7.

7.

Tôi có ba người anh trai. Bởi vì là con gái duy nhất trong nhà nên tôi được cưng lắm. Và cũng tại ba mẹ mất lúc tôi còn nhỏ xíu nên các anh càng thương yêu, bao bọc tôi hơn.

Anh hai Bảng nhãn, Trần Thanh Mạch là người phụ trách việc học hành của tôi. Có thể nói, anh hai là một dân mọt sách chính hiệu. Tính tình cẩn trọng, nghiêm túc, đôi khi bị kêu là cứng nhắc. Mặt thì đẹp mà lúc nào cũng hằm hằm lạnh đanh, cực kì uổng phí sự đẹp trai được di truyền trong nhà tôi.

Hồi nhỏ anh hai luôn bắt tôi luyện chữ, đọc sách đến héo cả người. Tôi nhớ có một lần, hình như là sau khi ba mẹ mất, nhà tôi rất nghèo, nghèo đến nỗi không có cả tiền mua giấy. Anh hai đã bắt tôi cầm gạch đỏ lên luyện chữ ở sân vườn, khiến tôi vừa loáy hoáy viết vừa thút thít khóc vì ngón tay sưng vù.

Lúc ấy, tôi chỉ biết nghiến răng nghiến lợi mà giận anh hai, chẳng biết rằng anh đã phải dạy thêm khổ cực thế nào để mua những gói mứt thơm ngon, nhét dưới gối tôi. Mua những hộp thuốc mỡ đắt tiền để đêm đêm lén bôi tay cho tôi. Tôi chẳng hề biết anh nghiêm khắc như vậy, vì không muốn tôi bị người ta chê bai là loại con gái hư hỏng, không có ba mẹ dạy dỗ. Lo cho tôi sau này bị người ta coi thường, bắt nạt, không gả được chồng.

Tôi chẳng biết gì cả. Lúc nào cũng chỉ hét với anh: "Tại sao anh hai cứ bắt em học chữ thế? Em là con gái, lớn lên đâu thể thi Trạng nguyên như con trai đâu!"

Vậy nhưng anh hai chưa bao giờ tức giận, anh chỉ nói: "Đúng vậy, em sẽ không thi Trạng nguyên. Bởi vì, em sẽ còn tuyệt vời hơn thế."

(Nhiều năm sau, khi tình cờ lướt qua nhau ở trong cung. Sẽ có người chắp tay nói với tôi.

"Vi thần xin kính chào Vinh Hoà Phu nhân."

Còn tôi sẽ cúi đầu bảo: "Thanh Hòa xin kính chào Thiếu phó [1]."

[1] Thiếu phó: Thầy dạy học của vua chúa hoặc hậu duệ của vua chúa.

Khi hai chúng tôi cùng ngưởng lên, nụ cười sẽ không thể kiềm được mà hiện trên môi.

Tôi tủm tỉm: "Thanh Hòa đã trở nên tuyệt vời hơn cả Trạng nguyên rồi, anh hai."

Người đối diện mỉm cười, gật đầu: "Vi thần đã luôn biết điều đó." )

.

Anh ba Trần Thanh Minh của tôi từ nhỏ đã đam mê võ học, luôn nuôi mộng trở thành một anh hùng đại tướng, cầm quân giết giặc bảo vệ biên thù. Nghe kể, hồi bé từng có lần anh ba định bỏ nhà lên núi, mong muốn tìm được một sư phụ tài giỏi để truyền thụ cho mình võ công chân chính. Chẳng ngờ ngày hôm ấy bỏ nhà, ảnh quên không ăn sáng thế là đi được nửa đường đói quá té xỉu, nằm lăn ra gốc đa đầu làng, khiến ba tôi phải lọc cọc cõng về.

(Tuổi thơ bê tha là thế nhưng bấy giờ anh ba tôi oai phong lắm. Mười bốn tuổi đã đầu quân cho Tiết Kính hầu, Đại tướng bản triều. Chỉ mấy năm anh đã lên đến chức Vệ úy [2] rồi.)

[2] Vệ úy: Chức quan võ tòng thất phẩm.

Lẽ ra ban đầu, anh ba là người phụ trách dạy võ phòng thân cho tôi. Nhưng vì tôi lười biếng hơn người, anh ba lại quá chiều chuộng, bao bọc nên chỉ cần tôi giả vờ giận dỗi bảo: "Anh ba mà bắt em tập võ nữa là em sẽ nghỉ chơi với anh đấy!"

Là người này sẽ nước mắt tùm lum, nước mũi tèm lem, ôm lấy tôi mà gào ngay: "Thanh Hòaaaaa!! Anh chỉ có mình Thanh Hòa thôi!! Thanh Hòa mà nghỉ chơi với anh, anh sẽ chơi với ai đây?!" Thật hết sức mất mặt.

Riết dần những buổi học võ của chúng tôi liền biến thành những buổi đi lên chợ lớn, ngồi xem kịch hát, nhâm nhi kẹo đường. Tôi đưa cho anh ba hai viên kẹo. Anh ba cảm động rớt nước mắt, ôm lấy tôi gào giữa chợ rằng không cho phép bất kì thằng nhãi nào đến rước tôi đi.

Hay đôi khi, là những buổi chiều mùa hạ nắng xuyên qua kẽ lá. Anh ba cõng tôi trên vai, tôi cầm chổi chọc chọc nhãn nhà hàng xóm. Chủ nhà phát hiện, cầm dao ra đuổi chém hai anh em. Anh ba la oai oái, cõng tôi chạy thục mạng. Tôi giang hai tay, cười khanh khách, để gió trời thổi bay sợi tóc mai.

(Dù vậy, từng có một lần anh ba rất hối hận vì đã không dạy võ cho tôi. Đó là khi tôi chơi xúc xắc, thắng sạch tiền của một tên công tử nhà giàu.

Gã đó không phục, bèn chơi hèn, bảo tôi lấy tiền cũng được nhưng phải theo về làm thiếp của hắn. Tôi đương nhiên không chịu, vậy là hắn đấm tôi sưng vêu bên má. Tôi điên máu, nhảy xồ vào người hắn, cào xước mặt rồi cắn hắn chảy máu tay. Đầy tớ của hắn xông vào giữ tôi lại, thế là hắn ngồi dậy, thụi mấy quả vào bụng tôi.

Lúc anh ba nghe tin, chạy tới, thấy cảnh đó đương nhiên giận điên người, lập tức xông vào đánh tên kia một trận thừa sống thiếu chết. Tôi ở bên hò hét vỗ tay cổ vũ nhiệt tình, còn nhân tiện mở một sòng bạc cho mọi người cá cược, xem rốt cuộc anh ba với tên kia ai sẽ chiến thắng. Quả nhiên hôm ấy tiền thu về rất khá, đủ để tôi và anh ba chiều tối mỗi người làm một bát phở bò với đĩa quẩy thơm ngậy.

Về sau, anh ba luôn tự trách bản thân năm ấy đã không dạy võ cho tôi, để tôi bị người ta đánh.

Nhưng tôi lại chẳng cảm thấy hối hận chút nào.

Tôi không sợ bị đánh cũng chẳng cần có võ. Tôi đã có anh ba rồi mà.)

.

Sau khi ba mẹ mất, anh cả nhà tôi, đại ca Trần Thanh Hiên đã đứng lên tiếp quản gia nghiệp, trở thành một thương nhân nổi tiếng một vùng.

Thật ra, đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu đại ca rốt cuộc là buôn bán cái gì. Bởi, thứ gì người ta muốn mua, đại ca đều có thể rao bán. Thứ gì người ta không thể bán, đại ca lại càng khiến khách phải thu mua.

Ví dụ, nếu chiều nay trời đột ngột đổ mưa, đại ca có thể ngay lập tức bày ra một gian hàng với những chiêu câu khách có một không hai. Nào là, lá sen ba đồng một chiếc, mua hai lá tặng một hạt sen. Hay, lá chuối năm đồng một chiếc, vừa to vừa thơm, không lo đường trơn. Hoặc, nón lá mười đồng một chiếc, đường thì sũng nước mà mình thì xanh mướt. Hay như ô dù hai mươi đồng một cây, hàng chất lượng cao đi đường không lao đao.

Nếu như anh hai chịu trách nhiệm việc học hành của tôi, anh ba đảm đương việc nuông chiều tôi thì đại ca lại chính là người phụ trách mảng bóc lột, làm hư tôi.

Để tiết kiệm chi phí thuê người làm, ngay từ nhỏ, đại ca đã bắt mấy anh em chúng tôi lao động không công cho ảnh. Trong khi mấy đứa hàng xóm như cái Đào, cái Cúc, cái Thi, cái Thiều mới bập bõm biết chữ, thì tôi đã ngồi gõ bàn tính gỗ nhoay nhoáy, ghi chép tiền thu nhập hàng tháng nhanh hơn cả nhai cơm. Khi bọn nó còn đang ngồi hát mùa đàn ca, thêu thùa vá may thì tôi đã theo đại ca xông pha rao hàng khắp mọi con ngõ góc hẻm, từ sòng bạc cho đến lầu xanh, từ nhà tranh cho đến nhà ngói.

Con gái nhà người ta thì cầm kì thi họa, còn tôi thì cực giỏi bài bạc với lô đề.

Tiểu thư nhà nọ thì đã rơi đến mấy chục cái khăn tay, khiến công tử gần xa ngất lên ngất xuống, tranh nhau đi nhặt. Còn tôi cả đời chỉ mới rơi đúng một đồng xu và đánh ngất một công tử ra đường vì tưởng gã định nhặt tiền của tôi...

Đã bị vắt kiệt sức lực suốt bao năm tuổi thơ nay lại còn có nguy cơ không được ai rước, tôi vô cùng bất bình, than phiền với đại ca về tiền đền bù.

Đại ca nghe vậy, phe phẩy quạt cười hô hố rồi bảo tôi thích ăn món gì.

Tôi đanh thép nói: "Bộ anh nghĩ anh có thể dùng thức ăn mua lại được năm tháng tuổi trẻ của em hả? Mua lại được tuổi xuân tươi đẹp của người con gái hả?"

Đại ca hùng dũng đáp: "Ờ!"

Thế là tôi nói: "Vậy thì anh nghĩ đúng rồi! Em muốn ăn gà rán mỡ vàng tẩm mật ong giá một quan tiền của quán bà Hương!"

Đại ca đập bàn: "Một quan tiền?! Con nhãi này! Mày định móc ruột anh mày ra ăn à!?"

Tối hôm đó trong mâm cơm, ở ngay cạnh bát của tôi đã bày sẵn một đĩa gà rán mỡ vàng tẩm mật ong thơm phức.

(Đại ca nhà tôi tính cách mạnh mẽ, cương liệt, không bao giờ tin vào thần thánh, chỉ tin vào đôi bàn tay của chính mình.

Vậy nhưng, đã có một lần, chỉ một lần duy nhất đó, đại ca quyết định phá vỡ niềm tin ấy.

Đó là khi tên công tử nhà giàu, kẻ mà thua xúc xắc thiếu bạc tôi rồi bị anh ba đánh, dùng quyền lực của cha hắn kiên quyết muốn hỏi tôi về làm thiếp.

Tôi xuất thân trong một gia đình thương nhân, mất ba mẹ từ sớm, lại chẳng xinh đẹp, khéo léo gì, vốn đã rất khó để gả cho một nhà tử tế. Nay hắn lại đứng trước cửa, mang ra sính lễ cầu thân xa hoa đắt tiền, nói dõng dạc rằng đời này nhất định phải cưới được tôi, mà trong cái khu này, đâu có ai dám làm mất lòng con trai quan lớn.

Vì vậy, có thể nói duyên phận của tôi từ giờ đã lỡ làng. Không thể gả cho ai khác ngoài hắn. Cả đời chỉ có thể làm trâu làm ngựa cho hắn.

Các anh của tôi đương nhiên kiên quyết phản đối. Anh ba muốn đập vỡ sính lễ, mang tôi đến phủ Tiết Kính hầu, đòi công bằng. Anh hai nói anh sẽ đến nhà quan lớn ấy giải thích thuyết phục, xin thôi chuyện cưới xin này. Nhưng mọi việc đâu thể giải quyết đơn giản như vậy. Anh ba chỉ là một Vệ úy. Anh hai chỉ vừa nhận chức Kiểm thảo viện Hàn Lâm. Đâu thể vì tôi mà đắc tội với quan trên. Đâu thể vì tôi mà lỡ dở tương lai phía trước.

Vào lúc ấy, đại ca chợt lên tiếng. Anh bảo sẽ đến nhà quan lớn, xin người ta dư dư chút thời gian cho nhà mình chuẩn bị lễ lạt, của hồi môn, rồi tranh thủ đút lót trình tên để tháng 8 đưa tôi tiến cung. Nếu Vương thượng vừa mắt là có thể thoát chuyện cưới xin này.

Ừ, nếu Vương thượng vừa mắt là tôi thoát. Nhưng nhà tôi làm sao thoát được khỏi tiếng xấu là thất hứa, là ham vinh, là quạ đen muốn hóa phượng hoàng, là kiêu ngạo ngông cuồng, con trai quan lớn không vừa mắt, phải với cao đến vua. Rồi nếu Vương thượng không chọn tôi? Tôi vĩnh viễn không dám nghĩ đến viễn cảnh ấy.

Tối hôm đó, đại ca cùng tôi ra sân ngắm sao.

Đại ca hỏi tôi: "Có buồn lắm không?"

Tôi gật đầu rồi lại lắc.

Ừm, thật ra cũng không buồn lắm. Vốn từ đầu tôi đã không thiết tha chuyện tình duyên.

Chỉ là, vẫn luôn ấp ủ một giấc mơ.

Sau này có thể trở thành một thương nhân giàu có như đại ca, tự do tự tại bốn phương là nhà, đi qua khắp những gầm trời cuối đất, ngắm nhìn hết những góc bể chân trời.

Nhưng giấc mơ xa vời này của tôi có lẽ chỉ đến đây thôi. Đến đây thôi vậy.

"Buồn thì ngủ đi."

Tiếng đại ca vang lên nhè nhẹ trong làn gió se lạnh buổi trời đêm.

Trong cơn mơ chập chờn màu xanh lam.

Tôi nhìn thấy một bầu trời xanh mướt cả cõi lòng.

.

Ngày tôi tiến cung là một ngày trời xanh thăm thẳm, hồng nhạn bay cao.

Tóc đen cài trâm, thơm mùi bồ kết. Áo màu lục khói, viền lá trúc xanh.

Ở bên thắt lưng không hiểu sao lại dắt một lá xăm đại cát, bình an nhìn đến lạ mắt.

Tôi đi hỏi các anh nhưng không ai biết nguyên do. Đại ca thì bảo anh vừa ngủ dậy, trên tóc không hiểu sao có mấy cành lá khô. Thấy tôi nhìn, anh vội vàng phủi đi rồi ngáp ngắn ngáp dài.

Đi ra cổng, lại thấy gốc nhãn nhà hàng xóm vứt đầy những lá xăm đại hung. Mọi người thi nhau xúm xít xem, kêu lạ.

Lúc ấy, chỉ có một người duy nhất là không ngó vào.

Lúc ấy, chỉ có một người duy nhất mái tóc vương lá nhãn.

Chỉ có một người duy nhất không tin vào thần thánh nhưng lại vì tôi mà thức trắng cả một đêm trên chùa. Vì tôi mà xin hàng nghìn lá xăm đại hung chỉ để nhận về một lá xăm đại cát. Vì tôi mà biến ngày tiến cung năm ấy trở thành một ngày tốt lành, bình an.

Trên đời này, có lẽ chỉ có một người duy nhất ấy thôi.

Nước mắt lã chã rơi ướt đẫm khuôn mặt. Tôi nghẹn ngào khẽ nói: "Anh ơi, Thanh Hòa đi sẽ về sớm thôi."

Đại ca mắt đỏ ngầu, hôn nhẹ lên trán tôi: "Đường xa cẩn thận. Bảo trọng. Bình an."

Đường xa cẩn thận.

Bảo trọng. Bình an.

Năm ấy, dưới khói lửa ngập trời, tôi lại một lần nữa nghe thấy những câu chữ quen thuộc ấy.)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #truyen