Phần 1
CHUYỆN TRƯỜNG BƯỞI
(Khóa 1914 - 1918)
Chúng tôi vào học Trường Bưởi ngày 2 tháng Chín năm 1914, đúng một tháng sau cuộc Đại chiến thứ nhất bùng nổ (2-VIII-1914). Anh em vẫn gọi khóa chúng tôi là "khóa Đại chiến" (promotion de Grande Guerre). Đấy chỉ là một câu nói đùa, nhưng khóa này có một số sự kiện đáng kể. Ví dụ việc bãi khóa chống áp bức, việc tẩy chay xe điện, việc lập Hội học sinh tương tế ở Trường Bưởi...
Năm ấy, vào học Trường Bưởi chưa phải thi. Người ta lấy những người đứng đầu danh sách thí sinh đỗ tiểu học Pháp -Việt. Khóa chúng tôi có 150 người, chia ra 3 lóp A, B, C. Chúng tôi ở lớp A. Chỗ học là một cái buồng đầu, ngôi nhà một tầng bên cạnh phòng thí nghiệm, giáp đường xe điện. Lớp B ở phòng thứ hai. Lóp C ở dãy nhà (cũng một tầng) tận phía giáp bờ Hồ Tây sóng bạc.
Khóa Đại chiến chúng tôi có cái đặc điểm: tất cả Giáo sư [1] là Tây đầm, những Tây già lụ khụ không ra trận được và những bà đầm có chồng đi lính phải ở lại Hà Nội không có việc làm phải xin đi dạy học. Họ cho dạy ở xứ thuộc địa là một việc không cần phải có chuyên môn, không cần phải có kiến thức và kinh nghiệm. Ai cũng làm được và lúc nào làm cũng được, nhất là lúc không có nghề gì kiếm ăn. Cho nên các bà đầm "lông vịt" [2] này, lúc lên lớp chỉ cần mở sách đúng chỗ phải giảng, rồi bắt một học sinh tốt giọng đọc từ đầu đến cuối bài giảng, bất cứ về môn gì, kể cả toán lý hóa, còn bà giáo thì ngồi may áo hoặc đan len cho đức "chinh phu". Có bà đứng ở cửa nói chuyện với bà bên cạnh, đợi trống hết giờ là cắp cặp ra. Có một điều các bà rất chú ý là mắng học trò "mất dạy" (nghĩa là hay phản ứng).
Các ông giáo đến lớp cũng đọc bài (nói là đọc sách thì đúng hơn) cho học sinh nghe, chỉ khác là thầy tự đọc lấy, thầy đọc từ đầu chí cuối, bất cứ môn nào và bài nào, kể cả những bài hình học có những chữ cái A, B, c ghi góc hình tam giác và phưong trình đại số ax2+ bx + c = 0. Có ông cẩn thận một chút thì bảo một học sinh viết chữ tốt lên bảng ghi những chữ và những con số mà thầy vừa đọc xong. Có khi thầy đọc nhanh quá, trò theo không kịp, ghi sai lung tung. Thầy mải nhìn vào sách không trông lên bảng nên không đính chính. Có mấy trò biết sai nhìn nhau cười khúc khích, thầy nạt một tiếng: "Im đi, không thì phạt cả lớp bây giờ".
Đến giờ đọc bài, thầy gọi một trò lên, nhưng không gọi tên, toàn gọi con số thứ tự. Học trò nghe lấy làm chướng tai, cảm thấy thiếu thân thiện, có vẻ khinh bỉ như trong một nhà tù. Học sinh lên bảng thầy bắt khoanh tay đọc thuộc lòng bài học, đúng như trong sách. Đọc cả nhũng chữ cái A, B, C trong hình học, đọc cả bài giải trong đại số. Có lần một học sinh tinh nghịch, lúc đọc bài trêu thầy, đem vẽ một hình tam giác trên bảng đúng như trong sách, nhưng anh ghi những chữ A, B, C trái cựa: A ở bên phải, C ở bên trái. Anh em cười ồ. Thầy trông lên bảng vẫn không thấy gì lạ. Thầy quát: "Cười cái gì, có sợ phạt cả lớp không", cả lớp lại ngồi im lặng. Họ im lặng không phải vì sợ thầy phạt, hoặc nghe thầy giảng bài. Đây là cái "im lặng hùng hồn" để tìm cách chế giễu thầy lười và dốt. Họ ngắm thầy từ đầu đến chân, từ cử chỉ bên ngoài đến tính tình trong dạ, để đặt cho thầy những biệt hiệu, những "tên cúng cơm" rất đúng thực tế. Ông thầy mà anh em để ý nhất, là cụ Đuy-vi-nhô (Duvigneau). Họ gọi là "cụ bí", vì cụ có ba cái "bí": trước hết là cụ có cái đầu hói tròn long lóc giống y như quả bí. Ai thấy cũng phải buồn cười. Hai là cái bí về sách vở. Khi học trò hỏi cụ điều này điều khác trong sách cụ không biết đường nào mà trả lời. Ba là cái "bí...tiện". Khi cụ cần giải quyết việc này trước học trò, thì cụ quát lên một tiếng to, hoặc giậm chân thật mạnh xuống bục gỗ, hoặc đập cái "ba-toong" xuống bàn đế át cái tiếng "phẹt phẹt". Lần đầu tiên học trò biết thì nhìn nhau