chuyện đời vozer

Hôm nay cuối tuần, vừa làm xong hợp đồng cho khách hàng thì giờ muốn xả hơi nên ngồi ngẫm nghĩ cuộc sống của mình đã trải qua cho đến thời điểm này. Do vậy mới viết lại tóm tắt quá trình lớn lên từ lúc đi học cho đến lúc đi làm, thành công thất bại…một chút coi như giải trí. Nếu anh em ủng hộ thì viết tiếp. Nếu anh em nào cũng muốn share câu chuyện đời của riêng bản thân thì rất ủng hộ. Bắt đầu:

Giai đoạn : Từ năm 6 tuổi đến 10 tuổi

Câu chuyện 1: Nghèo

Bắt đầu từ khi mình biết nhận thức. Mình còn nhớ rõ năm ấy khoảng 1990-1991, năm mình khoảng 6 tuổi nhà mình còn ở khu 304.. ở khu CMT8, phường Tân Bình. Đó là một con đường hẻm cụt có khoảng 30 gia đình sinh sống chen chút trong đó . Ngày ấy xóm mình nghèo, nhưng nhà mình thì vô địch về cái nghèo của xóm. Nhà đông 5 anh em, 4 trai 1 gái, mình là con trai út, thêm ba má là tổng cộng 7 người. 5 cái tàu há mồm vào thời điểm đó thì bảo sao không nghèo. Bá má mình thì làm nghề may gia công cho chủ, cứ tuần tuần thì lại nhận đồ may về may, khi nào xong thì trả hàng, nhận tiếp đồ về. nhớ ngày đó nhà thì chỉ có một cái máy may cũ rích ba và má thay phiên nhau người thì may buổi sáng người thì may buổi tối, trong nhà không lúc nào ngơi tiếng máy may. Các anh chị mình thì các anh lớn lúc đó đã có thể phụ ba mẹ cắt áo, đơm cúc… mỗi người một việc. Tuy nhiên làm lụng cực thế nhưng thật sự chỉ đủ đẻ đong bao gạo. Còn thức ăn thì buổi sáng là cơm chan mì miếng ( mì miếng là loại mì loại, người ta đóng thành gói bự để bán) , buổi chiều thường là muối mè hoặc rau sống các loại chấm nước mắm phi hành tỏi. lâu lắm mới có thịt cá. Đến mức mình nhớ ngày xưa mỗi lần đến giờ cơm thì cả nhà hay nói đùa đây là cơm kháng chiến . Nhưng phảI nói là không hiểu tại sao đến bây giờ khi mà mình không thiếu thứ gì, thì mình không thể nào quên vi ngon của món cơm chan mì miếng ấy và không thể nào tìm lại được cảm giác thân quen dù mì bây giờ chắc chắn ngon hơn hồi xưa nhiều lắm.

Cái nghèo sinh ra muôn vàn giống tội. Ba má mình dù yêu thương nhau nhiều nhưng khi cuộc sống quá vất vả thì đâm ra cáu gắt với nhau, cãi nhau, là chuyện thường. Tuy mình còn nhỏ nhưng cũng hiểu chuyện. Nhưng có lẽ chính vì thế mà mong muốn làm giàu của 5 anh em mình ai cũng lớn. Hàng xóm thấy nhà mình nghèo thì có mấy người bảo cho anh hem mình nghỉ học đi bán vé số hay làm trong lò bún ( trong xóm mình ngày xưa có lò bún lớn lắm ). Nhưng may mắn thay, ba mẹ mình kiên quyết cho anh hem mình ai cũng ăn học thành đạt nên người vì biết chỉ có học hành mới giúp người ta thoát nghèo và đến bây giờ mình rất cám ơn ba má vì quyết định sáng suốt đó. Nhưng hàng xóm mình cũng có nhiều người rất tốt, họ đã giúp đỡ ba mẹ mình rất nhiều trong cuộc sống và việc học hành của anh em mình nên rất cảm ơn họ.

Câu chuyện 2 : Đi học

Ngày đầu tiên đi học má dẫn mình đến trường, cảm giác chẳng thấy vui gì cả vì cảm giác bị bỏ rơi. Chỉ chịu được đến giờ ra chơi là muốn về nhà rồi. Trong lớp có thằng Lâm là bạn cùng xóm, nó nhập học trước 1 tuần nên tỉnh bơ. Trong khi đó mình nhớ nhà quá nên mặt buồn buồn rơm rớp nước mắt, thế là thằng đó tưởng mình đói thế là tốt bụng bẻ cho ½ ổ bánh mì thịt của nó mang theo. Mình vừa cạp bánh mì vừa rơm rớm nước mắt chờ đến giờ ra về. Chính nhờ ổ bánh mì mà 2 thằng bắt đầu chơi thân với nhau lắm , ngày nào tối cũng cùng ra chợ mót trái cây người ta đánh rơi, cho đến đi nhặt đồng đi bán ve chai... Mãi đến năm lớp 8 thì ba mẹ nó bảo lãnh nó đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Ngày đi nó hứa sau này sẽ về Việt Nam thăm lại anh em nhưng mà qua đó khoảng mấy năm sau thì ông chú nó tại Việt Nam báo cả nhà nó bị tai nạn xe tàu gì đó chết, chôn tại Mỹ, nghe tin mà mình buồn mất mấy tháng trời. Tự hứa sau này có cơ hội qua Mỹ sẽ đến thắp cho nó mấy nén nhang mà mãi đến bây giờ chưa có cơ hội.

Câu chuyện 3: Chơi bời

Những ngày tiếp theo của cuộc đời học sinh cấp 1 là những ngày tháng vui vẻ và hạnh phúc . Vào những năm 90 thì tụi nhóc thì thật sự là ngây thơ, đủ trò chơi dân gian : bắn bi, lò cò, năm mười, chi chi chành chành, banh đũa, khấc đá, tạt lon, ô quan, gồng gánh lên mây…ngây thơ là thế nhưng độ gan lì thì không kém đâu. Trong đủ thứ trò chơi mình đã từng trải qua, chỉ duy nhất 1 lần là mình cùng đám bạn củng lứa tái xanh hết mặt mày là khi chơi trò “ ma lon”

Là con nít nên ai cũng khoái nghe kể chuyện ma, vừa sợ nhưng lại vừa khoái nghe thế mới kỳ lạ. Tất nhiên trong nhóm phải có sự khác biệt lứa tuổi ngày đó 15,16 tuổi chơi với nhóm con nít là chuyện bình thường. Nên thằng lớn nhất trong nhóm bày têu ra trò chơi ma lon. Đại khái là thế này, nếu chơi đúng cách thì khoảng 11-12h đêm , mang môt đất từ mộ người mới chết , rải thành hình vuông thành hình tròn , đặt cái lon ở giửa , bày bánh kẹo , nhang khói khấn vái thì hồn người chết sẽ nhập vào cái lon tự động đuổi theo gõ vào mắt cá chân của những người chơi trò đó.

Do là con nít nên trò chơi bắt đầu sớm hơn là khoảng 7h tối. Nhưng thời đó, 7h tối thì có nghĩa là tối thật do điện hay bị cúp và đèn đường thì không được sáng lắm. Cả đám tập trung ra đầu xóm. Thằng đầu têu lớn nhất ( chẳng nhớ tên ) chẳng biết lôi đâu ra bọc đất rải thành hình vuông + một cái lon sữa ông thọ . Thằng Khôi lo việc nhang đèn bánh kẹo do nhà nó bán tạp hóa. Bày biện xong thì cả đám cùng xì xà xì xụp thắp nhang khấn vái. Rồi thằng đầu têu kêu cả bọn nhắm mắt lại để hồn nhập vào lon. Vừa nhắm mắt có 20 giây thì nghe tiếng hét : “Vong nhập lon rồi, chạy tụi bay ơi” . Thế là mình và cả đám ba giò bốn cẳng chạy tán loạn dù chẳng biết gì. Nhưng quả thật cái lon chạy gí theo thằng Khôi thật mà nó chỉ gí có mỗi thằng này làm thằng nhỏ chạy hụt hơi thiếu điều ngất xỉu, cả đám cũng tái mét người la hét rầm trời : “ Có Ma ! Có Ma ! “ vì sợ. Người lớn trong xóm túa ra hỏi có chuyện gì thì khi đó cả đám mới bình tĩnh trở lại và mới phát hiện có sợi dây cước dính cái lon với áo thằng Khôi. Thì ra trong lúc nhắm mắt thì thằng nào đó lấy kim băng nối sợi dây cước với áo của nó nên khi nó chạy cái lon mới tự chạy theo. Sau chuyện này, cả đám bị lôi về. Riêng mình thì bị thưởng cho mấy roi cho cái tội là tối rồi không về ngủ mà đi phá làng phá xóm. Đau nhưng kỷ niêm này vui quá nên nhớ mãi.

Câu chuyện 4: Lượm được của rơi

Như đã nói ở trên, mình và thằng Lâm + vài thằng nữa cũng ham đi mót trái cây ở chợ, giựt cô hồn vào tháng rằm nhưng thường xuyên nhất là đi tùm lum tứ xứ để nhặt đồng, dây điện mang về đốt bán ve chai. Mỗi kg đồng hồi đó cỡ khoảng 4K . Nhưng hồi đó còn xài tiền 50đ mua được viên kẹo nên 4K là lớn lắm.

Bữa đó cũng đi lượm bình thường thì bỗng nhiên thằng L hô : “ có cái ví ai đánh rơi kìa mày” . Thế là mình phóng tới mở ra : trong ví còn nguyên giấy tờ + tiền bạc ( nhớ cũng không nhiều lắm). Thằng L hỏi : “ chia đôi không mày?” . Nhưng không biết sao, mình lại lắc đầu nói về đưa lại cho người lớn để ổng xử. Nghĩ lại thì chẳng biết làm vậy có ngu quá không. Về đến nhà đưa ví cho ba mình, ổng bắt hai đứa mang ví ra công an phường trình bày để họ trả lại cho người ta. Thế là hai đứa lóc cóc ra công an. Nghĩ lại vẫn thấy bực mình, 2 đứa ngồi đợi cả nửa tiếng mới có người ra tiếp nhận ví . Mấy ông công an làm như mình ăn cắp ấy hỏi vặt vẹo : lượm ở đâu , lúc nào, ra sao , sao giờ này mới trả … về đến xóm thì cả xóm bàn tán chuyện 2 thằng “bị bắt” lên công an vì cái ví gì đó, thế là lại mắc công trình bày sự việc. Qua vụ đó , xin chừa luôn.

Câu chuyện 5: Chuyện tình yêu của con nít

Là con nít, chắc hẳn ai cũng từng “yêu” một lần mặc dù chẳng biết thế nào là yêu. Chỉ thấy thích thích bạn này dễ thương học giỏi thì cho là “yêu”. Năm lớp 1,2 trôi qua 1 cách bình thường, đến năm lớp 3, cô giáo giới thiệu một thành viên mới tên là T.A vừa chuyển trường . Bé xếp ngồi trước mình . T.A rất là dễ thương, tóc thắt bím, khuôn mặt xinh xinh… mình vừa thấy là như bị “sét đánh hụt lần 1” .

Trong lớp mình học cũng khá tốt, nhưng con bé này thuộc dạng khác người. Không biết nó ăn cái gì mà mới tháng đầu tiên nó đã đứng nhất lớp. Mình vừa phục lăn lóc vừa bực bởi nó học giỏi quá sao mình học lại. Con nít nên “tình yêu” cũng kỳ lạ và buồn cười lắm. Càng thích thì lại càng phải chọc cho nó đến khi khóc mới thôi. Hồi đó, mình xài bút mực tương tự như bút máy hero ( an hem nào thời 8x thì chắc chắn là biết ), thông thường là phải bơm mực ở nhà. Nhưng bút máy thời đó xài dỏm vô cùng, mực hay bị trào ra ướt tay. Thế là bữa học hôm đó, lúc thò tay dzô lấy cái bút thì thấy ướt ướt là biết thôi rồi. Liền xé tập lau tay, nhưng lau chưa sạch được. Thế là tiện tay chùi lên áo đứa ngồi bên trên tức là người yêu bé nhỏ của mình. Chùi xong là biết mình ngu rồi nhưng làm thế nào bây giờ. Con bé quay người lại hỏi : “chuyện gì thế ?” vì tưởng mình gọi nó. Rồi nó liếc thấy tay mình đầy mực , ngó lại cái áo trắng bị làm dơ thế là òa lên khóc. Trong lớp đứa nào cũng quay lại nhìn mà mình thì chẳng biết làm thế nào chỉ chờ sự phán xét của pháp luật, tức là cô giáo. Cô giáo ( mình sẽ kể lại chuyện về cô giáo này , đây là người giáo viên mà mình tôn trọng nhất trên cõi đời này) xuống thấy thế là biết chuyện gì xảy ra rồi, cho mình 3 phát vào tay rồi bắt xin lỗi con bé. Sau đó thay mình nói chuyện xin lỗi với người thân đến đón bé. Tức quá nên hôm sau, mình chọc thêm lần nữa bằng cách nhổ một chùm tóc của bé. Con nhỏ khóc quá trời. Nhưng lần này thì khác, nó không khai báo thủ phạm là mình , nhưng cô giáo thì biết thừa .Thế là lại ăn thêm mấy roi + đứng úp mặt vào tường. Nhưng kể từ đó về sau, mình không chọc gì nhiều bé con nữa .

Bản tính trẻ con vẫn cứ thế, hai đứa vẫn cãi nhau chí chóe về mấy chuyện trẻ con như xếp hàng dọc đằng trước, kiểm tra bài đầu giờ . Mà con bé lại ở trong đội sao đỏ + lớp phó học tập mới đau, ngày nào nó cũng kiểm tra bài của mình, nên nhiều khi muốn véo cho mấy véo.

Về nhà, mình kể cho mẹ mÌnh nghe luôn là mình thích con bé. Mẹ mình hỏi có yêu nhỏ đó không ? Thế là mình ngây thơ bảo có , cả nhà ôm bụng cười lăn lóc. Sau này cứ chọc mình rằng mới 8,9 tuổi đã biết yêu.

Nhưng đáng tiếc nhất là mình chưa bao giờ nói trực tiếp là mình thích bé con một cách trực tiếp và sẽ không bao giờ có cơ hội đó vì sau khi kết thúc lớp 5, cả lớp chuyển lên cấp 2. Mình thì vào HHT còn bé thì vào trường nào không biết. Nhưng kỷ niệm sẽ là kỷ niệm. Mình sẽ không bao giờ quên cô bé có đôi tóc thắt 2 bím + những trò nghịch ngợm mà mình đã gây ra với bé.

Câu chuyện 6: Cô giáo của con

Như mình đã nói phí trên, nhà mình nghèo nên việc đi học của mình là một vấn đề. Mình còn nhớ rõ nguyên tuần đầu tiên cùa năm lớp 2, trường TQT. Ngoài trời mưa rả rích nhiều lắm, mình đi học nhưng lại không có sách . Bữa đó mình nhớ cả lớp đang học bài: “ Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà, chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”. Cả lớp ai cũng có sách mà riêng mình lại không có phải đọc ké sách thằng bạn. Cái cảm giác quê quê khi lẻ loi ấy khó tả nhưng mình cũng quen rồi. Mình thấy mẹ mình nói chuyện với cô giáo ngoài cửa lớp , sau này mình mới biết là đang nói chuyện về sách học cho mình.

Cô giáo người mập mập rất phúc hậu, cô có một nốt rùi dưới cằm rất bự, người khác có thể bảo cô xấu nhưng đối với mình thì cô rất phúc hậu. Nói chuyện với mẹ mình xong thì cô vào lớp, lặng lẽ lấy SGK của cô rồi đưa cho mình bảo : “ con đọc sách này” . Hôm sau cô đến nhà mình mang theo một bộ sách giáo khoa cũ mà đưa cho mẹ mình. Ngày đó, thầy cô nào cũng đi dạy thêm để kiếm thêm. Ai mà không đi học thêm sẽ bị đì. Riêng cô thì khác, cô dạy kèm thêm mà không lấy tiền của mình. Mình cũng không biết chuyện này cho đến khi mình vào cấp 3 thì mẹ mình mới nói cho mình biết do cô giáo dặn là không nói cho mình biết vì sợ mình xấu hổ với bạn bè. Lúc đó, mình nghe mẹ kể mà lòng cảm thấy vô cùng xót xa và biết ơn cô.

Ngày đó, khái niệm 20/11 đối với học sinh cấp 1 quá xa vời, nhưng với cô mình sẽ không bao giờ quên những gì cô đã làm cho mình. Mình rất muốn gặp lại cô để nóI lời cảm ơn nhưng tiếc là thời gian đã quá xa, trường TQT bây giờ sau ba lần chuyễn chỗ, giáo viên thay đổi và cô đã chuyễn công tác đâu không rõ. Mình không nhớ tên nên khi mô tả lại cho những người làm ở đó thì không ai nhớ. Tuy nhiên, mình luôn muốn nói lời cám ơn từ đáy lòng với cô.

Câu chuyên 7: “Thương vụ đổi con trai lấy Ti Vi;”

Nhà mình tại thời điểm đó không có TV để coi .Muốn coi phải chạy qua nhà hàng xóm coi ké nên nhiều khi bị người ta đuổi về , nhưng cũng rang chui đầu vô coi ké. Một hôm mẹ mình bảo: “ Nhà chú Chín ngoài ngã ba không có con nên chú ấy muốn xin một đứa về nuôi, rồi chú sẽ cho nhà mình cái TiVi để cả nhà coi, vậy đứa nào xung phong hi sinh cho cả nhà” . Tất nhiên đây chỉ là câu nóI đùa bởi vì lúc đó ba mẹ mình đã chuẩn bị mua một cái TV nhưng chọc an hem mình thôi. Nhưng mình lại tưởng thật thế là mới xung phong “hy sinh” cho cả nhà. Bố mẹ mình chỉ tủm tỉm cười.

Sau đó mấy hôm, ba mẹ mình mang Ti Vi về , đến buổi chiều thì mẹ mình bảo : “Thôi con thu dọn quần áo rồi mẹ dẫn qua nhà chú Chín”. Mấy ông anh mình cũng chơi ác, thế là chuẩn bị luôn cả một giỏ xách quần áo cho mình. Rồi lúc mình đến chào ba mẹ con đi thì mình miệng thì cười cho ba má an tâm mà hai hàng nước mắt cứ chảy ra không cách chi ngăn được. Lúc đó, cả nhà cùng khóc và mẹ mình thì ôm mình vào lòng mà nói: “ ba mẹ không có cho đi đâu. TiVi là của ba mẹ mua”. Thiệt tình là lúc đó, cảm giác như vừa chết đi sống lại, mừng thiệt mừng. Cho đến thời điểm này mẹ mình luôn ghi nhớ câu chuyện này, lâu lâu lại lôi ra kể chọc mình nhưng mình biết mẹ mình tự hào và hạnh phúc lắm. Đôi khi hạnh phúc là một thứ gì đó thật bình thường và nhỏ bé .

Câu Chuyện 8: “ Sinh nhật bạn”

Ngày thằng Lâm tổ chức sinh nhật, nó đưa mình cái thiệp bé xíu có hình chuột Mickey trên đó ghi : Thân mới bạn… đến tham dự tiệc sinh nhật . Nhà nó khá do có ba mẹ đi Mỹ nên tổ chức sinh nhật lớn, mời khá nhiều là bạn bè. Mình rất muốn đi, nhưng ba mẹ không cho đi. Nói đủ lý do trên đời dưới đất. Nhưng thật sự lý do duy nhất là : “tiền đâu mua quà sinh nhật “. Lúc đó mình không hiểu nên giận ba mẹ lắm . Bây giờ nghĩ lại thấy thương ba mẹ hơn.

Đến giờ sinh nhật, bên nhà thằng Lâm rộn ràng tiếng nhạc, tiếng nói cười, mình bồn chồn lắm , đi ra đi vô, không yên. Sau khi nhà nó tổ chức sinh nhật xong, mọi người ra về hết; Mình mới lựa thế trốn khỏi nhà chạy qua nhà nó gặp nó nói câu chúc mừng sinh nhật . Nó chẳng trách mình mà lôi mình vào nhà, rồi mang cari bò , hai đứa vừa ăn chấm bánh mì vừa khui quà. Đến bây giờ, cari bò chấm bánh mì là món mà mình thích nhất vì nó gắn liền với kỷ niệm không thể nào quên được. Xin lỗi vì không mừng sinh nhật mày tư tế nha Lâm!

Câu Chuyện 9: “ Lần đầu tiên nhận thưởng học sinh giỏi”

Thực ra cấp 1, ngày xưa danh hiệu học sinh giỏi, dưới góc nhìn của mình chỉ để cho vui thôi chứ chẳng có gì là nghiêm trọng cả. Nhưng đối với mình một đứa con nít lần đầu tiên nhận thưởng là điều gì đó trang trọng lắm. Trong đầu ngẫm nghĩ chắc là phải mặc bộ đồ đẹp nhất để lĩnh thưởng. Thế là lôi bộ đồ áo thun chuột Mickey dịp Tết ra mặc. Cái áo màu vàng có hình chuột Mickey, sọc trắng. Hí ha hí hởn đến trường mà đâu có biết là phải mặc đồng phục đi học như thường lệ.

Đến đó, mình nổi bật solo giữa trường vì chỉ có riêng mình là mâc đồ khác người. Lên lãnh thưởng, ông hiệu phó lúc trao thưởng nhằn : “ Sao mặc đồ này “ . Ha ha, nhưng rốt cuộc trong cái rủi cũng có cái may: lúc chụp ảnh chung học sinh, mình là đứa nổi bật nhất trong toàn trường anh em ah !

Câu chuyện 10: Chuồng gà của mẹ

Để cải thiện, nhà mình xoay qua nuôi gà nho nhỏ . Mẹ mình ra chợ mua mấy con gà loại B ( loại gà công nghiệp bị thải loại ) cả trăm con mang về nuôi trong chuồng phía sân sau nhà. Thức ăn đủ cả cám , cơm , rau … đủ cả; Đàn gà lớn nhanh như thổi , chẳng mấy chốc mỗi con to hơn bàn tay người lớn . Mẹ mình vui lắm, càng ra sức chăm nhiều hơn.

Nhưng chẳng may, một hôm trời mưa, chuồng gà để trong mái hiên không được che chắn cẩn thận , gió tạt mưa ướt hết đàn gà. Cúp điện nên không thể thắm đèn tròn sưởi ấm cho gà. Hôm sau, đàn gà bị cúm cả đàn. Từng con một từ từ gục đầu rù rù rồi lăn quay ra. Mẹ mình cắt tiết con này chưa xong, con khác lại rù rù gục ngã. Mình ngồi nhìn mẹ làm mà tròn xoe đôi mắt. Bữa cơm mấy ngày sau đủ món gà: gà chiên, gà kho, gà nướng…mình thì hớn ha hớn hỏ vì được ăn ngon còn mẹ mình thì tiếc ngẩn ngơ vì đàn gà.

Câu chuyện 11: Con gà què.

Sau đợt thất bại đó, chuồng gà bỏ không. Bác mình làm thuốc nam, sau đó cho 2 con gà con , dự tính là bó chân cho khách mà người ta không làm nữa nên cho mẹ mình về nuôi. Hai con bỏ vô chuồng gà thì ngay hôm đầu tiên , chuột vào cắn chết 1 con . Con còn lại bị cắn chân nên bị què 1 bên. Tưởng nó chết, ai ngờ nó sống mạnh. Mình nuôi bằng đủ thứ : giun ,gián, cơm, rau… cái gì nó cũng ăn tất và lớn nhanh như thổi.

Dường như sinh vật nào mà mình nuôi lâu năm thì mình sẽ sinh ra có cảm tình với nó và nó cũng sinh ra cảm tình với mình. Mỗi lần mình thẩy cơm là con gà què lại túc tắc đi xuống chuồng . Mỗi khi ba mình kêu , chỉ tay vô chuồng kêu : lên chuồng thì dường như nó hiểu và túc tắc lên chuồng. Lẽ ra nhà mình không làm thịt nó đâu. Tuy nhiên, đến dịp tết năm ấy lại có họ hàng quê lên chơi, đành phải làm thịt nó. Tuy nhiên, mình không ăn nổi vì quá thương nó.

Câu chuyện 12 : Chuyến đi Vượt Biên

Giai đoạn 1992, vẫn còn những chuyến tàu vượt biên cuối cùng đưa những người Việt ra đi. Gia đình mình quyết định chia ra làm 2. Ba , mình và anh hai sẽ lên tàu vượt biên với ý định ba, anh hai qua đó sẽ làm việc nuôi mình ăn học . Mẹ mình ở lại để nuôi dưỡng những đứa con còn lại. Nếu có cơ hội sau này sẽ đoàn tụ. Trước ngày đi, me mình khóc nhiều lắm. Mẹ mình đưa mình đi sắm đồ : mình còn nhớ rõ là bộ đồ thun màu đỏ, có 2 con cá vàng 2 bên ngực áo, đôi xăng đan nhựa trắng cho trẻ con. Đôi xăng đan này là kỷ niệm vui mà mình nhớ mãi. Mẹ dắt mình ra chợ mua xăng đan. Đến tiệm dép, mẹ chọn lựa mãi mớI được một đôi vừa ý rồi mới đưa mình thử . Mình thử vừa y, thích lắm. Mẹ mình biết và mặc cả với cô bán hàng. Cô bán hàng đòi 2K ; Mẹ mình thì phải mặc cả , liền tìM cách tìm ra khuyết điểm của dép như màu sắc chưa vừa ý, hơi chật… Buồn cười nhất là mình, bản tính trẻ con chân thật cứ tường mẹ mình chê thật, cứ níu tay mẹ mà nói : « được rồi má ! cái này được rồi mà má ! ». Mẹ mình thì dở khóc dở cười, cô bán hàng thấy thế quyết không giảm giá . Thế là đành phải mua với giá 2K. Kỷ niệm lần đầu tiên đi chợ không bao giờ quên được.

Ngày mình đi, đó là vào ban đêm, tầm 11h đêm. Cả nhà chia tay nhau, các anh chị kia đã ngủ. Chỉ có mẹ mình đau xót tiễn đưa ba cha con mình. Có lẽ đến bây giờ mình vẫn chưa hiểu được cái cảm giác mà ba mẹ mình phải chịu đựng khi phải chia cắt, nhất là mẹ mình. Khuôn mặt mẹ gầy sọp hẳn đi , mắt rầu rầu mà miệng vẫn cười bảo : » con đi ngoan nhé ! » Sợ mình khóc, mẹ dúi cho mình đồng bạc và tờ giấy 2K nóI dối : « con đi chơi ,ba mua kẹo cho ăn » . Khi cánh cửa đóng sập lại , mẹ mình vào nhà trong khóc. Ba cha con mình lầm lũi lên đường đến điểm tập kết để lên xe chạy ra tàu.

Trên xe cũng khá đông người, tuy nhiên hầu như tất cả chỉ im lặng, không một tiếng nói chuyện . Lúc nhỏ thì không hiểu . Nhưng bây giờ khi lớn mình hiểu cái cảm giác cay đắng khi phải rời xa nơi chon nhau rắt rốn. Ba mình không nói gì, chỉ lặng lẽ ôm mình chặt. Chuyến xe lầm lũi đi trong đêm. Mình không rõ lộ trình lắm. Tất cả chỉ là màu đen vào ban đêm và màu xanh của lá rừng ban ngày. Nhưng chuyến đi bị thay đổi khá nhiều , sau này mình mới hiểu là do bị động nên chuyến xe phải chạy lên một ngôi chùa nào đó sát biên giới Campuchia. Phải trú ngụ nhờ 2,3 ngày trong một ngôi chùa đó. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt thì mình không kể ở đây do an hem cũng dư hiểu là không tốt chút nào. Mình chỉ ấn tượng ở chỗ ở khoảng đi vệ sinh.

Anh em cũng biết thời đó nghèo, làm quái gì có thức ăn chăn nuôi . Đa số người ta nuôi cá tra bằng phân người. Có những cái toalet lộ thiên ngay bờ hồ, sông, ao nuôi cá. Các bác tưởng tượng thế này : mông của các bác phía trên mặt nước 3m. Mỗi một quả bom các bác thả xuống thì có một đống cá đói nhảy lên tranh đớp. Chúng nó tranh giành nhau ầm ĩ cả khúc sông phía dưới cái toalet. Lần đầu tiên trong đời, mình thấy cảnh đó nên cứ trố mắt nhìn quên cả giải quyết nỗi buồn. Vui không thể tả anh em ah . Nhưng kể từ đó trở đi, ăn cá tra thấy ghê ghê thế nào ấy.

Còn nhiều câu chuyện để kể trong chuyến đi lắm. Hết bị công an đuổi đến cướp dí, tuy nhiên kí ức không sâu đậm lắm mà do ba kể lại nên không nêu ra ở đây. Sau khoảng 3,4 ngày , do bị động quá nhiều nên tàu không thể cập đón được, cả đoàn phải quay về điểm xuất phát rồi ai về nhà nấy. Hy vọng vượt biên đã không thành nên khuôn mặt tất cả đều mang một bầu không khí u ám. Riêng mình thì vui lắm, do sắp gặp lại mẹ .

Trong đêm trở về, mẹ mình run run mở cửa ôm lấy an hem mình mà khóc vì mừng. Mình móc túi lấy lại đồng bạc và tờ 2K trả lại cho mẹ. Bản tính trẻ thơ khi đó không hiểu, mình đi mẹ mình cũng khóc , khi về mẹ mình cũng khóc. Tuy nhiên bây giờ thì đã hiểu

Kể từ đó trở về sau, ba mẹ mình quyết định . Dù sống hay chết cũng ở Việt nam này , cùng bên nhau.

Đó là một kỷ niệm trong đời mà mình may mắn được trải qua khi còn nhỏ, đủ để hiểu cảm nhậm được sự quan trọng của gia đình đoàn tụ. Rất may mắn, khi chuyến đi bị thất bại vì nếu đi được thì giờ đây có lẽ tiếng Việt mình còn không sõi và gia đình vẫn còn bị ly tán.

Câu chuyện 13 : « Có gì vui bằng Tết cổ truyền với tiếng pháo ! »

So sánh điều kiện sống hiện bây giờ với những năm 92- 93 thì quả là khác nhau nhiều lắm. Ngày đó, lũ trẻ con chỉ mong đến ngày lễ tết để được ăn ngon, mặc đẹp, được lì xì trong 3 ngày tết cổ truyền. Cái không khí tết bắt đầu từ đêm 28 kia. Cả nhà chuẩn bị mứt quả , chuẩn bị đồ nấu bánh chưng, và quan trọng nhất là vài mâm pháo. Bánh chưng có thể thiếu, mứt có thể thiếu hoặc thứ gì có thể thiếu cũng được, nhưng vài mâm pháo tét, pháo đùng thì không thể thiếu. Nhà nào sang sang hơn nữa thì chuẩn bị sẵn vài chục cây pháo bông. Đám con nít thì chơi pháo chuột, pháo chuồn chuồn, pháo đĩa . Không khí rộn ràng vui không thể tả. Nếu thiếu tiếng pháo thì cái tết cổ truyền chẳng còn là tết cổ truyền nữa.

Ngày 29 tết, cả nhà hì hụi gói bánh chưng, thịt heo, đậu xanh , gạo nếp thì nguyên chất, đúng chất mộc mạc. Nhà nào cũng có một nồi bánh chưng, chả có ai lại đi mua bánh chưng công nghiệp như bây giờ. Nhiều lúc cả xóm cùng bày ra sân gói chung , hoặc nhà này qua góI phụ nhà kia. Cảm giác thân thương mộc mạc vô cùng. Gói xong, còn dư một ít nếp, thịt , ba mình gói vài cái bánh nhỏ nhỏ cho an hem mình. Mỗi đứa một cái bành đòn cái có nhân, cái không . Tất cả dồn vào nồi và nổi lửa. Củi thì đun vô tư do tích trữ từ đầu năm. Từ bé đến lớn, mình năm nào cũng dành canh nồi banh chưng hoặc chí ít là ngồi canh lửa cho đến khi buồn ngủ. Cái cảm giác đón giao thừa trong đêm thú vị lắm an hem ah. Giống như mình đang đứng giữa sự chuyển giao của thời gian vậy. Tiếng gió se se lạnh của trời đêm trong xóm nhỏ khiến mình đôi khi rung mình nhưng lại ấm áp ngay bời ngọn lửa cháy tí tách trong bếp bánh chưng. Thằng Bi – thằng này là đứa gầy tong teo nhất xóm trong khi ba mẹ nó lại bán thịt heo trong chợ - gọi cả nhóm tụ tập lại quanh bếp bánh chưng nhà nó . Nó lôi ra một bọc thịt heo mà ba mẹ nó bán ế. Cả đám hì hụi móc than hồng trong bếp ra và bắt đầu chất thịt nên nướng. Mùi thơm sực nức của thịt mỡ lợn cháy thơm bay khắp xóm. Người lớn khẽ nhằn không cho nghịch lửa nhưng miệng lại cười. Màn đêm buông dần trên cả xóm, tĩnh mịch trong đêm chỉ còn tiếng tí tách của bếp lửa. Nhưng đây chính là cái hương vị của Tết cổ truyền.

Sáng 30 tết, bánh chưng đã được người lớn vớt ra ép nước khô trong đêm trước giờ được bày biện hong khô trên phản gỗ. Con nít đứa nào cũng khoáI ăn trước. Người ta nói , bánh chưng ăn chỉ ngon trước tết, trong tết và sau tết thì không còn thấy ngon nữa vì khi đó cảm giác tiếc nuối cái tết đã lấn át cái ngon của bánh chưng . Mình cũng thấy vậy, ăn 1/3 cái bánh đòn là no lặc lè rồi. Ăn xong cả nhà hò nhau dọn dẹp nhà cửa, cả xóm nha nào nhà nấy cũng lôi bàn ghế ra chà rửa, lau lọt nhà cửa chuẩn bị cho cái tết sắp đến. Tết là dịp để ăn ngon, nên dù khó khăn đến mấy nhà mình cũng mua 1,2 con gà sống về để ăn trong 3 ngày tết. Mẹ thì lo làm gà dưới bếp, trên nhà thì lo dọn dẹp. Trẻ con thời nào cũng thế, thấy đông người thì lại thích lăng xăng phụ dọn dẹp , tuy chẳng giúp được nhiều nhưng vẫn thích dọn.

Tiếng pháo đì dung, xì xoẹt thu hút chú ý của mình và những đứa trẻ trong xóm. Thằng Khôi – nhà bán tạp hóa nên nó được coi là “dân chơi” thứ thiệt với bọn mình vì nó cập nhập trong tay những mẫu pháo mới nhất. Nhất là pháo chuồn chuồn chú nó mang từ TQ về. Sauk hi châm lửa pháo bay xoay tròn trên không rồi khẽ đáp xuống đất hoặc mái nhà của ai đó. Đầu xóm có cây tầm ruột và một bụi tre lớn lắm , cứ Tết đến là cả đám cứ nhắm mục tiêu là bụi tre mà phóng pháo bông để xem bụi tre có cháy không. Cũng may là chưa lần nào nó cháy cả. Nếu không thì cả đám mang họa

Đêm 30 tết , tiếng bản nhạc Happy New Year đâu đó cứ vọng vang trong xóm. Người lớn thì lo xì xụm chuẩn bị nhanh đèn cúng tổ tiên . Còn lũ trẻ con thì chờ đợi thời khắc giao thừa đến , nhà nào nhà nấy đã treo sẵn ít thì 1 mâm pháo , nhiều thì 2,3 mâm đốt cho đã . Ngay khi đồng hồ chưa điểm 12h đêm thì tiếng pháo đã dòn dã ở khắp mọi nơi. Mình chẳng biết chiến tranh như thế nào , nhưng chắc tiếng súng nổ bự đến thế là cùng. Mấy an hem mình cứ căn đúng thời điểm này thì mỗi đứa một cây chổi , cây củi chia phe trong nhà đánh trận giả, pháo nổ liên hồi cứ như đánh trận thật vậy anh em ah; Đốt mâm pháo chưa đã, ba phát anh em mình mỗi đứa 1 cây pháo bông ra bắn từng đợt chíu chíu lên trời … xua tan đi tất cả mọi ưu phiền của năm cũ. Chẳng cần như bây giờ, chen chúc nhau ra Q1 giữa dòng người chen lấn ngạt thở để coi pháo bông.

Sáng mồng một tết , công việc đầu tiên là chúc tết ba má , rồi được phát một phong lì xì trong đó có 1K . Nhưng sau đó thì đưa lại mẹ với lý do “mẹ giữ dùm cho”. Cả mùng một ít người lại nhà vì họ sợ xông nhà người khác, lỡ có gì thì không ổn; Nên thông thường , ba mẹ mình thường tự xông nhà bằng cách ra cửa đi 1 vòng rồi tự vào nhà. Công việc người lớn là thế, còn công việc của đám con nít như mình, thằng Lâm, Khôi, Bi… là đi lượm pháo rớt chưa nổ. Lâu lâu lại lượm được cả mấy viên pháo đùng to tổ chảng. Lượm xong thì bày trò ra chơi : chơi nhẹ nhàng thì tháo vỏ lấy thuốc pháo đốt tổ kiến , còn nặng hơn chút nữa thì nhồi thành cục pháo bự nhồi chặt trong lon sữa bò rồi chon xuống đất cho nổ , cái này thì khi nó nổ thì long trời lở đất. Tuy nhiên nói về mức độ cấp cao thì phải nói đến trò nghịch cực dại là “pháo shit”, đơn giản lắm : cắm viên pháo đùng với dây nối dài vào bãi phân rồi châm lửa, xong ba chân bốn cẳng chạy, phân bay tung tóe dính ai thì rang chịu. Mấy lần cả đám bị dí chạy té khói vì trò này, thằng Khôi bị bắt nhanh nhất vì nó mập nhất, mình + Lâm+ Bi chưa bị bắt lần nào cả.

Về đánh bài , cờ bạc thì vô tư, mở sòng dành cho người lớn thì bắt đầu từ 29 tết . Còn sòng dành cho con nít thì bắt đầu từ chiều mùng 1 do mới có tiền lì xi. Khổ cái là mình ít chơi nên không có nhiều ký ức về cái này.

Sáng mùng hai, thời điểm “làm ăn” bắt đầu, nếu trong cuộc sống bình thường nhà mình đông người thì thua thiệt chứ trong Tết thì đâm ra lại thuận lợi khi phe ta được lì xì tới 5 người. Mình là đứa út nên bao giờ cũng là quân tiên phong đi chúc tết.Vui lắm an hem ah, mình luôn được lì xì vì là đứa bé nhất. Nhưng thật ra, niềm vui chẳng tày gang khi đến lúc tổng kết thì mẹ mình luôn có chiêu: “ mẹ giữ dùm cho”. Ha ha, thế là tiền bạc như giấc mộng phù du bay mất. Đến lúc hỏi lại thì chỉ có 1 chiêu: “ con nít giữ tiền làm gì ! “. Thực ra, tiền mình được lì xì thì mẹ mìNh cũng dung tiền đó lì xì cho người khác . Mình luôn nhớ chuyện vui này nên sau này đến dịp tết lâu lâu lại lôi ra chọc mẹ.

Mùng ba, cái không khí Tết đã sắp hết , tuy vậy mọi người vẫn chúc tết , lì xì đông hơn nhiều lắm . Vào thời đó, người ta coi trọng cái tình xóm giềng nhiều hơn. Mình rất trân trọng những tình cảm quý báu mà những người hàng xóm dành tặng cho nhau. Ví dụ như chuyện cô Ba hàng xóm , bán bún riêu qua chúc tết nhà mình. Cô nghèo nên không dám nghỉ làm và đi bán cả dịp tết, chỉ có dành buổi chiều mùng ba để đi chúc tết làng xóm. Cô lì xì mình 2K được xếp lại từ nhiều tờ 200đ. Món tiền thật sự không lớn nhưng đó là những đồng tiền cô dành được trong việc bán hàng dịp tết. Cô không có con cái, nên ba mẹ tặng lại một cặp bánh chưng làm quà. Họ chúc Tết nhau theo cách chân thành và “ thực sự” chứ không coi đó là một cách xã giao thông thường .

Rất may mắn khi mình , thằng Lâm, thằng Khôi, thằng Bi, thằng Phước, bé Thơm, bé Thảo… đã được trải qua những năm tháng cuối cùng của cái Tết cổ truyền thật sự, khi mà tiếng pháo vẫn được phép vang vọng , vẫn được ăn bánh chưng truyền thống, được cảm nhận cuộc sống giao thời chuyển giao bên bếp lửa của nồi bánh chưng. Những năm sau này, khi cấm pháo, cuộc sống thừa mứa, đời sống công nghiệp hối hả… khiến con người sống gấp gáp hơn và cái Tết truyền thống đã không còn vui tươi như lúc trước và dần trở nên thừa thãi trong cuộc sống hiện tại.

Giai đoạn : Từ năm 11 tuổi đến 15 tuổi

Câu chuyện 14: Sét đánh hụt lần 2

Cuối cấp 1, tiếng ve rả rích dưới hàng cây phượng trong khuôn viên trường báo hiệu giờ phút chia tay đã đến. Thế nhưng đối với những đứa con nít độ tuổI 10,11 thì khái niệm về một nỗi buồn chia tay bạn bè , chia tay máI trường dường như quá xa vời. Mình và mấy đứa bạn thì vẫn thế, vui chơi như thường lệ quên ngày tháng, mong ngóng đến ngày nghỉ hè để được thỏa sức chơi đùa, mà chẳng màng đến việc đây là những giờ phút cuối cùng của đời học sinh cấp 1 . Buổi lễ tốt nghiệp cấp 1 hôm ấy, sau khi lãnh quà hết rồi .Cả đám xúm xít chen nhau chụp chung với cô giáo một tấm hình kỷ niệm. Ngày ấy, chụp hình là vui lắm. Cả đám chen nhau đứng kế cô giáo. Riêng mình thì mặc kệ, chỉ cố gắng chen lấn đứng cạnh bé tóc bím xinh xinh . Thằng Quang – thằng này có kỷ lục số lần “thả bom” ( ị ra quần ) trong lớp cũng hong hóng chen lấn đứng cạnh bé con của mình làm mình chỉ muốn thoi cho nó một quả. Bé con đứng cạnh mình, hình như bữa nay nó được mẹ đánh một ít môi son với phấn nên nhìn xinh xắn hơn so với thường lệ. Cả đám cười toe toét cho 1 pô kỷ niệm cuối cùng của đời học sinh cấp 1. Chụp xong, cả lớp lần lượt khoanh tay ra về . Con bé lí lắt quay đầu nhìn mình một cái rồi cười tươi, vẫy chào rồi chạy ra chỗ người nhà đến đón, mình cũng ngoác miệng cười thật lớn, hớn hở ra về với niềm tin ngây thơ rằng , 3 tháng hè rồi cũng qua đi rồi mình cũng gặp lại bé. Mà đâu có biết rằng đó chỉ là niềm tin của một đứa con nít 11 tuổi.

Sau 3 tháng hè chơi bời hoa lá, ngày tựu trường cũng đã đến nhưng ngạc nhiên thay, con đường mới , trường mới , lớp mới, bạn bè mới. Chẳng còn dấu tích nào của bạn bè cũ cả. Đám bạn cùng lớp 5 bây giờ chẳng thấy một ai. Thằng Lâm cũng không còn học chung . Mình đảo mắt nhìn quanh, ráng tìm khuôn mặt của đứa bé con thân thuộc. Nhưng bé con đâu mất tiêu rồi. Ngày đầu tiên trong một cái lớp mới sao lạ lùng quá.. Về nhà, mặc dù vẫn vui khoe với ba má về bạn mới, lớp mới, nhưng ẩn trong sâu thẳm tâm hồn là một nỗi buồn nhè nhẹ len lỏi như vừa đánh mất một thứ gì đó. Ba má cũng giải thích rõ hơn để hiểu rằng bạn bè lớp 5 bây giờ không còn được học chung nữa. Và thằng Lâm thì còn học chung trường nhưng khác lớp rồi.

Ngày đi học thứ 2, cảm giác háo hức vơi đi gần phân nữa. Mình uể oải, ngáp ngắn dài đi bộ theo chị tới trường HHT ( hai chị em học chung trường ) . Quăng cái cặp lên bàn xong là tiếng trống vào giờ học, cô chủ nhiệm bắt đầu phân chia chỗ ngồi. Mình bị xếp ngồi chung ngồi bàn 2, dãy ngoài bìa với một con nhỏ tên là M.H mà sau này mớI biết rằng nó thuộc dạng mít ướt ( xếp chung với một đứa như mình thế có khổ đời không kia chứ ! ) . Mình đảo mắt nhìn quanh lớp một cách cẩn thận một lần nữa , và rồi ….”Sét đánh hụt lần 2” .

Ngồi ở bàn thứ 2 , dãy giữa là một cô bé xinh cực tên là T.D, với mái tóc ngang lưng, làn da trắng và đặc biệt là đôi mắt đẹp mơ mộng. Hóa ra hôm qua nó chưa đi học. Người lớn có câu: “ Anh hùng khó qua khỏi ải mỹ nhân” , thì với con nít chắc cũng có câu : “ Anh “nít” khó qua khỏi ải mỹ “nít” “ . Hình ảnh + nỗi buồn về cô bé tóc thắt bím cấp 1 tạm thời lui vào bóng tối , nhường chỗ cho cô bé T.D kia bước vào. Ha ha, cuộc đời lại như một giấc mộng, được rồi lại mất , mất rồi lại được.

Niềm vui lại tràn ngập phơi phới trong tâm hồn, lại có thêm một lý do để chăm đi học hơn. Đâu ngờ rằng, hoa đẹp thì có nhiều người ngắm. Thời điểm ấy đã báo hiệu bắt đầu một cuộc tranh đấu dai dẳng không chỉ trong học hành mà còn chân tay, nảy sinh bao nhiêu trò cười ra nước mắt kéo dài suốt 4 năm, 1460 ngày, không chỉ giữa mình và đám con trai cùng lớp mà còn với đám con trai cùng khối và lớp đàn anh trong trận chiến chinh phục trái tim người đẹp.

Câu chuyện 15: “Tao không khóc đâu, Milu !”

Cả cuộc đời mình cho đến giờ, chỉ nuôi 2 con. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là Milu, con chó cuối cùng mình nuôi vào năm 11 tuổi. Milu chỉ là một con chó ta bình thường không có gì đặt biệt. Nó được nhà mình xin về nuôi từ lúc lọt long mẹ. Milu thông minh lắm, dường như nó hiểu trên đời này nó không còn ai khác là bạn ngoại trừ mình . Mình cho nó ăn, chơi đùa hàng ngày, tắm thường xuyên cho nó, tìm cách dạy cho nó đi vệ sinh tại một nơi cố định phía sau sân nhà. Nó khôn lắm , chưa bao giờ làm sai cả; Nó còn biết trò bắt tay nữa. Dường như có một sợi dây kết nối mình với nó. Ngày nào, đi học về thì nó cũng đã có ở nhà , ngúc ngoắc cái đuôi đòi chơi đùa với mình rồi.

Chó khôn không ngại chủ nghèo . Nhưng nó cũng nghịch lắm. Hay cắn rách áo gia công nên ba mẹ mình nhiều lúc bực lắm. Nhưng mình đứng ra năn nỉ nhiều lần chứ không thì nó nhiều lúc ốm đòn rồi. Khi nó được 3 tháng tuổi, người chủ mà gia đình mình làm gia công thuê, trong một lần đến lấy hàng may xong thì thấy con chó khôn nên ngỏ ý xin về nuôi để trông xưởng cho họ. Ba mẹ mình trong lúc này không tiện từ chối nên đã đồng ý . Khi ấy mình đang đi học nên lúc về nhà thì đã muộn rồi. Buồn và tức giận lắm nhưng cũng đành phải chấp nhận. Lòng tự an ủi rằng ở nhà chủ thì chắc chắn nó được ăn ngon hơn ở nhà mình.

Bẵng đi 1,2 tháng, cứ tưởng rằng nó đã quên gia đình mình. Nhưng khi mẹ mình có việc ghé qua xưởng may, con chó bây giờ đã lớn mừng rỡ sủa om sòm, nó giật đứt sợi dây dù buộc mà chạy đến quấn lấy chân mẹ mình không rời. Khi mẹ mình quay về, dù người chủ gọi mấy cũng không them quay lại mà cứ lon ton đi theo mẹ mình. Cảm động trước sự trung thành của nó, dù có làm mất lòng họ, mẹ mình đành lựa lời mà nói với người chủ xin lại con chó. Rất may, người chủ cũng đồng ý mặc dù mình chắc trong bụng cũng không vui lắm.

Ngày con chó về, mình vui lắm không kể xiết. Hai chủ tớ cứ ôm riết mà chơi đùa. Hạnh phúc thật nhỏ nhoi và bình dị.

Thế nhưng , niềm hạnh phúc cũng nhanh chóng qua đi khi nó bị cảm. Ngày đó mình chẳng có dư dả gì mà cho nó đi khám thú y. Người bệnh còn phải chịu huống chi chó. Thế nhưng, mình cũng tìm mọi cách có thể để cứu nó: thấy người bị cảm hay đánh gió, xức dầu.. mình cũng làm tương tự như vậy cho nó. Đó là tất cả những gì mình có thể làm cho nó trong thời điểm đó.

Nó khỏi bệnh , nhưng mãi mãi không chạy được nữa. Hai chân sau đã bị liệt. Tuy bị liệt như vậy, nhưng khi đi vệ sinh nó cũng chịu lết lết bằng 2 chân trước để đến nơi vệ sinh mà mình quy định cho nó. Cái cảm giác đau xót khi chứng kiến nó bị như vậy khiến mình hết sức đau lòng, nhưng không biết làm sao.

Bị liệt, nó yếu đi trông thấy. Chỉ sau 1 tuần, không ăn uống được gì nữa, và chỉ còn nằm một chỗ mà rên gừ gừ. Tình hình của nó càng lúc càng tệ hơn. Mình biết nó đang mệt và đau lắm nhưng phải làm sao đây ? Cái cảm giác bất lực nhìn người bạn thân thiết của mình đang nằm chờ chết thật không thể nào chịu nổi ! Nhưng vẫn câu hỏi cũ : biết làm sao đây với một đứa nhóc 11 tuổi như mình lúc đó ?

Ba mẹ mÌnh bàn bạc và đi đến một quyết định đau lòng : hóa kiếp cho nó. Và ba mẹ mình nóI mình rằng điều đó sẽ giải thoát nó khỏi sự đau đớn mà nó phải chịu đựng và hy vọng nó sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn vào kiếp sau. Anh em có thể đánh giá nó là một giải pháp tàn bạo, mình không trách. Nhưng sâu thẳm trong trái tim mình khi ấy, mình cũng đã hy vọng cách này sẽ giúp nó không còn đau đớn nữa.

Đau đớn, mình nhìn ba đưa nó ra sau nhà. Và tất cả kết thúc.

Từ năm lớp 3,4 , ba mình cấm không cho con trai trong nhà không được khóc. Mình được dạy rằng : « Nam nhi có thể đổ máu chứ quyết không rơi lệ ». Nhưng sao khi chôn nó , dù đã cắn chặt răng mà sao nước mắt cứ chảy dài.

« Bụi vào mắt tao đấy, chứ tao không khóc đâu, Milu ơi ! «

Câu chuyện 16 : « Hello Mary, Hello Peter »

Vào những năm 90, tiếng anh là thứ tiếng lạ lẫm nhưng lại quan trọng lắm. Người lớn học tiếng Anh giao tiếp mong kiếm được bằng A, B,C hòng tìm được một chỗ làm tốt , trẻ con cũng được cho đi học tiếng anh vỡ lòng dù nhiều khi chính tả tiếng Việt còn sai tới sai lui.

Anh mình thời điểm đó trình độ chỉ lớp 12, không thi đại học , do phải đi làm sớm phụ ba mẹ nuôi các em. Anh làm công nhân cho dược Mekong, tuy bận và mệt là thế nhưng ban đêm vẫn cố gắng đi học thêm anh văn tại trường NTH. Tiện thể ổng cũng đóng cho mình một suất học anh văn vỡ lòng trước khi nhập học chính thức. Cứ tối tối, hai anh em lóc cóc chở nhau trên chiếc xe đạp mini đi học. Lần đầu tiên vào lớp học anh văn, cũng có một đám trẻ ranh như mình đang ngồi đợi giáo viên. Thầy giáo khoảng 45-50 tuổi, đeo kính đen. Lần nào đi học chỉ thấy ổng mặc áo sơ mi trắng, quần tây,đóng thùng , đúng chất lịch sự của bậc tiền bối.

Bài học đầu tiên là “ Hello Mary, my name is Peter.”. Cả lớp bao gồm mình ê ah đọc theo nghe chiều chăm chỉ lắm. Tối về nhà hôm đó, dù đang cúp điện, nhưng mình cũng chăm chỉ đột xuất mở sách ra ê ah dưới ngọn đèn dầu leo loét: “Hello , my name is Peter…”. Ba mẹ và anh nhìn mình, mỉm cười gật gù ra chiều vui lắm, tin tưởng vào tương lai sáng lạn của thằng út. Chắc chỉ mấy chốc là nói tiếng anh như gió cho coi.

Thế nhưng, chẳng phải đợi lâu. Chỉ mấy hôm sau, mình ngán nó đến tận cổ. Ngày nào đi học cũng một đống từ vựng bắt học thuộc. Bản tính trẻ con ngang bướng chẳng bao giờ muốn học cái gì mà nó chẳng thích bao giờ. Thật là vô vị và chán ngắt. Thế là sau được 1 tuần, vào lớp chỉ uể oải mấp máy môi đọc theo chúng bạn. Được 2 tuần, rồi 3 tuần, đến khi đợt đóng tiền đăng ký học khóa mới, mình sống chết thế nào cũng không đi học. Ba mẹ nạt mãi không được, chỉ thở dài bảo: “ Thôi vậy thì mày ở nhà” . Đồng nghĩa là kết quả của sau 1 tháng đi học thêm tiếng anh chỉ vỏn vẹn thu được 6 chữ: “ Hello Mary, my name is Peter”. Ước mơ một đứa con trai út giỏi giang, nói tiếng anh như gió tạm thời tan như bong bong xà phòng.

Anh mình chẳng nói gì, ảnh buồn lắm. Mình đâu có biết được rằng, ước mơ của anh mình chỉ mong muốn mình lớn lên sẽ không bị thua thiệt với người đời như ảnh. Dù số tiền đóng học cho mình đã chiếm một khoản đáng kể trong khoản lương công nhân còm cõi ấy.

Hôm sau, Ảnh lọc cọc đạp xe đi học một mình. Chiếc xe đạp mini lặng lẽ lăn bánh. Nhớ lại dáng gầy gò , 18 tuổi phải gánh vác phụ giúp bố mẹ cả đại gia đình, lo cho em mà mình thấy sao xót xa.

Câu chuyện 17: Tiếp cận người đẹp. Phương án 1 : Lạnh lùng.

Note: Tính viết Câu chuyện 17: Tiếp cận người đẹp. Phương án 1 : Lạnh lùng. nhưng mà chuyện tán gái này đan xen nhiều câu chuyện nhỏ với nhau nên tính khi có thời gian viết một mạch cho tiện.

Nên thay vào đó sẽ là những câu chuyện cuộc sống xung quanh. Mong anh em thông cảm.

Câu chuyện 17: “Cô chú đừng đuổi tôi đi

Nhà làm con cá cho bữa chiều. Chẳng may, mẹ mình bất cẩn làm bể mật cá. Mật lan khắp con cá, rửa mãi không hết. Tiếc của, mẹ mình rang nấu canh chua cá. Mật đắng nhưng cũng ráng ăn do chẳng có cái gì khác mà ăn. Ngoài trời đang mưa rả rich, đang ăn, bỗng có tiếc gõ cữa. Một bà lão ăn xin đứng khẩn khoản chìa bàn tay. Mẹ lắc đầu thưa: “Nhà con chẳng có tiền gì. Nhưng nếu bà không chê thì vào đây ăn với tụi con một bữa”. Hơi bất ngờ, bà lão run run bước vào nhà . Ngồi xuống ăn chung. Bà cầm chén cơm mà run run, ăn như nuốt món cá canh chua đắng nghét. Mẹ mình thở dài: “ Con tưởng con khổ mà xem ra trời còn thương con. Bà còn khổ hơn con nhiều lắm”

Vừa ăn vừa hỏi chuyện, bà từ miền Trung. Con cái bỏ rơi. Khổ quá lên SG này tìm việc, hy vọng làm giúp việc. Nhưng bà đã già quá thì ai còn cần nữa. Đói, phải đi ăn xin mong sống qua ngày. Mẹ mình hỏi : “ sau này bà tính thế nào ? “ . “ Sống được lúc nào hay lúc đó cô ah”. Mẹ mình quả quyết: “ nhà con chẳng dư dả gì nên không dám mướn bà làm thuê. Nếu bà không chê thì coi như ở tạm lại đây với tụi con , nhà con được ăn gì , bà ăn nấy. Bà chỉ cần giúp con nấu cơm thôi. Trong thời gian đó, con sẽ kiếm chỗ làm giúp việc cho bà”. Từ đó, bà ở với gia đình mình. Cả nhà coi như người trong gia đình. Vui vẻ và hạnh phúc.

Mẹ mình tìm được nơi làm giúp việc, có lương đàng hoàng. Về nhà giới thiệu cho bà, tưởng bà vui. Không ngờ, bà chỉ im lặng rồi rơm rớm nước mắt bảo: “ Cô chú đừng đuổi tôi đi. Tôi không cần lương. Ở đây khổ mấy tôi cũng chịu”.

Câu chuyện 18: Nước Mỹ ở xa lắm

Người em họ lên ăn ở nhờ trong thời gian dài chờ cơ hội đi vượt biên, ba mẹ mình chẳng tiếc thứ gì lo cho ăn uống, đồ đạc để qua bên đó có cái mà dùng. Ngày đi, người em nắm chặt tay ba mẹ bảo rằng sẽ không bao giờ quên ba mẹ. Chú ấy may mắn thoát trót lọt. Nhưng từ ấy bặt vô âm tín. Ngày trở về thăm hết nhà này đến nhà kia. Riêng nhà mình chỉ gọi điện thoại hỏi thăm lấy lệ. Chị mình hỏi : “ Nước Mỹ ở đâu vậy ba ?”. Ba mình cười buồn bảo : “ nước Mỹ ở xa , xa lắm con ah !”

Câu chuyện 19: Nước Mỹ ở gần lắm

Ngày ba mình còn trong quân đội, kết nghĩa anh em với một người trong phân đội. Ngày Saigon sụp đổ, người bạn vượt qua bom lửa đạn lái xe jeep đến đón ba mình nhằm xuống tàu. Ba mình lắc đầu không đi do mẹ mình đang chạy loạn không biết tung tích. Người bạn buồn bã đưa vợ con xuống tàu. Cách biệt gần 20 năm trời, người bạn nhiều lần trở về tìm ba nhưng không thấy do ba mình không còn ở chỗ cũ nữa. Thời gian không chiều lòng người. Chú bệnh nặng rồi qua đời. Trước khi chết, chú viết lại một bức thư rồi trăn trối người con trưởng bằng mọi giá phải trao tận tay bức thư đến ba mình. Trời chắc cảm động nên con trai chú tìm thấy nhà mình. Con trai chú trao cho ba mình bức thư. Đọc dòng đầu tiên, ba mình rơi nước mắt. Chú viết : “Đ., tao xin lỗi mày”.

Mình lại thấy nước Mỹ ở gần lắm , không xa đâu.

Câu chuyện 20: : "Xích lô, đi không chú ơi!"

Ngày Chủ Nhật, Anh Hai và mình đi lễ. Khoảng cách từ nhà ra nhà thờ đi bộ cũng xa. Nhưng đi nhiều riết cũng quen. Ngày nọ, một bác đạp xích lô đã già, dáng vẻ mệt mỏi đạp theo năn nỉ : “Đi không chú ơi ! Cả ngày nay mà chưa được cuốc nào “. Thương tình, cũng chỉ 2K chẳng đáng bao nhiêu , hai anh em leo lên xe. Đạp chưa được bao xa, vừa đói vùa trúng gió, bác đạp không nổi nữa. Vừa thương vừa sợ, anh mình vội mua ổ bánh mì với chai dầu sao vàng ( dầu đựng trong hộp tròn nhỏ có in hình ngôi sao vàng , giờ hết bán rồi) cho bác xức rồi lại ì ạch phụ đẩy xích lô về nhà bác.

Trong nhà, thằng con ông xích lô đang ngồi nhậu với đám bạn. Nó hất hàm hỏi : “ ông già sao giờ này mới về”. Tưởng anh mình gây tai nạn gì cho ông xích lô, nó lừ lừ tiến lại muốn gây chuyện. May sau khi ông xích lô kịp thời giải thích, nó quay qua đám bạn nhậu tiếp. Hai anh em cuốc bộ ra về, lòng mừng thầm cũng may bác xích lô không bị sao.

Về nhà, mẹ hỏi sao giờ này mới về. Thuật lại chuyện, mẹ chẳng nói gì; Chỉ bảo tuần sau lên nhà thờ xưng tội bỏ lễ Chủ Nhật .

Câu chuyện 21: “Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua ”

Sát kế bên nhà là nhà ông T., phần đất phía sau nhà ông ngăn cách với nhà mình bằng hàng rào kẽm gai. Ông nóI với ba mình tính bữa nào xây bức tường ngăn hai bên cho an tâm, nhưng chẳng biết sao mà chưa làm. Ngày trước, ông làm chức tước gì đó lớn lắm. Con ông đứa làm cán bộ, đứa mở công ty. Tiệc tùng rỉ rả suốt ngày tháng. Khách khứa đến xếp xe chật cả một bên xóm. Người nào người nấy ai cũng hớn hở xưng anh xưng em. Ông chỉ mở cửa đó khách của ông khi có tiệc tùng. Còn ngày thường thì đóng cửa im ỉm chẳng chơi với ai trong xóm.

Rồi song gió ập đến gia đình ông, con ông đứa bị bắt, đứa bỏ trốn. Những người xưng anh xưng em ngày nào chẳng thấy đến nữa. Chủ nợ ùn ùn kéo đến phá cửa xiết đồ nhà ông. Ba mình phải cắt hàng rào kẽm gai cho ông trốn qua. Rồi không lâu sau, căn nhà bị siết và bán cho người khác. Chẳng ai còn biết tung tích của ông giờ ở đâu.

“ Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua”. Chân lý duy nhất khiến cho người đang cười sẽ ngưng cười, và người đang khóc sẽ ngưng khóc. Chẳng có sự giàu sang nào là vĩnh cữu và chẳng có sự đau khổ nào kéo dài mãi mãi.

Câu chuyện 22: Trò chơi tiền thẻ nhựa + thú nhựa

Những an hem nào tự xưng 8X đời đầu và đời giữa như mình thì hầu hết đều biết cái này. Người lớn thì xài tiền thiệt, còn đám trẻ con thì xài tiền nhựa. Tiền nhựa là những đồng tiền tròn hoặc chữ nhật bằng nhựa có ghi số , màu sắc xanh xanh dỏ đỏ, kích cỡ càng lớn thì giá trị giao dịch càng lớn. Bọn trẻ con thì dùng đồng tiền này hệt như giao dịch tiền tệ vậy.

Từ tiền nhựa ấy mà sinh ra biết bao nhiêu trò chơi: đánh bài, tạt thẻ… Nhưng thông dụng nhất vẫn là trò “khấc thẻ trên tường” , luật chơ đơn giản, dùng thẻ tiền tròn hay vuông , kích cỡ tùy ý khấc vào tường. Thẻ sẽ bay ra, rơi xuống đất. Trên đất đã vạch sẵn một vạch kẻ hình chữ nhật cách tường 2,3 mét. Thẻ nào càng nằm trong khuôn viên Chữ nhật càng gần vạch trên càng tốt. Nếu thẻ vượt quá vạch coi như bị thua thiệt nhiều hơn. Người có thẻ gần vạch trong khuôn viên nhất sẽ lần lược cầm thẻ chội vào thẻ khác. Nếu dính thì ăn luôn thẻ đó theo một giá trị quy ước.

Chơi người thú cũng tương tự vậy , mình còn nhớ mấy con thú nhựa hình lý tiều long, hình tê giác, khủng long …Nếu có nhiều tiền nhựa, thú thì có thể bán cho tụi nhóc khác lấy tiền thật . Nhớ ngày xưa, mình cũng kiếm tiền tiêu vặt bằng cách này.

Ôi nhưng trò chơi đã theo suốt thời niên thiếu, bây giờ không thể nào tìm thấy được nữa. Càng nghĩ càng buồn cười khi lũ nhóc như mình hồi đó đánh nhau, tranh giành trối chết chỉ vì cái đống nhựa chẳng có chút giá trị gì .

Nhưng bây giờ mà muốn tìm lại để cho đám con nít sau này để dạy tụi nó cách chơi thì không còn tìm thấy nữa. Mà không biết tụi nó còn chịu chơi trò chơi cổ lỗ sĩ này không nhỉ ?

Câu chuyện 23: “Thôi, tao đi nhe mậy !”

Cuộc đời của một con người là tập hợp những mảnh ghép khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Có những mảnh ghép khác nhau khiến cho con người cảm thấy vui, buồn, sung sướng , đau khổ… nhưng chính điều đó lại khiến cho cuộc sống tràn đầy sự thú vị. Trong những mảnh ghép đó, có một mảnh tên gọi là tình bạn. Tình bạn thời cấp 1 thì thường dễ quên nhất vì còn nhỏ quá, cấp 2 thì dễ nhớ hơn với tinh thần chơi không vụ lợi, cấp 3 là tình bạn đẹp nhất khi tất cả đã lớn và biết suy nghĩ. Lên đại học thì tình bạn là một thứ hơi nhạt nhòa vì khi đó tất cả đã trở thành người lớn đã biết tính toán. Mối quan hệ bạn bè không khắt khít sâu đậm. Còn khi đi làm thì tình bạn thật sự chỉ là một thứ quá xa xỉ, khó mà tìm được khi mà những toan tính lợi ích, lo âu của cuộc sống len lỏi trong tâm trí của mỗi con người.

Có lẽ chính vì thế mà những câu chuyện của tuổi thơ lại in đậm trong tâm trí mình đến như vậy. Tình bạn giữa mình và thằng Lâm lớn dần lên theo từng bước chân của tuổi thơ, đã trải qua biết bao nhiêu thứ cùng nhau khi còn cấp 1, nên khi vào cấp 2 thì mình và nó chơi nhau thân tuy khác lớp. Ngày đó, đám con trai cấp 2 giờ ra chơi thì hay chia phe “đánh nhau”. “Đánh nhau” ở đây chắc cũng giống như Đinh Bộ lĩnh thời xưa cưỡi trâu chia phe đánh trận giả thôi, Chứ hoàn toàn chẳng giống với đánh nhau bằng kiếm, mã tấu như đám “tiểu sát tử” hay còn gọi là trẻ trâu bây giờ. Mỗi lớp tất cả đám con trai trai là một phe. Lớp này đánh qua lớp kia. Căn cứ địa là lớp học, vũ khí có thể dùng là chổi, đồ hốt rác bằng nhựa, phấn viết bảng. Nhưng thông thường là cả đám con trai của mỗi phe cùng bá vai thòng tay vào nhau tạo thành một hàng ngang chắn trên hàng lang lớp học . Hai bên cùng nhau giáp mặt nhau tại “chiến trường”. Chân đứa nào đứa này thi nhau đạp vào phe kia. Hai bên giáp chiến cho đến khi nào một trong hai phe vỡ hàng ngũ bỏ chạy thì phe kia dí theo bưng tù binh về lớp của mình để “mần thịt.” hoặc truy đến cùng căn cứ của phe kia để xâm chiếm. Mần thịt ở đây thông thường là hè nhau cởi áo , thậm chí cởi quần nó ra ( chỉ hù thôi , chứ chẳng giờ cởi thật). Đôi khi , trong lúc đang hăng say mần thịt thằng tù binh trong lớp thì bị phe kia đánh úp bất ngờ dẫn đến tháo chạy tán loạn thua to. Thằng Tiến là thằng to con nhất lớp mình, mình là thằng to con thứ 2 nên hai thằng thường là quân tiên phong xung phong đánh giáp lá cà. Thằng Lâm ở lớp bên kia cũng là quân tiên phong nên đôi khi mình với nó giáp mặt nhau trên chiến trường. Nhưng hai đứa có hẹn trước là sẽ chọn thằng đối thủ khác nên cứ nhè thằng bên cạnh mà đạp. Đôi khi mình hay nó bị bắt làm tù binh thì cũng ráng nghỉ kế giải thoát cho nhau.

Trong lớp ngày đó cũng có tình trạng trấn lộn , bọn côn đồ lớp 9 hay xuống bắt nạt lớp dưới. Mình nhiều lần bị trấn nhưng mỗi lần trấn thì chỉ mỉm cười giơ hai tay lên: “ các anh cứ trấn thoải mái, em chẳng có đồng keng nào”. Chống cự làm gì cho u đầu mẻ trán vì mình thật chẳng có đồng keng nào cả. Nhưng thằng Lâm lại khác , nó hay có tiền trong túi nên hay bị trấn và nó phản kháng choảng nhau với bọn này. Mấy lần mình không biết vụ đó , nhưng một lần trong giờ ra chơi nó đánh thua phải chạy qua lớp mình. Thằng trấn gí theo thế là đụng ngay mình và thằng Lâm ở đó. Thường ngày mình cực hiền, chẳng bao giờ gây sự ai. Nhưng bữa đó thì thật sự giận sôi máu thế là 2 thằng quyết ăn thua đủ với thằng đó. Tiếc thay, đồng bọn nó từ lớp trên kéo xuống đấm cho hai thằng mỗi đứa lăn quay. Đám bạn lớp mình thì sợ không dám xông vào. Nhưng mình cũng hiểu cái tình thế của tụi nó. Xong ra về còn bị chặn choảng tiếp nhưng có bác bảo vệ vòng ngoài cổng trường bợp cho đám kia mấy cái bạt tai nên thoát được . Đám kia quay lại hung hăng đe dọa sẽ chặn đường tiếp. Nhưng chẳng hiểu sao sau đó lại không thấy tới.

Ngày đó còn mấy trò chơi như đá banh bàn. Không biết giờ này còn hay không nhưng mình chưa thấy lại bao giờ kể từ năm 2008. Đá bong bàn là cái bàn được vẽ như sân bóng, cầu thủ làm bằng nhựa được bố trí xen kẽ lẫn nhau. Mỗi bên gồm hai thằng, đứa thì lo hậu vệ thủ môn, đứa thì lo tiền vệ và tiền đạo. Cứ 500Đ thì mua được 1 thẻ, nhé thẻ sắt vào cái khe, kéo mạnh tay cầm thì sẽ mở ngăn chứa bong nhựa ra. Bóng nhựa làm bằng nhựa đặc nhỏ hơn quả banh golf chút xíu. Thời điểm ấy trò chơi điện tử thì chỉ có Mario, Contra… thôi nên trò đá banh bàn này hút khách lắm. Hai bên đá với nhau, mấy đứa bên ngoài làm khan giả cổ vũ. Khi đá thì mình với thằng Lâm cùng một phe, nó lo tiền đạo , còn mình lo hậu vệ. Nhiều khi hai thằng cãi nhau chí chóe về việc mày sao đá dở thế, còn mày sao chụp dở thế rồi lại đổi nhiệm vụ cho nhau, nhưng chỉ được mươi phút thì lại trở về vị trí cũ. Nhiều khi trận đáu diễn ra gay cấn đến mức đánh nhau, chém nhau sau lưng hai đứa cũng không biết. Có lần đang đá gay cấn ở quán gần cổng trường thì phía sau lưng có tiếng huyên náo la hét, nhưng lúc đó đang máu lửa nên kệ đá hết quả này rồi tính. 30s sau có tiếng xe máy rú ga, quay đầu ra nhìn thì thấy hai thằng giang hồ rú cái xe 67 chạy trốn truy đuổi của một ông công an trên chiếc xe cub 50. Hai thằng ngơ ngác nhìn nhau, rồi nghe bà con nói là hai thằng giang hồ chặn chem. một người , chém hụt thì bị ông công an đi tuần qua gí theo, thằng xách mã tấu chạy ngang qua mình và thằng Lâm rồi nhảy lên xe chạy trốn. Nghe xong, mình và thằng Lâm le lưỡi nhìn nhau rồi… đá banh bàn tiếp.

Nhưng trò nào là mình và nó chơi nhiều nhất: đó là trò khấc đá. Có 2 cách chơi : 1 là chơi 5 viên , 2 là chơi ăn hết.

Chơi 5 viên: ra ngoàI chỗ người ta xây nhà rồi kiếm 5 cục đá dăm xanh nhỏ. Mỗi cục cỡ đầu ngón tay cái, sao cho 5 cục càng vừa tay càng tốt. Quy tắc chơi sẽ như sau : sử dụng 1 cục làm cục cái, như vậy sẽ còn 4 cục trên đất. Thẩy cục cái lên cao rồi dùng tay thuận vơ dần 1 cục đá sau đó đỡ lấy cục cái. Tiếp tục thẩy cục cái lên cao rồi vơ tiếp 1 cục… cứ the-1 cho đến khi vơ đủ 4 cục. Khi đã vơ đủ 4 cục thì trong lòng bàn tay sẽ có đủ 5 cục đá , dùng tay khấc đá, thảy nhẹ 5 cục lên cao rồi lật ngược lòng bàn tay dùng mu bàn tay đỡ lấy 5 cục đá. Nếu đỡ được hết thì qua được vòng 1 cục và tiếp tục đến vòng 2 cục: tức là thẩy cục cái lên và vơ 2 cục 1 lần . Qua được vòng 2 cục, sẽ đến vòng 3 cục và 4 cục. Nếu không đỗ được hết 5 cục bằng mu bàn tay thì coi như không qua được thì phải nhường người khác đi và chơi lại vòng đó khi đến lượt . Nếu ai qua được vòng 4 đầu tiên thì sẽ thắng.

Chơi ăn hết thì luật chơi đơn giản hơn nhiều. Trên sàn đất có 1 số lượng đá nhấc định, sử dụng cục cái thảy lên, vơ được bao nhiêu thì vơ. Sau đó khấc đá, dùng mu bàn tay đỡ được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Lượt mỗi người xoay vòNg cho đến khi hết đá, sau đó đếm số lượng đá mỗi người thu được ai nhiều hơn sẽ thắng.

Ngày đó, mặc dù trò này con gái chơi thì giỏi hơn con trai do tay con gái thường dẻo hơn nhưng không hiểu sao mình và thằng Lâm chơi rất giỏi trò này. Hai thằng hay chơi trò này với đám con trai lớp cùng khối , lớp trên và thậm chí cả đám con gái nữa và đa số thắng to. Ăn rất nhiều thú, thẻ nhựa , hình … Đám bạn chơi trò này hay đùa gọi hai đứa là “ âm dương song sát”. Ha ha.

Cuộc sống cứ thế theo sự vận động của thời gian trôi qua. Lớp 6, lớp 7 rồi lớp 8 vớ đầy ắp các trò chơi thú vị với mức độ cũng trưởng thành hơn. Mình và nó cũng ngày càng quậy hơn, phá làng phá xóm nhiều hơn. Tuy nhiên, cuộc vui nào dù vui mấy cũng sẽ qua và chấm dứt một cách bất ngờ và đầy luyến tiếc. Vào hè năm chuẩn bị vào lớp 8, đang ăn bún riêu ở chỗ cô Ba, mình nghe hàng xóm nóI chuyện ba mẹ thằng Lâm sắp đón nó qua Mỹ. Đối với mình, hay trẻ con ngày đó, nước Mỹ là cái gì ghê gớm lắm. Nước Mỹ chắc xa lắm nên ăn xong phóng vội qua nhà nói gõ cửa hỏi : “ Bộ mày sắp đi Mỹ thiệt hả”. “ Ừa ! Kỳ này có cả bà tao đi luôn” nó đáp. “ Vậy chừng nào đi? “. “ Chắc khoảng tuần sau” Giọng nó rầu rầu. Mình thảng thốt kêu : “ Sao sớm thế ?” rồi im lặng . Nó cũng im lặng lắc đầu không nói. Mình chẳng biết nói gì , tự nhiên trong lòng bổng nổi lên những cảm xúc cực kỳ khó tả : tức giận có , buồn rầu có, ganh tỵ có… nhưng lấn át tất cả cảm xúc đó là một thứ tình cảm gì đó khiến cho lòng mình nóng ran lên, cảm thấy nhói đau trong lòng. Chẳng biết nói chuyện gì nữa, mình mở miệng khô khốc: “ chúc mừng mày nha ! Đi nhớ gửi quà về cho tao“. Hai đứa cùng cười , nụ cười sao gượng gạo.

Bẵng đi 2,3 ngày , mình không thấy thằng Lâm đâu cả. Chẳng thấy nó ra chơi với lũ nhà hàng xóm như bình thường. Hỏi bà nội nó thì biết ba mẹ nó về nước đưa nó đi chơi các nơi lần cuối, tạm biệt họ hàng trước khi đi Mỹ. Cảm giác thấy trống trải kỳ lạ.

Vào chiều ngày thứ 4, cũng chính là ngày nó phải bay đi . Đang chơi bắn bi với chúng bạn, thì thằng Lâm bước ra, bữa nay nó mặc đẹp quá, quần jean áo sơm mi đi giày bata. Cả nhà nó đang lục tục chuẩn bị ra sân bay. Mình ngừng chơi, nhìn nó hỏi : “ Mày sắp đi ah ?! “ . “ uh” . “Đi chừng nào về vậy mày ? . “ Chắc mai mốt tao về ngay ấy mà“ Nó đáp. Chúng bạn cũng ngừng chơi xúm xít quoanh nó hỏi han đủ điều. Mình nhìn nó và bảo :” Mày đợi tao chút” rồi ba chân bốn cẳng phóng về nhà. Về nhà, mình lục ngay bộ sưu tập bi thủy tinh của mình. Mình cố gắng lắm mới sưu tầm được gần như trọn bộ bi thủy tinh trong, đơn , nhị , tam, tứ , ngũ , lục sắc. Bộ sưu tầm này hồi xưa với đám trẻ con quý lắm , khối đứa gạ mua không bán. Thằng Lâm nhiều lần đòi mang ra chơi mà mình từ chối sợ bắn làm mẻ bi. Mình cầm bộ sưu tập đựng trong bịch nhựa mang ra mà đưa cho nó bảo: “ Tặng mày ! Qua bên đó có cái mà chơi với tụi bên kia ! “. Tầm hiểu biết hạn hẹp nên cứ tưởng nước Mỹ như nước mình. Tụi nhóc bên Mỹ cũng như bên mình. Thằng Lâm trố mắt nhìn mình, sung sướng hỏi :” thiệt hả mày ! Mày cho tao nguyên bộ hả ? “ .Mình gật đầu : “Ờ ! Qua đó chơi thoải mái “. Nó thích lắm và sung sướng mân mê bộ bi thủy tinh. Điều kỳ lạ là mình cũng thấy vui theo. Hai đứa nói chuyện vớ vẩn vài câu nữa rồi chiếc xe taxi đến. Cả nhà nó lên xe , nó vẩy tay chào mình rồi hứa : “ Thôi tao đi nghe mậy ! Nhất định khi lớn tao sẽ về nước thăm lại mày ! “ . Mình vẫy tay , cười đáp : “ Ừh ! Hứa đấy nhé ! “ Chiếc xe taxi rời đi chầm chậm trong buổi chiều chạng vạng. Mình đứng đó, ngơ ngẩn đứng nhìn thằng bạn thân từ từ biến mất sau khúc quanh. Đó là những hình ảnh cuối cùng về thằng Lâm – thằng bạn của mình.

Bẵng đi hai ba năm sau, mình không có chút tin tức gì về nó. Thời gian cứ thế trôi đi với trường lớp học hành , bạn bè mới . Mình chẳng nhớ nhiều đến nó nữa. Bẵng đi một hôm chú nó qua thăm nhà mình nói chuyện thì mới biết cả nhà nó bên đó bị tai nạn giao thông chết cả rồi. Chôn tại Mỹ cách đây nửa năm. Nghe chuyện đến lúc đó tự nhiên miệng cảm thấy đắng nghét và một nỗi buồn man mác xâm chiếm, nước mắt chỉ chực trào ra thương cảm cho thằng bạn niên thiếu.

“ Nhất định khi lớn tao sẽ về nước thăm lại mày ! “ – Mày đã hứa sao không giữ lời hả Lâm ?

Câu chuyện 24: "Lạc Long Quân – Âu Cơ"

Vào những năm học cấp 2 ngày đó, cứ những dịp quan trọng như Lễ Tết, 20-11.. thì lớp nào cũng nhận được yêu cầu làm báo tường, vẽ tranh, thi ca hát.. Năm lớp 8, trước khi nghỉ Tết ta thì trường tổ chức cuộc thi kịch, mỗi lớp sẽ đóng một vở kịch trình diễn trước toàn trường. Lớp mình thÌ cũng không ngoại lệ, bàn bạc một hồi thì cả lớp quyết định chọn vở kịch Lạc Long Quân –Âu cơ đẻ trăm trứng >> Vua Hùng dựng nước. Vai Âu Cơ thì dễ chọn do chỉ có T.D – đứa xinh nhất khối, nhất trường đảm nhiệm, có bé này đóng đảm bảo vở kịch sẽ thành công mỹ mãn với lượng fan hâm mộ đông đảo; Riêng đau đầu là ở vai Lạc Long Quân – vai kép chính. Trong đám con trai thì chỉ có mình và thằng Tiến là hai đứa to con nhất lớp , nhưng thằng Tiến thì cao hơn mình một chút nên nó có lợi thế hơn. Thật ra mình chẳng ham hố cái vai kép chính này làm gì đâu nhưng mà trong kịch bản thì Lạc Long Quân sẽ nắm tay Âu Cơ tung tăng khắp chốn, ngoài ra thì trong thời gian tập kịch có cơ hội tiếp xúc cận kề, cơ hội ngàn năm thế này mình và thằng Tiến làm sao bỏ qua. Nhưng khổ nỗi, trong đầu thì muốn xung phong nhận vai lắm nhưng mà cả hai thằng đều làm ra vẻ ta đây cao thượng lạnh lùng không lên tiếng , trong đầu cứ tự huyễn hoặc rằng trong lớp chỉ có ta đây đủ ngoại hình như Brad Pitt để đảm nhận vai này , rồi cô giáo sẽ chú ý đến ta thôi. Nhưng tiếc thay, học sinh tính không bằng cô giáo tính, phút 89 cô giáo chỉ định thằng Phước – ngoại hình bình thường không cao không thấp, nhưng nó có lợi thế là tổ trưởng tổ 1, đảm nhận vai Lạc Long Quân. Đúng là tức muốn ói máu. Một là Lạc Long Quân, hai là không gì cả. Cả hai thằng đều im lặng từ chối nhận những vai phụ như lính lác, yêu quái, vua Hùng, người dân…

Những tưởng chuyện có thế là xong. Nhưng đúng vào ngày cuối cùng trước khi ngày trình diễn bắt đầu.hai đứa con gái đóng vai yêu quái không biết vì lý do gì mà không đóng nữa, giận dỗi gì đó. Thế là cấp bách, con nhỏ lớp trưởng chỉ còn cách ấn đầu mình và thằng Tiến đóng vai yêu quái. Trước khi lên sân khấu , mình và thằng Tiến chỉ biết hỏi diễn như thế nào giờ ? Con bé lớp trưởng bảo: diễn cứ như đánh nhau bình thường đấy, Lạc Long Quân và yêu quái vờn nhau một hồi thì yêu quái thua chạy. Mình và thằng Tiến, hai đứa nhìn nhau gật đầu. Thật bụng là trong đầu chỉ biết diễn sao cho lớp đạt thành công thôi chứ chẳng có ý gì với “ Lạc Long Quân” đâu. Nhưng lên sân khấu mới thấy khó, mình và thằng Tiến đâu có tập tành gì đâu nên lên cứ lóng nga lóng ngóng. Mình và thằng Tiến liền “quấy phá” dân lành, đặc biệt là Âu Cơ. He he. Giỡn chưa được 2 phút thì Lạc Long Quân xuất hiện. Thằng Phước liền cầm cây kiếm nhựa, chém tới, chém nhẹ thôi nhưng hai thằng né qua bên rồi thắng Tiến co giò đạp nhẹ nó một phát , thằng Phước bị ngã lăn ra một bên, hai thằng mình và thằng Tiến liền nằm đè lên nó ra vẻ vật lộn. Khổ cái là 2 thằng nặng cả mấy chục ký đè lên làm thằng Phước muốn ná thở. Cả ba đứa vật lộn như thật. Ở dưới sân trường, khán giả thấy Lạc Long Quân choảng nhau với yêu quái gay cấn quá nên hoan hỉ cổ vũ hết sức náo nhiệt. Thằng Phước thều thào : “tụi bây làm yêu quái thì thua chạy đi chứ.” Thằng Tiến và mình sực nhớ rồi lăn qua một bên quều quào mấy cái rồi chạy biến. Ở dưới khán giả vẫn hoan hỷ cổ vũ.

Cuối cùng, hai đứa ra ngoài cười hỉ hả vì vui thật. Ngoài ra chẳng biết có phải nhờ trận chiến ác liệt ấy không mà lớp mình đạt hạng nhì cuộc thi .

Câu chuyện 25: “Tắt đèn” – Ngô Tất Tố

Đến bây giờ nói thật là mình cũng không biết ẩn ý thật sự của tác giả Ngô Tất Tố khi đặt tên tiểu thuyết là “Tắt đèn”, đơn giản là bác Ngô Tất Tố mất lâu rồi nên chẳng có cơ hội để các nhà nghiên cứu xứ mình dựng ổng dậy hỏi tại sao đặt tên tiểu thuyết như vậy. Các thầy cô nói rằng “ Tắt đèn” nghĩa là ánh sáng mất đi, mô tả màn đêm tối bao phủ cuộc đời của những người nông dân cùng khổ. Người ta dựa vào chi tiết cuối cùng trong truyện: “Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị.” mà phán này phán nọ nhưng thực sự có đúng thế không thì ai mà biết.

Thực ra lớp 8 chỉ học bài « tức nước vỡ bờ « trích trong tiểu tthuyết thôi nhưng thầy giáo dạy văn mình còn dư tiết đọc thêm gì đó nên cho lớp đọc chương cuối ( chương 27) của tiểu thuyết. Trong đó mô tả khúc cuối khi chị Dậu vào ở đợ trong nhà ông nghị Quế.

Thế là khi thầy giáo dạy văn hỏi : “tại sao tác giả đặt tên tiểu thuyết là Tắt đèn.” Trong đầu óc ngây thơ của mình vào năm lớp 8 chỉ nghĩ đến chi tiết trước đó :

“Trong lúc mơ màng, thình lình chị thấy như có người nào sờ tay vào ngực. Giật mình, chị tỉnh dậy. Ngọn đèn hoa kỳ đã tắt lúc nào, cánh cửa khép kín. Trong phòng tối om. Hoảng hốt chị nắm cái bàn tay ấy và giật giọng hỏi :

- Ai đấy?

Mang tai chị thấy hơi rầm rạm như bị những sợi râu ngắn quét vào rồi thấy có tiếng thì thào.

- Tao! Tao đây. Cụ... đây. Nằm im.

- Bẩm cụ chúng con là phận tôi tớ...

- Nói khẽ chứ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Tao không cần gì cái đó.”

Thế là mình hùng hồn đứng lên : “ thưa thầy, tác giả đặt tên là tắt đèn vì chỉ có tắt đèn thì trong bóng tối , lão nghị Quế mới mò được vào buồng chị Dậu. Chỉ có tắt đèn, giai cấp nông dân và địa chủ mới cùng giống nhau, chung một hoàn cảnh như chi tiết trong truyện “ nhà ngói như nhà tranh” “

Nói thật mình hùng hồn nói xong thì cũng biết là hớ. Cả lớp cười nghiêng ngả, quê thì có quê nhưng mắc cười cũng không kém . Dù sao đây cũng là một kỷ niệm thật vui.

Vậy có anh em nào có giải thích khác về tựa đề “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố không ?

Câu chuyện 26: Lòng tự trọng của một con người

Dọc trên đường gần nhà, ngay khúc ngã sáu, gần nhà sách Tân Bình bây giờ, ngày đó là chỗ bán vé số của một ông lão mù lòa với giọng ca cổ đậm chất Nam Bộ . Ông ca rất hay, những bàI ca cổ day dứt của một con người đã trải qua biết bao khổ đau của mù lòa, của nghèo đói luôn chứa đựng một nỗi u sầu man mác. Ông ngồi trên vỉa hè, tay cầm xấp vé số và hát say sưa, hết bài này đến bài khác. Thỉnh thoảng có người động lòng trắc ẩn, dúi vào tay ông vài đồng lẻ. Nhưng ông chỉ rút tay lại rồi nhẹ nhàng nói: “ Cảm ơn cô / chú, tui chỉ bán vé số chứ không ăn xin”. Có người hiểu thì mua cho ông vài tờ, có người thì chép miệng bỏ đi. Nhưng ông chẳng lấy đó làm buồn, mà chỉ tiếp tục ca tiếp bài hò còn giang dở.

Thời gian trôi đi, sức khỏe ông yếu dần, những bài ca cổ xen lẫn tiếng ho đứt quảng. Rồi một ngày kia, mình không còn nhìn thấy ông lão mù nữa. Có lẽ ông đã đi xa mãi mãi rồi.

Có lẽ mình chẳng viết câu chuyện này nếu như không có một câu chuyện vừa xảy ra trong quá trình mình làm việc với đối tác ở khách sạn Renaissance Riverside bên Q1. Cả mình và người khách đối tác Việt kiều liền bách bộ ra đường Hai Bà Trưng gần đó ăn trưa, nhìn bên kia đường giữa trời nắng chang chang, một người phụ nữ trạc 40 tuổi đang ôm một đứa bé khoảng 2, 3 tháng tuổi khóc lóc thảm thiết. Mình và người khách mới vội băng qua đường hỏi thăm chuyện gì xảy ra, người phụ nữ khóc lóc thảm thiết nóI rằng con bà ta bị bệnh mà không có tiền, mà bà ta từ dưới quê lên không có ai thân thích nên không biết tính sao. Mình và người đối tác thật sự không nỡ nào bỏ đi trước tình cảnh này, mặc dù trong đầu mình cũng nghi ngờ rằng đây chỉ là một màn kịch, nhưng thật sự mình không thể tin rằng trên đời này có một người nhẫn tâm đến mức mang một đứa bé mớI 2,3 tháng tuổi ra ngoài phơi giữa trời nắng hầm hập như mấy ngày nay. Mình và người việt kiều liền cho bà ta 1 triệu để có tiền đưa đứa bé đi khám hay gì đó. Cà hai đều cảm thấy vui khi có thể giúp đỡ một chút cho người mẹ và đứa bé tội nghiệp.

Hai hôm sau, cũng trên con đường đó, vào buổi chiều sau khi kết thúc buổi làm việc với người đối tác, mình lại bắt gặp bà mẹ đó, tuy nhiên lần này không phải là với đứa bé 2,3 tháng mà là một thiếu niên bị thiểu năng trí tuệ. Và vẫn chiêu thức cũ, bà ta vẫn khóc lóc thảm thiết với hai phụ nữ tây. Mình tức giận thắng xe lại, nhìn bà ta tóe lửa. Nhận ra mặt mình, bà ta vội vàng lỉnh mất.

Gặp lại người đối tác mình cứ phân vân mãi về việc có nên nói cho ông ta biết hay không ? Hay vẫn để ông ấy giữ một kỷ niệm đẹp về việc ông ấy đã làm ? Cuối cùng mình đã im lặng, không có gì tệ bằng việc giết chết lòng tin giữa con người với con người.

Đối với mình, số tiền chẳng đáng kể gì, nỗi tức giận khi lớn còn bị lừa cũng chẳng đáng kể gì khi so sánh với việc lòng tin vào con người của mình bị tổn hại. Tuy mình vẫn tin trên đời này còn những người có lòng tự trọng như ông lão mù kia, nhưng nay sao khó gặp quá. Mình cũng chỉ muốn nói với họ rằng : thiệt hại về vật chất khi họ lừa đảo , giả vờ cho người khác thương hại sẽ chẳng đáng kể gì , nhưng thiệt hại về tinh thần mà họ gây ra sẽ rất to lớn. Nó sẽ giết chết dần tình yêu thương giữa con người với con người. Khiến cho người ta luôn cảnh giác, đề phòng và tệ hơn nữa là thờ ơ với tất cả mọi người, cả với những người bất hạnh, ăn xin thật sự đang cần giúp đỡ trong xã hội.

Câu chuyện 27: Sự Nhận thức Về Cuộc Sống

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: