Chương 12: Những Sự Ràng Buộc
"Tôi nghe Thục Quyên nói thầy đau trong người..."
"Bần tăng đã đỡ nhiều rồi, cảm ơn thí chú đã quan tâm. Cơm nhà chùa hôm nay có chút đạm bạc nên mong thí chủ không chê."
Trường An ngồi dưới gian bếp của nhà chùa chậm rãi dùng cơm trưa. Cũng rất lâu rồi ông cũng không ăn mặn, phần lớn thời gian đều ăn chay vì cảm thấy quen miệng rồi. Phật tử và đệ tử trong chùa lúc ăn cơm cũng không nói chuyện mà chuyên chú ăn hết phần ăn của mình. Cử chỉ và hành động đều rất từ tốn và có quy củ cho nên Trường An cũng phải tùy gia nhập tục.
Ăn cơm xong nhà sư Nhất Tâm và giáo sư An lại cùng nhau đi bộ trong khuôn viên chùa nói chuyện. Hai người rất thường xuyên gặp nhau nhưng có vẻ như những câu chuyện để nói chưa bao giờ là đủ.
"Thục Quyên lớn nhanh quá, mới hôm nào bần tăng còn ẵm nó trên tay rồi đặt pháp danh cho mà bây giờ đã trở thành thiếu nữ đoan trang rồi."
"Nó ở với mẹ, thi thoảng mới sang nhà tôi ở. Nó hay nhắc thầy, nói là cậu Thành An ở chùa được nhiều người tới lui hỏi thăm lắm. Mấy hôm nay tôi phải đi giảng ở mấy trường đại học ngoài Hà Nội nên không đến thăm thầy được. May mà nhờ con bé nói tôi mới biết thầy đau nên vừa về liền đến đây luôn."
Giáo sư An vừa nói vừa nhìn nhà sư Nhất Tâm bằng ánh mắt thâm tình bao năm không đổi. Mặc đoạn tình cảm của họ ngày trước đã cất đi rồi nhưng kho trách mỗi lần nghĩ lại liền cảm thấy đau lòng.
"Thí chủ không định tìm duyên mới cho mình hay sao? Có những thứ không phải cứ chờ đợi là sẽ đợi được. Bần tăng đã nguyện kiếp này sống trong phật pháp, dùng tâm mình để khổ độ chúng sanh vơi bớt nghiệp trần. Chuyện tình cảm bần tăng buộc phải quên đi, càng không muốn ai đó vì bần tăng mà lở dở cả đời."
"Tôi đã ngoài năm mươi rồi, tuổi này thấy sống như vậy rất tốt, không có bất cứ điều gì để hối hận cả. Đúng là lở dở thật nhưng mà trong mắt người ngoài tôi vẫn có một gia đình hoàn chỉnh. Có một người vợ giỏi giang và một cô con gái ngoan ngoãn hiểu chuyện. Nếu như nói đến hai chữ hối hận thì có lẽ là hối hận vì năm xưa đã hèn nhát trốn tránh sai lầm của mình. Nếu như tôi không vì sợ người ta chửi rủa chỉ vì cha tôi là phản đồ thì chúng ta sẽ không có kết cục như hôm nay. Thầy cũng chẳng phải vì tôi mà cắt đứt đi duyên nợ, người có lỗi vẫn là tôi."
Nhà sư Nhất Tâm đưa mắt nhìn giáo sư An sau đó khẽ cười rồi cúi xuống nhặt một bông hoa đại rớt trên nền đất nâng niu.
"Nam mô a di đà phật! Chuyện đã qua rồi, nhắc lại làm gì cho đau lòng. Bần tăng hiện tại sống rất tốt, mỗi ngày đều có thể toàn tâm toàn ý hướng thiện tạo phước như ước nguyện. Chỉ mong là thí chủ cũng sống thật tốt, mỗi ngày không còn đau khổ oán trách cuộc đời mình nữa. Bần tăng đã xuất gia, là người nhà phật nhưng vẫn xem quá khứ đã qua là một hồi ức đẹp, là một cuộc đời đáng sống. Chữ yêu vô cùng lắm, bần tăng cũng đã nguyện dành quãng đời tu tập còn lại của mình để nguyện cho thí chủ một đời bình an. Muốn đem hai chữ vô cùng đó làm thành con đường để nếu có kiếp sau sẽ đem phước lành của kiếp này tích cóp được mong cầu gặp lại."
Những lời nói nhẹ nhàng nhưng mang nặng thâm tình của nhà sư giành cho vị giáo sư đáng kính kia khiến người ta chẳng nỡ trách. Đức hạnh là tự trong tâm con người sinh ra, chỉ mong trong cuộc đời sẽ có một người toàn tâm toàn ý ủng hộ mình làm tất cả mọi điều tốt. Nếu kiếp này vương nợ chưa thể trả, nguyện nếu có kiếp sau sẽ đem hết thảy trả lại cho người.
"Thầy trở về nằm nghỉ đi, mới ốm dậy nên đừng có quá sức. Ngày mai tôi đến sẽ đem theo thuốc bổ cho thầy uống."
"Không cần đâu, bần tăng không dám nhận nhiều."
"Phải nhận chứ, những điều thầy muốn tôi đã làm cho thầy rồi mà. Lẽ nào những điều tôi muốn đơn giản như vậy thầy cũng không chịu thực hiện sao? Dù thế nào đi chăng nữa thì nếu chúng ta có già đi thì tôi cũng phải là ngưởi chết trước vì tôi già hơn. Lúc đó mong là sẽ được ở trong chùa này ba ngày ba đêm nghe thầy đọc kinh dẫn đường. Sau đó chắc chắn là tôi sẽ đợi..."
Nhà sư Nhất Tâm không đáp lại lời của giáo sư An mà chỉ nhìn ông khẽ cười rồi gật đầu xem như chấp thuận. Hai người đi dạo thêm một lúc nữa thì giáo sư cũng đưa sư thầy trở về phòng nghỉ.
"Trong phòng thầy hôm nay có người sao? Đệ tử nào lại ngủ không đúng chỗ vậy?"
"Không phải đâu, người bên trong là một phật tử của chùa. Ban nãy phật tử này xúc động nên ngất đi nên bần tăng nhờ người đưa vào trong nằm nghỉ."
"Làm sao mà lại ngất đi dữ vậy? Chắc là một bà lão có tuổi rồi phải không?"
Nhà sư nhìn vào gương mặt của giáo sư An rồi khẽ lắc đầu. Bây giờ nhìn kỹ lại rồi liên tưởng mới thấy dường như gương mặt của vị giáo sư và Thế Thành có một điểm gì đó thực sự tương đồng.
"Không phải là bà lão, chỉ là một thiếu niên mười bảy tuổi thôi."
Giáo sư An định hỏi thêm thì đã thấy một người phụ nữ mở cửa phòng của nhà sư rồi dìu một thiếu niên bước ra ngoài. Lúc trông thấy gương mặt của thiếu niên kia, giáo sư An liền cau mày lại như thể nhìn thấy điều gì đó.
"Thưa thầy, Thế Thành đã khỏe rồi nên con xin phép đưa nó về nhà. Cảm ơn thầy đã cho nó mượn tạm chỗ ở để tịnh dưỡng, nam mô a di đà phật!"
"Nam mô a di đà phật! Thí chủ đi đường cẩn thận."
Vú Sen cúi chào sư thầy rồi dìu Thế Thành rời đi. Đợi hai người đi khuất rồi lúc này giáo sư An mới hướng nhà sư Nhất Tâm hỏi.
"Thành An, em có thấy..."
"A di đà phật, thí chủ chú ý lời nói."
"À...sư thầy, đứa bé đó tên là Thế Thành sao? Nhìn gương mặt của nó sao cứ từa tựa giống cha tôi ngày còn trẻ vậy nhỉ? Không phải là giống hẳn mà là nhìn vào làm tôi cảm thấy rất thân thuộc vậy. Có khi nào...có khi nào người ta chết rồi khi chuyển kiếp sẽ có thể mang gương mặt của tiền kiếp không?"
Nhà sư Nhất Tâm khẽ nhìn ra phía ngoài cổng nơi lấp ló bóng dáng của Vú Sen và Thế Thành thì khẽ nhắm mắt như tỏ ý không muốn trả lời những câu hỏi vượt quá khả năng của mình.
"Thí chủ biết bần tăng từ nhỏ không có học hành, có nhiều chuyện bần tăng thực sự không hiểu biết nhiều nên thí chủ đừng trông chờ vào những câu trả lời của bần tăng. A di đà phật!"
"Anh chỉ muốn hỏi cảm nhận của em khi thấy thằng nhóc đó thôi."
"Song thân đã tạ thế rất nhiều năm rồi, mọi chuyện cũng nên để nó qua đi. Trên đời này có rất nhiều người trông giống nhau nhưng không phải là máu mủ. Có nhiều cách để lý giải nhưng làm sao có thể kiểm chứng với một người đã mất rất nhiều năm và một người đang sống ở thực tại. Hãy xem nó như là một cuộc gặp gỡ và đừng suy nghĩ nhiều. Trên đời này có nhiều sự trùng hợp mà chúng ta không biết hết được đâu. A di đà phật!"
Giáo sư An thi thoảng lại quên mất rằng sư thầy Nhất Tâm đã là người nhà phật cho nên những lúc không kiểm soát được cảm xúc cũng sẽ lại xưng hô như đã từng. Chuyện phải thích nghi kéo dài cả đời cho nên ông cũng định sẽ dùng cả đời để học. Thi thoảng quên bài học thì chẳng có gì đáng trách, đều là do cảm xúc mà ra.
"Khu đất nơi cha và chú Vũ đang nằm có lẽ sắp được sử dụng để xây dựng bệnh viện. Chủ đầu tư đang tiến hành đấu thầu cho nên nếu như đấu thầu thành công thì chúng ta phải di dời mộ của hai người đến nơi khác. Lúc trước cúng bái nhiều mà chắc là không nói rõ năm sinh năm mất của họ cho nên họ không chịu đi đấy."
"Bần tăng sẽ lo liệu việc mồ mả cho cha, chọn ngày lành tháng tốt sẽ làm một cái lễ thỉnh cha vào chùa. Song thân chỉ được ghi tạ thế vào tháng năm, còn tạ thế vào ngày nào thì cũng chẳng biết. Nếu mà không phải thí chủ còn lưu giữ kỷ vật chỉ e là chẳng còn ai biết nữa."
"Mấy lần trước cũng đấu thầu mảnh đất đó để xây dựng dự án nhưng mà nghe đâu là đều thất bại. Người ta đồn đại là vì ngôi mộ nằm ở đó quá thiêng cho nên chạm vào mảnh đất đó thì bị phá. Vài lần bên chủ đầu tư muốn di dời ngôi mộ đi nhưng mà đều gặp trục trặc cho nên không ai dám động đến nữa."
Nhà sư Nhất Tâm nhìn giáo sư An mà hai mắt lộ rõ vẻ lo lắng.
"Thí chủ để ý một chút, đừng để người ta thỉnh thầy bà đến cúng bái, xua đuổi. Muốn dời đi cũng phải đợi ngày tốt làm lễ thỉnh mới được. Vong hồn cũng đâu có khác con người, nơi ở của họ mà đến quấy phá thì làm sao họ chịu. Song thân còn trùng mộ, nghiệp chướng vẫn còn nặng lắm, nếu lỡ động vào khiến họ không yên thì trăm điều hệ lụy. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Bần tăng không phải học đạo cao siêu gì nhưng cũng nhận thấy âm khí ở đó thực sự rất nặng."
"Với tính khí của cha và chú Vũ thì anh nghĩ là nếu không mời đàng hoàng thì họ sẽ phá cho bằng nát mới thôi."
"Trăm điều giỡn cũng đừng giỡn với người sinh thành ra mình. Thí chủ cười cợt như vậy không sợ sẽ bị song thân về đánh sao? A di đà phật! Thiện tai! Thiện tai!"
Cuộc trò chuyện kết thúc là khi con gái của giáo sư An đến. Thục Quyên năm nay đã mười chín tuổi, đã là sinh viên năm thứ hai đại học cho nên cử chỉ và hành động cũng rất ra dáng người trưởng thành.
"Con chào ba, chào cậu Thành An."
"Chào con, hôm nay con đến đón ba về hay là đến thăm cậu?"
"Dạ cả hai, nhưng mà con muốn đến thăm cậu thường xuyên hơn được không hả cậu?"
Giáo sư An nhìn con gái nói chuyện với sư thầy thân thiết như vậy thì cảm thấy rất vui vẻ. Người ta nói người xuất gia tu hành thì sẽ cắt đứt quan hệ với gia đình, chỉ có thể theo nghi lễ mà xưng hô cho tròn vai vế. Cũng may là nhà sư Nhất Tâm rất thương cô cháu gái này cho nên từ nhỏ đến lớn vẫn vui vẻ để cô gọi là cậu Thành An mà không hề lên tiếng nhắc nhở.
"Mẹ con nói mấy hôm nữa giỗ bà ngoại sẽ lên chùa mời cậu về dùng cơm chay."
"Ừm, năm nào cậu cũng về giỗ bà ngoại của con mà. Đến khi nào mới chịu cho cậu ăn bữa cơm chay thịnh soạn vào ngày cưới của con đây?"
"Dạ không, con muốn ở với ba con, con không có lấy chồng đâu. Con còn muốn mỗi ngày lên chùa thăm cậu nữa. Ở đây thấy thích lắm, yên tĩnh ghê luôn."
Giáo sư An vẫn ở một bên yên lặng nhìn nhà sư Nhất Tâm không rời mắt. Có lẽ tình yêu của ông giành cho người đệ tử này của đức phật đã đạt đến mức độ không thể có điều gì khác thay thế được. Bất kể là lúc nào, chỉ cần người bên cạnh là nhà sư Nhất Tâm thì người ta cũng nhìn thấy được hai chữ si tình ở trong mắt ông.
"Cậu ơi! Con nghe người ta nói là yêu người nhà phật thì sẽ phạm vào giới Tăng hả cậu? Người bình thường liệu có thể yêu người đã xuất gia tu hành được không?"
Thục Quyên hỏi câu này thì ánh mắt của giáo sư An và nhà sư Nhất Tâm đều không hẹn mà cùng hướng ánh mắt về phía nhau. Trong tâm của họ vẫn luôn dành cho đối phương một vị trí rất vững chắc không thể thay đổi. Chỉ là cuộc đời họ bây giờ đã khác rồi, con đường mà họ đã chọn lựa thì phải toàn tâm toàn ý đi đến cuối cùng.
"Đức Phật dạy cho chư Tăng cắt ái, tu hành giải thoát, làm ruộng phước cho nhân thiên và muôn loài. Khi chư Tăng bắt đầu đi tu thì tâm ái trong mình còn rất nhiều, vẫn nguyên si như người bình thường. Khi vào tu, chư Tăng phải chiến đấu từng ngày với từng tâm niệm của mình. Vậy nên con không nên đem lòng thương người đã xuất gia tu hành vì như vậy sẽ gây thêm nghiệp báo cho mình. Đối với chư Tăng con chỉ nên ái kính, tuyệt đối đừng là ái ố nghe con."
"Dạ, vậy còn ba của con thì gọi là gì? Tại vì mẹ nói ngày xưa khi cậu chưa vào chùa tu thì ba và cậu..."
"Thục Quyên! Sao con lại hỏi như vậy? Ba không hài lòng khi con hỏi thầy Nhất Tâm như vậy đâu. Không phải là thầy thương con thì con muốn nói sao cũng được. Mau chắp tay lại xin xám hối với thầy trước khi ba nổi giận."
Thục Quyên chỉ là có chút tò mò về tình cảm của ba mình và người cậu đã xuất gia cho nên muốn nhân lúc có hai người muốn hỏi. Ai mà ngờ là nhận được phản ứng gay gắt của ba mình cho nên chỉ có thể nghe lời mà chắp tay xin nhận lỗi.
"Con xin lỗi cậu."
"Không sao, sau này con chú ý một chút là được. Chuyện qua rồi thì cũng không nên gợi lại làm gì. Con không liên quan đến thì không phải tìm hiểu làm gì cho thêm nặng nợ. Sau này chuyên chú học hành, hiếu thảo với cha mẹ. Rồi sau này có lấy chồng thì sống hòa hợp với chồng với con là cậu an tâm rồi."
"Theo ba về, sau này cấm con đến quấy rầy cậu nữa nghe chưa."
Nhà sư Nhất Tâm không thể nào ngăn cản được mỗi lúc giáo sư An nóng nảy. Ngày còn trẻ nhà sư cũng không ít lần thấy ông bất chấp tất cả mọi thứ chỉ để bảo vệ cho mình. Thực sự là nói không sai lệch, người đàn ông này không có gì là không làm được, kể cả chấp nhận sống cô độc cả đời, chấp nhận cho mình thêm nghiệp chướng chỉ để bảo vệ trọn vẹn tình yêu với một kẻ tu hành.
"Trường An, hãy khắc chế tâm tính của mình xuống đừng để nó trở thành sai lầm. Nhất Tâm không để bụng, anh cũng đừng giữ trong lòng mà sinh phiền muộn."
Giáo sư An không nán lại nữa mà dắt theo con gái bước nhanh ra khỏi chùa. Xen lẫn bước chân vội vã kia là hai hàng nước mắt uất ức cũng chảy dọc xuống nhưng không để bất cứ ai nhìn được. Cho đến khi hai cha con đã lên xe rồi lúc này Thục Quyên mới len lén đưa cho ông chiếc khăn tay rồi lí nhí nói.
"Con xin lỗi ba."
"Có nhiều chuyện của ngày trước con không hiểu hết vậy nên con không được phép đến đó rồi cản trở cậu tu hành. Nếu con đến thăm thì ba không cấm, nhưng nếu như ba biết con đến để hỏi cậu những thứ như thế thì từ nay về sau con sống với mẹ, đừng có qua ba ở nữa."
"Con xin lỗi, con sẽ không làm thế nữa. Tại vì...tại vì mẹ nói là mẹ có lỗi với ba và cậu, mẹ nói là nếu năm đó mẹ không lựa chọn sinh con ra thì cậu sẽ không phải chấp nhận tuyệt tình để đi tu như thế. Ba cũng sẽ không phải cả đời mang tiếng là có gia đình êm ấm nhưng thực chất là sống cô độc một mình. Ba nói con không liên quan làm sao con tin được? Nếu không vì sự xuất hiện của con trên đời này thì ba và cậu đâu có khổ."
Bao nhiêu năm nay đúng là Trường An đã sống rất khổ tâm nhưng chưa bao giờ nghĩ là sẽ trách Mộng Bình. Càng không bao giờ nghĩ rằng sự xuất hiện của Thục Quyên đã làm mình khổ. Bản thân ông và nhà sư Nhất Tâm ngày trước cũng đã tự nguyện làm như thế vì đối với hai người Mộng Bình chính là ruột thịt. Chẳng thể ngờ đến tận hôm nay con trẻ lại muốn xới lại quá khứ để nhận trách nhiệm. Nghe thôi đã thấy buồn, đừng nói là chỉ buồn, thậm chí trong tim bây giờ lại sống dậy cái cảm giác thống khổ cùng cực khi chính mình phải quỳ gối trước cổng chùa ròng rã mấy ngày chỉ mong người kia suy nghĩ lại.
"Ngày đó chính ba và cậu đã quyết định điều đó cho nên ba sẽ cảm thấy không vui khi mẹ con và con cứ mang suy nghĩ tự trách. Nếu cứ như vậy chẳng phải là công sức của ba sẽ đổ sông đổ biển à? Còn cậu của con...ba nhắc lại thêm một lần nữa cho con nhớ. Đối với ba, cậu của con là người tốt nhất trên đời này, lương thiện nhất cho nên cho dù có là ai đi chăng nữa ba cũng không muốn họ làm cho cậu tổn thương. Mặc dù ba biết người xuất gia tu hành thì rèn luyện chữ nhẫn và tâm từ bi nhưng điều đó không có nghĩa là ba cho phép người khác tùy ý thách thức sự lương thiện của họ. Con hiểu chưa?"
"Dạ con hiểu rồi, con xin lỗi ba, con thực sự không phải muốn thách thức đâu. Chỉ là con cảm thấy có lỗi."
"Ba đưa con về nhà mẹ, tối nay ba sẽ nói chuyện với mẹ con. Ba không muốn mọi người cứ cảm thấy tội nghiệp cho ba và cậu đâu, ba rất không thích."
Tối hôm đó giáo sư An đưa con gái trở về nhà mẹ đẻ rồi tiện thể nói chuyện. Cả một nhà ngồi lại với nhau để nói hết những khúc mắc trong lòng. Ai cũng có nổi khổ tâm nhưng chắc chắn là không thể đem khổ tâm đó của mình làm ảnh hưởng đến cuộc đời của người khác được.
"Chuyện của chúng ta anh lớn nghĩ là đã qua rất lâu rồi, em cũng không nên suy nghĩ nhiều như vậy để làm gì. Em suy nghĩ rồi nhận lỗi về mình bấy nhiêu lâu còn chưa đủ sao? Bây giờ còn muốn lôi thêm cả Thục Quyên vào nữa."
"Anh lớn...hai mươi năm nay em cứ sống trong day dứt mãi. Cho dù anh và Thành An không trách nhưng em trách mình. Là em bồng bột nghe theo lời ngọt ngào của người ta cho nên sau cùng mới liên lụy đến hai người. Nói cũng nói nhiều rồi, Thành An đã hi sinh cho em từ nhỏ đến lớn cho nên em có cuộc sống sung túc giàu có như bây giờ nhưng em cảm thấy chẳng thoải mái chút nào. Còn anh, cả đời mang tiếng là người đàn ông đã có vợ con nhưng mà nó đâu phải là những thứ anh có. Cho dù anh không nhận, Thành An không nhận nhưng em sẽ nhắc nhở mình và Thục Quyên cả đời này không quên điều đó. Đáng lẽ ra Thục Quyên sẽ gọi anh là cậu nhưng cuối cùng lại gọi là cha. Em cảm thấy thương anh, lo cho anh thiệt thòi chẳng lẽ không được sao?"
Giáo sư An nhìn Thục Quyên một lúc sau đó mới thở ra một hơi để nói mấy lời bao nhiêu năm kiên định không đổi.
"Ba anh em chúng ta ai cũng có một cuộc đời riêng nhưng Thục Quyên là của chung. Nếu như năm đó Thành An không chọn xuất gia thì nó cũng sẽ lựa chọn làm cha của con bé thôi. Đối với anh, có hay không có một gia đình đúng nghĩa cũng không còn quan trọng nữa vì thứ quan trọng nhất của anh đã ở yên một chỗ rồi. Cái mà anh cần đó là đứa trẻ duy nhất mà chúng ta dạy dỗ sẽ lớn lên trong một gia đình mà không một ai có thể xem thường. Em cũng đã lựa chọn ở một mình như vậy để làm một đứa em gái chăm sóc cho anh bấy nhiêu năm chẳng lẽ anh không cảm thấy em thiệt thòi à?"
"Anh lớn..."
"Mộng Bình, chúng ta đã tuổi này rồi nên đừng suy nghĩ nhiều về chuyện cũ nữa. Nếu có thể anh chỉ nguyện được trở lại ngày còn trẻ, lúc đó anh chắc chắn sẽ làm khác đi. Sau này hãy cho bản thân mình hưởng thụ những thứ mình làm ra và cho Thục Quyên một cuộc sống tốt nhất, không phải phụ thuộc bất cứ ai. Kể cả sau này Thục Quyên có lấy chồng thì cũng phải là một người tự chủ. Anh không bao giờ muốn cuộc đời nó khổ như dì Điệp và như em đã từng."
Giáo sư An nói xong thì quay về phía Thục Quyên thẳng thắn nói.
"Còn con, cho dù sau này con yêu ai ba cũng không cấm cản vì ba tin con đủ bản lĩnh để làm chủ cuộc đời mình. Con cứ sống cuộc đời mà con muốn, đừng làm hại đến bất cứ ai là được. Hạnh phúc của mình là do mình nắm bắt, không phải là thứ đi giành giật của người khác mà có. Hạnh phúc cũng là thứ mà con phải đấu tranh để giành lấy nhưng nếu nó không phải là của con thì đừng quá cố chấp."
"Giống như ba sao? Ba bây giờ có phải là vẫn cố chấp với thứ không còn thuộc về mình đúng không?"
"Thục Quyên! Sao con lại nói với ba con như vậy? Mau xin lỗi ba đi."
Trái với những lần trước, lần này giáo sư An không cảm thấy giận vì những câu hỏi của con gái mình nữa. Thay vào đó là một lời khẳng định mà bất kể là ai khi nghe cũng cảm thấy ngưỡng mộ nhiều hơn trách.
"Đó là thứ duy nhất trên đời thuộc về ba. Đó không phải là cố chấp mà là giữ gìn những thứ thuộc về mình. Bởi vì tình yêu chỉ là chuyện trong thế giới của hai người, người thứ ba làm sao hiểu được. Nếu như có người thứ ba xuất hiện trong thế giới đó thì nó không phải là tình yêu nữa mà sự đổ vỡ. Nếu sau này con không thể hiểu được thế giới của người mà con yêu thì hãy thẳng thắn hỏi họ xem họ có cần tình yêu của con không. Nếu họ nói có thì hãy nói với họ đừng để con nghi kỵ. Còn nếu họ nói họ không cần thì cũng vui vẻ từ bỏ. Đừng chịu đựng vì trong tình yêu thì không có hai chữ chịu đựng. Khi con nói ra hai chữ chịu đựng nghĩa là con không còn yêu nữa mà chỉ là muốn giữ lại thứ tạm bợ đã từng là của mình thôi. Còn ba thì chưa từng nghĩ là mình đang chịu đựng, thậm chí ba còn cảm thấy cuộc sống hiện tại rất tốt."
Tối hôm đó cũng là lần đầu tiên mà gia đình giáo sư An ngồi nói chuyện nghiêm túc và trải lòng ra với nhau. Ngay từ khi Thục Quyên lên bảy tuổi thì đã không được sống chung với đầy đủ cha mẹ vì họ chọn sống riêng ngay từ đầu. Lúc nhỏ cô cứ thắc mắc vì sao ba mẹ mình lại xưng hô khác với ba mẹ của người khác. Khi đó còn nghĩ là thói quen xưng hô của họ nhưng khi lớn lên rồi mới biết họ từ đầu đến cuối vẫn chỉ là anh em. Lựa chon trở thành vợ chồng trên danh nghĩa là để mẹ cô không phải ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ sư phạm và cũng là cách để ba của cô lo cho những đứa em của mình không bị bất cứ ai khinh miệt. Thay vì oán hận rằng mình bị lừa dối thế này thế kia thì cô lại chọn yêu thương họ hết mực. Phải là những người thực sự tốt mới dũng cảm hi sinh cả tuổi trẻ của mình để đổi lại bình an cho người khác.
"Trên đời này người mà con ngưỡng mộ nhất chính là ba mẹ và cậu. Sau này con lấy chồng con cũng muốn lấy một người giống như ba. Một người vừa chung tình lại còn có thể làm tất cả mọi thứ vì những người quan trọng trong đời. Thục Quyên cảm thấy may mắn khi được làm con gái của ba An."
Nhưng nói gì thì nói, mặc dù được con gái cưng nịnh nọt hết cỡ nhưng giáo sư An vẫn không quên nhắc nhở như một câu cửa miệng.
"Không được đến chùa làm phiền cậu Thành An, nếu không thì nghỉ làm ba con luôn."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top