RỪNG ĐÀO PHAI
Hai tuần, trước Tết:
Chúng tôi đi triển lãm
Như các bạn đã biết, sau khi được Kính dẫn dụ vào con đường... si mê bảo tàng, thì tôi mê mệt cái "trò" ấy không kém những phi vụ làm hoa đám cưới hay những buổi làm bánh với Củ Lạc... Thế nên, vào một ngày đẹp trời và nghe Kính rủ: "Đi triển lãm ảnh với tớ không?", thì tôi gật ngay tắp lự! Tất nhiên, triển lãm ảnh không phải là bảo tàng, nhưng nó có "nguy cơ" sẽ thú vị như bảo tàng. Vả lại tôi đã thấm thía cái chân lý "thử đi, nếu không thích thì thôi" của cả bố tôi và Kính.
Thế là chúng tôi đi triển lãm ảnh.
- Đây là triển lãm kính ảnh màu về Hà Nội đầu thế kỉ hai mươi. Bình thường hồi đó chỉ có ảnh màu đen trắng, chứ không có ảnh màu như thế này, đúng không?
Tôi tròn mắt cười toét và gật lia lịa như kiểu Tèo lúc đi gặp... ông già Noel. Ảnh màu, nghĩa là sẽ nhìn được quần áo hồi đó màu mè thế nào đồ chơi hồi đó ra làm sao, nhà cửa phố xá như nào, thậm chí cả màu nắng, màu trời hồi ấy...
- Tớ sẽ không cần giảng cho bạn về kỹ thuật kính ảnh màu với lại phiên bản tự nhiễm sắc chứ?
- Giời ơi, cái gì đấy? Tớ lại ngủ luôn bây giờ!
- Thế thôi, - Kính vừa nói vừa dang tay mở cửa, cúi đầu, hết sức ga-lăng. – Xin mời "quý cô"!
|
Quả là không uổng công Kính giới thiệu, không bõ công tôi hăm hở: Triển lãm ấy tuyệt vời hết sảy!
Tôi đã cảm thấy vẻ diệu kì ngay từ lúc bước qua cửa. Đèn vàng mờ, ánh sáng ấm. Những "hộp" gỗ dựng giữa sảnh, trổ ô vuông vừa đủ để khung hình lộ ra, mỗi khung hình đều sáng bừng nhờ đèn từ trong "hộp" hắt ra.
Tôi đã cảm thấy sự cẩn trọng, chăm chút từng ly từng tí, ngay lúc đọc mấy dòng "giới thiệu chung", rất ngắn gọn mà rất... nên thơ. Và khi xem từng bức hình, từng chú thích cẩn trọng đều khiến tôi hài lòng. Như thể có một người hướng dẫn rất thông thái mà dịu dàng, nhã nhặn dẫn dắt người xem.
- Màu ảnh tuyệt vời quá! – Tôi trầm trồ. – Tớ cso ngồi chỉnh Instagram cả đời cũng không lên được màu như vậy!
- Đương nhiên! – Kính cười khùng khục – Này, Văn Miếu này bạn.
- Trông như cái vườn rau ấy!
- Thuở ấy, Văn Miếu là vựa rau của Hà Nội. Tương truyền mỗi mùa thi, thay vì đi sờ đầu rùa như bây giờ thì các sỹ tử đều cố gắng mua cho được rau Văn Miếu...
- Uầy, quá hay. Văn minh hơn hẳn bây giờ! – Tôi tấm tắc
- Văn minh nhờ! – Kính cười. - "Truyền thuyết" tớ vừa phịa ra đấy, bạn tưởng thật à?
Hắn phá lên cười, trong khi tôi quê gần chết vì sự ngây thơ gà mờ của mình.
- Trêu tớ này. – Tôi cấu cho hắn phát.
- Văn minh thế còn gì nữa! – Kính cứ cười mãi không thôi.
Chúng tôi cứ mê mãi xem, cho đến khi Củ Lạc gọi điên réo gào:
- Mày đang ở đâu con gia tinh kia! Hẹn đi mua bao lì xì với tao cơ mà!
- Em đang đi... triển lãm ảnh... Uầy cái này hay lắm anh nhất định phải đi xem!
- Xồi. – Củ Lạc cười khẩy. – Đi với Kính chứ gì? Tao gí cho hắn vụ này chứ ai! Nói chung là về mau, hẹn hò thế à!
Nhưng rồi Củ Lạc lại đổi ý.
- Thôi cái triển lãm này hay. Mày cứ xem cho kỹ. Lúc nào xong về thì gọi tao.
Thế là tôi đủng đỉnh xem xong xuôi rồi mới về đi mua bao lì xì với Củ Lạc, như đúng rồi. Với cái độ khó tính ngất ngưởng của nó, chúng tôi phải liệng qua bao nhiêu hàng, tìm đúng bao lì xì "made in Việt-Nam" cơ, mà lại vẫn phải in hình đẹp, chất giấy đẹp cơ.
Một tuần – trước Tết:
Chúng tôi dọn nhà
Chuyện dọn nhà thực ra rất là đơn giản. Tôi cứ nghĩ kiểu, à "bọn" đồ đạc đã è cổ ra "phục vụ" mình cả năm rồi, giờ tụi nó xứng đáng được sửa sang lau quét sơn phết... (cho một năm "è cổ" tiếp theo). Nên, tôi vừa làm vừa lẩm bẩm "cám ơn bếp đã cho con cơm ngon canh ngọt cả năm qua", "cám ơn quạt hút mùi đã hút hết mùi đồ ăn ở bếp cả năm qua", "cám ơn cửa sổ đã hứng sáng cả năm qua", xong lại "cám ơn rèm cửa đã chắn sáng cả năm qua"... Được cái, tôi cũng rất biết ơn Mẹ đã suốt ngày hò hét tôi dọn dẹp. Chứ ví dụ để đồ đạc cả năm chỉ lau dọn một lần, chắc tôi dọn qua Tết cũng chưa hết!
Nói chung từ phòng khách tới phòng bếp, từ tầng trệt tới tầng thượng, tôi lau tất tật các thứ có thể lau, dọn tất tật các thứ có thể dọn, và vứt đi tất tật các thứ có thể vứt đi. Nhạc mở to, cửa nẻo mở toang, tôi thì bịt khăn lên đầu, vừa làm vừa lắc lư, thật hết sảy.
Tôi chỉ (hơi) gặp khó khăn khi dọn ổ của tôi, nơi giữ hầm bà lằng đủ thứ. Giá sách ngoài sách (tất nhiên) là vở, từ hồi... mẫu giáo; ngoài vở thì là... nháp kiêm chát chit vẽ vời đủ kiểu; rồi còn các mẩu giấy nhắn; các loại "thư tình"; lẫn cả các bài kiểm tra tít mít thưở nào: Những bài văn mà tôi thích dù điểm không cao, một bài Sử mà lời phê của cô giáo làm tôi thấm thía... Và thế là ngoài việc chết ngập trong mớ hầm bà lằng ấy, thì tôi còn chết thêm, vì can tội bới ra cái gì hay hay lại giở ra xem. Dọn hai phút thì ngồi xem (và rinh rich cười) đến hai chục phút.
Củ Lạc và Bông cũng trong tình trạng tương tự. Chỉ nhờ Kính, cuộc đời chúng tôi mới được cứu vớt, bằng "sáng kiến" dọn-nhà-tập-thể. Nghĩa là "biệt đội" bốn đứa lần lượt đến dọn ổ của từng đứa. Hễ chủ nhân có dấu hiệu "ngồi cười rinh rich" là bọn còn lại xềnh xệch lôi về thực tại ngay!
Cuối cùng, chúng tôi đều thở phào ngồi nhìn hang ổ đã tinh tươm sạch sẽ.
Hai tám Tết: Chúng tôi rửa lá dong
Đúng ra thì nhà tôi không gói bánh, nhà Củ Lạc cũng không. Chỉ có gia đình "đại bự" là nhà Kính – chính xác hơn là nhà ông bà nội Kính – mới gói bánh. Chả là năm nào nhà Kính cũng về ăn Tết cùng ông bà và cô chú. Và năm nào tôi cũng được tặng một cặp bánh chưng, kèm với câu chuyện kể về nồi bánh to uỵch.
- Cả nhà lúc nào chẳng bảo "gói in ít thôi" và bố tớ năm nào cũng khoát tay "đầy nồi thôi". Nhưng mỗi năm bố đều kiếm được một cái nồi... to hơn năm trước.
Hai tám Tết, Kính réo tôi với Củ Lạc đi rửa lá dong!
- Ủa sao tôi lại phải đi rửa lá dong khi mà tôi còn có bao nhiêu việc chưa làm xong? – Củ Lạc nhăn nhó.
- Rửa lá dong hay mà, vui mà! – Tôi hí ha hí hửng.
- Mày rửa bao giờ chưa vậy?
- Chưa. Nên em mới thích!
- Thôi tùy các người. Muốn đối xử với người đã giúp các người dọn ổ thế nào thì tùyyy!!! – Kính mát mẻ ra điều hờn dỗi.
- Đi chứ, sao lại không!
Hôm ấy, cũng may, trời hứng nắng. Vì tôi với Củ Lạc phải mất nửa ngày ngâm tay tỏng nước, rửa đến hơn trăm tàu lá. (Kính không rửa lá với chúng tôi: Hắn, cháu đích tôn, còn phải lau dọn bàn thờ dưới sự chỉ đạo của Ông!). Nhưng bù lại thì ngồi rửa lá khá là nhàn tản. Có thể vừa làm vừa lảm nhảm các thứ chuyện trên giời.
- Mày có thấy... - Củ Lạc giơ lên một tàu lá xanh mướt – Lá dong óng ả như lông chim, mà của một loài chim rất đẹp ấy. Ờ con công chẳng hạn!
- Đẹp hơn chứ. Lông công không óng được như này. Thấy chưa em đã bảo rửa lá hay mà, vui mà. Việc gì cũng có lý của nó.
- Vâng việc gì cũng có lý của nó. Thế tại sao nhà Kính năm nào cũng gói đầy ặc bánh chưng vậy?
- Em nghe bảo còn đem cho đem tặng tứ tung. Với lại vì Ông bảo là không nó nồi bánh chưng thì chẳng có không khí Tết gì sất.
- Nhà tao chưa gói bánh bao giờ cả.
Thế là tôi kể cho Củ Lạc nghe rằng thì là sau khi rửa lá phải hong khô hoặc lau cho khô, rồi tước lá. Rồi thổi đỗ, vo gạo, ướp thịt với tiêu và nước mắm ngon, rồi gói bánh, bắc bếp luộc bánh, không quên lót đáy nồi bằng cuống là vừa tước – cho khỏi cháy. (Tất cả đấy tôi cũng nghe Kính kể hoặc sang ngó nghiêng nhà Kính mà thôi!).
- Hay mai mình xin gói bánh đi?
- Đâu có dễ thế! – Kính nói với ra. – Người ta phải "đi lên" từ rửa lá, tước lá, chẻ lạt, ngồi "chầu rìa", gói bánh "tỉn" rồi mãi mới gói bánh to đàng hoàng. Chứ đâu ra vừa rửa ba cái tàu lá đã đòi gói bánh!
- Vầnggg. Thế khi người ta còn chưa biết tráng ảnh thì đừng có bảo người ta...
- Thôi thôi rồi. Bạn là nhất. Bạn muốn gì cũng được. – Kính ngắt lời Củ Lạc ngay. – Nhưng riêng chuyện gói bánh chưng, ngày mai, bạn có thể đứng xem. Chứ muốn đụng vào thì, cứ chờ đi. Haha. À. Mà tối mai có thể sang trông bánh với tớ.
- Không thèm!
- Ê. Trông bánh cũng vui lắm đó! – Tôi lại phải lên tiếng, vì đúng là trông bánh chưng rất vui. Còn hai đứa đó úp mở cái gì thì tôi cũng không hiểu lắm.
Hai chín Tết: Chúng tôi đi chợ hoa
Khi tôi nói với Mẹ tôi đi chợ hoa, Tèo xí xa xí xọn đòi đi cho được.
- Cho em đi cùng đi con. Có phải từ tinh mơ tờ mờ như lúc làm hoa cưới đâu!
Tôi thừa biết Mẹ muốn Tèo đi với tôi cho nó khỏi nhèo nhẽo phá nhà và Mẹ không làm gì được. Nào thì đi.
Khỏi mất công phi lên tận Nghi Tàm, tôi lượn lờ chợ làng ở gần nhà (chợ này thì "làng" hẳn hoi, không đến nỗi nửa làng nửa phố như "phố làng" nhà tôi). Sau khi đã chán các kiểu hoa lạ, thì tôi quyết định cắm toàn hoa truyền thống: Một bình hoa lay ơn, cắm vào lọ gốm, đề dưới chân cái đồng hồ bing boong. Và một lọ um tùm hoa thược dược với violet.
Dạo chợ, tôi kiếm được dơn tươi rói, màu hồng mười giờ rất đẹp mà lại rẻ. Violet, tôi thấy một bác đứng cầm mấy cành hoa giữa chợ. Tôi ngó nghiêng xong không vừa ý cành nào. Bác khoát tay bảo "đi, xuống vườn, tha hồ mà chọn!". Và dắt tôi đi một đoạn ra khu ruộng phía sau chợ. Ở đấy, bao nhiêu là violet lẫn cả cành thược dược nguyên cây, tôi thích cành nào bác cắt cho cành ấy.
Sau đấy, tôi gặp đào dăm xinh quá, lại mua hai nắm.
Tèo đã lũn cũn đi theo tôi, rất ngoan. Tôi trèo xuống ruộng nó cũng đi theo. Và lúc tôi đang mua đào, thì nó làm tôi ngạc nhiên hết sảy, khi chỉ một chậu mai trắng be bé, bảo: "Chị ơi Tèo thích bông hoa bé xinh này!".
Vậy là chúng tôi tung tăng trở về nhà và hoan hỉ biến nhà thành một "rừng" hoa. Một lọ gốm cắm dơn màu hồng dưới chân đồng hồ bing boong. Một lọ um tùm thược dược violet để ở bàn ăn trong bếp. Đào dăm, tôi cắm vào lọ lộc bình bố bày ở cầu thang, được Bà ngoại khen "đào vụn mà đẹp quá", và Bà đề nghị "bây giờ bà đứng cạnh lọ hoa cháu hãy chụp ảnh cho bà".
Một ít đào vụn còn thừa, tôi cắm vào vài vỏ chai màu xanh, bày ở bàn bếp.
Còn chậu mai trắng của Tèo, Mẹ lấy cho một cái đôn, và đặt chậu cây lên, để ở góc phòng khách. Bà ngoại cũng khen nức nở "cây bé mà bao nhiêu là lộc và hoa, đẹp quá." (Và một lần nữa Bà lại đề nghị chụp ảnh cho Bà với chậu hoa).
|
Buổi tối, Bố về nhà, sau một (vài) bữa liên hoan Tất niên gì đó. Đi vào bếp, Bố bảo:
- Thôi Kem ơi. Đem mấy cái vỏ chai này lên phòng con mà bày. Nhà này một đứa dở hơi là đủ rồi, không thể để cả nhà mang tiếng dở hơi theo được.
Tôi dỗi, đem hết vỏ chai lên tầng ba của tôi. Khi quay xuống, đã lại thấy Bố ngồi vắt chân ở ghế ngoài phòng khác, vẻ mặt đăm chiêu và tay lăm lăm cầm kéo, mắt đăm đăm nhìn... chậu cây mai trắng.
- Bố làm gì thế? – Tôi hốt hoảng.
- Không. Để yên đấy.
Tôi nín re ngồi nhìn Bố, trong lúc Bố vẫn đắm đuối với cái cây. Rồi, Bố đứng lên, tiến về phía cái cây và "tạch" một nhát kéo. Rồi Bố lại ra ghế ngồi ngắm nghía và lại đứng lên, lại "tạch, tạch".
Hoa lá tả rơi rơi. Tôi thì đông cứng không thốt lên lời.
Đến khi cây mai trở nên te tua như con gà chọi (mà vừa đi chọi xong một trận rất là ra-gì ấy), thì Bố buông kéo, hí hửng ôm chậu cây lên tầng, bảo là "để ngoài trời cho nó hứng mưa". Bỏ lại bãi chiến trường lanh tanh bành hoa lá.
Vì là con gái Bố đã xác định dọn xong "hạng mục" phòng khách, nên nhất định để nguyên bãi chiến trường. Sáng hôm sau, Bố tự dậy, tự lúi húi dọn, trong tiếng khóc váng của Tèo. "Bông... bông... hoa... hoa... bé... bé...".
Tôi rang nín cười, gọi điện "mach" Kính. Hắn kêu:
- Giời ơi. Nhà này có khác gì đâu. Có cây hoa trà, hồm qua ông chú nghe ai xui mà tuốt hết lá, làm Ông nội cứ càu nhàu: "Nó vặt trụi cả cây là thế nào..."
Ba mươi Tết: Chúng tôi đón Giao thừa
Tôi sẽ kể phần này ngắn gọn thôi, đại khái là sẽ có thắp hương cúng tổ tiên và thiên địa, rồi chúng tôi mở sâm-panh lúc Giao thừa, chúc tụng và nhận lì xì, rồi ăn tiệc và rồi đi ngủ. Chúng tôi ngoan ngoãn ở nhà với bố mẹ, ông bà chứ không lê la ra đường xem pháo hoa. Có lẽ, cái thời khắc ấy có sự thiêng liêng nào đó, khiến chúng tôi muốn sum vầy và đầm ấm ở trong nhà, với người thân - hơn là chen chúc đâu đó ngoài kia: Đông đúc, chộn rộn, và lạnh tê nữa.
Mùng Năm Tết: Chúng tôi (lại) triển lãm
Đó là một ngày thư thả, khi các tiết mục thăm viếng và chúc Tết họ hàng này nọ đã xong xuôi, các nhà cũng đã hóa vàng tiễn cụ hết cả. Bọn "trẻ con" chúng tôi được phởn phơ chơi nhởi, nghĩa là tự do "ăn chơi nhảy múa" với nhau, thay vì líu ríu đi theo bố mẹ chúc Tết, hay là chạy ra chạy vào trà nước giúp Bố tiếp khách, hay là tất tưởi vào bếp phụ Mẹ làm cơm.
Nên, khi Kính rủ "sang nhà Ông Bà tớ chơi đi", thì tôi phải hỏi ngay là "sang chơi hay gì đấy!".
- Chơi chứ, nhà Ông tiễn cụ từ mồng Ba rồi, hôm nay rảnh rang rồi.
Hôm ấy, trời nắng và ấm lên nhiều. Tôi có thể xúng xính áo dài và quàng một dải khăn len mỏng. Tôi cũng không bất ngờ khi Củ Lạc tomboy của tôi lại mặc váy và điệu đàng hơn một tí. Bông thì, khỏi nói. Nó mặc váy đỏ rói như bao lì xì. (Dù sao thì bọn tôi cũng đều là con gái ấy mà!)
Nhưng tôi nghĩ, cái sự điệu đà của chúng tôi cũng hợp lý, với cái khung cảnh của ngày hôm ý.
Trong khoảng sân ngập tràn nắng, ngoài cây cảnh lô nhô, là rất nhiều khung ảnh. Nhìn lướt một lượt, tôi nhận ra: Đây toàn là những bức hình Kính chụp.
- Mời các bạn tham quan triển lãm "Nụ cười". – Hắn cúi đầu. Rồi ngẩng lên, gãi đầu và cười. Có vẻ ngượng nghịu, nhưng tự tin, của người biết mình đang làm gì.
Tôi không biết Kính đã âm thầm chụp từ bao lâu (có lẽ là suốt từ trước đến nay), và mất bao nhiêu công chọn ra từ bao nhiêu bức ảnh. Những tấm hình có Ông bà Kính cười hiền hậu, có Bà ngoại YOLO của tôi cười móm mém, có Mẹ Kính cười lấp lánh..., có cả bác Bún riêu cười hồ hởi, có Tèo (ôm con Nhợn) cười sằng sặc, có Bông cười híp mắt, có Củ Lạc cười toe... Đó, là những nụ cười vô ưu nhất đời. Bạn có thể thấy niềm vui từ những bức hình lan vào không trung, và tan vào trong bạn.
Tôi đã không biết phải nói gì với Kính, và càng không biết nói gì nữa, khi xem đến phần cuối của "triển lãm" nơi góc sân, có một ít những tấm hình chụp tôi. Một ít, nghĩa là không nhiều. Nhưng nhiều hơn ảnh chụp bất cứ ai trưng bày ở đó. Những tấm hình tôi chưa thấy bao giờ và mặc dù chụp tôi: Tôi thấy vừa quen quen vừa là lạ. Vụng về (như tôi nghĩ). Dịu dàng (hơn tôi nghĩa). Ngố (như tôi nghĩ). Phơi phới (ngoài sức tưởng tưởng của tôi).
- Thấy chưa. – Củ Lạc hồ hởi, mà tôi thì giật mình. Nhưng (may quá) nó nói với Kính chứ không phải tôi. – Tớ đã bảo sắp xếp vị trí như này là ổn. Có điều là mấy cái giá này vẫn hơi cồng kềnh, lần sau nghĩ ra cái gì cho gọn gang hơn nhỉ? Với lại, nên làm thế nào nhỉ, vẫn hơi bị chói sáng khó nhìn được nước ảnh, nếu có bóng râm thêm một tí, hay dùng chất liệu gì cho khỏi bóng...
Trong một động thái không biết ngớ ngẩn hay khôn ngoan, dở hơi hay sáng suốt, Bông bịt miệng Củ Lạc kéo ra một góc. Để lại tôi vẫn mặt đỏ bừng và tim đập rộn như trống.
|
Bỗng dưng, tôi muốn cầm tay Kính vô cùng. Nhưng sẽ thật là quên nếu phải thốt ra điều đó hay... tự mình cầm tay cậu. Vì thế, à, tôi bỗng dưng nghĩ ra.
- Ái chà, lạnh quá!
Tôi thổi phù phù vào tay mình, kêu khe khẽ rồi... nắm lấy tay Kính. Cả hai tay, trong tay mình.
Vẫn tỏ ra tự nhiên (dù tai tôi đã nóng bừng lên), tôi tỉnh bơ:
- Èo, tay cậu cũng lạnh, nhưng ấm gì cả!
Và những định buông tay cậu, nghĩ: "Thế là đủ rồi!".
Nhưng Kính đã níu lấy tay tôi, giữ lại trong tay cậu. Mỉm cười.
Tôi thấy mình đang ở giữa rừng đào phai, mà từng cánh hoa hồng phớt đều xòe bung, nở bừng.
RIDDIKULUX
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top