Chương 4: Mười Tháng Mười Ngày.
MƯỜI THÁNG MƯỜI NGÀY
Các cơn đau chuyển dạ vẫn cách nhau chừng hai mươi phút nên họ chưa cho cháu vào phòng chờ sinh. Nên chúng ta nói chuyện ở đây được không ạ? Phòng đợi này thật tối tăm rùng rợn, nhưng sẽ không có ai làm phiền khi chúng ta trò chuyện, vì thế để nói về vụ án đó, như thế này trái lại sẽ tốt hơn. Vả lại ở đây còn có máy bán hàng tự động nữa... Mà cô đã từng uống cà phê lon bao giờ chưa?
Ồ, cô thích món đó à? Ngạc nhiên thật.
Tối nay ngoài cháu ra còn có năm sản phụ nữa, hình như các cơn đau chuyển dạ của họ giờ chỉ cách nhau mười phút, hẳn vì bận rộn nên các cô y tá tỏ vẻ khó chịu ra mặt bảo cháu: "Lẽ ra chị không cần tới đây sớm thế..." Cháu cũng đâu có định tới sớm thế này, vả lại cháu cũng chỉ ghé vào để chào hỏi thôi, cô thấy họ như thế có bất lịch sự không? Cháu vẫn nghĩ sinh nở là một việc thiêng liêng, đáng được mọi người trân trọng và biết ơn cơ đấy. Bởi gần đây, tình trạng thiếu trẻ em đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà.
Mỗi lần tới khám đều không đông như thế này, vậy mà đúng vào hôm nay lại đông đúc, rốt cuộc là sao thế nhỉ. Cuộc đời cháu lúc nào cũng giống như một "vai phụ", nhưng cháu chưa từng nghĩ ngay cả lúc đi sinh con mà mình cũng bị đối xử như một công đoạn trên băng chuyền thế này. Hẳn là từ khi sinh ra số cháu đã đen đủi rồi.
Còn vài ngày nữa mới tới ngày dự sinh, thậm chí trong buổi khám tuần trước bác sĩ còn bảo chắc sẽ sinh muộn hơn ngày dự sinh đó, nhưng có lẽ vì hôm nay hiếm hoi lắm cháu mới ra ngoài vào buổi tối, nên bào thai trong bụng đã bị ánh trăng tác động. Chúng ta vẫn hay nghe chuyện đó nhỉ.
Ngày dự sinh là ngày 14 tháng Tám.
Cô có nghĩ, một năm có tới ba trăm sáu mươi lăm ngày, tại sao rơi vào đúng ngày này không? Chỉ cần lệch đi một ngày là đủ. Nhưng bác sĩ đã nói là ngày đó rồi, đâu có thể làm gì khác được.
Hình như có nhiều người không biết cách tính ngày dự sinh hơn chúng ta tưởng. Dù vốn dĩ, việc khoảng thời gian mang thai sẽ kéo dài trong "mười tháng mười ngày"* đã là một kiến thức sai lầm...
Theo cách tính của người Nhật, mười tháng mười ngày là khoảng thời gian mang thai của người mẹ.
Ví dụ, nếu bác sĩ thông báo ngày dự sinh là ngày mùng 10 tháng Mười, nhiều người sẽ tính đơn giản là trừ đi mười tháng mười ngày và nghĩ rằng ngày họ có quan hệ thân mật là ngày mùng 1 tháng Một. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ngày dự sinh không phải là mười tháng mười ngày tính từ ngày giao hợp, mà là bốn mươi tuần, tức hai trăm tám mươi ngày kể từ ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Nghe có vẻ rắc rối, nhưng ta có thể tính bằng cách khác là lấy tháng có ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt cuối cùng trừ đi 3, nếu không trừ được thì cộng thêm 9, ngày thì cộng thêm 7 là ra.
Thế nên, trong trường hợp này, ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt cuối cùng sẽ là ngày mùng ba tháng Một. Vì kỳ kinh kéo dài khoảng một tuần, và trứng sẽ rụng sau đó khoảng một tuần, nên ngày giao hợp dẫn đến việc mang thai khả năng cao sẽ rơi vào khoảng từ ngày 15 đến ngày 19 tháng Một.
Chuyện này nói với một người đã có kinh nghiệm sinh nở như cô cũng chẳng để làm gì nhỉ. Hầu hết mọi người sẽ không để ý xem đứa bé được thụ thai vào ngày nào, nhưng cô bạn thân Yamagata hồi cấp ba của cháu nghe nói đã suýt rơi vào cảnh ly hôn chỉ vì chuyện đó.
Cụ thể là, sau khi kết hôn với một anh chàng đứng đắn và chăm chỉ, Yamagata thấy xuất hiện dấu hiệu mang thai, sau khi khám ở bệnh viện, cô được thông báo mình đã mang thai ba tháng, bèn vui mừng báo tin cho chồng. Chồng cô cũng rất vui và hỏi ngày dự sinh rồi ấn một dấu tròn rất mạnh lên cuốn lịch, rồi đột nhiên anh ta thắc mắc đứa bé đã được thụ thai ngày nào. Vậy là anh bèn giở lại lịch xem mười tháng mười ngày trước đấy, thì thấy đó là ngày mình đi công tác nên đâm ra nghi ngờ.
Anh ta hỏi ngay lúc ấy: "Có đúng là con của anh không? Hay đứa con này là do em đi ngoại tình với thằng nào trong lúc anh đi công tác mà có?" Rồi anh ta dồn ép Yamagata và làm ầm ĩ lên: "Em nói sự thật đi. Đưa điện thoại cho anh xem mau!" Yamagata cũng chỉ nghe bác sĩ thông báo ngày tháng như vậy, vì không biết cách tính nên không biết giải thích với chồng ra sao, chỉ biết khăng khăng nói, "Em không ngoại tình." Dần dần, cô đâm nghi anh chồng làm gì khuất tất nên mới nghi ngờ mình như vậy, và đã hét thẳng vào mặt chồng nghi vấn đó, cuộc nói chuyện trở thành một cuộc cãi vã lớn.
Đôi bên không bên nào chịu nhượng bộ, cuối cùng anh chồng tuyên bố nếu biết đứa trẻ không phải con anh ta, anh ta sẽ ly hôn ngay lập tức. Cái thai mới ba tháng, chẳng biết có thể kiểm tra được điều đó không, nhưng ngày hôm sau hai vợ chồng đã tới bệnh viện và yêu cầu xét nghiệm DNA.
Lúc đó họ mới được cô y tá chỉ cho cách tính ngày dự sinh và biết mình đã hiểu nhầm tai hại cỡ nào. Đứa trẻ đó được kết tinh trong một đêm mặn nồng sau khi người chồng đi công tác hai tháng trở về. Thật là một đôi vợ chồng bộp chộp. À mà cô bạn Yamagata đó đang làm trong công ty chế tạo máy Adachi đấy... nhưng chuyện này không liên quan gì nhỉ. Nếu cặp đôi nào cũng có thể giống như đôi vợ chồng đó, suy nghĩ gì trong lòng đều nói hết cho nhau nghe thì tốt biết bao. Bởi chỉ trong một ngày họ đã có thể giải tỏa mọi nghi hoặc trong lòng. Nếu vì ngày dự sinh mà nỗi nghi ngờ bạn đời ngoại tình cứ âm ỉ trong lòng, thì chắc chẳng ai có thể chịu được.
Nhưng ngược lại, cũng có người thở phào nhẹ nhõm vì kết quả tính toán sai đó.
Như người anh rể, chồng chị gái cháu vậy.
Trừ mười tháng mười ngày từ ngày 14 tháng Tám, sẽ ra ngày mùng 4 tháng Mười một. Ngày có quan hệ thân mật là ngày 21 tháng Mười một, nên đó không phải là con mình.Hình như anh ta đã nghĩ, đúng hơn là đã nhắc đi nhắc lại với chính mình như vậy.
Cháu chưa từng nói với anh rể rằng đó là con của anh, cũng không thể thú thực danh tính cha của đứa bé với bố mẹ và chị gái được, nên đã nói bừa bố đứa bé là cấp trên của cháu và anh rể cháu thì tin điều đó.
Đứa bé trong bụng cháu chắc chắn là con của anh rể. Nhưng cháu không thể trách cứ gì anh ấy. Bởi chính cháu đã dụ dỗ anh. Bốn năm trước, lần đầu tiên chị gái dẫn anh về nhà, cháu đã thích anh rồi.
Thích ở điểm nào ư? Không hẳn là vẻ ngoài hay tính cách, đó là cảm giác... à không, chính là vì nghề nghiệp của anh ấy. Vì anh ấy là cảnh sát nên cháu đã thích. Từ bé cháu đã thích phim hình sự, nhưng thời điểm cháu mang cảm tình đặc biệt đối với những người trong ngành cảnh sát lại là sau ngày Emily bị giết.
Chắc cô cũng nghe từ ba người kia rồi, ngày hôm đó, theo phân công của Maki, cháu đã chạy tới đồn cảnh sát. Đồn cảnh sát nằm trên đường đi học, ngày nào cháu cũng đi qua, nhưng đó là lần đầu tiên cháu bước chân vào đó. Bởi cháu chưa từng nhặt được đồ rơi hay làm chuyện xấu xa gì.
Nhưng Emily đã từng coi cháu là kẻ trộm đấy. Cô không biết chuyện đó ư?
Xin lỗi cô, bụng cháu đau quá, cô đợi cháu năm phút nhé...
Maki cũng đã kể về trò chơi thám hiểm rồi. Kinh khủng thật, những chuyện cậu ấy nói ở buổi họp phụ huynh bất thường đó đã được công bố nguyên xi trên mạng. Có vẻ một vị phụ huynh nào đó đã mang máy ghi âm theo. Lúc này không phải cô cũng đang ghi âm đấy chứ? Mà thôi, sao cũng được...
Người nhận ra việc có thể vào căn biệt thự bỏ hoang đó là cháu. Nhà cháu chuyên trồng nho, nhưng trên đời này cháu ghét nhất là phải phụ giúp việc trồng trọt. Nếu sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm công ăn lương, cháu sẽ không phải làm những việc đó. Nhưng chẳng màng tới ý muốn của cháu, chỉ vì sinh ra trong gia đình nhà nông mà cháu phải làm không công những việc ấy, trên đời này liệu còn có nỗi bất công nào hơn thế. Nhưng cũng không hẳn toàn chuyện khó chịu. Bởi ở đó có căn biệt thự kia. Phía sau cánh đồng nhà cháu là khu đất của biệt thự, nên những lúc bị bắt ra đồng làm, cháu thường tranh thủ giờ nghỉ để đi quanh khu biệt thự như thể nó là vật sở hữu của nhà mình, vẻ ngoài ngôi nhà rất đẹp, chắc bên trong cũng phải đẹp lắm. Nghĩ thế, cháu đã nhiều lần thử đi tìm một khe hở nào đó để nhìn vào trong, nhưng cả cửa sổ lẫn cửa ra vào đều bị bịt kín bởi những tấm ván lớn.
Nếu mang bánh kẹo hoặc cơm hộp tới ăn dưới gốc cây bạch dương trồng cạnh căn biệt thự, chẳng phải sẽ rất giống bữa tiệc trà của một cô bé ngoại quốc sao? Người nghĩ ra điều này là chị cháu. Chị hơn cháu ba tuổi, rất giỏi nghĩ ra những trò chơi khiến tâm trạng trở nên vui vẻ, thời gian đó cháu rất thích chị mình.
Dù sao cũng mất công tới đó, phải mang theo thứ gì hợp với ngôi biệt thự ấy mới được. Thế rồi, đêm trước khi ra đồng, chị cháu sẽ nướng bánh quy hoặc làm những chiếc bánh sandwich rất đẹp cho cháu. Nói là đẹp nhưng nhân bên trong rất bình thường. Bởi siêu thị chốn thôn quê chẳng bao giờ bày bán những món thịt nguội hay pho mát hiếm lạ. Chỉ có trứng, giăm bông, dưa chuột... Và chị đã gói chiếc bánh sandwich bình thường đó vào những tờ giấy bọc rất dễ thương, bọc lại như những chiếc kẹo hoặc cắt thành hình trái tim cho cháu. Rồi chị sẽ gói bánh thêm một lần nữa bằng chiếc khăn tay họa tiết dâu tây có bèo ở mép vải và đặt vào giỏ là hoàn tất.
Chị cháu bị hen suyễn nặng nên rất ít khi bị bố mẹ bắt ra đồng làm việc, nhưng chị luôn làm những món đó cho cháu. Cô không nghe nhầm đâu, là hen suyễn đó. Dù ở thị trấn có không khí trong lành nhất Nhật Bản hay ở bất cứ nơi đâu, thì người mắc bệnh vẫn cứ mắc thôi.
Một ngày đầu tháng Sáu, vào giờ giải lao, cháu mang theo bánh quy chị nướng cho, một mình tiến về phía tòa biệt thự. Đi từ phía cánh đồng thì sẽ tới mặt sau của tòa nhà, và ngày hôm đó mặt sau tòa nhà ấy có chút khác thường. Mọi khi cánh cửa phía sau nhà sẽ bị tấm ván lớn che kín không nhìn thấy, nhưng hôm đó cánh cửa hiện ra rõ ràng trước mắt cháu. Cánh cửa làm bằng gỗ màu nâu đen, trên cửa có gắn tay nắm cửa màu vàng kim.
Biết đâu cửa không khóa cũng nên. Vừa háo hức nghĩ thế, cháu vừa vặn tay nắm cửa, thì thấy cửa đã bị khóa. Cháu hơi thất vọng, nhưng nhìn thấy lỗ khóa với phần trên tròn và phần dưới hình thang bên dưới nắm cửa, cháu nhớ ra đã từng xem trên ti vi cảnh có người dùng kẹp tăm nhét vào ổ khóa này và mở ra được. Cháu bèn tháo kẹp tăm đang kẹp tóc mái của mình xuống, làm thử với không mấy hy vọng, nhưng khi di chuyển kẹp tăm lần theo các nấc bên trong lỗ khóa, cảm thấy kẹp tăm bị mắc vào chỗ nào đó, cháu bèn giữ nguyên vị trí kẹp và chầm chậm xoay thì chợt ổ khóa kêu tách một tiếng và cửa được mở ra. Toàn bộ quá trình không mất tới một phút.
Khẽ khàng mở cánh cửa nặng trịch, trước mắt cháu là phòng bếp. Ở đó chỉ bày những món đồ mô phỏng đại khái, không có bát đũa xoong chảo gì, nhưng phía bên trong có một thứ giống như quầy bar bằng gỗ, cháu chợt có cảm giác như thể mình vừa lạc tới một đất nước xa lạ nào đó vậy.
Nhưng cháu không có can đảm bước vào bên trong một mình. Đầu tiên cháu nghĩ hay là kể cho chị nghe, nhưng rồi lại lưỡng lự về việc dẫn chị tới nơi đầy bụi bặm này. Bệnh tình chị trở nặng thì sẽ phiền phức lắm. Vì thế ngày hôm sau cháu kể cho Maki nghe. Bởi tuy chưa được bằng chị cháu, nhưng Maki cũng đã đề xuất rất nhiều trò chơi vui cho cả nhóm.
Có những trò cần rất nhiều người chơi, nhưng nếu việc lẻn vào khu biệt thự bị các anh chị lớp trên hoặc người lớn biết thì nguy, nên chúng cháu quyết định sẽ đi thành nhóm nhỏ, cuối cùng chỉ rủ các bạn cùng lớp ở khu phía Tây thị trấn. Đó đồng thời cũng là những thành viên đã có mặt trong ngày xảy ra vụ án.
Cháu mở khóa và ngay khi cả năm đứa nín thở bước vào bên trong, cả bọn bắt đầu hét tướng lên vì thích thú. Đó là lần đầu tiên cháu nhìn tận mắt lò sưởi, giường công chúa và bồn tắm gắn bốn chân hình chân mèo. Ở nhà Emily cũng có nhiều thứ lần đầu tiên cháu nhìn thấy trong đời, nhưng không có gì khiến lòng cháu trống trải bằng việc thấy một món đồ xinh đẹp thuộc sở hữu của người khác. Đương nhiên, căn biệt thự đó không phải của cháu, nhưng nó cũng không thuộc về ai trong số năm đứa chúng cháu cả. Vả lại, ngay cả Emily cũng nói đó là lần đầu tiên bạn ấy nhìn thấy lò sưởi. Căn biệt thự trở thành lâu đài, và là căn cứ bí mật của tất cả chúng cháu.
Khi có được căn cứ bí mật trong tay rồi, Emily bèn đề xuất một trò chơi rất thú vị. Cậu ấy nói, chúng mình hãy giấu báu vật vào trong lò sưởi đi. Không chỉ vậy, hãy giả như vật báu ấy là di vật của ai đó rồi giấu cùng bức thư gửi cho người ấy. Vốn đang trong độ tuổi nói dối một cách hồn nhiên, chúng cháu say mê với trò chơi, mỗi đứa mang một bộ gồm vật báu và giấy viết thư đến, rồi ngồi viết thư trong phòng khách của căn biệt thự. Cháu quyết định giả như chị mình đã chết.
Chị ơi, cảm ơn chị đã luôn tốt với em. Em sẽ cố gắng để bố mẹ không quá đau khổ, chị hãy yên nghỉ nơi thiên đường chị nhé.
Cháu nhớ nội dung bức thư dạo đó kiểu như vậy. Trong lúc viết, tâm trạng cháu giống như chị gái thực sự đã chết, nước mắt dâng lên. Cháu bỏ bức thư ấy cùng tấm thiệp có gắn hoa khô ép được chị gái mua cho nhân chuyến du lịch tham quan cuối khóa vào trong một chiếc hộp rất xinh - nghe nói ban đầu đựng bánh quy - do Emily mang từ nhà đến.
Chúng cháu nhét thư vào phong bì dán kín, nhưng báu vật thì có cho nhau xem. Báu vật của Sae là một chiếc khăn tay, Maki là bút chì kim, Akiko là móc khóa, nói chung đều là những thứ rất trẻ con, chỉ riêng báu vật của Emily là khác. Đó là một chiếc nhẫn màu bạc có gắn viên đá đỏ. Ngay cả mấy đứa trẻ quê mùa như chúng cháu cũng biết đó không phải đồ chơi. Cháu đã quen nhìn những món đồ quý giá của Emily, nhưng vẫn bị chiếc nhẫn đó thu hút ngay lập tức.
"Tớ đeo thử được không?" Cháu vô tư đưa tay ra, nhưng Emily nói một câu như thể câu thoại của nàng công chúa trong truyện cổ tích: "Chiếc nhẫn này ngoài tớ ra không ai được phép đeo cả." Rồi Emily cẩn thận cất nó vào hộp trước mắt chúng cháu.
Nếu thế thì còn đem đến đây làm gì.Lời lầm bầm gần như khó chịu cháu nói phía sau lưng Emily đang lúi húi cất chiếc hộp chứa báu vật của mọi người vào trong lò sưởi, hình như đã bị Emily nghe thấy.
Khoảng một tuần sau đó, Emily tới nhà tìm cháu.
Quá trưa ngày Chủ nhật, vì trời mưa suốt từ sáng đâm cháu nghĩ chắc hôm nay mọi người không tới biệt thự đâu. Nhưng trong lúc cháu nằm trong phòng đọc truyện tranh thì Emily tới. Chúng cháu không thân nhau lắm, nên cháu đã rất ngạc nhiên khi thấy Emily một mình đến nhà mình như vậy. Khi cháu ra cửa gặp, Emily thì thầm nhưng điệu bộ vô cùng hoảng hốt.
"Mẹ tớ đang đi tìm cái nhẫn. Yuka đi cùng tớ tới biệt thự lấy về được không?"
Chiếc nhẫn chính là báu vật của Emily. "Cậu lén giấu mẹ mang nó tới đó hả?" Cháu hỏi, thì nhận được câu trả lời phức tạp: "Tuy nó được cất trong tủ đồ của mẹ nhưng nó là đồ của tớ." Ở nhà cháu, mẹ cháu cũng hay nói khi nào chúng cháu lớn lên thì mẹ sẽ cho chị cháu chiếc nhẫn cưới của mẹ, còn cháu sẽ được nhận chiếc nhẫn của bà, nên cháu nghĩ chắc chiếc nhẫn này của Emily cũng như vậy.
Cháu ngay lập tức hiểu ra lý do Emily tới tìm mình. Bởi chỉ có mình cháu mở được khóa cửa biệt thự bằng kẹp tăm. Nhìn cháu tháo chiếc kẹp tăm đang kẹp tóc mái của mình xuống và mở khóa, đứa nào cũng nói muốn làm thử. Vì thế cả bọn lần lượt thử mở, nhưng không hiểu sao chẳng đứa nào mở được. Cùng một chiếc kẹp tăm ấy. Chỉ cần đưa kẹp tăm vào một ngách bên trong lỗ khóa rồi vặn thôi, nhưng dù cháu có giải thích thế nào, mấy đứa cũng không tìm được cái ngách ấy. Akiko ngốc nghếch không tính, nhưng cháu ngạc nhiên khi ngay cả Maki và Emily - những đứa dễ dàng làm được mọi bài tập trên lớp - cũng không thể mở được. Lúc đó Sae chợt cất tiếng nói:
"Vì Yuka rất khéo léo mà."
Một đứa làm gì cũng chỉ ở mức trung bình như cháu chưa bao giờ nghĩ bản thân mình khéo léo, nhưng nghĩ kỹ đúng là từ nhỏ cháu đã giỏi mấy thứ kiểu cảm nhận thế này. Lực bàn tay yếu nhưng cháu vẫn mở được nắp những chai lọ vặn chặt, cháu còn rất giỏi gỡ những sợi dây đã rối tung và lắp ghép những mô hình được tặng kèm các cuốn tạp chí truyện tranh nữa.
Cháu cùng Emily tới biệt thự, mở cửa sau một cách dễ dàng, tiến vào phòng khách nơi có lò sưởi. "Cảm ơn cậu nhé. Cậu chờ tớ chút nhé." Vừa nói Emily vừa chui đầu vào trong lò sưởi, rồi một lúc sau, cậu ấy nói "Không thấy", đoạn ngoảnh mặt lại phía cháu.
Cháu thò đầu nhìn vào, nhưng cũng không thấy chiếc hộp vốn đặt ở góc phía trước bên phải đâu. "Đúng là không có thật." Vừa nói cháu vừa thò đầu ra khỏi lò sưởi, thì thấy Emily đang nhìn mình chằm chằm.
"Là cậu lấy đúng không?"
Ban đầu cháu không hiểu cậu ấy đang nói gì, nhưng nhìn ánh mắt lạnh lùng của cậu ấy, cháu hiểu ra mình đang bị nghi ngờ. Lòng bứt rứt vì không hiểu sao mọi chuyện lại thành ra như vậy, cháu hét lên đáp trả: "Không phải tớ." Tức thì Emily cũng nói với giọng đanh thép.
"Chắc chắn là cậu. Bởi chỉ có cậu mới mở được cánh cửa nhà này. Cậu giận vì tớ không cho cậu đeo thử nên đã làm thế đúng không? Cậu làm thế là ăn trộm đấy. Vả lại, tớ biết tỏng ra rồi, rằng ngoài ra cậu còn ăn trộm những thứ khác nữa. Cậu đã ăn trộm cục tẩy của Sae đúng không? Tớ đã thấy cậu lén lút dùng cục tẩy mà Sae đánh mất. Nếu cậu không chịu trả lại nhẫn, tớ sẽ mách bố tớ."
Nói xong, Emily khóc váng lên. "Trả lại nhẫn cho tớ đi. Đồ ăn trộm, đồ ăn trộm..." Vừa khóc cậu ấy vừa gào lên như thế. Có nhiều câu cháu muốn đáp trả, nhưng cháu nghĩ, dù nói gì chắc cũng vô ích thôi.
Cháu muốn đáp trả gì ư? Ví dụ như chuyện cục tẩy. Cục tẩy mà Sae đánh mất là thứ mà mọi cô bé ở khu phía Tây thị trấn đều có. Bởi đấy là quà tặng cho tất cả mọi người dự buổi tiệc Giáng sinh cho trẻ em năm trước đó mà. Sau khi biết Sae bị mất cục tẩy, tình cờ Emily lại thấy cháu dùng một cục tẩy y hệt, mọi chuyện chỉ có thế. Vả lại, cháu đâu có dùng lén lút gì.
Giờ nghĩ lại, nếu người dùng cục tẩy đó là Maki hay Akiko, chắc Emily cũng sẽ nghĩ họ là kẻ trộm thôi.
Theo cô, một đôi mắt "hau háu" là một đôi mắt như thế nào? Từ hồi nhỏ, cháu đã thường xuyên bị mẹ nói rằng mình có một đôi mắt như thế. Chị gái và cháu đều có mắt một mí, nhưng chỉ mình cháu bị mẹ nói vậy.
Có lần, đang đi cùng mẹ trên phố thì cháu gặp đứa bạn cùng lớp đang cầm que kem trên tay. Cháu chỉ vẫy chào nó một cách bình thường, vậy mà mẹ thốt lên một câu vẻ chán nản: "Đừng nhìn món đồ của người khác với vẻ thèm thuồng như thế nữa. Trông con thật là hèn kém." Hôm đó quả thật trời rất nóng, nên nhìn chiếc kem cháu đã nghĩ, có kem ăn thích thật. Nhưng cháu cũng không thèm muốn đến thế.
