CHIẾC KÈN ÁCMÔNICA

1

Tôi đứng trước cây Magnolien mà chẳng thấy sung sướng một chút nào. Tôi gẩy đàn ghi ta và liếc trộm chiếc mũ của mình nằm trên mặt đất. Chẳng được bao nhiêu tiền. Quả thật không được bao nhiêu. Thị trấn này không quá dăm chục người và họ giàu có gì cho cam. Chỉ khi có xe buýt may ra mới kiếm được một vài đôla. Khách du lịch nhiều tiền mà. Họ sẵn sàng quẳng một vài xu cho đứa con gái tội nghiệp này. Đến khi họ biết chuyện thì cái cây Magnolien đã bị chết.

Những ngón tay của tôi vẫn lướt trên phím đàn, tôi khe khẽ hát rất cảm động Bài ca về cô Hardtbristle.

Có người đến! Một chạy vội qua đường. Anh ta đi thẳng tới chỗ tôi.

Anh ta buộc tóc như đuôi ngựa, vòng quanh trán là một giải băng. Trông anh không có vẻ người giàu có, chắc không có nổi 20 xu trong túi. Nhưng dù sao tôi vẫn tiếp tục gảy đàn. Anh cho tay vào túi. Biết đâu anh lấy đồng 20 đôla cho tôi thì sao!

Chàng thanh niên lôi trong túi ra chiếc ác mô ni ca.Tôi cảm thấy tim nhói đau. Không có tiền. Chẳng có nổi một xu. Chỉ có chiếc kèn ác mô ni ca. Tôi dừng chơi, thở dài và ngồi xuống gốc cây.

Anh chàng tóc đuôi ngựa mỉm cười với tôi. Anh nói:

- Anh biết câu chuyện này, anh biết em đã làm gì.

Tại sao anh ấy lại biết chuyện này? Tôi không hề kể với ai kia mà. Tôi cúi gục đầu vì xấu hổ. Tôi nghĩ tới câu chuyện xảy ra cách đây bảy năm.



2

Cô Hardbristle khịt khịt mũi ngửi. Cô bảo:

- Nhanh lên, chúng ta phải đi khỏi nơi này.

Hồi ấy tôi mới 6 tuổi. Nhưng tôi không thể quên được những gì đã xảy ra. Hôm đó tôi cùng đi với cô Hardbristle và nhóm các bạn nữ trong đội Hướng đạo. Cô Hardbristle nhìn chúng tôi rồi nói với chồng:

- Bác ơi, cháy rừng! Chúng ta phải đi ngay về thành phố.

Bác Hardbristle đi cùng để "quản lý" chúng tôi. Nhưng nói thế khác gì nói đùa. Bác đi lom khom, hơi gù và yếu đuối, gần như không theo kịp chúng tôi. Bác già hơn cô Hardbristle nhiều.

Khi làn gió nóng từ cánh rừng đang cháy thổi tới, một vài đứa con gái khóc thút thít. Mặc dù còn bé nhưng bọn tôi đã có thể rằng không lâu nữa ngọn lửa tàn nhẫn, độc ác sẽ tràn qua nơi này.

Chúng tôi vội vã lên đường. Bác Hardbristle nói rất to:

- Cứ mặc tôi ở đây. Cô hãy đưa bọn trẻ tới nơi an toàn!

Bác đi sau chúng tôi, thở nặng nhọc như kéo bễ. Bà vợ bác nói:

- Vớ vẩn! - Cô vắt tay bác qua vai và kéo đi xềnh xệch như kéo một cái bao tải.

Cô Hardbristle là một phụ nữ kiên nghị và mạnh mẽ.

Cành cây gẫy dưới bàn chân chúng tôi. Mặt trời nóng bỏng chiếu vào lưng chúng tôi. Một con chuột túi hốt hoảng chạy băng qua chỗ chúng tôi tuyệt vọng tìm đường thoát thân. Chẳng mấy chốc cả vùng đặc quánh khói. Chúng tôi ho sặc sụa và kêu khóc ầm ĩ. Cô Hardbristle thở hổn hển, ra lệnh:

- Nhanh lên các em, chạy nhanh lên.

Sức cô cũng đuối dần. Việc cô phải kéo xềnh xệch bác chồng già quả quá sức của cô. Cô lại nói:

- Các em, cố lên, chớ có dừng lại.

Chúng tôi vâng lời cô. Cuối cùng chúng tôi cũng lảo đảo vượt qua rừng chạy được tới thị trấn. Tuy là thị trấn song ở đây không có quá sáu cửa hàng, một quán giải khát và dăm bảy ngôi nhà. Tôi hy vọng cha tôi sẽ mang ô tô tới đón tôi ở đây. Nhưng đường phố đầy bụi bậm, không một bóng người, không một chiếc xe.

Cô Hardbristle từ từ đặt bác chồng ngồi xuống một chỗ râm mát. Cô nói:

- Ngọn lửa sẽ nuốt gọn thị trấn này mất thôi. Nào, các em, hãy đi đến vành đai xanh.

Ở giữa đường có một bãi cỏ hẹp, trên bãi có dăm ba cái bàn gỗ. Cô Hardbristle chạy bổ vào một cửa hàng, khi ra cô mang theo một cái xẻng và một cái chăn khá to. Cô chẳng nói chẳng rằng vội vàng đào một cái hố. Bác chồng tìm cách giúp vợ một tay, nhưng bác yếu quá nên chẳng làm được gì.

