13.
Chương IV – Trên bàn cờ thếp vàng, là cờ đen cờ trắng
13.
Đương tháng ba, tiết xuân lạnh.
Tôi lấy cớ dầm mưa ốm bệnh, xin phép Thuận Tĩnh Thái phu nhân cho mình được tạm thôi hầu hạ, đóng cửa điện Phú Xuân, cùng Ngọc Châu chăm chú hoàn thành việc may vá mùa hè cục Nội Vụ giao cho.
Nói là may vá, thật ra tôi chỉ ở bên cạnh se chỉ, luồn kim, cắt vải, làm những chuyện đơn giản vặt vãnh để không vướng tay bận chân Ngọc Châu. Đôi khi có mảnh vải thừa, không quá rách rưới, tôi sẽ dùng nó để luyện tập kĩ năng thêu thùa trầy trật khó coi của mình. Đã theo Ngọc Châu học được hơn bốn tháng, thế nhưng tôi vẫn chỉ thêu được một chiếc lá và tên chữ của mình. Đến chính tôi cũng bắt đầu cảm thấy bản thân thật vô vọng thế mà Ngọc Châu lại vẫn rất lạc quan, còn dối lòng khen chiếc lá của tôi có nét lạ. Ừm, đẹp thì ai chả thêu được, xấu quá nó mới hóa ra cái lạ, tôi gật gù trong đầu rồi tiếp tục thêu chữ 'Hòa'.
Vừa thêu tôi vừa nghe Ngọc Châu kể lại mấy chuyện trong cung gần đây.
Rằng ngày 12 tháng này, Vương thượng đã long giá đến cung Vạn Thọ hỏi thăm sức khỏe của Thái hậu và Thái phu nhân.
Ngày 13, Vương thượng đích thân đem thuốc bổ và cam vàng tiến cống dâng lên hai vị đức lệnh bà, khen rằng cam năm nay mọng nước ngon miệng, thích hợp dùng lúc mưa rào ngày xuân.
Ngày 16, Vương thượng long giá đến bên hồ Túy Ngọc thưởng hoa rồi sai phòng Ngự Thiện chuẩn bị món ngó sen. Một đĩa dâng cho Thái hậu, một đĩa dâng cho Thái phu nhân, một đĩa ban cho Thược Chiêu nhân đang mang thai ở cung Vĩnh Niên.
Ngày 17, Vương thượng sai người hái lên những cuống lá sen đẹp nhất, một nửa để bên tẩm điện cung Khâm Chính, một nửa đưa đến chỗ Đại công chúa Minh Ý bên Dung Chiêu nhân.
Ngày 21, Vương thượng khen rằng lụa vùng Hải Tĩnh tiến cống năm nay đẹp, mềm mượt tinh xảo, hoa văn thanh nhã, lệnh cho phòng Ngự May làm gấp ba chiếc túi đựng bút. Một cho Đại công tử Giản bên Minh Đức Phu nhân, một cho Nhị công tử Giáp đang nuôi bên người Thái hậu, thêm một chiếc yếm em bé cho Thược Chiêu nhân và một chiếc mũ trẻ nhỏ cho Uyển Ỷ nhân cũng đang mang thai ở cung Chung Ninh.
"Nhưng tiểu thư à, lạ lắm, chiếc túi đựng bút thứ ba ấy, chẳng biết dành cho ai nhỉ. Chị Hương Oanh nói với em rằng, Vương thượng vốn ban đầu lệnh cho phòng Ngự May làm túi vải để đựng cây sáo ngọc Ngài hay mang. Phòng Ngự May lúc ấy cũng đã vâng mệnh rồi nhưng chẳng hiểu sao đến buổi chiều Vương thượng lại phất tay truyền lời với quan Đông Phúc 'Không vội, vẫn chưa đến lúc'. Thế là quan Đông Phúc lại phải lập tức kêu người làm túi đựng bút với quần áo cho các công tử và lệnh bà trước."
Tôi lắng nghe Ngọc Châu ríu rít kể chuyện. Chữ 'Hòa' đang thêu chẳng biết từ lúc nào đã chệch đường kim.
Tôi run rẩy tháo từng sợi chỉ rồi nhè nhẹ đặt xuống mảnh vải còn đang thêu dở dang.
Tôi nói với Ngọc Châu hôm nay dọn dẹp sớm một chút, để tí nữa chuẩn bị làm cơm. Ngọc Châu vâng dạ, chạy vào bếp soạn sửa. Còn tôi ở lại cất đồ, thu dọn, nhặt nhạnh những miếng vải vụn để trên nền đất.
Tôi chợt nghĩ, mình chẳng thể nhớ nổi chúng đã từng trông như thế nào. Lúc đầu chúng chắc hẳn đều là những tấm lụa đẹp đẽ nhất, mềm mại nhất, mới mẻ nhất.
Sự mới mẻ ấy tựa như một con diều vẽ chơi thả nơi hoa viên đầu xuân, tựa như chiếc lá sen hái vội che cơn mưa chiều chớm hạ.
Gấm lụa dùng xong, cắt xé đã thỏa, thêu hoa đã chán, điểm lá đã nhàm. Sẽ là bộ y phục đẹp đẽ rực rỡ được bao người nâng niu. Hay là miếng vải vụn còn thừa rơi trên nền đất mặc người dẫm nát.
Yến Hòa đã trở thành Mỹ nhân yêu kiều diễm lệ. Tôi lại có thể trở thành trò cười gì?
Tôi ngay từ đầu đã không muốn biết.
Nhưng người ta, lại tò mò.
Không đợi mưa rào tháng ba ngớt tạnh, đã đến bên điện Phú Xuân của tôi.
Hôm ấy là một ngày bình thường như bao ngày khác.
Nắng dịu dàng đậu trên tà áo rộng, gió phớt nhẹ thổi bay sợi tóc mai. Tôi đứng lặng trên khoảng sân nhỏ, cạnh bên khung gỗ lớn kê đều từng hàng quạt giấy trắng tinh. Chăm chú tô vẽ vài cái lá cành hoa đơn giản.
Sắc xanh cho rặng liễu rủ xuống. Hồng phấn cho đài sen dưới hồ. Mực cũ đề câu thơ giản đơn.
Vài phần tùy hứng, lại mấy phần mải miết. Cứ thế mà dường như đã quên hết mọi thứ xung quanh, trễ cả giờ chuẩn bị cơm nước. Đầu ngón tay cũng lấm tấm lem luốc dính mực hết cả.
Tôi nhăn mũi, kêu Ngọc Châu đưa qua khăn ướt. Ai ngờ cất xếp gọn gàng ngăn nắp cả nghiên màu rồi cũng chỉ thấy một cái khăn nhăn nhúm khô queo giơ đến bên mặt. Tôi cằn nhằn gà mẹ, nhúng vào chậu rồi hẵng đưa chứ con bé này. Tiếp tục dọn dẹp tinh tươm bát mực ống bút thêm một lát, thì lại thấy bên cạnh một miếng vải nhỏ nước rơi lách tách trên đất. Tôi cau mày, ơ con bé kia, không vắt khô à. Xong xuôi êm thấm hết thảy để vào trong rương hộp rồi thì cuối cùng cũng có một cái khăn đủ tiêu chuẩn vừa vặn ở bên người. Đi kèm theo là âm thanh trầm đọng tựa như rượu bình đã cũ.
"Thế này đã vừa ướt đủ khô chưa?"
Tim tôi quặn thắt nảy dựng lên như muốn nhào ra khỏi lồng ngực. Tôi vội vàng quay đầu lại. Trước mặt đã là dáng hình cao lớn hơn tôi đến cả cái đầu.
Tóc đen như mực, ngọc bội dắt lưng. Áo trắng viền xanh đã biến mất cùng mây trời. Sừng sững chỉ còn lại văn thuê rồng vàng uốn lượn uy nghiêm.
Tôi quỳ xuống dập đầu.
"Ngự nữ Trần thị xin cung nghênh Vương thượng. Vương thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế."