Cháu nghĩ, nếu thế sao mẹ không sinh ra con với một đôi mắt to rõ hơn đi. Năm lớp ba, lớp bốn, thị lực của cháu giảm sút nghiêm trọng, cháu thường xuyên phải đeo kính với độ cận không phù hợp, vừa nheo mắt vừa nhìn mọi vật, chắc vì thế nên người ngoài nhìn sẽ thấy đôi mắt cháu có vẻ hau háu ấy.
Xin lỗi cô, cháu lạc đề mất rồi. Chúng ta đang nói dở chuyện ăn trộm nhỉ.
Nổi giận vì Emily cứ khóc mãi, cháu nói, "Mặc kệ cậu đấy", rồi ra khỏi biệt thự về nhà.
Tối đó Emily cùng bố đến nhà cháu. Người tiếp họ là mẹ cháu. Cháu vùi mình trong nhà vệ sinh, lo lắng không yên nghĩ không lẽ cậu ấy thực sự mách người lớn rằng cháu đã ăn trộm, thì chợt nghe mẹ gọi bằng một giọng dịu dàng đến không ngờ.
Vào phòng khách, cháu bắt gặp ánh mắt của người ngoài hành tinh mắt to tròn. Là chồng của cô đấy ạ. Đám trẻ con ở thị trấn này đều lén gọi chú ấy như vậy cả. Cô đừng cười, chúng cháu cũng từng gọi cô như thế đó. Ôi, xin lỗi cô, cháu kể tiếp đây.
Hai người đó tới để trả lại báu vật cho cháu. Nghe nói khi bị cháu bỏ lại một mình ở biệt thự, Emily đã rất bối rối không biết làm sao. Bởi nhẫn đã mất, cửa cũng không khóa được. Nếu để lộ chuyện mình lén đem nhẫn ra ngoài chơi, chắc chắn sẽ bị mẹ giận, thế nên cậu ấy không dám nói với mẹ, mà dùng điện thoại công cộng gần biệt thự để gọi tới công ty chế tạo máy Adachi, nhờ bố đang đi làm trong ngày nghỉ ở đó giúp.
Bố cậu ấy vội từ công ty đến đón. Hai bố con đang đứng trước của biệt thự nghe Emily kể đầu đuôi mọi chuyện cho tới lúc ấy, thì một chiếc xe của văn phòng bất động sản ở thị trấn bên cạnh ghé tới. Ông chú bên văn phòng bất động sản đó buổi sáng đã dẫn một vị khách muốn xây một trường học tự do từ Tokyo tới tham quan nơi này, buổi chiều họ còn đi một chỗ khác nữa. Sau khi đưa khách ra ga, ông quay lại đây để lắp một chiếc khóa thật chắc chắn vào cửa sau, đề phòng kẻ gian xâm nhập bất hợp pháp.
Nghe nói vị khách đó đã tìm thấy hộp kho báu. Ông chú bên văn phòng bất động sản nói, "Lần sau cháu không được tự ý vào đây nữa nhé", rồi đưa trả nó cho Emily. Emily đưa cho cháu tấm bưu thiếp mà trước đó cháu bỏ vào hộp, còn đưa thêm một hộp bánh lớn từ một tiệm bánh kiểu tây nổi tiếng trên Tokyo. Cậu ấy tươi cười nói, "Bánh này ngon lắm, cậu ăn thử nhé", nhưng không xin lỗi về việc đã đối xử với cháu như với kẻ trộm. Chắc cậu ấy nghĩ mình là đứa khổ sở nhất, nên dù có lỡ lời điều gì cũng sẽ được tha thứ, chỉ cần thời gian trôi qua thì đối phương cũng sẽ quên đi mọi chuyện thôi. Thật đúng là mẹ nào con nấy.
Chuyện này cháu chẳng kể với ai. Bởi cháu có cảm giác món bánh nhận được từ Emily giống như quà hối lộ để bịt miệng vì đã coi cháu là kẻ trộm. Lúc đầu, cháu nói thẳng rằng mình không cần hộp bánh đó. Cháu cũng muốn ăn thử món bánh được gói trong lớp vỏ đẹp đẽ ấy, nhưng đã quyết sẽ không nhận cho tới khi Emily chịu mở lời xin lỗi. Nhưng mẹ cháu lại giơ tay ra nhận.
"Bác trai cũng đã cất công tới tận nhà ta thế này, đừng vô lễ thế con." Nói rồi, mẹ quay sang phía Emily và bố Emily, cúi đầu nói: "Xin lỗi anh và cháu, đứa trẻ nhà tôi cục mịch vậy đó, nhưng mong cháu hãy tiếp tục đối xử tốt với nó nhé." Hai người có vẻ hài lòng ra về, nhưng trong lòng cháu đầy cảm giác bất bình. Vậy mà sau đó cháu còn bị quở trách thêm nữa.
Không phải vì chuyện chúng cháu lén vào biệt thự đã bị Emily để lộ ra. Mà bởi vì chị cháu nói, "Chị cũng muốn thử vào căn biệt thự ấy. Sao em không cho chị đi cùng?" Cháu trả lời: "Vì bên trong nhiều bụi bặm lắm", thế là chị bật khóc: "Đằng nào chị chẳng bị hen suyễn rồi."
Mẹ mắng cháu: "Sao con lại khoe khoang chuyện đó trước mặt chị?", nhưng cháu nào có khoe khoang gì. Mà bởi vì sau khi bố con Emily ra về, chị từ tầng hai đi xuống hỏi có chuyện gì, thì mẹ cháu kể, "Mấy đứa trẻ này lẻn vào căn nhà hoang ở phía sau cánh đồng nhà mình đấy."
Cháu đang định cãi lại thì chị cháu đã nói.
"Không phải lỗi tại Yuka ạ. Lẽ ra con phải kiềm chế mình hơn, không nên muốn tới những nơi như thế."
Nghe vậy, mẹ cháu liền nói, "Không phải lỗi tại con đâu Mayu", rồi mẹ đưa hộp bánh vừa nhận được từ Emily ra cho chị chọn trước.
Từ xưa, mẹ đã luôn áy náy với chị vì không thể sinh ra chị với một cơ thể khỏe mạnh, và áy náy với bố cháu vì đã không thể sinh cho ông một cậu con trai, nhưng có vẻ mẹ chẳng hề áy náy khi sinh ra cháu bị cận thị thế này.
Cháu nghĩ cận thị là do di truyền từ đằng nội, mẹ cũng không có lỗi gì với chị hay bố cháu cả. Cháu cũng chưa từng nghe hai người trách móc gì mẹ bao giờ. Cháu nghĩ chẳng qua mẹ thích kiểu nói như tự trách móc bản thân. Kiểu như một người thích khổ dâm vậy.
Dù thế, nhưng thấy con gái bị liên lụy tới một vụ giết người mà mẹ cháu vẫn không chạy tới xem thế nào, cô thấy có quá đáng không?... À, cuối cùng chúng ta đã trở lại chuyện vụ án rồi nhỉ.
Nhưng mà trước đó, cô đợi cháu thêm năm phút nữa nhé.
Hôm đó, sau khi ra khỏi cổng sau của trường và chia tay Akiko, cháu chạy đến đồn cảnh sát. Nghe nói cứ khoảng hai, ba năm lại thay cảnh sát trực đồn một lần, dạo đó cảnh sát trực đồn ở thị trấn này là chú Ando, một cảnh sát trẻ tuổi, to cao, nhìn như một cái chiếu tatami, có vẻ rất hợp với bộ đồ tập judo. Dù Maki đã dặn là phải trình báo với cảnh sát về vụ án, nhưng khi cháu bước vào trong với tâm trạng lo sợ không biết một đứa trẻ một thân một mình vào đồn có bị cảnh sát mắng không thì thấy chú cảnh sát đang tiếp chuyện một bà lão với vẻ thân thiện nên yên tâm hẳn.
Tới để trình báo về vụ giết người, nên lẽ ra cháu phải thông báo ngay khi vào, dù có phải chen ngang câu chuyện giữa họ đi chăng nữa. Nhưng đó là lần đầu tiên tới đồn cảnh sát, nên cháu bẽn lẽn ngồi vào một góc đợi tới lượt, giống như ở phòng chờ bệnh viện vậy. Thấy dáng vẻ cháu như thế, chú cảnh sát chắc đã nghĩ cháu tới đó chẳng vì việc gì ghê gớm. Bằng giọng nói dịu dàng không phù hợp với vẻ ngoài lắm, chú chỉ cho cháu chiếc ghế bên cạnh bà lão và bảo: "Cháu ngồi đây đợi một chút nhé."
Bà lão đang nói về vụ trộm búp bê Pháp. Nghe bà lão dùng thứ phương ngữ chỉ còn người già cả dùng tới khẳng định rằng kẻ trộm búp bê chắc chắn là người Tokyo, cháu nghĩ chẳng biết bao giờ câu chuyện mới kết thúc, thì đột nhiên nhớ ra bà lão này là người nhà nào. Đứa bé nhà đó đã tự hào khoe với mọi người xung quanh là đợt nghỉ Obon này cả nhà sẽ đi chơi công viên Disneyland, nên chắc bà lão ở nhà một mình buồn lắm. Cháu có chút thương cảm bà lão.
Phải, đó là những suy nghĩ của cháu ngay sau khi Emily bị giết. Cô thấy bất mãn vì cháu không tỏ ra sợ hãi như những đứa trẻ khác ư? Nhưng quả thật, lúc đó cháu vẫn chưa thấy sợ. Không phải vì cháu là một người lạnh lùng thờ ơ, càng không phải vì cháu còn hận Emily vì đã coi mình là kẻ trộm, cháu nghĩ đơn giản là vì mình đã không nhìn rõ gì cả.
Mấy hôm trước đó, trong lúc đang tổng vệ sinh nhà cửa để đón họ hàng về chơi, cháu vô ý giẫm phải cặp kính của mình, nên đành đeo kính cũ, vì thế ngày hôm ấy càng không nhìn rõ.
Cháu nghĩ vì chỉ mờ mờ nhìn thấy hình dáng Emily nằm sõng soài trong phòng thay đồ mờ tối nên cháu không bị sợ hãi hoảng loạn. Chỉ tới khi trở lại bể bơi, cháu mới bắt đầu cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Sau khi bà lão ra về, chú cảnh sát dịu dàng hỏi cháu: "Xin lỗi đã bắt cháu phải chờ nhé. Cháu tới có việc gì thế?" Cháu đã trả lời đúng theo những gì chính mắt mình nhìn thấy: "Bạn cháu nằm bất tỉnh cạnh bể bơi của trường ạ."
"Chuyện quan trọng như vậy sao cháu không nói sớm?" Nói đoạn chú cảnh sát lập tức gọi xe cứu thương. Có lẽ chú ấy nghĩ là đuối nước hoặc gì đó. Ngay sau đấy, chú cho cháu lên xe cảnh sát rồi lái xe tới trường tiểu học.
Có lẽ chú cảnh sát chỉ nhận ra rằng một chuyện khủng khiếp đã xảy ra khi tới bể bơi và nhìn thấy cô. Cô ngồi sụp xuống giữa phòng thay đồ nam, ôm Emily vào lòng, luôn miệng gọi tên cậu ấy. Nhìn dáng vẻ đó của cô, cháu mới thực sự cảm nhận được rằng Emily đã chết rồi.
Có lẽ, để giữ nguyên hiện trường, cô không nên ôm lấy thi thể như vậy. Nhưng chắc cô chẳng thể nghe thấy được những lời nhắc nhở khéo của chú cảnh sát.
Ở hiện trường còn có thêm Sae nữa, nhưng Sae đang ngồi quỳ gối ngoài cửa phòng thay đồ, mắt nhắm, hai tay bịt kín tai, dù chúng cháu có gọi, cũng không ngẩng đầu lên. Vì thế cháu đành đứng ra trình bày diễn biến sự việc.
"Lúc chúng cháu đang chơi bóng chuyền trong bóng râm của nhà thể chất thì một chú mặc bộ đồ bảo hộ lao động tới gần, bảo muốn nhờ một đứa trong số bọn cháu giúp mình kiểm tra chiếc quạt thông gió trong phòng thay đồ ở bể bơi, rồi dẫn Emily đi. Bọn cháu chơi thêm một lúc nữa, nhưng tới sáu giờ, khi bản nhạc Greensleeves vang lên mà Emily vẫn chưa trở lại, bọn cháu bèn đi xem tình hình thế nào thì thấy Emily đang nằm bất tỉnh trong phòng thay đồ nam ạ."
Chú cảnh sát lắng nghe, ghi chép vào cuốn sổ tay những điều cháu nói với vẻ mặt chăm chú.
Một lúc sau, xe cứu thương đến, xe cảnh sát tỉnh đến, người dân quanh đó tới xem tình hình... Khu vực quanh bể bơi lập tức trở nên hỗn loạn. Mẹ Sae hoảng hốt chạy đến, sau đó cõng Sae về. Hai người vừa về khỏi thì mẹ Akiko và mẹ Maki cũng đến xem. Cháu còn nhớ khi đó mẹ Akiko kêu ầm ĩ lên rằng Akiko đã về nhà với vết thương chảy máu trên đầu. Mẹ Maki vừa đi tìm vừa gọi tên con gái rất to. Nhưng xung quanh ồn ào tới mức hai bác ấy to tiếng như vậy mà vẫn chẳng hề nổi bật giữa đám đông chút nào.
Giữa cảnh đó, đột nhiên cháu bị bỏ mặc một mình. Cháu là người liên quan trực tiếp tới vụ án, vậy mà chẳng có ai quan tâm đến cháu cả. Chú cảnh sát trực đồn đang thuật lại những điều cháu nói cho những chú cảnh sát tỉnh.
Kiểu này nếu hung thủ trà trộn trong đám đông và dẫn cháu đi mất, chắc cũng chẳng ai nhận ra. Xung quanh có rất nhiều người, nhưng không ai ra tay cứu giúp... Còn chuyện gì đáng sợ hơn thế không ạ?
Để được chú ý tới, cháu gắng hết sức nghĩ thêm xem còn chi tiết nào có thể trình bày với chú cảnh sát không. Cháu đi lấy quả bóng chuyền vẫn đang để ở trước cửa nhà thể chất, rồi đưa cho chú cảnh sát, bảo rằng có thể có dấu vân tay hung thủ trên đó. Cháu còn vào phòng thay đồ nữ bên cạnh, tái hiện tư thế nằm của Emily khi chúng cháu phát hiện ra thi thể cậu ấy.
Trong lúc cố hết sức như vậy, cảnh sát từ Sở cảnh sát tỉnh cũng tới hỏi cháu chi tiết về hung thủ. Vui sướng vì được để ý tới, cháu đã cố gắng nhớ ra, nhưng những chi tiết nhỏ, đặc biệt là khuôn mặt thì đành chịu. Không phải là không nhớ ra, mà như đã nói lúc trước, cháu hầu như không nhìn rõ cái gì cả. Người đầu tiên làm rơi quả bóng khi đang chuyền liên tục 100 quả là cháu, người khiến quả bóng lăn về phía hung thủ cũng là cháu. Cháu cay đắng nghĩ, nếu đeo chiếc kính mọi ngày, có thể không thấy được nốt ruồi hay những vết sẹo nhỏ nhưng chí ít cũng nhận ra những đặc điểm đại khái.
Cháu thật giận mẹ đã lấy lý do chị không làm được mà sai cháu trèo lên ghế lau dọn kệ đồ đầy bụi. Và giận mẹ vì người dân trong thị trấn đã đổ dồn về đây cả, vậy mà vẫn chưa thấy bóng dáng mẹ đâu. Nhưng có thể vì nhà cháu tuy ở khu phía Tây nhưng khá xa trường nên mẹ biết về vụ việc này muộn hơn những người khác. Chắc mẹ sắp tới đón mình rồi. Cháu vừa đợi vừa hy vọng như vậy. Bởi tuy giận, nhưng cháu cũng rất yêu mẹ.
Cuộc điều tra vẫn tiếp tục được tiến hành tới nửa đêm, nhưng khoảng chín giờ, chú cảnh sát đã đưa cháu về nhà. Vừa mở cửa nhà, nhìn thấy chú cảnh sát, mẹ cháu liền tỏ vẻ ngượng ngùng khó xử.
"Ôi, xin lỗi anh. Tôi đang định đi đón con bé. Tôi nghe chị Shinohara gọi điện báo là ở trường đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng, nhưng hôm nay con bé lớn nhà tôi bị ốm từ sáng. Vâng, con bé bị hen suyễn nặng lắm. Thành thử chẳng ăn uống được gì, nó nói bữa tối chắc có thể ăn xúp rau củ, nên tôi đang làm món đó cho nó đây. Vâng, đó là món xúp rau củ nguội của riêng tôi, dù con bé có khó chịu trong người thế nào, nó vẫn ăn được món này. Vả lại, chồng tôi là con trai trưởng, nên ngày hôm nay thực sự bận rộn lắm..."
Nhìn mẹ vẫn cười giả lả kể những chuyện tầm phào này khi có một người vừa bị giết, nước mắt cháu chợt trào ra. Không hiểu vì xấu hổ hay là vì buồn nữa... Cháu nhớ lại hình ảnh cô ôm lấy thi thể Emily gào khóc. Cháu nghĩ, nếu là chị cháu, mẹ sẽ ôm lấy chị và khóc, nhưng nếu là cháu, thì dù cháu bị giết chắc mẹ cũng chẳng tới hiện trường đâu.
Bố cháu ạ? Nghe nói bố cháu đã ngồi nhậu cùng các chú bác trong họ từ trưa, đến chiều thì say quắc cần câu và nằm bẹp một chỗ rồi. Nhưng dù bố có tỉnh, cháu cũng không chắc bố có đến đón mình không. Có thể bố sẽ kêu phiền và không tới. Một người nối dõi gia tộc lớn lên trong sự bảo bọc như bố chẳng có vẻ gì là quan tâm tới một đứa trẻ không được chọn để tiếp gót ông, đặc biệt là cô con gái út không được như kỳ vọng của ông. Dù tài sản của ông có được mấy đồng đâu chứ.
Thấy cháu khóc, mẹ lại nói thêm một câu như muốn giội thêm một cú đấm:
"Yuka đã học lớp bốn rồi còn gì. Con có thể tự về một mình mà."
Tôi như nghe thấy tiếng nói trong lòng mẹ, rằng Nếu con tự về thì mẹ đâu cần phải xấu hổ với chú cảnh sát thế này. Đối với mẹ, tôi có cũng được, không cũng chẳng sao. Bố mẹ mà còn như thế này, thì giống tầm nhìn bị mờ ấy, dù là người có thị lực tốt đến đâu cũng không thể nhìn thấy hình dáng của cháu.
Giữa lúc cháu nghĩ thế thì chú cảnh sát đứng bên cạnh đã nói:
"Là do chúng tôi đã giữ cháu lại đấy ạ. Rất xin lỗi chị."
Và rồi, nhìn sang cháu, chú cúi thân hình to lớn của mình xuống và nhẹ nhàng xoa đầu cháu.
"Cảm ơn cô bé nhé, rõ ràng rất sợ mà vẫn kể lại ngọn ngành cho bọn chú. Những chuyện còn lại hãy yên tâm giao cho bọn chú, hôm nay phải đi ngủ sớm đấy nhé."
Đôi bàn tay chú to, thô ráp và ấm áp như bao phủ toàn bộ mái đầu cháu. Đến lúc này, cháu vẫn chưa quên cảm giác ấy. Có lẽ từ ngày ấy, cháu đã luôn luôn kiếm tìm một bàn tay như thế.
Sau vụ án, thứ thay đổi nhiều nhất chính là thái độ của chị đối với cháu.
Có lẽ cảm thấy có lỗi vì đã không đi đón cháu, mẹ bắt đầu đối xử với cháu ân cần hơn hẳn. Không có gì ghê gớm lắm, chỉ là mẹ hỏi cháu có bị chán ăn không, có thích ăn món gì không, để mẹ sang thị trấn bên cạnh thuê cho mấy cuốn băng đĩa hay hay nhé; nhưng đây là lần đầu tiên mẹ hỏi cháu những chuyện đó.
"Thế thì con muốn ăn món gratin*ạ."
Gratin là một cách chế biến thức ăn mà trong đó nguyên liệu chính được phủ một lớp vỏ nướng giòn từ vụn bánh mì, phô mai bào, hoặc trứng/bơ. Gratin vừa có thể là món mặn, lại vừa có thể là một món tráng miệng.
Cháu đã dặn mẹ như thế, vậy mà món ăn trên bàn tối hôm đó lại là mì lạnh và salad thịt gà hấp. Mẹ viện cớ, vì chị bảo ăn các món ăn nóng vào sẽ bị khó chịu. Vậy đấy. Chuyện băng đĩa cũng thế, mẹ nói băng đĩa hoạt hình ồn ào chị sẽ không thích, nên cuối cùng không thuê cho cháu cuốn băng nào.
Rốt cuộc lúc nào cũng chỉ chị thôi. Mọi người đều mong con bị giết quách đi cho rảnh chứ gì.
Không thể chịu đựng nổi, cháu hất tung bát mì và hét lên. Đó là lần đầu tiên cháu có thái độ như vậy. Trước giờ cháu đều nhẫn nhịn vì chị gái sức khỏe yếu, nhưng lúc đó, cháu đã nghĩ rõ ràng mình phải chịu đựng nhiều hơn chị ấy. Thấy vậy, chị cháu khóc lóc ầm ĩ.
"Lỗi của con. Tất cả là tại con. Nếu con khỏe mạnh hơn, thì Yuka đã không gặp phải chuyện không vui này. Thấy Yuka buồn bực, lẽ ra con có thể nấu món gratin cho em, thế mà con lại không làm được. Giá như con không phải sinh ra trong cơ thể này... Sao chỉ mình con phải chịu đựng những chuyện khổ sở như thế này hả mẹ? Mẹ cho con biết đi."
Thấy chị khóc lóc kêu than như vậy, mẹ liền ôm chặt lấy chị và khóc to, "Mẹ xin lỗi, Mayu, cho mẹ xin lỗi." Đây là chuyện ngay sau hôm xảy ra vụ án mạng.
Sau ngày hôm đó, mỗi lần mẹ phải đi cùng cháu tới các buổi thẩm vấn nhân chứng, sức khỏe của chị cháu chắc chắn sẽ có vấn đề gì đó, nên mẹ thường nhờ mẹ Maki dẫn cháu đi. Mỗi khi trên ti vi đưa tin về vụ án giết Emily, bố quay sang hỏi cháu rằng ở phòng thẩm vấn họ đã hỏi cháu những gì, chị sẽ buông đũa không ăn nữa vì cả nhà nói tới chuyện ghê rợn khiến chị không nuốt nổi. Dần dần, vì chị mà trong nhà cháu việc nhắc đến vụ án bị coi là một điều cấm kỵ. Giống như từ trước đến nay, người được mọi người quan tâm chiều chuộng chỉ có chị cháu, còn cháu hoàn toàn bị lờ đi.
Cháu bỏ cuộc vì biết dù có phàn nàn cũng không thay đổi được gì nhưng không có nghĩa là cháu bình thản với chuyện ấy. Chẳng những vậy, ngày qua ngày, nỗi lo lắng của cháu càng lúc càng dâng lên. Bởi cháu đã tin rằng cảnh sát sẽ nhanh chóng bắt được hung thủ, nhưng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy điều đó cả. Có thể theo một nghĩa nào đó, đấy là do lỗi của chúng cháu. Vì vụ án có tới bốn nhân chứng dù là trẻ con, vậy mà cả bốn đều nói không nhớ mặt hung thủ. Sae nhút nhát, Akiko ngày thường đầu óc lơ đãng, lại còn bị thương ở đầu, hai người đó không nhớ thì đã đành. Vậy mà ngay cả Maki cũng nói không nhớ, thật không thể tin nổi. Bởi ngay cả cháu, nhìn thấy gì sẽ nhớ cái đó, nữa là Maki.
Nhưng cháu nghĩ đó không phải lý do duy nhất khiến việc điều tra gặp khó khăn. Như việc hôm đó là ngày lễ Obon chẳng hạn. Giả sử hung thủ tới đây bằng ô tô, nếu là ngày thường chắc chắn sẽ có người để ý một chiếc xe lạ chạy trong thị trấn. Nhưng nếu là ngày Obon, mọi người có gia đình cùng về sẽ không đi tàu điện mà lái xe, thành thử trên mọi ngóc ngách trong thị trấn sẽ xuất hiện những chiếc xe thuê hoặc xe có biển số ở tỉnh khác. Vì thế sẽ chẳng mấy ai trình báo về việc trông thấy xe đáng ngờ cả.
Ngoài ra, dù thấy những người lạ đi bộ trên đường, thì miễn người đó không có gì quá đặc biệt như máu chảy đầy người, mọi người sẽ chỉ nghĩ đó là họ hàng thân thích của ai đó thôi. Nếu tên hung thủ thay bộ đồ lao động ra, cất vào túi du lịch xách đi, người ta cũng chỉ nghĩ hắn ta đang về thăm quê là cùng.