Khói đen cuộn lên ngùn ngụt. Chúng tôi nghe thấy tiếng lửa réo, tiếng cành cây gẫy răng rắc trong rừng bao xung quanh thị trấn. Khói đen che cả mặt trời, mặt mày chúng tôi nhem nhuốc, nước mắt chảy thành dòng.

Cô Hardbristle vẫn mải mê đào, cô đào, đào mãi. Cái hố mỗi lúc một sâu hơn, mồ hôi ướt đẫm trán cô. Quần áo cô bám khói đen và đầy đất cát. Không khí nóng hừng hực phả vào mặt chúng tôi. Bỗng lửa trùm lên chúng tôi. Cửa hàng nổ tung như một trái bom. Ngọn lửa phừng phừng liếm những bức tường.

Cô Hardbristle buông xẻng, cô không đào nữa và ra lệnh:

- Các em, nhảy xuống hố!

Cô đỡ bác chồng già xuống hố. Cùng với các bạn khác tôi cũng nhảy xuống. Ngay sau đó chúng tôi thấy cái chăn ướt phủ trên đầu và tất cả trở nên tối om. Cô Hardbristle đã hắt nước lên tấm chăn.

Bác Hardbristle tội nghiệp lo sợ cho tính mạng của vợ. Bác gào lên:

- Xuống đi, cô cũng phải xuống đi.

Bác còn nghe thấy tiếng của cô:

- Bác không cần phải lo cho tôi, tôi sẽ không việc gì đâu. Bác hãy lo cho bọn trẻ.

Lửa cháy phần phật, cuốn ào ào qua chỗ chúng tôi. Khói làm chúng tôi nghẹt thở, dường như chúng tôi chảy tan ra trong ngọn lửa hừng hực ở trên đầu. Nhưng chúng tôi đã may mắn thoát chết.

Khi chúng tôi chui ra khỏi hầm thì thị trấn biến mất tăm. Không còn một ngôi nhà nào. Khói đang tỏa ra từ những cây cột, nhà đã cháy thành than. Đây đó vài ba thanh sắt cong queo nằm trên mặt đất.

Chúng tôi tìm thấy cô Hardbristle nằm sóng soài ngay cạnh miệng hố. Cô không bị thiêu cháy nhưng chết vì ngạt thở. Cô đã cứu tất cả chúng tôi và hy sinh bản thân mình. Bác Hardbristle quỳ xuống bên cạnh thân thể bất động của người vợ, nước mắt đầm đìa làm ướt cả chòm râu. Vai bác rung lên bần bật, bác không thốt nên lời trước nỗi đau vò xé tâm can.

Cô Hardbristle quả là một người anh hùng. Cô đã hy sinh tính mạng của mình cứu chúng tôi thoát khỏi ngọn lửa hung ác. Bố mẹ chúng tôi rất biết ơn cô và nguyền suốt đời không quên công ơn cô.

Thị trấn được xây dựng lại. Để tưởng nhớ đến người phụ nữ dũng cảm, cha mẹ chúng tôi đã trồng một cây Magnolien nhỏ bé ở ngay cái hố mà chúng tôi đã ẩn náu.

Bác Hardbristle đau khổ, tuyệt vọng, bác luôn cho rằng bác có lỗi. Bác nói:

- Tôi thì nấp trong hố để cho vợ chết. Tôi là đồ vô tích sự.

Tất nhiên bác không phải là người vô tích sự. Bác đã già và yếu. Vả lại có ai khẳng định người chồng phải can đảm hơn người vợ đâu? Tại sao người vợ lại không làm được những chuyện như thế kia chứ?

Cho dù mọi người khuyên can đến đâu, bác cũng không thể yên lòng. Dân phố đã làm cho bác một căn nhà nhỏ và bác không bao giờ rời ngôi nhà đó. Suốt ngày bác ngồi trên ghế xích đu đặt ngoài hiên và nhìn chằm chằm cây Magnolien.

Hồi ấy, tuy còn bé nhưng tôi đã nói với bác cái điều mà tôi đã nghe mẹ tôi nói với bố tôi:

- Bác đừng buồn khổ như vậy nữa. Bác gái hẳn mong rằng bác được sống hạnh phúc, sung sướng

Bác gật gù một lúc lâu rồi thủng thẳng nói:

- Chỉ khi nào cây Magnolien trổ hoa thì bác mới tin rằng bác gái đã tha thứ cho bác, chỉ đến lúc đó bác mới có thể yên lòng và sung sướng được.

Tôi chạy về nhà kể cho mẹ những điều bác Hardbristle đã nói. Mẹ mỉm cười buồn bã. Mẹ bảo:

- Đến lúc cây Magnolien ra hoa, nhiều khi phải mất bảy năm. Chỉ sợ rằng bác ấy không sống được đến lúc đó.

Song mẹ tôi đã nhầm. Bảy năm trôi qua. Cây Magnolien chưa trổ bông nhưng bác Hardbristle vẫn ngồi đợi chờ. Cái cây phát triển rất nhanh, cành lá xum xê, tươi tốt.

Thấm thoát tôi đã mười ba tuổi và đã thuộc diện lớp lớn trong đội Hướng đạo. Hơn ai hết tôi mong ước cây sớm trổ hoa. Tôi cầu mong làm sao để bác Hardbristle không còn bị mặc cảm tội lỗi. Nếu cô Hardbristle biết được rằng bác trai ân hận như vậy, thể nào cô cũng mỉm cười với bác.

Vì vậy, vào mùa khô nóng, tôi xách nước tưới cây. Cái xô bé quá nên tôi chứa nước vào can nhựa. Can này trước kia đựng một loại bột gì đó, hình như là phân hóa học.

Tôi mang nước tới chỗ cây. Bột hóa chất nổi lềnh bềnh ở trên. Tôi cẩn thận tưới nước vào rễ cây. Bác Hardbristle vẫn ngồi gật gù trên ghế xích đu, bác lim dim nhìn tôi làm mà không nói một lời.

Sáng hôm sau, cây Magnolien bị chết, lá héo ủ rũ.

Bố tôi nói:

- Lạ thật, làm sao cái cây ấy có thể chết được?

Ông lấy tay quệt một tí bột trắng. Ông kêu lên:

- Ai lại rắc hóa chất diệt cây trồng thế này không biết?>Tôi có cảm giác đất dưới chân sụp lở. Tôi cứ nghĩ hóa chất trong thùng là phân bón. Tôi, chính tôi đã giết chết cây Magnolien. Tôi nhìn sang chỗ bác Hardbristle vẫn thường ngồi hàng ngày nhưng chỉ thấy cái ghế trống không. Bác ấy bị ốm, phải nằm trên giường. Bác ấy sẽ không bao giờ còn thấy cây Magnolien nở hoa.

Giờ đây có hai người ăn năn, ân hận đó là bác Hardbristle và tôi.

Ngoài bác ấy ra không ai biết tôi đã làm gì. Còn tôi thì không muốn thú nhận. Tôi thấy kinh khủng quá. Tôi mong cũng được ốm liệt giường, tôi sẽ trùm kín chăn và không bao giờ đi ra ngoài, y như bác Hardbristle vậy.

Không. Tôi phải sửa chữa sai lầm của mình. Tôi quyết kiếm tiền để mua một cây Magnolien khác, một cây trưởng thành. Biết đâu tôi có thể mua được cây đang trổ hoa cũng nên. Và lúc đó bác Hardbristle sẽ vui sướng.

Mẹ bảo tôi:

- Giá một cây Magnolien lớn trồng trong bồn là 1000 đôla, song tất nhiên không phải là cây kia.

Tôi không thể tưởng tượng giá một cái cây lại lên tới 1000 đôla. Tôi không có lấy một đồng, một xu cũng không. Thế là tôi cầm cây đàn ghi ta, ngả mũ trên mặt đất và ngồi bên cây Magnolien gảy đàn.

Anh chàng tóc đuôi ngựa mỉm cười với tôi rất lạ lùng. Anh chìa cho tôi cái kèn ácmônica đã bị móp vài chỗ và nói:

- Em cầm lấy, may ra nó có thể giúp em.

Tôi đưa mắt nhìn cái kèn méo mó, nhún vai nói:

Em không biết thổi kèn, chỉ biết chơi ghi ta.

Cây đàn ghi ta này bố tôi tặng, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ nó.

Anh ngậm kèn và thổi. Tiếng nhạc dương, sôi nổi làm sao. Tiếng nhạc bỗng vút lên rồi từ từ lắng đọng. Nó réo rắt trong tai tôi như một bầy chim hót líu lo. Tôi nghe thấy suối chảy róc rách, gió thổi rì rào trong rừng cây bạch đàn. Tôi như cảm thấy vị ngọt của mật ong trên những lát bánh mì mới ra lò. Nước mắt tôi trào ra. Bỗng muôn ngàn tia sáng mặt trời chiếu qua đám mây tỏa hào quang rực rỡ.

Tôi nhận chiếc kèn từ tay anh. Anh dặn:

- Em hãy chơi theo làn điệu của mình chứ không phải của người khác. Em có làn điệu của em, hãy chơi làn điệu đó.

Nụ cười của anh như thấm vào tâm hồn tôi. Anh nói:

- Trưa mai, 12 giờ anh sẽ tới nhận lại.

Tôi vội nói:

- Mai em phải đi học. Anh cứ yên tâm, hãy đợi em ở cổng trường.

Anh còn dặn thêm:

- Em chớ quên đấy nhé vì anh còn phải đi tiếp.

Tôi dựa ghi ta vào thân cây và dõi mắt nhìn theo bóng dáng anh đang vội vã qua đường. Có lẽ anh sống trong lều trại ở ngoài đó.

Chiếc kèn ác mô ni ca bị bẹp và xước nhiều chỗ. Tôi cảm giác có nhiều người từng chơi chiếc kèn này, họ đã bị lãng quên. Đúng lúc tôi đưa kèn lên môi thì một chiếc xe buýt chở đầy khách du lịch chạy tới.

Kể từ ngày cây Magnolien được trồng tại đây, nhiều đoàn khách du lịch đã dừng lại nghỉ chân ở đây trên đường tới Sydney. Câu chuyện về bác Hardbristle ngồi trên ghế xích đu chờ cây nở hoa được báo chí tường thuật. Nhiều đoàn khách du lịch khi tới đây cũng mong được chứng kiến cây ra hoa. Khách du lịch từ xe buýt nhảy vọt xuống, ai cũng đeo kính râm, mặc quần soóc, cổ đeo lủng lẳng máy ảnh. Họ muốn chụp ảnh cái cây, họ chạy tới, chạy lui, vội vội vàng vàng, bỗng nhiên họ ngâ

Người lái xe nhìn chằm chằm vào cái cây, buồn bã nói:

- Nó chết rồi!

Mọi người giương mắt nhìn những cái lá ủ rũ. Họ trở lui định nhảy lên xe. Thế này tôi làm sao kiếm được tiền. Tôi vội ngậm cái kèn rồi tìm một làn điệu gì đó. Tự nhiên tôi nhớ đến bài Hang down our head, Tom Dooley, hang down our head and cry. Đó là bài hát duy nhất mà lúc này tôi còn nhớ. Bản nhạc thật buồn bã, ai oán.

Khách du lịch bắt đầu xụt xịt. Một bác khách người Hoa Kỳ đội cái mũ rộng vành to tướng vội lấy khăn xỉ mũi. Bà khách người Nhật nước mắt đầm đìa. Bản nhạc mới buồn bã làm sao. Cái kèn này có một sức mạnh thật đặc biệt. Chẳng mấy chốc các vị khách du lịch đều khóc thút thít. Họ đứng đó, ôm nhau thổn thức. Nhưng không có ai quẳng lấy một xu vào cái mũ của tôi.

Có chuyện gì đó không ổn. Kiểu này cái kèn sẽ không đem lại cho tôi hiệu quả mong muốn. Tôi cố nhớ lại một điệu nhạc vui vẻ. Tôi sực nhớ làn điệu bài Cancan. Đó là một vũ khúc vui nhộn, sống động. Khách du lịch khoác tay nhau nhảy múa. Họ tung chân phải, đá chân trái, họ nhảy múa thật say sưa không biết mệt. Nhưng họ khoác tay nhau như thế kia thì làm sao lấy được tiền để quẳng vào mũ cho tôi! Bản nhạc chấm dứt, tôi ngừng chơi.

Những người khách du lịch giương mắt nhìn nhau, họ không hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình. Họ chạy vội chạy vàng ra xe và chẳng ủng hộ cho cây Magnolien được xu nào. Tôi liếc mắt nhìn chiếc ghế bỏ trống của bác Hardbristle và nghĩ phải làm ngay một việc gì đó.

Tôi chọn một bản nhạc khác, Kookaburra sits on the old gum tree. Đây là một bản nhạc rất vui nhộn, sảng khoái. Những người khách du lịch cũng vui nhộn, sảng khoái khi họ leo lên những cây bạch đàn hai bên đường. Họ ngồi trên các cành cây như một bầy chim. Tôi muốn ngừng chơi nhưng không thể nào dừng được. Hình như với chiếc kèn này, khi đã bắt đầu thổi một giai điệu nào đó thì phải chơi đến cùng.

Bây giờ tôi thổi đến đoạn Laugh Kookabura, Laugh Kookabura. Thế là họ, chứ không phải những con chim khổng lồ Kookabura, đua nhau cười ầm ĩ. Họ ngồi trên những cành cây ngửa mặt nhìn lên trời và cười nhăn nhở như những con lừa. tôi cũng dừng lại được. Khách du lịch la hét hoảng loạn. Hình như có cái gì đó làm họ sợ sệt bủn rủn chân tay. Họ nhảy vọt xuống và chạy tọt vào trong xe. Tôi vẫn không nhận được một xu của họ. Tôi tuyệt vọng vội cố thử lại một lần nữa.

Bài hát mà tôi thổi lần này có tên You can leave your hat on.

Khách du lịch dừng lại. Họ bắt đầu khiêu vũ với những động tác lả lướt và cử động chân tay khá đặc biệt. Cái bác người Nhật Bản từ từ cởi cúc áo và quẳng cái áo khoác trên mặt đất. Còn bác người Mỹ thì tháo giày vứt đi. Ba người khác cởi áo len theo nhịp điệu bản nhạc. Một bà béo ụt ịt co chân cởi tất. Thôi chết tôi rồi, tôi chọn phải bản nhạc khỏa thân!

Tôi muốn ngừng lại, nhưng không được. Tôi phải thổi đến hết bài. Cuối cùng ba chục khách du lịch đều chỉ mặc đồ lót ngẩn tò te giương mắt nhìn nhau. Họ la lối om sòm và chạy bổ vào xe.

Thôi mặc xác họ, để họ biến đi. Tôi không thể làm gì với chiếc kèn ác mô ni ca này. Xe buýt nổ máy chạy vút đi, để lại phía sau một đám bụi mù mịt.



3

Không hiểu có chuyện gì xảy ra? Chiếc kèn không giúp tôi giải quyết vấn đề của mình. Với cái đà này tôi sẽ không thể nào có được một cái cây mới cho bác Hardbristle. Bỗng tôi nhớ lại lời dặn của anh thanh niên tóc đuôi ngựa. Anh ấy đã bảo tôi: "Em hãy chơi bản nhạc của bản thân mình chứ không chơi nhạc của người khác, hãy chơi bản nhạc của em!".

Song tôi chưa hề sáng tác nhạc. Anh ấy nói như vậy nghĩa là gì nhỉ? Hay ta cứ thổi đại một làn điệu mà ta đang có cảm hứng. Tôi đi chậm rãi tới chỗ mấy cửa hàng, đặt mũ xuống đất và bắt đầu thổi kèn. Một bản nhạc buồn bã nổi lên từ đáy lòng tôi, tôi chưa bao giờ thấy có bản nhạc nào buồn hơn. Bản nhạc từ từ hiện lên trong đầu khi tôi thổi kèn.

Bài hát nói về nỗi đau đớn, buồn khổ của bác Hardbristle và về cái cây bị tôi làm khô héo. Những giọt nước mắt của tôi hiện lên trong bài hát này. Bài hát không kể thành lời câu chuyện một cô bé do vô tình đã gây nên tai họa và về lai lịch một cái cây bị chết khô. Bản nhạc thấm đọng, sâu lắng, nó có thể làm cho những người yêu nhau suốt đời yêu nhau say đắm, không thể chia lìa. Bác Windfall đi ra cửa ngơ ngơ như đi trong mơ. Bác dừng lại, nhìn tôi với con mắt trong suốt như thủy tinh. Đôi mắt đó đã nhìn thấy cái điều mà những người khác không thấy. Tôi dừng lại. Bác vội vàng tha thiết đề nghị tôi tiếp tục thổi. Bác lấy trong ví đồng 20 đôla đặt vào cái mũ của tôi. Tôi lặng lẽ mỉm cười nhìn bác và thổi tiếp.

Nhiều người khác kéo tới. Kia là bác Ralph, thầy giáo chúng tôi. Một nụ cười dịu dàng như bông hiện lên trên khuôn mặt đôn hậu của thầy. Sue Rickets và hai thằng ngỗ ngược học lớp 7 dừng chân trố mắt nhìn. Sue Rickets là đứa vốn ghét cay ghét đắng tôi. Nhưng lúc này nó hoàn toàn khác. Tiếng nhạc đã làm nó hiền như một chú cừu non. Tôi nhìn hết người này tới người khác. Mọi người đang trong một chuyến đi rất đặc biệt. Tiếng nhạc đã đưa họ đến những nơi xa lạ mà trong điều kiện b́nh thường họ không bao giờ có thể tới được.

Cuối cùng bản nhạc cũng kết thúc. Tôi không thở được nữa. Cả nhóm đứng tần ngần, bất động. Rồi mọi người như bừng tỉnh vội vàng thả tiền vào cái mũ của tôi. Sự hồi tưởng về quá khứ đã chắp cánh cho họ. Tôi đếm số tiền trong mũ, tổng cộng được 84 đôla.

Cứ cái đà này chẳng mấy chốc tôi sẽ kiếm được 1000 đôla để mua một cây mới mà chẳng mất cái gì cả. Tôi nhìn đồng hồ và vội vã ra về vì còn phải bổ một đống củi to tướng trước bữa ăn tối. Thế là tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà.

Cơm tối đã xong. Bố mẹ ngồi bên cạnh lò sưởi. Bố mẹ rất thích nghe tôi chơi ghi ta bên ngọn lửa bập bùng.

Nhưng tôi không chơi ghi ta mà thổi kèn ácmônica. Bản nhạc mà tôi đang chơi không có tên và cũng không có lời. Đó chỉ là những giai điệu toát ra từ đáy lòng tôi. Tôi thổi một bài hát về bà tôi, tôi thấy bà đang cù mình như hồi xưa. Đó là một giai điệu vui tươi thoải mái. Trong lúc thổi kèn tôi muốn cười vang. Mọi chuyện cứ như là thật, nỗi đau đớn vì bà đã ra đi như không còn nữa. Chúng tôi ai nấy đều vui mừng vì lại có bà ở bên cạnh. Tôi nhìn mẹ đang mỉm cười trìu mếnthâm tâm tôi thấy mẹ đang được bà ôm ấp như ngày xưa, khi mẹ còn bé tẹo tèo teo. Cuối cùng cả bố, mẹ và tôi ngủ thiếp đi bên lò sưởi ấm áp lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, tôi thấy mẹ chưa bao giờ vui vẻ như hôm ấy. Chiếc ácmônica của tôi đã làm cho mẹ lâng lâng sung sướng. Tôi cảm thấy không thể rời cái kèn này. Chẳng biết anh chàng tóc đuôi ngựa có đồng ý đổi cái kèn lấy cây đàn ghi ta của tôi không? Nhưng tôi cũng không thể xa cây đàn ghi ta này. Nếu không thì bố sẽ chẳng khi nào tha thứ cho tôi. Bố đã tặng tôi cây đàn này nhân dịp lễ Giáng sinh.

Tôi nhặt nhạnh 84 đôla và cho vào bụng cây đàn ghi ta. Sau đó tôi đến trường. Chiếc kèn này có thể giúp tôi kiếm được một nghìn đôla để mua một cái cây mới. Nhưng liệu từ giờ đến mười hai giờ trưa có còn kịp được không?



4

Trường tôi chỉ có một thầy và hai mươi trò. Tất cả chúng tôi cùng học chung trong một lớp. Học sinh lớn giúp học sinh nhỏ. Còn thầy Ralph thì chỉ bảo tất cả chúng tôi. Thầy là người rất hiền. Chẳng bao giờ tôi thấy thầy cáu kỉnh, gắt gỏng. Chúng tôi không ai là không kính yêu thầy.

