Không Tên Phần 1
Mưa bên cửa kính rơi nghe lộp bộp. Tôi choàng tỉnh khỏi giấc ngủ mơ màng, hé mắt nhìn ra bên ngoài Nhưng ngoài những giọt nước đọng bám vào mặt kia của lớp kính, tôi chẳng thấy gì nhiều, chỉ thấy một màn đêm đen dày và đặc kín.
Chiếc xe khách vẫn lặng lẽ lăn bánh, thi thoảng lướt qua bề mặt gồ ghề của con đường lại khe sóc nảy, rung lắc. Một đêm hạ mưa rào, không khí có chút lạnh. Tôi vô thức rụt người sâu vào lớp chăn mỏng, lòng đột nhiên nặng trĩu. Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ điện tử gắn trên đầu xe, nhẩm tính thấy còn chưa đầy ba tiếng nữa là mình sẽ về đến nơi, về cái thị trấn miền núi nhỏ bé nới tôi sinh ra và lớn lên.
Tôi lại nhẩm tính một lần nữa, nhận ra mình đã bốn năm không về đây.
Con đường miền núi rất ngoằn ngèo, cả cơ thể tôi theo quán tính trao đi trao lại. Bụng tôi dần dần dâng lên một cảm giác khó chịu không thôi. Tôi đè cái cảm giác ấy xuống, tay lần chiếc điện thoại trong túi quần, đeo tai nghe vào. Tiếng dương cầm và vĩ cầm vang lên, quyện vào nhau. Giai điệu bản nhạc 'Last Carnival lúc nào cũng khiến tôi thấy buồn khó tả như thế. Tôi mở he hé cửa sổ, vừa đủ để có thể thò mũi ra mà không bị mưa hắt ướt hết mặt. Mưa luôn luôn có một thứ mùi rất đặc trưng, vừa mát, vừa ngọt, tôi ngửi thấy cả hơi của đất và cỏ cây. Tôi cũng nhận ra, lâu lắm rồi mình chưa dành thời gian để lắng nghe, cảm nhận cơn mưa như tôi vẫn thường làm ngày còn nhỏ.
Chẳng mấy chốc, chuyến xe đêm chòng chành lại khiến hai mặt tôi díu vào nhau. Tôi thầm nghĩ, ngủ một lúc nữa cũng tốt. Tỉnh dậy là đến nơi rồi.
Thế nên tôi tỉnh dậy khi có người khẽ đập vào vai mình. Tôi ngẩng đầu thì thấy chói mắt, không biết trên xe đã bật điện từ khi nào. Người gọi tôi dậy chính là phụ xe, một thanh niên cũng còn trẻ, dáng người hơi gầy, nước da bánh mật đặc trưng của dân lao động. Anh ta nói với tôi, giọng rất khẽ: "Dậy đi cô gái. Đến ngã ba cây chín rồi đây."
Thị trấn này rất nhỏ. Cứ nhìn cái cách bao nhiêu năm rồi mà người ta chưa dùng địa chỉ để xác định một ngôi là là thấy. Khi ai hỏi tôi, nhà tôi ở đâu, tôi sẽ trả lời một cách chung chung như cây chín, sân vận động, bờ hồ, thế là họ hiểu và biết chính xác. Không cần tên một con đường, không cần một số nhà.
Tôi nôn nóng nhìn ra bên ngoài, xe vẫn chưa dừng bánh, ánh sáng hắt ra cũng chỉ đủ để thấy cảnh vật một cách lờ mờ. Nhưng chỉ cần lờ mờ thế cũng đủ cho tôi thấy được con đường này quen thuộc biết nhường nào.
"Còn ngây ra đó làm gì?" Tiếng người phụ xe vang lên nhắc nhở.
Tôi giật mình, vội vàng thu gọn hành lí chuẩn bị xuống xe. Hành lí của tôi không nhiều lắm, chỉ có một cái ba lô đựng quần áo và một bọc đồ đạc linh tinh mà trong đó chủ yếu là sầu riêng sấy khô. Mẹ tôi rất thích ăn sầu riêng, nhưng sầu riêng tươi thì nặng mùi và khó vận chuyển quá.
Phải mất một lúc tôi mới định hướng trở lại được, tôi rảo bước về phía cuối con đường. Mưa lúc này chỉ lấm tấm rơi, tiếng côn trùng kêu rả rích. Không gian tối tăm và mù mịt. Thế rồi tôi thấy một bóng người cầm ô tiến về phía mình. Người nọ mặc một chiếc váy dài chấm mắt cá chân, mái tóc búi hờ, vóc dáng mảnh mai.
Mẹ tôi tiến đến trước mặt tôi. Chẳng ai nói gì, cứ yên lặng nhìn nhau qua màn đêm bức bối. Rốt cuộc, bà vẫn là người phản ứng trước. Mẹ tôi nắm lấy một tay tôi, kéo tôi đứng vào ô, rồi cả hai vẫn yên lặng đi về căn nhà nhỏ đã sáng đèn trước mặt.
Lúc ấy là ba giờ sáng.
Tôi phủi qua những hạt sương đọng trên vai áo mẹ trong khi bà mở cổng, cánh cửa sắt han dỉ nặng nề vang lên những tiếng kẽo kẹt. Tôi nắm chặt lấy cán ô, lặng lặng theo bà vào nhà. Vào đến trong nhà rồi, được bao bọc bởi thứ ánh điện sáng rỡ và ấm áp, tôi mới để ý khuân mặt mẹ tôi ướt đẫm, chẳng biết là mưa hay là lệ. Bố tôi cũng không ngủ, ngồi trên bộ bàn ghế gỗ uống nước chè, có lẽ là đợi cô con gái đi xa lâu ngày không về. Thấy hai mẹ con bước vào, ông dừng lại, giọng nói sang sảng vang lên: "Vẫn còn biết về nhà cơ đấy."
Tôi biết cả mẹ và cả bố tôi đều hơi giận, cười cười nói: "Con chào bố."
Ông đứng dậy, đáp nụ cười của tôi bằng vẻ mặt nghiêm nghị: "Rửa mặt rồi nghỉ ngơi đi. Khuya quá rồi."
Dứt lời lại quay sang mẹ tôi: "Bà cũng thế."
Sau đó bố tôi đi vào buồng trong nhà, bước chân nghe có chút nặng nề.
Lúc này, mẹ tôi mới nói với tôi câu đầu tiên: "Đi rửa ráy đi."
Trong lòng tôi muốn nói rất nhiều thứ. Nhưng mở miệng ra từ ngữ lại trôi đi đâu hết. Và cả, có lẽ nhiều thứ như thế, tôi cũng chẳng biết muốn nói thứ nào, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng vâng vâng dạ dạ vào phòng tắm, rửa mặt xong liền trở lại phòng cũ của mình.
Căn phòng ấy tuy lâu không sử dụng nhưng đồ đạc vẫn thế, gọn gàng, sạch sẽ. Dù sao cũng chỉ có mỗi chiếc giường, tủ áo và bàn học, muốn không gọn gàng cũng khó.
Có lẽ là do mệt quá nên tôi rất nhanh chìm vào giấc ngủ, bên tai vẫn vẫn văng vẳng tiếng mưa.
Tôi lớn lên ở một thị trấn vùng núi, sinh cơ có hai nghề cơ bản, một là vào núi khai thác than đá, hai là trồng nông nghiệp. Mà nghề thứ hai lại phổ biến hơn, nên hầu như đi đâu khắp cái thị trấn này, tôi đều có thể dễ dàng bắt gặp những cánh đồng lúa rộng lớn, mỏi cánh cò bay.
Nhà tôi cũng làm nông nghiệp, có lẽ vì thế mà tôi đặc biệt yêu thích và nhạy cảm với những cơn mưa. Từ mưa phùn ra rích mùa xuân, mưa rào mùa hạ và những cơn mưa hanh khi trời đổ lạnh. Mấy năm sống ở thành phố, tôi thấy người thành thị dường như không thích mưa, không đâu xa chính là mấy đứa bạn tôi. Mọi người nói mưa vừa bẩn, vừa không thuận lợi cho giao thông. Nhưng một đứa trẻ lớn lên giữa nương rãy và đồng ruộng như tôi lại ý thức được một điều rõ ràng, đó là mưa chính là lộc của trời đất. Mưa làm nảy nở những hạt giống nằm sâu trong lòng đất, mưa làm luống rau thêm xanh tốt và là cội nguồn của sự sống quanh tôi.
Tôi sinh ra vào mùa hè, là thời gian mà có những cơn mưa dữ dội và choáng ngợp nhất. Tôi vẫn nhớ đâu đó hai chục năm về trước, tôi vẫn lang thang trên những cánh đồng suốt buổi chiều. Bởi vì đồng ruộng quang đãng như thế, nên tôi có thể thấy vô cùng rõ ràng các đám mây xám hung tợn đang đéo đến từ đâu, phủ bóng lên mặt đất như thế nào. Và cả sấm chớp nữa. Đôi khi mưa rất to nhưng không có sấm chớp, và đôi khi thì ngược lại, có sấm chớp nhưng lại không thấy mưa.
Chỉ có mưa bão sấm chớp mùa hạ vào đêm tối, ta mới có thể thấy rõ ràng sức mạnh của thiên nhiên. Những buổi tối như thế, tôi thường bất chấp sự ngăn cấm của cha mẹ, chạy ra ngoài và ngửa mặt lên trời. Tôi thấy chớp rạch một vết rất dứt khoát giữa bầu trời đen kịt, làm không gian sáng bừng lên trong giây lát, rồi lại lịm đi. Bên tai là tiếng gió rít và sấm ầm ầm.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tôi khi bảy sáu bảy tuổi đó, lấy can đảm ở đâu mà đứng dưới giông bão xem sấm chớp. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng đó là thứ đẹp đẽ và hùng vĩ nhất tôi từng được thấy.
Đêm nay không có sấm chớp, chỉ có mưa lặng lẽ rơi.
............
Sáng hôm sau tôi dậy khá sớm, nhưng bố mẹ tôi còn dạy sớm hơn. Nhà có ba người lại chẳng ai nhanh mồm miệng, không khí cứ trầm trầm, ảm đạm. Có lẽ là do lâu quá rồi tôi không về nhà, những thứ quen thuộc trở nên lạ lẫm, ngay cả bố mẹ tôi, dù nóng lòng gặp con gái nhưng cũng chưa kịp thích ứng.
