Ngôn tình ngọt sủng thời các cụ chuyện tình của chủ tịch Huỳnh Tấn Phát

Hè năm 1943, cô giáo trẻ Bùi Thị Nga từ Sài Gòn lên Đà Lạt chơi với gia đình chị Phúc, bạn thân của chị và cũng là nhà họ hàng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Anh Phát lên kiểm tra công trình gần Hồ Xuân Hương, tình cờ gặp chị Nga vào một buổi sáng Đà Lạt se lạnh. Được nghe kể về anh từ trước, thoáng nhìn, chị Nga đã nhận ra "anh Ba" của bạn mình: người cao ráo, mảnh khảnh, cân đối, mặc bộ tussor trắng trang nhã, cổ choàng khăn trắng-đúng thời trang lúc ấy.

Chưa nhìn rõ mặt anh, chị Nga để ý ngay mấy ngón tay gõ gõ lên lò sưởi, miệng lẩm bẩm một điệu nhạc và chân mang giày đen bóng, đang nhịp nhẹ nhẹ trên sàn gỗ.

Chị vốn ghét cái điệu bộ nhún nhún nhảy nhảy của một số thanh niên thời ấy, thời phong trào nhảy đầm đang cuốn hút giới trẻ thừa tiền. Chị hơi mất cảm tình với anh. Nhưng nói chuyện với anh, chị Nga rất ấn tượng với đôi mắt sáng đôn hậu dưới cặp chân mày rậm đặc biệt của chàng trai ba mươi tuổi ấy.

Về Sài Gòn, chị Nga bất ngờ thấy anh Phát đến thăm mình. Sau khi gặp anh ở Đà Lạt, chị Nga gần như đã quên anh. Anh hơn chị mười tuổi, đã mở văn phòng kiến trúc, ra đời làm ăn, giao thiệp rộng, không cùng lứa tuổi học sinh mới thôi học như chị. Năm 1938, anh Phát đã đỗ đầu khoa Kiến trúc trường Mỹ Thuật Đông Dương.

Chị không biết, nước da trắng hồng, đôi mắt to đen với vẻ dịu dàng rất Hà Nội của mình đã khiến anh chú ý. (Chị sinh ra ở Hà Nội, theo gia đình vào Sài Gòn sống từ nhỏ). Mấy tháng sau, tới lễ Noel, anh Phát cùng nhóm chị Phúc đến, rủ chị Nga đi ăn khô mực. Mọi người bắt đầu chọc ghẹo, gán ghép chị Nga với anh Phát.

Từ đó, anh Phát hay đến nhà chị Nga chơi. Anh rất thích tủ sách thiết kế kiến trúc của bố chị để lại. Trước đây, bố chị Nga là trưởng phòng họa đồ và thiết kế của hãng thầu xây dựng Pháp Brossard-Mophin. Ông mất từ khi chị Nga còn đang đi học.

Tốt nghiệp Thành chung, chị Nga đi dạy trường tư để giúp mẹ nuôi hai em còn nhỏ. Có những buổi, mê đọc sách quá, anh Phát ở lại đến khuya. Lúc đó anh Phát rất bận. Anh hoạt động các phong trào thanh niên và là Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên có khuynh hướng chống Pháp, chống Nhật. Bẵng đi một thời gian, chị Nga không thấy anh qua nhà mình. Chị cảm thấy nhớ anh.

Bỗng một hôm, anh mời chị đi ăn ở một nhà hàng sang trọng. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Anh thật thà:

- Một thân chủ mới trả tiền cho tôi. Có tiền lúc nào ăn lúc ấy. Mai sẽ hết ngay cô à.

Chị Nga mặc giản dị. Chiếc áo dài đen và chiếc vòng cổ vàng lấp lánh càng tôn nước da trắng hồng của chị. Lúc về, anh hỏi:

- Cô có thấy nhiều người nhìn cô không?

- Tôi đi với anh, tất nhiên người ta cũng tò mò xem mặt người phụ nữ nào có vinh dự lớn đó.

- Cô nói trái ngược rồi, người vinh dự đi với cô là tôi.

Cô trắng, mặc áo đen giản dị, đeo kiềng vàng trang nhã, mộc mạc nhưng rất nổi. Khác hẳn mọi người nên người ta chú ý đến cô thôi.

Đầu năm1945, đồng minh ném bom Sài Gòn. Chị Nga nghỉ dạy, đưa mẹ và các em tản cư về Quán Tre. Thời gian đầu, lạ nước, mấy chị em chị Nga bị ghẻ hết chân tay. Anh Phát đến thăm thường xuyên, đem theo thuốc, rửa những vết ghẻ và bôi thuốc cho mấy chị em chu đáo. Mẹ chị Nga bảo với chị:

- Má thấy tụi bay quen nhau đã lâu. Con nay hai ba tuổi, lớn rồi. Phát lui tới hoài mà không tính gì, má sợ người ta dị nghị...

- Dạ, để con bàn với ảnh.

Thấy chị Nga đặt vấn đề, anh Phát nói rất tự nhiên, thay đổi cách xưng hô ngay:
- Nếu me nói như vậy thì ta làm đám cưới thôi em, có gì trắc trở đâu.
Anh nói thêm:
- Em à, Anh nói thiệt, hiện nay anh không có xu nào hết. Anh không muốn má đi vay nợ để lo cho anh. Thời buổi bất ổn này, ta làm đơn sơ thôi nghe em.
- Anh yên tâm đi. Anh sao thì em vậy. Mẹ em ở một nơi, nhà cửa một nơi. Ai đâu mà lo rình rang được. Làm mâm cơm, cúng bàn thờ theo đúng thủ tục là được rồi. Không mời bạn bè gì đâu. Em cũng không muốn mẹ em tốn tiền nếu mình bày vẽ đủ thứ...
Chị Nga vẫn không biết rõ lắm về công việc của chồng. Mãi đến ngày 25 tháng 8 lịch sử, ngày tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, chị mới biết anh là một lãnh tụ Thanh niên tiên phong của Xứ ủy Nam Kỳ...

Một hôm, có người báo: Anh Phát hẹn chị đến gặp anh. Sáng 1 tháng 4 năm 1946, mẹ anh Phát cùng chị Nga đến ngôi nhà anh Phát đang in báo bí mật. Chưa kịp nói chuyện thì tất cả bị bắt.

Chúng giam anh Phát vào một xà lim sau khi tra tấn rất dã man. Mẹ anh và chị Nga bị giam vào một xà lim khác. Những ngày trong xà lim. Chị Nga biết mình đã có thai. Khi được trả tự do, chị xin được ở lại trong nhà giam thêm một ngày để gặp anh. Người quản tù trợn tròn mắt, đưa hai tay lên trời:

- Lần đầu tiên trong mấy chục năm làm việc của tôi, mới có người được trả tự do mà xin ở lại một nơi ô uế như chỗ này.
Chị Nga gặp chồng trong xà lim trong cùng chật ních người:
- Chắc em có thai anh à!
- Thế hả? Có con thì nuôi thôi em-anh siết chặt tay chị-Em chú ý giữ gìn sức khoẻ và đừng lo cho anh. Anh tuổi Sửu khỏe như trâu mà.

Anh Phát bị kết án 2 năm tù, chuyển sang khám Lớn. Sau ngày bị tạm giam, chị Nga bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với chồng. Từ đó cho đến ngày anh được thả, chị Nga trở thành người giao liên, người tiếp tế, người cán bộ quần chúng...
Khi bụng càng to, chị càng dễ mang đồ cấm vào Khám. Gần đến ngày sinh, anh Phát khuyên chị ở nhà. Nhưng chị vẫn cố đi cho đến gần ngày trở dạ. Vừa thăm nuôi chồng, chị Nga vừa đi dạy học, vừa hoạt động bí mật trong nội thành.

Anh Phát đặt tên con là Huỳnh Thiện Hùng. Thiện Hùng được hai tháng tuổi, chị gửi cho mẹ và hai em gái để tiếp tục hoạt động cách mạng. Chị được kết nạp Đảng giữa năm 1948.

Khi anh Phát được trả tự do, con trai Huỳnh Thiện Hùng của anh chị đã mười tháng tuổi. Hôm ấy, chị bế con trai đi đón anh ở cửa Khám Lớn. Chị vừa vui mừng, vừa xúc động. Ngay hôm đầu mới ra tù, anh đã đi gặp các đồng chí, làm việc đến 11 giờ đêm.
Khi chị Nga sinh con gái thứ hai Huỳnh Lan Khanh, anh Phát đưa chị đi nhà hộ sinh. Vừa nhận phòng một lúc, chị định nhờ anh đi gọi bác sĩ, anh đã biến đâu mất. Một lát thấy anh chạy vào, cầm theo tờ báo, hớn hở:

- Hôm nay là ngày toà xử anh Dương Bạch Mai, để anh đọc em nghe đoạn tin này.

Chị Nga đang lên cơn đau, không còn thiết gì chính trị và tin tức, giục anh đi tìm bác sĩ. Gần Tết 1949, anh nói với chị:

- Các anh gọi anh ra Khu. Khi nào cần, anh sẽ móc với em. Đừng lo gì cho anh hết. Chỉ tội em, vì Lan Khanh còn nhỏ quá, mà anh thì không giúp gì cho em được...

Để tạo thế công khai, hợp pháp, anh Phát làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc thi thiết kế và thi công khu văn hóa tại địa điểm Đấu xảo Tao Đàn. Công trình do anh Phát vẽ đoạt giải nhì (không có giải nhất). Anh hớn hở khoe với chị:

- Giải nhì được thưởng một trăm ngàn đồng em à. Trừ các khoản chi phí, anh Thiện chia cho anh ba mươi ngàn đồng. Anh định đưa cho má, me mỗi người mười ngàn đồng, nhưng ai cũng từ chối nên anh chia cho tổ chức và một số anh em. Còn lại phần em bốn trăm đồng đây.

Chị Nga bảo:

- Anh cầm hết đi, em đi dạy dư tiền mà. Anh cần chi phí nhiều hơn em.

Cuối năm 1959, anh Phát ra chiến khu. Chị Nga tiếp tục hoạt động ở Ban Trí vận Sài Gòn. Gần một năm sau, chị bị bắt. Chúng dùng nhiều hình thức tra tấn thâm độc, tập trung điều tra chị để moi thêm tài liệu về anh Phát, quyết tâm bắt được anh.

Nhưng chị kiên quyết không khai. Trong tù, chị mới biết anh Phát đang làm Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Mãi đến cuối năm 1964, được tự do, chị Nga mới gặp lại anh Phát ở chiến khu R. Anh đón chị tự nhiên như chưa bao giờ xa nhau, dù đã cách biệt sáu năm bặt tin tức.

Anh Phát rất quý những giây phút bên chị Nga, thậm chí trong hoàn cảnh nguy hiểm. Một lần, anh chị ở dưới hầm, máy bay thả bom bi trên trời và pháo các loại, ầm ầm không ngớt, Anh ngồi sát chị dưới hầm và tâm sự:

- Em xem những giây phút như thế này là hạnh phúc quá phải không em?

Chị lo lắng:

- Anh lúc nào cũng lạc quan, trong khi bom pháo trên đầu.

Anh cười:

- Bom pháo chưa đụng đến mình và chúng ta đang ngồi bên nhau. Mình hãy hưởng những giây phút này đi.

Câu nói của anh làm chị Nga nhớ lại trận càn "lột vỏ đất" Cedar Falls. Đích thân tướng Mỹ Westmoreland chỉ huy bốn mươi lăm ngàn quân tấn công vào Củ Chi và Tam giác sắt, phục kích lực lượng ta dọc sông Sài Gòn và sông Thị Tính.

Lúc đầu, cơ quan anh Phát chuẩn bị lương khô, nước uống cố thủ dưới hầm bí mật. Nhưng sau, địch bắn phá ác liệt, pháo bắn cấp tập dọc đường suốt mấy ngày liền, B52 trải thảm.

Anh Phát quyết định rời căn cứ vào rừng A11, nơi có nhiều địa đạo thông với địa đạo xương sống của khu Tam giác sắt. Từ trên trực thăng, địch gọi đích danh Huỳnh Tấn Phát và Việt Cộng ra hàng. Được mấy hôm, miệng địa đạo trúng bom đổ sập.

Anh Phát chỉ huy mọi người lên mặt đất, tìm đường thoát khỏi vòng vây. Đoàn chia thành nhiều nhóm. Nhóm anh Phát bị lạc trong rừng hơn mười ngày. Lương thực cạn, nước hết, phải uống nước tiểu của mình cầm hơi. Sau mười bảy ngày gian truân, đoàn mới thoát khỏi vòng vây ác liệt của địch. Nhiều người nghĩ anh Phát đã hy sinh trong trận càn.

Tám năm chỉ đạo phong trào Sài Gòn-Chợ Lớn, đội bom pháo ngủ hầm chống càn liên tục, trận càn "lột vỏ đất" vùng tam giác sắt là trận sống chết lớn nhất đối với anh Phát.

Thời gian chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân 1968, trên đường ra chiến khu, anh Phát và chị Nga cùng đi một đoàn. Chị Nga là "lính" của anh Phát trong Ban trí vận Mặt trận T4.

Lúc đó, anh Phát đang là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng kiêm Trưởng ban Mặt trận T4 (khu Sài Gòn-Gia Định). Đúng thời gian ấy, anh chị được tin con gái Lan Khanh hy sinh. Khi đang học dở đệ nhị trường Gia Long, Lan Khanh ra chiến khu thăm ba mẹ. Không khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đã lôi cuốn Lan Khanh. Lan Khanh xin ở lại công tác ở cơ quan Trung ương Mặt trận.

Trong một chuyến công tác, Lan Khanh sa vào ổ phục kích của Mỹ-ngụy, bị bắt lên máy bay. Lan Khanh nhảy từ máy bay xuống, hy sinh khi mới 19 tuổi. Lúc đó, công việc bộn bề, chị Nga gạt nước mắt, lặng lẽ làm việc. Tối đến, nghĩ đến con, chị Nga âm thầm khóc một mình. Anh Phát phải họp liên tục, chỉ kịp nắm tay chị động viên: "Em hãy bình tĩnh".
Năm 1969, anh Phát được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Công việc của anh ngày càng bận hơn. Anh chị không có nhiều thời gian cho nhau.

Sau giải phóng miền Nam, chị Nga đã tưởng được sống cạnh chồng con. Nhưng anh Phát lại ra Hà Nội. Anh được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm trưởng ban chỉ đạo quy hoạch đô thị, chủ nhiệm đề án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Anh Phát trăn trở: ba thế mạnh của Hà Nội là cây xanh, mặt nước và di tích lịch sử. Xây dựng thế nào để phát triển ba thế mạnh hiếm có này thì Hà Nội sẽ có những nét nghệ thuật độc đáo.

Dù đảm nhận nhiều chức vụ cao của Nhà nước: Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... nhưng anh Huỳnh Tấn Phát vẫn say sưa với nghề kiến trúc. Ngày còn kháng chiến, đã có lần anh hào hứng nói với nhà báo Thép Mới:

- Bao giờ thắng Mỹ, mình sẽ xin ra Hà Nội, xây dựng một công trình gì đó, góp phần làm đẹp Thủ đô, cho bõ bao nhiêu năm nhớ nghề.

Anh yêu Hà Nội từ thuở thanh niên cho đến thập kỷ chót của cuộc đời, từ lúc còn là anh sinh viên kiến trúc cho đến khi trở thành một trong những người đứng đầu quốc gia.

Thông cảm với công việc của chồng, hiểu được tình yêu của anh với kiến trúc, với Hà Nội, chị Nga chấp nhận sống xa chồng một lần nữa. Lúc ấy, chị Nga là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Chị sống và làm việc ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng anh Phát mới về Sài Gòn thăm chị.

Sau ngày anh mất, một lần ra Hà Nội, chị Nga lặng lẽ bước vào ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, nơi ở của anh Huỳnh Tất Phát trong hơn 10 năm công tác tại Hà Nội.

Nguồn: Chuyện tình của các chính khách Việt Nam

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top