p2 - di tim doi ban chan ky dieu - con noi dau nao nua khong

Đi tìm đôi bàn chân kỳ diệu

TT - Quê tôi thuộc xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Làng tôi chạy dọc giữa hai dãy núi: Núi Trước và Tam Đảo. Có người giải thích Cát Nê có gốc từ Cát Lê, vì mảnh đất nghèo trơ cát nên người dân đói khát mà bò lê bò lết...

Nơi đây hẻo lánh nên trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nhiều cơ quan sơ tán về đây. Năm đó tôi đang học lớp 4. Bữa ấy chị dâu tôi về khoe: “Ở làng Vạn Thọ có anh sinh viên liệt hai tay viết bằng chân mà học giỏi, đã thế việc gì cũng làm được”. Tôi hỏi chị, Nguyễn Ngọc Ký phải không?

Tôi đã từng rơi nước mắt khi đọc bài “Đôi bàn chân kỳ diệu” trong sách giáo khoa năm lớp 3. Hình ảnh Nguyễn Ngọc Ký đeo khăn quàng đỏ ngồi viết bằng chân in đậm trong trí nhớ của tôi, biết bao xúc động và sự khâm phục! Cho nên khi nghe chị dâu nói vậy, trong tôi nảy sinh ước mơ được gặp anh Ký ngoài đời.

Làng tôi cách nơi anh Ký trọ học hơn 10 cây số. Nơi rừng núi khoảng cách đó là rất xa, đi lại chủ yếu là cuốc bộ. Tôi rủ một người bạn trốn nhà để đi tìm anh Ký. Sáng sớm hôm đó cả hai chúng tôi nhịn đói thực hiện cuộc hành trình, phải gần trưa mới tới nơi. Khi vào một nhà dân hỏi tìm anh Ký, một đàn chó xông ra như muốn xé xác chúng tôi.

Chúng tôi chạy thốc tháo, nghe tiếng chủ nhà quát lớn: “Trộm! Trộm!...” mà như muốn rụng rời tim gan! Chỉ ít phút sau hai chúng tôi bị bắt bởi mấy thằng choai choai tuổi tôi. Chúng thi nhau “tra hỏi”! Tức thì những quả đấm, đá túi bụi vào chúng tôi xen lẫn tiếng cười khoái chí! Rồi chúng tôi bị mấy người lớn đưa về một nhà dân “khám xét, hỏi cung”. Sau khi nghe chúng tôi tường trình sự việc, lập tức có “lệnh tha”, có người tỏ ra cảm động chỉ chúng tôi sang xóm Tràng Dương.

Chúng tôi quên đi cái đau, cái đói để đi tìm tiếp tục. Khi tới nơi, được biết anh Ký đã đi thăm bạn bên xã Văn Yên! Ôi, buồn muốn chết! Trời đã về chiều, hơn nữa bụng đã đói meo, hai chúng tôi đành phải quay về, đã thế người lại bị đau ê ẩm vì những cú đấm đá. May mà trước khi đi, chị dâu cho tôi mấy hào nên đủ mua cho mỗi người một cái bánh chưng ăn đường. Khi biết chuyện chúng tôi bị đánh, gia đình cấm không cho đi đâu nữa.

Năm sau Trường ĐH tổng hợp, trường mà anh Ký theo học, chuyển về lại Hà Nội, hi vọng gặp anh Ký trong tôi như chấm hết. Tuy nhiên tôi vẫn ước mơ. Nhiệm vụ của tôi lúc này là cố học cho giỏi, vì như chị dâu tôi nói: “Anh Ký bệnh tật như thế mà còn học giỏi thì em cớ gì không học giỏi được!”. Sau này tôi cứ nghĩ nếu không có hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Ký và lời động viên của chị dâu, chắc tôi cũng chỉ là một người chăn vịt, vì với quê tôi ngày đó học hết cấp II là giỏi lắm rồi!

Năm 17 tuổi tôi rời mái trường xung phong vào bộ đội. Những lúc nghỉ giải lao trên thao trường hay những ngày giữ chốt ở chiến trường tôi vẫn kể cho mọi người nghe về câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Ký. Trong hầm giữ chốt ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, có tôi và anh Lân - người Hà Nội, học cùng thời anh Ký.

Hai chúng tôi đang thi nhau kể chuyện anh Ký thì trung đội trưởng xuất hiện, rồi cũng ngồi lắng nghe. Nghe xong anh cười toét miệng hỏi: “Nguyễn Ngọc Ký liệt hai tay mà cũng vào chiến trường chiến đấu! Chỉ có các cậu mới biết Nguyễn Ngọc Ký hả?”. Ba chúng tôi cùng bật cười! Tôi và anh Lân ôm trung đội trưởng ghì thật chặt!

Trong một trận chiến đấu tôi bị thương nặng, phải chuyển ra tuyến sau. Khi vết thương ổn định, đơn vị cho tôi tiếp tục đi học văn hóa và sau đó thi vào trường ĐH sư phạm. Anh Nguyễn Ngọc Ký lại “theo tôi” trên giảng đường.

Rồi một ngày tôi từ biệt quê nhà vào Nam lập nghiệp. Năm 1997, đọc báo tôi biết anh Nguyễn Ngọc Ký công tác tại Phòng Giáo dục - đào tạo quận Gò Vấp, TP.HCM. Ngay lập tức tôi đã liên hệ được với anh, nhưng rất tiếc tôi bị bệnh nặng chưa thể tới thăm anh được. Anh Ký viết thư cho tôi, động viên và gửi tặng một tấm ảnh.

Biết tôi cũng là thầy giáo anh rất cảm động. Một ngày chủ nhật tôi đã tới thăm anh. Cả gia đình anh đón tôi chân thành, cởi mở và hết sức thân thiện như quen nhau từ lâu. Tôi kể cho anh nghe: “Ngày xưa em đi tìm anh mà không được, thấm thoắt thế mà cũng đã ngót 30 năm trời...”. Nghe xong anh Ký rưng rưng!

Thế là ước mơ của tôi đã thành sự thật, anh Nguyễn Ngọc Ký bằng xương bằng thịt đã hiện diện trước mặt tôi. Tôi ăn cơm cùng anh, nghe anh đọc thơ, xem anh dùng đôi chân gõ bàn phím máy vi tính nhanh thoăn thoắt. Anh luôn nở nụ cười, khuôn mặt toát lên niềm lạc quan! Anh Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cho tôi một liều thuốc sống - một ý chí vươn lên để tôi chiến thắng bệnh tật và vết thương chiến tranh!

Câu chuyện về “đôi bàn chân kỳ diệu” tôi đã kể với biết bao lớp học trò...

ĐÀO SỸ QUANG (Biên Hòa, Đồng Nai)

Những người xin xuất viện

TT - Ba tôi nằm bệnh viện. Đi thăm nuôi ông một tuần mà tôi chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đau lòng về những bệnh nhân vì nghèo phải xin xuất viện.

 Nằm chung phòng 12, lầu 4 với ba tôi ở khoa ngoại tổng quát Bệnh viện X. có một ông cụ hơn 70 tuổi ở Long An. Tờ giấy theo dõi bệnh treo trên đầu giường ông ghi “K gan, di căn qua phổi”. Nhìn thân thể ốm yếu tiều tụy của ông cụ mà thương làm sao! Tuy vậy, ông cụ còn có niềm hạnh phúc là được bà cụ cùng con trai út chăm sóc. Nhìn cách ông bà cụ lo cho nhau, nhường nhau từng miếng cơm trong mỗi buổi ăn, không ai cầm lòng được.

Anh con trai út của họ 23 tuổi, một chàng trai vạm vỡ, ngày thường ăn hai tô cơm mới có sức ra ruộng, bây giờ vào bệnh viện nuôi cha, mỗi bữa chỉ được ăn hơn một chén cơm với bịch canh. Đến bữa anh mua hai hộp cơm hết 24.000 đồng cho cha và mẹ, mua thêm 3.000 đồng cơm trắng cho mình. Mẹ anh thường gọi anh là “thằng Út”. Vừa ăn, thằng Út vừa than trời “cơm ở đây bán mắc quá chừng chừng!”. Có một miếng thịt kho mà bà cụ và thằng Út cứ nhường qua nhường lại, đến nỗi Út phải gắt lên: “Con đã bảo là con không ăn, con ăn cơm với canh là no rồi”.

Tôi ngồi ăn hộp bánh cuốn bên ngoài hành lang mà không ăn nổi nữa, làm bộ đứng lên đi lấy hộp chà bông cho Út ăn với cơm, nhưng cũng để giấu đi những giọt nước mắt của mình, vì tôi nghe lén được Út vừa nói với mẹ: “Má ơi, giờ con còn có mấy ngàn, con mong chị lên thăm chứ không chiều nay không có tiền mua cơm ăn...”.

Tôi tò mò lắm nhưng một lúc sau mới dám hỏi và biết ông bà cụ có tám đứa con, toàn làm ruộng. Những người con của ông bà thương yêu nhau lắm, nhưng ngặt nỗi đều nghèo như nhau nên chẳng ai giúp đỡ được ai. Đến trưa, tôi gặp chị ruột và chị dâu của Út vào thăm cha. Trời ạ, tôi ngạc nhiên và thương quá vì quà thăm nuôi của họ là một bịch cơm trắng và một hũ muối tiêu, chỉ có chừng đó!

Ngẫm lại mình, tôi càng thấy rằng mình sung sướng, đầy đủ quá so với gia đình họ. Thật tình mà nói tôi không có nhiều tiền, nhưng cũng vét túi giúi vào tay Út 100.000 đồng để mong Út đừng lo chiều nay không có cơm ăn. Rồi tôi điện thoại về nhà nhỏ em gái ở Q.5, dặn mỗi ngày nấu cơm thì thêm hai bát đem vô cho thằng Út ăn với. Càng nghĩ càng thương nó là con trai mạnh cùi cụi như vậy mà ăn không đủ no.

Hằng ngày, sau khi đợi bác sĩ khám bệnh cho ba xong, chừng 8g thằng Út mới xuống bốn tầng lầu để mua cơm ăn. Xách cơm lên cho ba mẹ mà nó nói: “Con đói “gun” (run) hết trơn”. Từ đó, tôi để ý đến thằng Út dân miền Tây thật thà, chất phác và hiếu thảo với mẹ cha. Ăn gì tôi cũng kêu nó ăn cho vui, ai vô thăm ba mình tôi cũng kể chuyện của nó cho người ta nghe, để mong người ta giúp đỡ nó, nó là con trai nên mắc cỡ lắm, chẳng dám nhận tiền của người ta đưa, tôi phải lén bỏ vào túi của mẹ nó.

Mẹ Út không hề biết chồng mình bệnh ung thư, ai hỏi cũng nói “bị bệnh K” vậy thôi chứ người đàn bà lam lũ ấy không biết “K” là gì, càng không biết “di căn” thì sẽ ra sao. Có hôm bà nói với thằng Út: “Thôi kệ, con ráng chịu cực một chút, tiền nợ má con mình mượn lo cho ba, về nhà từ từ làm rồi trả cũng hết, miễn sao ba con còn sống là vui rồi”.

Bà cụ quay sang nói với tôi: “Nếu bác sĩ kêu mổ là tui quỳ xuống lạy bác sĩ liền đó cô ơi”. Tôi ngạc nhiên lắm, chẳng hiểu ý bà cụ nên thắc mắc: “Tại sao phải lạy vậy bác?”. “Trời ơi phải lạy chứ, lạy xin bác sĩ cho về liền, về liền chứ ở đây là chết, tiền đâu mà mổ!”. Tôi nghe mà lòng dạ xốn xang quá! Gia đình của những người nông dân nghèo ấy đi cấp cứu mà vẫn còn lo món nợ 160.000 đồng xe ôm từ Long An lên bệnh viện.

Bà cụ vốn chân lấm tay bùn nên đối với cụ cái bệnh viện lớn này vẫn lạ lẫm lắm. Lần duy nhất bà cụ phải xuống tầng trệt mua thuốc rồi không nhớ đường trở về phòng. Lo sợ tột cùng, sợ lạc mất ông cụ, sợ ông cụ trông đợi, bà cụ vừa đi vừa hỏi thăm đủ thứ người, cuối cùng cũng về đúng lầu 4, nhưng phòng số mấy thì bà cụ nào có biết. Người ta phải dẫn bà đi từng phòng để tìm. Đến khi nhìn thấy được ông, bà cụ thở phào nhẹ nhõm:

“Trời ơi, tưởng đâu đi lạc luôn rồi, thấy ổng nằm đây mừng quá, thôi thôi từ đây trở đi không đi đâu nữa hết, chỉ ở trong phòng hay ra ngoài hành lang này thôi”. Còn ông cụ thì mừng run khi thấy bà trở về, ông nói: “Ai đi đâu thì đi, bà phải ở đây với tui”. Cuộc sống này sẽ thanh bình lắm nếu vẫn còn có tình yêu vô bờ bến như hai ông bà cụ vậy.

Tôi thương cho họ quá, căn bệnh ung thư rồi sẽ cướp đi người yêu thương nhất của bà cụ, cái chết sẽ chia cắt tình yêu của hai cụ mất thôi, tôi không cam lòng khi nghĩ đến điều đó...

Vài ngày sau, khi tôi quay lại bệnh viện thì nghe nói gia đình họ đã xin bác sĩ xuất viện vì không còn tiền nữa. Thằng Út đi chào khắp phòng và gửi lời hỏi thăm tôi. Điều làm tôi bứt rứt nhất là đã quên không xin địa chỉ hay số điện thoại liên lạc của em, để một lúc nào đó có thể ghé thăm gia đình nghèo khó mà hạnh phúc của em ở Long An.

ĐỖ THANH THÚY (TP.HCM)

......................

Ý kiến bạn đọc:

* Những gì bạn Thúy viết là những sự thật ở nhiều hay nói đúng hơn là hầu hết bệnh viện trên cả nước, là BS tôi cũng chứng kiến nhiều, có một số trường hợp bệnh viện giúp đỡ cho bệnh nhân được, nhưng thật ra người nghèo quá nhiều và quỹ giúp người nghèo không là vô hạn...

Vấn đề là có cách nào giúp họ không? Bảo hiểm y tế thật ra cũng không giúp được do nhiều lý do, chỉ có con đường hoàn hảo nhất là mong cho xã hội không còn người nghèo.

TRẦN HIẾU NHÂN

Cây đờn kìm

TT - Vào một ngày tháng 7-1973, khi đi ngang tiệm cầm đồ bình dân PN tại chợ Sa Đéc, tôi thấy trong tủ kính có để một cây đờn kìm, được bọc trong áo bằng kaki đen.

Người quản lý tiệm cho biết chủ cây đờn là thầy Hai Minh, đem cầm 2.000 đồng để có tiền trị bệnh cho đứa con đau nặng, hẹn một tuần sau đến chuộc, nhưng nay đã hơn một năm mà không thấy thầy Hai Minh trở lại, nghe nhiều người đồn thầy bị bắt vì hoạt động cho Việt cộng.

Tôi hỏi người quản lý rằng tông tích thầy Hai Minh hiện giờ không rõ, vậy tôi có thể mua lại cây đơn này không? Người quản lý đáp: “Ông muốn mua thì tôi bán cho. Theo luật lệ cầm đồ, món đồ cầm quá ba tháng mà không ai đến chuộc hoặc đóng tiền lời thì tiệm có quyền phát mãi”.

Sau khi thỏa thuận, tôi chi ra 2.200 đồng và mang đờn về nhà. Xem kỹ lại thấy cây đờn rất đẹp. Cần và vành đều bằng gỗ trắc, mặt trước mặt sau bằng gỗ cây ngô đồng. Vành được cẩn ốc xà cừ mai, lan, cúc, trúc, khoảng cách giữa các phím đờn đều cẩn hoa văn.

