Chuyện tôi về bố
ĐÔI LỜI KHI VIẾT
Tôi 23 tuổi, đang trong quá trình thất nghiệp không thời hạn và tôi muốn viết. Tôi từng có nhiều sự thay đổi, về cái gọi là mơ ước và giờ thì tôi khẳng định nó là đây. Tôi chẳng biết nó sẽ kéo dài bao lâu, liệu nó có mãnh liệt hơn ước mơ nghề y trước kia hay không, chỉ biết là tôi phải làm gì đó để thực hiện nó. Đã có nhiều sự trì hoãn, và bỏ qua tất cả yếu tố khách quan và ngụy biện tôi phải thừa nhận phần lớn sự trì hoãn ấy là từ chính mình. Ngay lúc này đây nó vẫn còn, chỉ là không đủ lớn để tôi tắt máy và trùm chăn đọc ngôn tình như trước nữa. Tôi đang viết.
Tôi muốn mình có một tác phẩm để đời, ít nhất là thế, như Happer Lee với " Giết con chim nhại", kiểu hồi ký như Nguyễn Đăng Mạnh, hay như Nguyễn Văn Thạc với " Mãi mãi tuổi 20". Buồn thay là tôi chẳng có nhiều kinh nghiệm sống, có hoàn cảnh sống đặc biệt, hay trí tưởng tượng đủ phong phú để viết một tác phẩm như thế. Nói thật, bản thân tôi cũng thấy nhàm chán.
Nhưng tôi muốn viết, và dù có những lúc nghi ngờ hay ảo tưởng tôi biết ý muốn này là thật và tôi muốn thực hiện nó. Tôi không còn quá trẻ để làm một điều gì đó mang tính chất nửa vời, nhất thời và tùy hứng nữa. Nhưng tôi cũng không quá già để từ bỏ, từ bỏ điều mình thực sự muốn hết mình vì nó. Và tôi sẽ, ít nhất là lần này sẽ hết mình để thực hiện. Em không đến được Havard học kinh tế ít nhất em cũng phải đặt chân đến nước Mỹ. Tôi không xuất bản được cuốn sách để đời ít nhất tôi cũng phải hoàn thành nó, in ra và gối đầu giường. Tôi muốn bản thân mình trải nghiệm quá trình ấy.
Đọc cuốn " Mẹ! Thơm một cái" của Cửu Bả Đao, tôi rất thích cách tác giả nói về sự viết của mình. Anh viết những điều còn " tươi roi rói" trong suy nghĩ, trong trái tim mình. Tôi tự hỏi, làm sao để biết điều gì trong mình còn " tươi roi rói", điều gì đã để tủ lạnh quá lâu và điều gì đã dần biến tướng. Cửu Bả Đao biết và trở thành một nhà văn thực thụ, tôi không biết và giờ phải lục tìm. Tôi nghĩ quá trình hình thành một tác phẩm trước hết tác giả phải biết nắm bắt để những điều còn " tươi" không bị đông lạnh quá lâu. Trái tim con người giờ ngày càng chai lì, chút ý tưởng, chút cảm xúc để lâu lạnh dần ấy làm sao đủ để cảm hóa chúng. Tôi sẽ cố gắng ít nhất đem sự " tươi" của mình đến với từng câu chữ tôi viết, từng câu chuyện tôi kể, dù có khi không nhiều nhưng hy vọng đủ để tạo cho chính bản thân, ai đó và xa hơn là mọi người đều muốn đọc.
LỜI TỰA
" Chuyện tôi về bố" là tập hợp những điều tôi muốn lưu giữ về tôi và bố được viết dưới dạng những câu chuyện nhỏ, không xác định rõ ràng về thời gian.
Thú thực là tôi không đủ tự tin để viết truyện ngắn hay một tiểu thuyết đúng nghĩa, đó thực sự là một thử thách khó ngay từ khâu chọn đề tài khi mà cuộc sống này dường như chẳng bao giờ thiếu hiện thực hay sự sáng tạo, khai phá.Nhưng tôi muốn được viết, được viết một cách hết mình và chân thực nhất vì thế tôi chọn điều chân thực nhất với mình lúc này.
Bố không phải là một hình mẫu hay đại loại là người mà có thể viết sách. Điều tôi viết về ông mang tính chất cá nhân vô cùng, tôi biết, nhưng đó là tất cả những gì tôi muốn nhớ về ông. Đây có thể chỉ như những chuyện kể vụn vặt, với tôi, đó là những gì " tươi" nhất tôi còn có và tôi muốn lưu giữ chúng , muốn chia sẻ và xa hơn là muốn được cảm động.
Tôi muốn một ngày nào đó nhìn lại, tôi sẽ nhớ về bố một cách chân thực và đầy đủ nhất, về người bố chỉ của riêng tôi và làm những điều chỉ dành cho tôi.
TUỔI
Bố tôi sinh năm Bính thân, tôi sinh năm Nhâm thân. Tính ra bố hơn tôi 3 con giáp.
Tôi ẩn tuổi bố, và điều bố luôn nói với tôi mỗi khi nhắc đến vấn đề này là " số tuổi thân vất vả lắm, ly hương mới đắc lộc". Nghe thì chiêm nghiệm chứ thú thực thì tôi không mấy để tâm.
Bố sinh ra ở nông thôn, nhà cũng gọi là giàu có thời bấy giờ nhưng không được cưng chiều. Bố cũng có tuổi thơ vất vả, có sự đánh đập và mệt nhọc, có sự hiểu lầm và bỏ mặc cho đến khi trưởng thành. Và theo thói quen của đa số những người già tôi biết, khi nghĩ về những điều đó, họ than vãn và có chút tiếc nuối thoáng qua.
Bố hay nói tôi thiệt thòi giống ông, về việc mẹ mất sớm. Nhưng tính ra khi bà nội tôi mất bố đã 20 tuổi. Bố thiệt hơn tôi là có một người mẹ kế chỉ sau và tháng để tang mẹ và chỉ hơn mình vài tuổi. Tôi cũng mất mẹ từ sớm, nhưng cảm ơn bố đã không tìm cho tôi một bà mẹ kế nào hết. Có thể tôi ích kỷ, và xin hãy tin rằng giờ tôi không còn giữ suy nghĩ đó nữa nhưng tại thời điểm ấy, với tôi, bố đã làm một việc vĩ đại.
Chuyện tuổi tác bây giờ với bố đơn giản và buồn cười là của những người xung quanh trong các đám hiếu hỷ hay một sự vụ gì đó ông mới nghe ngóng được. Ông thích về nhà kể cho tôi, bắt tôi ngồi tính tuổi những người mà tôi cũng không biết ấy rồi xuýt xoa xì xào về họ, rồi mọi câu chuyện lại hướng về những gì ông nghĩ về cuộc đời mình ở độ tuổi ấy.
Càng về già, ý thức tuổi tác của họ chỉ là những con số, không còn là những thay đổi và chuyển biến trong đó nữa. Và theo cách nói khác, rằng cuộc đời có độ dài như một ngày thì với người như bố tôi, ông đã sớm đến giờ đi ngủ và việc ông mong nhất chắc chỉ là một giấc ngủ không mộng mị mà thôi.
KIM CHI
Bố tôi rất thích ăn đồ muối, từ dưa muối, cà muối, hành muối đến món dưa chuột ngâm dấm tôi mới làm. Dạo này tôi hay đi ăn đồ hàn quốc, chợt nghĩ chắc bố cũng thích kim chi. Hôm trước mua về, tôi bỏ ra mời mãi, bố gắp 1 miếng, bảo cũng được rồi lại quay về với món dưa chuột ngâm dấm. Tôi dỗi, thực ra thì cũng chẳng đến mức thể hiện ra nhưng khi tôi kể với cô em cùng chỗ làm, nó bảo tôi dở hơi, mua dây buộc mình.
Ngẫm lại thì trước giờ bố đều không thích những thứ tôi mua tặng, từ quần áo, cốc chén đến những đặc sản vùng miền. Đi đâu xa tôi cũng cố gắng mua về cho bố một vài thứ, để ông thấy tôi luôn nhớ đến ông theo cách thông thường nhất. Nhưng ông chẳng bao giờ thực sự thích hay hài lòng về nó, một số thứ vẫn còn nguyên vẹn thậm chí cái áo tôi tặng nhân dịp tháng lương đầu tiên ông còn trả lại cửa hàng và lấy tiền đưa cho tôi. Lần này, nếu chỉ vì món kim chi mà tôi dỗi ông, thì những lần trước đó tôi đã bỏ nhà đi lâu rồi.
Có một điều phải thừa nhận rằng bố rất thích những thứ anh trai tôi mua cho, cũng là quần áo, giày dép, nồi bếp, thuốc thang đến cả đặc sản vùng miền. Tôi ghen tị vì điều đó, và dần dần thấy mình bất lực. Bố luôn nói về những thứ đó theo một cách đầy thỏa mãn, tôi chỉ hy vọng, ít nhất bố cũng thỏa mãn với tôi một phần nào đó, ít nhất là với cách tôi đã quan tâm.
Vị kỷ là điều khó tránh trong mỗi người, khi mà trao đi thứ gì đó bạn cần được nhận lại,hoặc là được ghi nhận đặc biệt là sự quan tâm hay tình cảm. Càng để tâm càng tính toán, ai cũng biết đó không phải là cách tốt nhất để vun đắp tình cảm, nhưng đó là cách dễ thấy nhất, đơn giản nhất và đầy bản năng nhất.
Không nhận được sự hồi đáp không có nghĩa là vị kỷ mất đi. Với tôi nó có ý nghĩa rằng cách thể hiện của mình chưa đúng và có thể là chưa đủ nữa. Là vị kỷ hay cố chấp theo đa số đều không phải là tốt, nhưng với tôi là bố sẽ có nhiều hơn một đĩa dưa chuột ngâm dấm.
XE
Tôi là một người khá nhát về chuyện xe cộ. Điển hình là lớp 9 tôi mới dám đi xe đạp học thêm, năm 21 tuổi mới biết đi xe máy. Tất cả quãng thời gian còn lại, tôi đi bộ hoặc xe đạp.
Trước giờ tôi chẳng nghĩ nhiều về điều đó, và có lúc tôi đã từng nói rằng mình sẽ không bao giờ đi xe máy. Nhưng sự thật là bây giờ tôi chỉ thích đi xe máy.
Khi còn nhỏ đi bộ có bạn không cảm thấy xa xôi, khi đạp xe dù có lúc rất mệt nhưng vẫn cố được, khi biết đi xe máy thì đến chỗ làm thêm ngay gần nhà tôi cũng phóng xe đi.
Bố tôi thì ngược lại. Trước đây khó khăn ông đi bộ, đi xe đạp. Công việc sau này ông đi xe máy nhiều. Giờ về già ông chỉ thích đạp xe, thích đến mức nếu không phải mang vác hay có sự vụ gì quá đặc biệt ông sẽ không dùng xe máy. Vì thế, khi nhìn thấy tôi dắt xe đi làm bố chê tôi lười, tôi làm trò sang chảnh.
Khi đã quen hay chỉ được thử một thứ gì đó mới và thuận tiện hơn, người ta dần bài xích cái cũ. Tôi nghĩ đây là quy luật đào thải bình thường thôi, rằng như thế mới tạo ra động lực cho sự phát triển. Nhưng với bố, người đã ăn muối nhiều hơn ăn cơm lại hiểu hơn ai hết cái cảm giác mình từ trên cao bị hạ xuống như thế nào. Xe chỉ là một phương tiện, nó thuận lợi tùy theo mức độ và theo ông con người ta phải học cách sử dụng chúng, thay vì để mình lệ thuộc chúng. Mọi thứ khác cũng vậy, không thể quen ăn cơm mà ghét ăn cháo, quen đi xe mà ghét đi bộ. Nói ra thấy mình có chút giả tạo và ngụy biện nhưng chắc chỉ khi về già như bố tôi mới hiểu điều gì là quan trọng, rằng cái gì mới thực sự thể hiện bản chất một con người và không phải vì sự phát triển hay thói quen mà ta quên đi những cách thức cơ bản nhất để sống thanh thản.
Giờ thì tôi vẫn đi xe máy nhiều hơn đi xe đạp, nhưng ít ra tôi cũng không phóng xe đi cho một quãng đưỡng ngắn nữa. Bố chẳng bao giờ cấm tôi đi xe nào hết, chỉ có điều ông luôn tạo cho tôi cảm giác mình cần phải hiểu quãng đường của mình, công việc của mình, rằng hãy nhớ đến nó trước khi chọn xe, vì đơn giản xe chỉ là một thứ phương tiện. Chắc sẽ còn nhiều thứ hơn một cái xe để áp dụng điều ông nói, chắc tôi cũng sẽ mất một thời gian mới tìm ra và áp dụng cho mình nhưng tôi biết nó sẽ có tác dụng. Và tôi tin rằng tôi sẽ có lúc phải cảm ơn ông vì điều đó.
XEM TIVI
Tôi và bố hay xem tivi cùng nhau trong bữa cơm, đó như một cách để cứu cả tôi và ông khi chẳng có chuyện gì để nói hay ít nhất nó cũng sẽ giúp câu chuyện của chúng tôi dài và hấp dẫn hơn.
Bố tôi bị điếc, cụ thể là thủng màng nhĩ không hồi phục. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao ông lại thế, ông cũng không đeo máy trợ thính nên nhiều lúc nói chuyện với ông là cả một cực hình. Lúc xem tivi phải bật tiếng thật to may ra ông mới nghe thấy mà tôi thì lại không thể chịu nổi cái sự to tiếng ấy nên chỉ khi nào thật bức thiết tôi mới bật. Bố tôi đa số không nói gì nên tôi cũng kệ, ông đọc dòng chữ trên màn hình, nghe loáng thoáng rồi đoán mò, rồi hỏi tôi nhiều lúc tôi phát cáu vì phải giải thích nhiều. Thế đấy, có những khi ta nổi cáu, ta khó chịu với người khác chỉ vì những nhượng bộ của họ cho sự ích kỷ của bản thân ta.
Nhưng có khi sự mù mờ ấy của ông lại làm tôi phì cười. Giả dụ như tên một người được phỏng vấn là Lê Quý Đôn, bố tôi đọc được và quay sang hỏi tôi luôn là: " ô, ông Lê Quý Đôn này chưa chết à?". Hiển nhiên là bố tôi chẳng nghe được tí nội dụng nào, ông cứ loáng thoáng nói bừa thôi, và kết hợp với trí nhớ cùng kiến thức không bài bản lắm thì những câu hởi như thế thường xuyên làm tôi phì cả cơm trong miệng.
Bố tôi chắc vì không nghe được nội dung mà giả dụ có nghe được thì thường không mấy quan tâm mà hay chú ý đến tiểu tiết như: ông Trương Tấn Sang nhuộm tóc đen trông quá lộ liễu rồi, người dân này kích động thế mà cũng được phỏng vấn lên tivi, kiểu tóc cô biên tập viên này xấu,...Tôi phát bực vì những điều đó, nhưng có lúc nghĩ lại thấy buồn cười.
Bố tôi không thích nghe tiếng dân miền trong, chắc là từ Nghệ An trở vào. Ông nói người Bắc nói nhiều khi còn chả nghe rõ, nghe mấy người trong đó nói thì như là tiếng dân tộc luôn. Tôi cũng bị ảnh hưởng điều này từ ông, tôi cũng không thích nghe mấy thứ tiếng đó, thực ra là vì tôi cũng không thể nghe rõ hết được. Thế nên mỗi khi chiếu đến cảnh có người nói tiếng miền trong, bố đều nói : " chả nghe ra cái gì" sau đó lại đoán mò nội dung rồi móc nối sang những câu chuyện xưa cũ mà tôi chả biết là có thật hay không về những vùng đất miền trong bố đã đi qua. Nghĩ lại, tôi chẳng bao giờ để những chuyện xưa đó vào đầu hay sao mà giờ tôi không nhớ rõ cụ thể nó như thế nào nữa. Có lẽ, đôi khi ta cứ tin vào những điều quen thuộc mà tưởng như rất cũ, đã ăn sâu vào tiềm thức mà có khi vần được lặp lại hàng ngày nhưng lại không thể khắc ghi, cho đến một lúc nào đó mới nhận ra sự thân thuộc ấy chỉ là cảm giác, còn dấu vết sự kiện trong trí nhớ đã chẳng còn nữa. Rồi sau đó chắc chắn là một khoảng trống, của hoang mang, mơ hồ và tiếc nuối.
Giờ thì tôi và bố vẫn xem tivi, ông vẫn thế và hy vọng ông sẽ nghe tôi dùng máy trợ thính. Ông có lẽ sẽ tập trung hơn vào câu chuyện, về nội dung thay vì cứ để ý mấy tình huống hay tiểu tiết nhỏ và biết đâu khi nghe rõ hơn ông sẽ thích tiếng miền trong(khả năng này không cao lắm). Nhưng chắc chắn ông sẽ vẫn làm tôi cười khi đọc lại những cái tên dân tộc kỳ lạ, và bữa cơm của chúng tôi vẫn là những dòng ký ức " tươi roi rói" tôi muốn lưu giữ cho riêng mình.
NẤU CƠM
Bố tôi kể từ ngày mẹ tôi mất mới biết chuyện bếp núc. Lúc đầu thì tôi cũng nấu nướng, thậm chí năm lớp 7 tôi còn mượn hẳn sách nấu ăn về nhà và học nấu như thế. Nhưng chắc là chẳng bao giờ nấu ngon hay đạt thành phẩm như sách nên đoạn ký ức ấy chỉ có tôi là ghi nhớ.
Anh tôi lập gia đình chuyển đi, tôi đi học, bố đi làm và thường không có giờ giấc cố định thế nên việc nấu nướng bị ngắt quãng và có khi dừng lại. Ăn uống của 2 bố con chuyển sang các hình thức như ăn ngoài( chủ yếu), mua đồ ăn sẵn, thậm chí nhờ hàng xóm nấu hộ.Nghĩ lại thì tôi cũng vừa phải cảm ơn vừa thấy hối tiếc về thời gian đó. Hối tiếc vì kiểu ăn uống không ổn định ấy làm tôi chẳng béo lên được, thậm chí tôi còn tạo cho tôi thói quen không ăn rau. Còn cảm ơn vì những vỉ sữa bố mua cho tôi lúc ấy, nhiều đến mức tôi uống thay nước hàng ngày và giờ tôi không quá thấp, đặc biệt là khi có cả bố và mẹ đều không cao.
Bố tôi thích ăn ở nhà, vì ông có thể ngồi bao lâu tùy thích. Ông rất thích ăn lẩu, thực ra thì cũng không hẳn là lẩu mà là thích ăn kiểu lúc nào cũng nóng sốt, và cách duy nhất làm ông hài lòng là luôn có 1 chiếc bếp ga hoặc từ nhỏ trên mâm cơm. Bất kể mùa đông hay mùa hè, lể cả khi nóng đến mức chảy mỡ mà không được bật quạt vì gió làm tắt bếp, ông vẫn kiên trì ăn như thế và lúc nào cũng tỏ ra thỏa mãn lạ kỳ. Tôi chả hiểu nổi.
Bố tôi không biết nấu nướng vì hồi còn mẹ, ông có bao giờ phải động tay vào cái gì đâu. Nên ông học, học tất cả những gì ông nhìn thấy ngoài quán, hỏi bà bán hàng ngoài chợ khi mua đồ, hỏi hàng xóm,... Phương châm của ông là: làm 1 lần không ngon, làm nhiều lần sẽ ngon. Trông thế thôi chứ với tôi, ông nấu món nào cũng tệ, 1000 lần thì tệ 1000 kiểu. Về khoản này, dù có bảo tôi chủ quan hay cố chấp tôi cũng không thay đổi ý kiến đâu.
Vì thích ăn kiểu lẩu như thế, mà không có nhiều thời gian nên ông có một cách nấu rất nhanh mà lúc nào ông cũng tự hào khen ngon đó là làm một nồi nước cà chua (cho có màu đẹp) rồi cho tất cả những thứ khác vào. Tất cả mọi thứ ông nghĩ là có thể ăn được, từ đồ thừa trong tủ lạnh: món xào, hấp, kho,...đến rau cỏ, đồ tươi sống, ông cho vào cái nồi ấy hết. Đúng nghĩa là thập cẩm tạp phế lù luôn. Bố tôi bảo đấy là nấu kiểu thuyền chài, trên thuyền người ta ăn nhanh mà đơn giản thế thôi. Tôi chê vì sao lại cho hỗn độn như thế, ông nói : " đằng nào chả vào bụng, ăn trước ăn sau, ăn chung ăn riêng thì không vào bụng như thế à?" Và lúc nào ông cũng ăn ngon lành, như thể nó là một món ngon vô cùng vậy.
Hồi còn ở nhà cũ, tan học về nhà. chỉ cần đi đến đầu ngõ tôi cũng có thể nghe thấy tiếng hát văn Mẫu Đầm Đa bố bật. Và khung cảnh luôn quen thuộc thế này, giữa nhà bày một cái mặt bàn to, trong là cái mâm nhôm, giữa mâm là một nồi thập cẩm nghi ngút khói. Bố tôi chắc chắn là ngồi khoanh chân dựa vào chân ban thờ, tay cầm cái nhíp nhổ râu( dù chả bao giờ có cái râu nào), mồm sẽ hát tiếng được tiếng không theo đĩa nhạc.Rồi khi nhìn thấy tôi, ông luôn nói " A! Gái diệu của bố đã về đấy à?" hoặc là " Ăn cơm con, bỏ cặp xuống, ngồi đi". Tôi lúc nào cũng sẽ ngán ngẩm từ đầu ngõ, bật nhỏ tiếng nhạc rồi nhìn nồi thập cẩm và cố vớt vát những gì có thể ăn được theo ý mình.
Nghe một số bài hát hoặc thơ văn gì đó, khi nói về quê nhà hay gia đình thân thuộc sẽ có những hình ảnh rất gợi hình, gợi cảm như khói tỏa bếp tranh này, mẹ già ngồi đan áo hay cảnh bữa cơm sum vầy,...Với tôi thì hình ảnh đó mang tính đặc biệt, tất nhiên rồi, nó đẹp như thế kia mà, nhưng nó không thực, hay nói thẳng ra là nó xa lạ với tôi. Tôi nghĩ ai cũng có một hình ảnh đặc thù của mình về gia đình, về bữa cơm, về các món ăn,.. đó là nét riêng không thể hòa lẫn hay đem ra lý giải rõ ràng. Đến giờ tôi vẫn nhớ thước phim tua chậm ấy, và nó luôn mang đến một tư vị thỏa mãn bởi nó thuộc về riêng tôi, không chung đụng hay chia sẻ, nó chân thực, quen thuộc và đầy cảm xúc.
