Chapter 1. How I met your father.
Bệnh viện Hạnh Phúc là một bệnh viện công lập, hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Y tế, nhưng không nằm tại 2 đầu thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội, mà nằm tại Đà Lạt – thành phố ngàn hoa.
Ở Đà Lạt, cái gì cũng phải "thơ", nên bệnh viện Hạnh Phúc cũng có cái "vibe" chung đầy lãng mạn mơ màng vậy. Bệnh viện được hình thành trên nền của một bệnh viện tư thời Pháp, sửa tám chục lần cho phù hợp với sự thay đổi của thời đại, với lối kiến trúc tân cổ điển Châu Âu kết hợp với hiện đại, các khoa phòng phân tán trong hệ thống các toà nhà cao thấp xen kẽ, hệ thống cửa sổ lớn, hành lang dài, thông gió tự nhiên, nhiều giếng trời, không gian xanh đón sáng tự nhiên và hàng ngày mỗi nhân viên y tế đều được tập thể dục xì khói bằng việc chạy qua chạy lại giữa các khoa phòng, cười với bệnh nhân, nhăn nhó với đồng nghiệp và xị mặt với cấp trên.
Mâu thuẫn với cái tên nghe đã vui và cái giao diện cực thơ, Bệnh viện Hạnh Phúc thực tế là lại bệnh viện tuyến cuối khu vực Tây Nguyên, quy mô 3000 giường, thực kê tới 5000 giường mà vẫn còn nằm ghép, chuyên đón các kiểu bệnh nhân nặng tuyến dưới đưa lên - tuyến trên trả về, song cũng vẫn thường xuyên bị "bỏ quên" trong các đợt rà soát phân bổ đầu tư vì chỉ - là – bệnh - viện - ở - khu – vực.
Theo bác sỹ Phạm Duy Thuận, làm việc ở đây đồng nghĩa với "Dậy sớm hơn gà, ngủ muộn hơn chó, làm việc nặng như trung ương nhưng ăn lương như tuyến xã." – "Nhưng mà hạnh phúc, vì được phụng sự nhân dân". Bác sỹ Thuận nói thêm, trong buổi nhận quyết định Phó Khoa Phụ trách Khoa Sản của mình ở tuổi 33, sau khi nguyên bác sỹ Trưởng Khoa bị vỡ mạch máu não do làm việc quá sức, may mà can thiệp cứu nguy kịp thời, nhưng mà phải nghỉ phép dài hạn phục hồi chức năng.
Ba năm trôi qua, bác sỹ Phó Khoa Phụ trách Thuận nay đã nhận quyết định Trưởng Khoa, vẫn là truyền thuyết ở cái bệnh viện này. Vì giỏi, đương nhiên, có mấy bác sỹ 36 tuổi đã có Chuyên khoa II đâu cơ chứ. Ngoài ra thì đấy, cái mỏ xéo sắc từ cấp trên, tới đồng nghiệp, tới bệnh nhân, trên quan điểm rõ ràng chúng sinh bình đẳng, ai cũng có cơ hội được nghe Thuận chửi, chỉ cần có động cơ hợp lý. Còn lý do cuối? Yêu-nghề. Vừa làm vừa chửi, nhưng bác sỹ Thuận nổi tiếng nhất vì không bao giờ bỏ bệnh nhân, cứ cấp cứu là nhận, cứ nguy kịch là nhận, cứ khó là nhận. Nhận xong thì mất ăn mất ngủ, miễn làm sao cả mẹ cả con đều được an toàn. Là bác sỹ phụ sản, số trẻ con nhận bác sỹ Thuận làm bố nuôi cũng đủ để Thuận ra đường tuyệt nhiên không dám đánh trẻ con cái nào.
Thế nhưng, dù có ba đầu sáu tay mười hai con mắt, bác sỹ Thuận cũng phải đối mặt với những nỗi lo thường trực của nhân viên y tế.
1. Rụng tóc. (May mà tóc Thuận đủ dày nên trên đầu vẫn còn đen lắm, chưa hói. Nhưng mà vẫn đáng lo lắm.)
2. Ế.
3. Khoa thiếu nhân sự.
Cái cuối cùng được note 3 sao. Bởi bệnh nhân thì ngày một đông theo cấp số nhân, còn bác sỹ tuyển được thì khó như hái sao trên trời. Đấy là chưa kể số bác sỹ trẻ viện hì hục nhặt về, đào tạo, tay vừa cầm chứng chỉ hành nghề chưa kịp ráo mực thì chân đã bon bon bái bai bỏ lên thành phố lớn, hoặc ra làm cho bệnh viện tư bên ngoài.
Hôm nay là một ngày đặc biệt.
Sau chuyến đi công tác một vòng các trường Đại học Y lớn nhỏ, anh Sơn Nguyễn lớn Giám đốc với thằng Sơn Lê nhỏ phòng Kế hoạch tha đâu được về hơn chuc bác sỹ, chuyên II có, chuyên I có, nghiên cứu sinh tiến sỹ có, nhưng món mồi ngon mà Khoa Sản của Thuận cũng như các khoa khác nhắm tới là đội bác sỹ trẻ chưa chọn chuyên ngành, mà buổi giao ban hôm nay, ai tranh được càng nhiều thì thắng đời càng lớn.
- Phụ hoàng, cả khoa nhờ con chuyển lời nay ngài không tranh được ít nhất 3 đứa về đây thì đừng nhìn mặt tụi con nữa.
Thằng Khánh, điều dưỡng trưởng Khoa Sản, cái nết xéo sắc y hệt Trưởng Khoa của nó, đập cái cốc cái uỳnh vào mặt Thuận trong phòng chung vào lúc 5 giờ sáng, sau một ca trực đêm mệt nhọc trước khi lê lết cái tấm thân gầy mòn còn có hơn 50 cân cả quần áo đi bàn giao bệnh nhân.
- Ừ đấy. Anh làm thế nào thì làm, mang về đây thêm 2 3 đứa đỡ việc đi, bố mẹ em bảo năm nay em không tìm được vợ không cho em đi làm nữa đâu! Mẹ em bảo đằng nào nhà cũng không thiếu tiền, không cần mấy đồng lương bác sỹ của em.
Lần này là đến lượt thằng Minh, đệ ruột của Thuận lên tiếng. Thằng này là đàn em khoá dưới của Thuận, nhà nó có công ty Dược nên tiền thì không thiếu, nhìn cái cách nó đỗ con Mercedes-Maybach EQS 680 SUV dưới sân viện còn không buồn khoá cửa thì biết... Lương bác sỹ của bọn anh đến bánh xe còn chả mua được...
- Thôi thôi, để cho thằng Thuận nó ngủ đi. Đêm qua nó vừa cấp cứu một ca vỡ tử cung mãi mới xong đấy. Nó mà ngủ quên giao ban như lần trước thì đến nửa bác sỹ cũng không tranh về nổi đâu!!!
Bác sỹ Hiền cười cười giải vây cho Thuận, chị mãi đẹp, Thuận mãi yêu chị, mỗi tội sang năm chị về hưu mất.
Nhưng mà cũng không sao, chị có thể đổi nghề xem bói. Bởi vì chị phán như thần.
Thuận ngủ quên thật. Cho đến khi thằng Khánh đạp cửa rít gào lên và Thuận chỉ kịp xỏ dép lao đi như một vị thần, bất chấp cái blouse nhăn nhúm cùng cái đầu tổ quạ và đôi mắt nửa nhắm nửa mở.
Thuận lao đi như mộng du với niềm lo lắng nếu không tranh được bác sỹ nào về thì bọn ở khoa sẽ giết anh rồi thả thẳng anh vào thùng formalin, rồi hàng năm mỗi lứa sinh viên y sẽ lôi anh ra để học tập, thay vì chiêm ngưỡng và ồ à vì thân hình 6 múi của anh thì chúng nó sẽ đánh giá nội tạng anh, mổ xẻ anh và rút ra bài học nhất quyết không được ngủ quên giờ họp giao ban, nhất là giao ban tranh bác sỹ mới....
Sau khi băng qua 2 cái hành lang dài hun hút, chạy bộ lên 3 tầng lầu để đến phòng họp, trong nỗi lắng lo sẽ kết thúc nửa đời sau trong formalin, Thuận phanh lại bằng bổ nhào vào một thân ảnh áo trắng bất hạnh đang đứng trước cửa, hất nguyên cốc cà phê đen đá đặc sản núi rừng Tây Nguyên được chị Hiền dúi cho vào chiếc áo sơ mi và áo blouse thẳng thớm của người ta, nhuốm đẫm dòng tên được thêu tay cầu kỳ trên túi ngực.
Bác sỹ CKII Tăng Vũ Minh Phúc.
Ồ?
Đồng nghiệp mới nè?
Bác sỹ Thuận ngẩng đầu, ui chao, bác sỹ mới xinh thế.
Dù lúc này, trên gương mặt thanh tú của bác sỹ tên Phúc là đôi mày nhíu chặt đủ kẹp chết tươi bác sỹ Thuận, đôi môi hồng nhạt mím chặt và đôi mắt mở to sau lớp kính mỏng đầy ấm ức.
- Haha, xin lỗi... Anh vội quá.... Anh có áo sạch ở khoa nè?
Bởi vì đây là một câu chuyện tình yêu, nên cuối cùng thì hai nam chính của chúng ta cũng đã gặp nhau.
Một ngày rất lâu sau này, khi họ đã ở bên nhau, nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên đó, bác sỹ Phúc bình tĩnh cầm tay bác sỹ Thuận, ấn ngón trỏ dọc theo tĩnh mạch mà thì thầm: "Anh biết không, hôm í, em thề là em chỉ muốn bơm thẳng không khí vào đây" – "...".
Thế nhưng, lúc ấy, bác sỹ Phúc làm gì còn lựa chọn nào khác hơn là theo bác sỹ Thuận về khoa, mặc tạm chiếc áo sơ mi nhìn là biết được gửi đi giặt khô vừa lấy về còn chưa thèm là, khoác chiếc blouse to hơn một cỡ của bác sỹ Thuận, vừa đi vừa nghe bác sỹ Thuận lải nhải về nỗi sợ bị ngâm trong formalin và lời hứa hẹn xin lỗi cực thành khẩn bằng một chầu nhậu tại quán lẩu gà lá é ngon nhất Đà Lạt...
Từ Khoa Sản tới phòng họp phải băng qua 2 hành lang, lên 3 tầng lầu. Bác sỹ Phúc không vội. Dù bác sỹ Phúc cũng là bác sỹ mới về viện đợt này. Nhưng bác sỹ Phúc là bác sỹ CKII, về để nhận chức Phó khoa Nhi, phụ trách Đơn Nguyên Sơ Sinh. Bác sỹ Thuận có vội. Nhưng bác sỹ Thuận vừa gây tội tày trời với chuyên gia được anh Sơn Nguyễn lớn Giám đốc với thằng Sơn Lê nhỏ phòng Kế hoạch chín trâu hai hổ mới mời về được, Thuận không dám để người ta bỏ viện mà đi ngay ngày đầu nhận chức.
Bác sỹ Phúc không chạy. Bác sỹ Thuận cũng không dám chạy.
Thế, cho nên, bác sỹ Phúc và bác sỹ Thuận đến nơi thì vừa kịp bác sỹ Phúc ra mắt toàn viện. Ai nấy hân hoan vỗ tay nồng nhiệt chào đón đồng nghiệp mới về san sẻ nỗi khổ chung, à nhiệm vụ chung.
Bác sỹ Thuận cũng vỗ tay. Nhưng trong lòng thì chết nhiều chút.
Bởi vì hơn chục bác sỹ mới bị các khoa khác câu hết đi rồi.
Anh dường như đã ngửi thấy mùi formalin trong không khí.
Ghi chú:
Bệnh viện hạng đặc biệt là cấp bậc cao nhất trong hệ thống bệnh viện công lập tại Việt Nam. Đây là những bệnh viện có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, chuyên môn cao và đảm nhận nhiệm vụ điều trị tuyến cuối cũng như nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực y tế.
Giường thực kê là số giường bệnh thực tế mà bệnh viện đang sử dụng để phục vụ bệnh nhân, bao gồm cả giường cố định và giường bổ sung (tăng cường khi quá tải).
Bác sĩ Chuyên khoa II (CKII) là một cấp bậc đào tạo sau đại học trong ngành y tại Việt Nam, được xem như tương đương với Tiến sĩ Y khoa về chuyên môn lâm sàng.
Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh (CCHN) là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp, cho phép một bác sĩ đủ điều kiện hành nghề y tại Việt Nam. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với bác sĩ để có thể khám, chữa bệnh hợp pháp. Để được cấp CCHN, bác sỹ phải (1)Tốt nghiệp đại học Y khoa chính quy hoặc chuyên tu; (2)Hoàn thành thời gian thực hành (thực tập tại bệnh viện) ít nhất 18 tháng tại cơ sở y tế có giám sát.
Formalin được sử dụng trong giải phẫu bệnh để cố định mô, ngăn chặn sự phân hủy, dễ hiểu là để ngâm bảo quản xác.
⚠ Bơm không khí vào tĩnh mạch là cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn đến tắc mạch khí (air embolism), một tình trạng đe dọa tính mạng. Nếu một lượng không khí đáng kể lọt vào hệ tuần hoàn, nó có thể gây tắc nghẽn dòng máu, ảnh hưởng đến tim, phổi và não, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top