Chương 11
Tờ mờ sáng, không khí xung quanh còn đậm hơi sương, ếch nhái cũng kêu chưa dứt hẳn, chỉ có mấy tiếng gà gáy là có thể nhắc nhở trời sắp chuyển. Trọng Thủy cũng theo đó mà tỉnh dậy, chàng lắc lắc cánh tay đã tê mỏi đến mất hết cảm giác. Có lẽ đêm qua chàng không ngủ được ngon.
Một người quen sống trong nhung lụa làm sao ngủ ngon ở cái chỗ này chứ? Bên ngoài thì lạnh, chàng lại chỉ có một kiện áo lót mỏng, đêm đêm thưởng thức đám côn trùng đồng ca, ai mà ngủ cho đặng. Thậm chí, còn nghe lời mời gọi của mấy nàng muỗi. Phe phẩy, nhẹ tựa gió, đậu trên người chàng tạo dáng kiều...
Chỉ buồn cười ở nỗi, dù có cố gắng thế nào Trọng Thủy cũng không đuổi bắt được các nàng, chỉ để mặc cho các nàng làm bậy. Thành thử sáng sớm ra, các nàng đã để lại cho chàng mấy dấu hôn hồng hồng, chỉ mỗi tội ... rất ngứa.
Trọng Thủy xoa xoa mấy vết cắn, ngồi giữa hoa viên mà cười như người điên.
Chàng có phòng riêng cơ mà nhỉ? Chàng hồ đồ rồi.
Vỗ vỗ trán, Trọng Thủy đứng dậy vươn vai, hít thở khí trời. Trong lành ghê, giờ mà lên núi ngắm mặt trời mọc thì tuyệt.
Nghĩ vậy, chàng không ngần ngại về phòng sửa soạn.
Quả thật chàng thay đổi rất nhiều, kể từ khi tới Âu Lạc, tuy khí hậu không thay đổi nhiều nhưng cách ăn mặc của chàng lại có biến hóa. Chàng chẳng thèm mặc mấy cái áo thế tử vạt dài nhung lụa bồng bềnh đó nữa, mỗi lần đi qua đi lại giờ tự nhiên cảm thấy vướng vô cùng. Áo thì tận ba lớp, mặc đến lớp áo trẽn đã thấy nóng nực khổng tả nổi, mà ở đây chàng cũng đi rất nhiều nơi, thăm thú rất nhiều chỗ. Thế nên giờ đây mấy rương y phục của chàng chỉ toàn đồ Âu Lạc, hiếm khi có cung đình lễ hội gì thì mới lôi đống y phục Nam Việt thế tử ra chật vật.
Chính thế, sáng sớm nay, như mọi hôm, chàng ăn mặc đơn giản, đủ ấm để lên núi. Thời điểm buổi sáng trên núi rất lạnh, nhưng cái lạnh vô cùng tuyệt. Cho đến tận khi mặt trời gần lên tới đỉnh đầu, đứng dưới tán cây rậm rạp thì vẫn còn mát chán.
Thực ra địa phận chỗ này núi vẫn chưa gọi là núi, cây cối um tùm nhưng vẫn chưa thể cho là rừng. nơi này là đồng bằng ven sông, làng mạc cũng ven sông. Thì đúng mà, Âu Lạc trước là Văn Lang, vốn là một bộ tộc lớn, sống dựa vào nghề đánh bắt cá ven sông, từ đó mới dựng làng mạc, tới đây thiên nhiên trù phú, thì mới không di chuyển nữa.
Thế rồi phát triển qua các thế hệ, nếu tính ra cũng không dài, nên lãnh thổ vẫn chưa mở rộng được lớn lắm, nếu Trọng Thủy muốn lên núi, chàng phải đi ra sát biên giới, nơi mà còn mấy bộ tộc hoang sơ vừa mới di chuyển đến. Nhưng chàng không ngại.
Sửa soạn đồ dùng gọn nhẹ nhưng phải đầy đủ, bởi chàng lên núi sẽ mất một đến hai ngày. Cái lời mà chàng nói rằng lên núi để ngắm mặt trời mọc ấy, không phải lời vu vơ đâu, mà chỉ là chàng nói trước là vào lúc sáng sớm ngày hôm sau mà thôi.
Chàng cười cười, lần này chạy khỏi Mỵ Châu một hai ngày đã rồi tính.
Trên đường, Trọng Thủy vừa đi vừa hát nghêu ngao đồng giao của Âu Lạc, rồi lại hát đến thơ cổ của nhà Hán. Chàng ấy à, với nền văn minh nhân loại, thì cho dù là của kẻ thù Trọng Thủy cũng không ngại mà học hỏi.
Ngày nhỏ, Triệu Đà cũng hay gọi chàng đến đọc binh thư, nhưng mà chàng toàn ngủ giữa chừng. Mấy thứ đó đối với biết bao nhiêu người ngày ấy là trọng yếu, bất kỳ vị đế nào trong tương lai đều phải học qua thật kỹ càng, vận dụng phải thật nhuần nhuyễn, thì giang sơn mới giữ vững được. Còn chàng, chàng không cần, chàng không cần giang sơn to lớn đó mà chàng chỉ khát khao một cuộc sống êm đẹp bên người mình yêu thương.
Thời điểm ấy, Trọng Thủy vẫn chưa ý thức được người mà mình thật tâm thật lòng mong nhớ, chàng chỉ đăm đăm chấp niệm một tương lai xa xôi, à không, là một giấc mộng xa xôi mà trong cả cuộc đời, có lẽ chàng chỉ nếm trải một lần.
Vừa đi vừa nghĩ, nếu chàng không có ý nghĩ điên cuồng rằng mình đã yêu phải Triệu Đà... sẽ thế nào nhỉ? Chàng cũng không biết nữa, vì chàng chưa từng tưởng tượng theo điều ấy.
Lắng nghe tiếng chim hót trong buổi trưa nắng gắt có chút khắc nghiệt, Trọng Thủy dừng chân ở lưng đồi. Lần trước chàng đi theo hướng Đông Bắc, thấy khí hậu địa chất hoàn toàn khác biệt với Âu Lạc. Lần này, theo hướng Tây Bắc, chàng thấy nơi đây rừng già hiểm trở hơn, cũng nhiều kẻ săn mồi của tự nhiên ác liệt hơn lần trước rất nhiều.
Tiếng ngựa đã phì phò mỏi mệt, Trọng Thủy đành dừng chân nghỉ trọ ở nhà của nông phụ nghỉ tạm. Vị trí này dân cư đã thưa thớt lắm rồi, để thấy được một chút tro tàn bay cũng phải căng cả người ra mới được. May thay, trước khi trời tối, chàng không những thấy chút tàn tro bay, mà còn ngửi được thấy cả mùi cơm chín. Mừng rỡ, chàng mới thúc ngựa thật mạnh, nhanh chóng theo hướng đám khói đen nọ mới dừng chân.
" Cậu là ai?"
Trọng Thủy vội vã xuống ngựa, giải trình:
" Cháu chào bà, cháu cũng chỉ là người đi đường bình thường thôi ạ, đang trên đường lên núi hái thuốc, vậy mà không tính toán kỹ đã lạc mất đường rồi. Cháu có thể xin bà cho nghỉ tạm một đêm ở đây không ạ, bao nhiêu đồng cháu cũng trả."
"Tiền đồng ở chỗ này không dùng được đâu cậu trai ạ." Bà cụ cười khanh khách, " Vào đây, gớm, đi chưa quen đường thì phải mang theo màn chiếu để ngủ. Chứ đi thêm vài dặm nữa, có muốn thấy bóng người cũng không có đâu. Trên núi cũng có vài bộ lạc, nhưng có nói với họ cũng không hiểu gì đâu. Nhớ tháng trước ta vừa lên núi gặp tộc người Thái, ấy là ta gọi thế, bởi tiếng họ cứ thái thái cái gì đó. Ha ha ha Được rồi được rồi, lại đây ăn cơm với bà già này đi."
Bà cụ đấm đấm lưng, đi chân trần mà ra ngoài bắc nồi cơm đã chín vào. Cả căn phòng như được làm ấm thêm mấy phần, bởi tình người.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top