Không khí rất buổi sớm sau cơn mưa rất trong trẻo, tôi hít một hơi thật sâu, mùi đất và cỏ chưa bao giờ nồng đạm như thế. Rửa ráy xong, tôi đi quanh nhà nhưng chẳng thấy ai. Ra đến vườn, quả nhiên thấy bố tôi đang cầm cuốc, lúi húi bên vườn rau. Vườn rau nhà tôi không lớn lắm, có lẽ còn chẳng đủ ăn, trồng toàn rau rền và rau mùng tơi.
Bố tôi luôn bảo rau rền là thứ rau dễ trồng và có sinh lực nhất.
Tôi nhìn bóng lưng cặm cụi của bố, hỏi: "Hôm qua mưa to thế, ruộng rau có sao không bố?"
"Chết hết mấy khóm rau mùi mới trồng rồi." Bố tôi vừa đáp, vừa dùng quốc cào đất thành một cái rãnh nhỏ xen kẽ những khóm rau để nước đọng chảy đi.
"Mày ra đây, nhổ hết chỗ cỏ dại còn sống cho bố."
Tôi cũng vui vẻ ngồi xổm xuống nhặt cỏ. Những đám cỏ đã bám rễ lâu ngày trong đất, lì lợm khiến tay tôi đỏ hết cả lên. Hồi nhỏ tôi thích nhất là nghịch đất, trồng rau. Nhưng khi đó chỉ là nghịch chơi, nào có trồng được thứ gì ra hồn, chân tay lúc nào cũng lấm lem, đất còn đóng thành những mảng đen kịt bên trong móng tay, mẹ tôi cuối tuần nào cũng phải cắt tỉa sạch sẽ cho tôi rồi dùng chanh chà đỏ da lên mới sạch. Thấy khuân mặt tôi méo mó vì đau, mẹ tôi vừa thương, vừa giận mắng: "Biết đau thì đừng có nghịch bẩn nữa."
Tôi nhớ lại chuyện cũ, tự cười một mình, ngẩng đầu lên thì đã thấy mẹ đứng ở thềm cửa, nhìn hai bố con chăm chú. Khuân mặt tôi vốn vẫn đang cười, mẹ tôi thấy thế, yên lặng chút, cuối cùng cũng cười đáp lại. Nụ cười của một người mẹ là thứ không bao giờ thay đổi. Nhiều năm như thế, mẹ tôi không còn đẹp như xưa, khóe mắt đã thêm vài nếp nhăn, đầu cũng thêm vài sợi bạc, nhưng thần thái thì vẫn dịu dàng nguyên như thế.
Mẹ tôi nói: "Hai bố con làm xong vào ăn sáng đi.
Bữa ăn sáng của gia đình tôi rất đơn giản. Chỉ là một nồi mì tôm nấu với trứng và rau cải. Sức ăn của bố tôi rất tốt. Chẳng mấy chốc mà xong. Tôi rửa nồi niêu xong lại theo mẹ tôi ra chợ.
Ở một thị trấn nhỏ, hầu như mọi người đều biết nhau. Thi thoảng lại có người gọi tôi chào hỏi, nói lâu lắm rồi không gặp tôi. Có những người tôi vẫn nhớ kĩ, có những người tôi lại chỉ loáng thoáng nhớ mặt. Để tránh sự bối rối khi những người quen cũ bắt chuyện, Tôi mua một bó cúc trắng rồi đi về trước. Thành thị dường như đã lấy đi của tôi nét niềm nở dân dã, để thay vào đó là sự lạnh lùng, ngại quan hệ.
Rất buồn cười là, tôi cứ ngỡ mình nhớ rất rõ vị trí của nơi mà mình cần đến. Ngỡ là nó đã in sâu vào trái tim và kí ức của bản thân. Lại không ngờ lúc thực lòng muốn tìm, con đường lại không rõ ràng như mình tưởng. Tôi đến gần một vài đứa trẻ đang chơi ở xung quanh đó, cất giọng hỏi: "Bé ơi, cho chị biết nghĩa địa đi đường nào thế nhỉ."
Vì lâu rồi tôi không về đây, có thể xem như người lạ, mấy đứa trẻ cứ đứng đó, nhìn chằm chằm tôi. Rất nhanh, một bé gái trả lời: "Chị đi hết đường đất rồi rẽ phía này này."
Đứa trẻ hình như còn chưa biết phân biệt phương hướng, giơ cánh tay trái lên. Thấy vẻ mặt mơ màng của tôi, nó dứt khoát chạy đến gần nói: "Để em dẫn chị đi."
Đúng là trẻ em nông thôn, vừa mộc mạc vừa chân thành, vẫn còn chưa ý thức được phải cảnh giác với người lạ. Tôi theo con bé đi trên con đường đất, rẽ trái phải mấy lần mới đến nơi. Tôi lục trong túi mấy tờ tiền lẻ, dặn nó mua kẹo chia cho bạn để cảm ơn rồi chào tạm biệt. Nó cầm mấy tờ tiền giấy trong tay, ánh mắt trong veo nhìn tôi cười khúc khích rồi chạy đi.
Lần cuối tôi đến thăm mộ Ngọc là bốn năm trước, khi đó ngôi mộ còn chưa xây, chỉ có cỏ mọc là xanh tốt. Tôi nhìn chằm chằm vào tấm biển đá in ảnh Ngọc đen trắng, thấy nụ cười tươi rói xinh đẹp của cô bạn, trong lòng chua xót.
Ngọc từng nói với tôi: "Tớ muốn tốt nghiệp đại học sau đấy kết hôn luôn. Tớ muốn có thật nhiều con, ba bốn đứa gì đấy."
Tôi vẫn thường bĩu môi bảo cô ấy không có chí lớn. Tôi thì muốn kiếm được thật nhiều tiền, có sự nghiệp thành đạt cơ.
Cô ấy lại nhìn sâu vào mắt tôi, cái nhìn rất chăm chú: "Không phải đến cuối cùng thì con cái vẫn là tài sản lớn nhất trong đời sao?"
Khi đó, tôi còn chưa hiểu lời cô ấy, cười cười cho qua. Ngọc với tôi vẫn luôn cách biệt như thế. Tôi chua xót nghĩ. Tôi đã dùng tâm tính của một đứa trẻ đối xử với cô ấy, và có lẽ trong mười mấy năm ở bên nhau, tôi chưa bao giờ đủ sâu sắc để hiểu được cái nội tâm rộng lớn mênh mông của Ngọc.
Gia đình Ngọc chuyển đến khu nhà tôi đâu đó quãng năm chín mươi, từ đó, vì tuổi tác bằng nhau, lại là những đứa trẻ duy nhất trong xóm, chúng tôi nhanh chóng thân thiết.
Chúng tôi sáng chiều chơi chung suốt mười mấy năm trời, tình cảm tôi dành cho Ngọc hết sức phức tạp.
Sự phức tạp ấy có lẽ bắt đầu ngay từ những khoảng cách xuất hiện vào năm trẻ thơ học cấp một, lớn dần khi chúng tôi dậy thì và trở thành một thứ mâu thuẫn trong lòng tôi khi tôi bắt đầu biết đến thứ gọi là tình cảm nam nữ. Với mong muốn hoàn mĩ hóa bản thân, khó khăn lớn nhất của tôi là thành thực nhìn nhận chính bản thân mình. Vì vậy nên tôi thường lờ đi cảm xúc của bản thân, đó cũng là sai lầm lớn nhất, và chỉ được nhận ra khi đá quá muộn, khi mà cô bạn của tôi đã qua đời.
Ngày tang lễ của Ngọc diễn ra, tôi đứng chung trong đám bạn cấp ba, xung quanh đầy ỉ ôi tiếng khóc xót thương cho một số phận trẻ. Ai cũng bàng hoàng, ngỡ ngàng và đau đớn. Ngay cả những người không thân thiết với Ngọc cho lắm, cũng khóc rất nhiều. Thế mà tôi, đứa được cho là thân thiết như chị em với Ngọc, một giọt nước mắt cũng không chảy nổi.
Điều kì lạ là thực lòng, tôi không hề thấy buồn thương cho lắm. Tôi nhìn cái chết của người bạn thận bằng một nội tâm lạnh lùng – mà đến bây giờ, tôi vẫn ngạc nhiên vì sự tàn nhẫn của chính mình – chứ không phải bằng con mắt của một người mới mất đi thứ quá đỗi quý giá.
Lúc này đứng trước nơi yên ngủ vĩnh viễn của Ngọc, tôi lại nhớ về một chuyện từ rất lâu rồi.
Chuyện về Ngọc thì tôi nhớ nhiều lắm, đến mức kí ức giống như một bình khí nén, không chạm vào thì thôi chứ một khi đã mở ra, tất cả đột ngột ùa về như một cơn lũ, chèn ép lên cơ thể bằng xương thịt của tôi.
Đó là một mùa đông rất lạnh. Mùa đông ở thị trấn vùng núi thì lúc nào cũng lạnh khủng khiếp, cái lạnh như xé toạc lớp da và tuồn vào trong sương tủy. Ngày đó TV là một thứ tài sản khá lớn mà gia đình tôi cũng không phải là khá giả gì. Nên mỗi tối chúng tôi chỉ có thể lắng nghe dự báo thời tiết qua chiếc đài cũ màu đen. Bố tôi thi thoảng lại phải chỉnh đi chỉnh lại cái ăng ten siêu vẹo để nghe rõ hơn giọng nói ngọt ngào của cô phát thanh viên. Cả nhà bốn người năm chung trên một chiếc giường, đắp thứ chăn con công nặng trịch mà lắm khi vẫn lạnh ngắt lên người. Bố mẹ thường để tôi và anh trai nằm ở giữa cho ấm. Mẹ tôi lúc nào cũng là người đi ngủ muộn nhất, lắm khi tiếng đài báo dừng rồi, tôi vẫn thấy mẹ ngồi xổm ở đầu giường, dùng tăm vá tạm lại chỗ màn thủng mới phát hiện, hoặc là chăm chú tìm xem có con muỗi nào lọt vào trong màn dưới ánh đèn điện mờ mờ.
