II. Mua sắm - 1
Một ghế, một bàn, một đèn. Tít trên trần quét vôi trắng, một vòng hoa đắp nổi, chính giữa là khoảng trống hoác trát thạch cao, như hố rỗng trên mặt nơi con mắt đã bị lấy đi. Đây hẳn từng treo một bộ đèn chùm, lúc trước. Người ta đã bỏ đi tất cả những gì có thể dùng buộc dây vào.
Một cửa sổ, hai rèm trắng. Dưới là bệ cửa đặt cái gối tựa nhỏ. Khi cửa sổ mở hé - chẳng bao giờ mở hơn - gió lùa vào làm tấm rèm lay động. Tôi có thể ngồi trên ghế, hay trên bệ cửa, tay khoanh lại ngắm cảnh này. Nắng cũng vào qua cửa, rớt xuống nền nhà, bằng gỗ, ghép từng tấm hẹp, đánh xi bóng loáng. Tôi ngửi thấy được mùi xi. Sàn trải thảm, hình ô van, bện bằng giẻ. Họ thích lối chấm phá ấy: thủ công dân gian, hơi cổ, do phụ nữ làm, trong lúc rảnh rỗi, bằng những thứ vứt đi. Trở về với giá trị truyền thống. Không phí phạm sẽ không thiếu thốn. Tôi đâu bị lãng phí đi. Sao còn không đủ?
Trên tường phía trên ghế, một tranh, có khung nhưng không kính: vẽ hoa, diên vỹ xanh, màu nước. Hoa vẫn được cho phép. Có phải chúng tôi đều có tranh như nhau, ghế như nhau, rèm trắng như nhau? Hàng quân dụng?
Cứ coi như đang trong quân ngũ đi, dì Lydia bảo.
Có một giường. Giường đơn, đệm cứng vừa, ga trắng nhồi bông tái chế. Giường chẳng để làm gì khác ngoài việc ngủ - hoặc mất ngủ. Tôi cố gắng không nghĩ quá nhiều. Như mọi thứ lúc này, nghĩ cũng phải phân phối. Có rất nhiều thứ không nên mất công nghĩ. Nghĩ ngợi có thể ảnh hưởng tới cơ may, mà tôi thì muốn tồn tại. Tôi biết tại sao không có kính, che bức màu nước hoa diên vỹ, và tại sao cửa sổ lại chỉ mở hờ, lại dùng kính không vỡ. Không phải họ sợ bỏ trốn. Đằng nào cũng chẳng đi được xa. Mà sợ lối thoát kia, lối thoát chúng tôi có thể mở được trong mình, chỉ cần vật có cạnh sắc.
Thế. Ngoài những điểm đó, đây cũng giống như phòng khách ở trường đại học, dành cho thứ khách tầm xoàng nhất; hay một phòng trọ, thời xưa, cho các quý bà trong hoàn cảnh sa sút. Như là chúng tôi bây giờ đây. Hoàn cảnh sa sút cả rồi, ấy là với ai vẫn còn hoàn cảnh.
Nhưng mà ghế, nắng, và hoa: không nên phủ nhận. Tôi còn sống, tôi sống, tôi hít thở, tôi duỗi bàn tay, xòe rộng, vươn vào ánh nắng. Nơi tôi ở không phải nhà tù, mà là một đặc ân, dì Lydia bảo vậy, trung thành với công thức hoặc - hoặc của mình.
Chuông báo giờ đan reo. Ở đây giờ báo bằng chuông, như tu viện ngày xưa. Cũng như tu viện, gương chẳng có mấy.
Tôi đứng lên khỏi ghế, bước chân vào nắng, trong đôi giày đỏ, đế bằng, để bảo vệ cột sống chứ không phải để nhảy. Đôi găng đỏ nằm trên giường. Tôi nhặt lên, đi vào tay, từng ngón một. Mọi thứ trừ đôi cánh hai bên mặt tôi đều đỏ: màu của máu, dấu hiệu của bọn tôi. Váy phồng chấm mắt cá, nịt bụng phẳng cao đến ngực, tay dài trùm kín. Cả đôi cánh trắng cũng là hàng đặc dụng: để chúng tôi không thấy được, nhưng cũng không bị thấy. Tôi mặc đồ đỏ không đẹp, không hợp gì tôi. Tôi nhặt giỏ hàng lên, khoác vào cánh tay.
Cánh cửa phòng này - không phải phòng tôi, tôi không nói phòng tôi - không khóa. Nói cho đúng là không đóng được. Tôi ra hành lang đánh bóng, giữa có thảm dài, màu hồng pha xám. Như lối mòn xuyên rừng, như thảm nhung cho hoàng tộc, nó đưa đường tôi đi.
Tấm thảm ngoặt góc đi xuống cầu thang trước và tôi xuống theo, trượt tay theo tay vịn, xưa từng là cây, đốn xuống vào một thế kỷ xưa hơn, đã cọ đến bóng nhoáng. Victoria hậu kỳ, nhà cho cả gia đình, một gia đình lớn, giàu có. Sảnh có cây đồng hồ ông nội, sẻn ra từng tí thời giờ, tiếp là cửa dẫn đến phòng nghỉ chính dáng dấp mẹ hiền, phảng phất màu xác thịt. Một phòng nghỉ chưa bao giờ tôi được ngồi hay nằm nghỉ, chỉ quỳ hoặc đứng. Ở đầu kia sảnh, bên trên cửa chính, một cửa vòm bán nguyệt kính màu: hình hoa, đỏ và xanh.
Vẫn còn một gương, trên tường trong sảnh. Nếu quay cổ sao cho hai cái cánh giới hạn trường nhìn thẳng vào đó, sẽ thấy được nó khi xuống thang, tròn, lồi, dài bằng người, như mắt con cá, thấy tôi trong đó một cái bóng méo mó, không biết để nhái giễu gì - một nhân vật cổ tích choàng khăn đỏ, đang xuống dần đến một giây phút bất cẩn cũng ngang với hiểm nguy. Một Xơ, nhúng trong máu.
Cuối cầu thang có giá treo mũ và ô, bằng gỗ uốn, những thanh dài tròn cuộn nhẹ gá vào các móc trông như lá dương xỉ non đang duỗi. Vài cái ô bỏ đó: đen, của Chủ soái, lam, của Phu nhân Chủ soái, và cái dành cho tôi, màu đỏ. Tôi để cái ô đỏ yên, bởi nhìn qua cửa thấy trời hôm nay nắng. Tôi tự hỏi Phu nhân Chủ soái có trong phòng nghỉ không. Không phải lúc nào bà ta cũng nghỉ. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng bà đi đi lại lại, một bước nặng rồi một bước nhẹ, và tiếng cây can khẽ gõ trên thảm màu hồng đào sắc tro.
Tôi đi dọc sảnh, qua cửa phòng nghỉ và cửa dẫn vào phòng ăn, mở cửa cuối sảnh mà vào bếp. Không còn mùi xi gỗ nữa. Rita ở đây, đứng bên bàn bếp, mặt bàn tráng men trắng mẻ mép. Chị mặc bộ áo thường lệ của Martha, màu lục xỉn, như áo choàng phẫu thuật thời xưa. Kiểu giống áo tôi, dài và kín mít, nhưng thêm tạp dề yếm và không có cánh trắng hay mạng trùm. Chị chỉ trùm mạng khi ra ngoài, nhưng có ai thấy mặt các chị Martha cũng chẳng sao. Tay áo xắn đến khuỷu, lộ cánh tay nâu. Chị đang làm bánh mì, ném từng ổ bánh để nhào sơ lần cuối đợi vào khuôn.
Thấy tôi Rita gật đầu, khó biết chào hay chỉ ra dấu biết tôi có đó, và chùi hai bàn tay đầy bột vào tạp dề để lục ngăn bếp tìm sổ phiếu. Mày cau lại, chị xé ra ba tờ đưa tôi. Khuôn mặt chị nếu cười chắc sẽ hiền hậu. Nhưng cái nhíu mày không nhằm vào cá nhân tôi: là chị khó chịu với cái áo đỏ, và cái ngụ ý đằng sau nó. Chị nghĩ tôi có thể lây lan, như bệnh dịch hoặc một thứ điềm gở.
Thi thoảng tôi có nghe lỏm ngoài cánh cửa đóng kín, một việc ngày xưa tôi không đời nào lam. Tôi không nghe lâu, bởi không muốn bị bắt quả tang. Tuy nhiên, có lần tôi nghe Rita nói với Cora, chị sẽ không cho phép mình thấp kém tới mức ấy.
Ai thèm hỏi chị? Cora nói. Mà nữa, chị sẽ làm gì, trong trường hợp ấy?
Tới khu Kiều dân, Rita nói. Họ được quyền chọn.
Với đám Phế nữ, cùng chịu chết đói và Chúa biết những gì những gì nữa ư? Cora nói. Thôi xin chị.
Họ đang lột vỏ đậu; sau lần cửa đóng gần kín tôi vẫn nghe thấy tiếng những hạt đậu cứng rơi leng keng vào bát sắt. Tôi nghe tiếng Rita, làu nhàu hoặc thở hắt, phản đối hay đồng tình.
Sao đi nữa, họ làm thế cũng chỉ vì mọi người, Cora nói, hoặc ít ra họ bảo vậy. Nếu tôi không thắt rồi, biết đâu chẳng đến lượt tôi, ấy là giá sử tôi trẻ lại mười năm. Không tệ đến thế đâu,. Ít ra đâu có gì gọi là nặng nhọc.
Thà nó còn hơn rôi, Rita nói, và tôi đẩy cửa. Trên mặt họ hiện cùng cái vẻ của mọi đàn bà mải cuộc ngồi lê nghĩ đối tượng chắc đã nghe thấy: lúng túng, nhưng cũng có vẻ tự vệ, quyền của họ đấy chứ. Hôm đó, Cora tử tế với tôi hơn, Rita cáu kỉnh hơn mọi bận.
Hôm nay, kệ cho Rita mặt kín bưng, môi mím chặt, tôi vẫn muốn ở lại đây, trong bếp này. Cora có thể sẽ vào, từ ngóc ngách nào đó trong nhà, mang theo bình dầu chanh và giẻ, và Rita sẽ pha cà phê – trong nhà các Chủ soái vẫn còn có cà phê ra cà phê, và chúng tôi sẽ ngồi quanh bàn bếp của Rita, cũng chẳng phải của Rita, giống như bàn của tôi chẳng phải của tôi, và cùng nói chuyện, về nhức nhối và đau đớn, bệnh tật, bàn chân, cái lưng, mọi thứ trò tai quái cơ thể ưa nghĩ ra, như đám trẻ ngỗ nghịch. Chúng tôi sẽ gật gật đầu điểm nhịp cho lời những người kia, tỏ dấu rằng vâng, chúng tôi cũng qua hết mọi thứ đó. Chúng tôi sẽ bày cho nhau phương thuốc và đua nhau kể những khốn khổ thể xác; sẽ than phiền khẽ khàng, điệu thứ, u sầu như bồ câu trên máng đầu hồi. Tôi hiểu chị sao mà, chúng tôi bảo vậy. Hoặc có khi, một lối nói kỳ cục đôi lúc vẫn nghe thấy, ở miệng người già: Tôi nghe ra chị đến từ đâu, như thể bản thân giọng nói cũng là một lữ khách, từ nơi xa xôi lặn lội tới. Mà rồi sẽ như thế, mà nay như thế thật.
Trước tôi khinh những cuộc trò chuyện kiểu thế biết bao. Giờ tôi mong mỏi. Ít nhất cũng là trò chuyện. Là một kiểu trao đổi, ấy thế.
Hoặc chúng tôi buôn tin. Các chị Martha biết tất, nhờ những câu chuyện giữa họ với nhau, bản tin phi chính thống truyền nhà này qua nhà khác. Cũng như tôi, họ rình nghe ở cửa, đã hẳn, và nhìn thấu cả dù mắt xéo đi chỗ khác. Tôi đã đôi lúc nghe thấy, bắt chợt từng mẩu các cuộc chuyện riêng của họ. Thai lưu, thật đấy. Hoặc, Đâm cô ả bằng kim đan, ngay đúng bụng. Lòng ghen, còn gì nữa, đã nuốt chửng bà ta rồi. Hoặc, trêu ngươi không chịu được, Đúng là dùng nước cọ toa lét đấy. Công hiệu như thần, dù ai cũng nghĩ ông ta phải nếm nó rồi. Chắc say đáo để rồi; nhưng họ cũng truy ra cô ta ngay thôi.
Hoặc tôi sẽ giúp Rita làm bánh mì, nhúng ngập tay trong cái chất ấm mềm quanh quánh rất giống da thịt. Tôi thèm được đụng chạm đến điên lên, bất cứ thứ gì không phải vải cũng không phải gỗ. Tôi thèm phạm phải hành vi đụng chạm.
Nhưng cho dù tôi mở miệng hỏi, dù tôi có phạm giới đến mức đó, Rita cũng sẽ không chấp thuận. Nỗi sợ của chị quá lớn. Các chị Martha không được phép huynh hảo với chúng tôi.
Huynh hảo, fraternize, có nghĩa là xử sự như anh em với nhau. Chính Luke cho tôi biết thế. Anh còn nói không có từ tương ứng để chỉ xử sự như chị em với nhau. Sororize, nếu có chắc là vậy, anh nói. Gốc từ La tinh. Anh ưa tìm hiểu những thứ tỉ mẩn như thế. Quá trình phái sinh từ ngữ, những cách dùng đặc thù. Tôi thường trêu chọc anh vì cái thói tầm chương ấy.
Tôi cầm mấy tờ phiếu từ bàn tay Rita đang chìa xa ra. Trên phiếu có hình vẽ, giá trị tờ phiếu đổi được: một tá trứng, miếng pho mát, một thứ nâu nâu hiểu là thịt nướng. Tôi bỏ hết vào túi khóa kéo trên ống tay áo, cùng với tờ thông hành.
"Bảo lấy loại tươi, trứng ấy" chị nói. "Không phải như lần trước đâu. Và nhớ là thịt gà non, bảo thế, không phải gà mái. Cứ bảo lấy cho ai rồi nó sẽ không dám lờn".
"Nhớ rồi" tôi nói. Tôi không cười. Đem tình bạn cám dỗ chị ta làm gì chứ?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top