Giờ bố vẫn nghe hát văn Đầm Đa, vẫn nấu món thập cẩm, vẫn ngồi nhổ râu, nhưng có nhiều điều thay đổi. Có những thứ mà khi thuộc về ký ức thì nó đẹp, khi hiện hữu lại thấy bình thường. Có lẽ tôi cũng không phải là một người con biết thỏa mãn với hiện tại, vì vẫn lưu luyến thước phim cũ kia nhưng tôi biết mình muốn lưu giữ, lưu giữu những điều về bố chỉ thuộc về riêng tôi.
TẶNG QUÀ
Tôi viết những dòng này vào ngày 8/3. Tôi định viết riêng về ngày này nhưng nghĩ lại dù sao những ngày kỉ niệm hay lễ tết người ta hay tặng quà, chẳng phải sao?
Bố tôi trước kia không biết có hay tặng quà dịp lễ tết hay những ngày như thế này không vì với tôi ông cũng không chú trọng việc ấy lắm. Giao thừa nhà chúng tôi là ngồi cùng nhau xem tivi rồi nhận lì xì. Và buồn thay tiền mừng tuổi của bố cho tôi cứ giảm dần theo năm tháng tôi lớn, và chắc nó sẽ giữ ở một mức cố định như năm nayJ. Tôi chợt nghĩ những năm sau, sau nữa tôi vẫn muốn được nhận tiền mừng tuổi của bố. Đó như một thói quen, một chút gì đó ưu ái mà tôi muốn ở bố, rằng thế nào đi nữa tôi vẫn luôn là con gái ông và khi năm mới đến ông vẫn nhớ về tôi nhỏ bé như thế.
Sinh nhật hay các dịp khác như 8/3, 20/10 thì tiền vẫn là cách ông chúc mừng tôi. Nhưng hình thức thì khá đa dạng. Buồn cười nhất là trước đây ông còn mua về một lẵng hoa nhỏ, để trên mặt tủ, cài trên đó một tờ tiền. Ông bảo, khi nào hoa tàn tôi mới được lấy tiền xuống. Dạo đó ngày nào tôi cũng trông cái lẵng hoa ấy, chả tưới tắm gì hết. Nghĩ lại thấy mình vừa ấu trĩ, vừa trẻ con.
Bố tôi không giỏi nói mấy lời chúc vào những dịp như thế, thường thì ông chỉ cho tiền rồi nói vài câu dặn dò kiểu như đừng xài hoang phí hay tiền này là cho luôn dịp đi chơi nào đó nhá.....Với ông đây chỉ là một dịp để cho con gái chút tiền tiêu vặt, và biết đâu khi tôi có gia đình ông sẽ chấm dứt việc này. Nếu thế chắc tôi buồn lắm, vì dù sao tôi là người con gái, người phụ nữ duy nhất trong nhà rất lâu rồi mà. Tôi không muốn thay đổi điều đó, cho dù nó có thể là một chuyện tốt đi chăng nữa.
Giữa con gái và bố luôn luôn tồn tại một thứ tình cảm mang tính chất che chở và dựa dẫm. Có lẽ là giữa con cái và cha mẹ nói chung cũng thế. Tôi thì không hiểu rõ thực sự giữa mẹ và con gái thế nào, rằng họ có thể thực sự là bạn thân hay không (chắc là có) nhưng tôi và bố không phải như vậy. Tôi muốn ở ông thứ tình cảm của một người bảo vệ, một người dù khô khan và có thể vô tâm nhưng đủ che chở cho tôi. Bạn bè nói tôi dựa dẫm, bản thân bố và tôi cũng thấy thế, nhưng khi thực sự ở trong mối quan hệ này tôi muốn tận hưởng nó. Lúc nào tôi cũng muốn làm cô con gái nhỏ trước ôngvà dù mục tiêu lớn nhất là có thể làm chỗ dựa cho ông lúc về già, dù phải mạnh mẽ hay có một gia đình của riêng mình thì với bố tôi luôn được che chở. Tôi biết đó là một thứ tình cảm hay mong muốn có phần ích kỷ, nhưng nó rất thực, và thỏa mãn một cách kỳ lạ.
Hãy cứ nghĩ xem, chắc chắn bạn cũng muốn như thế, không phải mọi lúc nhưng chắc chắn có, vì gia đình, vì người thân là như vậy.
ANH TRAI VÀ BỐ
Nói thực thì tôi luôn muốn có một cô chị gái, hoặc em gái, tóm lại là một người cùng huyết thống cùng luôn cả giới tính. Nhưng khi lớn hơn, tôi cảm ơn vì trước khi tôi sinh ra tôi có một người anh trai.
Hai anh em tôi kém nhau 11 tuổi, bố tôi lại là một người trọng nam khinh nữ, thế nên tôi thừa biết tôi là hậu quả của một lần lỡ làng nào đó. Dù sao thì ít nhất nó cũng mang tôi đến với cuộc đời này.
Có vài điều tôi muốn lưu giữu cho mình về anh trai tôi. Nhưng nó không nhiều để tôi có thể viết một tự truyện kiểu thế này nên đành mạn phép đưa nó vào đây vậy.
Thứ nhất, tôi và anh không có nhiều kỷ niệm đẹp.
Chúng tôi cách xa nhau qua nhiều và đừng bao giờ nghĩ rằng tuổi tác ảnh hưởng đến cách một người anh đối xử với em gái họ, nhất là theo ý tích cực vì có những lúc họ chẳng quan tâm đến ai ngoài bản thân mình chỉ bởi vì tuổi sinh lý không thể hiện tuổi tâm lý. Nói thẳng ra là với tôi có anh trai hơn nhiều tuổi không có nghĩa là tôi được chiều chuộng hơn hay bị quản lý nghiêm khắc hơn, với tôi đó là bị sai vặt, bị bắt nạt, bị bỏ mặc và có phần gì đó bị kìm hãm. Nghe có vẻ anh tôi thật tệ bạc nhưng thực ra không phải, anh chỉ sống đúng với những gì anh có, anh đối xử tốt với tôi chứ, nhưng mà bạn biết đấy, tuổi thơ thì thường giữ những kỷ niệm xấu nhiều hơn thì phải.
Khi tôi học lớp 2 anh tôi đã học đại học, cộng tổng tất cả thời gian tôi được sống cùng với anh là bao nhiêu nhỉ? 7 năm đầu đời này, 1 năm sau khi mẹ mất và chắc 1 năm khi anh tôi về dưới này làm việc, tính dư dả chắc được gần mười năm. Khoảng thời gian đó không đủ nhiều cho tôi, tôi nghĩ vậy, nhất là khi tôi mất đi một người vốn nghĩ là ở bên tôi lâu hơn một cách bị động. Còn sự vắng mặt của anh, đó là một sự chủ động vô tình gây tổn thương. Giờ thì tôi chẳng trách anh về điều đó nữa, chỉ nhớ về nó thôi. Lớn rồi, cái gì cũng dần quen, dần chấp nhận.
Thế nên chúng tôi không có nhiều kỷ niệm đẹp, tất cả những gì tôi nhớ là anh quá lớn để cho tôi tham gia cùng nhóm bạn anh hay cùng chơi mấy trò con nít với tôi. Anh luôn trêu chọc tôi phát khóc và mẹ thì lúc nào cũng bênh anh. Anh thậm chí còn mặc cả cái áo khoác đỏ của tôi để trêu tức tôi, cái áo khoác đỏ cả bé gái 5 tuổi mà khi đó anh đã 16 tuổi rồi. Anh còn làm mặt Ngưu Ma vương dọa tôi vào buổi tối, để lạc tôi vào ngày đầu tiên lớp 1, luôn gắp rác vào bát tôi lúc ăn cơm,....Hồi đó anh dỗ tôi bằng việc cho tôi lên gác lửng chỗ anh ngủ và dùng cái bút máy mực xanh của anh, tôi nhớ anh hay vẽ cái chổi.
Nhưng anh cũng là người ngủ cùng tôi lúc 7h tối, hát cho tôi nghe những bài tình yêu thời bấy giờ mà tôi chả nhớ nữa. Anh cũng nấu món sườn xào chua ngọt ngon một cách đầy nghi hoặc cho tôi. Nói thế nào đi nữa, anh cũng cho tôi ít nhất một số thứ để nhớ về nó, không đến mức phải cảm động, chỉ là bật cười vớ vẩn về nó thôi.
Thứ nhì, tôi có một nỗi ghen tỵ lớn với anh trai mình.
Đầu tiên là về tuổi tác. Anh sinh sớm hơn tôi, đồng nghĩa với việc anh có một tuổi thơ trọn vẹn bên mẹ, bên bố, thậm chí anh còn được gặp cả ông nội. Tôi không có những thứ ấy. Quãng thời gian tôi đươc sống bên bố mẹ và anh ít đến mức tôi hầu như chẳng nhớ được gì. 11 năm ấy khiến tôi ghen tỵ vô cùng, nhất là khi anh kể về mẹ về những kỷ niệm tuổi thơ khi mà anh chẳng phải lo nghĩ về bất cứ gì hết. Tôi cũng có mẹ suốt quãng thời thơ ấu, chỉ là những tháng ngày mẹ ốm, mẹ nằm viện nhiều đến mức tôi chẳng muốn nhớ đến nó nữa.
Tiếp theo là về giới tính. Bố tôi là một người trọng nam khinh nữ và anh tôi là một người con được ông trân trọng theo một cách mà tôi không bao giờ có được. Có những lúc tôi chỉ muốn thét lên rằng con cũng là con bố, sao lại bất công như vậy. Nhưng cảm ơn tôi đã không làm thế, ít nhất là đến lúc này.
Anh là tấm gương cho tôi học tập, ai cũng nói thế. Rất tiếc là tôi chả học được gì. Anh nỗ lực cố gắng thế nào, bla la...tôi biết chứ. Chỉ là tôi chỉ muốn thoát khỏi sự so sánh ấy đến mức ước gì anh không tồn tại. Bố trước đây luôn so sánh tôi và anh, sau này khi tôi lớn lên, cãi vã cũng nhiều hay vì một lý do nào khác nên cũng bỏ dần. Chắc tôi phải cảm thấy nhẹ nhõm vì điều đó, tôi cũng không biết nữa.
Bố luôn dành cho anh một sự đối xử đặc biệt, ngay cả bây giờ khi anh đã có vợ và làm bố rồi. Từ việc ăn uống, đi lại, quần áo, đến cả việc chờ cửa khi anh đi chơi đêm, loại thuốc lá anh hút, giờ giấc anh lên đến Hà Nội, và gần đây nhất là chuyện vị trí ngồi. Có thể tôi nhỏ nhen đến mức mấy thứ lặt vặt đó cũng so đo, nhưng tôi cá là bất cứ cặp anh chị em nào đều gặp phải những thứ đó, không ít thì nhiều. Và chuyện thiên vị cái ghế gần đây làm thổi bùng lên những suy nghĩ thiên vị trước đây về anh, tất nhiên khi ngồi viết những thứ này, ngọn lửa đó đã ít nhiều bị dập tắt.
Tôi nghĩ chắc nhà ai cũng sẽ có một vị trí đặc biệt dành cho chủ nhà, vị trí thể hiện sự làm chủ mà bất cứ ai cũng sẽ nhận ra. Với nhà tôi, đó là vị trí trên bàn ăn. Đó là vị trí mà cái ghế ngồi sẽ đẹp hơn và các khác cái ghế khác của bộ bàn ăn, thậm chí là lạc loài; có chỗ dựa từ nhiều hơn 1 phía; thuận tiện để gác chân, xem tivi, lấy đồ ăn,..và chẳng phải đứng lên ngồi xuống vì bất cứ thứ gì khác. Đó là vị trí mà bạn chỉ cần ngồi thoải mái và hưởng thụ, bao quát hết tất cả mọi thứ và rõ ràng là một ông chủ nhỏ.