Thầy nhìn tôi và nói:

- Em Nicole có tài thổi ácmônica mà kín tiếng quá.

Các bạn trong lớp đều đứng dậy.

Thầy giáo lại bảo:

- Em thổi một bài cho cả lớp cùng nghe đi!

Tôi lại ngậm kèn và thổi, những điều suy nghĩ của tôi được thể hiện bằng tiếng nhạc. Các bạn gục đầu xuống bàn, mọi người đều nhìn thấy những điều tôi nhìn, mơ màng giấc mơ như tôi. Được như vậy là nhờ tiếng nhạc!

Tôi đưa các bạn cùng đi thuyền lướt trên biển bạc long lanh. Tôi cùng các bạn bay qua những tầng mây tít tận trời cao, cùng các bạn chiêm ngưỡng đáy biển sâu thăm thẳm và lên những đỉnh núi cao chót vót, không khí ở đây lạnh buốt đến tận cuống phổi mỗi khi hít thở. Tôi để thác nước tỏa muôn ngàn giọt nước li ti phủ lên thầy giáo và tất cả các bạn. Tôi để các bạn được ôm ấp trong vòng tay những người thân yêu đã chết từ lâu lắm rồi.

Tôi làm được những điều đó chính nhờ có cái kèn. Thời gian trôi qua thật nhanh. Phút chốc đã 12 giờ trưa. Chuông báo giờ nghỉ trưa kêu leng keng. Nhưng tôi mới có vỏn vẹn 84 đôla. Mà tôi cần những 1000. Cái câyMagnolien mới, phải có đủ 7 năm tuổi. Mà một cây như thế thì rất đắt. Tôi chỉ có thể thật sự vui mừng khi nhìn thấy nụ cười hớn hở hiện lên trong ánh mắt của bác Hardbristle.

Tôi chạy nhanh khỏi sân trường và trốn trong rừng thông gần đó.

Anh chàng tóc đuôi ngựa tới cổng trường. Tôi ngồi trên cành cây và trông thấy anh rất rõ. Tôi thấy anh nhìn chằm chằm vào sân tìm tôi. Tôi nhìn thấy anh buồn bã thất vọng, quay lưng đi về phía bờ sông.

Tôi ngồi yên trên cây cho tới khi có tiếng chuông reo. Tôi chẳng thấy vui vẻ mấy vì vẫn còn giữ cái kèn, song tôi chỉ muốn làm một việc tốt. Tôi muốn dùng cái kèn để mua một cây Magnolien mới. Sau đó tôi sẽ trả lại. Chắc chắn là thế.

Nhưng có chuyện gì đó khang khác kể từ lúc tôi quyết định giữ lại cái kèn. Trong giờ học không ai đoái hoài đến tôi nữa. Thầy Ralph cũng không bảo tôi thổi để cả lớp cùng nghe nữa.

Tôi quyết định cứ thổi kèn mà chẳng cần chờ ai đó yêu cầu. Tôi lại ngậm cái kèn của mình. Của tôi ư? Đâu phải. Cái kèn này không phải của tôi. Tôi nắm chặt cái kèn giá lạnh. Nó có vẻ hằn học, ghẻ lạnh. Tiếng nhạc không phát ra nổi. Tôi cảm thấy ớn lạnh ở sống lưng. Với những ngón tay run rẩy, tôi ấn cái kèn vào mồm, tôi ra sức thổi phù phù và chỉ tạo ra một âm thanh rè rè ghê rợn.

Mọi người thở dài. Tiếng rè rè đó làm các bạn nhức tai. Tôi thử lại một lần nữa. Cái kèn như muốn cưỡng lại những ngón tay đang bấu chặt lấy nó. Cái kèn co rúm lại, giãy giụa cứ như nó là một sinh vật sống vậy. Nó muốn đi khỏi nơi này, còn tôi thì cố ghì nó chặt hơn nữa> Lúc đó một việc kinh khủng xảy ra. Tôi cũng không biết tại sao? Như thế nào? Tự nhiên cái kèn chui tọt vào mồm tôi rồi nằm ngang chành bành to tướng như quả chuối. Má tôi càng lúc càng căng phồng làm tôi cảm thấy đau nhói, nước mắt trào ra. Từ một nhạc cụ cái kèn trở thành dụng cụ tra tấn.

Tôi lảo đảo đứng dậy. Mỗi lần thở, cái kèn lại rít lên rất chói tai, khó chịu. Tôi rên rỉ, cái kèn cũng rên rỉ nức nở. Nó phát ra những âm thanh ghê rợn. Mọi người bịt chặt tai, không ai chịu nổi những tiếng chói tai, kinh hoàng đó. Không khí như rung lên trong tạp âm hỗn độn chát chúa.

Những cái nhìn đau đớn, kinh hoàng dồn về phía tôi khi tôi lảo đảo chuệnh choạng lết ra cửa. Tôi điên lên. Xét cho cùng tôi không có lỗi. Tôi chỉ muốn chuộc lỗi lầm về việc đã làm chết cái cây. Tôi chỉ muốn kiếm tiền để mua một cây mới. Tại sao bây giờ mọi người lại ghét bỏ, ruồng rẫy tôi? Tôi cũng căm ghét bọn họ.

Bản nhạc là một bài ca nói lên sự dau đớn, buồn tủi, nó làm cho người ta có thể nhìn thấy chân tướng của mọi sự xấu xa đồi bại. Đó là âm thanh của những trái tim tan vỡ, âm thanh của chiến tranh và bệnh tật, giết người và trộm cướp, trả thù và bất hạnh. Tôi nhìn thấy những cái đó trong ánh mắt thầy Ralph và các bạn.

Mọi người đến gần tôi, bao vây tôi và chĩa những ngón tay với móng sắc nhọn như vuốt về phía tôi. Tôi vội xách cây đàn ghi ta nhào qua đám đông cắm đầu cắm cổ chạy một mạch ra cửa.



5

Mặt trời đã lặn. Một ngọn gió lạnh phả vào khuôn mặt đầy nước mắt của tôi. Mưa rơi buốt giá. Khi tôi thở hổn hển cũng là lúc cái kèn rống lên. Cứ như thế tôi bước đi thất thểu trên sân trường.

Mặc dù tôi đã sợ hãi kêu rống lên, thầy giáo và các bạn trong lớp vẫn đi theo tôi. Họ đang muốn những giọt máu của tôi. Tôi đã biến họ thành những con vật hung ác dữ tợn. Tim tôi đập thình thịch như muốn vỡ lồng ngực, phổi tôi gào thét, van xin được bình yên. Cái kèn đang chơi bản nhạc về cuộc chạy trốn của tôi và mọi người đều nghe thấy.

Tôi lảo đảo chạy ra phố, cái kèn vẫn nằm chềnh ềnh trong mồm tôi. Tôi không tài nào lấy nó ra được. Những người bán hàng, những chủ trang trại hòa vào đám đông đuổi theo tôi. Bài hát về sự đau khổ và nước mắt đã làm cho mọi người tức tối. Họ muốn làm tất cả để tôi ngừng thổi. Tôi chạy chuệch choạng và đâm bổ vào cây Magnolien rồi ngã sóng soài trên mặt đất. Tôi đã kiệt sức. Mỗi lần tôi thở, lại phát ra những tiếng rít chói tai. Đám đông vây chặt lấy tôi.

Tôi không thể chịu nổi họ. Tại sao họ lại đối xử tệ với tôi? Tại sao họ không để tôi yên? Tôi nhìn cái cây bị chết và ước họ cũng như cái cây này, sẽ biến thành gỗ, trái tim của họ cũng hóa gỗ.

Với mỗi nhịp thở cái kèn lại phát ra âm điệu của bài ca thù hận. Bất thình lình bọn trẻ con, chủ cửa hàng, chủ trang trại và cả thầy Ralph đều trở thành cứng đờ, bất động. Bọn họ đã thỏa mãn ước mơ của tôi, tất cả đã hóa thành gỗ trước mắt tôi, mặt gỗ, quần áo gỗ và cả tóc cũng là gỗ. Tự nhiên tôi trở thành một người đơn độc giữa thị trấn toàn tượng là tượng. Giờ thì bọn họ không còn là lũ người khát máu tôi nữa. Họ đứng trơ trơ giữa trời mưa như những bia mộ. Họ đứng đó câm lặng, dữ dằn.

Trong khoảnh khắc, tôi như bị chết lịm đi. Tôi tìm cách lấy cái kèn ra khỏi đôi môi run rẩy nhưng không tài nào làm được, nó nằm trơ trơ không nhúc nhích, quyết không chịu ra khỏi miệng tôi.Bỗng nhiên cửa bật mở. Bác sĩ Jenson xuất hiện. Bác sững người, há hốc mồm trước những pho tượng bất động trên đường phố.Ông đứng ngược hướng gió nên không nghe được bản nhạc khủng bố của tôi. Ông là bác sĩ, chắc bác có thể lấy cái kèn khốn khổ này ra khỏi miệng tôi. Bác rảo chân về phía tôi nhưng mới được vài bước bác bỗng đứng sững lại. Khi nghe những nốt nhạc đầu tiên bác cũng đã bị hóa thành gỗ.

Mãi tới khi chìm đắm trong không khí tĩnh lặng, yên ắng trong toàn thị trấn tôi mới thấu hiểu điều gì đã xảy ra. Tôi không thể về nhà bây giờ nếu không bố mẹ tôi cũng sẽ hóa gỗ. Tôi không nên lại gần những chỗ có người và cũng không ai là người có thể giúp đỡ, cứu vớt tôi.

Liệu có ai cứu được tôi không?



6

Liệu người thanh niên ấy còn ở bờ sông không nhỉ? Anh ấy là hy vọng cuối cùngôi. Cái kèn này là của anh ấy. Giá mà tôi có thể trả lại nó cho anh!

Tôi thất thểu ra khỏi thành phố, đi quanh trường học, qua cái hiên trơ trọi nhà bác Hardbristle, qua những bụi cây ra phía bờ sông. Tôi không thấy một chút dấu vết gì của anh ấy. Những cơn gió lạnh vô tình lùa vào mặt tôi. Tôi đi dọc theo bờ sông với niềm hy vọng tìm thấy anh ấy để có thể trả lại cái kèn. Tôi đi, đi mãi và cuối cùng đứng trên một mỏm đá cao, từ đây tôi có thể phóng tầm mắt nhìn rất xa và con sông chỉ còn là một sợi dây ngoằn ngoèo dưới thung lũng.

Tôi phát hiện thấy anh ấy. Anh ấy kia rồi. Lưng anh quay về phía tôi, chân anh đang bước nhanh về phía rừng. Tôi cố gọi thật to nhưng không tài nào gọi được. Chỉ có những tiếng u a u ơ phát ra theo nhịp thở của tôi.

Tôi bỗng thấy sợ hãi. Điều gì sẽ xảy ra khi bản nhạc của tôi biến anh thành gỗ? Ai sẽ là người có thể cứu tôi? Tôi cố nín thở giơ cao cây đàn ghi ta vẫy anh, nhưng anh lại quay lưng về phía tôi. Tôi tuyệt vọng vô cùng. Trời ơi, ai là người có thể cứu giúp tôi đây! Tôi lại tìm cách vẫy anh một lần nữa, nhưng hoàn toàn vô vọng.

Tôi tìm một viên sỏi, một hòn đá, một cành cây. Tôi phải tìm một cái gì đó để có thể ném vào anh ấy, ra hiệu cho anh ấy nhưng tôi không tìm được một cái gì cả. Gió đã thổi sạch băng mỏm núi này. Giữa các kẽ đá chỏng chơ vài ba cái lá khô. Tôi tuyệt vọng, tung những cái lá nhưng gió đã cuốn phăng chúng đi.

Cái duy nhất mà tôi có là cây đàn ghi ta và tôi đã tung nó đi rất xa. 84 đôla trong cây đàn rơi lả tả xuống nước. Tiền mất. Cây đàn như được ngọn gió đỡ, lướt bay bồng bềnh trong không khí.

Tôi như thấy những ngón tay vô hình lướt trên phím đàn và nghe thấy tiếng đàn trầm bổng. Cây đàn ghi ta lộn mấy vòng trong không khí, bay vút lên cao rồi bỗng nhào xuống, đập vào một mỏm đá ngay cạnh chân anh ấy và vỡ tan thành muôn nghìn mảnh. Anh ngước mắt nhìn lên, nhận ra tôi và mỉm cười dừng lại chờ tôi.



7

Tôi phải đi mất một giờ đồng hồ mới tới được chỗ anh. Một giờ đồng hồ tôi bị hành hạ, bàn chân tôi rớm má tôi chai phồng. Một giờ đồng hồ tôi bị đầy đọa bởi những âm thanh ghê rợn phát ra từ đôi môi căng phồng, méo xệch của tôi.

Cuối cùng tôi cũng đến được chỗ anh. âm thanh khò khè phát ra từ nhịp thở của tôi hoàn toàn không ảnh hưởng tới anh. Anh không bị biến thành gỗ. Anh vuốt má tôi và nhẹ nhàng lấy cái kèn ácmônica ra khỏi mồm tôi. Anh bảo:

- Cái kèn giúp những người làm những điều tốt lành và trở thành tai vạ với những kẻ làm điều độc ác.

Nước mắt tôi trào ra lăn trên má, tôi nói với anh:

- Em chỉ muốn có tiền để mua một cái cây. Nhưng mọi việc đều không thành.

Tôi bỗng nhớ đến những pho tượng rải rác trong thị trấn.

Anh đưa tôi cái kèn. Cả hai chúng tôi biết cần phải làm gì và lặng lẽ đi vào phố. Mọi người còn đứng cả ở đấy, câm lặng, đờ đẫn. Tất cả vẫn là những pho tượng gỗ.

Tôi ngậm chiếc kèn ácmônica và thổi những làn điệu mà tôi yêu thích nhất. Đó là bài hát về sự ra đời của muôn loài, về sự hé nở của những bông hoa, bài hát kể về những giọt nước mắt của người mẹ thấm trên má đứa con mới lọt lòng, về những bước đi đầu tiên của chú ngựa non nớt, về cuộc đời mới đầy hứa hẹn trước mắt chúng tôi.

Mong ước của tôi thành sự thật, những pho tượng bắt đầu cựa quậy, những đôi môi bằng gỗ mỉm cười. Những con người đó đã trở lại thành người, họ đã được giải phóng khỏi bản nhạc cầm tù. Mọi người đều hớn hở vui tươi, không ai còn nhớ tới những bài hát đầy căm hận, với tâm địa tàn ác xấu xa. Họ vui cười theo nhịp bài hát mới của tôi và quên hết quá khứ buồn tủi.

Tôi ngước mắt nhìn lên cửa sổ nhà bác Hardbristle và thấy khuôn mặt bác sau tấm kính. Bỗng bác biến mất. Sau đó bác đi ra cửa, mắt dõi nhìn cây Magnolien. Những cái lá khô héo bỗng không còn khô héo mà trở nên xanh tươi mơn mởn. Bản nhạc của tôi đã làm cây Magnolien sống lại.

Anh thanh niên nhìn tôi mỉm cười, anh nhắc:

- Em còn phải thổi một bài hát nữa.

Tôi nhắm nghiền hai mắt, để chiếc kèn vào miệng và chỉ thổi những bài ca về tình yêu. Tôi không thổi bất kỳ một làn điệu nào khác. Khi tôi mở mắt, tôi thấy bác Hardbristle đang mỉm cười. Mọi người đều hớn hở, vui sướng và cây Magnolien nở đầy hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: