IV. Phòng đợi - 1
Thời tiết đẹp vẫn nấn lại. Cứ như đã tháng Sáu, để ta lôi kính râm va xăng đan ra đi mua kem ốc quế. Có ba cái xác mới trên Bức tường. Một là linh mục, vẫn còn mặc áo thụng đen. Nó được khoác vào người ông ta, khi ra tòa, dù bản thân họ đã bỏ không mặc từ nhiều năm trước, khi hỗn chiến tông phái mới bắt đầu; áo giáo chức tố họ rành rành ra đấy. Hai người kia cổ đeo tấm biển màu tía: Phản bội giới. Xác còn mang cảnh phục Vệ binh. Bị bắt tại trận, hẳn rồi, nhưng ở đâu? Trong doanh trại, trong phòng tắm? Khó đoán được. Người tuyết miệng cười đỏ bị dỡ đi rồi.
"Chúng ta về thôi". tôi bảo Ofglen. Lúc nào cũng là tôi lên tiếng. Đôi khi tôi tưởng giá mình không nói, cô ta sẽ đứng đây hết đời. Nhưng để thương khóc, hay đang khoái trá? Tôi vẫn không đoán được.
Không nói một lời cô xoay lại, như được điều khiển bằng giọng nói, như có lắp ở chân những bánh xe nhỏ bôi dầu, như con búp bê trong hộp nhạc. Tôi thù vẻ duyên dáng này. Tôi thù cái đầu lành hiền, cúi thấp như trước con gió mạnh. Mà có gió đâu.
Chúng tôi rời Bức tường, trả lại theo đường đã đến, trong nắng ấm.
"Một ngày tháng Năm rất đẹp," Ofglen nói. Tôi cảm thấy, hơn là nhìn thấy, đầu cô ngoảnh về tôi, chờ được trả lời.
"Quả có thế," tôi nói. "Sáng danh," tôi thêm, như nghĩ lại. Ngày tháng Năm. Mayday. Đó từng là một tín hiệu gặp nạn, từ lâu lắm, một trong số những cuộc chiến ngày xưa có học ở trường. Tôi không ngớt lẫn lộn chúng với nhau, nhưng có thể phân biệt qua máy bay nếu chú tâm cho kỹ. Nhưng chính là Luke cho tôi biết về "mayday". Mayday, mayday, cho những phi công khi máy bay trúng đạn, và tàu - cả tàu nữa nhỉ? - giữa khơi. Hình như là SOS cho tàu. Tôi ước mình có thể đi tra cái đó. Và một đoạn nhạc Beethoven, dân trước tin chiến thắng, ở một trong những cuộc chiến đó.
Em có biết nó từ đâu ra không? Luke nói. "Mayday" ấy?
Không, tôi nói. Từ đó dùng vào đây thì hơi lạ, đúng không?
Báo sáng và cà phê, các sáng Chủ nhật, trước khi con sinh. Van còn có báo, thời đó. Chúng tôi thường đọc ngay trong giường.
Đấy là tiếng Pháp, anh nói. Biến âm m'aidez.
Cứu tôi.
Đang tiến về phía chúng tôi một đoàn xe nhỏ, một đám tang: ba người đàn bà, mỗi người một tấm mạng đen mỏng tang trùm qua khăn trên đầu. Một Vợ cần kiệm và hai người khác, đám thân nhân, cũng là Vợ cần kiệm, chắc bạn cô ta. Những chiếc áo sọc đã tàn tạ, khuôn mặt cũng thế. Một ngày kia, thời buổi khá hơn, dì Lydia bảo, sẽ không ai phải làm Vợ cần kiệm nữa.
Đi đầu là người chịu tang, người mẹ; cô ta ôm cái lọ nhỏ màu đen. Kích cỡ lọ cho biết nó đã lớn chừng nào thì lụi đi, bên trong cô, trôi thẳng về cõi chết. Hai hoặc ba tháng, quá bé chưa đủ xác định có phải là Phế nhi hay không. Những đứa lớn hơn, những đứa chết lúc sinh sẽ được đặt trong hộp.
Chúng tôi dừng lại, tỏ lòng tôn kính, lúc họ đi qua. Tôi không hiểu Ofglen có cảm thấy giống mình không, đau như bị đâm, ngay giữa bụng. Chúng tôi đặt tay lên ngực trái để những phụ nữ xa lạ kia hiểu mình đồng cảm với mất mát của họ. Dưới tấm mạng người đi đầu quắc mắt nhìn. Một trong hai người kia quay đi, nhổ lên hè đường. Các Vợ cần kiệm không ưa chúng tôi.
Chúng tôi đi qua các của hàng và lại tới thanh chắn, và được cho qua. Chúng tôi tiếp tục đi giữa những tòa nhà lớn bề ngoài trống rỗng, những thảm cỏ sạch cây dại. Ở góc đường gân ngôi nhà tôi tại nhiệm, Ofglen dừng lại, quay sang.
"Trong mắt Người," cô nói. Lời chia tay chuẩn.
"Trong mắt Người," tôi đáp, và cô hơi gật đầu. Cô ngần ngừ, như còn định nói thêm, nhưng rồi lại quay đi bước dọc phố. Tôi nhìn theo. Cô tựa như bóng phản chiếu của tôi, trong một tấm gương tôi đang dần rồi xa.
Trên lối xe vào, Nick lại đang cọ rửa chiếc Gió lốc. Anh ta đã cọ đến phần đuôi xe bằng crom. Tôi đặt bàn tay đi găng lên then cổng, mở ra, đẩy vào. cổng đóng lại sau lưng lách cách. Uất kim hương bên mép vườn đỏ hơn bao giờ hết, nở to, không còn là ly rượu nữa mà là chén lớn; bung mình vươn lên, muốn đi đâu? Suy cho cùng, chúng đều rông cả. Khi đã già chúng lộn ra ngoài, rồi chầm chậm bục ra, cánh rũ xuống như những mảnh vỡ.
Nick nhìn lên và bắt đầu huýt sáo. Rồi anh ta hỏi, "Đi vui chứ?"
Tôi gật đầu, nhưng không mở giọng trả lời. Anh ta không được phép nói với tôi. Tất nhiên một số sẽ thử, dì Lydia bảo. Xương thịt đều yêu đuối. Xương thịt đều là cỏ, tôi chữa lại trong đầu. Họ không đừng được, dì bảo, Chúa tạo ra họ như thế nhưng Chúa không tạo ra các cô như thế. Chúa tạo ra các cô khác hẳn. Định ranh giới là ở các cô. Rồi sau các cô sẽ được cảm tạ.
Trong vườn sau nhà, Phu nhân Chủ soái đang ngồi, trong chiếc ghế đã cho mang ra. Serena Joy, tên gì mà ngu. "Niềm vui thanh tĩnh"; nghe như một thứ thuốc bôi lên tóc, hồi đó, hồi xa xưa, cho thắng. Serena Joy, dòng chữ trên nhãn, hình cắt bóng một cái đầu đàn bà trên nền ô van hồng, mép viên vàng lượn sóng. Có đủ loại tên trên đời mà chọn, sao lại đi chọn cái này? Tên thật của bà chưa bao giờ là Serena Joy, ngay từ hồi ấy. Tên thật của bà là Pam. Tôi đọc được trong tiểu sử của bà, trên một tạp chí điểm tin, mãi lâu sau lần đầu xem bà hát trong lúc mẹ tôi ngủ vùi sáng Chủ nhật. Khi đó bà đã đủ hệ trọng cần có một cái tiểu sử: Thời báo hay Tuần tin tức gì đó, hẳn thế. Khi đó bà không còn hát nữa, mà đi diễn thuyết. Bà rất giỏi việc này. Bà phát ngôn về tính thiêng liêng của gia đình, cổ động phụ nữ ở nhà. Bản thân Serena Joy không ở nhà, mà đi lập ngôn, nhưng thất bại đó được bà coi như hy sinh cá nhân cho phúc lợi toàn thể.
Khoảng thời gian đó, có kẻ mưu toan bắn bà nhưng trượt; người thư ký, đang đứng ngay sau, đã chết thay. Kẻ khác đặt bom xe bà nhưng phát nổ quá sớm. Dù có người bảo bà tự cài bom xe mình, để mua lòng người. Tình hình căng đến mức ấy rồi vậy.
Luke và tôi đôi lúc thấy bà trong bản tin đêm. Áo choàng tắm, mũ ngủ. Chúng tôi xem mớ tóc xổ ra và cơn cuồng loạn của bà, và những giọt lệ vẫn điều ra được tùy ý, và mascara chảy đen má. Tới khi đó bà đã trang điểm đậm hơn nhiều. Chúng tôi cho bà này hay hay. Hoặc ít ra là Luke cho bà ta hay hay. Tôi chỉ vờ thấy thế thôi. Thực tình tôi thấy bà hơi đáng sợ. Bà ta thành khẩn từ đầu đến cuối.
Giờ đây bà không còn lập ngôn nữa. Bà đã trở thành vô ngôn. Bà đã ở nhà, nhưng xem ra điều đó không hợp với bà. Giờ bà phải thịnh nộ tới mức nào, khi miệng muốn há thì quai lại mắc.
Bà đang nhìn những đóa uất kim hương. Cây can nằm bên cạnh, trên cỏ. Nửa mặt bà xoay về phía tôi, tôi thấy vậy khi đánh cái nhìn vội sang ngang lúc đi qua. Nhìn lâu chẳng ích gì. Không còn là khuôn mặt cắt bóng tròn trịa nữa, mặt bà giờ đang trên đà hóp lại, và tôi nghĩ về những thị trấn xây trên mạch nước ngầm, dãy dãy nhà cửa phố xá biến mất sau một đêm, thành cái đầm nhất dạ, hoặc những thị trấn mỏ sụp xuống hầm mỏ dưới chân. Hẳn có điều tương tự đã xảy ra với bà ta, một khi nhìn thấy chân tướng của những gì đang tới.
Bà không quay đầu lại. Bà không hề tỏ ý có thấy tôi, dù biết tôi ở đó. Tôi hiểu rõ bà có biết, nó như mùi ấy, cái sự biết của bà: một thứ mùi đồ chua, như sữa hỏng.
Không phải các ông chồng cần để mắt đề phòng, dì Lydia bảo, mà là các Phu nhân. Các cô phải luôn cố hình dung họ đang cảm thấy gì. Tất nhiên họ sẽ giết các cô. Đó là lẽ thường. Hãy cố thông cảm họ. Dì Lydia nghĩ mình rất giỏi thông cảm người khác. Hãy cố thương lấy họ. Tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm. Lần nữa nụ cười run rẩy, như kẻ ăn mày, hàng mi chơm chớp lối cận thị, đôi mắt ngước nhìn lên, qua mắt kính tròn vành thép, về phía cuối lớp học, như thể cái trần thạch cao sơn xanh đang mở ra và Chúa trên đám mây hồng ngọc trai màu phấn thoa mặt đang giáng thế qua mớ dây điện và vòi phun cứu hỏa. Các cô phải hiểu rằng họ là những người đàn bà thất bại. Họ không có khả năng...
Tới đây giọng dì vỡ ra, rồi khoảng lặng ngắn ngủi, và tôi nghe thấy tiếng thở dài, một tiếng thở dài tập thể dâng lên xung quanh. Sột soạt hay cựa quậy trong khoảng lặng là không khôn ngoan: dì Lydia trông lãng đãng thật đấy nhưng để mắt từng cử động. Vì vậy chỉ có thở dài.
Tươmg lai nằm trong tay các cô, dì tóm lại. Tay của dì dang về phía chúng tôi, cử chỉ cổ xưa vừa là cung hiến vừa là mời mọc, hãy tới đây, trong vòng tay ôm, trong tình đón nhận. Trong tay các cô, dì nói, nhìn xuống tay mình, cứ như chúng đã gợi ý cho dì. Nhưng trong đó không có gì hết. Tay dì trống rỗng. Chính tay chúng tôi mới phải đầy ắp tương lai, thứ tương lai có thể nắm lấy, nhưng không nhìn thấy được.
Tôi đi vòng tới cửa sau, mở ra, vào nhà, đặt giỏ xuống bàn bếp. Bàn đã chà sạch, không vương chút bột; mẻ bánh hôm nay, vừa nướng tức thì, đang nguội đi trên giá. Bếp tỏa mùi men, một mủi nhung nhớ. Mùi ấy nhắc về những căn bếp khác, những căn bếp của tôi. ấy là mùi mẹ; mặc dù chính mẹ tôi không bao giờ làm bánh. Ấy là mùi tôi, thời trước, khi tôi còn là mẹ.
Đó là một mùi phản trắc, và tôi biết mình cần phải cấm cửa nó đi.
Rita có đó, đang ngồi bên bàn, gọt vỏ và xắt nhỏ cà rốt. Cà rốt đã già, rất dày, để qua đông, đã phun rễ qua thời gian cất trữ. Cà rốt mới, mềm và nhợt, còn phải đợi vài tuần nữa. Con dao trong tay chị sắc và sáng loáng, đầy cám dỗ. Có được một cái tôi cũng muốn lắm.
Rita ngừng thái cà rốt, đứng dậy, nhấc các gói khỏi giỏ, gần như háo hức. Chị nóng ruột xem tôi mang gì về, dù lúc nào cũng nhăn nhó khi tháo bọc ra. Chẳng có gì tôi mang về làm chị hài lòng hoàn toàn cả. Chị đang nghĩ nếu là mình sẽ khá hơn nhiều. Giá để chị tự đi mua sắm, lấy về đúng cái chị muốn; chị ganh tị cuộc đi của tôi. Ở nhà này ai cũng ganh ai cái gì đó.
"Có cam đấy," tôi nói. "Ở tiệm Sữa và mật, vẫn còn lại một ít." Tôi dâng ý tưởng này cho chị như là tiến lễ, tôi muốn mua lấy ít thiện cảm. Tôi nhìn thấy cam từ hôm qua, nhưng chưa nói với Rita; hôm qua chị gắt gỏng quá đỗi. "Mai tôi sẽ lấy về, nếu chị đưa tôi phiếu cam." Tôi chìa con gà cho chị. Hôm nay chị muốn lấy thịt nướng, nhưng hết mất rồi.
Rita làu nhàu, không biểu lộ chút hài lòng hay chấp thuận nào. Chị sẽ nghĩ sau, cần hiểu là thế, khi được thư thái một mình. Chị cởi dây buộc con gà, tháo miếng giấy bao. Chị ấn lên thân, bẻ gập một cánh, thọc ngón tay vào hốc bụng, lần tìm đống lòng mề. Con gà nằm trơ đó, không đầu không chân, nổi da gà như đang rét run.
"Hôm nay ngày tắm," Rita nói, không nhìn tôi.
Cora vào bếp tử phòng kho sau nhà, nơi để chổi và que cọ sàn. "Gà kìa," chị nói, gần như mừng rỡ.
"Giơ cả xương," Rita nói, "nhưng cũng phải chịu thôi."
"Không còn gì hơn cả," tôi nói. Rita lờ đi.
"Tôi thấy thế là to rồi," Cora nói. Chị ta bênh vực tôi chăng? Tôi nhìn chị ta, để xem có nên cười không; nhưng không, chị chỉ đang nghĩ tới món đồ ăn. Chị ta trẻ hơn Rita; ánh nắng, xiên xiên chiếu vào qua cửa sổ đằng Tây, tô rạng mái tóc rẽ đôi buộc túm ra sau. Chị hắn từng đẹp, cách đây chưa lâu. Có hai vết nhỏ, như lúm đồng tiền, trên hai tai chị, vết bấm khuyên đã liền.
"Bự," Rita nói, "nhưng toàn xương. Cô phải bảo chứ," chị ta bảo, nhìn thẳng vào tôi lần đầu tiên. "Cô thuộc đám xoàng xĩnh kia đấy chắc." Chị ta muốn nói địa vị của Chủ soái. Nhưng theo ý khác, ý của chị ta, chị ta có nghĩ tôi thuộc loại xoàng xĩnh. Chị ta đã hơn sáu mươi, mọi định kiến đã xây kiên cố.
Chị ra bồn rửa, khua tay qua dưới vòi nước, thấm vào khăn lau bát. Khăn màu trắng có sọc màu lam. Khăn lau bát vẫn y như trước. Đôi lúc những chớp nhoáng đời thường kiểu ấy ập vào tôi đang mất cảnh giác, như phục kích. Cái bình thường, cái quen thuộc, một điều gợi nhớ, như một cú thoi. Tôi nhìn thấy tấm khăn, tách rời bối cảnh, và cố nén hơi. Với một số, cách nào đó, mọi sự chưa thay đổi gì nhiều lắm.
"Ai lo tắm?" Rita hỏi Cora, không hỏi tôi. "Tôi phải làm mềm con chim này đã."
"Tôi sẽ làm sau," Cora nói, "khi nào lau bụi xong."
"Sao xong thì thôi," Rita nói.
Họ nói về tôi cứ như tôi không nghe thấy. Với họ tôi chỉ là một việc nhà, giữa bộn bề việc khác.
Tôi bị giải tán rồi. Tôi nhặt giỏ lên, ra khỏi bếp theo sảnh về phía cây đồng hồ ông nội. Cửa phòng nghỉ đóng. Nắng vào qua cửa vòm bán nguyệt, rơi xuống sàn nhuốm sắc màu: đỏ và lam, tía. Tôi dợm bước vào đó, xòe rộng đôi bàn tay: tay hứng đầy hoa nắng. Tôi lên cầu thang: mặt tôi, xa cách, trắng nhợt và méo mó, nhốt giữa tấm gươmg dài, phồng ra như con mắt đang bị ấn. Tôi theo tấm thảm hồng pha xám dọc hành lang dài tầng trên, trở lại phòng.
Có ai đang đứng trên hành lang, gần cửa phỏng tôi ở. Hành lang nhập nhoạng, người này là đàn ông, lưng xoay về tôi; ông ta đang nhìn vào phòng, ánh sáng hắt ra khiến người ông tối sẫm. Giờ tôi thấy rồi, là Chủ soái, ông ta không được ở đây mới phải. Ông ta nghe tiếng tôi đến, quay lại, lưỡng lự, tiến lên, về phía tôi. Ông ta vi phạm luật, tôi làm gì đây?
Tôi dừng lại, ông ngừng bước, tôi không nhìn thấy mặt ông, ông ta đang nhìn tôi, ông ta muốn gì? Nhưng rồi ông lại tiến tới trước, bước tránh sang bên tránh chạm phải tôi, khẽ nghiêng đầu, đi mất.
Tôi đã được chỉ cho cái gì đó, nhưng là gì? Như quốc kỳ một nước chưa biết tên, thoáng hiện sau nếp đồi. Có thể là tấn công, có thể là dàn xếp, có thể là ranh giới, một lãnh địa lạ. Những tín hiệu giữa loài vật với nhau: mí mắt xanh cụp xuống, tai quặt ra sau, lông vũ trên cổ dựng lên. Răng nanh lộ ra chớp nhoáng, ông ta nghĩ mình đang làm cái chết tiệt gì đây chứ? Không có ai nhìn thấy ông ta. Hy vọng thế. Ông ta đã xâm nhập ư? Ồng ta đã vào phòng tôi ư? Tôi đã gọi là phòng tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top