Bi kịch tình yêu

Hôn nhân bất hạnh của cô công chúa kiêu ngạo

Cao Dương Công chúa hay còn gọi là Hợp Phố Công chúa sinh vào năm Trinh Quán thứ nhất, là con gái thứ 17 của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Dù sinh ra là con gái nhưng Cao Dương ngay từ nhỏ đã tỏ ra là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi hơn hẳn những anh chị em khác của mình. Cũng vì thế, càng lớn lên, Cao Dương càng trở thành một cô bé rất kiêu ngạo và ương bướng, điều gì cũng muốn làm theo ý thích của mình.

Tuy nhiên, dù kiêu ngạo đến thế nào thì Cao Dương cũng không dám cãi lại lệnh cha khi phụ vương của cô quyết định gả cô cho Phòng Di Ái - con trai của vị tể tướng đương triều Phòng Huyền Linh. Bản thân Lý Thế Dân không hề biết rằng, chính cuộc hôn nhân do ông sắp đặt này lại là mầm mống đầu tiên tạo ra bi kịch cho đứa con gái mà ông rất mực yêu chiều.

Trên thực tế, việc Lý Thế Dân gả Công chúa Cao Dương cho gia đình họ Phòng vốn là một sự sủng ái đối với Cao Dương. Phòng Huyền Linh không chỉ là một đại công thần đang giữ trọng trách quốc gia, ông ta còn là người nổi tiếng về tài học và nhân cách. Được gả vào một gia đình danh gia vọng tộc như vậy, không lựa chọn nào có thể phù hợp hơn dành cho Cao Dương.

Đáng tiếc, sự thực nhiều khi chẳng được như người ta mong muốn. So với người cha uyên bác và tài năng của mình, Phòng Di Ái thua xa một trời một vực. Từ nhỏ, Di Ái đã ghét chuyện học hành, suốt ngày chỉ thích đánh đấm nên khi lớn lên chỉ là một kẻ hữu dũng vô mưu.

Tuy vậy, nhờ vào tài năng lẫn quyền lực của cha mình, Phòng Di Ái đã trở thành ứng cử viên phò mã sáng giá nhất khi Lý Thái Tông có ý định lựa chọn vị hôn phu cho con gái yêu của mình. Sau hôn lễ, Di Ái được phong ngay chức Hữu Vệ tướng quân và được Lý Thế Dân yêu chiều hơn rất nhiều so với những phò mã khác.

Tuy nhiên, trong thời thịnh trị lúc bấy giờ, một kẻ vũ dũng như Di Ái cũng giống như một kẻ vô học, sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì. Một cô công chúa xinh đẹp lại kiêu ngạo như Cao Dương đương nhiên không thể chấp nhận một người chồng như vậy.

Mặc dù kết hôn vào năm 15 tuổi, nhưng ngay từ ngày đầu tiên, Cao Dương đã không vừa ý với phò mã Phòng Di Ái. Càng lớn, càng nhận thức mọi việc chín chắn hơn, Công chúa Cao Dương lại càng chán ghét người chồng thô lỗ, cục cằn và bất tài của mình.

Vì vậy, chẳng bao lâu sau khi kết hôn, Công chúa Cao Dương đã bất chấp mọi ràng buộc địa vị lẫn những khuôn phép đạo đức để tìm đến một người đàn ông khác. Đáng tiếc, người đàn ông “lọt vào mắt xanh” của Cao Dương Công chúa lại không phải là một người trần mắt thịt mà lại là Biện Cơ, một cao tăng đắc đạo, người đệ tử xuất sắc của Đường Tam Tạng.

Và chuyện ngoại tình với đồ đệ của Đường Tăng

Sách “Tân Đường Thư” chép rằng, hôm đó, Công chúa Cao Dương theo chồng ra ngoại thành Trường An săn bắn thì tình cờ gặp Biện Cơ khi đó đang sống ở một ngôi chùa nhỏ ở ven rừng, chuyên tâm tụng kinh gõ mõ, một lòng thờ Phật. Khi Cao Dương Công chúa vừa nhìn thấy vị sư trẻ trung tráng kiện mặt lập tức đỏ bừng lên.

Mặc dù Biện Cơ mặc áo nâu sồng rộng thùng thình nhưng vẻ mặt anh tuấn cộng thêm sức vóc của một thanh niên cường tráng thì không giấu vào đâu được. Vốn tính kiêu ngạo, tự cho mình hơn người, lại là thân phận công chúa, Cao Dương chẳng thèm giấu giếm ánh mắt tình tứ và say đắm dành cho Biện Cơ.

Bằng sự mẫn cảm của mình, Biện Cơ cũng nhìn thấy cảm tình công chúa dành cho mình. Theo lý thường, Biện Cơ phải biết xa lánh sự cấm dỗ ấy. Đáng tiếc, những kinh sách nhà Phật mà vị hòa thượng khổ công tụng niệm đã bị ánh mắt sắc lẹm của công chúa đốt rụi cả. Với Biện Cơ, cô công chúa xinh đẹp đang nhìn mình đắm đuối không còn là người trần mắt thịt nữa mà đã trở thành một Bồ Tát giáng thế để cứu độ mình. Một mối tình nằm ngoài tất cả khuôn khổ và quy chuẩn cũng bắt đầu từ ánh mắt đó.

Bọn thái giám và cung nữ mang màn chướng lẫn giường nệm vào chùa, dọn phòng cho Cao Dương nghỉ ngơi. Sau khi đã yên vị trong căn phòng ấm áp giữa rừng, công chúa cho gọi Biện Cơ vào bên trong. Chẳng phải nói cũng biết rằng cuộc tình của đôi trai gái này đã bùng cháy đến mức nào khi cả hai đã si mê nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Phòng Di Ái thân là phò mã nhưng với Cao Dương thì hắn chỉ là một tên nô tài không hơn không kém. Chính vì thế, dù biết vợ mình ngoại tình nhưng Phòng Di Ái không những không tức giận, ngược lại, vì sợ chuyện không hay này lọt ra ngoài nên Di Ái lấy cớ công chúa cần yên tĩnh nghỉ ngơi, đuổi hết bọn người hầu ra ngoài, tự mình đảm nhiệm nhiệm vụ canh cửa.

Sau lần đầu tiên trót lọt, Công chúa Cao Dương ngày càng say đắm với cuộc tình vụng trộm. Thời bấy giờ, việc một phụ nữ đã có chồng ngoại tình, mà lại ngoại tình với một vị sư là điều không ai có thể chấp nhận. Tuy nhiên, với Cao Dương, đây lại là lần đầu tiên cô cảm nhận được hương vị của cái gọi là tình yêu. Mối tình vụng trộm với Biện Cơ làm cô biến đổi, trở nên trẻ trung và yêu đời hơn. Và cũng vì đó là mối tình vụng trộm nên càng về sau, tình cảm giữa hai người càng mãnh liệt hơn.

Vụng trộm một thời gian, Biện Cơ ngày càng cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui vẻ. Lỡ như một ngày mọi chuyện bại lộ thì sự nghiệp tu hành của y cũng sẽ tan tành. Điều này khiến Biện Cơ vô cùng sầu não. Tuy nhiên, chỉ cần gặp Cao Dương với khuôn mặt xinh đẹp của một Bồ Tát là y lại điên cuồng trong những cuộc hoan lạc, không còn biết trời đất gì nữa. Cũng chính vì vậy, khi trở về ngôi chùa lạnh lẽo ở bìa rừng, y lại tự mâu thuẫn và bị dằn vặt bởi những lo âu của mình.

Việc Đường Huyền Trang từ Tây Thiên trở về mang theo kinh Phật trở thành một phương kế tuyệt vời để Biện Cơ thoát khỏi sự lo âu đang dằn vặt mình. Mặc dù còn rất trẻ nhưng nhờ tài học xuất chúng, Biện Cơ vẫn được Đường Huyền Trang chọn vào đội ngũ 9 người giúp mình dịch các bộ kinh Phật từ tiếng Phạn ra tiếng Hán.

Cao Dương dù trong lòng không muốn rời xa người tình nhưng lúc bấy giờ, dịch kinh sách Phật là một sứ mệnh cao cả nên không nỡ nào từ chối. Khi Biện Cơ chuẩn bị lên đường đến chùa Hoằng Phúc để cùng Đường Tăng dịch kinh Phật, Cao Dương nước mắt lưng tròng, đưa cho Biện Cơ chiếc gối ngọc dát vàng của mình và nói: “Nếu như từ nay về sau mà không còn gặp nhau được nữa thì ta thực sự không sống nổi.Trong thời gian xa cách, chàng hãy coi chiếc gối này chính là ta, mỗi buổi tối đi ngủ có thể ôm nó vào lòng, như vậy, ta cũng bớt nhớ chàng”. Có lẽ trong giây phút chia tay đẫm lệ ấy, cả Cao Dương và Biện Cơ không hề nghĩ rằng, chính chiếc gối tình yêu này lại trở thành chứng cứ dẫn đến kết cục đầy bi kịch cho cuộc tình có một không hai của họ.

Năm Trinh Quán thứ 23, tức năm 649, quan phủ Trường An bắt được một tên trộm và phát hiện ra chiếc gối dát vàng của công chúa. Sau khi tra hỏi, tên trộm khai rằng, mình lấy trộm chiếc gối tại phòng riêng của hòa thượng Biện Cơ. Một chiếc gối của công chúa vì sao lại có mặt trong phòng riêng của một vị hòa thượng đức cao vọng trọng như Biện Cơ?

Điều tra tới lui, người ta nhanh chóng phát hiện ra chuyện tình cảm ngoài luồng giữa Công chúa Cao Dương và hòa thượng Biện Cơ. Với một ông vua dám giết cả anh em của mình để giành ngôi báu như Lý Thế Dân, chuyện ngoại tình của đứa con gái với một hòa thượng là điều không thể chấp nhận được. Vị hoàng đế triều Đường ngay lập tức hạ lệnh lôi Biện Cơ ra chém ngang lưng.

Sau khi Biện Cơ bị xử tội chết, 10 người hầu của Cao Dương cũng bị Đường Thái Tông đem chém đầu vì tội bao che và đồng lõa. Cao Dương và Phòng Di Ái không bị xét xử, tuy nhiên, Đường Thái Tông đã ra lệnh cấm Cao Dương về sau không được vào cung. Cao Dương gần như phát điên sau cái chết của Biện Cơ, suốt ngày khóc lóc, cắn xé quần áo, không thèm ăn uống gì.

Tuy nhiên, Cao Dương không hề bị điên, cũng chẳng có ý định tự sát chết theo Biện Cơ. Trong lòng đầy oán hận đối với vua cha, người từng hết mực yêu thương cô, Cao Dương thề rằng mình sẽ sống để một ngày báo thù vua cha.

Năm 653, sau khi Lý Thế Tông qua đời, Lý Trị lên ngôi vua. Cao Dương cùng chồng đã tham gia vào cuộc tạo phản nhằm lật đổ Lý Trị để trả mối hận với vua cha năm xưa. Không may, cuộc tạo phản thất bại, Cao Dương và Phòng Di Ái đều bị xử tử. Cuộc đời cô công chúa kiêu ngạo và đa tình đã kết thúc một cách đầy bi kịch.

BTV

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top