Chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv - Cơn ác mộng của Israel
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc đối đầu giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra khá căng thẳng, không chỉ tại những ranh giới chính của hai "thủ lĩnh" hàng đầu là Liên bang CHXHCN Xô viết và Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ, mà còn tại cả những quốc gia và khu vực nằm rất xa Moskva và Washington. Mặc dù thời kỳ Chiến tranh Lạnh không có những cuộc xung đột trực tiếp quy mô lớn giữa 2 siêu cường Xô - Mỹ, nhưng cũng có những thời điểm nó khiến cả nhân loại phải "thót tim" khi đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực thực sự. Ví dụ điển hình nhất chắc chắn là cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tuy nhiên, không có nhiều người biết đến về một cuộc khủng hoảng khác cũng từng đe dọa đưa thế giới vào một thảm kịch hạt nhân trên toàn cầu. May mắn thay, nguy cơ trên đã kịp thời được ngăn chặn bằng một "chiến dịch cảnh cáo" của Không quân Liên Xô diễn ra ngay trên bầu trời thủ đô Tel Aviv của Israel.
Sự đối đầu dai dẳng kéo dài hơn 4 thập kỷ không chỉ diễn ra hết sức căng thẳng giữa 2 ông trùm Hoa Kỳ và Liên Xô, mà còn ở cả những đất nước, hoặc những khu vực cách Moskva và Washington rất xa (trong đó có Việt Nam), và Trung Đông là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bối cảnh địa chính trị như vậy.
Trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Israel dần lâm vào thế thất bại trước các cuộc tấn công như vũ bão của liên quân Ai Cập - Syria (cuộc xung đột này bất ngờ nổ ra sau 6 năm kiên trì giả ''ốm đau'' của người Ai Cập bằng cách cung cấp cho các nhà báo phương Tây tại Cairo những thông tin không đúng sự thật, đánh lừa tình báo Israel về tình trạng ''thảm hại'' của Quân đội Ai Cập, nhằm mục đích bí mật khôi phục lực lượng vũ trang và trả thù cho những gì mà họ và Khối Ả Rập đã phải hứng chịu sau thất bại trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày với Israel hồi năm 1969). Trong tình thế vô cùng nguy cấp, Thủ tướng Israel khi đó là bà Golda Meir đã mất hết kiềm chế, bà ngay lập tức ra lệnh cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel, Đại tướng ''Độc nhãn'' Moshe Dayan, đặt toàn bộ kho vũ khí hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu (trong tay Israel khi đó đã có 18 đầu đạn hạt nhân) nhằm mục đích san bằng Cairo và Damascus (thủ đô của Ai Cập và Syria). Ngay trong ngày hôm đó, các chi nhánh tình báo của KGB và GRU (2 cơ quan tình báo quân sự chủ lực của Liên Xô) tại Trung Đông đã biết được ý định đó của Thủ tướng Meir.
Ngày 10/10/1973, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tán thành "Kế hoạch hành động buộc Israel từ bỏ việc tiến hành tấn công hạt nhân" (Kế hoạch cưỡng bức) do Giám đốc KGB Yuri Andropov đệ trình lên.
Ngày 13/10 cùng năm, Phó Chỉ huy của Trung đoàn Không quân Tiêm kích, Thiếu tá Aleksandr Danilovich Vertievets tại Sở Chỉ huy Căn cứ Không quân Vladimirovka ở tỉnh Volgograd (Liên Xô) nhận được lệnh trực chiến. Lúc 6h15' vào ngày hôm đó, anh được người đưa thư của đơn vị trao cho 1 bức điện đóng dấu "Mật. Mở ngay!" từ Bộ Tổng Tham mưu Quân khu Privolzhsky. Vertievets mang theo bức điện và theo các kỹ thuật viên vào nhà chứa máy bay, rồi anh leo lên chiếc máy bay MiG-25R (NATO định danh là ''Foxbat-B'') - biến thể trinh sát của dòng tiêm kích hạng nặng hiện đại nhất và bí mật nhất của Liên Xô lúc đó là Mikoyan-Gurevich MiG-25 với những đặc tính mới. Khi ngồi trong buồng lái máy bay, anh bóc bức điện ra, bên trong là 1 bức điện khác có ghi chú "Đặc biệt quan trọng! Tiêu huỷ ngay sau khi đọc xong!". Ngoài người gửi và Thiếu tá Vertievets ra, không ai biết trong bức mật thư kia viết gì, thế nhưng có 1 điều duy nhất mà ai cũng biết: đó là mọi thứ đã bắt đầu rồi!
Máy bay tiêm kích hạng nặng Mikoyan-Gurevich MiG-25 của Liên Xô
Vào lúc 8h12', theo giờ địa phương, màn hình radar phòng không tại Sở Chỉ huy Không quân Israel ở Tel Aviv (thủ đô khi đó của Israel, đến năm 1980 thì chuyển sang Jerusalem) xuất hiện một điểm sáng. Loa báo động vang lên liên hồi. Chấm sáng này di chuyển từ hướng Đông Bắc sang hướng Tây Nam và đang dần dần tiếp cận không phận Thủ đô Tel Aviv. 3 chiếc tiêm kích Dassault Mirage III (loại tiêm kích cánh tam giác do Pháp chế tạo) của Không quân Israel lập tức được điều lên truy cản, người dẫn đầu biên đội Mirage III sử dụng bộ liên lạc vô tuyến trên máy bay yêu cầu chiếc MiG-25 (vào thời gian này, các nước phương Tây - kể cả Israel - vẫn chưa biết đây là loại máy bay chiến đấu đời mới của Liên Xô) hạ cánh nhằm xác nhận danh tính, quốc tịch và mục đích chuyến bay. Tuy nhiên, cho dù họ có nói bằng tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập hay tiếng Anh, chiếc máy bay xâm nhập không phận vẫn im lặng không 1 lời phản hồi...
Kì lạ hơn, các phi công Mirage III cảm thấy có điều gì đó bất thường, chiếc máy bay lạ mà họ đang theo dõi hình như đang lấy thêm độ cao và cự ly giữa nó với biên đội Mirage đang dần tăng lên sau mỗi giây. Các phi công Israel thông báo cho sở chỉ huy rằng họ không thể bắt kịp được kẻ đột nhập vì nó bay cao hơn họ tới 6.000 feet (~1.829 mét) và di chuyển nhanh gần gấp đôi so với các máy bay Mirage cho dù lúc đó họ đã bay với tốc độ cao nhất (tốc độ tối đa của Mirage III là 2.350 km/h, gấp 2 lần tốc độ âm thanh), thêm nữa là kẻ xâm phạm đang bay ở độ cao đáng kinh ngạc là 23 km, trong khi Mirage III chỉ có thể đạt trần bay cao nhất là 17 km! Sao lại như vậy??? Phải chăng là do chiếc máy bay lạ kia có những tính năng vượt trội hơn nhiều so với Mirage III?
Tiêm kích Dassault Mirage III của Không quân Israel
Nhận thấy mình bay không đủ nhanh và cao để đuổi kịp kẻ lạ mặt, các phi công Mirage III đã quyết định phóng tên lửa không đối không Hokami nhằm bắn hạ chiếc máy bay lạ, như vậy là họ đã không thể nhịn được nữa, họ đã hành động! Tuy nhiên, tất cả các tên lửa bắn ra đều không thể đuổi kịp được chiếc máy bay đang bay nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh ở độ cao 23 km! Ấy vậy mà sau khi bị các chiến đấu cơ Israel phóng tên lửa tấn công hụt, Thiếu tá Vertievets vẫn ngang nhiên lái chiếc MiG-25R của mình bay vòng lại và liên tục lượn vòng tròn trên không phận Tel Aviv mà không sợ bị bắn hạ nhằm thể hiện uy thế kỹ thuật vượt trội của Không quân Liên Xô và cũng nhằm cảnh cáo Israel không được sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngay lập tức, thêm 1 biên đội tiêm kích đánh chặn hạng nặng F-4 Phantom II (loại tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế của Không quân Israel khi đó, do hãng McDonnell Douglas của Mỹ chế tạo) được điều lên để hỗ trợ cho biên đội Mirage III đang tỏ ra bất lực, nhưng dù họ đã bắn hàng tá quả tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow dẫn đường bằng radar bán chủ động thì họ vẫn không thể hạ được chiếc MiG-25R của Thiếu tá Vertievets. Thậm chí các tên lửa đất đối không MIM-23 HAWK (do Công ty Raytheon của Mỹ chế tạo) cũng được phóng lên từ mặt đất, nhưng vẫn không tài nào bắn trúng được máy bay địch, vì tên lửa HAWK chỉ có thể đánh chặn được các mục tiêu ở độ cao tối đa 12,2 km, trong khi đó chiếc MiG-25R của Thiếu tá Vertievets lại đang bay ở độ cao hơn 20 km. Thế là ngày hôm đó Israel coi như bó tay hoàn toàn...