Đó là chỗ của bố tôi, tất nhiên. Và tôi không bao giờ được ngồi nếu có ông ở đó. Tôi chỉ được phép khi ông không ngồi nữa và bật dậy ngay khi bố tôi đòi chủ quyền. Tôi càu nhàu, và không được chấp thuận. Với ông đó còn hơn cả một chỗ ngồi, và tất nhiên tôi chẳng bao giờ đủ tư cách để ngồi đó. Nhưng anh tôi thì được, thậm chí còn được mời ngồi. Điều đó làm tôi tủi thân, vì khi tôi nghĩ mình là người sẵn sàng chia sẽ cuộc sống cùng ông , điều mà tôi thề là anh tôi không hề như thế thì ông luôn dành nhiều hơn một phần ưu ái cho anh.
Và tất nhiên, tôi lại ghen tỵ. Như bao lần trước đó và có thể sau này, rằng không chỉ là chuyện chiếc ghế trong bếp, đồ anh mua tôi mua cho bố, thứ tôi thích anh thích,...mà lớn hơn hay phức tạp hơn thế. Tôi chỉ hy vọng mình còn đủ bình tĩnh như lúc này, viết về nó như một thứ đáng nhớ chứ không phải đáng hận, rằng đây là một nét đặc trưng trong tình cảm anh em tôi chứ không phải buộc tội hay kết án.
Thứ ba, đó là sự khác nhau của bố và anh trai.
Nói đơn giản thế này, bố luôn là người cho tôi phần nhân thịt cá của mình trong bát bánh đa cho tôi, còn anh là người sẽ nói chia đôi quả trứng nêu tôi đòi ăn cả lòng đỏ.
Dù sao đi nữa chúng tôi là anh em, chúng tôi cùng nhau chia sẻ gia đình, chia sẻ huyết thống, chia sẻ cùng một cái tên(^^), chia sẻ một phần ký ức và kỷ niệm, chia sẻ trách nhiệm và bổn phận, và có thể nhiều sự chia sẻ khác nữa. Tôi nghĩ ghen tỵ, cố chấp hay một chút thiếu hụt mà tôi nhớ về anh sẽ được bù đắp nhiều hơn từ những sự chia sẻ chúng tôi đã, đang và sẽ có. Nó là điều mà tôi sẽ nhớ nhất, về anh trai mình và biết đâu một ngày nào đó, kể cả khi tôi trưởng thành như anh thậm chí già đi như bố tôi, anh sẽ cho tôi phần nhân trong bát bánh đa của mình và cả lòng đỏ quả trứng.
MỘT MÌNH VÀ CÔ ĐƠN
Tôi viết phần này vì có chút cảm xúc tích tụ lại sau khi có một chút cãi nhau với bố. Chỉ là lời qua tiếng lại thôi và tôi biết hôm sau mọi thứ sẽ lại như cũ.
Chúng tôi hiểu nhau đủ nhiều để có thể có cái gọi là thỏa hiệp và nhượng bộ. Tôi không muốn đi sâu vào việc này tại đây, có lẽ để vào một phần riêng biệt nào đó, khi mà tôi đủ lý trí và tình cảm để viết về nó một cách khách quan nhất có thể hay ít nhất là cũng không quá xúc động thế này.
Tôi hay ở một mình, từ một cách bắt buộc rồi thành một quen và có lúc lại hưởng thụ nó theo một cách tự nguyện. Nhưng để thực sự thích nó, có lẽ tôi chẳng đủ dũng cảm. Đọc sách, xem tivi hay chỉ đơn giản là ngủ, tôi biết cách làm cho việc ở một mình không còn quá buồn tẻ theo nghĩa chẳng có gì để làm. Nhưng chắc chắn nó sẽ như thế, dù có làm thế nào đi chăng nữa, sẽ có lúc không muốn xem tivi, đọc sách và thức trắng, lúc đó sẽ cảm nhận được cô đơn.
Nhiều người nói họ cô đơn ngay cả khi được vây quanh bởi nhiều thứ, có việc để làm, có phần nào sự tất bật và nhộn nhịp nhưng vẫn cô đơn. Tôi nghĩ họ chỉ lạc lõng chút thôi, vì ngay lúc tưởng như mình có đủ tất cả lại chợt nhận ra một lỗ hổng nhỏ xíu, rồi không sao tìm ra cách bù đắp hay giải quyết. Và họ gọi đó là thiếu sự thấu hiểu, rồi cô đơn. Tôi nghĩ họ chỉ đang chuyển mình trong hành tình tìm kiếm nó, cái mà có thể lấp khoảng trống, đem lại sự thấu hiểu họ cần ấy, hành trình ấy là điều dễ hiểu thôi mà. Tôi chưa trải qua nó, nhưng có lẽ tôi sẽ không quá hoang mang đâu, vì khi đã quen với cô đơn từ trước đó bạn sẽ chẳng để tâm đến một chút nữa kèm theo.
Tôi luôn quan niệm rằng chiều tối là lúc người ta dễ cảm thấy cô đơn nhất. Con người quá nhạy cảm với bóng tối, nó như một bản năng, nhất là khi trời nhá nhem, họ nhìn thấy ánh sánh tắt dần và họ cần một sự thay thế, một sự bù đắp. Khi mà ngọn đèn sáng được thắp lên, người lớn đi làm về, trẻ nhỏ tíu tít sau ngày học, lúc ấy dù ít hay nhiều họ sẽ muốn gặp nhau, bên nữa cơm và nói đủ thứ chuyện. Đó như một hình thức sưởi ấm từ lâu đời và giờ nó chỉ tiến hóa về mặt hình thức mà thôi.
Bố tôi không quen được với cô đơn như tôi, ông sợ cái cảm giác một mình hơn tôi. Ông không xem tivi, không đọc sách và khó ngủ. Trước đây, tôi luôn ở nhà để đợi ông, nhất là tầm chiều tối, và nếu ông làm muộn, dù ngủ tôi vẫn sẽ dậy để ngồi cùng ông khi ăn cơm. Tôi không muốn ông phải thấy căn nhà có người mà lạnh lẽo, rằng ông đang được chờ đợi và quan tâm theo một cách nào đó. Nhưng tôi lớn hơn, và muốn xa nhà. Bố tìm những sự sẻ chia ấy ở một nơi tạm bợ khác. Đó là quán bánh đa đầu ngõ, là những ông bạn nhậu, là ngồi bài bạc thông đêm, ông lựa chọn những các tiêu cực nhất để giải tỏa cái ông gọi là " buồn" ấy. Tôi trách ông không tự chủ được, không biết chọn lọc hay quá mê muội và ngụy biện. Đến giờ tôi vẫn trách ông như thế, nhưng tôi hiểu, ông không phải là tôi. Ông không còn trẻ để có thể suy nghĩ tích cực về tương lai hay có một chút tinh thần AQ nào đó, ông chỉ muốn trốn chạy khỏi cái bóng một mình, khỏi sự cô đơn ông đã không lựa chọn thay đổi bằng nhiều hình thức mà tôi gọi là tích cực. Bố tôi không quá già nhưng đủ để thấy trống trải, khi ngọn đèn không thắp sáng ngôi nhà lúc chập tối, khi tiếng tivi không đáp lại lời ông nói, khi bữa cơm cứ nguội dần đi trong im lặng.
Có một dạo tôi cực kỳ ghét anh trai tôi, đó là khi tôi lên Hà Nội học và có dịp ăn cơm với gia đình anh. Bữa cơm rất đông vui, có đủ thành viên, có tiếng cười nói từ người lớn đến trẻ nhỏ, có những câu chuyện tù vỉa hè đến công việc, nó hội tụ những gì điển hình nhất của một tổi hợp ấm ấp. Tôi cũng ở trong tổ hợp ấm áp ấy, và lúc ấy bố tôi – người đang cách xa tôi hàng trăm cây số có khi còn chưa đi làm về, không ai chờ đợi và biết đâu đã chìm vào một sự tạm bợ tiêu cực nào đó. Ngày ngày anh trai tôi có mặt trong tổ hợp ấm áp ấy và thậm chí còn phàn nàn về nó, còn tôi và bố đang cố gắng tìm cho mình một chút sẻ chia, gom góp từng chút ấm áp một để cùng nhau chống lại cô đơn. Tôi thấy bất công, nhưng buồn thật đấy, tôi cũng tham luyến cái tổ hợp ấm áp ấy, và giá như bố tôi cũng được như vậy. Tôi biết mình yếu đuối và bất lực.
Nhiều lần ông đón tôi từ nhà ga hay bến xe, tôi dựa cằm vào vai ông. Đau lắm. Cằm tôi nhọn mà bả vai ông còn gầy hơn, qua lớp áo vest cũ đầy mùi mồ hôi mà vẫn làm tôi đau nhói. Tôi viết dựa như thế rất đau, nhưng ông chẳng nói gì, ông sẽ chở tôi đi ăn món gì ngon ngon và tôi sẽ thấy rõ hơn hậu quả của sự tìm kiếm ấm áp tạm bợ qua từng cốc rượu ông uống, từng điếu thuốc ông hút. Vậy mà tôi vẫn mở mồm ra trách ông, rồi ăn hết phần ngon ông gắp sang từ suất của ông.Lạ thật đấy.
Sau này, tôi rất hạn chế làm tối hoặc nếu có tôi sẽ cố gắng ăn cơm với bố trước khi đi làm. Nhưng bố không đủ kiên nhẫn nhiều như trước nữa, vào thời điểm mà sự cô đơn lấn chiếm, ông sẽ bỏ mặc tất cả để đi tìm cách giải quyết, dù là ngộ nhận hay nhất thời. Và dường như, đến một lúc nào đó, sẽ chẳng còn sự cân nhắc nào hết ngoài sự thỏa mãn bằng mọi cách cho sự một mình, cho nỗi cô đơn không còn là ám ảnh. Đến lúc ấy, liệu tôi có mất ông?
TÊN VÀ GỌI
Tôi viết phần này khi đang ngồi ở phòng khám và nghe thấy tiếng ai đó gọi con về tắm rửa. Khu đó cũng nhiều trẻ con vì có một sân trống rất lớn, tụi nhỏ hay tụ tập chơi đá bóng, cầu lông và đủ các trò trong đó, thỉnh thoảng quả bóng bay ra khỏi bờ tường vào hẳn trong phòng làm tôi giật bắn cả mình. Đông vui, nhộn nhịp là vậy nhưng đây dường như là lần đầu tiên tôi để ý về một tiếng gọi, nó làm tôi nhớ lại nhiều thứ trong mình và muốn được viết ra. Chà, cái hoàn cảnh sáng tác cũng dài dòng quá nhỉ? Biết làm sao được khi ngay cả cái đó tôi cũng muốn lưu giữ lại.
Trước hết hãy nói về cái tên, thì phải có tên thì mới gọi được chứ nhỉ. Tôi và anh trai có cùng tên, khác mỗi đệm. Tôi và anh chả phải sinh đôi, không giống nhau bất cứ điều gì, lại hơn kém nhau nhiều tuổi, thế mà lại cùng tên. Cũng nhiều người thắc mắc vì sao lại thế, tôi cũng từng hỏi mẹ và bố nhưng câu trả lời thường chẳng xác định được. Bố tôi bảo do lười nghĩ, mẹ tôi thì không rõ lắm vì chắc lúc đó bà cũng chẳng đủ sức lực để suy nghĩ xem tên tôi là gì. Nhưng tôi thường nghĩ thế này, rằng anh em tôi trùng tên nhau theo một cách đặc biệt, rằng khi ai đó gọi tên hoặc gặp một ai đó trùng tên chúng tôi sẽ luôn nhớ về người anh em của mình, rằng " ồ, thì ra họ cùng tên với mình, với cả anh trai mình nữa". Tôi không rõ anh tôi có như thế không nhưng tôi là vậy, tôi sẽ nhớ đến nhười cùng huyết thống với mình, theo một phản xạ quen thuộc như thế.
