Chương 5
Tôi tỉnh giấc.
Đây là lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện Văn Văn ở bên người đàn ông khác. Kể cả nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ hình dung ra chuyện ấy, vả lại Văn Văn cũng chưa bao giờ giận dữ hét lên với tôi như thế.
Vậy nên tôi đạp cái đầu gã đó lên trần nhà, vốn là muốn sút cho đầu nó nát ra như tương, nhưng nó chẳng bị nát, mà đầu Văn Văn lại còn bay lên theo, hôn nó ngay trước mặt tôi. Cứ nghĩ thử xem, lúc tỉnh dậy, tôi đau đớn và khó chịu thế nào.
Tôi nhắm mắt, muốn trở lại giấc mơ ban nãy, đạp thêm cho thằng khốn đó mấy phát nữa, đạp thật mạnh, nhưng tôi không sao quay lại giấc mộng ấy được. Mắt tôi vừa nhắm lại đã thấy mơ hồ nụ cười của một thiếu nữ.
Chín năm trước, Văn Văn mới mười tám tuổi, vừa vào năm thứ nhất đại học.
Tôi là sinh viên năm thứ hai.
Chúng tôi học chung một môn tự chọn trong cùng một giảng đường, môn nghệ thuật nhiếp ảnh.
"Chào bạn, chỗ này có ai ngồi không?" tôi hỏi nàng.
Văn Văn vẫn đang vùi đầu vào cuốn sách, nói: "Không".
Tôi bèn ngồi xuống bên cạnh nàng, định sau đó làm một giấc. Tôi chọn môn này để cho đủ học phần, chỉ cần lúc giáo viên điểm danh tôi kêu "có" một tiếng là được. Một học kỳ mười tám lần "có" là tôi có đủ học phần rồi. Thế nên lúc đầu giờ tôi không dám ngủ say ngay, chỉ sợ béng mất không điểm danh được thì hỏng hết cả cơm cháo.
Tôi gục người trên bàn, cố gượng đầu dậy, nói với cô gái ngồi cạnh: "Lúc nào điểm danh bạn gọi tôi được không?" Vừa dứt lời tôi bỗng dưng tỉnh táo hẳn. Lúc nói câu này tôi mới nhìn Văn Văn, nàng cũng là vì nghe thấy tôi nói nên mới quay đầu lại. Văn Văn vừa ngoảnh đầu, tôi liền tỉnh hẳn ngủ.
Giờ đây trong đầu tôi vẫn còn hiện lên nụ cười thiếu nữ lúc nàng quang lại nhìn tôi ấy.
Cuộc đời giá mà luôn như mới gặp lần đầu.
Nàng nhìn tôi, dường như vẫn chưa hiểu tôi nói gì, mặt tôi tức khắc đỏ rần lên.
"Gọi gì cơ?" nàng dịu dàng hỏi lại.
"Không...không có gì", tôi ấp úng.
Tôi quyết định không ngủ nữa, mà chuẩn bị ngoan ngoãn nghe giảng, rồi tính toán tìm cơ hội bắt chuyện với nàng.
Lúc nghe giảng, tôi mới phát hiện ra môn nhiếp ảnh kỳ thực cũng khá thú vị. Nào là ánh sáng, nào là hình, nào là bố cục, rồi tiêu cự, một vật mà nhìn từ góc độ này thì thế này, nhìn ở góc độ khác thì thế khác; tiêu cự mờ một tí lại khác, rõ một tí lại khác. Ông thầy đó cũng không đáng ghét lắm, thực là thú vị phết. Ông ấy nói, dưới ánh sáng khác nhau hình ảnh của sự vật sẽ không giống nhau, lại nói bố cục ảnh không giống nhau thì chủ đề muốn thể hiện cũng khác. Sau đó thầy giáo cho chúng tôi xem một số bức ảnh, đều là một cô gái đang xách ấm nước, bố cục ảnh khác nhau, tiêu cự khác nhau, hiệu quả của các bức ảnh và nội dung biểu đạt cũng hoàn toàn khác biệt. Ở bức đầu tiên, nước trong ấm đang sôi, khói bay lên, đầy ắp sức sống và cá tính sinh động của ấm nước (ấy là ông thầy nói thế, "cá tính sinh động của ấm nước!") Bức thứ hai diễn tả cá tính của cô gái, làm nổi bật vẻ đẹp và nét thơ ngây của cô. Bức thứ ba lại khác nữa, vẫn là cô gái và ấm nước, lần này tiêu cự hoàn toàn rõ, còn bối cảnh là một cái ngõ nhỏ, xa xa có một đám trẻ đang đá bóng, bên cạnh có một ông lão đang cầm cây tẩu dài hút thuốc, cô gái đứng ở đằng trước, tay xách ấm nước chuẩn bị xoay người vào nhà. "Bức ảnh này", ông thầy nói, "thể hiện một cảnh đời thường có ý nghĩa thời đại. Các em nhìn kỹ phần trên tấm ảnh xem, chỗ mờ mờ là một tòa nhà cao tầng mới xây, ám chỉ rằng cuộc sống trong ngõ nhỏ sẽ dần rời xa, và cuộc sống đô thị hiện đại hóa đang tới". Tôi nghe mà ngây cả người.
"Mịe, sao nói đúng thế!" tôi nói to, cả phòng học lập tức cười ồ lên.
Đấy là tôi vừa nhìn Văn Văn vừa nói. Trong đầu tôi vốn đang muốn nói chuyện với nàng, cả tiết học tôi chỉ nghĩ về nàng, lại cùng lúc nghe thầy giáo giảng bài, trong khoảnh khắc "ngộ ra chân lý", tôi cứ ngỡ rằng trong phòng học ngoài ông thầy đang lải nhải trên kia ra, chỉ có tôi và Văn Văn, thế nên mới quay đầu về phía nàng buột miệng nói: "Mịa, sao đúng thế!"
Cả lớp đều quay lại nhìn tôi và Văn Văn, làm nàng đỏ nhừ mặt. Tôi bèn cười chống chế, ông thầy hắng giọng một cái, cái đầu của cả lớp giống như cần ăng ten, nghe thấy tín hiệu thì hết thảy quay lên bảng.
Sau tiết học thứ nhất, tôi không chuồn ra ngoài hút thuốc như mọi khi. Văn Văn không ra ngoài, tôi cũng không.
Nhưng tôi lại chẳng biết nói gì với nàng, cứ ngồi thần một chỗ. Chính nàng là người bắt chuyện trước: "Đây là lần đầu bạn đi học môn này à?"
"Tôi tiết nào chẳng đi học", tôi chống chế.
"Thế ban nãy bạn ngạc nhiên cái gì?"
"Lần nào đến tôi cũng ngủ cả."
"Muốn ngủ thì bạn đến đây làm gì?"
"Thì đến để kiếm đủ học phần ý mà."
"Học phần gì?"
"Học phần gì? Học phần mà cũng không biết à?" tôi hết sức ngạc nhiên hỏi lại.
"Mình không biết."
"Không biết thì bạn đến làm gì?"
"Mình đến học."
"Học gì?"
"Học nhiếp ảnh."
"À, ừ, đây là lớp học nhiếp ảnh mà. Bạn đến học nhiếp ảnh, còn tôi đến kiếm học phần thôi. Bạn năm mấy?"
"Năm 99."
"À, sinh viên năm một à." Tôi hiểu rồi, hôm nay tự dưng gặp được một em sinh viên mới, còn chưa biết kiếm học phần thế nào, vẫn tưởng lên lớp là phải vác tai theo kìa.
"Thế em chụp gì? Đưa anh xem nào", tôi hỏi, ra dáng đàn anh.
"Chỉ chụp một ít của bài tập".
"Còn có bài tập cơ à?" tôi giật nảy mình.
"Tiết nào chẳng có!"
"Tiết nào cũng có bài tập?" Tôi thực tình giận sôi lên. "Toi rồi, môn này khó nhá đây, lại còn có bài tập?" Tôi đờ cả người ra.