Vả lại, cháu cho rằng, nếu là năm trước đó, thì dù đang trong đợt Obon, chỉ cần có người lạ xuất hiện, sẽ có người thắc mắc không biết đó là người ở đâu, nhưng kể từ khi có nhà máy của công ty chế tạo máy Adachi, thì đường phố đã toàn những người lạ mặt, do vậy sẽ có ít người để ý tới những người lạ hơn. Chắc hẳn sự thờ ơ của người thành phố chính là nguyên do gây ra việc này trước nay chưa từng có.
Nếu đã quen với sự thờ ơ, có lẽ người ta sẽ cảm thấy dễ chịu với nó, nhưng cháu, dù làm cách nào vẫn không thoát khỏi cảm giác muốn được ai đó quan tâm đến mình. Lúc đó, người hiện lên trong đầu cháu chính là chú Ando, chú cảnh sát trực đã đưa cháu về nhà sau khi xảy ra vụ án mạng. Nếu là chú Ando, chắc chắn chú ấy sẽ chăm chú lắng nghe câu chuyện của cháu, và sẽ bảo vệ cháu khỏi tên hung thủ. Cháu bắt đầu cố gắng tìm lý do để tới đồn gặp chú.
Cũng đúng thôi. Một người có vẻ dễ mến và giỏi giao tiếp như cô hẳn sẽ nghĩ tại sao lại cần lý do mới tới đó được. Nếu là cô, chắc cô sẽ dễ dàng tươi cười bước vào, tự nhiên mà kể chuyện ở trường, rồi chuyện vô thưởng vô phạt trên trời dưới đất. Nhưng cháu hồi ấy thì chịu. Cháu nghĩ, nếu bước vào và bị chú ấy hỏi, "Có chuyện gì vậy" mà mình không trả lời được, chắc chắn cháu sẽ bỏ chạy khỏi đó. Chỉ trừ chị cháu, nhà cháu làm nông nên bất kể thứ Bảy Chủ nhật, từ khi cháu bắt đầu hiểu chuyện, mọi người đã xua cháu đi chơi và nói, "Bố mẹ bận lắm, con ra kia chơi đi." Không ai dạy cháu rằng chúng ta không cần lý do gì để làm nũng hay yêu cầu người khác quan tâm đến mình cả.
Ban đầu, cháu tới đó để trình báo những việc có thể dùng làm manh mối phá án, ví dụ tuy không nhớ khuôn mặt nhưng giọng nói của hung thủ có vẻ giống nghệ sĩ nào đó; hoặc những thông tin không mấy hữu ích như trong khu phía Tây của thị trấn có tới hai mươi mấy nhà có búp bê Pháp, nhưng những con búp bê Pháp bị trộm trong đêm hội đều là những con thuộc top mười con đẹp nhất trong bảng xếp hạng của chúng cháu...
Một vài lần cháu đến để đưa những đồng xu rơi bên lề đường. Nhưng mọi người không làm rơi nhiều đến thế, nên về sau mỗi lần cháu lại lấy đồng một trăm yên từ trong ví của mình đem tới. Giờ nghĩ lại, nếu phải trả tiền để được gặp và tâm sự với một người nào đó, thì thật chẳng khác gì tìm tới trai bao cả. Thực ra, khoảng mười năm sau, có một dạo cháu đã chìm đắm vào dịch vụ ấy, nhưng đến giờ cháu mới nhận ra bản chất của việc mình làm năm xưa.
Thật lòng mà nói, cháu rất ghét cô, ngay cả lúc này cũng khó mà nói được rằng cháu cảm thấy thoải mái. Nhưng khi nói chuyện với người khác, chúng ta sẽ phát hiện những điều mà nếu chỉ có mình mình sẽ không nhận ra được. Sau vụ án, bốn đứa chúng cháu không còn chơi với nhau nữa, cũng chưa từng thảo luận về vụ án cùng nhau. Giá như bốn đứa cháu nói chuyện với nhau nhiều hơn, có lẽ đã không xảy ra những chuyện khác thường thế này.
Chuyện khác thường, trong trường hợp của cháu... Lần đầu tiên cháu ăn trộm là nửa năm sau ngày xảy ra vụ án.
Ui da, đau quá... Cô chờ cháu khoảng năm phút nhé...
Những người bạn thường chơi cùng như một thói quen hằng ngày bỗng trở nên xa cách, người chị từng rất dịu dàng giờ nhìn mình bằng ánh mắt thù địch, tái xác nhận việc bản thân không được bố mẹ yêu thương, những lý do đến đồn cảnh sát cũng cạn kiệt, thật là những ngày tháng cô đơn cùng cực... Đúng lúc đó, cháu cần một cây bút chì 4B dùng để vẽ bóng trong giờ học vẽ ở trường, cháu phải đi mua mới, nhưng trong ví cháu lại chỉ còn ba mươi yên.
"Con cần bút chì cho giờ học vẽ ạ..." Nghe cháu nói vậy, mẹ bảo, "Vừa hôm trước mẹ cho con tiền tiêu vặt rồi còn gì. Lấy tiền đó ra mua đi." Cháu không dám kể thật với mẹ, đành nắm chặt ba mươi yên đến cửa hàng văn phòng phẩm, ở đó một chiếc bút chì 4B có giá năm mươi yên.
Trong cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ gần trường chỉ có một bà lão trông hàng. Cháu cầm lấy cây bút chì đặt trong hộp nhựa bằng một tay, còn đang vừa nắm chặt vừa nghĩ phải làm sao đây, phải làm sao đây, phải làm sao đây... thì tay cháu đã nhét nó vào ống tay áo khoác khóa kéo tự khi nào. Không thể tin nổi việc mình đang làm, cháu đứng quay người về phía cửa để tránh ánh mắt của bà lão. Đúng lúc đó, thiếu chút nữa thì cháu giật mình kêu lên. Phía trước tấm kính trong suốt, chị cháu đang đứng đó, mặt hướng về phía cháu.
Chị cháu bước vào cửa hàng và nói.
"Em tới mua bút chì 4B hả? Chị có bút đó mà, sao em không lấy mà dùng. Em mua rồi à?"
Cháu im lặng lắc đầu.
"May quá. Chị tới để mua bút chì kim, để chị mua cho Yuka luôn nhé? Ở trường tiểu học chắc không có học sinh nào dùng loại bút này đâu. Em có thể tự hào khoe với các bạn đấy. Phải rồi. Chị mua hai chiếc cùng kiểu khác màu nhé. Màu hồng và xanh dương, em thích màu nào hơn?"
Chị cháu nói vậy rồi cầm lấy hai cây bút chì kim rất xinh, mỗi cây có giá tới ba trăm yên, đoạn tươi cười đưa ra trước mặt cháu. Bối rối trước nụ cười đầu tiên chị dành cho mình kể từ sau vụ án, cháu chỉ im lặng nhìn chúng. Tại sao hôm nay chị lại tốt với mình như vậy? Chị có chuyện gì vui ư? Cháu lo lắng đưa tay ra định cầm lấy chiếc bút màu xanh dương, thì chợt một vật cứng ngắc chọc vào cánh tay cháu. Chính là cây bút chì vẫn còn nguyên trong tay áo.
Có lẽ chị đã nhìn thấy cháu trộm đồ. Chắc chị định về mách với mẹ. Nếu chuyện ăn trộm bị lộ ra, chị gái sẽ ngày càng được mẹ cưng hơn, còn cháu sẽ ngày càng bị xa lánh. Chắc chắn chị sung sướng vì chuyện ấy lắm. Hay là mình lấy bút chì ra, bảo với chị rằng mình không cần bút chì kim, thay vì thế hãy mua cho mình cây bút chì mềm này? Nhưng cháu không chắc nếu cháu lấy nó ra từ tay áo chị gái cháu sẽ nói gì nữa.
Trong lúc cháu còn đang rối bời vì những suy nghĩ đó thì chị ấy vui vẻ xem cục tẩy và bút bi màu, nhưng không chịu nổi cảm giác có lỗi, chính xác hơn là cảm giác tuyệt vọng khi bị chị chứng kiến tận mắt chuyện mình ăn trộm, cháu bỏ chạy khỏi cửa hàng. Cháu không thể về nhà, cũng không có đứa bạn nào để tìm đến trong những lúc như vậy, khi định thần lại, đôi chân cháu đã đang bước về phía đồn cảnh sát. Chắc cô sẽ nghĩ cháu vừa mới ăn trộm mà còn dám mặt dày đến đồn, nhưng lúc đó cháu có cảm giác ngoài nơi ấy ra sẽ không còn nơi nào chấp nhận mình nữa.
Cháu đã tới cửa đồn, nhưng quả nhiên vẫn lưỡng lự không biết có nên bước vào trong không. Đang như vậy thì chú Ando ở bên trong nhìn thấy và cất tiếng gọi.
"Yuka đó à. Hôm nay lạnh quá, cháu mau vào đây cho ấm đi."
Chú ấy không hỏi cháu đến có việc gì, cháu bị làm sao, đã có chuyện gì xảy ra, mà chỉ nói trời lạnh quá.Cháu lấy bút chì từ trong tay áo ra, vừa nói vừa khóc nức nở: "Cháu vừa mới ăn trộm ạ. Cháu xin lỗi!" Cháu không định hèn nhát cầu xin sự tha thứ. Chú ấy nổi giận với cháu cũng được, trái lại, thực lòng cháu còn muốn chú ấy làm như thế.
Nhưng chú Ando đã không nổi giận. Chú đưa cháu tới ngồi bên chiếc ghế cạnh máy sưởi, rồi mở ngăn kéo bàn, lấy ra một bịch ni lông trong suốt. Trong bịch đó có khoảng ba mươi đồng một trăm yên.
"Số tiền này không phải cháu nhặt được đúng không? Yuka nóng lòng muốn biết tình hình điều tra nên mới giả vờ đem tiền nhặt được tới nộp phải không? Xin lỗi cháu nhé, bọn chú mãi chưa bắt được hung thủ, để cháu phải sợ hãi rồi. Cháu không cần phải làm thế này nữa đâu, lần sau cứ thoải mái tới đây bất cứ khi nào cháu muốn nhé. Giờ cháu cầm lấy số tiền này và đi trả tiền đi. Nếu cháu nói cháu để quên ví nên về lấy thì người của cửa hàng cũng sẽ tha thứ cho cháu thôi."
Chú Ando vừa nói vừa đặt bịch ni lông vào tay cháu. Bàn tay to lớn bao trọn cả bịch tiền lẫn bàn tay cháu ấy vẫn vững chãi như ngày xảy ra vụ án, khiến cháu cảm thấy mình không còn đơn độc nữa. Cháu cảm ơn chú Ando rồi quay lại cửa hàng văn phòng phẩm, thì bà lão nói chị cháu đã trả tiền rồi. Nghe nói bà lão không nhận ra cháu ăn trộm, chị cháu đã kể ra tất cả với bà và xin lỗi thay cháu. Bà khen, "Cháu có người chị gái thật tốt bụng."
Về đến nhà, mẹ cháu đã chờ sẵn ngoài cửa và không cho cháu vào trong. Mẹ nói, "Những đứa trẻ ăn trộm phải ở trong phòng chứa đồ cho tới sáng" rồi nhốt cháu trong đó. Trong phòng không có đèn điện cũng không có chăn nệm, nhưng khi cháu lấy những đồng xu trong bịch tiền ra và nhớ lại cảm giác ấm áp từ bàn tay chú Ando thì cháu không còn thấy sợ hãi hay buồn khổ gì hết.
Điều khiến cháu buồn khổ lại là việc tháng sau đó chú Ando không còn trong thị trấn nữa. Nghe nói chú thi đỗ, được chuyển lên làm ở trụ sở Sở cảnh sát tỉnh. Đó là một chuyện đáng mừng, nhưng cháu lại đau khổ quá mức. Ngày chia tay, cháu chẳng nói được lời cảm ơn cho tử tế, chỉ đứng cúi đầu bên ngoài đồn cảnh sát. Thấy thế, chú Ando bảo cháu: "Chú cảnh sát sắp về đây có nhiều kinh nghiệm hơn chú nữa. Nếu có chuyện gì lo lắng trong lòng, cháu cứ tới kể với chú ấy nhé." Nhưng người cảnh sát mới là một ông chú dẫn theo gia đình, lưng hơi gù, có vẻ không trông cậy được gì, vì thế từ đó dù có chuyện gì cháu cũng không tới đồn cảnh sát nữa.
Thế nên, nói thế này nghe giống như lời ngụy biện, từ đó thỉnh thoảng cháu lại ăn trộm vặt. Không phải vì thích thú gì, cũng không phải vì thiếu tiền tiêu vặt. Chỉ đơn giản là cháu muốn ai đó quan tâm đến mình. Bố mẹ cháu đã không tới đón khi cháu tình cờ chứng kiến vụ án mạng, nhưng nếu cảnh sát gọi tới, không phải họ sẽ buộc phải tới đón cháu hay sao? Nhưng không biết có phải khéo quá hóa vụng không, mà cháu hầu như chẳng bao giờ bị nhân viên cửa hàng phát hiện. Giữa lúc cháu như vậy, một nhóm học sinh cấp hai thường chơi bời lang thang tới đêm khuya đã bắt chuyện làm quen với cháu. Cuối cùng cháu cũng có bạn.
Chuyện đó xảy ra khoảng một năm sau vụ án mạng. Hai năm sau đó cô mới hẹn chúng cháu đến nhà.
Ba năm sau vụ án, cô gọi bốn cô bé mười ba tuổi tới và nói những điều không thể tin nổi. Những đứa trẻ ở tuổi đó bình thường đã mang đầy nghi hoặc và bất an đối với sự tồn tại của bản thân mình rồi, vậy mà cô còn quăng vào chúng cháu hai tiếng "sát nhân" nữa. Lại còn nói hoặc chúng cháu tìm ra hung thủ, hoặc chuộc tội theo cách cô chấp nhận được, nếu không cô sẽ trả thù.
Phải chăng cô chỉ biết trút lên chúng cháu những cảm xúc nhất thời nảy sinh vào lúc đó, mà không hề nghĩ bọn trẻ chúng cháu đón nhận điều đó như thế nào? Phải chăng sau khi chuyển về Tokyo, chưa tới ba ngày cô đã quên béng những gì mình nói hay sao?
Cô và Emily ngoại hình tuy khác nhau nhưng tính cách thật giống nhau, đã vậy còn giống hệt chị cháu nữa.
Chị cháu trở lại thành người chị dịu dàng khoảng hai tháng trước khi cô hẹn gặp chúng cháu. Lý do đơn giản tới mức thảm hại. Chị ấy lên cấp ba và có người yêu. Chị và người bạn trai coi chị như một công chúa ngày thường đều gặp nhau ở trường, vậy mà tối về vẫn nói chuyện điện thoại với nhau tới tận đêm khuya, ngày nghỉ còn hay đi chơi xa cùng nhau. Vừa cho cháu xem những bức ảnh chụp từ loại máy ảnh dùng một lần, chị vừa sung sướng kể mình đã leo lên tàu lượn siêu tốc trong công viên giải trí tới năm lần liên tiếp, nhưng cháu không biết nên phản ứng như thế nào.
Mẹ cháu vui sướng nói, "Lớn lên rồi con cũng khỏe mạnh hơn hẳn nhỉ", nhưng vẫn rất quan tâm tới chị. Con có bị khó thở không? Bữa trưa con đã ăn gì? Tuần sau đừng đi chơi nữa, ở nhà nghỉ ngơi cho thong thả con nhé.
Những câu nói từng như thoại hằng ngày này hình như đã trở nên khó chịu đối với chị cháu ngay sau khi chị có bạn trai. Cho tới lúc đó, cháu đã tưởng chị là kiểu người thích được mọi người quan tâm chiều chuộng, nhưng hóa ra không phải, chị chỉ muốn độc chiếm một ai đó cho riêng mình.
Bị chị cháu xa lánh, mẹ cháu quay ra chăm lo cho cháu hơn trước. Tuy thấy mẹ thật tùy tiện, cháu không hẳn là khó chịu, nhưng đã rất ngạc nhiên khi mẹ nói "Mẹ dẫn con tới khám bác sĩ tâm lý nhé." Bởi cháu nghĩ, đã ba năm kể từ vụ án mạng, giờ sao tự nhiên mẹ lại đề xuất như vậy? Vả lại vụ án đó không gây ảnh hưởng gì tới cuộc sống thường ngày của cháu cả.
Thấy cháu nói không cần phải làm thế, mẹ liền nước mắt lưng tròng bảo:
"Mẹ nghĩ Yuka ăn trộm vặt và hay đi chơi đêm đều là do vụ án đó cả. Bởi trước đấy đã bao giờ con làm như thế đâu. Con vốn ngoan ngoãn, mẹ đã nghĩ sau khi vụ án trôi qua một thời gian con sẽ trở lại bình thường, nhưng hung thủ không bị bắt, khiến tình trạng của con ngày càng tồi tệ. Trước giờ mẹ vẫn im lặng, con cũng hiếm khi bị nhân viên cửa hàng bắt được, nhưng hôm qua con lại ăn trộm phải không? Nhìn mắt con là mẹ biết. Thế nên nghe lời mẹ, đi bác sĩ nhé."
Cháu đã nghĩ chẳng có ai nhận ra. Hơn nữa, đến trong mơ cháu cũng không nghĩ một người trong mắt chỉ có chị cháu như mẹ lại nhận ra. Đã vậy, mẹ còn nói chỉ cần nhìn mắt cháu là biết... Rốt cuộc đó là ánh mắt thế nào? Sau khi trở lại phòng mình, cháu tưởng tượng lại lúc mình trộm đồ và soi gương, nhưng không thấy ánh mắt ấy khác ngày thường chỗ nào cả.
Chỉ có điều, cháu đã quyết định sẽ dừng việc trộm vặt lại. Đúng lúc đó thì cô hẹn gặp chúng cháu. Thế nên hôm đó, sau khi từ nhà cô về, cháu đã hứa với mẹ "con sẽ không ăn trộm nữa". Cháu lấy lý do là vì trước đó cô đã đe dọa chúng cháu, "Phải cố mà nhớ ra gương mặt hung thủ." Điều đó khiến cháu sợ hãi, khi nhận ra thì thấy mình đang trộm đồ rồi. Rồi cháu bảo mẹ: "Nhưng con ổn rồi. Vì cô ấy sắp quay lại Tokyo rồi mẹ ạ."
Sau đó, cháu cũng chấm dứt quan hệ với những người bạn hay chơi đêm, quay trở lại làm một học sinh nghiêm túc, lặng lẽ như trước. Vốn dĩ trong nhóm chơi đêm chỉ có mình cháu học khác khối, nên đám bạn đó không gây khó dễ gì. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cháu thậm chí đã được tuyển vào làm cho quỹ tín dụng ở thị trấn bên cạnh, nơi chỉ có hai suất dành cho người địa phương, nên có thể nói cháu đã rất nỗ lực. Có lẽ là nhờ cô đã đi khỏi thị trấn này đấy.
Cô đừng làm vẻ mặt khó chịu như thế. Không phải cháu chỉ đang nói sự thật thôi sao? Việc cô làm ngày đó không gì khác, chính là hành vi đe dọa. Bị cô đe dọa, ba người kia đã chọn cách chuộc tội. Chẳng làm gì sai thì chuộc tội gì chứ, thật là ngớ ngẩn. Cháu đã định bỏ mặc chẳng thèm nghĩ tới, nhưng kết cục lại bắt tay vào việc đi tìm hung thủ.
Nhưng cháu làm điều này không phải vì cô. Mà vì anh rể.
Có vẻ khoảng cách giữa những cơn đau chuyển dạ của cháu đã ngắn hơn rồi. Cháu phải nói nhanh hơn một chút mới được.
Chị cháu kết hôn bốn năm trước. Chị tốt nghiệp trường cao đẳng ở trung tâm thành phố của tỉnh, vào làm trong trung tâm thương mại tới năm thứ ba thì kết hôn rồi nghỉ việc. Lần đầu chị dẫn anh rể về nhà là khoảng nửa năm trước khi cưới. Cháu sống trong căn hộ cho thuê ở thị trấn bên cạnh, dịp đó cháu về nhà từ hôm trước, cùng mẹ tổng vệ sinh nhà cửa để đón hai người. Lần ấy cháu không làm hỏng kính nữa.
Anh rể cao gầy, da trắng, gương mặt dễ mến, đúng kiểu người làm việc trong trung tâm thương mại... Cháu nghĩ thế, nhưng chị gái lại nói anh ấy là cảnh sát của Sở cảnh sát tỉnh. Cháu nghĩ cả nhà đều nhìn anh với ánh mắt nghi ngờ, rằng người anh thế sao bắt được kẻ xấu. Như thể biện minh, anh nói anh làm việc trong phòng xử lý thông tin của sở, cả ngày đều ngồi trước máy tính. Đó là lần đầu tiên cháu biết trong Sở cảnh sát có một bộ phận như vậy, nhưng khi anh nói anh chỉ làm công việc bàn giấy thì cháu công nhận ngay.
Cháu thắc mắc không hiểu sao chị lại quen được anh, hóa ra họ gặp nhau trong một cuộc hẹn hò tập thể. Nghe nói là nhờ một bác gái, nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ quen biết cả bên Sở cảnh sát và bên trung tâm thương mại sắp xếp cho. Cháu nghĩ, kiểu gặp gỡ này thật phù hợp với chị, một người rất giỏi gây chú ý với đối tượng mình thích. Nhưng nghe nói anh rể đã yêu chị từ cái nhìn đầu tiên và rất cố gắng theo đuổi. Anh vừa ngượng ngùng vừa kể lại chuyện đó.
Anh rể có ngoại hình thuộc kiểu gu của chị cháu từ xưa tới nay, không phải mẫu người của cháu, nên cháu liền chào hỏi và bắt tay anh để chúc phúc cho hai người họ. Nhưng chính lúc đó, cháu lại có cảm giác ấy. Cảm giác giống hệt với bàn tay của chú Ando mà cháu từng thích ngày xưa...
Có lẽ ký ức của cháu được tạo nên từ những giác quan khác chứ không dựa vào thị lực. Bất kể vẻ ngoài của anh ấy ra sao, cháu đã quyết định rằng mình "muốn" có được con người này dựa vào cảm giác từ bàn tay anh ấy. Mình muốn chạm vào bàn tay này, muốn được bàn tay này chạm vào, mình muốn biến nó thành của riêng mình. Nhưng ước vọng đó của cháu chẳng thể nào trở thành hiện thực. Ngày hôm đó, và mãi mãi về sau, trong mắt anh rể chỉ có mình chị cháu mà thôi.
Những thứ cháu muốn có luôn thuộc về chị cháu. Không phải vì chị xấu tính cướp ngang chúng trên tay cháu. Từ khi cháu sinh ra, mẹ cháu đã là của chị, từ trước khi gặp cháu, anh rể đã là của chị rồi, sự thật là như vậy.
Một chuyện rất buồn đã xảy đến với chị cháu khoảng hai năm trước. Chị bị sẩy thai, và bác sĩ còn thông báo chị sẽ không thể sinh con được nữa. Đúng lúc đang vụ mùa bận rộn nên chị tới dưỡng bệnh tại căn hộ của cháu một thời gian, nhưng mỗi lần nghe tin bạn cùng khóa sinh con, hoặc có quảng cáo tã giấy trẻ em trên ti vi chị lại khóc lớn, nhưng chừng nửa tháng sau, chẳng biết có phải vì nghĩ thông rồi hay không mà chị đã trở về khu nhà tập thể của cảnh sát trên thành phố với gương mặt bình thản.
Rồi chị quay trở lại làm thêm ở trung tâm thương mại từng làm khi trước, mỗi lần lĩnh lương, chị lại đi du lịch cùng người bạn thời học sinh giờ vẫn còn độc thân. Anh rể cháu ư? Bình thường anh ấy vốn bận rộn, chị cháu có nhà hay không cũng không khác biệt gì mấy, vả lại thấy chị cháu lấy lại năng lượng và niềm vui sống là anh ấy vui rồi.
Nhưng chị cháu đã phạm phải một sai lầm lớn.
Cháu từng hẹn hò với sáu người đàn ông... Sao cô lại có vẻ ngạc nhiên thế nhỉ? Cháu cũng có thể có bạn trai lắm chứ. Chỉ là cháu không thể duy trì mối quan hệ lâu dài với ai mà thôi... Họ sẽ nói cháu quá phiền phức. Dù cháu chỉ muốn làm những việc khiến họ vui... Cô hỏi rằng đó có phải là sang chấn tâm lý do vụ án mang lại không ư? Về điểm này thì hoàn toàn không. Điều này có lẽ cũng là do cháu đã không nhìn thấy rõ tình trạng quần áo của Emily khi ấy.
Dù sao thì những người cháu từng hẹn hò đều có hình thể phù hợp với môn judo hoặc môn bóng bầu dục, nên hình như chị cháu ngộ nhận rằng cháu thích kiểu người như thế và sẽ không có hứng thú gì với anh rể. Hoàn toàn không nhận ra rằng cháu "muốn" có được anh rể, nên chị ấy đã nhờ cháu tới làm giúp việc nhà khi mình đi vắng.