Tôi không thích chữ " thị" trong tên mình. Tôi thích tên có đủ họ bố và mẹ nếu nó không trùng nhau và ít nhất là kết hợp không tệ. Bố tôi thì luôn quan niệm cổ hủ, con gái phải có " thị", con trai phải có "văn". Nghĩ lại thấy bố chỉ cổ hủ với tôi, vì tên anh tôi không có " văn", ngay cả tên của ông cũng sửa lại đệm. Sau này khi anh tôi có con gái, đặt tên bốn chữ, đệm rất hay, lúc ấy bố tôi mới thấy có phần phải suy nghĩ lại khi đặt tên tôi như vậy. Tôi nghỉ liệu sau này tôi có con gái, liệu ông có đặt tên cháu ngoại có đệm hay được không nữa.
Biệt danh là thứ luôn gợi nhiều kỷ niệm nhất. Mỗi biệt danh lại gắn với một đặc điểm, một tính cách, một sự kiện hay một nét đặc trưng nào đó, mà dù khó hiểu hay không mang tính xác thực thì nó gắn sâu vào tiềm thức nhiều khi còn nhanh và lâu hơn cả tên gọi. Tôi có nhiều biệt danh, của nhiều người đặt, tùy từng hoàn cảnh và trường hợp mà tôi phản ứng lại với nó.
Bố hay gọi tôi là " gái diệu", đôi lúc là "diệu" không thôi. Gọi đến tận bây giờ và nhiều đến mức có người không để ý tưởng đó là tên tôi. Tôi nghĩ bố muốn gọi tôi là " con gái rượu" vì theo quan niệm xa xưa, đó là cách gọi chỉ sự cưng chiều, thân mật. Nhưng khẩu âm của người miền Bắc thường không rõ "r" và "d" nên nó mới biến tướng như vậy. Giọng bố rất lớn, tôi đến giờ vẫn hình dung ra được cảnh bố tôi hấp tấp vào nhà, hay nhìn thấy tôi đi đâu về, hay chỉ đơn giản là gọi tôi, rằng "diệu của bố đấy à". Thú thực là có khi tôi thấy xấu hổ, vì lớn rồi mà. Nhưng sẽ rất thỏa mãn, hưởng thụ đến mức lãng quên và thay thế nó bởi sự cáu kỉnh vô lý nào đó. Tôi biết sẽ nhiều người bảo tôi thế là ngụy biện, nhưng bạn biết đấy, người ta thường quen hưởng thụ những thứ tưởng như tình cảm thân thương mà chụp mũ bằng sự chối bỏ hời hợt, ích kỷ và yếu đuối.
Bạn bè tôi gọi tôi bằng những cái tên nhiều lúc hài hước và vui vẻ, nó thể hiện bằng một thứ tình cảm khác. Bố gọi tôi bằng cả sự cưng chiều không giới hạn, của một người cha luôn muốn gần gũi con gái mình, luôn muốn thấy con gái nhỏ của mình làm nũng và hưởng thụ sự cưng chiều đó. Và tôi nghĩ rằng, khi mà thế giới này, cuộc sống này, xã hội này hay bất cứ điều gì làm ta buộc phải trưởng thành, phải mạnh mẽ như một " cô gái siêu cấp kim cương vô địch" thì với cha mẹ, ta luôn là đứa con bé bỏng bất cứ lúc nào cũng được chở che, vì dù "kim cương" ấy có vỡ có mòn hay chắc chỉ xước thôi thì tình thương ấy vẫn không thay đổi.
Nhiều lúc tôi phải cố nhớ lại tiếng của mẹ, nhưng buồn thay tất cả nhưng gì tôi còn lại là tiếng mẹ gọi "Phương Linh ơi" lúc chiều nào đó tôi chơi về muộn, hay lờ mờ một chút về những điệu nhạc " la la lú la" gì đó mẹ hay chọc tôi cười.Nhưng như thế là quá ít về mẹ, về người đã yêu tôi bằng tất cả những gì mình có. Tôi không muốn tôi cũng nhớ ít ỏi về bố như thế. Tôi muốn làm "con gái diệu" của ông lâu thật lâu, nghe ông gọi và đáp lại tình cảm ấy nhiều nhất có thể. Đừng để những tiếng gọi từ mẹ cha không được đáp lại hoặc bàng quang trước nó, vì khi mất đi thậm chí nó còn chẳng mảy may cho bạn một cơ hội nhớ về nó nữa.
ĂN NGOÀI
Chuyện ăn uống của bố con tôi sau khi mẹ mất là một hành trình mà mỗi khi nhớ về nó tôi thường nghĩ đến cái gọi là sự phát triển hay sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Nghe có vẻ phức tạp nhỉ?
Một thời gian ngắn tôi cũng sau khi mẹ mất tôi cũng nấu cơm, cũng cố gắng làm nhiều món ngon theo sách nhưng đa phần là thất bại. Rồi mọi thứ trở nên bận bịu với bố và nhàm chán với tôi, hay có thể tôi đã chẳng còn nhiệt tình nữa, thế nên bữa cơm của hai bố con là nhưng hàng quán quen thuộc, từ cơm bình dân đến bánh đa bún phở, có một dạo còn là cháo nữa.
Tôi thích ăn ở những quán quen, dù nó không ngon. Tôi thích không khí thân thuộc khi mình được ngồi vào chỗ cũ, lấy những thứ quen thuộc và có khi chẳng cần gọi món, thậm chí có thể lưỡng lự lâu hơn trước một món mới trong lời mời chào đến chán của bà chủ.
Mỗi khi ăn bánh đa, bún hay phở gì đó, lúc nào bố cũng bảo thêm nhân cho tôi. Và nếu tôi từ chối, bố sẽ bằng cách nào đó gắp hết nhân thịt cá ngon từ bát của bố sang cho tôi. Lúc đầu tôi ghét như thế lắm, ăn uống không nên chung đụng như vậy. Nhưng ngầm lại chỉ có ba mẹ mới làm thế với con cái. Mẹ bạn tôi cũng thế, hai chị em cứ thoải mái gắp thứ không ăn được vào bát mẹ mình, bác ấy hầu như là nhận hết, chẳng ngại ngần gì. Đọc nhiều bài báo thấy cảnh ba mẹ thích ăn đầu cá, thích ăn rau, hay chỉ dám ăn chút đồ thừa trong bát của con, đó là sự thật. Sẽ chẳng ba mẹ nào ngại bẩn, ngại thiếu văn minh hay căn bản họ chẳng quan tâm đến điều đó ngoài việc cho con mình được ăn ngon hơn một chút. Đó là một cách thể hiện tình cảm đầy bản năng của một người làm cha làm mẹ, họ đơn giản chỉ muốn lúc nào con mình cũng được đủ đầy, được thỏa mãn, ít nhất trong lúc đó là vì miếng ăn. Chỉ có ba mẹ mới đủ dũng cảm, vị tha và bao dung để làm như thế, và điều đó đáng để trân trọng hơn là chối bỏ, đáng để suy nghĩ hơn là xấu hổ.
Sau này khi bố tôi bắt đầu ổn định hơn về công việc và tôi cũng nhận thức được rằng mình không thể cơm hàng cháo chợ mãi, chúng tôi dần nấu ăn tại nhà. Thế là ăn ngoài được coi như một sự cải thiện, cho những dịp như bố có thưởng gì đó hay đơn giản là trời quá nóng và bố muốn hưởng bầu không khí bên ngoài.
Có một quán mà tôi rất nhớ, chỉ mở vào chiều tối. Đó là món quen thuộc của tôi mỗi khi bố đề nghị ăn ngoài – cơm rang và nạm bò. Quán đó chúng tôi ăn từ khi vợ chồng anh chị chủ mới có một đứa con trai hãy còn nhỏ xíu, và lần gần đây nhất ra thì đứa bé thứ hai đã sắp học mẫu giáo thì phải. Tôi lúc nào cũng gọi một suất cơm rang, còn bố sẽ luôn gọi một đĩa nạm bò nhiều hành và giá. Bố sẽ uống vài chén rượu, gọi thêm cho tôi 1 bát nước dùng, và kết thúc chúng tôi uống chung một cốc trà đá to. Có thể vào hè, bố sẽ uống thêm một cốc bia, nhưng về cơ bản là mọi thứ thường vậy.
Quán ở trên vỉa hè có chợ nên khá sầm uất. Bố con tôi sẽ luôn là người ra sớm, ngồi chỗ mát nhất. Bố sẽ duỗi thẳng chân dưới bàn, nhìn ra đường và chậm rãi hưởng thụ cái không khí ấy. Thú thực tôi không thấy mát cho lắm, có quá nhiều tiếng ồn, có quá nhiều người, và chiếc xe tải rác bên đường thực sự không phải là cảnh đẹp để ngắm nhìn. Nhưng bố tôi rất thích, ông sẽ ngắm nhìn và tỏ vẻ hưởng thụ nó như ngồi trên bãi biển đẹp nhất thế giới.
Chỉ có ăn quán tôi mới ăn được hết một suất cơm rang nhiều như vậy. Và cả phần nạm bò bố không ăn hết nữa. Lần nào cũng thế. Mỗi lần ông rủ đi ăn quán, ông sẽ chỉ ngồi nhâm nhi, gắp cho tôi thức ăn rồi khi đêm muộn ở nhà, ông sẽ lại nấu mì. Tôi bảo như thế thì thà ăn ở nhà cho xong, ăn ngoài chi cho tốn tiền. Nhưng ông thích thế, thích cái cảm giác được ăn khi mà xung quang cuộc sống đang chuyển động, khi mà ông được nhìn anh chủ quán thái thịt bò hay rang cơm, được thấy bà bán thịt đang chặt xương lợn và quay sang bảo tôi " người ta chặt ngọt như mía", nhìn thấy hàng hoa quả sẽ hỏi tôi có muốn mua gì không và hàng ngàn những điều khác nữa. Tôi cảm giác rằng đó là giây phút ông dường như chưa bao giờ bộc lộ trước ai, rằng có những cuộc vui nào đó, với ai đó ông cũng không có được cảm giác ấy, hình ảnh ấy, chia sẻ ấy. Và nó thuộc về riêng tôi, chỉ có tôi mới nắm giữ những kỷ niệm ấy, thói quen ấy. Chỉ có tôi mới tham gia vào những phút giây ấy của ông, không phải chia sẻ hay chắp vá, nó thuộc về tôi theo một cách nào đó mà không ai có thể ngăn cản hay cướp đoạt.
Ăn ngoài, cơm rang, nạm bò hay những hình ảnh về bố không phải là điều duy nhất tôi nhớ về ông. Đó là một trong rất nhiều những điều đáng trân trọng khác về bố, và dù giờ nó có phần gián đoạn và thậm chí sẽ còn đổi thay, thì bố sẽ luôn chia sẻ cùng tôi những điều đó. Và nó thực sự quan trọng, hãy nghĩ xem, bạn sẽ thấy nó chưa bao giờ chỉ đơn giản là một ký ức.
LUÂN HỒI.
