Chap 4: Cuộc Sống Mới

Ngày Thái Hưởng lên tàu trở ngược ra Bắc, Danh Quốc cứ như trẻ con mà bám không chịu buông. Anh phải dành cả một buổi để dỗ dành cậu mới có thể bước chân lên tàu. Bao nhiêu mạnh mẽ cuối cùng cũng sụp đổ khi đoàn tàu chuyển bánh vì nhìn thấy cậu vừa khóc chạy theo khiến anh không cách nào đành lòng.

"Anh hứa là phải về, em đợi anh trở về..."

"Anh sẽ trở về, hãy tự chăm sóc bản thân mình đừng để đau bệnh."

"Em sẽ đợi anh đó, anh nhất định phải nhớ rõ..."

Tiếng Danh Quốc dần dần bị lấn át bởi đoàn người đưa tiễn. Có thể người ta chẳng tin đâu nhưng chỉ cần là cậu thì chỉ cần thở thôi anh cũng nhận ra. Câu chờ đợi này anh nghe thấy và xem nó là động lực để hoàn thành nhiệm vụ phía trước của mình. Không cần là người xuất chúng hay tài giỏi, chỉ cần sớm ngày được trở về để cùng cậu sống an yên một đời. Anh nhìn theo bóng dáng cậu dần dần chìm vào trong đám đông ngày một xa mà tự nhủ.

"Tàu đi mất rồi nhưng chắc chắn nó sẽ trở lại. Anh đi rồi thì nhất định sẽ có ngày trở về cùng em nói tiếp chuyện trăm năm."

Vậy là họ chính thức xa nhau, đã từng một lần cách xa hai năm nhưng có lẽ lần đó không giống với lần này. Ngày đó họ chưa là gì của nhau, vẫn còn dằn vặt trong mớ suy nghĩ đúng sai. Còn bây giờ họ là của nhau, là cuộc đời, là mạng sống. Mất đi dù ít hay nhiều cũng là vết thương lòng không cách nào lấp nổi. Nếu là bình yên chỉ xin trọn đời có nhau, còn nếu là bão tố thì xin được kết thúc cùng nhau trong giông bão.

Xa nhau có nhiều loại, có người xa là xa mãi đến mức người ở lại chẳng còn muốn nuối tiếc nữa. Cũng có loại xa nhau mà khiến cả hai đều khổ sở, là có thể gặp nhưng không được phép gặp. Ở sát bên cạnh nhưng phải giả vờ như chẳng quen nhau. Đó là điều mà người ta sợ nhất phải đối mặt trong tình yêu.

Sau khi Thái Hưởng rời khỏi, Danh Quốc cũng cố gắng vực lại tinh thần để sớm ngày nhận công tác. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, báo chí có điều kiện phát triển và có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày Nam bộ kháng chiến, một bộ phận đông đảo văn nghệ sĩ, các nhà báo đã dùng ngòi bút sắc bén của mình để thông tin, tuyên truyền. Họ vừa phản ánh tình hình đấu tranh, vừa cổ vũ tinh thần nhân dân, vừa vạch mặt bọn Việt gian và những thủ đoạn lừa bịp của thực dân Pháp. Báo chí đã thực sự góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh giữ nước của nhân dân Nam bộ.

Danh Quốc dần cảm thấy được trọng trách của mình cũng không phải là chuyện gì quá khó khăn. Xung quanh cậu bây giờ đâu đâu cũng là thi sĩ yêu nước muốn dùng ngòi bút để minh chứng. Cậu cũng vậy, sức khỏe không có thì sẽ dùng kiến thức để cống hiến. Cậu trở vào Nam thì được lãnh đạo bố trí làm cộng tác cho tờ Thông Tin Kháng Chiến vừa mới được thành lập ở tỉnh Chợ Lớn. Công việc chính của cậu là viết báo tuyên truyền cách mạng ở miền Nam. Bên cạnh đó còn hoạt động như một văn sĩ yêu nước độc lập móc nối thông tin tới căn cứ địa Việt Bắc. Nói tóm lại công việc mà cậu làm chỉ có ba phần nổi, còn lại vẫn là hoạt đồng ngầm theo chỉ thị của cấp trên.