Hôm ấy, cô phát thanh viên xinh đẹp của tôi thông báo ngày mai trời sẽ rất lạnh vì gió mùa đông bắc ùa về. Gió mùa đông bắc là cụm từ tôi nghe rất nhiều lần, ngay cả khi còn chưa biết đông tây nam bắc là gì, thì tôi cũng biết nó sẽ lạnh lắm.
Mà tôi thì cực kì sợ lạnh. Mỗi mùa đông khéo phải cả tháng trời không tắm. Nỗi sợ của tôi một phần cũng vì thân thể tôi không được khỏe mạnh cho lắm, chỉ hơi thay đổi thời tiết là lại sổ mũi, lên cơn hen suyễn không ngừng. Và mỗi lần ốm sốt như thế cơn ngạt mũi lại khiến tôi khó ngủ, tôi xì mũi bằng chiếc khăn mùi xoa nhàu nát nhiều lần tới mức mũi tôi trở nên đỏ và rát. Không chỉ thế, thuốc tây khi ấy cũng không sẵn có như bây giờ. Mẹ tôi vẫn chữa sốt cho tôi bằng cách giã nát rau dấp tanh đắp lên chán. Và mùi của rau rấp tanh thì ôi thôi, tôi phải gắng gượng lắm mới không nôn ngay tại giường.
Mẹ tôi cũng biết tôi sợ lạnh như thế, sáng hôm sau dạy sớm, chuẩn bị mua đồ quần áo cho tôi và anh trai đến trường.
Chúng tôi chia nhau một ngìn tiền xôi ruốc, ăn uống xong lấy sách vở thì mẹ tôi mặc thêm áo khoác cho tôi, và lấy cái mũ len cũ của anh tôi đội vào cho tôi. Cái mũ ấy phải nói là xấu một cách tệ hại. Nó chỉ đơn giản là đan bằng len và có một nhúm lông trên đầu. Vấn đề là nó lại choán kín hết cả mặt, chỉ để lại đôi mắt, trông giống như mấy gã trộm cướp trong phim thời bấy giờ. Tôi đứng trước gương và khóc ré lên. Nhưng lờ đi sự kháng cự yếu ớt của tôi, mẹ tôi vẫn bắt tôi đội nó vào, và dắt tay tôi đến tận cổng trường.
Với một đứa trẻ đầu cấp một mà nói, nó là một vấn đề vô cùng hệ trọng, tôi nghĩ cả lớp sẽ không thèm chơi với tôi nữa. Nhưng hóa ra, vấn đề hệ trọng ấy của tôi lại được giải quyết rất đơn giản.
Tôi cho rằng, thời đại nào cũng thế và lứa tuổi nào cũng vậy, con người chúng ta sinh ra với bản nừng phân biệt về giai cấp. Ngay là trong một lớp học của lũ trẻ lít nhít mà quần còn chưa tự mặc được.
Cái sự phân biệt ấy được các giáo viên chủ nhiệm ngấm ngầm ung hộ bằng cách những bạn xinh đẹp, gia đình khá giả và học hành giỏi giang nhất luôn ngồi ở hàng ghế đầu. Xét trên tiêu chí ấy, đứa mà đầu óc lúc nào cũng lang thang trên những cánh đồng bất tận, những đám mây và ngọn núi xa xôi, thích thú nhất là trò nghịch đất và gia cảnh thì không thể nào bình thường hơn nữa như tôi, luôn luôn phải ngồi cuối bàn.
Số bạn của tôi đã hạn chế, ấy vậy mà còn đội một cái mũ xấu không thể tả lên lớp. Quả nhiên, mấy đứa xung quanh bắt đầu cười. Hai hốc mắt tôi dần đỏ lên. Đột nhiên Ngọc – đứa hàng xóm lúc nào cũng ngồi bàn đầu của tôi – đến gần tôi và phát biểu một câu: "Tớ thích cái mũ của cậu, chắc ấm lắm nhỉ."
Bỗng dưng sau đó, đám bạn bè lại thích cái mũ của tôi, nhất là những bạn con trai luôn mơ ước trở thành siêu nhân và ninja.
Đó gần như là câu đầu tiên mà chúng tôi nói với nhau. Tôi hỏi cô ấy có muốn đội thử không, Ngọc gật đầu và tình bạn của chúng tôi bắt đầu như thế.
Thực ra, Ngọc chuyển đến nhà tôi trước đó khoảng một năm. Nhưng khoảng cách từ đầu lớp đến cuối lớp cũng xa xôi giống như khoảng cách từ phía bên đường này sang tới bên đường kia của xóm.
Bố Ngọc là một người biết kinh doanh. Kinh doanh gì thì tôi không rõ lắm, chỉ thấy ông đi suốt và mẹ Ngọc, cũng như cô bạn tôi đều rất xinh đẹp, lúc nào cũng váy áo điệu đà, chải chuốt cẩn thận. Nhà Ngọc cũng to và cao gấp mấy lần nhà tôi nữa. Trong khi cô ấy đã có phòng riêng ở tầng hai thì nhà tôi vẫn là căn nhà mái cọ kiểu cũ: Có một gian chính kê cái tủ, bộ bàn ghế nhựa và hai chiếc giường vừa làm phòng khách vừa làm phòng ngủ, bếp thì ở mãi tận đằng sau và muốn đi vệ sinh thì phải băng qua một mảnh vườn trồng đầy rau rền dại.
Tôi cũng chẳng có con búp bê xinh đẹp hay bộ váy công chúa nào mà thay vào đó là bộ quần áo vải mẹ tôi may cho đã dính đầy nhựa từ các loại cây. Vì thế mà cho đến tận lúc xảy ra chuyện cái mũ kia, ngay cả khi sống gần nhau và học chung một lớp, tôi và Ngọc mới chỉ nhìn nhau từ xa.
Có một điều lạ là Ngọc dường như rất thích tôi. Trong khi tôi tự cho rằng mình xấu xí, dị hợm và học dốt.
Cô ấy thích lang thang cùng tôi ra những cánh đồng lúa, nhặt nhạnh hoa cỏ linh tinh. Thích cùng tôi lén lút trèo lên bức tường đá cao ngất của doanh trại quân đội, tưởng tượng hai đứa là những nhà thám hiểm tài ba. Ngọc thích cả hái cỏ, chơi chò nấu ăn cùng tôi. Cỏ voi là phở, cỏ lợn làm hành lá, hoa đồng đội làm thịt và vô số thứ nguyên liệu mà tôi cũng chẳng biết tên khác nữa. Chúng tôi cứ đổi vai cho nhau mãi, tôi làm khách hàng và Ngọc làm đầu bếp, rồi tôi lại là đầu bếp và Ngọc trở thành bà khách hàng xấu tính, hay than thở rằng bát phở của mình có sâu.
Chúng tôi cùng nhau dong duổi ngay cả vào những trưa hè nóng nhất, rình bắt chuồn chuồn, bướm hoa cải và cỏ gà. Tôi biết rằng chuồn chuồn có nhiều màu lắm, xanh lục, xanh lam, xám tro và ngay cả đỏ thắm mà Ngọc Khuê nhắc đến với bài hát 'Chuồn chuồn ớt'. Bướm hoa cà bay rất nhanh và khó bắt, còn cỏ gà thì dù hôm nay tôi tìm được một nhánh to lắm rồi, thì ngày mai vẫn có thể tìm thấy nhánh to hơn.
Chúng tôi cứ chơi cùng nhau như thế khiến quần áo lấm lem và da đen nhẻm. Rất nhiều lần mẹ Ngọc mắng cô ấy, câm không cho đi chơi chung với tôi nữa. Nhưng lời mắng mỏ vào tai này ra tai kia, Ngọc lại đến tìm tôi khi mẹ cô ấy không để ý.
Tôi và Ngọc dính liền với nhau như thế mãi cho tới năm cấp hai. Những đứa trẻ chúng tôi đều phải làm một bài kiểm tra năng lực trước khi nhập học. Tôi thì chẳng quan tâm đến kì kiểm tra ấy cho lắm. Thậm chí, tôi còn không hiểu phải thi cử để làm gì khi mà cả thị trấn chỉ có mỗi một cái trường cấp hai ấy thôi và đằng quái nào thì tất cả chúng tôi rồi sẽ lại học chung một trường. Thế rồi đến khi phân lớp, tôi muộn màng nhận ra kì thi chính là cơ sở để ban giám hiệu phân lớp. Những bạn nào có thành tích tốt được gộp chung vào 'lớp chọn' và cơ lèng phèng như tôi thì xếp về đằng sau.
Dĩ nhiên, tôi không quan tâm đến kì thi, nên kết quả không thể nào tốt. Dù biết trước điều đó nhưng nhìn đám bạn cũ của mình (trong đó có cả Ngọc) lần lượt vào lớp chọn mà tôi thì lại phải học cùng với các bạn từ làng, xã khác tới, trong lòng tôi vẫn vô cùng xấu hổ và ngượng ngùng.
Vì thế mà tôi giận Ngọc, cơn giận dữ của một đứa trẻ.
Buổi chiều sau ngày phân lớp, cô ấy đến tìm tôi. Khi đó tôi đang mải mê xúc bãi cát nhà hàng xóm sắp sửa xây nhà, đắp thành đụn cao lên (thực ra tôi đang tưởng tượng mình ở bãi biển và cái đụn cát đó là một tòa lâu đài).
Ngọc đứng bên dưới, cất giọng hỏi tôi: "Cậu đang làm gì thế?"
Tôi không buồn trả lời, vờ vĩnh rằng bản thân đang xúc cát một cách say mê, thi thoảng còn giả bộ cười khúc khích cho thêm phần sinh động. Ngọc nào biết tôi đang giận cô ấy, vui vẻ chạy tới trèo lên thành trì của tôi. Tôi rất tức giận, đẩy cô ấy một cái: "Tránh ra đi!"
Ngọc ngã lăn ra, trước ánh mắt bàng hoàng của cô ấy, tôi bỏ đi trong niềm vui sướng ngốc nghếch. Đó có lẽ là lần chúng tôi giận nhau nhất.
Chuyện đã xảy ra rất lâu rồi. Tôi không còn nhớ làm thế nào mà hai đứa làm lành được. Nhưng chỉ trong một năm ngắn ngủi, tuổi thơ đột nhiên vụt đi mất. Chúng tôi đang rũ mình, trở thành những cô thiếu nữ.
Từ nhỏ tôi đã cắt tóc ngắn chả khác nào bọn con trai, theo lời mẹ tôi là để tiện cho tắm để cho tắm rửa. Bớt đi những công đoạn gội đầu lằng nhằng và thời gian mỗi sáng chải tóc trước khi đến trường. Trước đó, tôi chẳng quan tâm lắm, nhưng thời gian đó, thi thoảng tôi vẫn ngắm nhìn mái tóc dài óng mượt của Ngọc, tự hỏi nếu mình cũng có một mái tóc như thế, có phải là sẽ rất xinh đẹp không.
Vì thế, tôi bắt đầu cự tuyệt mẹ tôi chuyện cắt tóc.
Từ nhỏ, dáng người tôi đã cao hơn các bạn cùng lứa một chút, về sau, tôi cũng dậy thì trước Ngọc. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác mùa hè năm lớp bốn, ngực tôi đột nhiên sưng và tức. Cảm giác đau đớn rất khó tả. Người đầu tiên tôi kể chuyện này dĩ nhiên không phải là mẹ tôi, mà là Ngọc. Tôi khi đó chưa có kiến thức, Ngọc càng không có kiến thức. Chúng tôi tâm sự với nhau trong sự hoang mang tột độ. Thậm chí, hai đứa trẻ ngốc nghếch khi ấy còn lo lắng rằng tôi bị ung thư hoặc u gì đó, giống như mấy bộ phim Hàn Quốc bắt đầu chiếu trên TV bấy giờ. Ngọc vừa tưởng tượng ra thứ giả thiết hoang đường ấy đã khóc váng lên, đến nỗi đứa thân mang trọng bệnh như tôi phải thấp giọng an ủi. Cô ấy có vẻ thực sự đau lòng, tôi dỗ như thế nào cũng không nín, cuối cùng khiến mẹ tôi và mẹ Ngọc chú ý. Khi tôi đem mọi chuyện kể ra, Mẹ tôi bật cười dắt tôi về nhà, tôi vẫn nghe được phía đằng sau, Ngọc nấc lên hỏi mẹ cô ấy: "Mẹ ơi, Nguyên có chết không ạ?"
Về sau, thi thoảng người lớn vẫn lấy chuyện này ra trêu ghẹo chúng tôi.
Tôi có ngực trước Ngọc, và cũng có kinh trước. Đó là hè năm lớp bảy. Nhưng lớp bảy có thể xem là lớn rồi, tôi cũng biết chuyện gì đang xảy ra chứ không đến nỗi hoang mang như lần trước. Tôi lại càng cao hơn nữa, cao hơn hầu hết số bạn nam cùng lớp. Đi đến đâu mọi người cũng ghẹo rằng sau này có thể đi làm người mẫu.
........
Tôi cứ đứng trước ngôi mộ, nghĩ về chuyện cũ không biết bao lâu thì điện thoại trong túi quần rung lên. Ở đầu dây bên kia, mẹ tôi hỏi: "Đang ở đâu thế, về nhà ăn cơm trưa đi!"
Tôi dạ vâng rồi cúp máy, thắp ba nén hương cho Ngọc rồi quay người đi về. Buổi trưa trên con đường này rất vắng. Không một tiếng còi xe hay tiếng người nói chuyện, chỉ có những cành phong cao nhất rì rào theo gió và lũ ve kêu không ngừng nghỉ. Vì trời nóng nên mồ hôi tôi đổ ướt đẫm cả một mảng áo sơ mi. Cái thị trấn này rất nhỏ, tôi chạy vài phút là về đến nhà.
Mẹ tôi chưa chuẩn bị xong cơm, còn bố tôi thì vẫn lúi lúi sửa sang lại khu vườn bé nhỏ của ông. Tôi vào đến bếp hỏi, thấy mẹ tôi đang nấu cà tím với thịt ba chỉ, đúng món tôi thích, bèn lăng xăng giúp bà dọn mâm bát.
Trong bữa ăn, mẹ tôi đột nhiên hỏi: "Nói mẹ nghe, mày có bạn trai chưa?" Miếng cơm trong cổ họng tôi suýt nữa thì tắc nghẹn lại.
Tôi cười cười, đáp chống chế: "Mẹ, còn sớm mà, con mới hai mươi bảy thôi."
Mẹ tôi đặt cái bát xuống mâm, vẻ mặt không hài lòng: "Sớm sủa gì nữa, mày xem bạn mày còn đứa nào chưa kết hôn không? Có đứa còn ba đứa con rồi."
Tôi không biết phải trả lời thế nào, đành phải tìm cho ra một cái bia đỡ đạn: "Mẹ muốn có cháu như thế thì sao không bảo anh lấy vợ đi?"
Anh tôi hơn tôi ba tuổi, ngày đó học đại học ở Thái Nguyên, sau đó ở luôn đó công tác.
Mẹ tôi lắc đầu thở dài: "Chúng mày xem, cả hai đứa đều đi xa không chịu về, có mỗi mẹ với bố mày cứ sống với nhau đến bao giờ."
Tôi không biết đáp thế nào, cúi đầu xuống nhét đầy cơm vào miệng. Ánh mắt mẹ tôi không hài lòng giống hệt như những ngày còn nhỏ tôi không nghe lời. Mẹ tôi rất ít đánh tôi, lúc tức giận lắm cũng chỉ đánh mạnh vào mông mấy cái.
Nhưng anh tôi thì bị đánh rất nhiều vì anh ấy là con cả, hơn nữa con trai thường bướng bỉnh và mang trong mình bản năng phản kháng mạnh mẽ hơn. Có lần mẹ tôi rất tức giận, tôi cũng không nhớ là vì lý do gì nữa, cầm cái vọt bằng tre quật anh tôi mấy cái vào bắp chân. Không ngờ, theo anh vô thức nhảy lên tránh, cái vọt tre nện vào móng chân. Dù khi ấy không tỏ thái độ gì nhiều nhưng sau đó mấy hôm, tôi vô tình bị ánh đèn làm thức tỉnh giữa đêm khuya, tôi hé mắt nhìn thấy ánh đèn vàng vọt đang chiếu một bên mặt nghiêng của mẹ, đổ bóng lên bức tường. Mẹ tôi cẩn thận bôi thuốc mỡ cho anh tôi, lúc nhìn đến chỗ móng chân cái đã sưng bầm, tụ máu chuyển màu đen thì ánh mắt dừng lại, một giọt nước mắt lăn xuống gò má, rơi vào bắp chân người anh vẫn đang say ngủ của tôi. Mẹ tôi cứ nhìn anh tôi bằng một nỗi xót thương vô tận. Khi đó tôi chưa hiểu gì nhiều, chỉ thấy đột nhiên rất buồn bã. Về sau nhiều lần nghĩ đi nghĩ lại chuyện ấy. Tôi nhận ra một điều, rằng người mẹ lúc nào cũng thương những đứa con của họ bằng tấm lòng sâu sắc và mãnh liệt nhất, chỉ có điều, tôi không bao giờ có thể đáp trả cho đủ thứ tình cảm ấy, không bao giờ thương mẹ tôi nhiều hơn mẹ thương tôi. Tôi bị phát hiện của mình làm cho hổ thẹn, day dứt. Thế nhưng rốt cuộc, tôi vẫn đi biền biền khi có cơ hội, bốn năm không về thăm gia đình.
Ngày đó, tất cả mọi người, thậm chí là chính bản thân tôi vẫn thường thắc mắc tại sao hai đứa trái tính trái nết như tôi và Ngọc, lại có thế chơi với nhau suốt mười mấy năm trời. Giờ nghĩ lại, tôi trào phúng nhận ra, điểm chung đầu tiên của cả hai, có lẽ là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn với gia đình.
Ngọc từng nói với tôi: "Mẹ tớ chẳng thương tớ."
Đó là năm chúng tôi học lớp bảy. Trong mười hai năm lớn lên và trưởng thành trong cái thị trấn này, thời học sinh của tôi trôi qua quá đỗi nhạt nhẽo, nhưng ấn tượng nhất với tôi đó là năm lớp bảy. Năm tôi mười ba tuổi ấy, quá ấn tượng bởi lẽ nó đánh dấu bước trưởng thành của tôi về cả mặt sinh lý lẫn tâm lý, lần đầu có kinh nguyệt, lần đầu để ý đến một bạn nam, lần đầu nhìn thấy một con người hoàn toàn khác của người bạn mà tôi cho rằng tôi quen thuộc tới từng hơi thở.
Lớp Ngọc là lớp 7a1, lớp chọn của toàn trường trong khi lớp tôi là 7a4. Đa số bọn bạn cũ tôi đều học ở a1, điều đó có nghĩa là tôi gần như xa lạ với những người bạn cùng lớp này nhưng bù lại cho tôi cơ hội quen biết họ, thoát li ra cảnh tù túng mà tôi vãn mơ hồ cảm thấy khi sống trong một cái thị trấn quá đỗi nhỏ bé.
Rất nhiều người trong lớp mới của tôi đến từ thị trấn và bản khác, là những người mà những đứa trẻ thị trấn thường gọi với cái giọng khá miệt thị 'người trong làng'.
Thực lòng, tính tôi rất hòa đồng. Tôi tự cho rằng mình là đứa trẻ đã được dạy dỗ khá tốt, biết lễ phép với người lớn và hiếm khi chê bai hay nói xấu, hoặc là khinh thường những người xung quanh nên rất nhanh, tôi có nhiều bạn. Quãng thời gian ấy tôi mải mê đi chơi với bạn cùng lớp. Tầm chục đứa Chúng tôi thường đạp xe mười mấy cây đến nhà bạn, cùng nhau nấu cơm, chơi đùa.
ở những thị trấn nửa làng quê như chỗ tôi, xung quanh hầu như lúc nào cũng sẵn đồ ăn. Ngoài vườn đầy những loại rau đay, rau ngót, ao thì có cá và dưới đất có đủ các loại khoai củ.
Tôi vẫn nhớ tôi thường theo một cô bạn cùng lớp đến nhà cô ấy ở tít tận chân núi hái trứng gà. Thứ quả màu vàng, thịt mịn như lụa vừa thơm vừa ngọt. Chúng tôi cùng nhau ra đồng tuốt rau ngót trực tiếp từ trên cây mà không thèm cắt, đem về nấu với mỡ và chút thịt băm. Rồi lại đào sắn đem về luộc lên, để nguội và nghiền thành bột nặn bánh. Chúng tôi vừa làm vừa trog chuyện, đùa nghịch nhau chí chóe, tiếng cười vang lên khắp cả gian nhà đơn sơ.