Viết phần này khi vừa đọc xong cuốn "Em sẽ đến cùng cơm mưa" của Ichikawa Takuji. Tôi chợt nghĩ về cái chết, về những thứ tôi mong đợi và nghi ngờ về nó. Đúng là cảm xúc kiểu như mãnh liệt nhất đã bị cuốn trôi ít nhiêu vào tối hôm qua, nhưng giờ thì dù còn lại bao nhiêu tôi cũng phải viết.
Tôi tin vào luân hồi chuyển kiếp, vào nhân quả và duyên nợ. Nói vậy nhưng vì chưa thực sự chứng kiến hay trải qua nên nó gần như là một thứ gì đó huyễn hoặc và có phần mong đợi hơn là niềm tin.
Tôi luôn nghĩ rằng em mèo nhà tôi trước đây giờ đã được đầu thai làm một cô bé, và biết đâu tôi đã gặp lại em mà không biết. Nhưng ít ra tôi muốn em như vậy, rời xa tôi rồi lại ở gần tôi theo một cách tương tự, là sống, dù mọi thứ đều có thể khác. Ít ra với suy nghĩ em đang tồn tại cùng tôi trong thế giới này, cũng ăn uống, hít thở, sinh hoạt như một vật thể hiện hiện làm tôi bớt trống trải. Và nếu có chỉ là sự lãng quên của cả tôi và em thôi.
Nhưng tôi lại không thể nghĩ về mẹ theo hướng đó, dù đã cố, tôi muốn mẹ ở bên tôi, bên bố theo một cách tâm linh nhất nếu nó được gọi là như vậy. Tôi không muốn mẹ cũng uống canh Mạnh Bà, qua cầu Nại Hà và trở thành một người khác. Không có ký ức, chắc sẽ chẳng giữ được tình cảm, khi ấy dù có đang bắt đầu hay tiếp tục một cuốc sống mới trong thế giới tôi đang sống này, mẹ không còn tồn tại nữa. Và dù tôi và mẹ có thể gặp lại nhau, cùng hưởng thụ chung một thế giới khi mà cái chết là một sự cách biệt quá xưa cũ, đó có lẽ chẳng phải mẹ nữa. Tôi có thể hài lòng khi em mèo trở thành một phần sự sống được chuyển tiếp, còn mẹ dù có là ma, là linh hồn tôi cũng muốn giữ.
Thế nên khi đọc cuốn sách "Em sẽ đến cùng cơn mưa ấy" tôi chỉ thấy buồn về tình yêu của vợ chồng nhân vật, nhưng tôi thấy giận tác giả lắm, giận vì sao ông lại xây dựng một tình huống mà không phải cơn mưa nào cũng được mong chờ như vậy. Nếu là mẹ, tôi cũng chẳng mong mẹ đến, mẹ có hạnh phúc đâu. Nếu cơn mưa hay bất cứ thứ gì đó mang mẹ trở về với một tình huống như thế, mẹ có khi sẽ lựa chọn rời xa ngay lập tức, và nếu thế, tôi chẳng có cơ hội được gặp bà. Đó không chỉ là nỗi đau mà còn là một tổn thất không thể bù đắp hơn cả những gì tôi đang phải trải qua. Nó không đáng.
Với bố thì chắc tôi chẳng cố chấp thế đâu. Biết đâu ông sẽ quên ngay tôi khi mới bắt đầu rời khỏi thế giới này ấy chứ. Ông đã cho tôi quá nhiều thứ để tiếp tục cuộc sống này, và trong đó có quá ít nghi ngờ hay bất an. Ông có lẽ sẽ ở bên tôi đủ lâu để cho tôi những thứ căn bản và chân thực nhất để tiếp tục cuộc đời, để nghĩ về ông là kỷ niệm, là tiếc nuối, có thể là hối hận hay khổ đau nhưng không oán trách hay quá mang nhiều ràng buộc mang tính chất tâm linh, tinh thần như mẹ. Ông có thể bắt đầu một vòng tuần hoàn mới cho dù có quên tôi, tôi sẽ nhớ đến ông theo cách của riêng mình. Còn với mẹ, tôi còn quá nhiều thứ để làm, để nói, bảo tôi buông mẹ đi, tôi không làm được, tôi cũng chẳng muốn làm. Tôi muốn mẹ phải dõi theo tôi, hay ít nhất là phải biết rằng tôi muốn mẹ làm như thế. Dù ký ức về mẹ có phai mờ đi, thậm chí đến lúc tôi chẳng hình dung ra mẹ nữa, nhưng đó chẳng đủ để tôi có thể chấp nhận cho mẹ quên tôi, để mẹ đầu thai và sống ở một cuộc đời khác.
Tôi nhớ có lần cãi nhau với bố, bỏ nhà đi qua nhà bạn thân ngủ. Mẹ bạn tôi bán hàng đêm muộn, lúc về mấy đứa chúng tôi đã nằm lăn quay ngủ từ bao giờ, chả màn miếc gì. Bác ấy thấy vậy, mắc màn cho chúng tôi, tôi nằm trong, tay để sát bờ tường. Bác cầm tay tôi lên dém màn xuống, tay bác lạnh lạnh do vừa ở ngoài đường về, tôi quay sang thấy bác cũng cẩn thận dém màn cho 2 cô con gái như vậy. Lúc đó tôi thấy tủi thân vô cùng, tôi bỏ nhà đi để tìm một nơi trú ngụ nào đó, ngôi nhà tôi ở không có mẹ, ai sẽ dém màn cho tôi? Lúc ấy tôi chỉ nghĩ được như thế.
Sau này tôi không bỏ nhà đi nữa, dù có cãi nhau với bố thế nào. Tôi chỉ buồn trong im lặng rồi thôi, có lúc sẽ oán thán và trách móc, thất vọng và mệt mỏi, nhưng ít ra tôi không phải đối mặt với bất kỳ sự tủi thân nào nữa. Tôi nghĩ, tôi và mẹ có duyên có nợ, dù cái chết làm cho nó kết thúc sớm hơn nhưng tôi tin nó chưa hết, tôi không mong nó hết, bằng một cách nào đó mẹ đang ở bên tôi, mẹ luôn ở bên tôi. Không phải trong tâm trí, không phải trên trời hay ở một nơi nào đó mơ hồ, mẹ đang ở đây, dù tôi chẳng thể nào xác định được, thậm chí là trong mơ.
Trước đây tôi nghĩ mình đang trên hành trình gặp lại mẹ, nhưng rồi lại thấy sợ và dần lãng quên nó. Cũng thỉnh thoảng có chút chạnh lòng, có lẽ, dù ngụy biện thế nào, sự trống trải ấy cũng chẳng thể lấp đầy. Giống như biết đâu một ngày nào đó, dù biết tinh cầu Lưu Trữ có mẹ Mio, Yugi cũng chẳng còn đến hòm thư #5 và gọi "Mẹ ơi!" nữa.
CÂY CỐI
Vừa về nhà thấy cây bạch thiên hương đã nở, tôi rất có hứng viết về mảnh sân nhỏ nhà mình với những cái cây trong đó.
Chuyển sang nhà mới tôi và bố có nhiều kỷ niệm đẹp hơn thì phải. Đúng là khi không còn phải lo về những thứ cơ bản như ăn ở hay bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt một cách trực tiếp như hai thứ đó thì người ta thoải mái hơn hẳn cả về tinh thần để bắt đầu khám phá và tận hưởng những thú vui mới mà lẽ ra nó chỉ là một nốt nhạc nhỏ trong bài ca cuộc sống thường ngày. Chà! Tôi lại nói lan man và khó hiểu rồi.
Sang nhà mới bố con tôi mới trồng cây. Ban đầu khoảng sân nhỏ giữa nhà ấy chỉ để phơi phóng quần áo và lấy không khí cho ngôi nhà , anh trai tôi có làm một chút trang trí kiểu phong thủy gì đó cho đỡ nhàm chán. Chậu cây đầu tiên được trồng là chậu xương rồng bố tôi xin từ dưới nhà bà ngoại. Tôi nhớ nó chẳng chịu ra hoa gì cả, dù dưới ngoại trồng những cây như thế thì hoa nở đỏ cả một khoảng vườn. Cây nhà tôi chỉ xanh lá, thế nên dạo ấy tôi lúc nào cũng mong nó nở hoa, trông từng nụ từng nụ, ngắm nghía chán chê. Thế rồi nó cũng nở hai ba lần gì đó, mỗi lần được một búp nhỏ, hoa xoắn như miếng bánh ốc quế nhỏ, màu xanh nhạt rồi chuyển thành màu hồng. Chỉ một búp nhỏ như thế thôi đủ làm tôi rộn lên. Đợt cuối cùng hoa nở là vào dịp Tết, năm ấy rất lạnh mà hoa vẫn cố nở một búp, nhưng rồi sau đó bố tôi đã nhẫn tâm chặt nó đi để thay một loạt mới. Tôi trách bố nhưng ông bảo, trông chờ mãi vẫn không thỏa mãn chi bằng thay mới để có nhiều hy vọng hơn.
Tôi nhớ nhất cây tứ quý hai bố con cùng mua ở chợ hàng, thường thì cây nào nhà tôi cũng mua ở đấy. Nhưng cây tứ quý này lại phát triển rất nhanh, đến giờ đã gần 5 năm rôi mà vẫn xanh tốt, ra hoa đều, trắng cả một khoảng sân. Bố mua thêm một cây tứ quý nữa, bố bảo mỗi hai cây này không phụ công bố, tối qua sân hoa thơm đến nao lòng. Tôi từng canh để chờ hoa nở, hoa chỉ thơm khi mới nở thôi, sáng hôm sau hoa chỉ còn một vẻ trắng tinh khôi, còn mùi hương đã bị sương đêm hút mất, đọng lại trên chiếc lá, cánh hoa hoặc có thể đã bay đi đâu đó, thậm chí là trong giấc mơ của bố con tôi.
Tôi thì thích nhiều thứ, có dạo năm nào tôi cũng mua hoa cẩm tú cầu. Nhưng chỉ trồng được đúng một mùa hoa đó thôi, vào tầm tháng 3 thì phải, nhưng chỉ đến tháng 9, 10 hanh khô thì hoa héo đến mức cái rễ cũng quằn cả lên. Vài lần như thế cả tôi với bố đều buồn, bông hoa to như quả bóng nhỏ, chuyển mình mình màu xanh nõn nhạt, màu tím rồi hồng rồi màu nâu tàn úa. Tôi từng nghĩ thà hoa cứ như cây tứ quý kia, cứ đêm nở sáng tàn còn hơn là một chút khoe sắc ngắn ngủi rồi lụi tàn mãi mãi. Nhưng nghĩ lại thì tất cả đều giống nhau, đều nở rộ, đều đẹp nhất vào một thời điểm mà có khi chẳng được chiêm ngưỡng hay công nhận, nhưng đã tỏa sáng cho dù ngắn ngủi, cho dù có quay vòng hay chấm dứt.
Cây bạch thiên hương nhà tôi là một ngoại lệ, khi mà hoa chỉ nở một mùa trong năm, và từ hồi mua về nó chỉ nở được không quá 3 lần. Bố tôi giữ nó lại, chăm sóc nó bằng một thứ niềm tin nào đó mà chắc chỉ ông mới có thể hiểu được. Có dạo bố ốm, cây bị đen lá, còi cọc như nắm lá khô. Tôi đã nghĩ chắc nó chẳng sống thêm được và màu hoa trắng ấy chắc tôi chỉ có thể nhớ mang máng về nó mà thôi. Đến khi bố về, ông vẫn giữ nó lại, chăm sóc như thể nó không phải là một con bệnh chờ chết. Bố bảo tôi, khi ông không có nhà đã bỏ bê nhiều quá, đến cái cây cũng chẳng còn sinh khí, phải đợi ông về.
Lúc tôi đi cây mới có nụ, nhưng năm nào cũng ra nụ mà chẳng đơm hoa, tôi cũng không quá chú ý. Hôm trước tôi về đã thấy 4 bông hoa nở to, trẳng muốt, thơm ngọt đến say lòng. Bố tôi lại càng thêm tự mãn, bảo có tôi ở nhà chẳng cây nào ra hoa hết. Tôi chợt nghĩ có khi tôi ở nhà lâu quá, nên khiến mọi thứ cũng tù túng theo chăng?
Thỉnh thoảng tôi và bố cũng sẽ ngồi bên bệ cửa nhìn ra khoảng sân ấy. Bố sẽ hút điếu thuốc, mắt nheo lại, suy nghĩ gì đó mơ hồ rồi nói với tôi về mấy cái cây, về bông hoa, về cả con ong mỗi ngày ông đều mời nó đến hút mật. Sẽ có lúc ông đứng dậy, quan sát mấy cái cây, tỉa bớt lá và nói với chúng hãy nở hoa, nói với con ong hãy quay lại. Cuộc trò chuyện tự nhiên như thể mọi thứ đều thấu hiểu lẫn nhau, rằng mỗi bông hoa dù sáng ra có bị bố bỏ vào thùng rác thì nó cũng đã được công nhận, rằng ông không chỉ làm một công việc chăm sóc cây cối hằng ngày, ông đang như một người làm chứng đầy kiêu hãnh cho vẻ đẹp, cho sức sống, cho sự nỗ lực sinh tồn của mỗi bông hoa.
Có thể bố chẳng bao giờ cho tôi một giàn tơ hồng như ban công nhà trên, có thể tôi sẽ vẫn ngồi ở cửa bếp ngửa cổ đờ đẫn nhìn trộm một ánh hoa hồng tú cầu, có thể tôi không làm mảnh vườn có thêm sinh khí, có thể tôi không còn đủ kiên nhẫn và chút gì đó ngây thơ để ngồi đợi một bông hoa nở lúc nửa đêm nữa, có thể nhiều thứ sẽ thay đổi theo cái cách mà tôi không muốn, nhưng chắc chắn có những thứ sẽ luôn được bảo toàn, như những cuộc trò chuyện của bố với con ong, những chậu đào Tết hai bố con cùng chuẩn bị và dọn dẹp, những nhúm hoa trắng bố quét gọn mỗi sáng,...Tất cả những mảnh ký ức đó giống như ánh đèn trang trí của cây đào Tết phản chiếu trong bể cá năm nào, cứ còn mãi, còn mãi nhấp nháy trong tôi.
BÀN TAY
Tôi được coi là bản sao của mẹ. Sự thực là nếu nhìn vào ảnh lúc nhỏ thì tôi và mẹ như hai chị em sinh đôi, chỉ là mẹ sẽ béo hơn tôi một chút. Và tôi cảm ơn vì điều này.
Bố tôi đen, đen kiểu nhà nông cháy nắng do làm việc nặng nhọc hay đại loại thế. Mặt bố tôi khá dữ dằn, nên bạn bè tôi ấn tượng đầu tiên về bố không tốt lắm, phải đủ kiên nhẫn để nói chuyện, để nghe bố đùa thì mới có thể đỡ sợ được. Rất may là tôi không giống bố.
Khác với anh trai tôi - người giống bố rất nhiều ngoại trừ đôi mắt thì tôi lại chỉ có hàm răng hô và bàn chân to giống bố. Mà buồn thay nó toàn nét xấu cả. Bố hay đùa tôi, nếu giống cả màu da thì tôi sẽ xinh hơn rất nhiều. Tôi chả cười nổi.
Tính từ khi tôi nhớ được thì tôi ít được bế. Mẹ cũng chỉ bế tôi hai lần gì đó. Một lần là khi tôi bắt mẹ lấy cho ông trăng trên trời, mẹ không lấy nên tôi bắt mẹ bế lên và với, với mãi không được mà mẹ cứ mải nói chuyện. Sau đó tôi có khóc không thì tôi cũng chẳng nhớ nữa, chỉ nhớ tay tôi mỏi rã rời vì phải giơ cao với trăng, vậy mà đến cái lá bạch đàn bên cạnh tôi cũng không chạm được. Lần thứ hai là khi mẹ đón tôi ở trường tiểu học ngày mưa lụt. Tôi thấy các bạn được bố mẹ bế qua chỗ lụt lội nên đòi mẹ bế. Mẹ khi ấy nào có béo khỏe gì, vậy mà đã bế tôi suốt quãng đường mưa lụt cả cây số về nhà.
Với bố thì tôi chỉ nhớ nhất có lần ông từ đảo về, vẫn mặc bộ đồng phục xanh, đội mũ ngành, tôi lao ra đón, ông bế bổng tôi lên. Tay ông khỏe, chỉ một tay cũng đỡ được tôi. Bước đi ông vững chãi, tôi chẳng cần bám như bám vào cổ mẹ. Tôi vẫy mẹ từ xa thì phải, nụ cười mẹ lúc đó giờ chẳng còn rõ ràng nữa.
Lớn hơn bố con tôi có chút xa nhau, ông không có những hành vi thân mật như thơm má, xoa đầu, vỗ vai hay đại loại như thế nữa. Như bao đứa trẻ khác, tôi nghĩ mình cần mẹ hơn bố, và vì thế chắc tôi đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để gần gũi ông.
Gần đây khi tôi đã quá lớn, nhưng lại ở nhà nhiều nên bố lại có cảm giác tôi chỉ là đứa trẻ. Bố cho tôi dậy muộn, chuẩn bị cho tôi bữa sáng. Mỗi lúc như thế, ông sẽ đến giường, giật nhẹ chân tôi và nói "Linh ơi! Ăn sáng con." Tôi đã bắt đầu một ngày như thế, thậm chí còn làm một bài thơ con cóc về nó nữa.
Khi tôi ngủ hay chỉ nằm trên giường, bố rất hay ra ngồi cạnh tôi, cầm tay chân tôi xoa nắn như xoa đứa trẻ sơ sinh vậy. Bàn tay bố to, da dày, chai vài chỗ, có lúc thì còn mang hơi lạnh về. Bố lúc nào cũng bảo tay tôi nhỏ xíu, lọt thỏm trong bàn tay ông. Ông đập đập tay tôi, xoa từng ngón, thậm chí còn kéo bẻ cả khớp, với ông đó không phải là bàn tay của người con đã trưởng thành, phải đi làm và thế nào đó. Ông vẫn hay phàn nàn về tôi như vậy, nhưng lúc ấy, ông chỉ đang xoa tay con gái mình, như một người bố xoa tay con trẻ, không quá dịu dàng như mẹ, nhưng đầy cưng chiều và yêu thương.
Bố luôn là người cầm đồ ăn nóng từ trên bếp, có khi chẳng cần miếng lót nồi. Tôi biết đôi bàn tay ấy đã trải qua nhiều sự đau đớn, nhiều thử thách nặng nhọc vất vả hơn cả cái sự nóng ấy. Đôi bàn tay đã chấp nhận xấu đi từng ngày, để cho tôi một đôi bàn tay mềm không phải ngâm nước. Tôi biết, đôi bàn tay bố đã, đang và sẽ làm được nhiều nhiều hơn thế. Nhưng tôi chỉ biết thôi, biết bằng mắt, bằng sự nhìn máy móc, đôi tay tôi chưa cảm nhận được.
Trước đây tôi đọc một bài viết, có hình ảnh miếng lá rau dính trên gương mặt đầy mồ hôi của người mẹ. Tác giả nhìn đó ra sự vất vả, sự hy sinh và nhiều thứ vĩ đại khác của mẹ mình. Bố tôi vẫn nắm tay tôi xoa, nâng niu như một đứa trẻ trong lòng bàn tay thô dày chai sạn của ông. Người mẹ trong câu chuyện ấy, bố tôi và biết bao người làm cha làm mẹ khác, đã không chỉ để dính lá rau, không chỉ làm xấu bàn tay mà còn hy sinh nhiều hơn nữa, nhiều hơn tất cả những gì mà đứa con có thể tưởng tượng khi hưởng thụ, để cho con cái mình những thứ tốt nhất có thể. Đó là bản năng, là trách nhiệm, là tình thương hay thứ gì khác, tôi không rõ lắm, nhưng nó đáng được trân trọng, đáng được ghi nhận, đáng được báo đáp.
Đôi bàn tay bố không thể ấp ủ tôi cả đời, nhưng nó cho tôi một cuộc đời tốt nhất theo cách nhìn nhận, sự ảnh hưởng và sự che chở từ phía ông. Bố mẹ cho con cái một sự dẫn dắt mở đầu quan trọng và ý nghĩa, thế nên dù có nắm tay ai cho phần đời còn lại hay phải nắm tay dìu dắt cho thế hệ sau, thì sự mở đầu ấy là điều không thể phủ nhận, nó đáng được nhiều hơn sự ghi nhớ, tôi nghĩ nó cần nhiều sự biết ơn. Sẽ không có sự vô hạn cho những điều thiêng liêng như thế, vậy nên hãy biết nắm bắt và trân trọng, bởi bạn sẽ không phải chỉ bỏ lỡ một đôi tay, mà nhiều hơn thế.
NHÀ
Tôi viết phần này khi lại quay về thời kỳ ở trọ, dù chỉ là bắt buộc trong một thời gian ngắn nhưng cũng đủ để tôi phải nhớ nhà.
Để nói theo cách thông thường thì nhà là nơi để ở, để sinh hoạt, và thú thực, với tôi nghĩ đến nhà, tôi luôn nghĩ đến sự an toàn, trước tiên là về mặt cấu trúc. Nói thế bởi ai đã từng ở một căn nhà tồi tàn sẽ luôn bị ám ảnh bởi nó, dù có thế nào đi nữa.
Trước đây, nhà tôi ở khu tập thể cũ do đơn vị phát cho bố mẹ, nhà cấp 4 và xuống cấp nhanh chóng. Tôi đã dành suốt 16 năm sống tại ngôi nhà cũ ấy, và dù nó có được sửa đi sửa lại thì nó vẫn không thể nào đáp ứng được thứ đầu tiên tôi nghĩ đến là an toàn. Tôi nhớ có lần bố tôi ngồi hút thuốc, chậm rãi mà u ám chờ lau nước tràn khi trời đang mưa lớn. Nền nhà quá thấp so với mặt ngõ nên mỗi lần mưa, sân nhà tôi như biến thành cái ao nhỏ, nước tràn hết vào nhà. Bố nói : "Đấy, nước tràn vào rồi.", ông tắt thuốc, bảo tôi lên giường ngủ và bắt đầu cầm khăn lau vắt nước vào cái chậu nhôm bên cạnh. Nước tràn đến đâu, ông lau đến đấy, nhưng chắc không kịp, vì sáng ra, bước xuống giường, chân tôi vẫn ướt nhẹp.
Ngôi nhà ấy, dù sống với mẹ hay với bố, trong suốt 16 năm thì nó luôn dột. Ai đã từng ở nhà dột sẽ không bao giờ quên được cái khổ sở trong đó. Nhà mái ngói, lâu quá nên ngói mủn hết, nước thấm xuống như mưa trong nhà. Mẹ tôi từng lấy tấm bìa chống thấm, mảnh nilon dày rồi dùng đũa cài vào những chỗ dột, nhưng chẳng khá hơn là mấy. Sau đó mẹ bỏ hẳn cái gác lửng, không dùng nữa, trải một tấm nilon to để hứng nước, sau mưa lại đem đi đổ. Đến khi tôi ở cùng bố, ông chọn nằm trên gác để nhường tôi dưới giường, nhưng có hôm ông không thể ngủ được vì dột nhiều quá. Giữa nhà dột, nước bắn tung tóe làm ướt hết cả cái chiếu, chẳng biết hứng bao nhiêu chậu cho đủ. Tôi nhớ, có những hôm trời mưa rất to, trên gác ướt hết, bố chuyển xuống nằm chung gường với tôi, vậy mà ông nằm trong vẫn bị nước rơi xuống mặt. Dột nhiều đến mức, ướt đẫm cả đệm, ga trải trên gác, xuyên qua lớp ván gỗ xuống dưới giường tôi. Tôi không chắc mình có thể quên được tiếng thở dài đêm đó của bố, ông đã sống hơn nửa thế kỷ, và giờ khi gió mưa gào thét ngoài kia, ông vẫn không có được một ngôi nhà tử tế, tối thiểu một cái mái lành lặn cũng không.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng chuyển nhà, sang một căn hộ tập thể đúng nghĩa, rộng hơn, an toàn hơn và cũng phần nào đó tốt hơn hẳn căn nhà cũ. Không còn lo bị dột nữa, chỉ là khi mưa quá to, hệ thống thoát nước không làm việc nổi thì sẽ bị ngập vào nhà. Nhưng cũng chỉ họa hoằn lắm mới có một cơn mưa to như vậy. Ít ra chúng tôi không lo bị dột, bố có thể ngủ riêng một giường, ăn đã có nhà bếp, so với toàn bộ nhà cũ thì đây đã là một điều hạnh phúc rồi.
Chắc là vì căn nhà cũ, về nhưng ký ức không đẹp khi trời mưa làm tôi ghét mưa kinh khủng. Ngay cả khi đã ở nhà mới, không bị dột nát nữa thì tôi vẫn ghét. Như tôi đã nói, đó là một sự ám ảnh, và dường như nó chẳng thể bị thay thế hay xóa nhòa. Mỗi khi trời mưa có chút nặng hạt, tôi rất ngại đi qua khoảng sân thoáng ấy. Dù biết nó chẳng có gì đáng sợ, cũng chỉ bắn nước lên chân chút thôi, nhưng nếu ở nhà một mình tôi chắc chắn sẽ chui lên nhà trên, ở trên giường và đóng chặt cửa ngang qua sân thoáng ấy. Tiếng mưa trên mái tôn đã đủ làm tôi không thoải mái, thêm cả việc phải băng qua đó nữa, tôi có cảm giác mình như trở lại căn nhà cũ, nước nôi dột lênh láng còn tôi thì bất lực, sợ hãi cầu mong bố về.
Tôi biết nói ra chuyện nhà cửa này sẽ chẳng mấy làm tự hào hay vui vẻ cả, bố tôi sẽ buồn nhưng rồi ông cũng vẫn nói với tôi về một sự cố gắng to lớn của ông để cho tôi ngôi nhà mới. Tôi hiểu sự cố gắng ấy của ông, từ hàng gạch ông xây để chắn nước tràn, từ tất cả những sửa chữa chắp vá nhất để chống dột dù không mấy hiệu quả, từ tấm đệm ông nằm mốc đen lên vì ngấm nước, từ những giọt nước mưa dột ông phải hứng chịu, từ cả tiếng thở dài nặng nề đêm mưa gió ấy, rồi sau này là đến sự nỗ lực trong căn nhà mới, trong cách ông dọn dẹp sau mưa, trong tấm mái che sân ông làm, trong bức tường ông lát gạch...Và tôi trân trọng nó. Bố tôi không thể cho tôi một mái nhà an toàn trong suốt 16 năm, nhưng ít nhất cái cảm giác an toàn ông cho tôi là thật, nó luôn hiện hữu dù trong hoàn cảnh éo le nhất. Ông cố gắng cho tôi một mái nhà không dột, để trời mưa không còn là nỗi sợ, với ai đó có thể là một sự cố gắng tầm thường, nhưng với tôi đó là cả một sự nỗ lực lớn lao. Ông cho tôi nhiều hơn thế, sự chở che, bảo vệ của ông trong suốt những cơn mưa không làm tôi mất đi nỗi sợ nhà dột, nhưng quá đủ để tôi thấy ít ra mình không đơn độc, rằng ông đang ở bên tôi cùng san sẻ, khắc phục và tìm cách vượt qua nó. Dù sự thật thì quãng thời gian đó không nhiều, và ông cũng vắng mặt khá lâu trước đó, nhưng chẳng quan trọng, nó thật sự chẳng quan trọng trước những gì ông làm, vào đúng thời điểm ấy.
Hình như trong tiếng Anh có hai danh từ cùng chỉ nhà nhưng về mặt ý nghĩ lại khác nhau, đúng không nhỉ? "House" và "Home" thì phải, một từ chỉ ngôi nhà, một từ chỉ mái ấm. Chẳng hiểu sao, tôi rất thích cách phân biệt này, nó cho thấy một ngôi nhà cần thứ gì đó thiêng liêng hơn để trở thành một mái ấm, để trở thành nơi neo giữ và nuôi dưỡng mọi thành viên, để tình yêu, tình thân không phải lưu lạc tạm bợ đâu đó nữa. Bố đã nỗ lực trong suốt quãng thời gian sau khi mẹ mất để cho tôi một ngôi nhà hoàn chỉnh hay an toàn theo một nghĩa nào đó, và hơn hết trong suốt hành trình nỗ lực đó, ông luôn cho tôi một mái ấm, không đầy đủ trọn vẹn như ai đó nhưng đủ để mối liên kết giữa bố con tôi không bị xa cách, đủ để sự chở che của ông giúp tôi trưởng thành và đủ vững chãi để là nơi tôi neo giữ bản thân mình, dù có chuyện gì xảy ra. Và tôi biết mình không cần phải ghen tỵ với bất cứ một ngôi nhà hay một mái ấm nào khác nữa.
GIẬN
Có chút buồn cười là khi tôi viết những dòng này tôi lại bị chi phối bởi cảm xúc về một người khác, trong một mối quan hệ khác. Nhưng tôi biết mình cần phải viết về nó.
Thú thực là tôi không tin lắm về cái gọi là "lòng tốt nguyên thủy", hay khái niệm "cho đi là nhận lại". Tôi tin vào nhân quả, vào sự cho và sự nhận ở đời. Tôi biết khi tôi nghĩ như vậy, tôi là người tính toán và chưa trải nghiệm nhiều. Tính toán bởi thiếu thốn, bởi chưa thỏa mãn, bởi vị kỷ; còn thiếu trải nghiệm bởi còn dựa dẫm, còn ỷ lại, còn chưa nhìn thấu được cái gọi là "chân" giá trị.
Thế nên tôi nhớ lắm, nhớ mình làm gì nhận gì cho gì. Tôi không muốn mang nợ ai, không muốn mình vì bản thân, vì cái thói ích kỷ lâu nay mà quên đi, chỉ biết hưởng thụ. Tôi không nhiều bạn bè hay người thân, đôi lúc cũng thấy buồn vì điều đó. Tôi biết đánh mất nhiều người bạn tốt chỉ vì những lý do nực cười, vì sự ghen tỵ hay một điều gì đó khác nữa. Tôi thích giữ những người tôi yêu ở bên cạnh, ngay bên mình không khoảng cách. Còn nếu đã lựa chọn rời xa, tôi chấp nhận mất nó hoặc sẽ cố tìm cách để làm nó phai mờ. Đó là sự ích kỷ hèn hạ, tôi biết chứ, chỉ là không thay đổi được.
Nói đến giận, tôi và bố giận nhau khá nhiều, từ chuyện vụn vặt đến to tát. Nghĩ lại, tôi còn chẳng phân biệt được nó nữa. Giận là khi bố bảo tôi im miệng nói ít thôi, gọi tôi bằng "mày" xưng "tao" hay "bố", là những lời nói tôi không muốn nghe về những điều tôi biết có thể là sự thật . Bố sẽ lúc nào cũng bảo tôi "ăn tục nói phét", "nói hay như đài" rồi nói về sự vất vả của ông, về nhưng điều ông "chiêm nghiệm" chẳng đúng hoàn toàn về mình... Và nhiều điều khác nữa. Chung quy lại, giận làm tổn thương, làm biến đổi để đánh thức phần xấu xa trong mỗi người. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến cảm xúc của mình, tôi nghĩ xấu về bố, tôi nghĩ về những điều mà lẽ ra tôi luôn tha thứ tôi luôn thấu hiểu ông, tôi liệt kê những gì ông làm tôi buồn, làm tôi thất vọng, rồi tôi so sánh với sự đáng thương của mình. Tôi tự nhận mình là bị cáo tội nghiệp cần được che chở bởi những lập luận ngụy biện ích kỷ để bảo vệ mình bằng thứ chân lý của sự tự ái đáng thương hại.
Nhưng sau mỗi lần giận, lại là một lần "xả" hoặc ngược lại sẽ là "tích". Nếu "xả" thì tốt, nếu "tích" là xấu, chắc hiểu nôm na là như vậy. Bố tôi sẽ "xả" bằng cách lặng lẽ quên đi những lời tổn thương ấy, sẽ trở lại cuộc sống bình thường sau một chút im lặng đè nén. Có thể ông sẽ mua cái gì đó cho tôi ăn, dần bỏ những việc tôi không thích hay đơn giản là cứ như chưa có gì xảy ra hết. Tôi biết ông cũng sẽ "tích" lại, để một lần giận nào đó, ông sẽ đem lại chút dư âm để tăng thêm cường độ. Chỉ mong sự " tích" ấy của ông không đủ nhiều để đẩy lùi sự "xả", và sự "giận" không mất cân bằng.
Tôi sau giận cũng "xả", cũng "tích". Tôi "xả" bằng việc thuận theo ông dù miễn cưỡng hay buồn nản, bằng việc phối hợp với sự chưa có gì xảy ra của ông như khen món ăn bố mua ngon hơn hay nghĩ ra việc để hai bố con cùng đồng thuận. Còn sự "tích" lại trong tôi là thế này, là ghi nhớ nó, để biết đâu sau này sẽ phải nuối tiếc nó.
Tôi viết những dòng này khi xa bố, khi vừa có một sự "giận" với người bạn thân của mình. Chúng tôi khác biệt nhau về cá tính, về con người, về huyết thống nhưng lại nhận làm gia đình của nhau. Và tôi biết chúng tôi không phải chỉ làm quen để sống chung, để chia sẻ, để hòa thuận với nhau như một gia đình mà còn là giận nhau như một gia đình nữa. Chỉ là tôi chưa kịp thích ứng thôi, chỉ là một sự vào nhịp hơi gập ghềnh thôi. Tôi mong là vậy.
Bạn tôi nói : "Đã là coi nhau như gia đình thì dù có giận, có đánh nhau thì cũng phải hết chứ, làm sao mà giận mãi được." Đúng, làm sao mà giận mãi được, làm sao mà cứ tích mãi mà không xả, để rồi lại nổ bùm vì uất ức không đáng có ư? Nếu thực sự là một gia đình, đừng bao giờ để sự "giận" là cái cớ cho sự sứt mẻ hay đổ vỡ tình cảm, nên biết "xả" biết "tích" đúng cách để thậm chí "giận" là nhân tố gắn kết gia đình.
ia_gsrP
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top