cười. Họ cười cái vờ vĩnh của cụ ta, nhưng khi họ đã đặt tên cho cụ rồi thì họ không cưòi nữa. Khi cái biệt hiệu ấy lan ra khắp trường, thì ai thấy cụ cũng bưng miệng cười. Người thứ hai là cụ Ru-đê (Roudet). Cụ có cái lưng hơi gù, cái dáng chậm chạp. Cụ đến lớp bao giờ cũng dăm bảy phút sau mọi nguời. Nhưng cụ lại hay mắng học trò là lười nên họ đặt cụ là "Rùa". Cái biệt hiệu "cụ Rùa", "cụ Bí" được phổ biến khắp trong trường, ngoài phố, nên đã thành "bất tử". Một bà đầm đã có tuổi tên là Ca-run (Caroulle) dạy lý hóa, nhưng bà ta chẳng hiểu gì mấy về hai môn này. Ngồi buồn có khi bà ca hát, tiếng ca run run, nên học trò gọi bà là mụ "Cả run".
Một bà khác dạy Pháp văn, rất trẻ và đẹp, nhưng cũng rất nhí nhảnh, lẳng lơ. Tên chồng là Măng-đơ-rông (Manderon) nên anh em gọi bà là "mẹ Măng non", về sau bỏ tiếng "non" thành "mẹ Măng". Tên này cũng rất phổ biến.
Một ông giáo khác người lai Tây đen, tên là Rôt-sơ-man (Rosmann) người cục cằn hay đánh và beo tai học sinh đến chảy máu, nên anh em ghét và gọi là "Tây oẳn". Về sau, phần thì bị học sinh phản ứng, phần bị bọn Tây trắng bỏ rơi nên ông ta tu tỉnh lại thành một người Giáo sư khá, ông lại được số lớn học sinh kính mến.
Sang năm học thứ ba, chúng tôi có thêm một ông giáo đã đứng tuổi, ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, tóc để dài quá gáy và không phải chải chuốt mấy khi. Tên ông là Đuy-phừ-ren (Duferesne) nên anh em gọi là "cụ Phèn”. "Phèn phi-lô-dốp" hoặc "phèn chua". Phi-lô-dốp (philosophe) nghĩa là nhà triết học. Nhà triết học mê mải học, nên không để ý đến quần áo tóc râu. Còn "phèn chua" vì lời nói của ông thuờng chua chát, ông giáo Phèn này khác các ông kia. Ông học rộng, dạy giỏi, ông có một phương pháp dạy Pháp văn độc đáo. Bài chính tả của ông chỉ có mươi dòng, tự ông làm ra nhằm theo trọng điểm văn phạm và từ ngữ của lớp học. Ông đọc nhanh, bắt học sinh phải cố gắng viết kịp và phải tự chấm câu lấy. Ông ra đầu đề luận Pháp văn, thường hỏi về cảnh vật và phong tục Việt Nam. Ông chấm bài luận toàn bằng dấu hiệu thay ngôn ngữ. Ông bắt học sinh theo dấu hiệu đó mà chữa lấy bài. Chữa xong đưa ông xem lại. Lúc đầu, anh em cho ông là gàn, vì không có Giáo sư nào chấm bài như vậy. Nhưng về sau thấy mình tiến bộ nhanh lại cho cách ấy tốt. ông Phèn biết nhiều chữ Hán, biết tiếng Việt, thường hay về nông thôn ta tìm hiểu phong tục, quan sát đình chùa, nghiên cứu di tích lịch sử. Ông có viết sách về nước ta, nhưng chỉ có quyển Bình yên là được xuất bản, còn các quyển khác và một số lớn tài liệu về sử học và văn học Việt Nam đều bị cháy hết trong khi nhà ông ở làng Nghi Tàm bị thất hỏa. Ông đề tên sách là Bình yên có ý nói rằng: dân tộc Việt Nam anh dũng nhưng thích bình yên (tức là hòa bình). Ông dẫn chứng: tên nước và tên một số tỉnh, đều có ngụ ý an ninh hòa bình. Ví dụ: tên nước là An Nam; tên tỉnh là Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Bình, Vĩnh Yên, Hưng Yên, Phúc Yên, Nghệ An, Yên Bái, Bắc Ninh, v.v... Ở những đình chùa miếu mạo có đề những chữ "Thiên hạ thái bình", "Hải yến hà thanh" v.v... Nhận định của ông không hiểu có hoàn toàn đúng không, nhưng cũng chứng tỏ cách nhìn thiện chí về người Việt Nam. Nhưng ông Phèn phải chứng hay "sờ mó" học sinh, khi anh em lên đọc bài hoặc đem vở lên chấm. Nhiều người cho là ông có tật "thủ dâm" nên đâm ghét ông. Điều này cũng làm giảm giá trị và uy tín của ông ít nhiều. Sang năm thứ tư chúng tôi lại có một ông giáo dạy toán tên là Côt-ten (Cottel). Ông là thương binh trong trận Đại chiến. Thương tật chưa khỏi hẳn nên ông thường hay gắt gỏng và mắng nhiếc học sinh trong khi anh em lên bảng làm toán. Nhưng anh em nhận thấy ông có thương tật và sự gắt gỏng do muốn cho học sinh chóng tiến bộ, nên thông cảm và cũng quý mến ông.
Hiệu trưởng là một người Tây đã đứng tuổi, tên là Muyx (Mus). Ông ta râu xồm, bụng phệ, lấy dáng bệ vệ nghiêm trang, khéo đóng vai trò "Đốc Tây" hồi Pháp thuộc. Bề ngoài thì nghiêm trang như vậy, nhưng trong bụng lại tà dâm. Ông ta tư thông với mẹ Măng vợ viên Quản lý nhà trường. Việc tư thông này học sinh ai cũng biêt nên anh em đặt tên cho là "Muyx dê xồm" hoặc "Đốc dê" vì Muyx có bộ râu xồm và có tính "dê". Kể ra những việc thông dâm trong đám thực dân thống trị hồi ấy là chuyện rất thường, chả ai để ý, nhưng ở đây lại liên quan đến một ngành mô phạm, hơn nữa còn đụng chạm đến một Thư ký phòng giấy là ông Nguyễn Văn Long, nên câu chuyện được bàn tán khá ầm ỹ. Ông Long làm Thư ký cho "Đốc dê". Một hôm đến phòng giấy sớm, vô tình ông đẩy cửa vào, gặp lúc Dê xồm đương nằm với mẹ Măng, "Đốc dê” thẹn quá, đuổi ông Long ra. Ít lâu sau, ông bị đổi đi Sơn La và hình như mất tại đó, vì bị ngã nước.
Giám học, kiêm Tổng giám thị là một cai tây lính hưu trí tên là Đuy-sen (Duchesne). Mặt ông này béo, lúc nào cũng đỏ như say rượu, nên học trò gọi là "Cai Tây đỏ" hoặc "Tây đỏ", có đủ tư cách một cai Tây thực dân vừa dốt vừa tục. Ông có dạy mấy giờ vạn vật học. Vào lớp thì mở quyển Vạn vật học (Histoire naturelle) của Đa-ghi-dăng (Daguillan) dày như quyển tự vị, bắt học sinh chép những tên cây cỏ, chim muông ở bên nước Pháp và vẽ những hình ảnh tỉ mỉ các loai đá mà học sinh chả thấy bao giờ và cũng chả hiểu gì cả. Còn mình thì mở cái đồng hồ quả quít ra lau cho đến hết giờ, có khi đem lau cả súng lục.
Nhà truờng còn có một viên quản lý (économe) tên là Măng-đơ-rông. Ông ta là một người Tây có biết tiếng Việt, hống hách và lộng hành, vì được "Đốc dê" nhân tình với vợ che chở. Ông lấn quyền của Tổng giám thị và cả Giám hiệu, thường quát học trò bằng một tiếng như con thú dữ kêu: "bừ... rừ... rừ” nên học sinh thuờng gọi là thằng "Bừ rừ". Ông ta thông lưng với bọn thầu thực phẩm, ăn bớt gạo, thịt, cá của học sinh, nên cơm thường thiếu và thức ăn không ngon. Nhiều lần học sinh phản kháng, nhung vẫn không chừa vì sau lưng đã có sự che chở.