Máy bay tiêm kích đánh chặn McDonnell Douglas F-4 Phantom II của Không quân Israel
Hệ thống tên lửa đất đối không Raytheon MIM-23 HAWK
Sau khi lượn 6 vòng trên bầu trời Tel Aviv, chiếc MiG-25R bay trở về Liên Xô. Sau đó, Đại tướng Moshe Dayan tức tốc đến báo cáo vụ việc cho nữ Thủ tướng Golda Meir, ông bắt gặp bà Thủ tướng đang xem thư của các nhà khoa học hạt nhân Liên Xô gửi cho bà, kêu gọi Israel không được sử dụng vũ khí hạt nhân. Nghe ông Dayan báo cáo về việc 1 chiếc máy bay bí ẩn xuất hiện từ 1 nơi nào đó và liên tục thị uy trên không phận Tel Aviv mà cả các đơn vị phòng không mặt đất và Không quân Israel đều không thể bắn hạ được, bà Golda Meir hiểu ra rằng đây chính là hành động cảnh cáo của Moskva với Tel Aviv nhằm bảo vệ Cairo và Damascus, vì người Ả Rập cho đến thời điểm này vẫn chưa có 1 loại chiến đấu cơ nào uy lực đến thế. Và sau cùng thì giới chức Israel cũng đã phát hiện ra rằng: Chiếc máy bay bí ẩn đó đến từ Liên bang Xô viết!!!
Sau đó, bà Golda Meir liên lạc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger và các quan chức cấp cao khác của Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu viện trợ quân sự; và đã nhận được từ Mỹ các loại vũ khí hiện đại như xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa qua cầu không vận Washington - Tel Aviv. Doanh nghiệp Israel ở Mỹ cũng gửi về 2,5 tỉ USD. Cùng lúc đó, các nhà ngoại giao Israel cấp tập tiếp xúc với Vua Hussein của Jordan và Vua Hassan II của Morocco để nhờ họ thuyết phục Ai Cập và Syria chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Israel.
Màn trình diễn ấn tượng của chiếc máy bay tiêm kích trinh sát hạng nặng MiG-25R trên bầu trời Tel Aviv ngày 13/10/1973 không chỉ đánh sập huyền thoại về tính chất bách chiến bách thắng của Israel mà còn khiến nữ Thủ tướng Golda Meir từ bỏ việc sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Ai Cập và Syria. Các đài radar phòng không của Israel lúc đó ghi nhận vận tốc của chiếc chiến đấu cơ Liên Xô lên đến 3.395 km/h!
Vào tháng 4/1974, "người đàn bà thép" Golda Meir và Đại tướng "Độc nhãn" Moshe Dayan đã buộc phải ''xách va li mà đi'' sau thất bại trong cuộc bầu cử. Sau đó không lâu, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Israel là Zeir Elia cũng bị mất chức.
Năm 1973, Thiếu tá Aleksandr Danilovich Vertievets, người thực hiện chuyến bay khuấy đảo bầu trời Tel Aviv, đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô viết, tuy nhiên trong danh sách những người nhận huân chương lại không có tên của anh ta. Thậm chí người ta cũng chẳng tìm được tấm ảnh nào của viên Thiếu tá này cả...
Mikoyan-Gurevich MiG-25 (NATO định danh là ''Foxbat'') là loại máy bay tiêm kích đánh chặn, trinh sát và ném bom siêu thanh hạng nặng tầm xa thế hệ thứ 3 do Phòng thiết kế Mikoyan-Gurevich OKB của Liên bang Xô viết nghiên cứu chế tạo vào cuối những năm 1960, có thể đạt trần bay cao hơn 20 km, tầm hoạt động 2.500 km, tốc độ tối đa lên tới 3.600 km/h, gấp 3 lần vận tốc âm thanh, nó đã vượt xa tất cả các đối thủ cùng thời, và nằm ngoài tầm khống chế của tất cả các hệ thống phòng không tiên tiến bậc nhất trên thế giới thời bấy giờ. Đây là chiếc máy bay nhanh thứ 2 trên thế giới, chỉ sau chiếc máy bay trinh sát siêu thanh tầm xa Lockheed SR-71 Blackbird của Mỹ (có tốc độ 3.900 km/h, gấp 3,2 lần vận tốc âm thanh). Nó đạt được vận tốc lớn như vậy là nhờ được trang bị 2 động cơ phản lực hàng khủng Tumansky R-15B-300 có công suất rất lớn, với lực đẩy 73,5 kN (16.524 lbf) lúc bình thường hoặc 100,1 kN (22.494 lbf) khi đốt nhiên liệu phụ trội. MiG-25 được trang bị loại radar Smerch (Phiên âm tiếng Nga: Смерч, nghĩa là ''Cơn lốc'') rất mạnh vào thời điểm đó - đạt công suất 600 kW, với công suất radar này thì gần như mọi biện pháp đối phó điện tử (ECM - Electronic Counter Measure) của các máy bay và hệ thống phòng không mặt đất của phương Tây thời đó đều trở nên vô dụng. Loại máy bay này đã lập ra 29 kỷ lục thế giới về những tính năng bay. Và cho đến tận ngày nay, vẫn chưa có 1 loại máy bay chiến đấu nào khác có thể phá được các kỷ lục hàng không mà MiG-25 đã lập nên trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình.
Mãi cho đến năm 1976, khi viên Trung úy phi công Liên Xô Viktor Ivanovich Belenko lái 1 chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-25P (NATO định danh là ''Foxbat-A'') từ vùng Viễn Đông Nga đào tẩu sang Nhật Bản xin tị nạn, Mỹ và các nước phương Tây mới có thể tiếp cận được chiếc máy bay này để tìm hiểu những tính năng và bí mật công nghệ của nó. MiG-25 được sản xuất đến năm 1984 thì ngưng, với tổng cộng 1.190 chiếc MiG-25 thuộc mọi biến thể đã được cho ra lò.
Thế hệ tiếp sau của MiG-25 là dòng máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng Mikoyan MiG-31 thế hệ thứ 4 (NATO định danh là ''Foxhound'') chuyên dùng để đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của đối phương, đạt tốc độ Mach 2,83 (3.000 km/h, chậm hơn 1 chút so với người tiền nhiệm MiG-25 nhưng vẫn nhanh hơn tất cả các loại chiến đấu cơ khác trên thế giới hiện nay), và được tích hợp những công nghệ hiện đại hơn hẳn so với ''ông anh'' MiG-25 của mình, trở thành 1 trong những loại chiến đấu cơ nhanh nhất, mạnh mẽ nhất và uy lực nhất trong biên chế của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga nói chung và Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (bao gồm cả Không quân Nga) nói riêng tính đến thời điểm hiện tại, và vẫn luôn là 1 trong những mối đe dọa thường trực hàng đầu đối với Hoa Kỳ và Liên minh quân sự NATO, mặc dù loại tiêm kích đánh chặn hạng nặng này đã có tuổi đời gần 40 năm kể từ khi nó được trang bị cho Không quân Liên Xô trong thập niên 1980 cho đến tận ngày hôm nay.
Máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng thế hệ thứ 4 Mikoyan MiG-31 của Không quân Nga, thế hệ tiếp theo của ''Cựu Ma Tốc Độ'' Mikoyan-Gurevich MiG-25 thời Liên Xô
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top