Mà không, có thể chị ấy đã nhận ra cũng nên... Người chị nhận ra lần ăn trộm đầu tiên của cháu không lý gì lại không nhận ra tình cảm của cháu. Chị nhận ra, nhưng vẫn tin anh rể sẽ không phản bội mình, và chị ấy muốn chứng kiến phản ứng của cháu trong vui thích chăng. Nếu là như thế, thì đúng là gậy ông lại đập lưng ông.
Đúng ra, ngày nào cháu cũng muốn lui tới, nhưng do hạn chế về thời gian và khoảng cách, nên cháu chỉ có thể tới giúp việc nhà vào cuối tuần. Đó đều là những ngày thật vui... Cháu đến tầm trước buổi trưa ngày thứ Bảy, làm bữa trưa và ăn cùng anh rể, thỉnh thoảng chúng cháu cùng ngồi xem phim hoặc chơi game... Nhưng anh chưa từng giữ cháu lại mỗi buổi chiều, khi cháu chào tạm biệt và đi ra cửa. Chỉ trừ một lần duy nhất.
Bản tin về vụ rò rỉ thông tin của Sở cảnh sát tỉnh xảy ra vào tháng Mười một năm ngoái đã được phát sóng rộng rãi trên toàn quốc nhỉ? Bản tin về việc hồ sơ mật có viết tên, địa chỉ và lý lịch một trẻ vị thành niên phạm tội đã được gửi kèm qua email của mạng lưới phòng chống tội phạm thị trấn tới tất cả những người đăng ký sử dụng dịch vụ ấy.
Vụ đó là do lỗi của anh rể. Nói một cách chính xác thì là do một loại virus máy tính mới bị một người cuồng máy tính nào đó nghịch ngợm gửi tới, nhưng người chịu trách nhiệm quản lý là anh rể, nên anh ấy đã bị kỷ luật khá nặng. Giữa lúc đó, chị gái cháu bảo, "Nếu hủy chuyến bây giờ thì phí tiền hủy lắm", rồi vẫn lên đường tới một khu nghỉ dưỡng ở Hokkaido, chỉ còn cháu ở lại cùng anh rể.
Bàn tay mà cháu luôn khao khát đã thuộc về cháu chỉ một đêm duy nhất. Đó là hai tuần sau tính từ ngày 14 tháng Tám trừ đi hai trăm tám mươi ngày. Nhưng chuyện đã không dừng lại ở đó. Bởi có một sinh mệnh mới đã nảy mầm trong bụng cháu.
Ồ, nó đang cố gắng để được sinh ra này... Cô đợi thêm chút nữa nhé.
Khi biết mình đang mang thai, cháu có cảm giác như mình đã có được một thứ vô cùng quyền lực.
Chị cháu không thể sinh con cho anh rể, nhưng cháu lại có thể. Biết đâu sau khi đứa trẻ được sinh ra, anh ấy sẽ ly hôn với chị và kết hôn với cháu. Cháu vừa mong chờ, vừa có ý định thực hiện điều đó.
Người ngạc nhiên nhất là bố mẹ cháu. Ban đầu mẹ kêu than đủ điều, rằng mang thai do ngoại tình thật là nhục nhã, mẹ không còn mặt mũi nhìn họ hàng và hàng xóm láng giềng nữa, nhưng sau khi bố cháu nói, "Coi như chúng ta đã có người nối dõi cũng được mà" thì mẹ chợt trở nên lạc quan hơn, mẹ dắt cháu lên chùa mang theo đai quấn bụng để cầu khấn*, và đưa cháu đi khám thai dù cháu nói có thể đi một mình được. Từ khi biết đứa con trong bụng cháu là con trai, cháu càng được chăm sóc ân cần hơn, mỗi lần về nhà bố mẹ, trên bàn ăn sẽ bày toàn món cháu yêu thích, và cháu có thể xem ti vi và băng đĩa thoải mái. Cả khi có chị cháu ở đó cũng vậy.
Phong tục của người Nhật Bản, đến chùa để quấn đai bụng cho phụ nữ mang bầu hòng cầu khấn việc mang thai và sinh nở được an toàn trọn vẹn.
Từ khi đi làm, chị cháu bắt đầu hút thuốc lá, những lúc mẹ mắng chị khi thấy chị rút thuốc lá ra trước mặt cháu, cháu thực sự cảm động. Cô có thấy kỳ diệu không? Còn ân cần hơn hồi vụ án mạng xảy ra ấy chứ. Cháu nghĩ, mang thai thật là kỳ diệu.
Nhưng cháu rất buồn chán. Vì ốm nghén nặng nên cháu đành nghỉ việc, nhưng khi vào giai đoạn thai ổn định thì tự nhiên cháu lại khỏe như vâm, tới mức cháu hối hận nghĩ lẽ ra mình chỉ nên nghỉ tạm thôi.
Phải rồi, nhân lúc mọi thứ đều rất đủ đầy này, mình phải làm điều gì đó mới được. Việc giúp anh rể vui thì càng tốt. Cháu nhớ ra chị gái cháu kể rằng trong đợt điều động nhân sự này, có thể anh rể sẽ bị thuyên chuyển ra vùng ngoại ô rất xa trung tâm thành phố. Tuy nghĩ trong bụng, nếu thế anh về làm cảnh sát trực đồn ở thị trấn đó cũng tốt, nhưng rồi cháu nghĩ lại, đối với anh rể điều đó chắc chắn sẽ khổ sở lắm. Điều mà cháu có thể làm cho anh rể, người anh rể làm cảnh sát của cháu...
Nếu có được công trạng gì, có thể anh rể cháu sẽ được ở lại Sở cảnh sát tỉnh cũng nên. Chẳng hạn như bắt được hung thủ của một vụ giết người chẳng hạn... Vụ án giết hại Emily sắp hết thời hạn khởi tố rồi.
Tuy nghĩ vậy, nhưng nếu mọi thứ đơn giản như thế thì cảnh sát đã bắt được hung thủ từ lâu. Đúng lúc bắt đầu thỏa hiệp, nghĩ có lẽ chỉ cần có chút thông tin mới thôi cũng được, thì cháu nghe thấy lời chỉ dẫn của Chúa.
Cô có từng nghe mọi người đồn rằng trong thời gian mang thai rất dễ trúng xổ số chưa? Cháu đã nghĩ đó không chỉ là mê tín. Bởi người phụ nữ đang nuôi dưỡng trong cơ thể mình một sinh mệnh mới, nếu được ban cho một sức mạnh thần linh thì cũng đâu có gì lạ... Nhưng giờ nghĩ lại, cháu thấy đó chỉ là do thần kinh bà bầu trở nên mẫn cảm hơn bình thường mà thôi.
Đó là chuyện xảy ra vào tháng Tư năm nay. Cháu nghe thấy lời mách bảo của Chúa qua đài phát thanh. Bà bầu có đôi lúc mắt sẽ rất mỏi đúng không? Thế nên hôm đó cháu mới bật đài. Cô còn nhớ bản tin về một cậu thiếu niên vào ở ký túc của một trường học tự do đã châm lửa đốt cơ sở vật chất của trường vào mùa hè năm ngoái không?
Trường đó sẽ được mở lại nên người đàn ông phụ trách điều hành ngôi trường ấy đã trả lời phỏng vấn. Trong lúc đang lơ đãng nghe về sự cần thiết của một trường học tự do, về sự gia tăng các vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên, cháu chợt nhận ra không hiểu sao trống ngực mình đập nhanh hơn hẳn bình thường.
Tại sao thế nhỉ, tại sao tim mình lại đập loạn lên thế này... Phải rồi, là vì giọng nói của ông ta giống với giọng nói của gã đàn ông khi đó. Nhưng giọng của đàn ông, trừ khi có đặc trưng gì nổi bật, nếu không có lẽ nghe đều giống nhau cả.
Thực tế, giọng người đó bình thường, chỉ có một đặc điểm là rành mạch dễ nghe. Kiểu giọng mà trong trường cấp hai và cấp ba có tới vài ba thầy có. Đến mức cháu cảm thấy buồn cười, nghĩ có lẽ vì quá muốn tìm hung thủ nên mình mới nghe ra thành giống giọng hung thủ như vậy.
Nhưng trong bản tin này còn có một thông tin khác nữa khiến cháu chú ý. Trường học tự do ư, ở thôn quê giờ cũng có vài người luôn giam mình trong nhà như Akiko, nhưng không có người nào tới học ở trường kiểu đó cả. Vậy mà cụm từ đó vẫn thật quen thuộc với cháu, là vì cháu đã nhớ ra rằng, vào ngày Emily coi cháu là kẻ trộm, cậu ấy kể rằng đã có người tới xem khu biệt thự để sau này xây một trường học tự do ở đó.
Căn biệt thự ấy rốt cuộc không bán được và năm năm trước đã bị dỡ bỏ. Hôm đó cháu bỏ về trước nên không gặp, nhưng ông chú làm bên văn phòng bất động sản ấy cứ mỗi dịp gần cuối năm lại tới nhà cháu hỏi có mua mảnh đất ấy không, nên cháu cũng đã quen mặt chú ấy. Vì từ nhà cháu có thể đi bộ được, nên cháu quyết định đến văn phòng bất động sản trước nhà ga của chú ấy với một tâm trạng không quá kỳ vọng, coi như để giết thời gian, nhưng thành thật mà nói cháu cũng có chút mong muốn tìm nhà cho mình, anh rể và đứa bé.
Chú ấy nhìn bụng bầu to tướng của cháu, hồ hởi hỏi có phải cháu đến để nhờ tư vấn về nhà mới không nhưng thấy cháu bảo muốn hỏi về vị khách tới đây xem đất để xây trường học tự do mười lăm năm trước, chú ấy có vẻ thất vọng ra mặt.
"Ông khách bảo tuy là trường học tự do ở thôn quê, nhưng học sinh vào đó học toàn là con em thành phố có vấn đề, nên cần phải chọn nơi có giao thông thuận tiện, vì thế đã từ chối khu ấy. Nhưng mà điều hành chỗ đó vất vả thật. Vừa bị phóng hỏa thế mà. Lúc xem ti vi, nhận ra ông khách hụt năm xưa, chú ngạc nhiên lắm."
Chú ấy nói như vậy. Người đàn ông có giọng nói giống với hung thủ đã từng tới thăm khu biệt thự hai tháng trước khi vụ án mạng xảy ra ư? Mặc dù trước khi đến đây cháu chỉ nghĩ nếu đúng thế thật thì mình nhận dạng giọng nói chuẩn quá, nhưng khi thấy sự phán đoán của mình đúng thì trái lại cháu lại cảm thấy không thể tin được. Nếu là như vậy, cháu phải làm sao đây? Chỉ cần nói với anh rể thôi ư? Đầu óc cháu như muốn rối tung lên.
Nhưng nếu chỉ có chi tiết đó thì vẫn chưa giải quyết được gì. Cháu nghĩ, nếu nói mình có cảm giác giọng của người đàn ông tới thị trấn hai tháng trước khi vụ án xảy ra rất giống giọng của hung thủ, thì giọng nói ấy cũng không thể trở thành chứng cứ gì được. Vả lại, còn có vụ trộm búp bê Pháp nữa.
Cháu muốn có một chứng cứ mang tính quyết định hơn, như dấu vân tay chẳng hạn... Lúc đó Emily đã nói gì nhỉ? Cậu ấy nói người tìm thấy hộp kho báu chính là vị khách tới xem biệt thự à? Người đó liệu có chạm vào tấm bưu thiếp của cháu không? Cảnh sát có tìm thấy dấu vân tay của hung thủ trên quả bóng chuyền không? Sau khi Emily bị dẫn đi, chúng cháu vẫn tiếp tục chơi bóng nên chẳng biết thế nào, nhưng nếu cảnh sát tìm ra dấu vân tay hung thủ trên đó, và dấu vân tay ấy trùng khớp với dấu vân tay thu được trên tấm bưu thiếp của cháu, thì điều đó có lẽ sẽ trở thành một chứng cứ rất quan trọng. Tấm bưu thiếp không phải là một kỷ niệm vui vẻ gì, nhưng cháu có cảm giác nó giống như di vật của Emily, nên vẫn cất kỹ ở một chỗ.
Mình phải nói với anh rể...
Đúng lúc đó, một chuyện nghiêm trọng đã xảy ra. Chị cháu tự sát không thành. Một lần cháu về nhà bố mẹ chơi, chị gái cũng về cùng, chị đã cắt cổ tay trong bồn tắm. Vết thương nông, không gây ra chuyện gì lớn. Cháu nghĩ có lẽ chỉ là diễn kịch. Mẹ cháu lại tự trách bản thân vì đã sinh ra chị yếu ớt tới nỗi bị sẩy thai, nhưng chắc đó không phải lý do. Cháu nghĩ lý do là vì chị đã nhận ra anh rể chính là tác giả của cái thai trong bụng cháu.
Anh rể luôn ở bên chị không rời, nói tất cả đều là lỗi của anh. Không biết ý anh là về chuyện công việc hay về chuyện chị bị thai lưu, nhưng thời điểm đó không phù hợp để nói với anh về chuyện vụ án nữa. Vả lại, lúc đó cháu đã muốn buông xuôi, kệ mọi chuyện tới đâu thì tới. Bởi cháu đã hiểu dù có sinh con ra, anh rể cũng sẽ không thuộc về mình, và cảm giác "muốn" có được anh trong cháu cũng không còn mạnh mẽ như lúc trước. Cháu định sẽ một mình sinh con, một mình nuôi nấng chăm sóc sinh mệnh mới trong bụng mình. Trên đời này chỉ có đứa trẻ này cần đến cháu. Cháu nghĩ "mười tháng mười ngày" chính là khoảng thời gian giúp một người chuẩn bị tâm lý để làm mẹ.
Nhưng chính cô đã không cho phép mọi thứ diễn ra như thế.
Đau quá, cháu lại tạm dừng chút nhé... Đừng chạm vào người cháu! Cháu không cần cô vuốt lưng cho cháu!
Cháu chẳng muốn nghĩ tới vụ án mạng đó chút nào, vậy mà lại nhận được thư của cô. Một bức là bản phô tô thư của Sae. Bức còn lại là bản phô tô nội dung trang báo tuần có bài viết về lời thú tội của Maki, ngoài ra còn có thư của cô nữa. Gọi là thư, nhưng chỉ có một dòng duy nhất.
"Tôi đã tha thứ cho các cháu rồi."
Không phải rất nực cười sao? Chúng cháu đã làm gì sai với cô và Emily chứ? Chắc khi đọc thư của Sae cô nghĩ chính cô đã dồn ép Sae vào con đường ấy. Biết rằng những lời lẽ tức giận nhất thời hơn mười năm trước của cô đã được một trong số những đứa trẻ ấy tiếp nhận một cách nặng nề hơn mức tưởng tượng, cô không biết phải làm sao, nên đã vội vã gửi bản phô tô bức thư ấy cho ba người còn lại phải không? Vậy mà lần này một người khác lại ra tay giết người.
Cô gửi đi với hy vọng chúng cháu dừng những việc đó lại, nhưng rồi lại hối hận khi chúng cháu không hiểu được điều đó, nên lần này cô viết kèm cả tin nhắn. Vậy mà lại có thêm một người khác giết người. Người đó nói bản thân đã không đọc thư của cô. Nên cô đã trực tiếp tới gặp cháu, với ý định ít nhất cũng có thể cứu được một người cuối cùng, phải không?
Việc cô làm thật nửa vời. Dù cô vẫn tự trách mình rằng chuyện xảy ra thế này là do lỗi của bản thân, nhưng đâu đó trong lòng cô vẫn say mê ngưỡng mộ chính mình. Không phải vì thế nên từ "tha thứ" mới xuất hiện trong thư của cô sao?
Chẳng hạn, trong hôn lễ của Sae, nếu cô xin lỗi một câu rằng, "Lúc đó xin lỗi cháu vì cô đã nói những lời quá đáng", thì Sae liệu có bận tâm tới lời hứa với cô đến mức đó không? Nếu cô viết thêm một dòng, "Cô muốn cháu hãy quên lời hứa năm xưa với cô đi" và gửi kèm với bức thư của Sae, có lẽ Maki đã không dồn ép bản thân mình đến thế. Cháu không biết Akiko chịu ảnh hưởng từ cô như thế nào, về phần cháu, những chuyện lần này cháu nghĩ không liên quan gì tới cô cả.
Nhưng có phải thực ra cô đã tới sớm hơn thế nhiều không?
Cháu rất ngạc nhiên bởi trong lời tự thú của Maki có nhắc tới tên người điều hành trường học tự do nọ. Cháu đã nghĩ, hay mình thử liên lạc với Maki xem sao. Cháu sẽ liên lạc với em gái cậu ấy trước... Khi cháu còn đang thong thả dự tính như vậy thì xảy ra vụ án của Akiko. Có lẽ vì vụ án của Sae và Maki xảy ra ở một thị trấn xa xôi nơi cháu không biết tới, nên cháu đã không cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của việc hai bạn đó đã giết người, nhưng trường hợp của Akiko lại là ở ngay thị trấn đó. Cháu không phải cảnh sát. Chắc chắn dù cháu có kết tội nhầm ai đó là hung thủ, cháu cũng sẽ không bị ai trách cứ. Quan trọng hơn cả, cháu nghĩ mình cần đặt một dấu chấm hết cho tất cả những chuyện này.
Cháu hẹn anh rể tới căn hộ của mình với lý do có chuyện quan trọng. Không biết anh ấy nghĩ "chuyện quan trọng" là chuyện gì, nhưng vừa mở cửa, anh ấy đã quỳ sụp xuống chân cháu nói: "Anh sẽ chu cấp nhiều nhất có thể, xin em đừng cho ai biết đứa bé là con anh." Bụng nhô cao làm cháu không nhìn rõ mặt, nhưng vẫn biết anh đang run rẩy. Có lẽ trước khi ra khỏi nhà tới đây, chị cháu đã nói với anh điều gì đó. Phòng cháu nằm ở tầng hai ngay cạnh cầu thang. Chẳng biết lúc nào sẽ có người đi qua, vậy mà anh vẫn lải nhải câu biện minh "Đó không phải con anh", và quỳ gối, cúi mặt ở đó mãi trông thật đáng thương. Nghĩ tới bố của đứa con trong bụng mình là người đàn ông này, đột nhiên cháu thấy thật thảm hại. Cháu nghĩ, sao mình phải tiết lộ chuyện quan trọng cho một người như thế này cơ chứ.
Vả lại, nếu tới Sở cảnh sát tỉnh, biết đâu sẽ gặp chú Ando ở đó. Cháu hối hận nghĩ sao trước giờ mình không nhận ra một chuyện quan trọng như thế nhỉ.
"Nói với anh cũng vô dụng thôi, em không nói nữa." Cháu nói thế rồi ra khỏi nhà, định bước đi. Đột nhiên hai cánh tay cháu bị ôm chặt lại từ phía sau. Đương nhiên đó không phải cử chỉ yêu thương gì. Anh ta bảo, "Em nhất định không được nói cho Mayu biết." Hình như anh ấy hiểu lầm là cháu định tới chỗ chị gái. Hai cánh tay vẫn bị giữ chặt, cháu bị đẩy tới cầu thang.
Anh rể muốn giết cháu. Không, chính xác thì anh ấy muốn giết đứa con trong bụng cháu. Dù đó là con ruột của mình, anh ta vẫn muốn giết, vì người vợ trân quý của mình. Vì chị gái mà người này định cướp đi thứ quý giá nhất của cháu ư? Không đời nào cháu cho phép chuyện đó!
Cứ như vậy, dù cháu có tức giận thế nào, có muốn bảo vệ đứa con đến đâu, anh rể tuy gầy gò nhưng vẫn là đàn ông, lại còn là cảnh sát, cháu có vẫy vùng cách mấy cũng không thoát khỏi cánh tay anh ta. Cháu bị đẩy tới mép cầu thang, một chân trượt xuống và đúng vào lúc cháu nghĩ vậy là xong đời rồi thì điện thoại di động nhét trong túi chiếc váy yếm của cháu reo vang. Nhạc chuông là ca khúc chủ đề của một bộ phim hình sự nổi tiếng. Khoảnh khắc đó, anh rể giật mình, buông lỏng tay.
Lợi dụng lúc ấy, cháu xoay người, dùng cánh tay vừa được buông lỏng của mình lấy hết sức đẩy vào ngực anh ta.
Xin lỗi cô một chút, có tin nhắn từ chị cháu.
... Chị ấy nói anh rể đã không qua khỏi.
Cuộc gọi khiến máy cháu đổ chuông khi đó là cuộc gọi của cô. Sau khi anh rể ngã xuống cầu thang, cháu vội mở máy để gọi xe cứu thương thì thấy có cuộc gọi nhỡ từ một số lạ. Tuy băn khoăn không biết là ai, nhưng dù sao cháu vẫn gọi xe cứu thương và giải thích tình hình với nhân viên cấp cứu khi họ chạy tới.
Là lỗi của tôi. Vì nhớ ra một chuyện có thể là manh mối cho vụ án mạng mười lăm năm trước, nên tôi gọi anh rể tới đây để bàn bạc với anh, hai chúng tôi quyết định sẽ tới sở cảnh sát, nhưng vì vội quá nên tôi suýt thì bước hụt chân xuống cầu thang... Vì muốn cứu tôi nên anh rể tôi đã bị hụt chân và ngã xuống. Xin lỗi anh, xin lỗi anh...
Trong lúc vừa nói vừa khóc, thì bụng nhói đau, nên tuy còn sớm nhưng cháu vẫn lên xe cứu thương để tới bệnh viện này. Sau đó ngay lập tức cô gọi tới, nói cô đang ở gần đây và hỏi liệu cô có thể gặp cháu không nên cháu đã bảo cô tới bệnh viện. Nhưng liệu có phải cô đã tới tận căn hộ của cháu không? Và cô đã nhìn thấy mọi chuyện từ đầu đến cuối? Bởi dẫu thế nào, việc cuộc gọi đó được gọi tới vào đúng thời điểm ấy cũng là quá mức trùng hợp, khiến cháu không thể tin được.
... Quả nhiên là như vậy sao?
Cô thấy may mắn vì đã cứu được cháu ư? Hay cô đang cắn rứt bởi đứa trẻ cuối cùng cũng đã ra tay giết người? Cô thấy cắn rứt sao. Thế tại sao cô không lên tiếng sớm hơn? Sau khi đến căn hộ của cháu, cô thấy một người đàn ông bước vào phòng cháu nên tò mò đứng rình xem mọi chuyện chứ gì?
Kết cục, cảm giác có lỗi của cô đối với chúng cháu vẫn chỉ như chuyện của người khác vậy. Có lẽ cô vẫn còn hận chúng cháu vì nghĩ Emily bị giết là do lỗi của chúng cháu chăng.
Nhưng cháu lại nghĩ thế này. Có khi chúng cháu chỉ là những người vô tình bị liên lụy thôi. Hung thủ đã không tình cờ chọn Emily trong năm đứa chúng cháu, mà có lẽ từ đầu đã nhắm vào Emily rồi. Và lý do gã làm vậy biết đâu lại có liên quan tới chiếc nhẫn Emily dùng làm báu vật, và liên quan tới cô - người chủ của chiếc nhẫn ấy?
Và biết đâu cô cũng quen ông Nanjou, người điều hành trường học tự do đó?
Cơ sở cho suy luận đó là lời đồn về việc Emily không phải con ruột của người bố hiện tại, mà cháu nghe được từ người bạn đã cãi cọ với chồng về ngày dự sinh nọ. Công ty vừa thay giám đốc còn gì, lúc đó đã có rất nhiều lời đồn đại. Những lời đồn có thể chỉ toàn chuyện vô căn cứ, nhưng cháu có cảm giác không thể phủ nhận hoàn toàn chuyện này. Cháu không chỉ dựa trên giác quan nhạy bén của bà bầu đâu.
Chẳng hạn như đôi mắt dài của Emily không giống ai trong hai vợ chồng cô. Hay là chúng ta không thể dựa vào thuyết di truyền được? Thêm nữa, lúc gọi chúng cháu tới nhà, cô đã nói thế này. Vì cô là mẹ của Emily, chỉ mình cô có quyền làm như thế.Chỉ mình, cô...
Không biết có thể dùng làm bằng chứng được không, nhưng cháu sẽ đưa cho cô tấm bưu thiếp của cháu. Mong rằng nó có thể trở thành món quà cảm ơn vì đã cứu đứa con trong bụng cháu... Cháu đã nghĩ rằng mình không bị ảnh hưởng gì, nhưng có lẽ quả nhiên cháu vẫn luôn bị ám ảnh bởi những lời cô nói.
Như thế này có phải cả bốn chúng cháu đều đã thực hiện được lời hứa với cô không? Vậy cô định đón nhận tất cả những điều này như thế nào? Cô vừa có tiền, vừa có quyền lực nhỉ. Cô có thể nói với cảnh sát rằng cháu đã xô anh rể xuống. Chuyện đó tùy cô. Nhưng dù cô có bao che cho cháu, cháu cũng sẽ không cảm ơn đâu.
Đến lúc cháu phải tới khoa phụ sản rồi. Một ngày thật dài, và quãng thời gian mười lăm năm qua cũng thật dài, nhưng trong đầu cháu lúc này chỉ có một ý nghĩ, rằng thật may vì ngày sinh bảo bối của cháu không phải là ngày 14 tháng Tám.
Chỉ có vậy thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top