Lê Khải hờ hững đi qua tôi, thong thả ngồi xuống bên phản gỗ. Đương nhiên trước đó đã được hoạn quan tùy tháp bên người trải đầy nệm êm bông mềm.
Tôi chậm rãi xoay gối, hướng người về phía đối diện Lê Khải.
"Hành lễ xong thì nhận khăn đi. Công trẫm vắt, cũng mỏi tay."
Tôi vội vàng cẩn thận đón lấy chiếc khăn. Miệng hô liên tục mấy lời vô thưởng vô phạt, đại loại như thần tội đáng muôn chết, thần tạ ơn hoàng ân mênh mông, thần cảm ơn thánh ân dạt dào.
Ai ngờ Lê Khải lại chẳng hề nể nang, buông thẳng một câu.
"Quả thật đáng chết. Nhưng không phải là tội này."
Khiến tôi rùng mình run rẩy, đầu lại càng dán sát vào mặt đất.
Nhẩm nghĩ, cây sáo ngọc y đưa cho tôi rốt cuộc là đang lăn trong mạng nhện dưới gầm tủ phòng bếp hay là đang tắm trong phân chuột bên chân giường phòng ngủ?
Còn đang nghĩ trái, nghĩ phải, nghĩ muốn nứt đầu, thì bỗng tôi nghe thấy âm thanh lanh lảnh của Ngọc Châu.
"Tiểu thư, em giặt xong đồ rồi, bây giờ đem đi phơi rồi mình làm cơm nha! Ơ, sao lại–"
Giữa những tiếng hô vạn vạn rồi tuế tuế liên tục của Ngọc Châu, trong đầu tôi bỗng mơ hồ nhớ về một buổi chiều trong lành nắng đẹp vừa ngớt mưa.
Khi Ngọc Châu thủ thỉ kêu với tôi, cây gỗ dùng để phơi quần áo bị gãy, có thể lấy cái gậy sáng bóng, lóa mắt, đẹp đẹp, xanh xanh mà khổ nỗi bị thủng lỗ chỗ vứt xó dưới gầm giường thay vào thế tạm hay không.
Tôi vừa bóc cam vàng tiến cống được Thuận Tịn Thái phu nhân thưởng cho vừa nhẩm tính tiền tiêu dùng tháng này, không thèm ngẩng lên đã gật đầu cái rụp. Còn thầm nghĩ, con nhóc này cuối cùng cũng biết tiết kiệm, không hở tí là cầm tiền sang cục Nội Vụ xin đồ mới nữa, biết cách sống tạm bợ tận dụng triệt để rồi. Quả là trẻ nhỏ dễ dạy, danh sư xuất cao đồ, cái nghèo đói đẻ cái ki bo.
Ngay lúc này đây tôi lại càng cảm thấy ưng ý Ngọc Châu hơn cả. Nhờ con bé, cây sáo ngọc ngàn cao vạn quý kia mới không lăn lóc trong xó giường gầm tủ, dính dớp chốn mạng nhện phân chuột, trái lại, còn được đặt ở nơi vừa thông vừa thoáng vừa sáng vừa thơm. Có khi lúc trả về lại được khen thưởng cũng nên, gì mà giữ gìn đồ ngự ban tỉ mỉ cẩn thận, chăm chút sáo ngọc bóng loáng thơm nức còn hơn cả chén bát ăn cơm, đáng khen đáng khen.
Tôi quá yên tâm luôn.
.
Tôi không yên tâm một chút nào.
Bởi vì giờ đây Lê Khải đang ngồi trên phản gỗ trước sân, một tay chống cằm tựa vào bàn xếp, ngắm nghía cây quạt giấy tôi vừa nguệch ngoạc tô vẽ.
Y chầm chậm cất lời.
"Thơ họa quả thật tầm thường. Nhưng chữ nghĩa thì không tồi."
Tôi còn đang định há mồm hô hào thần không dám nhận long ân cuồn cuộn tuôn trào, thần bùi ngùi cảm động thì y đã lại thong thả nhả ra thêm mấy chữ.
"Cũng xứng danh tài nữ Trần Hòa Phú nức tiếng nhất nhì đi. Thầy tướng số đoán mệnh năm đó coi như chuẩn."
Y nhẹ nhàng ngân dài ba tiếng Trần Hòa Phú. Giọng điệu lả lơi lơ đãng cực kì, còn thêm mấy phần nhấn nhá châm chọc
Lúc này đây, trán của tôi đã dán tiệt trên nền đất dinh dính.
Tôi nhẩm nghĩ, xưng tên bậy bạ, dối vua lừa chúa rốt cuộc sẽ bị vả miệng bạt tai, răng môi hòa quyện ăn cháo cả đời hay là sẽ bị xẻo lưỡi phạt trượng, máu xương quấn quít nằm sấp mỗi đêm?
... Chắc là cũng có hình phạt khác nhè nhẹ hơn chăng? Tôi bây giờ ngoan ngoãn và biết điều lắm, tình nguyện phối hợp đủ mười phần công lực cùng thiên gia và quân chủ, với cấp trên và lãnh đạo chỉ mong được giảm án khoan hồng. Kêu tôi làm gì cũng được!
"Thế nhưng Trần Hòa Phú nào chỉ xứng danh tài nữ, xem ra lại càng xứng đôi với trẫm hơn đấy? Khanh thấy thế nào?"
...
Ý tôi không phải "làm" cái này!
Chỉ tiếc hận đầu mình quá to, không chui nổi xuống dưới, trốn quách ở đó cho rồi.
.
(Rất lâu về sau, khi nhớ lại mọi chuyện, tôi vẫn thường bật cười cảm thán bâng quơ với Lê Khải.
Hay nghe có người nói: Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ. Thế nhưng phải đến khi "bán" đứt mình cho Thiên gia Vương thất nhằm lấy thân chuộc tội, tôi mới lờ mờ hiểu được chỗ thâm thúy phi thường của hai từ "quan hệ".
Lê Khải khẽ nhếch môi, nghiêng đầu nhìn tôi ngậm cười, tựa như đang muốn nói: Thế nhưng buôn bán giao dịch với trẫm, ái khanh rốt cuộc cũng không lỗ chút nào.
Đầu ngón trỏ y thon dài, ẩn hiện những vết chai bởi cầm kiếm cầm bút lâu năm, thong dong hạ xuống từng đường từng nét trên không trung.
"Năm ấy, trẫm nhớ bản thân đã ban cho ái khanh phong hiệu là 'Hòa'. 'Hòa' này không phải là thóc lúa mạ non trong tên khanh, mà là ôn hòa dịu dàng, thuận hòa an tĩnh. Có phải ý chữ rất đẹp không?"
Tôi gật đầu tán thành.
"Thế nhưng ái khanh có vẻ không thích tên hiệu trẫm ban thưởng cho lắm thì phải."
Tôi cong cong khóe miệng.
"Sấm chớp mưa rơi đều là quân ân, thần thiếp khắc ghi."
Một chức bát giai Tuyển nhân. Lại thêm phong hiệu tốt lành gọi là 'Hòa'.
Đến Bùi Mỹ nhân có phụ thân là Tri huyện tòng thất phẩm và Võ Tài nhân có ông nội là Quận thủ tòng lục phẩm cũng không được ban tên hào đẹp đẽ như vậy.
Ai ai cũng đều đồng ý, tôi đâu chỉ không lỗ, mà còn lãi rất lời. Tôi đâu chỉ vui mừng, mà còn phải cảm tạ trời đất.
Nếu không phải vì cây sáo ngọc quý năm ấy, thì với xuất thân kém cỏi của tôi, làm sao mà xứng nhận được tên hào tốt lành.
Lại nếu không phải vì Lê Khải phá lệ yêu thích tôi, từ đó chú ý đến anh hai, phát hiện ra người ở viện Hàn Lâm sâu mọt lười biếng. Sách giấy đều bị mối mục làm cho mốc hỏng gần hết mà gần như không ai chịu quét dọn chỉnh lý. Chỉ có Kiểm thảo viện Hàn Lâm Trần Thanh Mạch kịp thời nhận ra, tận tâm sao lại từng bản từng quyển y đúc, thư pháp gãy gọn tuyệt đẹp, trí nhớ học vấn lại càng là đáng nể phi thường, khiến quân chủ vừa ý vô cùng. Thì làm sao giữa phong ba thanh lọc nhân công gay gắt ở viện Hàn Lâm, anh trai tôi lại có thể thăng lên thành chính thất phẩm Hiệu lý cho được.