Mặt sau thùng đờn có ghi hai chữ “Hữu Minh” kèm theo chữ ký bằng bút nỉ màu đen đậm.Tôi hết sức vui mừng vì mua được cây đờn vừa ý với giá quá rẻ. Nếu là người trong nghề sẽ biết cây đờn ấy dù có kêu giá 20.000 đồng cũng không đắt. Có lẽ chủ tiệm cầm đồ không hiểu về cổ nhạc nên không biết giá trị thật của cây đờn.

***

Tôi là người trong giới đờn ca tài tử, biết sử dụng đờn kìm nhưng không giỏi lắm. Một bữa nọ, vào năm 2003, tôi đang ngồi trước hàng ba luyện bản Ngũ đối hạ, bỗng một người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi, mang quang gánh đi mua phế liệu, ăn mặc lam lũ, đội chiếc nón tai bèo đã sờn, gương mặt rất sáng, bước đến cạnh tôi.

Ông hỏi tôi có nhôm, sắt vụn, đồ mủ gì bán không. Tôi mời ông ngồi rồi bảo người nhà lựa tìm phế liệu để bán. Ông nhìn chằm chằm vào cây đờn rồi hỏi tôi mua cây đờn này ở đâu. Tôi thành thật trả lời ông là mua đờn tại tiệm cầm đồ bình dân PN ở Sa Đéc cách nay 30 năm và thuật lại lời người quản lý về chủ nhân của nó. Ông mua phế liệu xin cho xem đờn. Ông lật qua lật lại, xem từ thùng đến cần đờn rồi bỗng sụt sùi rơi nước mắt làm tôi không khỏi ngạc nhiên.

Tôi hỏi vì sao ông lại quá xúc động. Ông nghẹn ngào bảo chính mình là Nguyễn Hữu Minh, chuyên đờn kìm, có một thời từng góp mặt cùng các bậc đàn anh như Sáu Trinh, Ba Đờn, Sáu Nhỏ ở Sa Đéc. Tôi liền trao đờn cho ông, ngụ ý muốn nghe ông đờn. Ông cầm đờn lên, rao các điệu nam, bắc, oán rồi đờn ba câu vọng cổ dây hò năm, còn gọi là hò cống (rất ít ai đờn). Ngón đờn của ông rất tươi mướt, tiếng đờn khoan nhặt, bổng trầm, không kém các danh cầm Năm Cơ, Sáu Tửng.

Tôi xin phép gọi ông bằng anh vì tôi cũng xấp xỉ tuổi ông. Tôi hỏi thăm về quá khứ, thân thế, anh Minh từ từ kể: “Năm 1972, lúc chiến tranh ác liệt, con trai tôi lâm bệnh nặng mà trong nhà không có tiền. Bất đắc dĩ tôi phải đem cây đờn yêu quý của mình đến tiệm cầm đồ thế tạm. Chủ tiệm không mấy mặn mà với món hàng nhưng vì chỗ quen biết nên ông thuận trao cho tôi 2.000 đồng. Ba hôm sau tôi bị bắt vì một tên chiêu hồi chỉ điểm.

Tôi bị giam cầm, tra tấn và cuối cùng bị đày ra đảo Phú Quốc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới trở về. Tôi hết sức đau khổ khi biết tin vợ và con tôi đều chết vì bạo bệnh sau một năm tôi bị đi đày. Nay gặp lại vật sở hữu của mình làm sao khỏi bùi ngùi xúc động!”.

Để chứng tỏ mình không nói dối, anh Minh cầm bút ký tên trên một tờ giấy. Tôi xem lại giống y như chữ ký ở mặt sau cây đờn. Tôi hỏi thăm anh về cuộc sống hiện nay, anh bảo đã từng làm bốc vác, phụ hồ và giờ thì mua bán phế liệu sống qua ngày. Anh Hữu Minh ngỏ ý muốn chuộc lại cây đờn theo giá thị trường hiện nay. Nếu tính đúng, tính đủ thì có hơn 2 triệu đồng. Tôi liền bảo anh: “Hãy tìm hộ tôi một cây đờn kìm khác rồi mang cây đờn của anh về để được “vật hoàn cố chủ”. Anh rối rít cảm ơn tôi.

Một tháng sau, giữ lời hứa anh Hữu Minh đến giao cho tôi một cây đờn kìm khá đẹp, cũng vành, cần bằng gỗ trắc, mặt bằng gỗ cây ngô đồng nhưng không cẩn ốc xà cừ. Âm thanh của đờn là 9/10 so với cây đờn cũ của anh.

Anh hẹn trở lại thăm tôi sau khi giải quyết xong số phế liệu còn để tại nhà ở tận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Đã hơn sáu năm rồi mà anh Hữu Minh vẫn bặt tăm, vắng bóng. Chẳng biết ông bạn đáng thương ấy ở đâu khi tôi viết những dòng này.

Tháng 12-2009

LÊ VĂN QUANG (Năm Tiều)

(Tiền Giang)

Xóa bỏ ước mơ thủy thủ

TT - Tháng 7-1988, tôi thi đậu vào Trường trung học chuyên nghiệp Giao thông vận tải khu vực III (TP.HCM). Học phí năm đầu phải đóng 350.000 đồng, tương đương hai chỉ vàng 24K. Thuở ấy, gia đình tôi ở Định Quán (Đồng Nai). Nhà nghèo, tài sản chỉ có bốn sào điều mới trồng ba năm, nhưng ba má tôi đành phải bán đổ bán tháo lấy 400.000 đồng lo cho tôi ăn học.

Tôi đi học buổi sáng, buổi chiều đi trộn hồ mướn, tự lo chi phí sách vở và ăn uống. Cứ mỗi tháng tôi về thăm gia đình một lần. Má tôi chắt mót vài chục ngàn cho tôi nhưng tôi không lấy, vì ba má tôi làm công nhân cao su, lương quá thấp, lại còn nuôi ba đứa em tôi đang đi học. Má cầm bàn tay chai sần của tôi, nước mắt lưng tròng.

Còn ba tôi cũng đau xót ruột gan nhưng cố làm bộ thản nhiên, nói: “Con vừa học vừa lao động để rèn luyện nghị lực tốt, sau này giúp ích cho gia đình và xã hội bằng trí tuệ và cái tâm trong sáng. Ba tin con sẽ làm rạng rỡ gia đình!”.

Tôi khắc ghi lời động viên của ba, quyết tâm học tập... Giữa năm 1991 tôi tốt nghiệp bằng điều khiển tàu biển loại khá, phấn khởi về nhà báo tin “đại hỉ”. Ba má tôi mừng quá, bèn “hi sinh” bốn con gà mập ú đang nuôi để đãi tiệc bà con láng giềng đến chúc mừng. Bạn học cũ thời PTTH cũng đến chia vui. Tôi cảm nhận niềm hạnh phúc và tin vào tương lai tươi đẹp...

Nghỉ dưỡng sức ở nhà một tháng, tôi hăm hở xuống Sài Gòn nộp hồ sơ xin việc ở một công ty tàu biển. Người ta nhận hồ sơ, cấp cho tôi giấy hẹn “chờ lãnh đạo giải quyết”. Tôi trở về nhà phụ giúp ba má chăm sóc cao su và xen canh hoa màu, cải thiện cuộc sống, kiên nhẫn chờ đợi...

Ba tháng sau, tôi xuống chỗ nộp hồ sơ hỏi thăm kết quả. Người ta bảo tôi phải học thêm khóa huấn luyện thuyền viên, chứng chỉ A tiếng Anh và tiếng Hàn chuyên ngành hàng hải. Họ hứa sẽ bố trí cho tôi lái tàu viễn dương sang Hàn Quốc. Tôi tin họ, về nhà xin tiền ba má đóng học phí, học trong một năm là hoàn thành các khóa học theo yêu cầu.

Cũng may lúc đó tôi có ông anh kết nghĩa làm nghề cửa sắt, dạy tôi hàn điện và cho tôi làm việc từ 7g-10g tối. Lại một phen vừa làm mướn vừa học, nuôi ước mơ thủy thủ chuyên nghiệp... Thế rồi vào giờ chót, họ bảo tôi phải ký hợp đồng và đóng 500 USD gọi là “thế chân” xuất khẩu thuyền viên. Tôi biết tỏng mặt trái của vấn đề nên quyết định xóa bỏ ước mơ thủy thủ.

Người anh kết nghĩa giới thiệu tôi với tổ hợp khuôn mẫu Phú Vinh ở đường Mai Xuân Thưởng, Q.6, TP.HCM để tôi có chỗ làm căn bản, tuy đồng lương hơi thấp... Đúng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Cái nghề cơ khí khuôn mẫu (sản xuất hàng nhựa) tôi không học ở trường lớp nào. Tôi làm được bảy năm thì tổ hợp Phú Vinh tiến lên thành công ty TNHH.

Và trời không phụ người có chí, tôi được đề bạt làm phó giám đốc xưởng nguội. Tôi suy ngẫm truyện Tái ông mất ngựa rồi so sánh với bản thân. Báo chí đã đăng nhiều bản tin về chuyện chủ tàu hành hạ thủy thủ người VN như nô lệ. Còn nhiều công ty tàu biển của ta làm ăn ì ạch, thua lỗ te tua. Giá như hồi đó người ta không bày trò đóng 500 USD thì cuộc sống của tôi biết đâu đã bầm dập hoặc có thể bị cá mập xơi rồi.

Bây giờ tôi đã có vợ con nhưng vẫn không quên báo hiếu ba má an vui tuổi già. Tôi không thể làm giàu vì lương bổng giới hạn, nhưng tôi thanh thản tâm hồn vì không bị vật chất phù hoa cám dỗ!

NGUYỄN THANH CAO (TP.HCM)

Lòng mẹ

TT - Quê tôi ở một vùng chiêm trũng của tỉnh Nghệ An. Những năm tôi còn nhỏ làng quê chìm trong cảnh đói, nhiều nhà xong mùa gặt, treo hái là treo niêu. Để chống đói, hợp tác xã thường tổ chức đi mua sắn (khoai mì) ở các huyện miền núi Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp về chia cho các gia đình xã viên.

Nhận sắn về chúng tôi lột vỏ, rửa sạch, sau đó hái nắm lá khế bỏ dưới đáy nồi rồi đem luộc lên ăn. Đã cẩn thận vậy mà nhiều phen cả làng vẫn bị say chỏng chơ. Ký ức về những trận say sắn mà dân làng tôi trải qua thật ảm đạm: từ đầu thôn tới cuối xóm, nhà nào nhà ấy cứ như có đám, mở cửa bước vào đều thấy người nằm liệt, nặng thì ói mửa, nhẹ thì đầu óc lơ mơ...

Chính một cơn say sắn như thế đã cướp đi của tôi một lúc hai người anh trưởng và thứ, anh Du, anh Giá. Nếu còn sống bây giờ các anh đều đã là những ông lão, vì tôi - đứa em thứ sáu - cũng sắp tuổi hưu. Nhưng các anh chết khi còn quá trẻ, anh Du 12, anh Giá 10 tuổi nên tôi chẳng nhớ gì nhiều.

Ngoài sắn, khoai dong, khoai riềng cùng các loài rau quen thuộc, với dân quê tôi là những thứ cây chống đói chiến lược. Nhà tôi cũng vậy, vườn trồng rất nhiều rau củ cho mục đích này, nhất là rau cải. Cả vườn cải mênh mông được tỉa ăn dần, cây nào còn lại đến khi lên ngồng cũng cành nhánh sum suê trông như một “cây đa cổ thụ”, lúc ấy chúng được nhổ để muối dưa. Dù rau củ bạt ngàn vậy mà nhiều năm do vụ giáp hạt kéo dài, mẹ tôi phải đào gộc chuối, chặt thân cây đu đủ để làm nộm, muối dưa gọi là đổi món.

Ăn mãi rau dưa anh em tôi đứa nào đứa ấy trông xanh như tàu lá, một bữa cơm trắng đối với chúng tôi là cả một niềm mơ ước thiêng liêng. Nhìn đàn con đói khát của mình, mẹ tôi xót cả ruột mà chẳng biết làm sao. Một hôm mẹ nhổ một gánh cải ngồng, bảo tôi gánh ra biếu bà ngoại ở xóm Yên Thượng. Tôi ngạc nhiên:

- Nhà ngoại thiếu gì rau mà mẹ phải biếu?

- Nhà ngoại chỉ có cải thìa, không có cải xanh như nhà mình - mẹ tôi giải thích.

Tin lời mẹ, tôi gánh rau đi. Vừa tới ngõ nhà ngoại thì ôi chao trước mắt tôi vườn nhà ngoại là cả một trời cải xanh, cây nào cây ấy sum suê không kém gì cây trong vườn nhà tôi. Ngoại tưởng tôi gánh rau đi chợ Vinh bán tiện đường ghé ngoại chơi. Tôi giải thích: “Mẹ bảo con mang ra biếu ngoại“, ngoại ngạc nhiên nhưng phút ngạc nhiên ấy qua thật nhanh. Ngoại kéo tôi vào nhà, khen tôi ngoan, mới tí tuổi đầu đã biết gánh gồng, sau đó ngoại lật đật đi vo gạo thổi cơm.

Tôi xin phép ra về, ngoại nhất định không cho, bắt tôi ở lại ăn với ngoại bữa cơm vì cơm ngoại nấu rồi. Chẳng đợi ngoại nói lần thứ hai tôi ở lại ngay. Tiếng là ăn với ngoại bữa cơm nhưng chỉ có một mình tôi ăn, ngoại chỉ ngồi bên hỏi chuyện, đợi tôi ăn hết bát này thì đơm ngay bát khác.

Trở về, tôi kể với mẹ chuyện được ăn cơm ở nhà bà ngoại. Mẹ tôi không nói gì, chỉ thấy mắt mẹ ngân ngấn nước.

Mẹ tôi mất đã lâu, nhưng càng ngày tôi càng hay nghĩ đến mẹ, thấy bà gần gũi với tôi hơn. Nhiều chuyện mẹ làm từ mấy chục năm trước (chẳng hạn câu chuyện về gánh rau cải biếu bà ngoại mà tôi vừa kể) mãi sau này tôi mới hiểu.

Là con của ngoại, mẹ thừa biết nhà ngoại cũng trồng nhiều rau như nhà mình, nhưng để kiếm cho con mình một bữa cơm trắng mẹ vẫn bảo con gánh rau đi. Còn ngoại cũng hiểu con gái mình nên đã làm đúng những gì mẹ mong đợi. Chỉ có tôi ngây thơ chẳng biết gì, cứ thế hồn nhiên hưởng lợi.

NGÔ XUÂN HỘI (TP.HCM)

Cậu tôi

TT - Cậu ra đời trong sự mong chờ của ông ngoại vì trước khi sinh cậu, bà ngoại chỉ sinh toàn con gái và cũng bởi ông ngoại luôn trọng nam khinh nữ, coi con gái là “nữ sanh ngoại tộc”. Đến bữa ăn, cậu được dành riêng những món ngon nhất và khi bạn bè của cậu còn chân đất đến trường thì cậu đã được ông mua cho xe máy.

Nhà ngoại tôi thuộc hàng khá giả nhờ vào của cải ruộng vườn của ông cố để lại nên ông ngoại suốt ngày hết ngồi bên ấm trà ngon đánh cờ cùng những ông bạn già lại nghiên cứu mấy cuốn sách tử vi dày cộm. Công việc duy nhất ông làm là tỉa tót những chậu cảnh để đầy sân trước. Khi ba tôi về ở rể thì ba má hầu như là lao động chính, ba lo việc ruộng nương, má phụ bà ngoại buôn bán.

Cuộc sống trong đại gia đình cứ êm đềm trôi. Khi ông bà ngoại xây căn nhà lớn hơn trong mảnh vườn cây trái gần đó, ba má được ông bà cho căn nhà cũ, lúc đó gia đình tôi mới bắt đầu cuộc sống riêng. Mái nhà của ông bà ngoại chỉ êm ấm đến khi cậu lấy vợ. Vợ cậu là người không có tính nhường nhịn, thích khoe khoang và lắm điều, gia đình luôn có chuyện xào xáo.

Má tôi thấy vậy nên kêu cậu mợ về ở chung, dẫu sao căn nhà cũng rộng. Má bảo: “Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”. Sai lầm to lớn của má khiến chúng tôi phải trả giá, chỉ một thời gian ngắn cậu nhỏ to với ông ngoại rằng: “Phần nhà cậu ở nhỏ lắm, má tôi là con gái sao được ở phần lớn hơn?”.

Ông ngoại nghe lời và thế là một lần nữa căn nhà được chia ra, lần này không còn ngăn bởi tấm vách nữa mà cậu gọi người đến dỡ cả mái ngói, cưa đứt từng chiếc rui, mè. Cả gia đình tôi như bị ai cắt từng khúc ruột, căn nhà chúng tôi sống gần 20 năm nay, từ lúc mới sinh đến khi trưởng thành, đã không còn nguyên vẹn. Không ai dám lên tiếng bởi căn nhà là của ngoại và lời nói của ông từ xưa đến giờ không ai dám cãi.

Kể từ đó hai bên nhà cha mẹ tôi và nhà cậu như kẻ thù, ở cạnh nhau nhưng còn thua người dưng nước lã. Ba tôi thường hay cằn nhằn má: “Chỉ tại thằng em của bà! Phải chi lúc trước tôi không về ở rể. Nhục nhã quá!”. Má tôi gầy xọp đi, cứ khóc thầm trong đêm, lũ chúng tôi không đứa nào dám hó hé, cũng không dám đùa giỡn với nhau như trước.

Ba má phải gom góp tiền bạc, vay mượn nhiều nơi để mua căn nhà khác gần đó. Phần nhà cũ được cậu dỡ ra làm thành cái chuồng nuôi mấy con heo. Đâu phải cậu không có tiền, cậu rất giàu là khác, ngoài giờ làm trong công ty cậu còn làm thêm ở ngoài hay nhận đồ điện gia dụng sửa chữa tại nhà. Còn vợ cậu đeo vô số nữ trang lấp lánh trên người. Sau khi ông ngoại qua đời, cậu lại nhắm tới mảnh đất trồng cây trái bên hông nhà ngoại. Cậu bảo bà ngoại con cậu lớn rồi, cậu muốn bà cho miếng đất để dành cho nó sau này.

Cậu chỉ hỏi cho có lệ bởi bà ngoại chưa gật đầu thì cậu đã đem nào cột, nào dây thép làm một hàng rào rào luôn mảnh đất. Hàng xóm nói vui với nhau: “Lại đánh chiếm đến tổng hành dinh“. Nhà ngoại lại xung đột, lúc này một bên là hai người dì - dì lớn, một cô giáo về hưu, cùng dì út ốm yếu, một bên là cậu mợ. Sau những cuộc tranh cãi mà bao giờ vợ chồng cậu cũng to tiếng hơn, rốt cuộc căn nhà bề thế của cậu vẫn sừng sững mọc lên, chấm hết những tình cảm còn sót lại mà mọi người dành cho cậu.

Chỉ chưa đầy một năm sau cậu phát bệnh, cậu bị suy thận giai đoạn cuối. Không hiểu sao cậu không phát hiện được bệnh sớm. Cậu còn làm cho ai cũng sửng sốt khi quyết định không đi bệnh viện, cậu bảo chạy chữa tốn kém tiền bạc, muốn để dành tiền đó cho vợ nuôi con ăn học. Không ai lay chuyển được cậu, căn bệnh tàn phá cơ thể cậu nhanh chóng, cậu không ăn, không ngủ được và không còn đi lại được.

Những cơn đau hành hạ cậu từng giây, cậu cắn chặt răng cam chịu không than van rên rỉ một tiếng. Chúng tôi dù rất ghét cậu vì chuyện tranh giành nhà ngày trước nhưng cũng cúi đầu cảm phục tình thương con bao la của cậu. Cậu đã can đảm lựa chọn cho mình con đường đi ít người nào chọn.

Ba tháng sau cậu mất, tất cả những hiềm khích ngày trước đã theo cái chết của cậu mà tan biến. Ngày trước, mỗi khi về thăm ba má đi ngang qua nhà cậu có bao giờ tôi thèm nhìn vào, vậy mà giờ đây mỗi lần đi qua tôi lại ngoái nhìn dù nhà đóng cửa im lìm, vắng lặng không thấy bóng ai. Còn căn nhà cũ rao bán không ai mua, cho thuê chẳng ai hỏi đến. Tôi cứ suy nghĩ mãi, nếu được làm lại từ đầu, cậu có lặp lại những gì đã làm hay không?

NGỌC YẾN (TP.HCM)

Ân nhân

TT - LTS: Đôi lúc một sự giúp đỡ rất nhỏ lại có ý nghĩa rất lớn khiến người nhận nhớ hoài trong tim mình, như câu chuyện kể dưới đây.

Ngày 3-4-2009, tôi đi tái khám định kỳ tại Bệnh viện Ung bướu. 13 năm nay tôi dùng thẻ bảo hiểm y tế diện xóa đói giảm nghèo của phường cấp, không gặp một trở ngại nào.

Năm 2005 nhà tôi bị giải tỏa về phường mới. Cái nghèo vẫn đeo đẳng đi theo, nhà chung cư rộng rãi nhưng thân già không làm ra tiền, đau bệnh liên tục, chỉ một đứa con là lao động chính. Chung cư đủ thứ tiền phải đóng. Khi đi bảo hiểm cho chuyển theo nhưng phường mới bắt tôi phải mua mà không cần xác minh, chắc họ nghĩ nhà rộng thì phải giàu!

Ngày 1-12-2008, tôi đăng ký mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại phường, đến ngày 2-2-2009 tôi nhận thẻ mới và không biết bảo hiểm tự nguyện lại rắc rối như thế. Đã là bệnh nhân, đã đau đớn vô cùng mà bảo hiểm cứ hành đi tới đi lui, ba ngày mới được vào khám. Sao không ai giải thích cho bệnh nhân hiểu cụ thể hơn để họ khỏi bị chỉ qua chỉ lại và sao không ai giải thích để bệnh nhân biết mua bảo hiểm y tế cũng phải đóng đủ thứ tiền.

Buổi sáng hôm ấy trời âm u, cơn mưa dài dai dẳng, mỗi bệnh nhân một nỗi đau riêng, sân bệnh viện buồn thê thảm. Tôi vào phòng tài vụ ngồi chờ đóng dấu xét nghiệm siêu âm, đang mơ màng bỗng nghe một tiếng kêu lảnh lót của cô nhân viên: “Trần Thị Lan đóng 115.000 đồng”.

Tôi bàng hoàng hoảng hốt, trên tay còn vỏn vẹn 100.000 đồng, thiếu 15.000 đồng. Giữa bệnh viện rộng mênh mông, người đông như kiến và toàn người xa lạ, chẳng biết mượn ai. Còn cô nhân viên gọi mãi tên tôi, thân già lụm cụm mắt mũi lem nhem, da xanh xao vì lo sợ. 11g30 phòng tài vụ sẽ đóng cửa, phòng thử máu sẽ nghỉ trưa, ngày mai tất cả đều nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, ba ngày định kỳ tái khám lỡ trễ, tôi sợ bác sĩ la.

Tôi hồi hộp chạy loanh quanh tìm xem có ai tin mình. Thấy cậu thanh niên đang nghe điện thoại, vẻ sang trọng, tôi nghĩ cậu ta không đến đỗi nhìn mình mà làm ngơ, tôi ngồi chờ để xin 15.000 đồng. Nhưng khi buông điện thoại thì cậu ta nói chuyện với người khác, tôi ngại ngùng không dám mở lời... Họ sẽ nghĩ gì? Mình là ai?... Kẻ ăn xin thì chưa giống, dân lường gạt cũng không đúng. Tôi đi tìm chú bảo vệ thường gặp ở bệnh viện, chỉ có chú ấy mới dễ nhớ và dễ trả, nhưng xui quá chú đã đi ăn cơm.

Sau 15 phút đắn đo, cuối cùng tôi đổ nước lì hỏi đại một phụ nữ tuổi cỡ 50: “Chị làm ơn cho em mượn 15.000 đồng, lát nữa con em lên em sẽ trả”. Bà ta nhìn tôi và trả lời: “Không có tiền lẻ”. Trên tay tôi toàn tiền lẻ. Bà ta cũng thấy nhưng chẳng lẽ nói “chị đưa em thối”, xấu hổ quá... Lần đầu tiên trong đời tôi mới gặp chuyện này, lại còn xưng hô chị em với người nhỏ tuổi hơn mình. Đúng là đồng tiền lèo lái mình.

Cuối cùng ở hiền cũng gặp lành. Ngồi gần đó là cậu thanh niên không đoán được tuổi vì quá nhỏ con. Không đắn đo do dự, cậu ta móc túi lấy 20.000 đồng đưa tôi và bảo: “Dì cầm lấy”. Tôi ngơ ngẩn nhìn và ngại ngùng. Nét mặt tôi lúc đó vui mừng, rạng rỡ, mồ hôi không còn lấm tấm trên trán nữa, tôi cảm ơn lia lịa.

20.000 đồng lúc này lớn gần bằng 2 triệu. Tôi chạy đến phòng tài vụ lấy giấy, sang phòng thử máu lấy được số thứ tự 402. Tôi quay lại cảm ơn ân nhân lần nữa và trả lại 5.000 đồng nhưng cậu thanh niên không nhận và bảo: “Dì cầm để đi xe...”. Nhắc mới nhớ nếu không có 5.000 đồng này thì sao? Xin ai nữa đây? Không ngờ cũng có người tốt bụng giúp kẻ lỡ cơ lỡ hội như tôi...

Một lần nữa tôi chân thành cảm ơn cậu em đã giúp tôi và hứa quả đất tròn nếu gặp lại tôi sẽ hoàn trả.

Cũng tại bệnh viện này, cách đây một năm, tôi chứng kiến một cảnh thật đau lòng: có một phụ nữ dẫn con đi chữa bệnh. Em bé 12 tuổi xanh xao gầy yếu, mẹ ngồi khóc. Thấy cảnh này tôi tò mò hỏi, người mẹ trả lời: “Chi phí đợt này 3 triệu mà con có 2,9 triệu đồng, thiếu 100.000 đồng. Mấy cô y tá bảo chừng nào đủ 3 triệu thì vào làm thủ tục...”.

Trước tình cảnh đau lòng đó, tôi bảo: “Nếu cô là người chân thật thì 100.000 đồng không lớn, họ sẵn sàng giúp cô. Và bác sĩ không nỡ để con cô đau đớn như vậy đâu... Còn tôi sáng giờ nhịn đói, chỉ còn 60.000 đồng, tôi phụ cô 50.000 đồng, còn 10.000 đồng tôi phải đi hai lần xe buýt mới về tới nhà và uống bịch trà đá cầm hơi. Nếu còn nhiều thì tôi cũng giúp cô cho đủ. Cô ráng xin thêm để lo cho cháu sớm... Cô thử gặp bác sĩ, bác sĩ nào cũng tốt, họ sẵn sàng chia sẻ. Chỉ sợ mình tự ái và tự trọng, bệnh nhân ở đây cũng có người rất hảo tâm, nếu mình là người bệnh thật sự... họ sẽ giúp đỡ”.

TRẦN THỊ LAN (Q.6, TP.HCM)

Tôi cố gắng trở thành một công tố viên giỏi

TT - Đôi mắt nhìn xa xăm, ngoại kể tôi là kết quả của một tình yêu không trọn vẹn. Mẹ tôi xinh đẹp, vì đam mê cải lương nên đã đi theo đoàn hát. Thế rồi một ngày kia mẹ trở về với cái bào thai trong bụng. Vài tháng sau mẹ sinh ra một bé trai, cứ nghĩ rằng khi sinh được em bé mẹ tôi sẽ hết buồn, thế nhưng...

Hôm đó trời mưa rất lớn, mẹ tôi đã từ giã cuộc đời khi tuổi còn rất trẻ. Tôi chưa đầy ba tháng tuổi, chưa kịp nhận biết mặt mẹ mình như thế nào. Mẹ tìm cái chết để giải thoát cuộc đời, nhưng mẹ có biết trên đời này còn có đứa con nhỏ bé của mẹ phải gánh chịu tiếp nỗi khổ đau của mẹ, thậm chí còn hơn thế nữa!

Tôi lớn lên nhờ những tô nước cơm của ngoại và một phần sữa mẹ của thằng bạn tôi. Bác Ba, người hàng xóm tốt bụng, cho tôi bú thép. Khi tôi được gần 2 tuổi thì người em kế mẹ tôi có gia đình và nhận tôi về nuôi, cho tôi có giấy khai sinh, có mẹ, có cha đầy đủ như bao nhiêu đứa trẻ khác. Cho đến sau này, tôi mới hiểu được tại sao người ta thường gọi tôi là “thằng Chia”.

Tôi được đến trường như bao nhiêu đứa trẻ khác, chỉ khác một điều là nhà tôi rất nghèo, bạn thân nhất của tôi là những con trâu. Ngày ông ngoại đuổi gia đình tôi đi, ba mẹ dắt tôi ra chuồng trâu ở. Khi tôi học lớp 2, 4 giờ sáng đã phải dậy tưới cả rẫy bắp hoặc bí đỏ tùy theo mùa... rồi cắt bông bí đi bán, giữ em, nấu cơm...

Đi học về tôi phải đi chăn trâu, lúc đó tôi cũng chưa nghĩ gì nhiều về số phận của mình, cứ nghĩ vì nhà nghèo, mình làm anh lớn nên phải vậy. Nhưng thời gian trôi qua tôi dần lớn lên và cảm nhận được một điều là bị ba đối xử như người xa lạ, không ngày nào tôi không bị đòn và mỗi bữa cơm của tôi đều có chan nước mắt. Hình như trong mắt ba tôi là cái gai khó chịu.

Không điều gì có thể che giấu mãi, nhưng sự thật đến với tôi thật bất ngờ và tàn nhẫn. Tôi đang ngủ trưa, tiếng cãi vã của ba mẹ làm tôi thức giấc. Ba muốn tôi nghỉ học đi làm kiếm tiền nuôi tiếp bốn đứa em, nhưng mẹ không chịu, muốn tôi được học tiếp. Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì đã không có gì, nhưng một câu nói của ba làm tôi run bắn cả người. “Nó không phải con tôi tại sao tôi phải lo cho nó!?”. Trời ơi, sự thật lại là như vậy sao? Tôi vẫn nằm im mà hai hàng nước mắt tuôn chảy tự bao giờ.

Tôi quyết định ra đi để không còn là gánh nặng cho mọi người. Năm đó tôi đang học lớp 8. Bạn bè mỗi đứa một ít cho tôi được 40.000 đồng, tôi đón xe đi Sài Gòn, nhưng ra đi để rồi lại trở về sau những đêm lang thang không mái nhà, không biết làm gì để sống. Những ngọn roi của ba chỉ dừng lại khi mẹ tôi la lên: “Ông đánh cho chết nó đi!”. Câu nói đầu tiên của ba tôi là: “Tội của mày đáng để tao đập đầu thả trôi sông”. Phải, nếu có thể chết được tôi cũng mong mình được chết, nhưng tôi không thể chết, tôi còn phải biết mình là ai và tại sao cuộc đời mình lại như thế.

Tôi cố gắng làm bất cứ việc gì người ta thuê mướn: đội cát, vác ximăng, bốc vác ở kho gạo... để có tiền đi học. Ba tôi nói: “Tướng của mày sau này chỉ đi ăn xin hay ăn cướp thôi chứ học hành làm gì”. Tôi đau lòng lắm, thề sẽ có một ngày chứng minh cho mọi người thấy những gì người ta làm được tôi cũng sẽ làm được...

Khi lên lớp 10, căng thẳng giữa tôi và ba ngày càng nhiều hơn. Tôi quyết định xin ở nhờ nhà của Xuân Thắng, lớp trưởng cũng là bạn thân của tôi, rồi lại ở nhà thằng Trường, bạn học. Thi tốt nghiệp xong, tôi từ giã bạn bè quyết định trở lại Sài Gòn lần nữa, với lời thề lần này ra đi nếu không lập được sự nghiệp sẽ không trở về.

Tôi xin vào làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, đồng thời nộp hồ sơ thi Trường đại học Luật TP.HCM và Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh, hai niềm đam mê của tôi. Buổi tối tôi đạp xe đến các nhà sách tìm tài liệu để đọc, miệt mài cho đến ngày thi. Ngày tôi đi thi chỉ có một mình cùng chiếc xe đạp cọc cạch.

Nhìn mọi người xung quanh ai cũng có người thân bên cạnh, còn tôi bơ vơ một mình. Càng đau xót bao nhiêu tôi càng cố gắng bấy nhiêu. Tôi tin là mẹ luôn ở bên cạnh và luôn phù hộ tôi... Khi nhìn kết quả công bố tôi đậu Đại học Luật TP.HCM, tôi không biết mình đang mơ hay đang tỉnh. Tôi đứng nhìn và nhìn mãi, rồi lặng lẽ mỉm cười, lên xe chạy một mạch về phòng thưởng cho mình một giấc ngủ thật ngon.

Tin tôi đậu đại học được gửi về nhà. Rồi một buổi tối tôi trở về, thấy mẹ tôi khóc, ba tôi không nói gì nhưng tôi biết ông ấy cũng vui lắm! Mọi người bắt cá làm đồ ăn rất ngon đãi tôi. Tôi bắt đầu cuộc đời sinh viên. Học đại cương ở Thủ Đức, không thể đi làm được nên bao nhiêu tiền dành dụm trước đây tôi đã tiêu xài hết. Nhưng tôi không bỏ cuộc, cuối tuần đạp xe đến các công trình xây dựng xin làm phụ hồ, cứ thế tôi cố gắng hết một học kỳ. Khi trường chuyển vào quận 4 tôi yên tâm hơn.

Tôi xin vào làm cho quán bar Em và Tôi, và thật bất ngờ tôi gặp lại Xuân Thắng, làm sao kể hết những buồn vui. Thắng cũng thi đậu đại học và đang đi học. Tôi dời phòng trọ về ở chung với Thắng. Công việc ở quán bar thức khuya làm tôi mệt mỏi, Xuân Thắng và tôi cùng xin qua bán hàng cho Vina Giày. Món ăn chính của tôi vẫn chỉ là mì gói, cá hộp và hột vịt. Có lần tôi và Xuân Thắng đi làm về đã hơn 23 giờ, đói bụng nhưng trong túi chỉ còn 2.000 đồng, ghé vào quán cháo trắng ven đường, hỏi mua hai chén cháo không, chan nước mắm vào ăn cũng qua cơn đói bụng.

Một lần Kim Ngân, người yêu đầu đời của tôi, đến tìm, lúc đó tôi cũng vừa đi học về đang dọn cơm ra ăn. Nhìn vào mâm cơm của tôi cô ấy bật khóc quay đi, tôi chạy theo hỏi tại sao. Cô ấy nói không thể chịu nổi khi thấy cuộc sống của tôi như thế mà không thể lo được cho tôi, vì Ngân cũng rất nghèo.

Khi tôi bước vào học kỳ cuối, bài học rất nhiều, không thể làm thêm được nhiều nữa. Tôi đến tiệm sửa chữa điện tử của chú Thắng ở đầu ngã tư Tôn Đản - Đoàn Văn Bơ: “Chú bảo con làm gì cũng được, chỉ cần chú cho con ăn cơm”. Thế là tôi được nương nhờ những bữa cơm của chú Thắng đến khi tốt nghiệp.

Nhận bằng xong dù bạn bè đều khuyên tôi ở TP.HCM, nhưng tôi muốn quay về quê để thực hiện lời hứa ngày xưa. Ngày trước tôi học luật để mong mình trở thành một luật sư giỏi, giúp đỡ những người gặp phải hoàn cảnh như tôi, những kẻ nghèo thường bị người ta ăn hiếp. Giờ đây tôi đi làm đã được năm năm. Tôi đang cố gắng trở thành một công tố viên thật giỏi để có thể làm được điều mình mơ ước.

ĐINH THANH TÂM

(Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Không đành lòng bán ruộng

TT - Bà cố nội để lại cho ba tôi 50 cao ruộng (5.000m2) hương hỏa. Những năm 1980, khi chưa có nước kênh Đông từ lòng hồ Dầu Tiếng chảy về, ba tôi chỉ làm được một vụ, lúa tạm đủ đổ vào bồ để nuôi sáu đứa con ăn học.

Mùa lúa ở quê tôi bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch. Ăn Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) là ba tôi bắt mạ. Những ngày hè, tôi - lúc đó 16-17 tuổi - thường theo ba đi cày, đắp bờ ruộng, nhổ mạ, cấy lúa... nên hiểu công việc nhà nông cực khổ thế nào.

Quê tôi, ngoại thành TP.HCM, ruộng không nhiều, phần lớn nhà nông làm ruộng chỉ cốt mong sao có đủ lúa ăn, chứ không phải để bán hay xuất khẩu như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm nào mưa thuận gió hòa cả nhà tôi mới được ăn cơm trắng, còn thức ăn ở nhà quê có gì ăn nấy, mắm muối, con cá đồng, con tép, con cua, con gà, con vịt tự nuôi để cải thiện bữa ăn. Năm nào mùa màng thất bát thì phải ăn cơm độn khoai.

Những lúc theo ba ra ruộng, ba thường khuyên dạy tôi duy nhất một điều: “Con gắng mà học chữ cho tốt! Có cái chữ rồi đi làm thầy, làm thợ, chứ làm nông dân như ba cả cuộc đời vất vả lắm. Hơn nữa bà cố chỉ để lại cho ba có 50 cao ruộng thôi, ba có sáu người con, ba đứa con gái lớn lên lấy chồng về nhà chồng.

Nhà chồng giàu hay nghèo là số con gái phải chịu, như má con lấy chồng theo ba về làm nông dân vậy đó. Còn ba đứa con trai, con không gắng học, hai em con mà lười học nữa thì số ruộng ít ỏi chia ra cho ba đứa, mỗi đứa có được bao nhiêu đâu mà sống, mà cưới vợ sinh con. Đất mỗi ngày mỗi chật, người mỗi ngày mỗi đông, con hiểu không!”.

Tôi bước chân vào Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM - nay là Trường đại học Sài Gòn. Ba má tôi vui mừng bao nhiêu thì niềm vui của tôi được nhân lên gấp bấy nhiêu lần. Nối gót theo tôi, em trai kế tôi cũng vào được đại học, rồi thằng út vào trường trung cấp.

Giờ thì cả thảy sáu anh em tôi đều đã có gia đình, có nhà riêng. Còn ba má tôi lên chức ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại. Ba tôi đã ngoài 70 tuổi, 50 cao ruộng ba cho người ta thuê. Năm được mùa, người thuê đóng lúa vừa đủ cho ba má tôi ăn cả năm. Năm thất mùa thì ba má tôi xí xóa cho người thuê ruộng... Đôi khi ba cho tôi hoặc các em mượn bằng khoán 50 cao ruộng ấy thế chấp ngân hàng vay vốn sửa lại căn nhà, kinh doanh nhỏ...

Thời gian trôi, thửa ruộng ấy bây giờ không ai thuê vì ở quê tôi người bán ruộng, người bỏ ruộng đi làm thuê làm mướn đủ mọi nghề lấy tiền mua gạo ăn chứ không ai dám làm ruộng vì không đủ ăn. Chờ Nhà nước quy hoạch là người ta phân lô, trồng trụ ximăng và treo bảng bán đất! Nhớ hồi nhỏ nghe ba ước mơ: “Giá có tiền ba mua thêm vài chục cao ruộng để làm thêm cho đủ cả nhà ăn, có dư lúa dự phòng năm thất mùa không phải ăn độn khoai”.

Giờ thì ba gọi tôi và hai đứa em trai về bảo: “Trong ba đứa, đứa nào đứng ra nhận phần ruộng hương hỏa để làm đây? Ba bỏ ruộng hoang mấy năm nay rồi. Đường vô ruộng bây giờ Nhà nước quy hoạch mở đường rải đá... giá đất tăng nhiều... Không đứa nào làm thì ba bán ruộng lấy tiền gửi ngân hàng để ba má dưỡng già, các con không đứa nào phải lo!”.

Tôi và hai người em trai ngồi lặng thinh. Có lẽ nào người nông dân bao năm gắn bó với ruộng đồng như ba tôi lại đi đến quyết định như vậy! Tôi hiểu ba trăn trở nhiều đêm và bản thân tôi cứ day dứt băn khoăn không đành lòng bán ruộng. Còn hương hồn của bà cố nơi thế giới bên kia có đồng cảm với thời cuộc mà ba tôi và cả tôi đang sống? Và rồi năm, mười năm nữa thôi, khi các con tôi trưởng thành, nếu tôi có kể chuyện ngày xưa theo ông nội ra đồng cày ruộng, cấy lúa để có được bát cơm no cắp sách đến trường, lũ trẻ chắc rất khó khăn để hình dung...

NGUYỄN TẤN LỢI (Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM)

Còn nỗi đau nào nữa không?

TT - “Mày bị bệnh thiếu máu như vậy, gia đình tao không thể chứa mày trong nhà này được, mang tiếng lắm. Giờ mày đi đâu thì đi” - đó là lời bố mẹ chồng nói với tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ngày nào yên ổn, hạnh phúc. Khi tôi lên 4 tuổi, mẹ bị bệnh bướu độc, bố tôi không những không thương xót mẹ mà còn hành hạ, đánh đập khiến mẹ nhịn đói nhịn khát, sống chui nhủi trong những bụi sắn. Tôi chỉ biết chạy lại ôm mẹ, đưa nửa chén cơm đang ăn dở cho mẹ, vừa sợ bố, vừa khóc vì thương mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ ăn đi, con thương mẹ lắm!”. Ký ức đó cứ in đậm suốt 23 năm qua trong tôi.

Bố tôi có người khác, ông đày đọa mẹ tôi đến khi mẹ không thể chịu nổi thêm được nữa và đồng ý ly dị. Bố dắt theo anh trai tôi. Nhà không có ruộng nên mẹ phải đi nhặt từng cây lúa gặt sót để lo cho các con bữa cơm qua ngày.

Em trai tôi bị chậm phát triển, không lanh lợi như người bình thường nên mẹ rất thương em. Ngược lại, đáng ra bà ngoại tôi thương mẹ thì đỡ phần nào nhưng bà lại coi mẹ như người dưng. Khi mẹ bệnh nặng, mấy người hàng xóm nói với bà ngoại qua thăm chứ không vài bữa mẹ chết không thăm được. Bà ngoại tôi trả lời: “Tao qua thăm nó để về lây bệnh cho mấy con heo à?”.

Ngày mẹ mất là ngày bố tôi cưới vợ hai. Ông không đến thắp cho mẹ một nén nhang, còn trói anh tôi lại không cho anh nhìn mẹ lần cuối, đến khi hạ huyệt anh tôi mới trốn ra được.

Một thời gian sau bố tôi về lại nhà cũ, rồi lại đánh đập hành hạ, bắt ba anh em tôi đi nhặt củi bán lấy tiền uống rượu. Tôi 8 tuổi mà vẫn chưa được đi học, hàng xóm khuyên ông mới cho tôi đi học đến lớp 2. Bị đánh đập nhiều nên tôi học không vô, mà cũng không ai dạy bảo nên tôi lúc nào cũng gần như học bét lớp. Ông không cho tôi học nữa.

Tôi ở nhà làm vườn, hái củi, vô tình giẫm phải cây rau khoai ông cũng đánh, đánh chưa đã ông còn lấy cuốc cuốc lên đầu tôi làm máu chảy ra như suối mà ông vẫn tỉnh như không. Lúc đó tôi sợ quá bỏ nhà đi lang thang. Tám ngày không một hạt cơm trong bụng, phải đi xin ăn, may gặp nhà có quen biết với họ hàng tôi nên cho tôi về ở và trông em bé.

Được bốn năm, cuộc sống êm đềm thì ông chủ bị bệnh qua đời, bà chủ không thích tôi ở nữa, đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi lang thang kiếm việc và may mắn có người nhận làm với mức lương 200.000 đồng/tháng. Làm được hai năm trời không lấy một xu, nhờ bà chủ cất hộ tiền lương, lúc tôi xin nghỉ bà nói không có tiền trả và ăn quỵt tôi hai năm tiền lương.

Rồi tôi theo người quen vào Kontum làm quán ăn. Tôi quen một người ở Đắc Lắc, 25 tuổi, đã có một đời vợ. Tôi đồng ý lấy anh, không cưới hỏi mà chỉ làm vài mâm cơm ra mắt gia đình nhà gái. Hai vợ chồng tôi ở lại quê chơi ba ngày vì mỗi lần về quê là một lần khó, nhưng gia đình chồng gọi bắt vào gấp.

Gia đình chồng điện thoại chửi, nói tôi mới về làm dâu mà nhác, ăn rồi chỉ thích đi chơi. Ngày vợ chồng tôi về, tôi chưa kịp lên tiếng chào ai thì bị bố chồng tát hai cái vào mặt như trời giáng. Những ngày tiếp theo là những lời lẽ khó nghe của em chồng, rồi mẹ chồng chửi bới đủ kiểu mà tôi đâu có làm gì sai. Một mình tôi phải chăm sóc 3.800 cây cà phê và hầu hạ gia đình chồng tất cả bảy người, rồi heo gà từ 4g sáng tới 12g khuya. Chồng tôi nghiện rượu, nghe ai gọi là đi. Tôi bị bệnh làm không nổi và hay ngất, bác sĩ nói tôi bị suy nhược cơ thể và thiếu máu quá nhiều cần phải ăn uống, nghỉ ngơi.

Tôi tưởng gia đình chồng biết chuyện tôi ốm sẽ nghĩ lại và thương tôi hơn, nhưng ngược lại họ đuổi tôi ra khỏi nhà. Lúc đó anh trai tôi đã lấy vợ sinh con và có nhà riêng nên tôi bảo chồng đưa tôi về nhà anh trai ở. Tôi đi làm xưa nay dành dụm được hai chỉ vàng phòng thân, không dám cho ai biết, không có chỗ cất giữ kín đáo nên giấu trong quần áo, vậy mà chồng tôi cũng lục lọi lấy được và trốn vào Đắc Lắc.

Tôi ở lại quê một thời gian rồi mượn của anh trai đúng 250.000 đồng vào Nam tìm việc. Tôi xin được việc giữ em và làm việc nhà nhưng lương thấp quá, vừa định xin việc chỗ khác thì nhận được tin sét đánh ngang tai. Ngày 10-11-2008 anh trai tôi bị người ta chém chết, vứt xác cạnh đường tàu, dựng hiện trường giả bị tàu cán. Anh sống hiền lành, không thù oán ai, chết đi để lại ba đứa con thơ, đứa đầu 6 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, đứa thứ hai 3 tuổi, đứa thứ ba mới 4 tháng tuổi.

Còn nỗi đau nào đau hơn nữa không?

ĐOÀN THỊ VÂN (TP.HCM)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: