Chuyện và truyện

Thật không thể hiểu rằng sau 10 năm, ông trời lại an bài cho tôi gặp cậu ta. Những năm tháng tiểu học đáng ghét ấy, con người đáng ghét ấy,... cứ như thế lại ùa về trong trí óc.

***

1.

Lượn lờ quanh khắp các cửa hàng quà lưu niệm trong cái thời tiếc oi bức ngột ngạt mà vẫn không tìm được món quà nào ưng ý khiến đầu óc tôi trở nên mụ mị và mệt mỏi. Mai là sinh nhật em trai tôi- đứa em song sinh có đầu óc thần đồng được cả dòng họ nâng như nâng trứng, vậy nên một đứa con gái vốn bê tha cẩu thả như tôi phải chịu khó tìm một món quà cho ra hồn để không bị mất mặt trước họ hàng. Ngày mai, không, có lẽ tối nay những người đó sẽ từ cố đô Huế xa xôi bay vào trong Sài thành nóng bức này để mở một buổi tiệc sinh nhật lần thứ 20 quan trọng cho đứa con trai quý tử và tài hoa của dòng họ...Nhân sinh vốn rất kì lạ. Tôi đã không còn thắc mắc tại sao cùng là chị em song sinh mà em tôi lại được coi trọng đến thế. Đơn giản chỉ vì tôi là con gái, mà con gái, đối với cái dòng họ thư hương danh giá ấy, đã có quá nhiều, nên xem tôi có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Còn em trai Tử Long là cháu đích tôn, cũng là đứa con trai duy nhất của cả họ. Đã thế, nó còn giỏi giang, đẹp trai, ngoan ngoãn,...nên nghiễm nhiên là quý tử đầy triển vọng...Bước vào một nhà sách trông có vẻ đông vui nhộn nhịp và quan trọng hơn là có máy điều hòa mát lạnh, người tôi trở nên thoải mái hơn hẳn. Lê bước hết từ gian này đến gian kia, lòng thầm nghĩ là chỉ đi chọn quà thôi, nhưng cuối cùng lại vẫn cắm cúi vào mấy cuốn sách bày đầy trên kệ. Nhìn những bì sách dày cộp trang trí đẹp đẽ kia, một con mọt truyện như tôi quả thật là không thể kìm chế nổi. Vươn người lấy một cuốn sách được xem là best-seller hiện nay, tay vừa chạm vào bìa sách trơn bóng, cũng là lúc chạm vào một bàn tay trắng trẻo nõn nà khác. Tôi rút tay lại, theo bản năng, quay đầu về phía chủ nhân cánh tay ấy, một cô bé, không, theo tiểu thuyết ngôn tình, một tiểu mỹ nhân mảnh mai có làn da trắng hồng và đôi mắt trong veo, cũng đang nhìn lại tôi. Mà bên cạnh tiểu mỹ nhân ấy, một khuôn mặt quen thuộc đập vào mắt... Vẫn cái vẻ cao ngạo đáng ghét ấy, cậu ta nhìn lại tôi, trong đối mắt lại hình như có một chút kinh ngạc,...

Tôi rất hậu đâu, không khéo tay, làm việc gì cũng cẩu thả,.. nhưng luôn tự hào về trí nhớ của mình. Những sự việc đã qua, những con người trong quá khứ, những cái tên dù thân quen hay lạ lẫm đều được tự động ghi vào bộ nhớ của tôi. Hồi còn học phổ thông, tôi chỉ cần đọc lướt qua một, hai lần là có thể nắm vững nhửng ý chính của một bài lịch sử dài lê thê. Cho nên giờ đây, khi khuôn mặt ấy hiện ra trước mắt, những năm tháng tiểu học lại hiện lên rõ mồn một, như những thước phim trắng đen.

***

Hồi đó, tôi là một đứa trẻ vô dụng. Sau khi ba mẹ li hôn, em trai theo ba về Huế, tôi vẫn ở lại phố núi yên bình và mát mẻ . Trên lớp học, tôi rất trầm, im lặng một cách tuyệt đối, giờ ra chơi, tôi chỉ ngồi một chỗ, ngắm những chú chim gõ kiến trên thân cây bạch đàn. Cô giáo còn nghi ngờ tôi là đứa trẻ bị tự kỉ nên có một lần đến tận nhà để nói chuyện với mẹ, thấy tôi chơi đùa vui vẻ với hàng xóm và mấy đứa em họ, nên không thắc mắc gì nữa. Cô không biết rằng , tôi không thích chơi với các bạn chỉ đơn giản là vì.... không thích. Hơn một nửa số học sinh lớp 1A của tôi hồi đó là con nhà giàu có, mà tôi, với một gia đình bao gồm một bà mẹ đơn thân không chỉ nuôi con mà còn phải chăm sóc bà ngoại, chỉ nhờ vào một vườn rau bé xíu và một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ, tất nhiên không nằm trong số đó. Vậy nên tôi không thích chúng-những đứa con gái mặc đầm tết tóc xúng xính lúc nào đi học cũng tỏ vẻ cao sang và những đứa con trai nghịch ngợm suốt ngày khoe nhau những món đồ chơi mới mua. Và càng không thích cậu ta-lớp trưởng lớp 1A, thủ lĩnh của những cậu ấm cô chiêu kia. Sở dĩ gọi là thủ lĩnh vì hình như bọn trẻ trong lớp đều ra sức lấy lòng cậu ta, có món ngon cũng chia cho "lớp trưởng", có đồ chơi mới cũng tìm "lớp trưởng" chơi cùng, cãi nhau cũng nhờ "lớp trưởng" phân giải dù đúng sai thế nào,... Nhưng cái người được gọi là lớp trưởng kia, lại luôn tỏ ra cao ngạo, cậu ta luôn có quyền lấy bất cứ thứ gì mình thích của bất kì ai, lúc nào cũng cầm đầu bọn con trai tốc váy con gái, hay ném đá vào văn phòng hiệu trưởng rồi bỏ chạy sau đó đổ tội cho một đứa con trai tội nghiệp khác,... Tất cả đều khiến tôi càng ngày càng ghét. Vậy mà chẳng ai có ý kiến gì, những đứa bị lấy đồ chơi còn mang món khác đến tặng cậu ta, những đứa con gái bị tốc váy chỉ khóc ầm ĩ được một lúc để rồi sau đó mua kẹo mời cậu ta như mọi ngày,...Ngay cả cô chủ nhiệm cũng thiên vị, điểm tập viết luôn cho cao hơn mọi người dù chữ không đẹp hay sai lỗi chính tả,...Tóm lại, chỉ cần nhìn là tôi đã không thích cái lớp học như thế này, với những con người như thế này,...Cho nên, sau một năm, dù hầu hết các bạn đã quen trường quen lớp, có bạn bè vui chơi (dù chỉ là để nịnh bợ cậu lớp trưởng đáng ghét ấy) thì tôi vẫn chỉ có một mình.

Đó là kì nghỉ hè đầu tiên của gia đình chúng tôi sau khi ba mẹ li hôn. Ngay khi ba và em trai vừa đến, tôi được cậu Hai-người anh cả của mẹ, cũng là cha đỡ đầu nghiêm khắc của tôi, chở đến nhà một người bà con xa bên nội -nơi vốn dĩ ngày thường chẳng bao giờ được nhắc đến dù cách nhà không bao xa. Ở đó, ba lại dắt chị em tôi đi chơi, hái trái cây, câu cá,... Chiều chiều, chúng tôi ra sân trường, nơi những hàng phượng già ra hoa đỏ rực. Ba ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây nhìn chị em. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thầy Quý Tử- tên lớp trưởng đáng ghét ấy - chỉ đứng một mình, không có những cái đuôi bám theo, bên hàng hoa hồng giờ đang khô quắp, hình như cậu ta vừa mới khóc xong, không còn cái dáng vẻ thủ lĩnh kiêu ngạo khi ở trên lớp. Lúc đó, tôi cùng em trai Tử Long đang nhặt những cánh phượng đỏ chói trên nền đất, bỏ vào trong một chiếc túi cũng màu đỏ ấy. Không biết cậu ta nhập cuộc với chúng tôi khi nào, có lẽ trẻ con, khi tìm thấy hứng thú và niềm vui sẽ rất dễ dành quên đi mọi thứ. Khi Long hỏi vì sao lúc nãy khóc, cậu ta nói mình bị anh trai đánh. Sau đó, tôi vẫn còn nhớ đứa em trai ngây thơ và tốt bụng của mình trả lời rằng: "Không sao đâu, chị mình cũng hay đánh mình nhưng ba nói là do chị thương mình, chắc anh của cậu cũng vậy đó". Khi về lại nhà bác Như, tôi mới biết cậu ta cũng ở gần đó. Nghe người lớn hết lời khen ngợi cái cậu Quý Tử đó, tôi lại càng thấy bực dọc hơn. Cả thằng em trai cũng có vẻ thích thú khi nhắc đến cái tên ấy.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy người lớn khóc, khi mẹ và bà ngoại chạy ra cổng ôm thật chặt và vuốt những sợi tóc tơ ngắn ngủn của em trai, khiến hai đứa con nít như chúng tôi cũng phải òa lên khóc theo nức nở dù chẳng biết tại sao...

Lên lớp 2, tôi vẫn bị học chung lớp với cậu ta, người vẫn là lớp trưởng, vẫn là thủ lĩnh trong nhiều đôi mắt non nớt của đám trẻ với thái độ ngạo mạn và tự cao đáng ghét. Nhưng không chỉ có mình tôi, cô bạn Ngọc cùng bàn và cậu bạn Tâm ngồi sau tôi cũng không ưa Quý Tử chỉ vì nhiều lần cậu ta phê bình bọn họ trước mặt cô giáo. Hồi đó, những việc khiến một học sinh tiều học bị phê bình trước lớp-một điều rất đáng xấu hổ- chỉ là những việc rất nhỏ nhặt như quên đem đồ dùng học tập (từ cuốn sách giáo khoa đến môt cây thước bé xíu), lau bảng không sạch, viết bây trên bàn, nói tục (mà thật ra là chỉ xưng nhau mày-tao), ăn quà vặt trong lớp (dù chỉ là một viên kẹo rất nhỏ), quên đọc 5 điều Bác Hồ dạy,...Vậy mà hai người bạn của tôi trong nhiều tuần liên tục bị phạm lỗi, khiến cậu lớp trưởng gương mẫu đáng kính của cả lớp có dịp thể hiện trước mặt cô giáo. Vậy nên, Ngọc và Tâm không thích lớp trưởng. Tình bạn kéo dài trong suốt những năm tháng tiểu học và cho đến tận bây giờ giữa 3 người chúng tôi cũng bắt đầu từ điểm chung nho nhỏ ấy.

Lớp 3, dù nhà trường có tích cực xáo trộn ra sao thì tôi vẫn học chung lớp với Quý Tử, thậm chí ngồi cùng bàn với cậu ta, lấy lí do là một học sinh giỏi sẽ kèm một học sinh yếu kém, tất nhiên tôi là người đóng vai "yếu kém" kia. Chúng tôi hầu như chẳng nói chuyện với nhau trong suốt nhiều tuần lễ đầu, dù 2 mùa hè trôi qua, khi có cả Long, chúng tôi cũng đã chơi với nhau rất vui vẻ và hòa hợp dưới những tán phượng già và hàng bạch đàn rợp bóng. Cứ tưởng sẽ duy trì được tình trạng này cho đến hết năm học, vậy mà tôi lại là người bắt chuyện với cậu ta trước tiên. Đó là một ngày tháng 10, trời rất lạnh, ngủ dậy trễ, nhà lại xa trường, tôi chưa kịp kiểm tra cặp sách thì đã tất tưởi đi học. Đến lớp mới phát hiện ra mình quên mang bút, mà hôm đó lại có môn chính tả. Nhìn cô giáo khó tính trên bục giảng, trong tình thế cấp bách, tôi quay sang cậu ta hỏi mượn cây bút. Vừa đưa một cây bút cho tôi, cậu ta vừa lấy một cuốn sổ theo dõi, ghi tên tôi vào ô "KHÔNG MANG ĐỒ DÙNG HỌC TẬP" . Tôi hơi chột dạ, vội giải thích: "Không phải mình quên đem mà do bút hết mực". Lúc này cậu ta mới nhìn tôi, nói tỉnh bơ: "Thế nào mà chả như nhau, cuối cùng vẫn không có bút". Tôi tức muốn đỏ mặt, đang định ném cây bút vào cái mặt hách dịch ấy thì cô giáo ở trên đã truyền xuống giọng nói lạnh như băng: "Linh, không được nói chuyện trong giờ học", tôi xấu hổ nhẫn nhịn. Nhưng lại càng tức hơn khi thấy tên mình tiếp tục được điền vào ô "NÓI CHUYỆN", cũng chẳng phải nói chuyện một mình, sao chỉ ghi mỗi tên tôi? Thấy tôi nhìn trân trối, cậu ta nhe răng cười: "Cô chỉ nhắc tên cậu, không có mình". Từ đó, tôi càng tránh tiếp xúc với cậu ta. Cũng từ đó, truyền thuyết về cái tên Quý Tử càng ngày càng được lan truyền rộng rãi trong khối lớp 3 chúng tôi. Cứ như thể vừa khám phá ra một bí mật to tát lắm, mấy đứa con gái cứ ngồi tụm năm tụm ba vào giờ ra chơi để bàn tán, rằng ngày trước ba mẹ cậu ta vất vả ra sao, rằng kể từ khi cậu ta sinh ra, gia đình mới làm ăn phát đạt thế nào, cả 2 người cô và một người dí đều đi du học và lấy chồng, định cư ở nước ngoài rằng ông bà cha mẹ họ hàng ai cũng yêu quý cậu ta,...Nói chung trong con mắt của cả nhà, cậu ta là lá bùa may mắn, là thần hộ mệnh, cho nên đặt tên là Quý Tử. Nhưng trong lớp, cậu ta được mọi người gọi là lớp trưởng, còn ở nhà được gọi là Xu.

"Ha ha, Xu, sao nghe giống tên chó quá vậy. Thật là tên cũng như người!" Đó là câu nói khởi đầu cho mối thù giữa tôi và cậu ta. Vốn dĩ tôi chỉ nói đùa với Ngọc và Tâm khi 3 chúng tôi tụ họp với nhau trên ghế đá đằng sau trường, một nơi rất yên tĩnh và mát mẻ với giàn thiên lí xanh rì, cũng là địa bàn của ba đứa trong những giờ ra chơi. Vậy mà hôm đó, khi tôi nói câu đó, lại có một kẻ khác đi qua, là cậu ta, đứng đằng sau và nghe thấy tất cả. Kể từ đó, hình như tôi làm việc gì cũng không vừa mắt cậu ta, người có uy quyền chỉ sau cô giáo trong cái lớp bé nhỏ này. Tôi liên tiếp mắc các lỗi vi phạm như trực nhật không sạch, nói chuyện trong giờ học, không làm bài tập, không chép bài, thô lỗ với bạn bè, điểm kém,... Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi trở thành điển hình của một học sinh kém cỏi. Bạn bè xa lánh tôi, vì hồi đó, trong mắt của bọn trẻ nhỏ, chỉ những học sinh giỏi ngoan hiền, biết nghe lời, chấp hành đúng nội quy mới đáng để kết bạn. Ngọc và Tâm thì ở lớp khác. Thậm chí, trong một bài kiểm tra môn địa lí và lịch sử, cô giáo bắt gặp dưới gầm bàn của tôi có cuốn sách giáo khoa đang mở- một việc cực kì đáng khinh bỉ của một học sinh lớp 3 ngày ấy. Trong lòng tôi hiểu rõ là ai làm, nhưng sự cố gắng biện minh của tôi chỉ đổi lấy lời mắng chửi xối xả của cô giáo và cái nhìn khinh bỉ của bạn bè. Sau đó, tôi chỉ biết khóc, nhìn cậu ta và khóc. Vậy là suốt một năm lớp 3, cậu ta đã ban cho tôi cái danh hiệu học sinh hư của cả lớp, đối với một đứa trẻ nhu nhược và yếu đuối như tôi quả là một điều thật đáng sợ. Tôi càng thêm chán ghét trường lớp, chán ghét việc học hành.

Lên lớp 4, chúng tôi vẫn học chung với nhau, cậu ta vẫn là lớp trưởng đáng ghét trong mắt tôi và gương mẫu trong mắt mọi người. Tuy không còn làm khó tôi trong những lỗi lầm nho nhỏ, nhưng cái nhìn khinh bỉ dành cho tôi đã chứng tỏ thái độ của cậu ta. Tôi còn nhớ rất rõ rằng, cậu ta nói tôi là đồ không cha vô giáo dục, đồ con gái vô dụng, sau này chắc cũng chỉ đi bán rau giống mẹ. Mà tôi quả thật là vô dụng, chẳng biết làm gì để phản bác, chỉ biết ôm mặt khóc. Có một lần, tôi bị điểm kém trong bài kiểm tra toán, sợ về nhà bị cậu Hai cho ăn đòn, tôi đã xé đi trang vở ấy, vứt vào sọt rác, vậy mà khi về nhà, không biết trên bàn cậu Hai từ đâu xuất hiện tờ giấy đó. Tôi không chỉ bị đánh, mà còn bị phạt quỳ suốt cả buổi chiều. Nhìn cái mặt cười khinh khỉnh khi ghé vào mua hàng của cậu ta khiến tôi chỉ hận không thể lấy dao đâm vào đó mấy phát cho máu chảy te tua như những bộ phim kiếm hiệp chiếu vào lúc 5 giờ chiều trên TV. Có một lần, khi đang trực nhật lớp, tôi vô ý đánh rơi một món đồ chơi của cậu ta mà bản thân thậm chí còn chưa kịp xác định đó là gì. Sau đó, cậu ta chạy tới đánh tôi xối xả. Ngọc và Tâm nhìn thấy vậy, liền chạy lại bênh vực đứa bạn thân hiền lành ngốc nghếch, không ngờ lại xảy ra trận đánh nhau nảy lửa giữa Tâm và cậu thiếu gia Quý Tử. Lúc này Tâm không còn là thằng nhóc hay khóc thút thít như ngày nào, tự nhiên tôi cảm thấy vui vui, ít nhất tôi vẫn còn có bạn, những người bạn rất tốt. Rồi thầy giám thị đến, để giảm tội cho Tâm , tôi và Ngọc cũng nhận tội, 4 chúng tôi bị viết bản kiểm điểm. Có lẽ đây là lần đầu cậu lớp trưởng cao ngạo của lớp mắc một tội to như thế này, nên dù về nhà bị cậu Hai đánh cho một trận, tôi cũng không thấy buồn chút nào. Tâm và Ngọc cũng người nhà phạt rất nặng.

Lớp 5, cậu ta không còn là lớp trưởng khi chủ động nhường chức vị này cho một bạn gái tài năng khác. Tôi lại bị ngồi cạnh cậu ta, thái độ vẫn kiêu căng và ngạo mạn như ngày nào. Chỉ có điều không còn gây khó dễ cho tôi nữa. Chúng tôi rất ít khi nói chuyện gì với nhau, ngoài những giờ thảo luận nhóm và vài lần tập nói tiếng Anh. Nghe mọi người đồn, cậu ta thích một cô bạn trong lớp, chính là bạn lớp trưởng hiện nay, người đã 2 lần đoạt giải cao trong kì thi học sinh giỏi tỉnh. Tôi cũng không quan tâm lắm, cho đến một ngày, trong ngày sinh nhật của Thư - bạn lớp trưởng tài năng, cậu ta tặng cho bạn ấy một sợi dây chuyền có hình 2 con gấu bằng thủy tinh trong suốt. Thật quá khoa trương đối với những đứa con nít ngày đó. Nhưng nhờ vậy, tôi không còn ngồi cạnh cậu ta, thay vào đó là Thư, cho đến cuối năm học. Liên hoan lớp năm cuối cấp, trùng với ngày lễ ra trường tiểu học, tôi không tham dự, vì phải theo ba ra Huế. Sau đó, tôi mới biết vào ngày đó, cậu ta đã tặng cho mỗi bạn trong lớp một món quà tạm biệt, Cấp 2, cậu ta sẽ chuyển xuống thành phố học. Nghe Ngọc kể lại, hôm đó, Thư khóc rất nhiều.

Kể từ đó, tôi không còn gặp lại con người đáng ghét ấy nữa, cũng không nghĩ gì về quãng đời tiểu học xa xăm ấy, cái khoảng thời gian mà chỉ có sự cô đơn và bất mãn tồn tại trong mắt, khi tôi luôn bị xem là thành phần bất hảo mà bị bỏ rơi thê thảm...

***

2.

Cứ nghĩ rằng vĩnh viễn sẽ không còn gặp nữa, nhưng giờ đây, sau 10 năm, khuôn mặt ấy, con người ấy hiển nhiên lại đang ở trước mắt tôi. Tất nhiên cậu nhóc ngày nào đã không còn, thay vào đó là một người con trai trưởng thành nhưng cái vẻ kiêu căng, khinh đời, những đường nét quen thuộc trên khuôn mặt ấy không thể nào khiến tôi quên được. Cậu ta hình như không thay đổi gì nhiều, như thể là phiên bản phóng to của cậu nhóc nhỏ ngày nào vậy.

Lúc này, vừa nắm tay người đẹp, cậu ta vừa nhìn tôi. Sau bao nhiêu năm, chắc cậu ta không còn nhớ một người chẳng lấy gì làm nổi bật như tôi đâu. Vậy nên tôi cười với người đẹp, và quay mặt đi chỗ khác. Không ngờ đằng sau vang lên giọng nói hơi khàn : "Cậu là Tử Linh phải không?"

Cái giọng điệu thẽ thọt đường hoàng đối lập hoàn toàn với vẻ ngoài ngạo mạn ấy khiến tôi cứ tưởng mình đang nghe nhầm, hoặc nhận nhầm người. Lạ thật, bao nhiêu năm rồi, cậu ta vẫn còn nhớ tôi- một người sớm đã hình thành thói quen bị bạn bè quên lãng. Và càng kì quái hơn là, lại còn biết chủ động nói chuyện với tôi nữa. Nhưng mà, trong một phần giây thời gian, tôi quyết định không muốn dây dưa thêm gì với cậu ta, vẫn tiếp tục bước đi như thể chưa nghe gì cả.

11 giờ, vậy là tôi đã lặn lội suốt cả buổi sáng, may mà không phí công vô ích khi cuối cùng cũng chọn được một chiếc bút máy kiểu dán tinh xảo mới lạ rất vừa lòng tôi. Trời Sài Gòn, nắng gay gắt. Đứng ở trạm chờ xe buýt, những giọt mồ hôi thi nhau chảy từ trán xuống cổ khiến tôi chỉ muốn quay lại nhà sách ngay lập tức. Nhưng thật sự không thể làm lơ cái bao tử đang réo gọi dữ dội này, từ tối qua tới giờ, nó vẫn trong trạng thái trống rỗng. Nhìn những chiếc xe buýt chật ních người dừng lại, rồi lại lướt qua, tôi phân vân không biết có nên đi bộ về luôn không. Nhà trọ tôi ở vốn chẳng xa ở đây lắm, nhưng nửa tiếng đi bộ trong cái thời tiết nắng nóng oi bức này chắc sẽ đủ để lấy mạng một con nhỏ ốm yếu đang đói meo như tôi mất. Bất chợt, bên kia đường, giữa một hàng xe dài đông đúc và dày đặc, tôi nhìn thấy một chiếc xe quen thuộc, một bóng dáng quen thuộc, một khuôn mặt quen thuộc đang mất kiên nhẫn nhìn đèn đỏ. Như người chết đuối vớ được cọc, tôi cố sức gào thật to: "Long, Long". Còn ai khác ngoài thằng em trai tôi, chỗ nó ở cũng gần đây, vào nhà nó xoa dịu cái dạ dày đang mất kiên nhẫn là lựa chọn tốt nhất. Cuối cùng cũng nghe thấy, Long quay sang nhìn tôi đang ríu rít chạy qua đường

- Chị Hai, đi đâu vậy? Sao em qua thấy phòng trọ khóa cửa?

- Ủa, mày qua làm gì? Mấy đứa trong phòng đi học hết rồi.

- Qua đón chị đó, đừng nói chị quên rồi nha

Đúng rồi, tôi quên thật. Hôm qua mẹ gọi điện nói đã gửi những giấy tờ quan trọng (mà hồi Tết về nhà tôi để quên) cho Du, con của một bác hàng xóm, hiện đang ở cạnh căn hộ của Long. Tôi đã nói hôm nay sẽ qua lấy mà từ sáng đến giờ lại rong ruổi ở khắp các nhà sách nên không nhớ gì cả.

Vừa cầm lấy chiếc mũ bảo hiểm Long đưa, tôi phủ nhận luôn:

"Đâu có đâu, Hai đang định qua nhà mày đó chứ. Sáng giờ ở trường, vừa mới về. Đi thôi."

Khác với cái nhà trọ nhỏ xíu của tôi, căn hộ của Long khá rộng rãi và tiện nghi với tất cả các đồ gia dụng và máy móc cần thiết. Đó là phần thưởng mà bên nội giành cho nó sau khi đậu thủ khoa đại học. Hồi mới tới đây, tôi đã phải thốt lên oán hận: "Sang trọng thế này thì còn đâu là mùi vị cuộc đời của sinh viên xa nhà hả?" Lúc đó, nó chỉ cười cười: "Biết sao được, là ý người lớn mà". Thật ra, dù rất gần, nhưng số lần tôi đến nhà Long chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì cảm thấy đó không phải là nơi thích hợp với mình. Vừa bước vào cửa, sự mát mẻ và yên ắng hoàn toàn khác xa với đường phố ồn ào và nhộn nhịp ngoài kia. Vừa nhìn Long đang mở tủ lạnh lấy một chai nước, tôi hỏi:

-Nấu cơm chưa vậy?

- Sao lần nào đến Hai cũng chỉ có mỗi câu này? - Vừa uống xong một hơi nước, nó vừa liếc tôi -Chẳng thèm hỏi han gì tới em trai hết.

- Mày thì có gì phải lo hả? Chị mày đang sắp chết đói rồi nè, từ tối qua tới giờ chưa ăn gì đây.

- Rồi rồi, lại nữa... lúc nào cũng vậy hết!! Thua Hai luôn -Nó cất chai nước vào tủ, ngay đúng vị trí vừa lấy ra, xong lại rảo bước vào bếp -Hai là chị mà...

- Mà sao hả? Nhìn bóng lưng làm ra vẻ uất ức của nó, tôi nói với theo, cười ha ha. Đó là đặc quyền của tôi, có thể sai bảo nó thoải mái.

Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn vào bếp giúp nó một tay, sau khi lén đặt cây bút quà tặng lên trên bàn học của nó,.mà thật ra cũng chỉ là dọn chén đũa lên bàn ăn, vì cơm và thức ăn đều đã được nấu xong hết. Thằng em Tử Long của tôi là người rất khó tính trong khoản ăn uống, trừ những dịp đặc biệt, hầu như nó ít khi đi ăn bên ngoài. Vậy nên tay nghề nấu nướng của nó cũng khá khá, chí ít cũng hơn tôi..

Đang rửa tay trong nhà vệ sinh, tôi nghe loáng thoáng giọng của Long từ trong bếp vọng lại:

- À, chị Hai nè...

Chưa kịp nghe hết câu thì hình như có tiếng gõ cửa ngoài phòng khách.

Tôi bước đến bàn ăn, định bắt đầu một bữa trưa miễn phí ngon lành.

- Ê Long, ăn cơm...Không Hai ăn hết bây giờ.

- Chị Hai...

- Gì, còn không mau lên...

Tôi xoay người lại, một chút ngạc nhiên khi thấy có hai người đang đứng ở ngưỡng cửa nhà bếp, một là em trai, một lại là Quý Tử... Thật là oan gia ngõ hẹp, không ngờ lại gặp cậu ta ở đây... Mất mặt hơn nữa là tôi vẫn còn đang ngấu nghiến miếng thịt bò to béo ngậy, một ít thịt vẫn còn chưa kịp cho vào miệng...

-Hai nhớ ai đây không, là Quý, hồi nhỏ mỗi lần ba dắt em về ngoại tụi mình hay chơi với nhau đó.

Cố nuốt cho xong miếng thịt vào bụng, tôi trừng mắt với Tử Long, ý là "sao không báo trước". Thấy vậy, nó liếc lại tôi, nhún nhún vai như muốn nói "em có kêu mà chị không nghe đó chứ"

Đang không biết mở lời thế nào thì Quý Tử đã lên tiếng trước, mặt cười toe toét

- Hi, trùng hợp quá ha. Còn nhớ tôi không vậy?

Nghe thế, tôi cũng giả vờ khách sáo, cười hì hì đáp lại:

- Ờ, chào, lâu rồi không gặp!

Ngoài phản ứng của tôi, cậu ta cười ha ha. Long vỗ vai cậu ta, cũng cười thật to. Tôi cười cười, trong lòng lại nghĩ chẳng hài hước chút nào, quan trọng là bụng tôi đang sôi lên đây này. May mà cuối cùng, Long lên tiếng:

- Thôi, tới rồi thì ăn cơm luôn đi cho vui, chị em mình còn chưa ăn đâu.

- Phải không, sao thấy hình như có người ăn rồi mà.

Tôi liếc cậu ta một cái, không nói gì, ngồi vào bàn, lấy thêm chén đũa, múc cơm. Xem ra sau bao nhiêu năm cậu ta chỉ có vẻ thân thiện hơn, còn lại thì vẫn đáng ghét như ngày nào.

- "Ăn cơm thôi, cứ tự nhiên nhé, đói lắm rồi". -Tôi nói thản nhiên.

- "Chị Hai, không thắc mắc tại sao cậu ấy biết nhà em à?" -Vừa gắp một miếng thịt, Long hỏi

- "Ừ, sao biết vậy?"

- "Hôm qua gặp nhau trong lớp học thêm, lại ngồi cùng bàn nữa, lúc về nhà, xe em lại bị hư, phải đi sửa, là Quý chở em về, ha ha".

Hiếm khi thấy vẻ mặt hớn hở của Long, tôi cũng làm ra vẻ hứng thú:

- Vậy à, trùng hợp nhỉ, bao nhiêu năm rồi mà vẫn gặp lại.

- "Phải đó, chắc là do tên 3 chúng ta đều có chữ Tử giống nhau, Tử Long, Tử Lăng, Quý Tử, haha". -Lần này là Quý Tử lên tiếng, với một vẻ đùa cợt thân thiện, làm như kiểu chúng tôi thân nhau lắm.

Long cười, tôi nhún nhún vai, tiếp tục ăn cơm, ăn nhiều thế này chắc chiều khỏi ăn gì nữa.

Hai tên kia vẫn tiếp tục hi hi ha ha, toàn ôn lại chuyện cũ, có lúc cười đến văng cả cơm ra ngoài khi nói đến mấy chuyện "dìm hàng" của mỗi đứa. Tâm trí tôi chợt hiện lên những mảng tranh rất rõ về những ngày hè dưới những tán phượng già và tiếng ve râm ran, về những trò nghịch ngợm mà sau đó, mặt mũi đứa nào cũng đen nhẻm, về sự ngu ngơ đáng yêu của những tâm hồn trẻ dại,... Thì ra đã xa như vậy rồi... Và tôi chợt nhận ra, những lúc đó, bất chấp sự khác biệt về hoàn cảnh, tính cách, chúng tôi đã từng rất hòa hợp với nhau, như thể là người một nhà...

-Nè, chị Hai, còn nhớ hồi đó chị đã bóc tem Quý Tử rồi không? -Tiếng cười nói của Long vang bên tai khiến đầu óc đang phiêu bạt của tôi trở lại với bàn ăn.

Có một lần, hè năm lớp 3, tức là sau khi bị mang danh một học sinh hư đốn nhờ công lao của cậu lớp trưởng Quý Tử, tôi vẫn còn ghi hận trong lòng, không thèm chơi với cậu ta. Sau đó, thương tình em trai năn nỉ hết lời, tôi tuyên bố: "Vậy thì cậu ta phải bị lột quần mới được". Vốn chỉ là lời nói trong lúc tức giận, chứ tôi -một đứa trẻ có lá gan thỏ đế hồi đó, sẽ chẳng bao giờ dám làm, nhưng hình như câu nói đó đã chọc giận cậu lớp trưởng thiếu gia ấy, khiến cậu ta lồng lên dữ dội như một con thú nhỏ bị thương: "Có cậu mới đáng bị lột quần, đồ con gái xấu xí". Xong cậu ta tức giận lao tới chỗ tôi. Vừa sợ, vừa hoảng nhưng thù hận thì nhiều, tôi dùng hết sức lực đối đầu với cậu ta. Không biết sức mạnh từ đâu mà có, sau một hồi, tôi đã kéo được lưng quần cậu ta, tụt xuống. Vậy là trên sân bóng lúc đó, dưới một gốc phượng hoa rụng đỏ rực, một cậu bé cởi truồng ra sức đấm vào vai một cô bé. Tôi lúc đó đã quá mệt, chỉ biết khóc, vừa khóc vừa la to trong tiếng nức nở: "Cậu...bị...tôi...cởi...quần...đồ... con... trai ...ở... truồng".

Lúc này, khi nghe thằng em-trai-không-biết-bảo-vệ-chị-gái này gợi lại chuyện xưa, tôi hơi xấu hổ, nhưng vẫn tỏ vẻ tỉnh bơ như thường, vừa gắp miếng thịt cuối cùng vừa đáp lại:

-Thì sao chứ? Nếu vậy thì mày cũng đã bị lột mấy lần rồi.

Hồi cả gia đình còn ở cùng nhau, chúng tôi vẫn thường tắm chung, Long thường sợ nước, không chịu tắm, khiến tôi phải lôi kéo nó cởi quần áo vứt vào bồn tắm mới yên.

-Sao so sánh vậy được, đương nhiên là em phải khác chứ, lúc đó em còn nhỏ xíu! -Thằng em trai mặt dày của tôi vẫn không chút ngượng ngùng mà phân trần.

-Thì lúc đó tao cũng còn nhỏ xíu, 9 tuổi vẫn còn là thiếu nhi nhỉ? -Người vẫn nãy giờ cắm cuối ăn cơm, Quý Tử lên tiếng. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi đồng lòng với nhau, cùng bắt nạt thằng em trai không biết xấu hổ của tôi.

-Nhưng mà tao với Hai là chị em, còn mày thì khác....

-Câm miệng, ăn cơm, không tao nói với thiên hạ mày có 2 cái bớp đen thui ở mông đó nhé! -Tôi dứ dứ đôi đũa vào mặt Tử Long, ra chiều đe dọa.

Nhìn cái vẻ thẹn quá hóa giận của Long, tôi cười. Quý Tử lại càng cười to. Tiếng cười của chúng tôi vang vọng khắp căn nhà, trong một giây ngắn ngủi, tôi như tưởng mình được trở lại mùa hè của mười mấy năm trước...

***

3.

Chủ nhật, vậy mà cái căn phòng trọ chưa đầy 30m vuông này lại vắng lặng và tẻ nhạt hơn mọi ngày. Phòng có 4 người, trừ tôi vẫn luôn như mọc rễ ở đây ra thì 3 đứa bạn cùng phòng đều giành ngày nghỉ cuối tuần rảnh rỗi này để tận hưởng khoảng thời gian riêng tư của mỗi người: đi làm thêm, đi chơi với người yêu,...Mới 6 giờ sáng, khi còn đang chìm trong những giấc mơ, tôi đã nghe tiếng lục đục sửa soạn. Vậy nên khi cảm giác có ánh nắng nóng rực vây quanh cơ thể khiến cho tỉnh giấc, căn phòng đã không còn ai. Lại là một ngày chủ nhật cô đơn và buồn tẻ...

Vừa cố gắng nuốt hết tô mì gói mặn chát, tôi lại vừa phải tiêu hóa hết những gì vừa nghe được. Bà nội, người lâu nay vẫn không bao giờ chịu thừa nhận đứa cháu này, bỗng nhiên gọi điện thoại cho tôi, và với một giọng điệu như thái hậu, ra lệnh cho tôi tối nay, bằng bất cứ giá náo, phải có mặt tại buổi tiệc sinh nhật của Tử Long. Tôi thực sự không thể hiểu nổi điều gì đang và sẽ xảy ra, bởi lẽ, vào những dịp quan trọng như thế này, trừ ba tôi, bên nội hầu như không bao giờ để ý gì đến đứa cháu gái này. Vậy mà hôm nay, bỗng nhiên "mời" tôi đến, có cảm giác rất kì lạ. Tôi cũng không biết mình nên sắm vai ngoan ngoãn làm theo mọi điều họ nói, hay vào vai phần tử phản nghịch không nghe, không đáp những lời sai bảo đó. Thật ra tôi không muốn đi, tôi không muốn vào ngày sinh nhật của mình phải gặp những con người xa lạ ấy...

Phải, sinh nhật Tử Long cũng chính là sinh nhật tôi. Dù chỉ những người thân thiết mới biết và nhớ điều này, 18 năm qua tôi vẫn sống rất vui vẻ mà không có những lời chúc tụng náo nhiệt hay những món quà xinh đẹp. Nhưng bỗng nhiên hôm nay, vào ngày sinh nhật thứ 18 này, tôi bỗng thấy cô đơn đến lạ thường: phòng trống, một mình ăn mì tôm, không được ai quan tâm thăm hỏi. Lắc đầu thật mạnh, tôi cố gắng gạt những suy nghĩ kì lạ này đi, có lẽ đây là cột mốc quan trọng của cuộc đời nên mới khiến bản thân đa sầu đa cảm như thế này. Cô đơn thì đã sao? Chẳng phải mười mấy năm nay vẫn luôn như vậy sao? Chẳng phải vẫn sống rất tốt đó sao? Vậy là mặc kệ mọi thứ, tiếp tục ăn mì, tiếp tục sống những ngày như thế này...

Tắt điện thoại, đóng cửa thật chặt, trong căn phòng bé xíu với cái máy quạt hoạt động ngày đêm, tôi nhốt mình trong cái thế giới ủ mốc và buồn tẻ của mình.

Vậy mà cuối cùng tôi vẫn quết định làm một đứa con gái biết nghe lời sau khi nhận cuộc gọi thứ hai của ba. Tôi cũng không hiểu nổi bản thân mình đang mong chờ điều gì cho chuyến đi lần này, có lẽ cái cuộc sống buồn chán và tẻ nhạt suốt ngày làm bạn với mì gói khiến mình mệt mỏi và không chịu đựng nổi, chỉ muốn tìm kiếm cái gì đó đáng giá mới mẻ, kể cả thứ đó có thể gây tổn thương bản thân.

Lần cuối cùng tôi đến nơi này- một căn biệt thự xa hoa ở ngoại ô thành phố- là vào khoảng 10 năm trước. Vậy mà ngần ấy năm trôi qua, mọi thứ vẫn như vậy, từ cây tùng già trước cổng đến những chậu lan rũ hai bên cổng, cả hòn non bộ (mà theo tôi) là đầy giả tạo kia. Có một điều khác là con chó becgiê màu nâu sẫm trước cửa nhà giờ đây đã cao hơn nửa người tôi, và đang giương nanh ra sủa, như chỉ hận không thể thoát khỏi hai hàng sắt cao vút để vồ lấy tôi. Nó vẫn ghét tôi như hồi đó, ghét mà không cần lí do, giống như chủ nó vậy!

Vừa nhấn chuông, tôi vừa nói với theo hướng tiếng sủa: "chó già à, đừng có manh động, coi chừng kiệt sức mà chết đó, tao cũng không phải trộm cướp gì đâu".

"Hehe, giờ mới biết có người thích nói chuyện với chó nha!!" giọng nói có phần quen thuộc vang lên đằng xa, đúng là Quý Tử, cậu ta đang ra mở cổng, thái độ như kiểu là ông chủ nơi đây. Tôi nhìn cậu ta, cười cười: "Sao nào? Có người còn có tên giống chó nữa mà!". Trái với sự mong đợi của tôi, cậu ta không có vẻ tức giận, mà ngược lại còn khoanh tay trước ngực, mở to mắt nhìn tôi ra chiều thú vị. Cái thái độ đó không hiểu sao khiến tôi bực mình. Vậy nên tôi cũng khoanh tay, ngẩng cao đầu, mở to mắt và trừng lại. Cuộc đấu mắt kéo dài vài phút trong tiếng chó sủa, tiếng gió và tiếng bánh xe lăn trên đường thỉnh thoảng lướt qua, cho đến khi có tiếng của ba vọng từ nhà ra: "Linh tới rồi hả, mau vào nhà đi".

Bước vào phòng khách lớn, tôi không khỏi ngạc nhiên, cứ tưởng sẽ chỉ toàn là những "ông già bà cả" (bà nội mà biết tôi nói vậy, đảm bảo khuôn mặt già nua của bà sẽ đen lại như đáy nồi!!!), nhưng mọi thứ lại khác hẳn. Trong phòng, ngoại trừ ba và chú Ngọc-chú ba của tôi, chủ ngôi biệt thự này, toàn bộ đều là những người trạc tuổi tôi, vậy nên không khí ồn ào và náo nhiệt hơn nhiều so với tưởng tượng. Hình như đa số là bạn cấp 3 của Long (vì tôi nghe ra toàn giọng Huế!).

Bỏ mặt sự ồn ào và sôi nổi của của những bạn trẻ đằng kia, tôi chào ba và chú, rồi hiển nhiên nhận được một cái nhìn lạnh lùng từ chú Ngọc. Xem ra cái sự ghét của ông ấy giành cho tôi vẫn không hề thay đổi, dù bao nhiêu năm đã qua đi...

Nhớ lại mùa hè của 10 năm trước, cũng chính tại gian phòng khách này, tôi đã cãi nhau với con nhỏ em họ và làm làm nó bị thương. Cái cảnh máu me và đẫm nước mắt ấy vẫn tươi nguyên trong trí óc tôi...Cũng từ đó, tôi không bao giờ bước vào căn nhà này nữa, cho đến ngày hôm nay.

Vì cầu thang bộ ngoài phòng khách đã chật ních người, tôi đành phải xuống nhà bếp, định bụng sẽ đi bằng đường câu thang bên đó để lên lầu hai bái kiến bà nội. Vậy mà khi vừa vào phòng bếp, một cảnh tượng làm cản bước chân tôi: ngay phía dưới kệ bếp, gần bồn rửa chén, một đôi nam nữ đang quấn quýt hôn nhau. Cô gái bé nhỏ nép người vào tường, đôi mắt nhắm nghiền, hai cánh tay trắng nõn khẽ ôm tấm lưng rộng của chàng trai. Mà cậu trai này, không ai khác chính là thằng nhóc Quý Tử, tôi nhận ra được là nhờ chiếc áo thun màu xám đen giống như lúc nãy cậu ta ra mở cống. Từ góc độ của tôi chỉ thấy được lưng cậu ta hơi cong do phải cúi xuống, một tay ôm eo người đẹp, một tay chống lên tường. Tôi còn đang rất chăm chú theo dõi cái màn hôn nhau đặc sắc này thì người đẹp bỗng nở mắt và nhìn thấy, vôi đẩy Quý Tử ra. Tôi xấu hổ cười cười rồi xua xua tay :" Xin lỗi, không cố ý, mời tiếp tục". Vừa nói lại vừa đi về phía cầu thang, nhưng quả thật là tôi không thể rởi mắt khỏi khuôn mặt đỏ ửng của 2 người, và chợt nhận ra cô gái bé nhỏ này chính là tiểu mĩ nhân hôm qua mình gặp ở nhà sách.

Con bé chạy lại phía tôi, dáng vẻ như chưa từng có gì xảy ra, hỏi: "Chị là bạn anh Long hả?"

Tôi cười cười, chỉ tay lên lầu: "Chị đi gặp bà nội".

Nghe thấy thế, hình như đôi mắt to của nó càng trở nên long lanh mê người hơn: "A, vậy ra chị là chị của anh Long, con bác hai phải không?"

"Ờ ờ..."

Con bé bỗng cúi gập người như trong phim Hàn Quốc: "Em chào chị, em là Trần Ngọc Thư"

Á, Trần Ngọc Thư, Trần Ngọc Như.... Thì ra đây là con gái thứ hai của chú ba, là em họ ruột thịt của tôi. Nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì nó nhỏ hơn tôi 3 tuổi, tức là năm nay chỉ mới học lớp 10. Vậy mà đã hôn nhau khí thế, không hề kiêng kị ai ngay trong nhà thế này rồi... Tôi nhớ hồi mình bằng tuổi nó thì vẫn cứ ngơ ngơ ngáo ngáo...Nhưng mà hình như thời buổi bây giờ đều như vậy, có lẽ mình đã lỗi thời lạc hậu mất rồi...

Đang cảm thán cho cái sự già cỗi cổ hũ của bản thân thì Quý Tử bước đến, tay cầm chai nước, cười dịu dàng với Thư: "Vậy ra 2 ngưởi là chị em họ sao?"

Tôi cười cười. Cậu ta đóng kịch cũng giỏi lắm, biết thừa Thư là em họ của Long, mà Long là em trai ruột thịt của tôi, đến bất cứ tên ngốc nào cũng có thể suy ra được Thư là em họ tôi, vậy mà bày ra cái vẻ "giờ ta đã hiểu"... Chỉ tội cho con bé Thư, nó vừa lấy chai nước trên tay Quý Tử, vừa nhìn hai chúng tôi trả lời lễ phép:

-Đúng rồi, chị của anh Long, cũng là chị họ của em đó. Đây cũng là lần đầu tiên em gặp chị thì phải, hình như chị tên Linh đúng không?

Xem ra lần gặp hôm qua trong nhà sách không chút để lại ấn tượng nào với nó cả. Thật ra thì mười năm trước, lúc Thư 5 tuổi, tôi đã gặp con bé, và gây sự với chị của nó. Thôi, chuyện cũ không muốn nhắc lại, cứ coi như đây là lần đầu tiên vậy.

-Ừ, chị là Linh.

-À, chị Linh, đây là anh Quý, bạn trai của em. - Thư vừa cười ngọt ngào vừa túm lấy cánh tay Quý Tử tủm tỉm nói với tôi.

-Vậy à, chào em rể. - Tôi cười toe với cậu ta, rồi quay sang Thư nói: "Thôi, chị phải lên gặp nội đã, lát gặp lại mọi người nhé".

Bước lên những bậc thang gỗ được chế tác đẹp đẽ, tiếng nói nũng nịu của Thư vẫn thoang thoảng truyền vào tai tôi: "Anh, vào phòng em đi, em cho anh xem cái này!". Xem ra chúng nó đã thân thiết lắm rồi nhỉ, vậy sao hôm qua Long và Quý Tử mới gặp lại nhau?

Tôi gặp lại bà nội, người mà hơn 5 năm nay tôi chưa hề gặp mặt, người chưa bao giờ xem tôi là cháu trong nhà. Bà đã già hơn rất nhiều, khuôn mặt cũng có vẻ dịu hơn, nhưng ánh mắt vẫn sắc bén và lời nói vẫn lạnh lùng. Trong kí ức của tôi, ánh mắt và giọng nói ấy chưa bao giờ dịu dàng khi nhìn tôi, khác hẳn với ngoại.

Thật ra cái việc nội muốn gặp tôi cũng không có gì to tát, chẳng qua là muốn tôi thay thế một người giúp việc (vốn đang xin nghỉ phép về quê của nhà chú Ngọc), phụ giúp việc tổ chức tiệc tùng cho Long.

Vậy là tôi ở dưới bếp trong suốt cả buổi sáng. Tôi không biết nấu ăn, nên chỉ phụ giúp việc chạy vặt cho các cô và các thím, thỉnh thoảng hứng chịu những lời nói không mấy làm dễ chịu của họ. Cho đến khi xong hết mọi thứ mới được nghỉ ngơi, đang định xin phép về thì nghe tiếng nội nói:

-Ở lại đi, ra ngoài đó với thằng Long, hôm nay tổ chức cho hai đứa.

Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn đám đông xa lạ bên ngoài, thở dài, rồi nhìn thằng vào mắt nội:

-Dạ không cần đâu nội, con còn làm bài tập nữa!

-Cái con bé này, nói chuyện với người lớn bằng thái độ đó hả? - có giọng của một cô vang lên sau lưng, khiến tôi cảm thấy rất nực cười, rõ ràng là chẳng ai có ý gì tốt đẹp mà cứ thích vờ vịt.

Thật may mà nội chỉ xua xua tay: "Không muốn thì thôi, nhưng cũng không được về, tối nay có việc rất quan trọng, chẳng lẽ cái nhà này làm mày không muốn ở lại vậy sao?"

-Dạ. - Tôi lại thở dài.

Đợi nội đi khỏi nhà bếp, tôi cũng ra khỏi cái nơi ngột ngạt này, đằng sau vang lên những giọng nói xì xầm to nhỏ quen thuộc đến nỗi tôi chẳng buồn nghe.

Tôi ngồi lên chiếc xích đu bám đầy bụi trên sân thượng, đầu óc mông lung mơ màng, có lẽ do buồn ngủ quá, cũng hơn 2 giờ trưa rồi còn gì. Đây vốn là nơi tôi thích nhất trong căn nhà này, vừa có gió, có cây, lại còn có thể từ trên cao ngắm nhìn đường phố phía xa. Trong khi ở dưới nhà chắc đang rất ồn ào và rộn rã thì trên này cực kì yên tĩnh. Bỗng nhiên, có nột vật mềm mềm cọ vào chân làm cắt đứt sự mơ màng vô vị của tôi trong buổi trưa mát mẻ hiếm hoi như thế này. Thì ra là một con chó con nhỏ xíu, hình như đang trong thời kì thay răng, nó say sưa cố gắng lôi một chiếc dép từ dưới gẩm xích đu ra. Cho đến khi tôi túm lấy nó đặt lên xích đu, con chó nhỏ mới ngơ ngác nhận ra có người lạ, rồi vẩy đuôi, tỏ vẻ vui mừng, liếm liếm bàn tay tôi. Còn tôi thì vui không nổi, bởi nhìn nó như một bản sao thu nhỏ của con Lúc (là tên của con chó becgie già yêu quý trước cổng mà lúc nào cũng tỏ thái độ thù địch với tôi). Chắc chắn là thế hệ sau của con chó già đáng ghét đó rồi, vậy là một người vốn không có mấy hứng thú với chó như tôi đây lại càng không có chút hảo cảm nào với nó.

Trong khi chó con đang cố sức liếm tay, tôi nhéo nhéo hai tai nó: "mày đừng có ở đó mà giả vờ đáng yêu, tao không có gì cho mày ăn đâu".

-Ha, nói vậy nghĩa là nếu có gì thì chắc cũng cho rồi phải không?

Tôi giật mình nhìn về phía phát ra giọng nói, rồi thở dài, lại là cậu ta, Quý Tử. Con chó nhảy xuống ghế xích đu, chạy nhanh lại phía Quý Tử, nhảy cẩng lên và quấn quýt quanh chân cậu ta.

-Lắc, cho mày nè. - Quý Tử nửa quì rồi đem một cái chân gà ra cho con chó nhỏ.

Tôi bĩu môi, thú vui nhà giàu, lãng phí không chịu nổi.

-Nó sinh ra ở nhà tôi, mẹ nó mới chết cách đây 2 tuần, Thư nói đem qua đây cho nó ở với cha, cha nó là con Lúc ngoài cổng. - Cậu ta vừa vuốt ve đầu nó vừa lẩm bẩm, không biết cho ai nghe, nhưng mà dù gì thì cũng lọt vào tai tôi.

Tôi đung đưa xích đu, mắt hướng ra một căn nhà có giàn hoa giấy xen lẫn tường vi, và tỏ vẻ không hứng thú gì với câu chuyện của cậu ta.

Bỗng nhiên có giọng nói quen thuộc đáng ghét của vang trên đầu tôi: "Cậu thấy cái nhà màu trắng, có giàn giấy đằng kia không?". Tôi giật mình ngước lên thì thấy cậu ta đứng ngay cạnh xích đu tôi đang ngồi. Rồi không đợi tôi trả lời, cũng chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái, ngồi phịch xuống phần còn lại của xích đu: "Cậu không thấy lạ là vì sao chó nhà tôi lại có con với chó nhà Thư à?"

"Không, chẳng liên quan gì đến tôi cả!"

-Bởi vì nhà tôi là cái nhà trắng đằng đó mà đó.

Tôi quay lại nhìn cậu ta tỏ vẻ kinh ngạc, vậy ra nhà cậu ta cũng gần đây, nhưng mà...

-Ừ, thì sao? Đừng nói cậu định kể câu chuyện tình thanh mai trúc mã đầy bi kịch giữa mấy con chó cho tôi nghe nhé!

Nói xong tôi mới thấy câu này nhiều nghĩa, nghĩa đen là con chó cái nhà cậu ta và con chó già nhà chú Ngọc, còn nghĩa bóng, là đôi bạn trẻ Quý Tử và Thư.

-Cái con nhóc này, cậu học đâu ra cái thói thích làm mất hứng người khác thế hả? Tôi đang kể chuyện đó.

Tôi liếc cậu ta:

-Cậu mà cũng biết kể chuyện hả?

Tôi nghe có tiếng cười khẽ từ người bên cạnh. Không hiểu sao lại thấy bực bội trong lòng, sao tự nhiên không khí giữa chúng tôi lại thân thiết như vậy, cứ như bạn bè lâu năm gắn bó tình cảm lắm. Cảm giác này không dễ chịu chút nào, giống như kiểu chỉ có tôi là lòng dạ tiểu nhân, hay ôm hận mấy thứ vặt vãnh vậy.

Vậy nên tôi đứng phắt dậy, nhanh đến nỗi đạp trúng con chó nhỏ đang hì hục gặm xương gà, khiến nó kêu lên ăng ẳng.

-Không có chuyện gì thì tôi đi xuống đây. Tạm biệt.

-Này, Sao cậu không thắc mắc là tại sao tôi không tham dự sinh nhật của Long?

-Rất tiếc, tôi không phải người nhiều chuyện. - Lần này là tôi đứng nhìn cậu ta ngồi vắt vẻo trên ghế.

-Nhưng tôi lại rất thắc mắc là tại sao trong ngày sinh nhật của mình mà cậu không tham gia, lại trốn lên đây?

Nhìn cái điệu cười lười nhác và vui sướng của cậu ta, người tôi như đông cứng. Cảm thấy rất bất lực và xấu hổ. Phải rồi, chúng tôi vốn dĩ rất ghét nhau, cái không khí "thân thiết" lúc nãy tôi cảm thấy chắc chắn chỉ là một ảo giác ngắn ngủi. Cậu ta bỏ cả bữa tiệc sinh nhật, lên đây tìm tôi chỉ để nói những lời châm chọc như vậy sao? Cậu ta khiến cái sự thật rằng "một đứa con gái như tôi chẳng là gì trong cái căn nhà này" phải phơi bày trơ trẽn trước mặt, như vậy mới thỏa mãn cái thú vui coi thường và khinh thị của cậu ta đối với tôi.

Phải cố gắng lắm mới khiến bản thân bĩnh tĩnh, tôi lạnh nhạt nhếch mép cười, nhưng giọng nói vẫn run run từ trong cổ họng:

-Nếu cậu đích thân lên đây chỉ để cười nhạo tôi thì cũng quá rảnh rỗi rồi đó. Nói cho câu biết, mọi chuyện trong nhà chẳng liên quan gì đến tôi hết, và chuyện của tôi cũng không khiến cậu phải xen vào.

Nói rồi tôi quay lưng đi thật nhanh, chỉ mong cả đời không cần gặp lại cậu ta nữa.

-Không phải ý đó, tôi.... - nghe tiếng của cậu ta càng khiến tôi bực mình, trong lòng vô cùng khó chịu, quay phắt lại, không còn kiềm chế được nữa, quát lên:

-Đúng rồi, ý cậu là nhìn tôi chưa đủ thê thảm phải không, ý cậu là tôi phải khóc lóc nhục nhã, tỏ vẻ tội nghiệp trước mặt cậu phải không, phải không, phải không? - Tôi gần như không kiềm chế được bản thân, càng ngày càng áp sát cậu ta, và la toáng lên. Có vẻ bất ngờ trước sự giận dữ của tôi, Quý Tử mím môi im lặng, chỉ nhìn vào tôi, rồi tự nhiên nhếch mép cười.

Nói xong một tràng tôi lại cảm thấy hối hận, vì giận dữ mà lại phải thất thố trước cái người luôn được coi là kẻ thù của bản thân. Vậy là bao nhiêu vỏ bọc lạnh lùng, bất cần, không thèm quan tâm đã chuẩn bị sẵn cho cậu ta lại bị chính mình lột phăng ra.

-Như thế này mới giống cậu! - nhìn nhau một hồi, cậu ta buông ra một câu chẳng đâu ra đâu.

-Cậu thì biết gì về tôi. - Lần này thì tôi đi thật nhanh, hình như Quý Tử có nói gì đó nữa, nhưng tôi quyết tâm không quay đầu lại, không nghe thấy.

Vậy là suốt cả buổi chiều, tâm tình hóng gió ngắm mây tốt đẹp của tôi đã bị cái cậu Quý Tử đó phá hỏng, đổi lại là phải lủi thủi ở trong bếp, xem ti vi và ngồi cười ngớ ngẩn một mình. Cho đến buổi tối, sau khi cùng các cô thím phụ trách việc dọn dẹp đống tàn tiệc, tôi mới ăn tối. Dù không ưa gì tôi nhưng những người trong nhà này cũng không bạc đãi tôi đến nỗi cho ăn đồ thừa, vậy nên một bữa cơm với một ít thịt bò xào rau và canh cải, vốn là những món ăn thanh đạm chuẩn bị cho bà nội đã được dọn lên. Tôi cùng ăn với nội, điều đáng nói là ngoài ra còn có cả Thư và bạn trai của nó - Quý Tử, cho thấy cậu ta đã rất thân thuộc với mọi người ở đây. Việc xuất hiện của Thư và Quý Tử khiến tôi không còn cảm thấy áp lực khi ăn cùng với nội, chỉ cần tỏ vẻ ngoan ngoãn, nhu mì là được.

Ăn tối xong thì cũng đã 7 giờ, Quý Tử xin phép về trước. Sau đó, tôi được lệnh ra phòng khách, mọi người hầu hết đều đang ở đó, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên khi không khí có vẻ rất nghiêm túc, chợt nhớ hình như hôm nay trong nhà có chuyện gì đó, cũng là lí do mà tôi phải ở đây đến tận giờ này. Đến giờ tôi mới để ý, ngoài Như, chị của Thư đang đi du học và vài đứa con nít ra thì hầu hết tất cả các thành viên trong độ tuổi trưởng thành của dòng họ đều đang có mặt ở đây, khoảng gần 20 người. Tôi lặng lẽ đến ngồi cạnh Long và ba. Nghe mọi người nói chuyện thì tôi cũng đoán được phần nào, cho đến khi nội bước vào cùng với hai người đàn ông lạ mặc bộ tây đen và giày da bóng lộn giống nhau, trên tay một người cầm một sấp tài liệu bao bì kín kẽ, thì tôi cũng đã chắc chắn được suy đoán của mình, đúng là chuyện chia thừa kế của ông nội, người đã mất cách đây hơn 6 năm.

Đối với tôi, ông nội chỉ là cha của ba mà thôi, là người mà ngoài những câu chào hỏi khuôn phép ra thì không có thêm kí ức nào nữa. Thậm chí, lúc ông nội mất, tôi đang thi lên lớp 10 nên cũng không thể dự lễ tang. Mẹ nói hồi trẻ ông nội nối nghiệp gia tộc, là một thương nhân giàu có, đã rong ruổi khắp nơi từ bắc vào nam, nên tài sản và cả con cái của ông cũng vì vậy mà rải rác ở khắp mọi miền tổ quốc. Ba và các cô chú là những người con do bà nội, người vợ danh chính ngôn thuận của ông sinh ra. Còn những người con khác, chúng tôi chưa bao giờ được thấy qua. Nhiều lần tôi cứ ngỡ những tình tiết như vậy chỉ có ở trên những bộ phim cổ trang sáo rỗng, vậy mà nó lại chân thật đến thế. Theo di nguyện của ông nội, thì chỉ khi đứa cháu đích tôn, là Long, tròn 20 tuổi thì luật sư mới công bố quyền thừa kế di sản cho mọi người trong nhà.

Mọi việc diễn ra rất nhanh chóng, chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Điều mà ai cũng đoán ra là Long được hưởng hầu hết phần di sản của dòng họ. Còn một điều kinh ngạc bất ngờ là việc ông nội để lại cho tôi một căn nhà ở Đà Lạt. Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình chỉ ngồi đây để thay thế cho sự vắng mặt của mẹ, không ngờ mình cũng được một phần

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: