Chuyện tình anh ca sĩ

Chuyện tình anh ca sĩ

Anh tên là ***

Đoạn cuối một bài hát tôi đã viết nhiều về anh, người tôi yêu say đắm. Và.., và khi anh xa tôi, cuộc đời này là chẳng còn gì hết. Tôi đã đánh mất cả trinh tiết của mình cho một tình cảm mù quáng. Tôi nghĩ mình không hơn một con gà ngu ngốc qua quáng ấy khi đi lang thang về chiều, ham tận hưởng ánh sáng hào nhoáng, tráng lệ và rồi quên mất quỹ thời gian của mình còn lại bao nhiêu.

Trong cuộc thi tài năng, tôi tham gia hát đúng bài đó, phải rồi, “Giận anh thêm”. Anh là một ca sĩ nổi tiếng đang ngồi kia, một trong những vị trí cho khách mời. Tôi không nghĩ anh sẽ có mặt ở đây, tôi không thể lo xa được như vậy. Anh đã nghe bài hát cho đến khi tôi nhìn thấy anh. Thực tế, tôi không mong anh quay lại như trong những lời ca viết lúc tâm tư u uất nhất của đời người. Tôi ngừng hát, chạy vào cánh gà sân khấu. Buồn cười, tôi không muốn liên quan đến con gà thêm một lần nữa. Máy quay chĩa thẳng vào khuôn mặt đỏ ớt và đang khóc sướt mướt. Tôi đến cuộc thi và chạy đi chỉ một mình, cố thắt chặt cái bụng với một hình hài vô linh hồn ở trong ấy để có vóc dáng một cô sinh viên cao ráo với tấm váy hồng xinh xắn. Tôi  trở về phòng trọ và muốn tự nhốt mình mãi mãi.

Nghe tiếng đập cửa dồn dập và tiếng gọi cửa quen thuộc. Tôi biết là ai, nhưng tôi không nghĩ rằng anh theo tôi một chặng đường dài như thế để gặp tôi. Anh muốn nói gì chứ, chỉ tổ làm cho cánh nhà báo thổi phồng lên tất cả thôi. Có thể anh mặc kệ điều đó nhưng tôi thì không. Tôi quyết định không bao giờ theo đuổi đam mê với âm nhạc nữa. Dải dây vải quấn bụng được tháo ra, có vẻ như cu cậu cảm thấy thoải mái lắm vì tinh thần tôi cũng đang rất nhẹ nhõm. Cứ ngủ sớm để hôm sau còn về quê.

Không ngờ giữa lòng thành phố lại có tiếng gà trống gáy vang giòn giã. Bà chủ nhà cũng dậy sớm để đi chợ và tôi không phải gọi í ới để trả phòng cho bà, làm phiền đến người khác trong xóm trọ. Nhìn anh vẫn đang ngủ dựa vào lan can có những lớp rêu phong phủ kín, bộ đồ vest sang trọng và đắt tiền không còn được giữ cẩn thận nữa. Có lẽ anh muốn nói với tôi điều gì đó hoặc chỉ là một cái ôm chẳng hạn, tôi vẫn rất thích nhìn anh ngủ với gương mặt thanh tú hiền lành ấy, nhưng anh muốn nói gì thì kệ anh, điều đó đâu quan trọng với tôi nữa.

Tôi sinh thằng Nhân dưới cái mái nhà tranh. Một mình nuôi bầu, một mình nuôi con và tôi sẽ một mình dạy con sao cho nó nên người. Tôi làm tất cả mọi việc để kiếm tiền. Năm tháng cứ trôi đi, làng quê thay đổi lên thị trấn rồi sáp nhập vào thành phố. Con đường lớn rộng thêm ra, nhưng căn nhà tình nghĩa thì vẫn nguyên như thế, tôi có thể bán đi một khoảng đất rộng mà năm xưa mua với giá tiền rất bèo bọt, tôi đã bán đi, lấy tiền nuôi con ăn học và một lớp chuyên toán trong thành phố thì rất tốn kém.

Lắm lúc thằng Nhân khiến tôi buồn lắm, nó không nghe lời. Nhưng chả có đứa con nào không có một phần giống bố mẹ hết, khả năng thiên bẩm của nó có ca hát, có chất giọng và có cả vóc dáng thanh nhã, tuấn tú ngời ngời. Thi thoảng tôi vẫn bắt gặp nó đi hát ở quán bar, điều đó bị tôi cấm. Sáng hôm sau tôi sẽ đánh cho nó nát mông và chẳng nói lí do gì cả. Nó luôn biết bà mẹ làm công nhân vệ sinh đường phố này tình cờ nhìn thấy. Nó không kêu một câu nào, mặt cứ nhăn lại mà chảy nước mắt trên giường. Nhưng lần này nó mới nói:

-Mẹ ơi! Mẹ đánh con trước khi con mặc đồng phục đi học nhé!

-Mẹ đánh con khi con phạm điều cấm, chứ đâu phải vô cớ?

Nhân không nói gì nữa, nó vẫn sụt sùi khi đạp xe đến trường mà không thể ngồi lên yên xe. Tôi nhận ra rằng ống tay áo nó đã thấm ướt hết những dòng nước mắt.

Nhìn bàn học của con trai, mọi thứ đều gọn gàng. Một tờ poster được treo lên tường ngay ngắn từ tối hôm trước. Là anh, một ca sĩ đã lâu không còn xuất hiện trên ti vi. Tôi tò mò và tiến tới, đọc tờ poster ghi tên anh. Tìm trong đống báo của con trai và thấy một bài viết về anh, ca sĩ bị bệnh về thính giác dẫn đến câm điếc, một thân một mình vượt qua số phận để trở thành nhà văn. Có phải báo ứng không thế này? Nhưng sao tôi không cảm thấy lòng mình vui, thay vào đó là một nỗi niềm, sự lo lắng tràn ngập tâm trí tôi. Tôi muốn thăm anh, ý tôi không phải là đi tới để khinh bỉ và chế giễu bởi bộ dạng đáng thương của anh. Một người mất đi tài sản quý giá nhất ấy phải đau đớn hơn cái chết nhiều lần, có lẽ trong tâm tư anh đang thịnh nộ với cuộc đời mình.  Nhưng sao anh không dùng trợ thính? Nó sẽ làm anh có thể nói và hát trở lại, tại sao thế? Hay là anh quá nghèo, đã bị fan và đồng nghiệp ghét bỏ đến nỗi không có đủ tiền để mua một cái máy mấy triệu bạc gắn vào tai, không lấy một đồng tiền hảo tâm nào hay sao? Tôi không muốn tự hỏi mình thêm một câu nào nữa. Có lẽ chỉ là một sự thông cảm với một nhân vật xa lạ rất đáng thương trên báo chí mà thôi.

Suy nghĩ khiến nước mắt tôi ứa ra như cây xương rồng vừa bị ai đó chém vát, nhựa chảy để bịt kín vết thương. Nước mắt chảy để bít lấy nỗi đau sâu thẳm trong linh hồn.

***

Nhân vừa về đến nhà đã gọi í ới.

-Mẹ ơi! Mẹ ở đâu thế? Mẹ ơi!

-Mẹ đang ngủ, có chuyện gì thế con?

Tôi cố rướn mắt lên nhìn cậu con trai đang khoe những con điểm.

-Mẹ xem con trai của mẹ tài giỏi chưa này… hôm nay cô giáo trả bài kiểm tra, môn nào cũng được 10 hết.

Nó nịnh nọt một cách vụng về quá, những bài ghi ngày qua cả tháng rồi, có lẽ muốn xin xỏ một điều gì đó. Tuy nhiên, những con điểm đỏ chót ấy khiến tôi hạnh phúc. Tôi mỉm cười rồi ngồi dậy, xoa đầu cậu con trai đã 15 tuổi đời, ôm nó vào lòng rồi hỏi:

-Thế muốn mẹ trả công bằng gì nào?

-Con được đi du lịch bốn hôm mẹ ạ, con sẽ đi thăn anh ấy.

Nhân nhìn lên tấm poster trên tường và chỉ vào cho tôi xem.

-Được, nhưng mẹ không có nhiều tiền để đủ cho con đi đâu. Nếu được tài trợ thì con hãy đi.

-Con cảm ơn mẹ nhiều lắm!

Nhân ôm siết chặt lấy tôi hơn.

-Mẹ đi cùng con nhé!

Tôi đẩy nhẹ con trai ra để nhìn nó. Nếu có bao trọn gói cho chuyến đi cũng phải thêm một vài chi phí nhỏ cho ăn uống chẳng hạn. Còn quần áo đẹp nữa, những bốn hôm cơ mà. Mặc dù tôi rất muốn đi nhưng không thể. Nếu gặp anh, tôi sẽ không kiềm chế nổi mình, sẽ ôm anh và khóc sướt mướt mất. Tôi nói với con:

-Chắc là mẹ không đi được rồi, mẹ còn công việc và còn trông nhà nữa.

-Chị quản lí bảo là nếu con quen ai hát tốt thì mời đi thêm một người để hát trong buổi biểu diễn từ thiện. Mình sẽ không mất thêm bất cứ chi phí phát sinh nào hết mẹ ạ. Hát không được tiền nhưng con thấy vui và háo hức lắm.

-Con không sợ mẹ đánh đòn nữa sao?

-Dạ con… có! Con sẽ để mẹ đánh nhưng con không học những thói hư tật xấu trong những quán đêm để thành hư hỏng đâu mẹ ạ, con không tiếp rượu, không gì hết, chỉ hát thôi. Đây là cơ hội để con phụ giúp mẹ kiếm tiền. Mẽ sẽ không phải đi làm công việc nặng nhọc và ảnh hưởng đến sức khỏe ấy nữa. Con phải cần đến tiếng tăm trước khi bắt đầu kiếm tiền.

-Ừ… mẹ sẽ đi cùng con, nhưng mẹ chỉ hát một bài thôi.

-Dạ vâng, đến lúc đó mẹ sẽ muốn hát thêm thôi ạ.

Nhân cười giòn tan. Năm xưa khi tôi đặt tên cho nó là Nhân vì không muốn nó đi theo vết xe đổ của bố mình. Đó là một hành vi kinh tởm của một con vật. Vũ Anh Nhân, đối với tôi thì cái tên không mĩ miều, không quê mùa, không khó hiểu, không khó đọc và dễ nhớ, dễ viết.

Tham gia hội phụ nữ của phường, tôi có hát vài lần và được xếp vào một trong những cây văn nghệ chủ lực của hội. Có sự kiện nào đều được gọi đi giao lưu, hát hò. Tôi không quên được kĩ năng ca hát của mình đâu.

Giấy mời được gởi đến, tôi và con trai chăm chút cho ngoại hình ưa nhìn hơn rồi mới tham gia chương trình ấy. Được hát trên sân khấu lớn, được bày tỏ tình cảm của mình với thần tượng trước công chúng. Tôi cảm thấy mình trẻ ra, hòa nhập hơn với mọi người. Nhìn anh ôm con trai vào lòng trước hàng nghìn ánh mắt đang dõi theo làm tâm trí tôi bối dối.

Sân khấu đã được dỡ gần hết, sân vận động lại sắp được trả lại nguyên vẹn hình dạng ban đầu. Mọi người không có phận sự thì tận dụng cơ hội để đi dạo trong thành phố hay đi ăn đêm gì đó… Chỉ còn tôi và Nhân ở lại, anh vào xe và đến bên tôi hỏi hết sức ngớ ngẩn:

-Chị tên gì để em có thể ghi tặng một cuốn sách ạ?

-Vũ Hương…

Tôi ấp úng không nói thêm nữa. Nhân ở ghế sau nhanh nhẹn trả lời thay tôi:

-Vũ Hương Hoài, anh ạ!

Tôi quay mặt nhìn ra phía cửa sổ kính, nhìn thấy bóng anh đang ghi lời tặng lên trang sách trắng.

“Anh thật lòng xin lỗi vì tất cả điều dại dột trước kia. Anh cảm ơn em đã tha thứ, anh hạnh phúc lắm…” viết xong những lời ấy thì anh kí tên. Anh tặng tôi rồi đi ra khỏi xe. Tôi muốn đuổi theo anh và đính chính lại rằng không bao giờ tôi tha thứ cho anh, anh đừng ngộ nhận. Anh đã từng coi thân thể tôi như một que kem mút để anh la liếm, hôn hít. Tôi từng tự hỏi là anh đã làm vậy với bao nhiêu cô gái rồi? Nhưng tôi không quan tâm làm gì nữa. Anh đã nói được rồi, nghe được rồi và cũng thấy hạnh phúc khi hiểu rằng tôi đã thứ tha.

Thôi, tôi không muốn đính chính gì hết, chỉ càng làm mọi chuyện rắc rối thêm. Tôi có nên nói sự thật cho con trai mình biết về anh không? Nó vô tư và hồn nhiên làm sao. Một tâm hồn trong sáng ấy có bị vẩn đục bởi người bố đã một lần hại một đời con gái? Khiến cô không được một sự cảm thông nào của bố mẹ. Khiến cô trở thành kẻ cô độc nhất thế gian. Lỗi ấy tại ai? Chẳng phải là anh hay sao? Còn ai vào đây được.

Không hiểu sao điện trong ô tô đột nhiên tắt ngấm, có lẽ là mấy anh bên kĩ thuật hay âm thanh, ánh sáng đã tắt máy phát điện để dùng nguồn điện của xe. Trong ô tô tối hơn ở ngoài sân. Tôi đang áp tay lên cửa kính và giật mình khi nhìn thấy ngoài kia là anh, anh cũng đang áp tay vào như cố muốn chạm tới tay tôi hoặc như muốn nắm tay tôi thật chặt. Anh yêu tôi thật sao? Chẳng phải là anh chỉ làm tình thôi cơ mà. Anh không biết tôi đang nhìn thấy anh hay là anh đang si mê. Anh đang làm cái trò gì thế?

Điện lại được bật sáng trưng trong xe. Anh nhận thấy bị phát hiện và chạy đi. Tôi ra khỏi xe và đuổi theo anh. Tôi đang muốn hỏi anh cho ra nhẽ.

-Anh có yêu tôi thật không?

Anh dừng lại và không nói gì.

-Anh đừng giả vờ câm điếc, hôm nay tôi phải hỏi cho kì được. Anh có yêu tôi thật không?

Tôi hỏi đủ lớn để anh nghe thấy và đủ nhỏ để chỉ mình anh nghe thấy.

-Anh… không!

-Nếu đây là cơ hội, vậy tại sao anh lại nói thế?

-Anh không đáng được có cơ hội này.

-Anh có biết tôi đã đau khổ thế nào không?

-Anh xin lỗi…

-Anh hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đây, đừng có cúi gằm cái mặt ấy! Anh nhìn bộ dạng của tôi lúc này có còn là người nữa không hay nó thành ma rồi? Trong trái tim và trí óc của anh đang lưu giữ hình ảnh gì về tôi thế này? Tôi thay đổi là vì anh đó, bấy lâu nay mẹ con tôi sống trong sự ghẻ lạnh của cả một dòng họ, anh có biết không hả?

Tôi im lặng, chờ anh trả lời. Nước mắt tôi đã ngân ngấn khóe mi từ lúc nào.

-Anh không còn mặt mũi nào nhìn hai mẹ con em nữa.

-Anh còn nói cái gì thế? Vậy thì đừng bao giờ nói một lời nào đến khi anh chết đi. Anh không xứng đáng được nói chuyện!

Tôi ngồi xuống, ôm mặt khóc mặc cho anh vừa quì gục trước mặt như một tấm bia mộ rồi tôi quay về xe ô tô để cho mọi người không tìm kiếm.

Trước mắt tôi là Nhân, nó đang ngồi khóc với vẻ mặt rất u uất và sắc mặt nhợt nhạt cắt không ra máu. Điều gì đã làm nó thành ra như vậy? Hai tay tôi bưng mặt con trai rồi hỏi:

-Nhân, con làm sao thế? Đau ở đâu à?

Chợt tôi nhận thấy điều gì đã xảy ra với nó, tôi không hỏi tiếp nữa.

-Mẹ tha thứ cho bố được không!

-Bố con đã để tuột mất cơ hội rồi con ạ.

Anh lại bước vào ô tô. Chậm rãi bước đến bên tôi và nâng niu chiếc máy trợ thính trên tay. Anh đặt vào tay tôi rồi lẳng lặng bước đi. Tại sao trong tôi như đang bị tùng xẻo từng giây, đau đớn tột bậc như thế? Hành động này nghĩa là anh sẽ câm lặng suốt đời hay sao? Tôi không thể tưởng tượng nổi hình phạt ấy sẽ như thế nào với một ca sĩ yêu nghề như anh…

Nhân đã ôm chặt bố nó, rùng mình và khóc nấc lên thành tiếng. Nỗi hận thù trong tôi đã tan đi hết rồi, chỉ còn lại nỗi đau và bất hạnh đang ngự trị trong trái tim này và nó đang chờ được anh xoa dịu. Nếu anh còn cố chấp thêm một lần nữa, anh sẽ mãi mãi không được tha thứ. Tôi đến bên và chao lại anh cả giọng nói anh và cả tình yêu trọn vẹn này. Tôi ôm anh như tôi đã hình dung và không quên nói lên khao khát lúc nào cũng cháy rừng rực trong đời mình.

-Em muốn mặc váy cưới một lần trong đời, anh nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hoang#khang