Dưới quyền Giám học và Tổng giám thị, có một số Giám thị ta thừa hành tốt cả công việc giáo dục, tổ chức, trật tự, v.v... của nhà truờng khá phức tạp. Lại còn việc "lập bô"[3] về tư tuởng và hành động của học sinh, mới thật là gian nan, nguy hiểm. Có người hiểu rõ sự khó khăn ấy, tự cho mình như là "con chạch trong giỏ cua", hoặc là "những quả cà giữa hòn dằn và trôn vại". Nhưng cũng có người lấy làm hãnh diện, vì có quyền đuợc hành hạ, thưởng phạt học sinh, lấy lòng bề trên để làm con đường tiến thủ. Họ bị học trò chống lại và đặt những biệt hiệu, những 'tên cúng com" bất hủ. Ví dụ: ông Quỳnh "Cóc", ông Kỳ "Toe", ông Tiễu "phở” v.v... Thật cũng là cái thân tội. Các ông bị học trò chế giễu cả ngày và cả đêm. Ví dụ: canh khuya thầy Tiễu phải đi các buồng tuần tra để sáng hôm sau "lập bô". Khi về đến buồng sắp nằm ngủ lại nghe hát: "Lơ thơ thầy Tiễu buông màn…” [4] Thầy đi tìm thủ phạm, chả thấy ai, chỉ nghe tiếng ngáy khò khò. Hễ thầy về đến giường lại nghe hát. Cứ loanh quanh thế, có khi gần đến sáng. Có khi trong nhà ngủ đương yên tĩnh, có một tiếng rao: "Phở ..." thật to. Cả buồng cuời ran. Thầy đi tìm vẫn không ra thủ phạm. Có nhiều lần thầy Tiễu thề độc, mà học sinh không sợ chết, cứ trêu thầy hoài. Thầy Tiễu này hay bị học sinh trêu vì tính thầy đãng trí lại cũng có chút tật hay lấy chữ nghĩa ra loè người. Thật ra học lực của thầy cũng chẳng có gì ghê gớm, thầy thường học thuộc lòng một số chữ trong tự vị, rồi đem ra "trù" học trò nên có anh đã lợi dụng cái tính hiếu thắng mà lừa thầy để thoát nạn phạt.
Anh học trò này thông minh, học giỏi, nhưng rất nghịch. Một hôm anh bị phạt bốn "công-xinh tô-tan" (consignes totales) nghĩa là phải đi phạt bốn ngày chủ nhật suốt cả hai buổi. Ngày chủ nhật thứ nhất, anh cắp vở đến lớp viết bài phạt, thấy thầy Tiễu ngồi coi, đương xem quyển sổ biên phạt. Ngó vào sổ, anh thấy trước tên anh có bốn cái gạch hoa thị trong 4 cột đánh dấu 4 kỳ phạt. Anh nghĩ ngay một kế thoát thân. Anh kính cẩn chào thầy và hỏi: "Thưa thầy, trong tự vị tiêng Pháp, chữ gì dài nhất?". Thầy nói ngay: "Chữ anticonstitutionnellement chứ chữ gì! Anh này còn dốt lắm”. Anh học trò thấy thầy trúng kế của mình, liền nói:
- Thưa thầy, không phải, còn có chữ dài hơn.
- Chữ gì, nói mau, không được nói láo.
- Thưa chữ abờcờdờđờtờlờmờrờmăng.
- Làm gì có chữ ấy?
- Nhất định có, thầy không tin mở tự vị ra xem.
Thầy đứng dậy lấy ngay quyển tự vị để trên lò sưởi sau lưng, rồi quay mặt vào tường mở sách tìm mãi. Trong khi thầy mải tìm chữ thì anh học trò đã lấy cái tẩy trong túi áo xóa cả ba cái hoa thị trong sổ phạt. Anh xóa cho mình và xóa cả cho hai bạn. Anh vừa làm xong thì thầy quay lại nói:
- Không có, tự vị đây anh xem. Tôi sẽ phạt cho anh cái tội nói láo.
- Thưa thầy, trong tự vị của thầy không có. Tự vị nhà con có chữ ấy. Mai con sẽ đưa đến thầy xem.
Cả lớp cùng cười. Lúc sắp hết giờ, thầy nhắc lại tên những anh phải phạt kỳ sau, không nghe thầy đọc ba cái tên vừa được xóa. Ba thằng thoát nạn dắt tay nhau khúc khích chạy ra cửa. Các bạn khác cũng cười, nhưng không ai tố cáo việc tẩy sổ phạt.
(...)
Hoàng Ngọc Phách
Viết tại Hà Nội tháng 9 năm 1964.
(đúng nửa thế kỷ sau ngày vào học. _ Tư liệu.)
______
(1) Danh từ thông dụng hồi ấy. Người ta chia nhà giáo ra ba bậc:
Giáo sư (professeur) dạy trung và đại học; giáo học (instituteur) dạy tiểu học; trợ giáo (moniteur hoặc instituteur auxiliaire) dạy sơ học.
(2) Một hình tượng hay dùng lúc ấy để chê những bà đầm tồi tàn như mớ lông vịt sắp đổ thùng rác.
(3) Lập bô: Phiên âm tiếng Pháp rapport nghĩa là báo cáo. Nhưng tiếng "lập bô" có nghĩa xấu là tô cáo bí mật.
(4) Thầy Tiễu thích đọc câu "Lơ thơ tơ liễu buông mành' nên học sinh đọc chệch đi để trêu thầy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top