trường. Một anh học sinh chuyền từ xe nọ sang xe kia bị Hai Nhỡ thộp ngực hỏi: "Có "cạc" [13] không?" Anh này đương bực tức trả lời: "Có cặc".

- Cạc đâu? Đưa xem.

- "Cặc đây!" Anh vừa nói vừa vỗ vào túi áo gần đũng quần.

Hai Nhỡ tát một cái. Anh tránh được, rồi thụi vào bụng Hai Nhỡ. Thế là đánh nhau. Anh em đứng dậy can thiệp. Hai Nhỡ gọi chủ. Một thằng Tây to béo ở toa máy chạy xuống, chẳng hỏi đầu đuôi ra sao, túm ngay lấy học sinh đánh túi bụi. Hắn vừa đánh vừa chửi: “Đồ ăn cắp", "loài đê hèn”, "giống bẩn thỉu” v.v... Anh em nhảy cả xuống đường, xúm lại đánh thằng Tây thì xe điện vừa chạy. Anh em đứng lại bàn cách đối phó với thằng chủ xe điện. Tất cả đồng ý "tẩy chay", nghĩa là không một ai đi xe điện nữa, kể cả những anh ở xa trường hàng chục cây số.

Anh em kéo nhau lũ lượt ra về, gặp ai hỏi cũng kể chuyện tẩy chay xe điện vì chủ xe đánh chửi học sinh và phạm đến danh dự dân Việt. Đại đa số người đi đường tán thành việc làm của anh em. Cả những lưu trú học sinh, phần lớn lúc ra phố cũng không đi xe điện.

Anh em thi nhau "cuốc bộ” xem ai đi nhanh, ai dai sức không mỏi mệt và dai sức chịu đựng lâu dài. Có quãng đường 5,6 cây số, anh em đi có nửa giờ hoặc 40 phút. Họ đi vẹt cả guốc, mòn cả giày. Họ vẫn cứ đi ngày bốn lượt (hai đi hai về) kéo dài như vậy đến quá nửa năm...

Lúc mới xẩy ra việc tẩy chay, chính quyền thực dân cho là một trò trẻ (une gaminerie), không để ý, nhưng sau thấy học sinh bền bỉ chống chủ Tây sở Xe điện và nghe dư luận xôn xao, không có lợi cho chính trị lúc đó, thì chúng bắt chủ xe điện thương lượng với nhà trường. Chủ xe đến nói chuyện với Hiệu trưởng, nhưng lại đề nghị Hiệu trưởng cho gọi học sinh lên phòng giấy, bắt phải thôi việc tẩy chay. Tất nhiên, anh em không chịu lên gặp mặt, chỉ nói với người xuống gọi rằng: “Người ta chửi chúng tôi, đánh chúng tôi, thì chúng tôi không dùng xe của họ nữa. Chúng tôi không phạm lỗi với nhà trường và cũng chả có lỗi với ai cả. Theo luật pháp của một nước thật sự văn minh thì chính những kẻ đánh chửi chúng tôi phải ra tòa án và phải đền danh dự cho chúng tôi". Hiệu trưởng Muyx bực mình, nhưng cũng không làm gì được. Còn chủ xe điện thì cắp mũ ra về, có vẻ hậm hực.

Ít lâu sau, hắn cho một người Việt đến, tự xung là đại diện Sở Xe điện đến nói chuyện với đại biểu học sinh. Cuộc gặp gỡ không phải ở phòng giấy nhà trường mà ở một lớp học. "Sứ giả" của Sở Xe điện ấy cũng khôn khéo lắm, nói năng ngọt như mía lùi, nhưng học sinh cũng không vừa, tuyên bố thẳng với sứ giả: "Anh em chúng tôi chống bọn chủ Tây, kiểm soát Tây và bọn tay chân của chúng. Chúng tôi không chống anh em thợ thuyền và nhân viên làm công của Sở Xe điện". Sau độ nửa giờ trao đi đổi lại, cuộc gặp gỡ đi đến chỗ: sở Xe điện, nhất là chủ Tây phải có lễ độ đôi với người đi xe, không những đối với học sinh mà đối với tất cả dân chúng. Còn học sinh thì phải theo đúng thể lệ đi xe, ví dụ không được cho mượn "các", không được lên xuống lúc xe đương chạy v.v...

Thế là, tạm xong việc tẩy chay xe điện. Anh em học sinh chịu thỏa thuận một cách dễ dàng như vậy một là vì Sở Xe điện đã có lời nói lại, hai là việc tẩy chay lâu dài cũng có gây thiệt hại cho việc học tập và sức khỏe của anh em, nhất là những anh ở xa truờng.

[...]
______

(13) Hai Nhỡ nói tiếng "các" uốn theo giọng Tây.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top