Phần I: Tuổi mười sáu của chúng ta

1
Cơn mưa đã tạnh hẳn. Những đám mây xám đã tan biến để lộ ra một màu xanh vô tận của bầu trời. Sáu người chúng tôi vui mừng ùa ra sân bóng, quay lại với cái sân và trái bóng rổ quen thuộc. Giống như cũ, chúng tôi lại chia ra hai bên, mỗi bên ba người. Đội tôi có tôi, Vũ, và Chí. Còn Khôi, Hiên, Hoàng đội còn lại. Nhanh chóng, trận đấu bắt đầu:
-Kìa, Khôi cản thằng Nam lại.
-Tao sẽ không để mày cướp bóng dễ dàng như vậy đâu
-Mày chắc chứ? Nhìn lại bàn tay đi.
Tôi nhìn xuống thì đã chẳng thấy trái bóng đâu. Thằng Khôi cười lớn rồi liền lao nhanh về phía trước. Tôi vội vàng đẩy nhanh bước chân đuổi theo. Một cú giơ tay, một nhịp nhảy, tôi cố gắng giành lại bóng. Nhưng Khôi là người chẳng dễ dàng bị qua mặt, nó vững chãi như một bức tường, tay cứ thế kiên định chặn hết mọi đòn tấn công của tôi.
-Không dễ ăn vậy đâu Nam.
Từ đâu, Vũ chạy đến, với ý định cướp bóng nhưng đã bị Khôi phát giác ra và phản ứng kịp thời. Giờ đây, Khôi bị tôi và Vũ kìm cặp, không thể thoát ra:
-Hiên, chụp lấy. Ghi điểm đấy nhá.
Nhanh thoăn thoắt, Khôi ném bóng qua cho Hiên. Những tiếng hò reo vang lên theo cùng với gương mặt hớn hở của Khôi, Hiên, và Hoàng. Hiên đã ghi được một cú ba điểm. Vậy là đội tôi đã bị bỏ xa với tỉ số 12-5.
-Yeah. Cú ném đó quá đẹp. Mày khá lắm Hiên.
-Tưởng gì, tao mà.
Ngược với sự vui mừng của đội bên kia là sự bực dọc của tôi. Thấy tôi như vậy, Hoàng chạy đến khoác vai và khích lệ tôi:
-Mày bực làm gì, trận đấu vẫn chưa kết thúc, chúng ta chắc chắn sẽ lật ngược tình thế.
Sau vài phút nghỉ ngơi, trận thứ hai bắt đầu. Trận này, Chí đã giúp đội tôi lội ngược dòng khi ghi được hai cú ba điểm. Rút ngắn khoảng cách lại chỉ còn 12-11. Ai cũng đang rất hăng say với trận đấu, bỗng nhiên từ đâu một giọng nữ trung niên vang lên. Tôi nhận ra giọng nói này, có ai khác ra ngoài mẹ thằng Vũ đâu. Chất giọng lớn tiếng, chắc nịch ấy vang lên giữa sân, khiến chúng tôi ai cũng phải dừng lại và quay lại nhìn.
-Vũ, mày lại trốn đi chơi bóng à? Mẹ kêu ở nhà trông em mà lại trốn đi chơi hả?
Vũ mặt mày tái mét, chỉ biết đứng thừ người ra. Cái giọng oai oái của mẹ nó chẳng lẫn đi đâu được. Năm đứa tôi, đứa nào đều không nhịn được cười. Mặc dù trận đấu vẫn đang căng thẳng, nhưng chúng tôi đều đã quá quen với cảnh tượng quen thuộc này.
-Con cái, suốt ngày banh với bóng, không lo học hành. Mẹ kêu ở nhà trông em thì lại trốn đi chơi. Ông trời ơi, sao tôi khổ thế này.
Vũ nhanh chóng bị mẹ véo tai và lôi về, vừa đi nó vừa la oai oái, luôn miệng "xin lỗi mẹ, lần sau con sẽ không dám nữa". Như chợt nhớ ra gì đó, Vũ quay lại nói to.
-Mai lại chơi tiếp nhá bọn mày.
-Á à, lại còn mai à. Đi về, mẹ không cho mày đi đâu nữa.
Trời cũng đã sẩm tối, không khí càng thêm lạnh, mặt trời dần chìm vào giấc ngủ, nhường chỗ cho những ngôi sao đang lấp ló trên bầu trời xanh. Các ánh đèn mờ nhạt của sân bóng cũng đã sáng lên. Chúng tôi cứ đứng ở đó, cho đến khi Vũ và mẹ nó xa dần và khuất khỏi tầm mất chúng tôi. Cảnh tượng đó chẳng lạ gì với bọn tôi. Nhưng mỗi lần thấy thằng bạn bị như vậy, lòng chúng tôi lại dâng lên một cảm xúc khó tả: vừa buồn cười vừa đáng thương.
-Chắc mai nó lại lén đi chơi thôi, bao lần rồi mà.
Chí vừa cười vừa nói. Giọng điệu mang phần trêu ghẹo. Hoàng nhún vai nói:
-Chưa biết được, có thể lần này mẹ nó sẽ nghiêm khắc hơn thì sao?
Bọn tôi đứng đó, không ai bảo ai câu nào nhưng mỗi người đều ra lấy xe đi về. Không khí lúc này đã vắng lặng hơn, bóng tối đang dần bao trùm, trên đường tôi về chỉ còn tiếng xe đạp xào xạc và vài tiếng bước chân nhỏ. Nhà tôi nằm trong một con hẻm nhỏ, lọt thỏm giữa con phố ồn ào, náo nhiệt. Hẻm không rộng lắm, vừa đủ cho hai chiếc xe máy chui qua, nhưng đó lại là nơi tôi đã gắn bó suốt từ khi chào đời. Ngôi nhà của tôi nằm gần cuối hẻm, phía trước là một chiếc cổng sắt cũ, đã phai màu theo thời gian, nhưng vẫn còn vững chắc. Ngôi nhà nổi bật với mái ngói đỏ tươi, tuy không sang trọng nhưng gợi ra cảm giác gần gũi, bình dị, với bức tường mới được bố tôi sơn trắng tuần trước. Một cây hoa giấy đang nở đầy trước cổng, từng chùm hoa đỏ rực nhẹ nhàng đung đưa theo gió. Ban ngày, thường có nhiều người lui tới để xin chụp hình, vì hoa giấy nhà tôi là điểm nổi bật của cả con hẻm. Tôi bước vào nhà, liền thấy mẹ đang tất bật chuẩn bị cơm tối, hai đứa em út thì đang ngồi trên bộ bàn ghế gỗ xem ti vi, bố thì đang sửa xe. Hai đứa em tôi thường được mọi người ví như nước với lửa, vì sẩy ra thì bọn nó lại cãi nhau. Tôi còn nhớ, lần trước chỉ vì tranh nhau cái remote tivi mà hai đứa đánh nhau đến sứt đầu mẻ chán. Tôi nhanh chóng đặt balo xuống bàn học để ra phụ mẹ dọn cơm.
Gia đình tôi không khá giả, chỉ gọi là đủ ăn đủ mặc. Bố tôi là công nhân, làm việc tại một nhà máy gần nhà mẹ tôi là nội trợ, ở nhà chăm lo con cái, đôi khi mẹ nhận thêm may vá để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Hai em tôi, một đứa tên Long, đứa còn lại tên Ân. Tôi thường hay trêu đùa rằng cái tên của bọn nó có một câu chuyện thú vị mà ít người biết. Hóa ra, tên của chúng nó là do mẹ tôi lấy cảm hứng từ một bộ phim kiếm hiệp mà bà yêu thích hồi còn trẻ. Mẹ tôi vốn rất mê xem phim kiếm hiệp, đặc biệt là những bộ phim có các nhân vật với võ công cao cường, với những tên gọi rất đặc biệt, mang đậm chất huyền thoại. Một lần, trong khi xem một bộ phim, mẹ tôi nghe thấy nhân vật chính nói đến hai chữ "long ân". Bà cảm thấy thích thú với hai chữ ấy, mẹ bảo nghe nó vừa hay vừa thú vị. Nhưng mẹ cũng nghĩ rằng "long ân" là một tên gọi khá dài và muốn tách ra thành hai phần để đặt cho hai đứa con của mình. Mẹ bảo tên Long mang ý nghĩa mạnh mẽ, kiên cường, như con rồng trong phim kiếm hiệp mà mẹ coi. Còn em gái út tên Ân, mang ý nghĩa của lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc. Vậy là, từ "long" và "ân," mẹ quyết định đặt tên cho hai đứa em tôi. Mỗi khi ai đó hỏi về tên của hai đứa em tôi, mẹ lại cười và kể câu chuyện về bộ phim kiếm hiệp ấy.
Ba anh em tôi đều học rất giỏi, có lẽ vì từ nhỏ, chúng tôi đã biết được gia đình đang phải gánh một món nợ khổng lồ. Mười năm trước, bà nội tôi mắc ung thư, bố mẹ tôi phải vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho bà, từ bạn bè, người thân cho đến cả những tổ chức cho vay. Cuối cùng, bà không qua khỏi, món nợ ấy vẫn còn, đè nặng lên vai bố mẹ tôi. Món nợ ấy không hề vơi đi mà lại càng ngày càng nặng thêm, mỗi năm, lãi mẹ đẻ lãi con cứ tăng lên, như một bóng ma cứ không ngừng đeo bám gia đình tôi. Nhưng điều tồi tệ nhất không phải là món nợ, mà là những kẻ đòi nợ.
Tuổi thơ tôi là những lần bị xã hội đen đến nhà đòi tiền, những lần như vậy, tôi đều chỉ biết trốn trong một góc nhỏ trong phòng ngủ, ôm hai đứa em nhỏ vào trong lòng. Khi ấy, tôi chỉ biết nén nước mắt, cố gắng an ủi hai đứa em đang hoảng sợ. Tôi không dám hỏi mẹ, không dám hỏi bố, vì tôi biết, dù có nói gì đi chăng nữa, cũng chẳng thể thay đổi được thực tế đang diễn ra. Chỉ có một điều tôi hiểu rõ: họ đến rồi sẽ đi, nhưng những tiếng thở dài, những ánh mắt lo âu của bố mẹ vẫn ở lại, đeo bám chúng tôi từng ngày.
Mẹ tôi thường nhiều lần khuyên bố bán nhà để trả bớt nợ nần nhưng mỗi lần như vậy, bố đều cọc cằn, không giấu được vẻ tức giận. Bố bảo, ngôi nhà này là tài sản duy nhất còn lại của gia đình, đất đai, cái gì bán được cũng đã bán. Ngôi nhà là bao mồ hôi, công sức suốt những năm tháng dài của ông. Bán nhà đi, có nghĩa là ông sẽ mất tất cả. Mỗi lần mẹ đưa ra lời khuyên ấy, bố lại cảm thấy như bị đẩy vào bước đường cùng, và rồi câu chuyện kết thúc bằng những cuộc cãi vã, những tiếng thở dài đầy mệt mỏi

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top