Quả thật, quả thật là may mắn.
Thế nhưng nếu nhìn bao quát một chút sẽ thấy.
Trong hậu cung của Lê Khải vẫn luôn tồn tại ba phe phái sừng sững, đối xứng với tiền triều vô cùng rõ ràng.
Là thế gia với Uyển Ỷ nhân của đại thế tộc Dương thị, ấu nữ của Thừa tướng Dương Kiến Đạt mẫn tuệ toàn năng. Cùng Thục Quý nhân của danh môn tú lệ Đỗ gia, cháu gái ngoan của Đại học sĩ viện Hàn Lâm Đỗ Từ Huấn, truyền nhân của thi gia sĩ tộc ngàn đời.
Là huân quý với Dung Chiêu nhân yêu kiều, ái nữ của Hồ Quốc công Hồ Nhậm An – người được xưng là một nửa "chủ nhân" đằng phía Đông của Đại Lê. Và Thược Chiêu nhân, hòn ngọc minh châu tuyệt mỹ trong tay Dũng Nghị hầu Phạm Trọng Bỉnh đang hô mưa gọi gió, trấn thủ bảo vệ cả vùng biển Tây Hải cuộn trào.
Thế gia và huân quý đều đã có đủ hai vị cung tần chủ chốt, được ưu ái phong hào và cất nhắc chức vị nổi bật.
Mục đích giám sát lẫn nhau, đương nhiên cũng là để hỗ trợ phối hợp cùng nhau.
Thế nhưng phái hàn sĩ dù đông đảo về mặt số lượng, lại chỉ có một Thuần Mỹ nhân, trâm anh khuê tú nhà Thái thường Tự khanh [1] là có cha làm quan lớn chính ngũ phẩm ở kinh thành. Còn lại, gia quyến của Võ Tài nhân, Bùi Mỹ nhân, Đào Tuyển nhân đều dừng ở cấp bậc quan viên ngoài thành đô nghìn dặm xa xôi.
[1] Thái thường tự: Một cơ quan trong Lục tự, phụ trách việc thi hành những thể thức lễ nghi, điều khiển nhạc vũ cung đình, trông coi các đền chùa thờ Trời, Đất, thần linh, lễ hội bốn mùa. Tự khanh là quan đứng đầu Thái thường tự.
Đảng phái nơi tiên triều hậu cung không cân bằng. Làm sao cán cân chính trị có thể vững yên?
Vì vậy, chỉ có anh hai tôi, vị Bảng nhãn với xuất thân bần hàn áo vải, vị Bảng nhãn đã quỳ mòn gối ở vị trí Kiểm thảo viện Hàn Lâm đằng đẵng hơn hai năm trời, mới là nhân tuyển thích hợp nhất để Lê Khải cất nhắc, nâng lên, và thỏa lấp vào bàn cờ còn trống.
Vị Bảng nhãn không chỉ có cậu em trai là Vệ úy của phủ Tiết Kính hầu, mà còn có một cô em gái là Ngự nữ đang chờ sắc phong ở Nội cung.
Văn võ song toàn, hậu cung đối ứng, đấy có phải là một con cờ hoàn hảo hiếm có không?
Thế nên, phong hiệu Lê Khải ban cho tôi, 'Hòa' không phải là thóc lúa mạ non, cũng không phải là thuận hòa an tĩnh. Không phải vì một chiều mưa xuân tình cờ thoáng qua nhau hay một cây sáo ngọc xanh rì trân quý.
Hòa trong mệnh của tôi, trong tay của y chỉ có một mục đích duy nhất mà thôi.
Cân bằng thế gia, cầm hòa huân quý.
Hòa trong tên của tôi, trong lòng của y, cả đời này, có lẽ cũng chỉ như vậy.)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top