Văn Văn kinh ngạc nhìn tôi. Vẻ kinh ngạc trên khuôn mặt nàng rất đơn giản, tựa như một tấm gương phản chiếu nỗi kinh ngạc trên bộ mặt tôi sau khi phát hiện cái môn quái quỷ này lại có bài tập sau mỗi giờ học vậy.
Ngay sau đó tôi liền xem các bài tập mà Văn Văn đã làm. Thời điểm đó máy ảnh kỹ thuật số vẫn còn chưa phổ biến, ảnh Văn Văn đều chụp bằng máy cơ, sau đó lấy phim đi rửa rồi in ra. Những thứ nàng chụp chẳng có ý nghĩa gì cả. Không có bình nước, chẳng có cô gái, không có ông lão hút tẩu thuốc và bọn trẻ con chơi đá bóng, và dĩ nhiên cũng cóc thể nhìn ra được cái bóng của thời đại hay biến thiên lịch sử chi sất. Tôi xem ra việc chụp ảnh cũng chỉ là việc như thế, đều là những thứ vớ va vớ vẩn.
Ví như cái túi rác dưới đất, nàng quỳ xuống chụp, tiêu cự nhắm rất chuẩn. Cái túi nylon hơi trong suốt, nàng lấy nét vào hộp cơm ở bên trong. Kết quả là, tôi chỉ thấy cái bóng mờ mờ ảo ảo của túi nylon, bên trong thấp thoáng vài hạt cơm. Hạt cơm dính trên một cái xương gà đã gặm hết. Cái xương gà được lấy nét rất chuẩn, rất thực.
Một tấm khác thì chụp mớ quần áo phơi ở hành lang – là hành lang trong ký túc xá nữ, tôi chưa đến chỗ đó bao giờ - cả một dây quần áo màu sắc sặc sỡ, ánh mắt tôi chủ yếu tập trung vào đám quần áo lót, cố đoán xem trong số đó cái nào là của cô gái đang ngồi trước mặt. Có lẽ khi nàng bấm máy thì bỗng có cơn gió thổi đến, làm quần áo tung bay. Đám váy và áo sơ mi hệt như những thiếu nữ đang nhảy múa, uốn lượn đánh tay về cùng một hướng, tách một tiếng, thế là Văn Văn chụp được họ (đám thiếu nữ ấy). Còn trong mắt của tôi, đám thiếu nữ ấy, ai cũng mặc mấy cái đồ lót đó. Nhưng mà, đồ lót thì tốt nhất chẳng cần mặc, tôi nghĩ vậy.
"Chụp đẹp ghê", tôi khen lấy lệ.
Tôi tiếc không muốn trả lại tấm ảnh chụp quần áo lót cho Văn Văn, cứ cầm ngắm nghía mãi.
"Nếu em thích chụp ảnh, anh có thể làm người mẫu cho", tôi lấy cái oai "sư huynh", mặt dày nói.
"Mình không thích chụp người, chỉ chụp tĩnh vật thôi".
"Sao lại chỉ chụp tĩnh vật?" tôi hỏi.
"Bởi vì mình chụp thích tĩnh vật".
"Thế thì cứ coi anh là tĩnh vật," tôi nói. "Anh vốn cũng như khúc gỗ ấy mà."
"Bạn buồn cười thật!" Văn Văn nói.
"Cắn câu rồi." Bụng bảo dạ thế, tôi bèn tấn tới, "Thật đấy, anh mà ngồi im á, ngồi luôn hai tiếng cũng không thèm động đậy."
"Thế thì tiết sau bạn đừng có động đậy nhé!" Văn Văn nói.
Thế là cả tiết thứ hai tôi ngồi trơ ra như phỗng, không động đậy cũng chẳng hề hé răng nói nửa lời, để đến lúc tan học Văn Văn quên béng mất tôi. Vừa hết giờ, nàng liền thu dọn sách vở về luôn.
Tôi cũng quên béng mất chính mình. Văn Văn ra về rất lâu, các bạn học môn chỉ dẫn đường bay vào lớp, hỏi tôi chỗ trống bên cạnh có ai ngồi không tôi mới sực tỉnh ra, nàng tiên khiến tôi hồn xiêu phách lạc đã không còn ở đó nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top