"Đồng chí là Nguyễn Hòa Bình phải không?"

"Dạ thưa tôi là Nguyễn Hòa Bình được lãnh đạo cấp trên giới thiệu công tác ở nơi này."

"Rất hoan nghênh đồng chí đã gia nhập vào đội ngũ tuyên truyền báo chí. Sau này chúng ta đều là đồng đội, mang tiếng nói của nhân dân và cách mạng hòa làm một. Cùng nhau bảo vệ đất nước, sớm ngày độc lập."

Danh Quốc cuối cùng cũng tìm ra được lý do để tạm quên đi nỗi trống trải khi cách xa Thái Hưởng. Cậu thầm cảm ơn ông trời vì đã đối xử tốt với mình. Ngay từ lúc nhỏ đã gặp được người bạn đời thực sự tốt, để lúc lớn lên chưa khi nào phải hối hận vì quyết định ràng buộc với người đó một đời. Kiến thức này cũng là Thái Hưởng cho, cậu được người khác tín nhiệm như ngày hôm nay cũng là do một tay Thái Hưởng dưỡng thành.

Ngày qua ngày, cậu cũng đã quen với công việc của mình. Buổi sáng thức dậy sớm đi làm, buổi tối thì chỉ ở nhà học thêm kiến thức chứ tuyệt đối không ra đường. Mấy cuốn sách của Thái Hưởng thời anh còn học ở trường Luật Khoa vẫn còn xếp ngay ngắn trong kệ tủ. Đã ba năm cậu rời khỏi ngôi nhà này mọi thứ vẫn chẳng có gì thay đổi. Nếu thay đổi thì chắc là nơi này đã treo lên không ít chuông gió.

"Anh ấy nói với mình là mấy năm mình rời khỏi anh ấy đã làm chuông gió. Chắc là ngày đó anh ấy thực sự đã cô đơn lắm cho nên mới như vậy. Mình khi đó đã nghĩ cái gì mà quyết định rời xa cũng chẳng còn nhớ nữa. Năm đó mình rời đi cũng là vì một mình anh ấy thôi."

Danh Quốc khẽ nâng niu mấy chiếc chuông gió mà Thái Hưởng cất trong rương gỗ, mỗi cái lại mang hình thù khác nhau. Có điều ở bất cứ chiếc chuông nào cũng đính lên một đôi cá. Một con cá lớn và một cá bé quấn chặt lấy nhau không rời.

"Thái Hưởng, em nhớ anh quá. Làm sao để hết nhớ anh bây giờ?"

Đêm dần buông, tiếng chuông gió không ngừng kêu leng keng trước thềm như nỗi nhớ ai đó gửi vào hư không. Người ở nơi này nhung nhớ, ai ở nơi đó có nhớ không?

Hà Nội, tháng 4 năm 1946.

Thái Hưởng hiện tại đã công tác ở miền Bắc hơn nửa năm. Công việc thường ngày của anh đó là học nghiệp vụ trong quân ngũ. Sáng sớm phải dậy sớm để rèn luyện các bài tập huấn luyện cơ bản. Từ hành quân cho tới khuân vác đều phải làm cho bằng đủ. Anh được chỉ thị làm nhiệm vụ tình báo cho nên lượng công tác rèn luyên gần như gấp đôi đồng đội khác. Buổi tối sau khi kết thúc các bài tập huấn luyện thể chất thì sẽ phải học thêm các kỹ năng phân tích. Thông thường thì buổi tối anh sẽ trực tiếp làm việc với những lãnh đạo cấp cao trong đội ngũ tình báo của cách mạng. Việc phải ngồi đối diện với họ cũng khiến anh cảm thấy áp lực không hề nhỏ.

"Thiếu úy Thiệu, hình như cậu căng thẳng lắm phải không? Chúng tôi biết nhiệm vụ của cậu là nhiệm vụ lâu dài và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn bình thường, nhưng cái chính ở đây đó là chúng tôi tín nhiệm cậu cho nên hi vọng cậu có thể tự điều chỉnh tâm lý của mình."

"Vâng, thưa đồng chí đại tá. Thực ra thì tôi cảm thấy có chút không tự tin lắm. Cái này tôi đã từng nói với lãnh đạo thành ủy khi nhận nhiệm vụ. Tôi từng tham gia học tập ở trường Luật Khoa Đông Dương cho nên việc tôi bị nhận diện rất dễ. Có thể là người Pháp họ chưa biết mặt tôi nhưng trong trường có nhiều cộng sự như thế e là tôi không thể bảo vệ thân phận hiện tại được."

Người trực tiếp chỉ dạy cho anh là đại tá Bùi Nhiệm. Một người có kinh nghiệm trong việc điều tra và thu thập các thông tin mật của mạng lưới tình báo. Ban đầu khi tiếp xúc với Thái Hưởng thì ông có vẻ không hài lòng vì anh vẫn thiên về cảm tính nhiều hơn, nhưng sau hơn ba tháng tiếp xúc thì gần như đã có nhiều thay đổi về suy nghĩ.

"Đồng chí nói như vậy thực chất không sai. Bản thân tôi cũng đã từng suy nghĩ đến trường hợp đồng chí sẽ bị nhận diện ngay khi đặt chân vào miền Nam. Nhưng mà, chính vì lãnh đạo đã nhận ra được điều đó cho nên sớm đã phải tạo ra một Phạm Quang Thiệu có máu hai mang từ thuở còn là sĩ tử. Lý do đồng chí không muốn về Pháp làm một luật gia cũng chính là một trong số những yếu tố tạo ra thân phận hiện tại. Người Pháp tin rằng cậu ở lại đây là vì có mục đích cá nhân và mục đích này còn lớn hơn nhiều so với cái danh luật gia kia. Ban đầu nhiệm vụ này vốn dĩ không thuộc về cậu nhưng có một vài vấn đề xảy ra ngoài ý muốn nên người được chỉ định đã từ chối nhận nhiệm vụ."

Thái Hưởng sau khi nghe những lời này thì trong lòng có cảm giác an tâm hơn nhiều. Cống hiến là chuyện mà anh muốn nhưng anh còn muốn bảo vệ mạng sống của mình hơn gấp nhiều lần. Anh không thể bỏ Danh Quốc lại một mình cho nên nhất định không thể có sơ hở.

"Thực ra tôi nghĩ làm tình báo cũng có nhiều phương pháp. Cá nhân tôi thực sự rất yêu thích việc giải mật mã. Càng là những việc đòi hỏi tính logic thì tôi càng có hứng thú. Tôi sẽ rất biết ơn nếu như cấp trên có thể để tôi phát triển thế mạnh của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao."

Bùi Nhiệm nghe Thái Hưởngđề xuất như vậy thì cũng có chút lấn cấn. Kế hoạch đều đã được cấp trên thông qua toàn bộ cho nên nếu như chấp thuận hướng đi tự phát của Thái Hưởng lần này e là sẽ xảy ra nhiều lỗ hổng.

"Nhiệm vụ của cậu ngay từ ban đầu đã là một nhà cố vấn quân sự. Cho nên thời gian năm năm này cậu nhất định phải học được tất cả những phương pháp và chiến thuật phân tích chi tiết về quân đội, từ vũ khí và chiến lược tới cấp bậc kỷ luật. Cái mà chúng tôi cần đó là một Phạm Quang Thiệu am hiểu binh pháp và chiến lược. Cậu cũng phải hiểu rõ tầm quan trọng của lực lượng tình báo và gián điệp đối với thành bại của cả một tổ chức cách mạng. Phải hiểu rõ nó thì mới có thể dụng tâm mà phát triển được."

"Tôi sẽ tiếp thu thưa đồng chí. Xin đồng chí thứ lỗi vì tôi phát biểu có phần ngông cuồng nhưng tôi muốn mình trở thành áo giáp cho chính mình. Đồng ý là nhiệm vụ của tôi chỉ cần làm một nhà cố vấn nhưng thứ mà tôi muốn nó không dừng lại ở đó. Tôi muốn có thêm những kỹ năng để tự bảo vệ chính mình. Bởi vì tôi biết nếu tôi hành động đơn độc thì sẽ không tránh khỏi có lúc bị chặn đường lui. Những lúc tôi chỉ có một mình tôi cần nhiều hơn là một cái khả năng chỉ biết cố vấn."

Bùi Nhiệm có lẽ đã đánh giá thấp khả năng của Thái Hưởng cho nên lúc nghe anh nói như vậy thì có phần khó xử.

"Cái này tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo, còn kết quả thế nào là tùy ở lãnh đạo cấp trên xem xét."

"Vâng! Hy vọng là cấp trên sẽ xem xét đề nghị của tôi. Bản thân tôi thấy việc phán đoán và xử lý tình huống theo logic thì sẽ đem lại thành công cao hơn là nhìn bề nổi. Tôi cũng muốn làm một nhà tình báo theo hướng bí mật, nghĩa là sử dụng mật mã chứ không phải là bằng điện tín thông tin. Tôi thực sự đã từng đọc qua nhiều sách thuở còn học ở bậc Tú Tài. Nếu nói là am hiểu thì tôi không dám tự tin nhưng tôi muốn thử sức nó. Tôi muốn dùng chính những thứ mà tôi học được vận dụng vào con đường của mình."

Bùi Nhiệm lần thứ hai trong buổi tối ngày hôm nay phải tự ép mình có một suy nghĩ khác về Thái Hưởng. Ông không dám khẳng định là anh nhát gan sợ chết nhưng cái cách mà anh lo lắng cho an nguy của chính mình thật sự khiến ông không thể không suy nghĩ.

"Thiếu úy Thiệu, tôi có cái này muốn hỏi cậu. Thực ra tôi cảm thấy có chút lưỡng lự khi quyết định hỏi nhưng mà bản năng của một nhà cầm binh tôi không thể không hoài nghi."

"Vâng! Đồng chí cứ hỏi, tôi sẽ trả lời thật trung thực."

Bùi Nhiệm có vẻ lưỡng lự một chút nhưng cuối cùng vẫn chọn đặt nghi vấn với Thái Hưởng một cách dứt khoát.

"Cậu muốn theo cách mạng nhưng vẫn sợ chết sao? Biểu cảm của cậu hình như đang chứng minh điều đó."

Thái Hưởng nghe xong câu hỏi này thì có chút xấu hổ. Anh im lặng một lúc để tìm ra câu trả lời mà bản thân thấy đúng với cảm giác của mình nhất. Ai mà chẳng sợ chết, người ta sợ chết không hẳn là vì ích kỷ mà là vì tự ôm vào mình trách nhiệm làm cuộc đời của ai đó.

"Thưa đồng chí đại tá, đúng là tôi rất sợ chết bởi vì tôi còn một người không thể bỏ mặc. Tôi sống là vì người đó còn tồn tại, tôi muốn làm một người có ích cho đất nước cũng vì muốn người ấy cho dù ở bất cứ đâu cũng sẽ tự hào về tôi. Tôi không muốn mình chết vì tôi còn lời hứa bên cạnh người ấy cả cuộc đời. Vì thế đồng chí nói tôi sợ chết cũng được vì tôi chính là như vậy."

"Nghĩa là những thứ mà cậu làm đều là vì người đó cả sao? Nếu như thế thì người ấy chính là điểm yếu của cậu rồi. Làm một nhà quân sự thì không nên để người khác biết điểm yếu của mình mới phải. Cái này là tôi đang nói thực tế cho cậu hiểu chứ không hẳn là trách móc, lộ điểm yếu chính là thất bại lớn nhất của chúng ta."

Suy cho cùng thì Thái Hưởng vẫn là một người rất cứng đầu. Tuy biết là phải nghe theo mệnh lệnh của cấp trên nhưng anh cảm thấy bản thân bây giờ thực sự muốn chống đối. Nếu những mệnh lệnh đó ảnh hưởng trực tiếp tới tâm can bảo bối của mình thì đều phải xem xét lại.

"Tôi nói cho người ta biết mục đích phấn đấu của mình không có nghĩa là tôi cho họ biết điểm yếu. Và bởi vì tôi xem trọng người đó nhiều như vậy cho nên người đó chắc chắn sẽ không để mình trở thành điểm yếu của tôi đâu."

Bùi Nhiệm là người trực tiếp chỉ dạy cho Thái Hưởng cho nên sẽ không câu nệ mà nói thẳng. Nếu như ông cảm thấy anh không tốt mặt này hay một mặt nào đó sẽ ngay lập tức nhắc nhở. Ví như hiện tại ông cảm thấy Thái Hưởng là một người cực kỳ cứng đầu mà trong cái cứng đầu đó lại chứa tới tám chín phần kiên định. Người như Thái Hưởng một khi đã quyết tâm làm cái gì thì nhất định phải đạt được. Đó là một đức tính tốt cần được phát huy nhưng đôi khi cứng đầu quá cũng sẽ rất khó để làm việc độc lập trong một môi trường đầy cạm bẫy.

"Bớt cứng đầu lại, đồng chí vẫn còn chưa trải sự đời đấy. Thử tự mình đối mặt với khó khăn thì sẽ nghĩ khác ngay thôi. Lúc đó nhất định sẽ phải suy nghĩ theo một hướng khác, chấp niệm ban đầu sớm muộn cũng sẽ bị thời gian tôi hóa. Kháng chiến trường kì thì đừng bao giờ tự tin bản thân mình sẽ mãi non dại như thuở ban đầu. Chiến tranh chính là môi trường tôi luyện ý chí của con người khắc nghiệt nhất. Ở đó không phải chỉ đánh đổi bằng vài ba đồng hay là một cái tuổi trẻ. Đánh đổi ở đây là cả một cuộc đời. Nói xa xôi hơn đó là đánh cược mạng sống của mình vào ván cờ thời cuộc."

Thái Hưởng có lẽ đã hiểu ra được ý tứ mà Bùi Nhiệm nói với mình. Chỉ là anh không muốn bản thân mình quá chìm đắm vào một kẻ hai mang là Phạm Quang Thiệu. Anh muốn bản thân mình vẫn là Phạm Thái Hưởng, hoàn toàn không muốn cái vỏ bọc giết chết sơ tâm của mình.

"Trên chiến trường tôi sẽ cố gắng làm một Phạm Quang Thiệu bằng tất cả khả năng của mình. Nhưng Phạm Thái Hưởng sinh ra trước Phạm Quang Thiệu không có nghĩa là cậu ấy không tồn tại. Thái Hưởng không thể là Quang Thiệu nào đó. Cũng giống như Quang Thiệu mà mọi người kỳ vọng vĩnh viễn không bao giờ là một Thái Hưởng trọn vẹn. Vì thế xin hãy để tôi tự cân bằng chính mình."

Cuộc gặp mặt ngày hôm nay không bao gồm chuyện cá nhân của Thái Hưởng. Bởi vì một khi đã lựa chọn theo con đường này thì sẽ chẳng còn là chuyện của một cá thể nữa. Muốn có tự do thì phải cầm tù chính mình để tìm ra được con đường đúng đắn nhất.

Trong suốt nửa năm này Thái Hưởng chưa một lần viết thư cho Danh Quốc. Bọn họ hẹn nhau tròn một năm mới bắt đầu thư từ. Lý do là vì muốn đối phương tập dần thói quen xa người kia, đợi mọi thứ đi vào nề nếp thì sẽ tập cho nhau thêm một thói quen mới. Nói là không viết nhưng Thái Hưởng mỗi ngày đều đêm tâm tư của mình dành cho người bạn đời viết vào nhật ký. Nhớ nhung càng nhiều thì lại càng kiệm chữ. Để rồi trong những trang giấy kia chỉ còn sót lại được mấy chữ kiên định nhưng gọn gàng khắc họa một tâm tình.

[Anh nhớ em.]

Tháng 8 năm 1946. 

Danh Quốc lần đầu tiên viết báo dưới danh phận Nguyễn Hòa Bình. Bài báo mà cậu viết được in ngay ngắn thẳng thớm trên trang đầu của tờ Thông Tin Kháng Chiến. Lấy danh nghĩa là cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh Sài Gòn – Chợ Lớn đem tiếng nói của nhân dân Nam Bộ hòa vào dòng chảy cách mạng của cả nước. Lần đầu tiên nhìn thành quả của mình được mọi người đón nhận cậu không khỏi cảm thấy tự hào. Có thể điều này đối với những người khác không mấy lớn lao nhưng đối với cậu nó thực sự giống như một bậc thang bắc thẳng lên thiên đường. Đây là bài báo mang tính chất tuyên truyền rộng rãi được sự hỗ trợ và tham gia cộng tác của nhiều đoàn thể cứu quốc tại Gia Định- Chợ Lớn- Sài Gòn. Nhìn thấy cái tên Nguyễn Hòa Bình được in dưới bài báo trên giấy sáp khiến cậu lại bật khóc.

"Thái Hưởng, em làm được rồi, cuối cùng em cũng đã có bài báo của riêng mình. Anh có đọc nó chưa? Anh có tự hào về em không? Em nhớ anh quá, thực sự rất nhớ..."

Ngoài công việc viết báo cho các tờ báo ở miền Nam thì Danh Quốc còn làm dịch giả cho các bộ sách bằng tiếng Pháp chuyên về kỹ nghệ. Hầu như những lúc rảnh rỗi cậu sẽ tìm những đầu sách bằng tiếng Pháp sau đó sẽ tự mình dịch ra chữ quốc ngữ. Bởi vì bản thân muốn lấp đầy khoảng trống khi thiếu vắng Thái Hưởng cho nên cũng không ngần ngại viết cả sách. Chính vì vậy, chưa đầy một năm cái tên Nguyễn Hòa Bình cũng dần trở thành một nhân vật có tiếng tăm trong giới báo chí và dịch thuật. Thành tựu bước đầu này cũng là một trong những thành công trong kế hoạch mà cấp trên đã giao phó. Cậu cần phải được người Pháp trọng dụng.

"Tôi nghe nói Nguyễn Hòa Bình là một nhà báo tự do. Người này có khả năng truyền đạt tiếng nói của chính quyền tới cộng đồng một cách rất tinh tế. Nếu như chúng ta có thể đem những người như vậy về phục vụ cho đế quốc thì rất tốt."

"Ở Sài Gòn thì nhà báo tự do như Nguyễn Hòa Bình có rất nhiều. Nếu đại tá muốn thì chỉ cần chi một ít tiền có thì có thể chiêu mộ vài người về làm thư ký cũng được. Bọn họ nói là viết vì lòng yêu nước nhưng nếu có một chút tiền thì cũng không ít kẻ thay lòng đâu."

Người bấy lâu nay vẫn để mắt tới những văn sĩ ở Sài Gòn là một tay sai đắc lực cho quân đội Pháp ở Đông Dương. Người Pháp muốn thuần hóa người Việt bằng văn hóa Pháp thì rất cần tới những tên tay sai như thế này. Và một trong những kẻ thích ăn cơm của Pháp làm quan chính là Lê Công Luận. Hay thường được người dân trong miền Nam gọi là đại tá Luận.

"Tôi muốn Nguyễn Hòa Bình vì cậu ta ngoài làm một nhà báo thì còn là một dịch giả. Hơn nữa ngoài những việc trên cậu ta còn là tác giả viết sách về nhiều đề tài. Cái mà tôi cần không phải những kẻ tham tiền. Vì những kẻ đó chỉ biết tới tiền thôi, nếu ai cho nhiều tiền hơn thì sẽ không tiếc công mà phản bội. Nguyễn Hòa Bình thì không như thế, cậu ta căn bản không vì tiền mà vì muốn có chỗ đứng."

"Vậy ý của đại tá là muốn thu phục tên nhà báo nghiệp dư đó sao? Việc này có cần phải thông qua ngài tư lệnh không?"

"Không cần, việc cỏn con thế này thì không cần phải thông qua ngài ấy làm gì? Nguyễn Hòa Bình chỉ là người mà tôi muốn, ngài tư lệnh chưa chắc đã muốn đâu. Ai mà không biết ngài ấy vẫn muốn lăm le thu phục tên Phạm Quang Thiệu ngang ngược kia chứ. Tôi cũng rất tò mò xem thử Phạm Quang Thiệu tài ba đến thế nào. Cậu hãy tìm cách để chiêu mộ Nguyễn Hòa Bình về cho tôi."

Thân tín của Lê Công Luận nghe qua một lần liền hiểu nhiệm vụ mà nhanh chóng lui xuống bắt đầu theo chỉ thị riêng mà làm. Hắn hung tàn, nóng nảy bao nhiêu thì thân tín này lại kiệm lời và cẩn trọng bấy nhiêu. Y đã nhận nhiệm vụ thì chắc chắn sẽ hoàn thành tốt khiến hắn hoàn toàn tin tưởng.

Trải qua gần một năm thì lượng kiến thức mà Thái Hưởng tiếp thu được cũng gọi ở mức khá. Nhưng với năng lực hiện tại anh vẫn chưa thể nào lộ diện công khai được. Vẫn cần thêm thời gian để bồi dưỡng năng lực của chính mình. Một năm này anh hoàn toàn tập trung vào quân sự, ngoài ra cũng theo như nguyện vọng của bản thân anh cũng bắt đầu theo đuổi con đường giải mật mã và logic học. Chỉ trong vòng ba tháng anh đã có thể viết được mật mã và tự mình giải mã các thông tin mật được gửi về từ cục tình báo. Anh luôn cho rằng mọi thứ trên đời tồn tại đều tuân theo một logic nhất định. Nếu rời xa logic thì mọi thứ gần như không có nghĩa. Giải mật mã cũng là một phạm trù của Logic học, nó giúp cho anh có thể dễ dàng tìm được đáp án dựa trên những con số, ký tự và chữ cái. Chỉ cần làm chủ được suy luận của mình thì đứng ở đâu cũng không sợ bị đánh sau lưng.

"Anh vẫn đang nghĩ nếu có ngày nào đó anh viết thư cho em bằng mật mã thì sẽ thế nào? Em có phải sẽ lại viết một bài báo để dằn mặt anh hay không? Chúng ta xa nhau đã một năm rồi, anh thực sự nhớ em quá."

Thái Hưởng cầm trên tay một sấp báo mà ngắm ngía một lúc lâu. Đã mấy tháng kể từ khi Danh Quốc được nhận tiền nhuận bút cho bài báo đầu tiên của mình thì đây là lần thứ năm hay sáu gì đó anh đọc báo của cậu viết. Cái tên Nguyễn Hòa Bình tuy lạ mà quen kiến anh luôn cảm thấy tự hào vô cùng. Người mà anh yêu cuối cùng cũng có thể tự mình trở nên vĩ đại theo cách riêng của mình.

Tuổi trẻ ai cũng cần được khẳng định chính mình. Dù bằng cách này hay cách khác cũng luôn muốn mình hiện hữu trong mắt người khác. Bắt đầu bằng cách nào cũng không quan trọng, thứ quan trọng nhất vẫn là cách mà họ đi đến đích. Kết quả rất quan trọng nhưng nó không phải là tiêu chí đúng nhất. Muốn chứng minh bản lĩnh thì hãy để họ khâm phục chặng đường dưới chân mình.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top