Chúng tôi đặc biết thích những chuyến dã ngoại nho nhỏ ấy vào tiết trời mùa xuân. Không khí khi ấy đặc biệt dễ chịu, chưa chuyển nóng mà vẫn hơi xe lạnh. Mưa phùn thì cứ lấm tấm rơi từ ngày nọ sang ngày kia. Tôi đứng giữa cánh đồng, gió thôi có hơi lạnh, ngửa mặt lên trời và nhắm mắt lại. Tôi cảm thấy những hạt mưa li ti, nhỏ và nhẹ như lớp sương giăng trắng cánh đồng đang đậu trên những chỗ da để trần. Tôi thấy cả cây cối đang chuyển mình xung quanh, chưa bao giờ, vạn vật lại sống động như thế.
Mãi sau này, tôi cũng khó mà tìm lại được cái cảm giác tràn đầy sức sống như những ngày mười ba tuổi ấy.
Có một lần, sau chuyến đi cuối tuần tôi về vào lúc chiều hơi muộn. Cảnh vật đã bắt đầu chìm vào một tấm màn xám trắng, chỉ có mặt trời vẫn còn lấp lửng bên sườn núi là đỏ rực. Lúc cất chiếc xe dạp của mình vào sân, vô tình ngoảnh lại tôi thấy ngọc đang đứng trước cửa nhà cô ấy, nhìn tôi chằm chằm.
Thời gian đó, tôi mải mê với bạn bè của mình, dường như lơ đãng Ngọc. Tất nhiên cô ấy cũng bận rộn với cuộc sống của mình, lơ đãng tôi. Khoảnh cách của hai đứa cứ kéo ngài một xa như thế.
Tôi không nói gì, Ngọc cũng không nói gì, chúng tôi cứ đứng nhìn nhau kì lạ như thế cho tới khi cô ấy quay đầu đi vào nhà.
Buổi tối hôm ấy, trước lúc tôi đi ngủ, ngọc sang tìm tôi. Ngọc lười biếng nằm trên giường tôi, mái tóc dài vưà mới gội xong vẫn còn hơi ẩm, xòa lên chiếc gối như những dải lụa. Cô ấy nghiêng người, nghịch những hình dán lấp lánh mà chúng tôi cùng nhau dán lên tường mấy năm trước – giờ đã bong tróc phần nào – còn tôi ngồi bên bàn học, làm nốt chỗ bài tập mãi vẫn chưa hoàn thành. Tiếng TV từ gian nhà trên truyền đền đều đều.
Ngọc không nói nhiều lắm, chủ yếu là tôi kể mấy chuyện linh tinh ở lớp, thi thoảng cô ấy hỏi một hai câu cho ra điều đối đáp. Tâm hồn cục mịch của tôi cuối cùng cũng cảm nhận được thứ gì đó không ổn cho lắm, nhưng tôi không hỏi, Ngọc cũng không nói. Tôi lại có quá nhiều những thú vui lúc bấy giờ quên bẵng hỏi han cô bạn.
Cho đến vài tháng sau. Không khí càng ngày càng trở nên lạ lùng. Sự lạ lùng ấy rõ ràng đến mức, tôi muốn lờ đi cũng không nổi. Nó rất khó giải thích, giống như một thứ vừa chân thực, lại vừa xa xôi. Có một lần tôi lại sang chơi với Ngọc, tôi chào hỏi người chị dễ thương của cô ấy và mẹ cô ấy. Rồi tôi để ý thấy bụng mẹ của Ngọc to hẳn lên. Bác Thanh đi lại nặng nề trong bộ váy rộng thùng thình, khuân mặt vẫn hết sức thanh tú, xinh đẹp mà lần nào nhìn và o Ngọc cũng thấy nét tương đồng phảng phất.
Tôi hồn nhiên hỏi Ngọc: "Mẹ cậu có bầu hả."
Không hiểu sao nghe đến thế, bạn tôi lại tỏ ra rất bối rối, cái nét mặt mà ngày đó tôi chưa đủ hiểu để biết rằng Ngọc không muốn nói đến chuyện đó. Ngọc nghoảnh đầu đi nơi khác, bàn tay vân vê gấu áo. Đột nhiên, cô ấy bật khóc.
Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy Ngọc khóc nhiều như thế. Ngay cả khi cô ấy bị dao cắt chảy máu hay ngã trẹo chân, nước mắt chưa kịp rơi thì Ngọc đã tự lau đi cho bằng sạch. Thế mà Ngọc cứ khóc mãi, đem hết cả ấm ức và tủi hờn của một đứa trẻ, khóc đến nỗi tôi cũng hoảng hốt. Tôi không biết phải làm sao, không biết phải nói gì để cô ấy ngừng lại. Đầu óc tôi cực độ hoang mang, không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Thế tôi mới biết, chẳng nỗi đau thể xác nào có thể lấy đinhiều nước mắt như một nỗi đau về tâm hồn.
Rồi tôi biết, bố mẹ Ngọc li hôn rồi, đứa nhỏ trong bụng kia cũng không phải cùng một người cha với Ngọc. Mẹ cô ấy chuẩn bị tái giá với một người đàn ông khác.
Quãng những năm chín mươi, lại ở một vùng đất mà dân chí vẫn còn non nớt, đủ để thấy chuyện ấy gây ra tai tiếng đến như thế nào.
Là một đứa trẻ, tôi không hiểu những ẩn tình phức tạp trong cuộc sống của người lớn. Nhưng tôi đã đủ hiểu những cái nhìn dè bửu, những hành động châm chọc mà không ai khác, chính là những người hàng xóm 'bán anh em xa mua láng giềng gần' dành cho Ngọc và gia đình cô ấy.
Thi thoảng tôi vẫn vô tình nghe bập bõm những câu chuyện mà mọi người nói với nhau về mẹ Ngọc. Tôi nửa hiểu nửa không, nhưng nói là không bị ảnh hưởng thì cũng không phải. Mẹ tôi cũng dặn tôi về sau qua lại với cô ấy ít thôi.
Nhưng gạt đi những lời ngoài tai ấy, tôi với Ngọc vẫn đi đến trường cùng nhau mỗi sáng, vẫn lén lút ăn ít đi một chút đồ ăn sáng rồi đem cho lũ chó hoang gần nhà, vẫn ra cái sân lớn của doanh trại quân đội nhân dân chơi với nhau đến khi mẹ tôi gọi tôi về ngủ mới thôi.
Nhưng sau chuyện ấy, thi thoảng tôi vẫn bắt gặp ánh nhìn xa xăm trong đôi mắt một đứa trẻ, bắt gặp bạn tôi lén lút thở dài. Tôi biết, hóa ra tôi vẫn không biết rõ bạn tôi như tôi tưởng. Điều ấy khiến trong lòng tôi dâng lên một cảm giác xa lạ vô cùng.
Khoảng ba bốn tháng trước khi em trai Ngọc được sinh ra, mẹ cô ấy chính thức làm lễ cưới với người đàn ông nọ. Lần đó thấy Ngọc khóc dữ dội như thế, tôi hơi lo lắng quan sát thái độ của cô bạn. Nhưng trái ngược với sự sợ hãi của tôi, Ngọc lại tỏ ra rát vui vẻ, cô ấy cũng gọi người đó là bố, giọng điệu trìu mến hệt như gọi người bố ruột mà một năm còn chưa chắc gặp được đến ba lần của mình.
Dù sao chuyện li hôn và lế hôn với người đàn ông khác một cách chóng vánh như thế chẳng có gì là vẻ vang, nên gọi là lễ cưới thực ra cũng chỉ là hai bên người thân hẹn nhau ăn một bữa cơm. Những người hàng xóm tọc mạch tất nhiên là không được mời.
Ngày đó tôi thấy Ngọc mặc một bộ váy công chua màu trắng, mái tóc để xõa đã dài đến thắt lưng. Cô ấy được chị gái dắt đi, khuân mặt không dấu nổi vẻ hào hứng.
Tôi thấy vô cùng bối rồi và khó hiêu. Khi đó, tôi còn chưa đủ trưởng thành để có cái gọi là tiêu chuẩn đạo đức của riêng mình, vì thế tôi vẫn nghĩ theo cách đa số người khác nghĩ. Tức là nếu ở và vị trí của Ngọc thì tôi nên ỏ thái độ chống đối, đau khổ và một lòng mong cho bố mẹ ruột hàn gắn, chứ không phải là vui sướng khi thấy mẹ mình lấy một người đàn ông khác.
Giờ nghĩ lại, tôi hiểu rằng thứ thực sự khiến tôi và cô ấy rơi vào bế tắc là do cả hai chưa bao giờ thực sự hiểu nhau. Chúng tôi dành thời gian bên nhau, nói chuyện và chơi đùa rất nhiều, nhưng Ngọc chưa bao giờ thật sự tâm sự với tôi, giải thoát những nỗi niềm của cô ấy. Ngọc cứ tự mình, lẳng lặng tích tụ chúng nhưng một quả bóng bay đang được bơm căng đầy khí mà người bơm không hề nghĩ sẽ dừng lại.
............
Nếu tính cả thời gian đi học đại học và không tính những lần về thăm nhà chóng vánh thì tôi xa quê cũng hơn tám năm rồi. Đột ngột trở lại, mọi thứ đều thay đổi, bạn bè cũ đều đã tha phương lập nghiệp hoặc là có gia đình hết. Công việc thì phải trở về thành phố mới giải quyết được. Tôi rất rảnh rỗi, buổi chiều đi loanh quanh ra vườn giúp bố đan lại rào nứa cho dàn mướp rồi cắt mấy nắm rau hẹ về để tối nấu cơm. Xong việc, tôi lại không biết làm gì nữa, ôm điện thoại xem tin tức một lúc thì mắt lại mỏi. Tôi bèn đi dạo quanh khu phố.
Phố huyện buổi chiều rất vắng, chỗ của tôi lại không phải đường cái. Tôi thẩn thơ lang thang vài vòng, nhìn con phố mình đã lớn lên, thấy vừa lạ vừa quen. Ngay cả lúc đi qua chỗ doanh trại Quân đội, tôi suýt nữa không nhận ra, trong đầu cứ mơ hồ.
Từng nhành cây, ngọn cỏ, ngay cả sắc nắng nơi đây đều đột ngột trở nên quen thuộc. Tôi yên lặng một lúc, đang định đi về thì nghe thấy đằng sau có người gọi: "Nguyên phải không?"
Tôi nghĩ, có lẽ là mình già thật rồi, hoặc là đi lâu quá rồi, giọng của Quân mà cũng quên mất. Thế mà tôi cứ tửng, cả đời này, tôi cũng không quên được nó cơ đấy.
Tôi chầm chậm quay đầu lại, thấy cậu đứng đằng sau, cổ vẫn đeo ống nghe, mặc một bộ blu trắng. Tôi không biết mình nên vui hay buồn. Chỉ là đã trưởng thành cả rồi, cười một cái.
Chuyện của tôi với Quân thì có lẽ kể cả ngày cũng không hết. Chúng tôi biết nhau từ khi học cấp một, học chung cấp hai rồi thân thiết khi vào cấp ba. Thế mà cũng tám năm rồi tôi chưa gặp lại cậu.
Nhiều khi tôi thầm nghĩ đi tìm cậu. Hỏi cậu xem mấy năm đó sống như thế nào, có bạn gái chưa, còn nhớ tôi không. Nhưng ngay lập tức cái ý nghĩ đó bị tôi gạt phắt đi. Nỗi day dứt và hổ thẹn trong tôi lớn hơn nhiều cái mong muốn được thấy và nghe cậu lại lần nữa. Tôi học đại học Xã Hội nhân văn, cậu học trường Y Hà Nội, cách nhau chưa đầy năm km. Thế mà Hà Nội rộng lớn. Tôi đã từng tưởng tượng cảnh hai đứa tình cờ gặp lại nhau, nhưng cuối cùng vẫn chưa từng gặp lại. Cho đến bây giờ. Thế mới biết cái thị trấn này nhỏ hơn Hà Nội nhiều, nhỏ tới mức bức bối.
Quân thấy nụ cười nửa cười nửa mếu của tôi hình như không biết tiếp tục câu chuyện thế nào, đột nhiên tỏ ra bối rối. Cái thói quen đưa ay lên tóc mỗi khi ngập ngừng của cậu hóa ra vẫn còn đó. Ồ, tôi có ngốc không cơ chứ, lại còn vẫn nhớ thói quen của cậu.
Thật ra chuyện về Quân tôi nhớ nhiều lắm. Như như in, như khảm trong tâm trí. Thực lòng tôi cũng chẳng phải đứa con gái quá nặng tình nặng nghĩa gì, tôi nhớ đến cậu không phải vì yêu thương nhung nhớ, mà vì đau đớn. Chẳng phải người ta vẫn nói đau khổ thì khó quên hơn là hạnh phúc đó sao?
Tất cả những chuyện cũ đều đã quá cũ. Lần này dám trở về, tôi cũng biết rằng sẽ có lúc mình phải đối mặt lại với Quân, khơi lên những vết hằn trong quá khứ. Tôi biết và đã chuẩn bị tâm lý để đối mặt với tất thảy. Người ta vẫn nói, nếu chỉ có đối mặt với nỗi sợ của chính mình,thì con người ta mới thôi không sợ hãi nữa. Tôi tích tụ can đảm suốt tám năm, chỉ vì muốn vượt qua được thôi.
Vì thế, tôi tiếp tục cái trò xã giao này với Quân, hỏi một câu chán ngắt: "Dạo này thế nào rồi?"
Quân hơi ngạc nhiên trước thái độ lạnh nhạt của tôi, nhưng rất nhanh lấy lại vẻ bình thường, cười đáp: "Tớ khỏe. Cậu về bao giờ thế?"
"Tớ mới về hôm trước thôi." Tôi đáp.
Cậu lại hỏi: "Thế bao giờ lại đi?"
Tôi ra vẻ bận lòng: "Tớ chưa về được một ngày cậu đã hỏi bao giờ đi, có phải là muốn đuổi người không?"
"Đâu có."
Nói xong, chúng rôi rơi vào một khoảng im lặng lùng túng. Thực ra bạn cũ gặp lại nhau có rất rất nhiều chuyện. Tôi không muốn nhớ lại những thứ đã xayra, chỉ coi cậu là một người bạn cũ mà đối đáp. Trong đầu tôi muốn biết rất nhiều thứ. Về những người đã từng học chung, bây giờ họ ra sao, ở đâu, có bao nhiêu đứa con rồi. Tôi cũng muốn biết thầy cô cũ bây giờ còn dạy không, có muốn đi thăm cùng tôi không. Tôi càng muốn biết bản thân cậu bao nhiêu năm qua như thế nào, kết hôn chưa, học xong chưa, làm việc ở những đâu rồi.
Có thể bởi vi có quá nhiều chuyện như thế, tôi với Quân lại không biết bắt đầu từ đâu, cứ thế yên lặng. Cuối cùng Quân cất lời: "Vậy thì chào nhé, tớ đang bận chút việc. Bao giờ rảnh hẹn nhau nói chuyện nhé."
Tôi gật đầu: "ừ, tạm biệt."
"Tạm biệt."
Tạm biệt. Cái lời hẹn nói chuyện kia, tôi không rõ là Quân thực sự có ý muốn gặp lại tôi, hay chỉ thuận miệng nói thế. Còn cái câu tạm biệt ấy mà, lần trước chúng tôi nói tạm biệt với nhau, liền xa nhau suốt tám năm trời không một lần gặp gỡ. Cả hai đều mang tâm tư riêng của mình, không hẹn mà tránh mặt nhau. Tôi với cậu ngày trước thường xuyên bất đồng quan điểm, vậy mà việc không gặp gỡ, lại thống nhất như thế mà không cần một lời nói ra.
Mỗi lần nghĩ đến cậu, tôi đều cho rằng Quân chính là mối tình đầu của tôi.
Khi ấy đều sắp sửa trở thành thiếu nữ rồi, chúng tôi không còn nghịch ngợm ngoài những cánh đồng lấm lem nữa mà bắt đầu phát triển những sở thích riêng. Trong khi Ngọc có một niềm yêu thích bất tận với việc sơn sửa móng tay, thì tôi lại cảm thấy thích đọc. Tôi nói là thích đọc, chứ không phải thích đọc sách bỏi vì những thứ tôi đọc, không biết có được tính là sách và có ích lợi gì không. Tôi tìm những cuốn thơ tình thời tiền chiến cho đến những năm tám mươi gần đó, mê mẩn những chuyện ngắn của Thạch làm hay cuốn tiểu thuyết được cho là đầu tiền của Việt Nam 'Tố tâm'.
Tất nhiên, thế giới của tôi không phải lúc nào cũng xoay quanh cô bạn xinh đẹp. Lần đầu tiên tôi biết thích một người, cũng là vào khoảng cuối năm lớp bảy ấy.
Có lẽ đó không phải là tình cảm theo một cảm tính của đứa trẻ, mà là một thứ gì đó đã thật sự được bắt đầu. Bởi mỗi lần nhớ lại Trần Quân, tôi đều thấy buồn bã vô hạn.
Tên đầy đủ của cậu là Trần Duy Quân nhưng chúng tôi thường gọi là Trần Quân để phân biệt với một người bạn khác tên là Lê Mạnh Quân cùng lớp cậu. Cách gọi này là do cô giáo mà ra. Cô thường trêu, lớp mình có hai bạn Quân, tên thì giống nhau nhưng người lại khác nhau một trời một vực. Cậu bạn kia thì vừa lùn vừa béo, béo tới mức da dẻ hồng hào và trắng nõn, đầu óc lúc nào cũng ngốc ngếch còn trần Quân thì dáng hơi dong dỏng, đặc biệt thông minh. Có lần lúc kiểm tra miệng, cô cười cười gọi: "Song Quân cùng lên bảng."
Sau đó, nhìn hai người đứng cùng nhau, cô bảo trông giống hệt số mười. Cả lớp bèn cười ầm ĩ.
Kí ức lúc nào cũng như thế, luôn nhớ rõ những chuyện vô cũng ngớ ngẩn mà đôi khi lại quên mất thứ ta cho rằng không thể nào quên.
Trần Quân học rất giỏi, là lớp trưởng lớp tôi. Cậu không hẳn là một đứa trẻ điển trai, nhưng tôi lại thấy rất thu hút. Quân thậm chí còn chưa cao bằng tôi ngày tôi thích cậu nhưng lại có vẻ chững chạc hơn đa số con trai thời ấy. Ngày đó chúng tôi còn chưa có đồng phục như lũ trẻ bây giờ, nhưng tôi nhớ Quân vẫn luôn mặc áo sơ mi trắng chỉnh tề, chân đi giày ba ta.
Lần đầu tiên tôi để ý đến Quân là trong một giờ sinh học. Vì cùng tổ nên cậu và tôi được phân vào một nhóm. Quân học giỏi nhất, lại chữ đẹp, cả nhóm thống nhất cậu là người viết báo cáo. Thật ra chuyện chẳng có gì, có lẽ cũng không ai để ý, nhưng tôi lại nhớ đến bây giờ. Đó là lúc chiếc bút bi Thanh Long- loại mà hầu như học sinh nào cũng dùng - của cậu hết mực. Quân di ngòi bút trên giấy một lúc, thấy đường nét nhạt dần rồi tắt hẳn. Cuối cùng, cậu dường như đã chấp nhận sự thật, lẩm bẩm nói: "Hết mực rồi."
Sau đó điềm nhiên cất cái bút cũ đi và lấy ra một cái mới. Thực ra chuyện chẳng có gì, nhưng tôi lại đặc biệt bị ấn tượng bởi một đứa con gái như tôi, chưa bao giờ giữ được một cái bút quá ba ngày – tôi lúc nào cũng quăng quật đồ dùng và thậm chí là sách vở khắp mọi nơi – chứ đừng nói đến sử dụng nó đến khi hết mực.
Ngoài ra, Trần Quân còn là một cậu bé hay ngượng ngùng. Mỗi lần nói chuyện với tôi hay những bạn con gái khác đều tỏ ra lúng túng, hai tai đỏ lựng, trông rất dễ thương.
Cuối năm lớp bảy, có một buổi chiều nọ khi đã tan học. Tôi không nhớ lí do vì sao mình ở lại muộn, chỉ nhớ tiết cuối là tiết sinh hoạt. Tôi đi đâu đó rồi nhớ ra mình vẫn để cặp sách ở lớp bèn quay lại đấy. Lúc ấy mọi người đã về gần hết rồi, nắng chiều vàng như nghệ, không hiểu sao hơi đượm buồm. Tôi đi đến cửa lớp, chợt nghe thấy tiếng trò chuyện vẫn vang lên khe khẽ trong đó.
Theo bản năng, chân tôi bước chậm và nhẹ lại, qua lớp kình hơi ố vàng, tôi nhìn cô giáo chủ nhiệm ngồi ở đó,Quân đứng bên cạnh. Tay cậu cầm cặp sách, đầu hơi cúi. Tôi nghe rõ ràng lời cô nói với Quân.
"Em cứ nghĩ kĩ đi, về nói với bố mẹ. Chuyển sang lớp chọn sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Thành tích của em tốt như thế, chỉ cần làm đơn thì chắc nhà trường không có ý kiến gì đâu. Qua hè là chuyển lớp được rồi."
Không hiểu sao, tôi nghe thế trong lòng còn buồn hơn cả nắng vàng. Tôi nghe cả thấy tiếng Quân vâng dạ, rồi cô chủ nhiệm cũng đứng dậy ra về. Tôi đứng nép vào một bên cửa, lí nhí chào khi cô bước qua. Cô có vẻ không để ý tôi lắm, đi rất nhanh. Ngẩng đầu lên, lại thấy Quân đang nhìn mình. Tôi cười, hỏi: "Cậu định chuyển sang a1 à?"
Quân lắc đầu: "Chưa biết."
Tôi lại nói vẻ trêu chọc xuồng xã: "Còn chưa biết gì nữa, lớp bên kia tốt thế, lại nhiều bạn gái xinh. Là cậu thì tớ không chần chừ đến nửa giây đâu đấy!"
Quân hơi cười, không đáp.
Hết lớp bảy mà nói, chúng tôi cũng hơi lớn rồi. Ngay cả khi chỉ tạm xa nhau vài tháng và nếu muốn gặp thì gọi một cú điện thoại bàn, cả lớp vẫn thấy hơi chút bồi hồi. Chúng tôi quyết định tổ chức một buổi đi chơi xa cùng nhau. Nói là đi chơi xa, hành trang cũng chỉ là chiếc xe đạp cào cào và một ít đồ ăn sẵn chuẩn bị. Địa điểm là trấn bên cạnh, nơi có suối và thác nước.
Đó là điều may mắn nhất khi được sinh ra ở một thị trấn miền núi. Thiên niên quanh tôi vô cùng hùng vĩ và tinh khiết. Hôm ấy lớp tôi đi gần đủ. Ngay cả người không mấy khi đi chơi như Quân cũng xuất hiện. Chúng tôi đạp xe từ sáng đến gần trưa, nắng nóng không thể tả. Đứa nào đứa nấy mồ hôi ướt đẫm áo, thế mà đạp xe không biết mệt qua những con đường núi quanh co góc cua chỉ khoảng 60 độ, qua cả những con dốc mà đến xe máy cũng thấy chợn, có đứa mệt quá còn xuống dắt bộ. Chúng tôi vừa đi vừa cười đùa, bao nhiêu mệt mỏi lại tan biến.
Ngày hôm đó là một trong những kí ức đẹp nhất của tôi.
Lúc đến nơi tất cả đều đã thấm mệt. Mọi người đều nhất chí nghỉ ngơi tại một cái hang lớn gần thác nước. Hang đá rất sạch, ngoài một số chỗ có rêu thì đều khô ráo vì thường xuyên có người qua lại. Trong hang, nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng mười độ, còn mát hơn cả điều hòa nhiệt độ bây giờ. Mà theo trí nhớ của tôi, mùa hè ngày đó tuy nóng nhưng cũng không tới mức bức bối và khô héo cả cỏ cây như bây giờ. Chúng tôi cùng ăn trưa và chia sẻ thức ăn, thử của mỗi người một chút cũng no căng bụng.
Ăn uống dọn dẹp xong xuôi, lũ trẻ tràn đầy năng lượng không để phí một phút nào, cùng nhau ùa ra suối nước nư vũ bão.
Nước vừa trong vừa mát. Bọn con trai hầu như đều biết bơi, rất mạnh dạn cở phăng áo phông nhảy xuống tắm. Còn mấy đứa con gái chúng tôi ban đầu chỉ sắn quần, chơi ở những chỗ nước nông. Tôi khỗng rõ chuyện xảy ra lúc nào và ai là người kéo tôi xuống, nhưng chỉ một phút trước tôi vẫn còn đang khô ráo, vờ lần bắt cá bống, một phút sau đã ướt hết cả người. Một khi đã ướt người, cảm giác như không còn gì để mất. Vì thế nên tôi kéo thêm mấy cô bạn nữa xuống. Được một lúc thì danh giới giữa nam và nữ cũng bị xóa bỏ. Chúng tôi hò hét, đùa nghịch, té nước và thậm chí là dìm nhau, vui không đâu kể xiết. Chúng tôi thi lăn, dẫn nhau đi sâu hơn về phía nguồn nước, vừa chơi, vừa canh chừng nhau.
Trời rất nắng, tôi cố hất nước thật nhanh và liên tục để xem có cầu vồng không, lại hất và Trần Quân. Cậu ấy sửng sốt quay người lại nhìn tôi, bộ dạng rất buồn cười. Trần Quân khi đó cả người ướt như chuột lột, mãi tóc không hiểu sao bị rẽ thành ngôi 5:5 bết vào khuân mặt. Đừng thấy Đan Trường để kiểu tóc đó đẹp mà cho rằng ai cũng hợp, hiển nhiên Quân càng không hợp. Dù không cố tình té nước vào Quân, nhưng tôi nhìn cậu ấy, không nén được bật cười khúc khích. Vì thế học sinh gương mẫu lớp tôi tỏ rõ lòng hiếu chiến, nhân lúc tôi không phòng bị, kéo tôi ngã xuống nước. Lại không hiểu cuối cùng thế nào mà cả tôi cả cậu đều ngã, cùng nhau uống không biết bao nhiêu nước hồ.
Khi Vui vẻ, thời gian qua rất nhanh. Dù còn muốn chơi tiếp nhưng tất cả đều ý thức được đã muộn nên kéo nhau ra về.
Vì cùng là người trong thị trấn, con đường tôi và Quân đi với nhau rất dài. Lúc về, mỗi đứa rẽ một ngả, ai cùng thấm mệt nên không còn đông như trước và không khí cũng yên lặng hơn. Tôi đạp xe cạnh Quân. Trong lòng không kiềm chế được thôi thúc quay sang nhìn trộm cậu. Thấy một bên mặt Quân đang được mặt trời phía tây chiếu sáng, sống mũi rất cao, môi hơi mím. Gió đã hong khô tóc và áo cậu từ lúc nào. Trái tím đột nhiên nảy nở một thứ tình cảm quá đỗi lạ lùng.
Nhưng mà lớp bảy, vẫn là độ tuổi quá nhỏ. Thời tôi thiếu niên cũng không tinh ranh như những thế hệ 9x, 10x về sau. Tôi nào đâu biết tình cảm trong lòng vì đâu mà có, cũng không có hứng khởi tìm rõ căn nguyên. Tôi làm chuyện mà sau này phát hiện đó dường như là năng khiếu của bản thân: Lờ đi cảm xúc của chính mình.
Rốt cuộc, lên lớp tám, Quân theo nguyện vọng của cha mẹ chuyển sang lớp chọn. Buổi sáng hôm khai giảng, chúng tôi đều đeo khăn quàng đỏ, mặc áo sơ mi trắng. Qua mấy hàng người, tôi nhìn thấy gương mặt nghiêng nghiêm nghị của Quân xếp hàng cách lớp tôi mấy lớp, cảm thấy vô cùng mất mát. Vừa hay, lọt vào tầm mắt tôi là Ngọc, Ngọc tưởng tôi đang nhìn mình, cười rất tươi đến nỗi hai má đồng tiền lún xuống sâu hoắm, vẫy tay với tôi.
Kì thật, mùa hè năm đó tôi với Ngọc không gặp nhau nhiều lắm. Suốt mấy tháng liền cô ấy đi về quê nội ngoại, rồi cả quê nội mới có vẻ rất bận rộn. Đến gần năm học mới về. Ngọc cũng không còn nhiều thời gian lang thang cùng tôi nữa, đứa em trai mới sinh lúc nào cũng khiến cô bận rộn. Nào là nấu cháo, tắm rửa, trông em, một đứa trẻ thôi mà biết bao nhiêu chuyện phiền mức.
Đứa em trai mới của Ngọc tên là Duy.
Lần đầu tiên tôi chính thức ở cạnh nó là khi Duy khoảng ba tháng. Buổi chiều buồn chán tôi sang nhà Ngọc tìm cô ấy chơi. Mẹ Ngọc và cha dượng đi đâu đó, để ại mình cô ấy với em trai. Ngọc ngồi trên ghế bế em, đứa bé vài tháng tuổi, trên đầu vẫn còn chưa mọc đủ tóc lọt thỏm trong vòng tay mảnh khảnh của cô.
Tôi hiếu kì chạm chạm vào khuân mặt bụ bẫm của thằng bé, khiến nó thích thú cười lên. Trong một giây, tôi sững sờ vì em trai ngọc lúc cười sao mà giống cô ấy quá, cũng có hai má đồng tiền và đôi mắt cong như vầng trăng khuyết.
Ngọc hỏi tôi: "Cậu muốn bế không?"
Tôi rụt rè lắc đầu, có cảm giác sợ hãi rằng mình sẽ làm đau hoặc làm rơi đứa nhỏ.
Ngọc cười khúc khích, vừa bế em vưa xem ti vi, nom giống hệt như một bà mẹ nhỏ tuổi.
.....
Tôi cứ chìm đắm trong những kỉ niệm cũ như thế, lúc bừng tỉnh thì nhận ra đã không còn sớm nữa. Cuối chân trời, mặt trời đỏ như quả hồng không hạt, những đám mây hồng kéo nhau từ chân trời đến chân núi, nhuộm không gian một màu vàng mỡ ngã. Mẹ tôi nói, trời ráng thế này thì thể nào cũng có mưa đấy. Nhiều lúc tôi ngạc nhiên vô cùng trước sự hiểu biết của một người chưa từng học hết lớp năm như mẹ tôi. Kinh nghiệm bao nhiêu năm cho tôi biết bà thể nào cũng đúng. Vì thế tôi rảo chân bước về nhà, bắt gặp mẹ tôi đang cất quần áo vào nhà. Cũng như nhiều nhà khác, chúng tôi treo quần áo trên một sợi dây thép rắn chắc buộc ngang qua mảnh vườn nhỏ. Sợi dây ấy bao nhiêu năm dường như không thay, giờ đã hơi bám một lớp rỉ đen vàng, tôi loáng thoáng thấy được hình ảnh mình hồi còn bé cố vịn tay đánh đu trên đó, cảm giác vừa thích thú vừa lo sợ rằng sợi dây sẽ đứt và ngã xuống đất. Nhưng sợi thép chưa bao giờ làm tôi thất vọng, vẫn vững chãi ở đó, hằn lên tay tôi một đường đỏ sâu. Rất lâu rồi Tôi nói với mẹ đóng một chiếc giá phơi tử tế. Mẹ tôi chỉ gật đầu cho có nhưng không làm gì cả. Có những nếp sống, đã ăn sâu vào tiềm thức. Đôi khi ta sống trong xã hội hiện đại, tự cho thế hệ trước là gàn dở, mà khônghiểu được cảm giác quen thuộc và an toàn thế nào khi không thay đổi.
Có lẽ thời gian ta cảm nhận được rõ nhất sự thay đổi của ánh sáng chính là khi chạng vạng. Tôi giúp mẹ cất quần áo xong xuôi, quay đầu lại thì ráng chiều đã tắt mất, bóng tối lờ mờ bao phủ khắp nơi, không còn nhìn thấy được lớp sương trắng bao quanh đỉnh ngọn núi gần nhà tôi nữa. Tôi đi vào nhà, lần công tắc điện trên tường, nhấn một cái. Không ngờ cái bóng đèn lì lờm lại không chịu phát sáng. Tôi tắt công tắc đi và bật lại một lần nữa. Gian nhà vẫn tối om. Tôi mất kiên nhẫn nhấn mạnh vào cái công tắc thêm mấy lần, thì nghe thấy tiếng mẹ tôi ở ngoài vọng vào: "Đừng cố nữa, chắc là mất điện rồi."
Mất điện. Tôi ngẩn người một lúc, sau đó bật cười. Ở thành phố quá lâu rồi, quen với những con phố sáng đèn cả đêm, tôi hình như đã quên mất chuyện người ta cắt điện ở một thị trấn miền núi xảy ra thường xuyên như thế nào.
Suốt thời nhỏ và cả thời niên thiếu, tôi đã sống trong cảnh thiếu thốn điện nhiều quá đỗi.
Vào mùa đông còn đỡ, chứ những mùa hè như thế này, buổi tối không có điện là rất bình thường. Trời thì rất nóng và nhiều muỗi. Khi đó nhà tôi vẫn là căn nhà mái cọ kiểu cũ chưa xây, có một mái hiên rất cao. Nhà tôi thường dải chiếu ra đó ngồi ăn cơm, ăn cơm xong lại ngồi bên ngoài cho mát. Mẹ tôi cầm chiếc quạt đan bằng cói, quạt cho tôi và anh trai. Hai đứa tôi mỗi đứa gối một bên đùi mẹ, vừa than thở rằng bị muỗi đốt, vừa nghe bố tôi kể chuyện ngày nhỏ đi mót gạo và câu trộm cá ở ao nhà người ta.
Cả bố mẹ tôi đều không phải người ở đây, đều vì miếng cơm manh áo mà mới chuyển đến vùng núi này. Bố tôi nói là do ngày xưa bố theo người ta lên đây khai thác than đá. Vì thế những câu chuyện tuổi thơ của bố mà bố kể cho tôi xảy ra ở một không gian rất khác với nơi này. Nơi mà không có rừng núi và suối, chỉ có những cánh đồng trải dài bất tận, trải dài theo dọc bờ sông hồng to lớn, thứ duy nhất che chắn tầm nhìn của ta chỉ là những bụi tre làng. Và ngay cả khi có vượt qua bụi tre ấy để sang tới làng khác thì khung cảnh vẫn chỉ là những mái ngói lưa thưa và những cánh đồng bất tận.
Thời bố tôi rất nghèo, còn nghèo hơn tôi thời nhỏ, chưa đến mười tuổi ông đã phải theo anh trai ra đồng mót gạo sau mỗi vụ gặt. Gạo mót thì có khi đủ ăn, có khi không đủ. Qua vụ gặt, người ta đốt rơm và cày bừa xong, tháo nước vào ruộng để cấy mạ thì ông lại đi câu lươn và bắt cá rô đồng. Mỗi lần hồi tưởng lại, bố tôi đều tầm tắc: "Thịt của cá rô đồng ngày đó vừa ngọt vừa thơm, không như bây giờ người ta nuôi đâu."
Vì bố tôi cứ nhớ hương vị của cá rô đồng mãi như thế, nên có một lần mẹ tôi mua về, làm sạch rồi rán vàng đúng như ông muốn, chẳng hiểu sao bố tôi lại không thấy ngon miệng như trước. Hình như, kí ức thì lúc nào cũng đẹp đẽ hơn cả và thiếu thốn thì cũng thi vị hơn là đủ đầy.
Nhiều buổi tối. Bố tôi kể xong chuyện làm món lươn cuốn lá sán thuyền rồi mà vẫn chưa có điện, gia đình tôi đành phải đóng cửa đi ngủ, dẫu sao cũng không thể ngồi ngoài sân cả đêm được.
Dưới ánh nến mập mờ, mẹ tôi lần mò mắc màn, tôi và anh trai ngồi bên ngọn nến đã cháy chỉ còn một phần tư, làm hình thù các con vật. Bóng của bàn tay đổ lên tường, bàn tay bé nhỏ mà trở nên vô cùng to lớn, tôi làm con chim, con thỏ xong lại làm đến con chó và con công. Anh tôi thậm chí còn vờ kêu tiếng chó cho cảnh thêm sinh động. Anh ấy thường gầm gừ một cách rất kì quặc trong cổ hong, lúc tô nói thì nói đó là tiếng thỏ kêu. Vì vậy, tôi sống bao nhiêu năm sau với niềm tin lệch lạc rằng con thỏ có thể kêu như thế.
Cũng may, thời bây giờ thủy điện phát triển. Người ta trông cắt điện một cách kéo dài và triền miên như thế, chỉ một lúc sau, bóng đèn đột nhiên sáng. Tôi biết là có điện rồi.
Lúc ăn cơm, nhìn đám côn trùng bò vào nhà rất nhiều, mẹ tôi nói: "Tối nay mưa to lắm đây!"
Quả vậy, đến gần ba giờ sáng, tôi bị tỉnh giấc bởi tiếng mưa ồn ào. Mưa rất lớn, rơi trên mái tôn nghe ầm ĩ như có người đang dùng búa nện vào. Tôi vùi mình vào trong chăn, cố trở lại với giấc ngủ. Dù mưa luôn mang đến cho tôi một cảm giác dễ chịu thì bị đánh thức vào ba giờ sáng vẫn chẳng khiến tôi thoải mái chút nào.
Hơn nữa, như vẫn nói. Mưa chứa đựng vô vàn cảm xúc của tôi. Bởi vì ở một thị trấn miền núi ẩm thấp, mưa cứ rơi liên tục, đồng nghĩa với việc những chuyện vui và cả những chuyện buồn của tôi, xảy ra dưới khung cảnh mưa nhiều tới không đếm nổi.
Mẹ tôi hỏi: "bao giờ thì con lại đi."
Mặc dù bà tỏ vẻ thờ ơ nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi buồn của người mẹ không được ở gần các con. Tôi và anh trai đều đã trưởng thành, có cuộc sống riêng và đều quyết tâm rời bỏ nơi mình lớn lên.
Tôi không rõ lý do của anh tôi là gì. Nhưng tôi lại rất rõ lý do của bản thân. Nơi này khiến tôi bức bối.
Điều đó không phải thật nực cười sao? Khi mà tôi có thể sống giữa một thành phố xô bồ, đầy bụi bặm, hơi người dày đặc trong không khí như một màn sương và xám xịt bởi màu của bê tông, thế mà lại thấy ngột ngạt giữa thiên nhiên bao la và quen thuộc.
Người ta vẫn nói những chuyện xảy ra với ta quyết định ta là ai. Về sau, tôi có một thói quen vô cùng xấu mà tôi luôn muốn sửa đổi, đó là nói dối. Thật ra, gọi là nói dối có vẻ hơi quá. Tôi vẫn là người rất thành thật trong công việc, tôi chỉ nói không đúng sự thật về bản thân mình.
Kiểu như nếu gặp gỡ một người và nói chuyện với người đó, tôi thường nói những thứ sai lệch về bản thân, ví dụ như sở thích, tên trường cấp ba, một vài chuyện lặt vặt trong quá khứ.
Khi phat hiện ra thói quen xấu này, tôi đã hoảng hốt về bản chất dối trá của mình. Nhưng bây giờ thì không thế nữa, theo tháng năm, tôi phát hiện ra rằng đó không phải vì tôi là con người dối trá, mà là sợ sợ hãi khi phải bộc lộ bản thân một cách chân thực và toàn vẹn về bản thân với người khác. Điều đó khiến tôi cảm thấy như mình bị trần trụi và không được bảo vệ.
Và hơn nữa, có thể trong thâm tâm tôi, muốn những chuyện xảy ra với mình khác đi, để tôi có thể trở thành một con người khác. Điều đó không có nghĩa là thời thiếu niên của tôi đã xảy ra những chuyện gì kinh khủng. Ngược lại, tôi thấy bản thân mình còn may mắn hơn nhiều người vì tôi có một gia đình nhìn chung là êm ấm, một môi trường sống xinh đẹp và yên bình. Tất nhiên, có những chuyện tôi không muốn nhìn lại, thậm chí là xấu hổ với bản thân khi nhớ tới, nhưng trưởng thành, ai mà chẳng có những chuyện như thế đúng không?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top