Chuyện Hi-End (Thú chơi Audio)

Giới thiệu qua về các dòng nhạc

Nhạc Jazz:

Jazz là một thể loại nhạc có nguồn từ Hoa Kỳ. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Những đặc điểm này được nhận thấy trong kiểu cách chơi nhạc Jazz của những nghệ sĩ người Mỹ. Dòng nhạc Jazz đã phát triển từ loại nhạc vui nhộn và nhạc blues trong thời gian đầu của thế kỷ 20, và tiếp tục phát triển với những huyền thoại như: Duke Ellington, Miles Davis, Herbie Hancock..., và phát triển lớn mạnh cùng với các thể loại nhạc khác như nhạc cổ điển, nhạc Rock, hip-hop... Các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng: Louis Armstrong, Miles Davis, John Coltrane...

Nhạc Country:

Trước hết, có thể hiểu ngay " nhạc Country" đó là nhạc đồng quê. Khi âm thanh và giai điệu nổi lên, người ta có thể hình dung đến những đồng cỏ bạc ngàn xanh mướt - với những chàng cao bồi miền Tây lãng du. Nói đúng hơn, nhạc Country gắn liền với một nển văn hoá cao bồi mà ở Mỹ chính là quê hương. Nhạc đồng quê ra đời ở Mỹ dựa trên nhạc thượng du miền Nam, chịu nhiều ảnh hưởng từ những hệ thống nhạc khác như Blues, Jazz. Loại nhạc này thường có giai điệu trầm buồn. Nhạc Country phổ biến nhờ đài phát thanh Grand Ole Orpy bang Tennessee vào những năm 20.

Nguồn gốc của chúng xuất phát từ những người dân Anh nhập cư đến Mỹ, họ mang theo những ca khúc Ballad Celtic với phần lời theo lối kể chuyện mộc mạc, bình dân. Nói khác đi, cội nguồn của nhạc nhạc country chính là những bài dân ca mà những người dân nhập cư từ Anh, Scotland, Iraland đã mang đến vùng núi Appalanchian ở miền Nam Mỹ vào thế kỷ 18 - 19. Ðến thập niên 1930 - 1940, những bộ phim về cao bồi Viễn Tây đã làm dậy lên làn sóng nhạc country. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ngành công nghiệp ghi âm bùng nổ, Nashville trở thành chiếc nôi của nhạc Country. Và đến những năm 60, dòng nhạc này thực sự ở đỉnh cao với người khởi xướng là Bob Dylan và nhóm byrds. Dòng nhạc thanh cảnh, không cần nhiều nhạc cụ, đôi khi chỉ là một cây guitar; người ta vẫn say sưa hát. Nội dung đơn giản với trung bình khoang từ trong một bài. Chủ đề thường gặp ở nhạc Country là những triết lý nhỏ về cuộc sống, cuộc đời của những người lao động, sự cô đơn hay những niềm tin và các mối quan hệ trong gia đình.

Ngày nay, để đáp ứng thị hiếu của người nghe, các nhà sản xuất thường pha trộn giữa Country với nhạc Pop và Rock đã phần nào làm cho người nghe, nhất là giới trẻ, khó có thể nhận và phân biệt từng loại nhạc (những bài hát của Shania Twain; Garth Brooks; Trisha Yearwood). Tuy nhiên, cũng phải nhờ họ mà nhạc nhạc Country không bị rơi vào sự lãng quên.

Nhạc Blues:

Nhạc Blues (/bluːz/) có nguồn gốc từ những điệu hát của miền tây Phi Châu được các nô lệ da đen mang sang Bắc Mỹ, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mississippi (Mississippi Delta) tại miền nam Hoa Kỳ. Tại vùng đất mới, điệu nhạc thô sơ này được phát triển thêm với các nhạc khí mới và trở nên rất phổ thông trong các cộng đồng nô lệ người Mỹ gốc Phi khi họ tụ tập với mục đích làm việc, gặt hái, tín ngưỡng hay tiêu khiển. Dần dần nhạc Blues được khám phá bởi các ông chủ của những người nô lệ này, và từ đó nó đã có ảnh hưởng đến hầu hết các loại nhạc tại Bắc Mỹ: nhạc Jazz, Big bands, Ragtime, Rhythm & Blues (R&B), Rock and roll, nhạc Pop, nhạc Country và ngay đến nhạc cổ điển của thế kỷ 20 nữa. Ngày nay, nhạc Blues được thưởng thức hay trình diễn bởi nhiều sắc dân của các văn hóa khác nhau trên khắp thế giới: từ Nhật sang đến Anh, từ Đông Âu cho đến Nam Mỹ, từ Nga xuống đến Úc...

Nhạc Rock:

Nhạc rock là một thể loại âm nhạc thường được trình diễn bởi các nhạc cụ chính như ghita, ghita bass và trống. Bên cạnh, một số phong cách nhạc rock còn sử dụng các nhạc cụ dùng phím như organ, piano. Một số nhạc cụ khác thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong nhạc Rock như harmonica, vĩ cầm, kèn flute, banjo, kèn melodica và trống timpani.

Sự hình thành của nhạc Rock được bắt đầu vào những năm của thập niên 1940 và thập niên 1950 với thể loại nhạc rock 'n roll và phong cách rockability, được phát triển từ giữa nhạc Blues, nhạc country và một số thể loại nhạc khác. Từ khi hình thành, nhạc rock liên tục phát triển và đi sâu vào lòng người hâm mộ.Rock&Roll thuở ban đầu được định hình nên từ rất nhiều dòng nhạc: blue nguyên thủy, R&B, và cả nhạc đồng quê, pop truyền thống, jazz, nhạc dân gian. Tất cả các dòng này cùng kết hợp một cách đơn giản, dựa chủ yếu trên kết cấu một bản bản blue nhanh, nhịp nhàng và dễ thuộc."

Vào những năm cuối của thập niên 60, nhạc rock pha trộn với nhạc dân gian folk music[1] tạo thành folk rock, với blue tạo nên blue rock và cùng jazz, làm nên jazz-rock fusion[2], và dứt khỏi ràng buộc thời gian tạo nên "rock phiêu phiêu" (psychedelic rock)[3].

Trong những năm 70, rock đã sát nhập chặt chẽ nhiểu thể loại soul,funk, và nhạc latin. Cũng trong những năm 70, rock phát triển về số lượng thể loại nhánh, như soft rock, heavy metal, hark rock,progressive rock, và punk rock. Các thể loại nhánh nổi lên trong những năm 80 gồm synthpop, hardcore punk và alternative rock. Trong thập niên 90 của thế kỷ 20, các thể loại nhánh bao gồm grunge,Britpop,indie rock, và nu metal.

Một nhóm nghệ sĩ chơi nhạc rock được gọi là ban nhạc rock hoặc nhóm nhạc rock. Rất nhiều nhóm rock bao gồm một guitarist,ca sĩ chính,tay chơi guitar bass (bassist), và tay trống (drummer), tạo nên một nhóm bốn người (tiếng Anh là quartet[4]. Một số nhóm bỏ qua một vài vai trên hoặc tận dụng ca sĩ chính chơi nhạc cụ trong khi hát, tạo thành trio hoặc duo; mặt khác lại có những ban có thêm một số người chơi khác như tayguitar rhythm và tay keyboard. Hiếm hơn, có những ban sử dụng cả nhạc cụ dây như cello hoặc violin, hay bộ hơi như saxophone, trumpet hoặc kèn trombone

Còn đây là một sô thuật ngữ trong Rock

* Lead Guitar : là loại guitar điện có tiếng thanh và cao, réo rắt,hơi méo thường được nhiều ROCKER độc diễn. Các bạn có thể dễ dàng nhận ra tiếng lead ở đoạn cuối bài November Rain của GUNS N' ROSES, hay Still Loving You của Scorpions.

* Accord Guitar : là loại guitar điện để đánh hợp âm, có âm thanh khá giống với Guitar thùng, thường thì nhiều Vocalist Metal kiêm luôn chức này : James Hetfield - Metallica, Dave Mustaine - Megadeth... Một số đoạn accord dễ nhận thấy và phổ biến ở Việt Nam là đoạn guitar đầu bài Nothing Else Matters của Metallica, HOLIDAY - SCORPIONS, Người Đàn Bà Hoá Đá của THE WALL, hay cuối bài Back To Good của Matchbox 20.

* Bass : là tiếng đàn trầm, rè rè mà chúng ta thường kêu là vỡ tan đầu người nghe, có thể nhận thấy tiếng đàn Bass nổi bật ở đầu bài Sad But True, Enter Sandman, Crash Course In Brain Surgery - Metallica, đoạn điệp khúc của Người Đàn Bà Hóa Đá - THE WALL, ....

* Drums : Trống trong nhạc Rock khác ở POP là to hơn, rõ hơn, nhiều Drummer còn trình diễn trống solo như tay trống tài năng Lars Ulrich chơi trống trong One của Metallica, nghe như tiếng đạn tiểu liên.

* Khác: Phơ còn gọi là Effect là thứ dùng để tạo ra những âm thanh đặc biệt trong Rock, phơ có nhièu loại, có thể làm tiếng đàn réo rắt, cao vút, cũng có loại làm cho đàn kêu "tè tè", có loại tạo ra âm thanh như tiếng trẻ con khóc...

* Disc Desk: nhạc cụ mới xuất hiện trong Rock như đã rất phổ thông trong nhạc nhảy, đó là thứ nhạc cụ để ghi nhạc nền, hoặc tạo ra những "Siêu Âm Thanh" : đoạn cuối One Step Closer của LINKIN' Park, GENERATION của LIMP Bizkit...

Nhạc Pop:

Example :

Nhạc Pop, hay gọi đơn giản là Pop, là một thể loại của nhạc đương đại và rất phổ biến trong làng nhạc đại chúng (phân biệt với nhạc cổ điển và nhạc folk). Thuật ngữ này không cho biết một cách chính xác về thể loại nhạc hay âm thanh riêng lẻ nào mà nghĩa của nó lại rất khác nhau phụ thuộc vào từng khoảng thời gian trong lịch sử của nó và từng địa điểm khác nhau trên thế giới. Trong làng nhạc đại chúng thì nhạc Pop thường được phân biệt với các thể loại khác nhờ một số đặc điểm về phong cách nghệ thuật như nhịp nhảy hay nhịp phách, những giai điệu đơn giản dễ nghe, cùng với một số đoạn trong bài hát được lặp đi lặp lại. Ca từ trong nhạc Pop thường nói tới tình yêu, xúc cảm và sự nhảy múa.

Mọi người tham khảo thêm :

* Dance-pop

*Indie pop

* Electropop

* Europop

* K-pop

* C-pop

* V-pop

* J-pop

* HK-pop

* Indi-pop

* Latin Pop

* Mexican pop

* Pop punk

* Pop rock]

* Pop opera]

Thập niên 80 thì ngôi sao nhạc pop đình đám nhất là Michael Jackson ( có albumn Thriller hiện vẫn giữ kỷ lục là albumn bán chạy nhất mọi thời đại...)

Thập niên 90 thì có Mariah carey tuy có bị ảnh hưởng bởi dòng nhạc R&B nhưng là một trong nhưng ca sĩ nổi danh trong thập niên này và đến bi giờ( he he)

Thập niên 2000 thì nhiều ca sĩ trẻ lên ngôi như Britney- Shakira.... trừ Michael thì Mariah , Madona vẫn còn tunh hoành lém

Đây là một vài nét về nhạc POP nhá thể loại phổ biến nhất .

Nhạc Dance:

Nhạc dance, nhạc vũ trường, là một loạt các thể loại nhạc có âm mạnh thường được dùng trong các tụ điểm vũ trường, hộp đêm, phát triển từ thể loại nhạc disco thập niên 1970 và, ở một vài chừng mực, là từ dòng Experimental Rock.Thể loại nhạc này xuất hiện và phát triển từ các hộp đêm trong thập niên 1980. Đầu thập niên 1990, sự xuất hiện của dòng nhạc vũ trường trong văn hóa đương thời được biết đến rộng rãi trong công chúng.một bài nhạc dance có 2 phần 1 phần là mở đầu phần còn lại là phần cao trào tốc độ nhịp điệu của bài nhạc nhanh và dồn dập ở giai đoạn thứ 2.

Nhạc dance thường dễ nhận ra qua âm trầm (bass) mạnh và liên tục.

Nhạc Rap:

Example:

Là loại nhạc nói hoặc đọc thanh, được đệm bằng những nhịp mạnh, dồn dập. RAP vì thế chú ý đến nhịp hơn giai điệu. Do người Mỹ da đen sáng tạo, RAP thường biểu hiện cho sức mạnh dữ dội, cuồng nhiệt và tạo cảm giác giận dữ, bạo lực

Nhạc Hiphop:

Hip Hop là một thể loại âm nhạc và trào lưu văn hoá xuất hiện từ những năm 70 tại Bronx, New York. Nền văn hóa này xuất thân và phát triển ở những khu Ghetto (thường là những nơi ở tập trung của những người nghèo, người da màu, nơi thường gắn liền với nhiều tệ nạn xã hội và băng đảng).Văn hóa Hip Hop được miêu tả như một hoạt động được hình thành bởi nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau mà chúng ta gọi là yếu tố.Những yếu tố chính bao gồm: DJing,MCing(Rapping), Graffity,Breakdance(gồm Breaking,Up-Locking,Popping và Locking).Ngoài ra còn một số yếu tố khác như: BeatBoxing,Fashion.

Lịch sử hình thành cũng hoành tráng lắm

Vào những năm 70, 10 năm trước khi nó được thế giới công nhận ,Hip Hop là sự ca tụng cuộc sống đã từ từ phát triển các nguyên tố của nó để rồi hình thành 1 hoạt động văn hoá.Nhờ vào nguồn năng lượng & động lực của nó mà Hip Hop đã trở thành chiếc chìa khoá của sự nâng cao và cải cách như 1 công trình trị giá hàng tỷ Đô.

Cái tên "Hip Hop" bắt nguồn từ đâu?

Hai từ "Hip Hop" có nguồn gốc từ đâu và ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm nếu có sự nhầm lẫn khi nói rằng 2 từ đó có nguồn từ Africa Bambaataa? Khi Bambaataa tổ chức những buổi party,Bam cảm thấy thích tạo ra tên chủ đạo cho những buổi tiệc đó thêm phần thú vị. Một trong những tên chủ đạo mà Bam đã đặt là "THE HIP HOP BEENY BOP".Một số người đã dùng nó để làm ứng tấu vì cụm từ "Benny Bop".Khi Bam tổ chức party, Starski(1 MC hợp tác với Bam) thường mở đầu buổi tiệc = những khúc ứng tấu. Starskiđã nói câu đại loại như "WELCOME TO THE HIP HOP BEENY BOP! THAT'S RIGHT YALL,HIP HOP TILL YOU DON'T STOP".Vậy thì không còn nghi ngờ gì khi ta gọi Mc Starski là người khởi nguồn của 2 từ "Hip Hop".Mặt khác, ta cũng không sai khi nói Africa Bambaataalà người khởi đầu cho Hip Hop.

* Bambaataa khởi nghiệp DJ khi còn rất trẻ, cũng như việc Bam tổ chức rất nhiều party tại South Bronx.Bambaataa.Bam bắt đầu làm việc như 1DJ(Bam dùng turntableloại nhỏ)vào năm 1970tại nơi mà người ta gọi là "The Old Center in Bronx River Houses".Đồng thời, Bam cũng làm việc chung với Kool DJ Herc, Tyrone và Mc là JoJo,Lovebug Starski,Disco King Mario và Tex DJ Hollywood suốt nhiều năm trước khi có văn hóa Hip Hop.

Định nghĩa 1 số từ ngữ trong HipHop

Bởi vì HipHop còn rất mới mẻ với người việt nên ở đây là 1 số định nghĩa về các từ ngữ được dùng trong Hiphop.

* G - từ viết tắt cho Gangsta (thành viên trong băng đảng).

* OG - Original Gangsta

* Toy - người mới rap, mới vẽ Graffiti, mới làm DJ hoặc nhảy Breakdance thường được gọi là Toy vì họ còn khá kém.

* Rookie - tương tự như Toy.

* Battle - cuộc tranh tài giữa các Rapper, Breakdancer, DJ hay những người vẽ Graffiti (Graffiti Writer). Afrika Bambaataa là người đã nghĩ ra cách battle này để giúp đỡ những người trẻ trong ghetto giải quyết xích mích 1 cách hòa bình nhất. Thay vì dùng bạo lực thì các người trẻ có thể dùng battle để giải quyết.

* Diss - hạ nhục đối thủ.

* Flow - khó giải thích bằng từ ngữ, nhưng nôm na là cách 1 rapper đọc rap trôi chảy và biến hóa thế nào cho hay.

* MC - viết tắt của Master of Ceremonies, là những người thời kì khai sinh của Hip Hop thường giới thiệu và khuấy động không khí trong những Block Parties, sau đó phát triển thành rap.

* Writer - những người vẽ Graffity.

* Beef - sự xung đột, đụng độ giữa 2 người, 2 băng đảng, 2 tổ chức.

* Crew - team, đội.

* Bboy: nam giới nhảy breakdance

* Bgirl: nữ giới nhảy breakdance

* Popper:Gọi chung cho người nhảy popping

* Homie: anh em, bạn thân... bắt nguồn từ từ Homeboy.

* Shawty : dân hiphop thường gọi các cô gái trong bài hát của mình là "shorty" do nữ thường thấp hơn nam, trại âm thành "shawty".

Nhạc Opera :

Opera là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, cũng là một dạng của kịch mà những hành động diễn xuất của nhân vật hầu hết được truyền đạt toàn bộ qua âm nhạc và giọng hát. Opera bắt đầu xuất hiện và biết đến nhiều vào tầm khoảng những năm 1600. Nhìn chung nó có sự liên kết với âm nhạc cổ điển của phương Tây.

Mặt khác, Opera đồng thời cũng sử dụng các yếu tố của ngôn ngữ nhà hát như là: cảnh nền trang trí, y phục, và nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu. Mặc dù thế, nhìn chung ta nhận thấy Opera cũng có điểm phân biệt với các thể loại nhạc kịch khác, đó chính là việc sử dụng sức mạnh của các nhạc điệu và sự hoà nhịp của kĩ thuật âm thanh điêu luyện. Người ca sĩ trình bày tác phẩm cùng với sự đệm nhạc của một dãy dàn nhạc được sắp xếp từ một nhóm các công cụ nhỏ cho đến cả một ban nhạc giao hưởng đầy đủ. Thêm vào đó, Opera cũng có thể được kết hợp với khiêu vũ và nhảy múa (đây là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu của nước Pháp). Và cuối cùng, Opera được biểu diễn trong một nhà hát riêng biệt cùng với những trang bị thiết yếu cho việc biểu diễn, mà ta được biết đến dưới tên gọi là “Opera House” (Nhà hát Opera)

Thuật ngữ học Opera

Nghĩa chính xác của từ Opera được hiểu là “lời nhạc kịch” (theo nghĩa văn học chuyên môn là “cuốn sách nhỏ”). Một vài nhà soạn nhạc, đặc biệt chúng ta kể đến ở đây là Richard Wagner, đã tự viết lời nhạc. Mặc dù thế vẫn có nhiều nhóm gồm các tác giả văn-ca-kịch cộng tác với nhau để viết nên tác phẩm, ví dụ như là Mozart cùng với Lorenzo da Ponte.

Nhạc Opera truyền thống gồm có 2 cách hát: hát nói (đây là 1 thể loại đặc trưng của Opera thông qua việc hát mà không cần giai điệu đệm) và bài hát phối khí giọng hát (khí sắc hoặc là một bài hát mang tính hình thức), trong đó cảm xúc của nhân vật sẽ được bày tỏ qua những tổ hợp giai điệu trầm bổng. Hát đôi, hát ba hoặc là sự hòa âm thường được biểu diễn, và những đoạn đồng thanh thường được sử dụng để bình luận về những diễn biến trên sân khấu.

Trong một vài hình thức khác của Opera, như là Singspiel, ópera comique, ca vũ kịch Opera và semi-opera, phần hát nói sẽ được thay thế hầu hết cho những đoạn văn trò chuyện. Giai điệu hoặc là một phần giai điệu sẽ được dạo lên vào khúc giữa hoặc là thay thế một phần nào đó trong khi hát nói, mà hầu hết đều là những giai điệu âm nhạc nắm vai trò chủ đạo.

Trong suốt thời kì phong trào nghệ thuật Ba-rốc (tầm khoảng cuối thế kỉ 16 ở Châu Âu) và thời kì Cổ điển, hát nói thường được xuất hiện qua 2 loại hình cơ bản:

1. Secco (hát nói nhanh), thường được hợp tấu với lối hát bè chạy nối đuôi nhau, trong đó thường được biểu diễn vùng với đàn davico.

2. Accompagnato (có nghĩa là hát nói hợp tấu, cũng được hiểu như là “stromentato”) mà trong đó cả ban nhạc sẽ cùng hợp tấu với nhau. Do đó, trong thể loại này có ít sự ứng khẩu qua lại và tính chất hùng biện hơn thể loại secco, nhưng lại thường có nhiều âm điệu hơn. Đây là loại hình thường xuyên được biểu diễn trong dàn nhạc để nhấn mạnh những phần diễn tiến đặc sắc của nhạc kịch. Vào thế kỉ 19, accompagnato đạt được những bước phát triển nhảy vọt, do đó ban nhạc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.

Richard Wagner đã đổi mới Opera bằng cách hủy bỏ hầu hết sự điểm khác biệt giữa bài hát phối khí dành riêng cho một giọng hát và hát nói. Trong quan điểm mới ấy, ông ấy đạt cho nó tên gọi “những giai điệu vô tận”. Theo sau đó, những nhà soạn nhạc khác cũng đi theo tiền lệ của Wagner, tuy nhiên cũng có vài người, như là Stravinsky trong tác phẩm The Rake’s Progress đã khuyến khích và rất phấn khởi với xu hướng này.

Về lịch sử

Từ Opera có nghĩa là “công việc” trong tiếng Ý (bắt nguồn từ số nhiều của tiếng Latin: opus có nghĩa là “công việc” hoặc là “lao động”) được đề xướng bời sự kết hợp giữa loại hình nghệ thuật trình diễn đơn ca và hát hợp xướng, sự ngâm thơ, nghệ thuật đóng và khiêu vũ trên những sân khấu có trang trí quang cảnh minh họa.

Jacopo Peri đã sáng tác tác phẩm Dafne. Dafne được xem như là 1 bài Opera sớm nhất trong lịch sử mà chúng ta biết đến về loại hình này cho đến tận ngày hôm nay. Tác phẩm được viết vào khoảng những năm 1557, phần lớn được sáng tác dưới cảm hứng của 1 nhóm những nhà nghiên cứu văn hóa cổ điển vùng Florentine (ở Ý), với những cảm xúc tinh túy nhất về văn học mà ta thường được biết đến dưới cái tên “Camerata”. Quan trọng hơn hết, tác phẩm Dafne là sự cố gắng phục hồi lai thể loại kịch cổ điển của Hy Lạp, một phần nữa cũng là sự hồi sinh trở lại những đặc tính mang tính chất cổ xưa của thời kì Phục hưng. Những thành viên của Camerata đã cân nhắc, xem xét kỹ phần “điệp khúc” của thể loại kịch Hy Lạp. Với hi vọng nó có thể có một cách hát độc đáo hơn và thay thế cho vai trò của toàn bộ những đoạn văn nói trong tác phẩm. Vậy thì, ở đây Opera có thể được quan niệm là một cách thức “phục hồi” lại hoàn cảnh. Nhưng thật không may mắn, tác phẩm Dafne đã bị thất lạc.

Một công trình tiếp theo sau đó được viết bởi Peri, tác phẩm “Euridice”, được xác định viết từ năm 1600, đó chính là bản hòa âm Opera đầu tiên mà vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Để thể hiện long tôn kính với tác phẩm Opera đầu tiên, người ta vẫn thường biểu diễn tác phẩm đó một cách đều đặn trong các buổi trình diễn. Mặc dù thế, sau đấy tiếp tục vẫn có sự đóng góp của tác phẩm Orfeo do Claudio Monteverdi sáng tác để phục vụ cho cung điện trong năm 1607.

New Age :

Example :

Nguồn gốc ?

Chẳng phải cổ điển, ko phải Jazz. Vậy câu hỏi đặt ra là New Age và cả tên gọi của nó nữa tại sao lại đặt tên là NEW AGE ? Câu hỏi này được đặt ra ko biết bao nhiêu lần ở các buổi phỏng vấn các nghệ sĩ, rằng New age là gì, như thế nào, tại sao lại thế, ngài đang chơi nhánh nào trong đó, các sáng tác phần lớn của ngài có nguồn cảm hứng từ đâu ? Và câu trả lời cũng khá đơn giản, ngay cả những nghệ sĩ từng ghi tên nhiều Album cũng ko biết tại sao lại gọi là New Age. Và phần ít trong số họ còn nói là ghét cái tên ấy nữa.

Nhưng 1 điều chắc chắn rằng, It's FRESH. Khi bạn nghe nó, bạn sẽ cảm nhận được nét lãng mạn, mềm mại, và sự thay đổi hay cảm nhận trong tâm hồn. Tính chất chủ đại vẫn là thư giản, tinh thần được khích lệ và cả thiền định nữa. à à tin mình đi, đây ko phải là cảm nhận riêng của mình đâu. Mà có thể xem là định nghĩa ấy. Vì nhiều nghệ sĩ cũng nói vậy mà. Ngoài ra 1 tính chất khá phổ biến nữa là sử dụng kỹ thuật phòng thu Studio, tiếng chim hót, tiếng nước chảy réo rắt.

Cũng như Secret Garden đã từng nói, mỗi con người đèu có 1 cảm nhận khác nhau, chúng tôi ko muốn bó buộc người nghe theo cảm nhận của riêng mình. Mỗi bạn đều có 1 khu vườn bí ẩn cho riêng mình - Rolf Lovland

Secret Garden

Bạn có thể tham khảo sâu hơn về Secret Garden với Web Site mình dành riêng cho Secret Garden: Secret Garden | hãy tự khám phá tâm hồn

Bởi vì theo mình secret Garden là ban nhạc hay nhất, rung động nhất về NEW AGE mà nói. Chẳng cần phải có người iu hay bị thất tình như nhiều người thường bảo mà mới cảm thấy thấm Secret Garden. Còn khi bạn buồn, hay 1 nỗi nhớ nào đó khó diễn tả bạn lại muốn nghe Secret Garden (VD The Promise). Ngòai ra còn khá thần bí như Dream Catcher...

Phân loại ?

Theo rất nhiều trang Web tiếng Anh mà trước kia mình search google về New Age, thì New Age có rất nhiều phân nhánh, có nhiều trang Web phân chia rất phức tạp. Nhưng tin tưởng nhất là allmusic.com với con số lên đến 7 phân nhánh:

- Techno-Tribal: Gabrielle Roth and the Mirrors, Michael Brook, Djam Karet

- Solo Instrumental: Alex de Grassi, John Boswell, Liz Story

- Progressive Electronic: Ryuichi Sakamoto, Patrick O'Hearn, Robert Rich & B. Lustmord

- Neo-Classical: Peter Michael Hamel, Mannheim Steamroller, Eric Tingstad & Nancy Rumbel

- Meditation: Aeoliah, Spotted Eagle, Solitudes

- Ethnic Fusion: Tri Atma, Jesse Cook, Peter Kater & Carlos Nakai

- Contemporary Instrumental: Kitaro, Liona Boyd.

Điều này có nghĩa là ko bắt buộc đối với 1 nghệ sĩ New Age. Họ có thể chơi nhiều phong cách khác nhau, có thể trong 1 Album có bài này có bài theo phong cách khác. Ví như trường hợp Enya, thì cô chơi Celtic là chủ yếu, ngoài ra còn có Ethnic Fusion và thiệt là đặc biệt khi ko ngoại trừ cả 1 thể loại hoàn tòan khác với New Age: Alternative Pop Rock.

------------

Pháo là một từ đặc biệt khi được dùng trong giới chơi đồ hi-end. “Pháo” ở đây không mang nghĩa là một loại vũ khí nào cả, mặc dù hiệu quả của nó lại có ý nghĩa na ná như thế…

Chập chững hi-end

Thuật ngữ Hi-end được du nhập vào Việt Nam quãng đầu những năm 1990s, dùng để chỉ loại thiết bị âm thanh cao cấp bao gồm đầu đọc, bộ khuyếch đại (còn gọi là ampli), loa và các phụ kiện khác. Những thiết bị này do các hãng chuyên về âm thanh sản xuất với mức giá khá cao so với thu nhập của người Việt, kể cả thu nhập vào thời điểm hiện nay chứ chưa nói tới thời kỳ mới xóa bỏ chế độ bao cấp. Mỗi cặp loa, ampli hay đầu đọc, thậm chí dây cáp nguồn, cáp loa đều có giá trung bình khoảng vài ngàn đô la Mỹ, do đó không phải bất cứ ai cũng có thể sở hữu một bộ dàn máy nghe nhạc hi-end.

Nếu đi ngược thời gian về trước nữa, thì người Việt đã sở hữu và nghe nhạc thông qua thiết bị hi-end từ trước năm 1975. Tôi đã có dịp nói chuyện với một người, ông G.V.C, và nghe ông kể chuyện năm 1975, ông từng chứng kiến trong nhà của ông Trần Thiện Khiêm bày một dàn máy có tới 16 chiếc loa, chiếc lớn nhất cao hơn đầu người. Giới chơi đồ hi-end thứ dữ của đất Sài Gòn cũng không lạ gì ông H.A.Đ, ông T.V.E, những người đã từng sở hữu các món đồ chơi âm thanh đắt tiền từ thập kỷ 70. Có điều, không giống như xe hơi, người chơi hi-end chẳng thể lái bộ dàn máy của mình ra ngoài đường, mặt khác, do đặc thù của thú chơi này nên thiên hạ ít biết đến và được chiêm ngưỡng những dàn máy âm thanh đắt tiền, mặc dù giá trị của chúng khá cao, có bộ dàn có mức giá lên tới gần triệu đô la Mỹ. Đặc thù của thú chơi này ra sao sẽ lần lượt kể với bạn đọc ở phần sau.

Nền tảng để đồ hi-end có đất sống chính là những người mê nhạc, thích nghe nhạc, hoặc có am hiểu về âm nhạc. Những người này được gọi bằng một cái tên chung là các audiophile. Xin mở ngoặc ở đây rằng âm nhạc được nói đến trong bài không phải là dòng nhạc thị trường, cũng không liên quan đến kho tàng vốn cổ âm nhạc dân tộc. Thứ nhạc các audiophile thường nghe (và cũng là thể loại nhạc được các hãng sản xuất đồ âm thanh hướng đến để tính toán khi thiết kế) là nhạc cổ điển, jazz, blue, country… Đây cũng là giới hạn và là lý do dân audiophile đa phần tuổi đời đã chạm ngưỡng băm.

Trước khi đồ hi-end có mặt trên thị trường Việt Nam, các audiophile nghe nhạc qua cassette, đầu băng cối, đĩa than cổ. Những năm thập kỷ 80, nhà ai có bộ dàn băng cối Akai, ampli Sansui và cặp loa Pioneer CS88A là đã được coi thuộc dạng đỉnh. Đầu năm 1990, dân chơi Hà Nội lần đầu tiên nhìn thấy một loại ampli khá đơn giản, không nhiều nút bấm công tắc, được nhập khẩu về thông qua một công ty thương mại quốc doanh. Có thể coi sự xuất hiện của chiếc ampli Carver này là thời điểm đánh dấu sự đổ bộ của đồ chơi âm thanh hi-end tại xứ Bắc và cũng chấm dứt luôn thời kỳ của các cassette cao cấp như Sharp 555, Sharp 777 hay Toshiba GT-6565… do thủy thủ đi tàu viễn dương buôn về. Được tiếp cận sớm hơn, ngay từ cuối những năm 80, giới audiophile đất Sài thành đã biết tới và say mê thưởng thức thứ âm thanh ngọt ngào do đồ hi-end mang lại, chủ yếu là dòng thiết bị có tiếng tăm như đầu đọc CEC, ampli Marantz, loa Tannoy…

Thầy “thuốc” và bệnh nhân người Việt

Nếu bạn đi làm cuộc phỏng vấn các audiophile với một câu hỏi duy nhất : “chơi đồ hi-end có bị “nghiện” hay không”, tôi đoan chắc với bạn dễ chừng đến 99% số người được hỏi đều trả lời rằng : Có. Để sở hữu được món đồ âm thanh ưa thích đã gian nan, nhưng để…giữ được nó còn gian nan gấp nhiều lần. Triệu chứng của bệnh “nghiện” đồ hi-end này như sau : bệnh nhân có được món đồ, nghe đi nghe lại, kể đi kể lại với giới bạn cùng sở thích, nghe ngóng lời bình phẩm, nghe âm thanh qua món đồ của hàng xóm, và cuối cùng, đem bán, đem đổi chác quách món đồ đã mua để mua, đổi lấy thứ khác sao cho vừa lỗ tai mình, lại còn vừa…lỗ tai mấy ông bạn mình nữa. Món đồ nào may mắn còn duyên với chủ, thường được đắp chiếu để đó, giống y chang cầu thủ ngôi sao được đội bóng mua về để suốt đời chỉ ngồi ghế dự bị.

Đã có bệnh nhân, đương nhiên sẽ xuất hiện thầy thuốc. Khác với thầy thuốc thông thường, các ông thầy này chữa bệnh theo cách bệnh chẳng bao giờ hết mà chỉ chuyển sang trạng thái khác. Thầy ở đây chính là người bán đồ hi-end. Liệu pháp chữa bệnh của thầy là “thuốc” bệnh nhân. Thuốc là một từ đặc trưng dùng trong giới chơi đồ hi-end. Đặc điểm của thiết bị hi-end là mỗi món đồ chỉ có thể chơi hay nhất với một hoặc một vài thể loại nhạc mà thôi. Các hãng sản xuất đồ hi-end hiểu rất rõ điều này, do vậy họ thường bán kèm hoặc giới thiệu một vài đĩa nhạc thích hợp nhất với thiết bị đó. Đĩa nhạc như thế gọi là đĩa thuốc. Khi bệnh nhân, quá chán nản với món đồ đang sở hữu, thường được thầy giới thiệu cho nghe vài món đồ mới với đĩa thuốc. Hành động đó gọi là “thuốc”. Cần phải nói rằng nghe đĩa thuốc mang lại cảm xúc lớn, đặc biệt với người mới trót ham mê thú chơi này, bởi âm nhạc được trình diễn với chất lượng âm thanh đỉnh cao và con bệnh một khi đã nghe thì khó mà thoát khỏi hấp lực mới để dẫn đến quyết định mua món đồ. Phong trào thuốc lan rộng dần,, cho đến khi ngay cả trong nhà bệnh nhân cũng luôn có sẵn vài ba đĩa thuốc phục vụ cho nhu cầu khoe âm thanh khi bạn đến chơi nhà.

Các pháo thủ - Một phần của cuộc chơi

Trên đời này, nếu đòi hỏi cuộc chơi phải công bằng sòng phẳng hết mức có thể, chắc chỉ kể ra được vài môn, như chơi đấu cờ tay đôi ở giải đấu quốc tế chẳng hạn. Chứ chơi cái gì có cờ ngoài bài trong, gà bên nọ, kéo bên kia thì thế nào cũng có người phân tâm. Thú chơi âm thanh cũng vậy. Trong thú chơi này, tồn tại một khái niệm được gọi là pháo. “Pháo” ở đây không mang nghĩa là một loại vũ khí nào cả, mặc dù hiệu quả của nó lại có ý nghĩa na ná như thế. Pháo vừa là danh từ để chỉ một công cụ, lại là động từ để chỉ hành động. Pháo thủ chính là những người dùng công cụ pháo để “pháo kích” người chơi hi-end. Nói như vậy không có nghĩa pháo thủ không phải là người chơi đồ âm thanh cao cấp. Họ có khi còn có thâm niên trong nghề chơi này, thậm chí đã từng hứng chịu những trận pháo kích thời gian trước đó hoặc ngay cả khi họ đang tham gia pháo kích người khác.

Nói đến đây bạn có thể đoán pháo là hành động nói xấu. Thực ra không hẳn như vậy. Âm thanh và đôi tai của con người là những tặng vật huyền diệu mà vũ trụ tạo ra. Nếu trên thế giới này có 6 tỷ người, sẽ có 6 tỷ khả năng nghe và cảm nhận âm thanh khác nhau. Một đặc điểm của người chơi đồ âm thanh là ý thức muốn chia sẻ cảm nhận với những người cùng sở thích. Ác thay, không phải ai cũng có năng lực cảm thụ như nhau. Ở một góc độ khác cá nhân hơn, âm thanh từ “cái dàn của hắn” không thể hát hay hơn âm thanh từ “cái dàn của ta”, đặc biệt trong trường hợp “dàn của ta” có nhiều món đồ đẳng cấp hơn, đắt tiền hơn. Và thế là sinh ra pháo và pháo thủ. Các pháo thủ khi pháo kích không hẳn là nói xấu. Thường thì pháo thủ nói rất khách quan, rì-viu dàn máy người khác với nhiều đánh giá xác đáng. Quan trọng nhất là lúc pháo thủ chép miệng chốt một vài câu kết luận, chẳng hạn “cặp loa này quá hay, nhưng giá nó đánh với ampli X thì mới phát huy được, chứ ghép bộ như vầy nghe phần trung âm không mạch lạc…”, hoặc “ampli này đẳng cấp thế giới, nhưng nó hát hay nhất với cặp loa B theo giới thiệu của tạp chí nổi tiếng A chuyên về audio…”. Khốn nỗi, cái cặp loa ở ví dụ đầu được đánh giá là hay nhất ở phần trung âm, còn cái cặp loa B ở ví dụ sau thì chưa có trên thị trường Việt Nam. Thành thử chủ nhân của món đồ bị pháo kích cứ ngẩn tò te, hoang mang không hiểu đánh giá kia có đúng hay không. Nếu không đủ bản lĩnh, chủ nhân lò dò đến hỏi thầy “thuốc”, được thầy “thuốc” cho vài món tủ nữa thì chuyện chia tay hoàng hôn với bộ dàn máy để tìm kiếm dàn máy khác là chuyện bình thường ở huyện. Anh N.V.D ở quận Phú Nhuận có một cặp loa nghe giao hưởng rất hay. Cặp loa của anh, đến tay anh là đời chủ thứ 3, hai người trước cũng đều là dân audiophile có cỡ cả. Thương hiệu loa này ở Việt Nam chỉ có duy nhất một cặp, và trên thế giới cũng không có nhiều do hãng sản xuất huyền thoại đó đã không còn sản xuất loại loa đó nữa. Tôi đã trực tiếp chứng kiến vụ pháo kích về cặp loa với nội dung như sau “vừa ngồi xuống nghe âm bass kêu cái đùng dưới chân, lại phải đứng lên không thì âm cao nó vọt qua đầu…”. Chủ nhân nghe được tức anh ách, mà không bắt cái loa cãi hộ mình được, đành lẳng lặng làm thinh. Rất may anh D là người chơi khá bản lĩnh, nên sau đó anh này chú tâm bù đắp thêm cho bộ phối ghép của mình ngày càng hay hơn, chứ không vì bị pháo kích mà vội vàng cho cặp loa nổi tiếng ngồi ghế dự bị. Mới đây, làng chơi hi-end Sài Gòn lại thêm một phen chấn động vì một cao thủ trong làng phán rằng “nghe bản sonate số 8 của Beethoven qua đôi loa Avantgarde của anh T, thấy có tiếng chim hót (!?)”. Một vài audiophile có dàn hi-end và đã từng nghe qua đĩa này liền thẩm định và khá băn khoăn vì không nghe thấy tiếng chim, trong khi cặp loa Avantgarde vốn là một thương hiệu loa rất nổi tiếng. Sau này, người ta phát hiện căn nguyên nằm ở chỗ phía kế bên nhà anh T có một tổ chim se sẻ, và khi nghe nhạc, cửa sổ đã không được đóng lại.

Có một điểm thú vị là các pháo thủ và người bị pháo kích không hề hằn thù hay ghét bỏ gì nhau. Họ là một cộng đồng khá gắn bó, thường xuyên gặp nhau để trao đổi thông tin liên quan đến âm nhạc và thiết bị âm thanh. Xét cho cùng, pháo kích cũng có tác dụng tích cực là người chơi âm thanh qua đó nâng dần trình độ thưởng thức cũng như kiến thức về cách phối ghép thiết bị. Ngoài ra, bản lĩnh của audiophile ngày càng vững vàng hơn, tự tin hơn. Với các tay chơi có kiến thức về âm nhạc và phối ghép thiết bị, chuyện pháo kích chẳng xi-nhê gì với họ. Một tay chơi như thế, anh Bình, chủ quán Audiophile 25 Tú Xương đã phát biểu rằng “nếu bạn là người nghe và say mê âm nhạc, nhạc mới là quan trọng, mà thể loại nhạc giới audiophile nghe thì làm sao pháo kích được”.

Dẫu sao, pháo và pháo thủ vẫn cứ là một phần của cuộc chơi này. Các audiophile, khi đã dày dạn và đủ bản lĩnh, tự họ sẽ nâng tầm hiểu biết và trình độ thưởng thức âm nhạc. Họ chứ không phải ai khác là người tự chữa được căn bệnh “nghiện hi-end” của mình, tự tin với dàn máy mình có, chứ không phải nhờ các thầy thuốc. Trên thực tế, một thầy “thuốc” có cửa hàng trên đường Điện Biên Phủ, Q3 đã nói với tôi rằng sau hơn chục năm thâm nhập thú chơi hi-end, hiện nay trình độ của audiophile đã được nâng lên khá nhiều, và khó mà “thuốc” được họ. Đó là điều hợp lý và tốt cho một thị trường đồ âm thanh cao cấp tại Việt Nam.

Ẩn sỹ audiophile và dân ngoại đạo

Ở kỳ trước, tôi đã kể với bạn đọc về ý thức muốn chia sẻ cảm nhận âm nhạc của audiophile. Thế nhưng sự chia sẻ này không rộng rãi mà chỉ giới hạn đối với những người cùng sở thích. Khi mức sống chưa được nâng cao, việc có một dàn máy đắt tiền cỡ vài chục ngàn đô la Mỹ đã là cái làm người ta e ngại không muốn phô bày, đúng theo phong cách kín đáo của người Á Đông. Hơn nữa, dàn máy nghe nhạc vốn là một phần của nội thất căn nhà, do đó cơ hội để nhiều người được chứng kiến và thưởng thức chúng là rất nhỏ.

Chính vì đặc thù này mà nếu có điều kiện, các audiophile thường thiết kế cho mình một phòng nghe nhạc trong nhà theo kiểu “sào huyệt”, như cách gọi của anh Kh khi mời tôi đến thăm “music room” của anh. Các phòng nghe nhạc, dù thiết kế mỗi phòng một khác theo “gu” từng người, vẫn có điểm chung là cảm giác riêng tư thể hiện rất đậm nét. Có lẽ do chủ nhân ông thường là audiophile, còn chủ nhân bà là người dù thế nào cũng phải chiều phu quân, còn hơn là ông ấy vui thú ở những đẩu đâu, nên đa số phòng nghe chỉ có một ghế quan trọng cho riêng chủ nhân, được đặt ở vị trí chính giữa so với bộ thiết bị. Thời gian đầu của phong trào chơi hi-end ở Việt Nam, audiophile chưa chú ý lắm đến đầu tư cho phòng nghe nhạc, phần vì kinh tế còn hạn chế, phần vì hiểu biết về phối ghép thiết bị và âm thanh chưa được nâng cao. Hiện nay, vấn đề đầu tư cho phòng nghe được các audiophile quan tâm chẳng kém gì bộ thiết bị. Anh C ở Tân Bình dành hẳn một tầng của căn nhà để tạo ra phòng nghe nhạc cho bộ dàn 6 đường tiếng của mình, với mức đầu tư cả trăm ngàn đô la Mỹ, chỉ riêng phần kết cấu bê tông cho bệ của chiếc loa siêu trầm đường kính 80cm đã nặng tới vài chục tấn. Anh D ở Phú Nhuận thiết kế phòng nghe trông rất quyến rũ, đến mức một vài chủ hãng audio quốc tế ngỏ lời muốn đến tham quan khi họ có dịp sang Việt Nam. Đó thực sự là những vương quốc của riêng audiophile, nơi hàng ngày vào lúc rảnh rỗi, chủ nhân một mình ngồi thưởng thức nhấm nháp hương vị ngọt ngào của âm nhạc, một mình lụi cụi bật tắt, tra đĩa tháo đĩa, chỉnh các núm volume bằng tay bất chấp việc có sẵn hàng đống bộ điều khiển từ xa đang để bên cạnh. Khi đã ở trong căn phòng nghe nhạc của chính mình, các audiophile thoắt biến ra những ẩn sỹ của thời hiện đại, chăm chú làm những công việc lặt vặt lặp đi lặp lại bằng tay, ngày này qua ngày khác. Tôi đã từng rất thán phục anh Q ở Tân Bình khi anh thoăn thoắt chọn đĩa CD bất kỳ trong số vài trăm chiếc đĩa trên giá, mỗi đĩa anh chọn ngay ra được một bài hay nhất để nghe. Những ẩn sỹ như thế nghe và nghe rất nhiều, đến độ thuộc vị trí của từng bài mình thích trong từng chiếc đĩa. Việc này chỉ có thể làm được nếu có lòng đam mê âm nhạc mà thôi.

Ấy vậy nhưng không phải những ai chơi đồ hi-end đều được coi là audiophile. Có một số người sở hữu dàn máy hi-end rất đắt tiền song hoàn toàn không có liên hệ gì với giới audiophile, cả trong nước lẫn quốc tế. Ta sẽ gọi những người như thế theo cách gọi nôm na là kẻ ngoại đạo. Kẻ ngoại đạo có một điểm chung : đây là những người có tiềm lực kinh tế, đủ hay thừa sức để mua những bộ dàn cực đắt. Kẻ ngoại đạo đa phần không phải là người mê nhạc, hay ít nhất cũng không có mấy kiến thức về âm nhạc nói chung, về nhạc cổ điển, jazz, blue… những thể loại audiophile thường nghe, nói riêng. Năm ngoái, tôi được một người bạn giới thiệu đến nhà anh T, một đại gia có tiếng trong ngành xây dựng. Phòng nghe của anh T được thiết kế rất cầu kỳ, theo đúng nguyên bản một phòng nghe mẫu được giới thiệu trên tạp chí nước ngoài, với mức đầu tư khoảng gần 2 tỷ đồng. Bộ dàn của anh toàn hàng thuộc loại “khủng”, loa Rockport, ampli Wavac, đầu turntable Goldmund… với tổng trị giá toàn bộ thiết bị lên đến gần 400 ngàn đô la Mỹ. Anh T rất xởi lởi và hiếu khách. Sau khi đã giới thiệu bộ dàn máy xong xuôi, anh trịnh trọng rút một chiếc đĩa trong số khoảng hơn chục chiếc anh có, lắp vào máy và tôi được nghe…chèo. Quả thật là chèo mà nghe qua dàn máy cao cấp thì cũng hay lắm, đã lắm, nhưng có cảm giác tiêng tiếc, thế thôi. Anh T quê ở Bắc Ninh, rất thích nghe chèo và những bản nhạc cách mạng được thu âm bởi hãng đĩa Hồ Gươm Audio. Bữa đó tôi còn được thưởng thức thêm những bài hát một thuở như Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng chày trên sóc Bom Bo… Một người khác, anh S ở Q.3 (Sài Gòn) sắm chỉ riêng đôi loa Kharma Grand Exquisite đã có giá tới vài trăm ngàn đô la Mỹ. Điểm đặc biệt là anh S trực tiếp bay sang Hà Lan, tới tận hãng để mua chứ không mua qua đại lý. Cầu kỳ như thế, nhưng khác anh T, anh S phối ghép xong bộ dàn rồi… đắp chiếu, bởi thú vui của anh là môn bóng đá và đi đánh golf mỗi cuối tuần. Khi tôi hỏi nếu vậy thì anh sắm dàn máy đắt tiền như vậy làm gì, anh nhìn tôi như gặp người Sao Hỏa : “Ô hay, đặt nó vào đấy nó sang cái nhà, ông không nhìn thấy à…”.

Dĩ nhiên, những kẻ ngoại đạo như trên chỉ chiếm thiểu số trong số người chơi đồ âm thanh chất lượng đỉnh cao. Nói gì thì nói, trừ trường hợp như anh S, những kẻ ngoại đạo khác nghe chèo, nghe hát xẩm, hát quan họ, cải lương…qua bộ dàn máy hi-end thì cũng vẫn cứ là nghe âm nhạc. Mà trên đời, nếu không có âm nhạc thì chẳng hóa ra tâm hồn ta cằn cỗi lắm ru?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #dat