Kế toán
- PHẦN A -
ÁP DỤNG CHO TẤT CẢ NGƯỜI LÀM KẾ TOÁN VÀ NGƯỜI LÀM KIỂM TOÁN
Cách tiếp cận về mặt nhận thức
01. Môi trường làm việc của những người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể tạo ra một số nguy cơ trong việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chuẩn mực đạo đức. Không thể xác định được toàn bộ những trường hợp có thể dẫn đến những nguy cơ đó để xác định các biện pháp bảo vệ thích hợp trong từng trường hợp. Do bản chất của từng dịch vụ và công việc có thể khác nhau nên các nguy cơ cũng khác nhau đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp bảo vệ khác nhau. Cách tiếp cận về nhận thức, mà theo đó lợi ích của công chúng được đề cao, đòi hỏi người làm kế toán và người làm kiểm toán phải xác định, đánh giá và xử lý các nguy cơ đe dọa sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản chứ không chỉ đơn thuần tuân thủ các quy định một cách máy móc. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này đưa ra một khuôn khổ nhằm hỗ trợ những người làm kế toán và người làm kiểm toán xác định, đánh giá và xử lý những nguy cơ đe dọa việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Nếu các nguy cơ được xác định là đáng kể, thì người làm kế toán và người làm kiểm toán cần áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp để loại bỏ hay làm giảm nhẹ các nguy cơ này xuống mức có thể chấp nhận được để việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản không bị ảnh hưởng.
· Khi người làm kế toán và người làm kiểm toán biết được hoặc có căn cứ hợp lý để phải biết về các trường hợp hoặc các mối quan hệ có thể làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, những người làm kế toán và người làm kiểm toán có nghĩa vụ đánh giá bất cứ nguy cơ nào đối với việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chuẩn mực đạo đức.
· Người làm kế toán và người làm kiểm toán cần xem xét đến các yếu tố định tính và định lượng khi đánh giá mức độ của một nguy cơ. Nếu không thể áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp, người làm kế toán và người làm kiểm toán cần khước từ hoặc dừng không tiếp tục cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp có liên quan, khi cần thiết phải từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng (áp dụng cho kiểm toán viên hành nghề, nhóm kiểm toán và công ty kiểm toán) hay từ chối làm việc cho tổ chức sử dụng lao động (áp dụng cho người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức).
· Người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể vô ý vi phạm quy định của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này. Tùy thuộc bản chất và mức độ quan trọng của vấn đề, nếu vi phạm một cách vô ý có thể không làm ảnh hưởng tới việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản với điều kiện là khi phát hiện ra vi phạm thì người làm kế toán và người làm kiểm toán phải sửa chữa ngay các vi phạm đó và áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết.
02. Các Phần B và C của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp này đưa ra các ví dụ với mục đích minh họa cách thức áp dụng cách tiếp cận về nhận thức. Những ví dụ minh họa này không phải và cũng không được coi là toàn bộ các trường hợp tạo ra những nguy cơ về sự tuân thủ các nguyên tắc cơ bản mà người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể gặp phải. Do vậy, việc người làm kế toán và người làm kiểm toán chỉ làm theo những ví dụ đó là không đầy đủ mà phải tham chiếu đến khuôn khổ của chuẩn mực trong từng trường hợp cụ thể.
Các nguy cơ và biện pháp bảo vệ
03. Việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản có thể bị đe dọa trong rất nhiều trường hợp. Các nguy cơ có thể được phân loại như sau:
a) Nguy cơ do tư lợi: Nguy cơ này có thể xảy ra do việc người làm kế toán và người làm kiểm toán hoặc thành viên trong quan hệ gia đình ruột thịt hay quan hệ gia đình trực tiếp của người làm kế toán và người làm kiểm toán có các lợi ích tài chính hay lợi ích khác;
b) Nguy cơ tự kiểm tra: Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kế toán và người làm kiểm toán phải xem xét lại các đánh giá trước đây do mình chịu trách nhiệm;
c) Nguy cơ về sự bào chữa: Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kế toán và người làm kiểm toán ủng hộ một quan điểm hay ý kiến tới mức độ mà tính khách quan có thể bị ảnh hưởng;
d) Nguy cơ từ sự quen thuộc: Nguy cơ này có thể xảy ra khi, do các mối quan hệ quen thuộc mà người làm kế toán và người làm kiểm toán trở nên quá đồng tình đối với lợi ích của những người khác; và
e) Nguy cơ bị đe dọa: Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể bị ngăn cản không được hành động một cách khách quan do các đe dọa (các đe dọa này có thể là có thực hoặc do cảm nhận thấy).
Phần B và C của Chuẩn mực Đạo đức Nghề nghiệp này đưa ra các ví dụ về các trường hợp các kiểm toán viên hành nghề, nhóm kiểm toán và công ty kiểm toán hay những người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức có thể gặp phải các nguy cơ nói trên.
04. Các biện pháp bảo vệ có thể loại bỏ hay làm giảm nhẹ các nguy cơ xuống mức chấp nhận được bao gồm hai nhóm lớn như sau:
a) Các biện pháp bảo vệ do pháp luật và chuẩn mực quy định; và
b) Các biện pháp bảo vệ do môi trường làm việc tạo ra.
· Các biện pháp bảo vệ do pháp luật và chuẩn mực quy định bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp sau:
- Yêu cầu về học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm nghề kế toán và kiểm toán.
- Các yêu cầu về cập nhật chuyên môn liên tục.
- Các quy định về bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp.
- Các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định về thủ tục soát xét.
- Các quy trình kiểm soát của Hội nghề nghiệp hay của cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp kỷ luật.
- Kiểm soát từ bên ngoài do một bên thứ ba được ủy quyền hợp pháp đối với các báo cáo, tờ khai, thông báo hay thông tin do người làm kế toán và người làm kiểm toán lập.
· Phần B và C của Chuẩn mực này sẽ quy định về các biện pháp bảo vệ trong môi trường làm việc của các kiểm toán viên hành nghề, nhóm kiểm toán, công ty kiểm toán và những người có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán đang làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức.
· Một số biện pháp bảo vệ có thể nâng cao khả năng phát hiện hay ngăn cản hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Những biện pháp bảo vệ đó có thể do Hội nghề nghiệp hướng dẫn hoặc quy định của pháp luật, hoặc quy định của tổ chức sử dụng lao động, bao gồm nhưng không giới hạn ở những biện pháp sau:
- Các hệ thống khiếu nại hữu hiệu, được quảng bá rộng rãi, được tổ chức sử dụng lao động, Hội nghề nghiệp kế toán hay cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Những hệ thống này tạo điều kiện cho các đồng nghiệp, chủ doanh nghiệp và công chúng chú ý đến các hành vi thiếu tính chuyên nghiệp hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
- Quy định rõ ràng trách nhiệm báo cáo các vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.
· Bản chất của các biện pháp bảo vệ cần được áp dụng sẽ thay đổi tùy thuộc vào hoàn cảnh. Khi đưa ra các xét đoán chuyên môn, người làm kế toán và người làm kiểm toán cần cân nhắc áp dụng các biện pháp bảo vệ để không bị một bên thứ ba với hiểu biết đầy đủ về tất cả các thông tin liên quan kể cả mức độ quan trọng của nguy cơ và các biện pháp được áp dụng cho là không phù hợp.
Tính chính trực và tính khách quan
05. Tính chính trực không đơn thuần chỉ tính trung thực mà còn nhấn mạnh đến sự công bằng và sự tín nhiệm. Nguyên tắc về tính khách quan nói đến nghĩa vụ của tất cả người làm kế toán và người làm kiểm toán phải công bằng, trung thực trong tư tưởng và không có xung đột về lợi ích.
Người làm kế toán và người làm kiểm toán trong các lĩnh vực khác nhau cần thể hiện tính khách quan của họ trong các hoàn cảnh khác nhau. Kiểm toán viên hành nghề tham gia vào các hợp đồng cung cấp dịch vụ đảm bảo, dịch vụ kê khai thuế và các dịch vụ tư vấn quản lý khác. Người làm kế toán và người làm kiểm toán khi chuẩn bị báo cáo tài chính, thực hiện kiểm toán nội bộ hoặc tham gia quản lý tài chính trong các doanh nghiệp và đơn vị kế toán. Bất kể dịch vụ hay quyền hạn như thế nào, người làm kế toán và người làm kiểm toán cũng cần phải bảo vệ tính chính trực khi làm việc hoặc cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và giữ tính khách quan trong những đánh giá của họ.
06. Khi lựa chọn và áp dụng các tiêu chuẩn về đạo đức có liên quan đến tính khách quan, cần có sự quan tâm đáng kể đối với các nhân tố sau:
a) Người làm kế toán và người làm kiểm toán, trong các trường hợp phải chịu áp lực mạnh, có thể dẫn đến việc vi phạm tính khách quan.
b) Do không thể định nghĩa và quy định được tất cả các trường hợp phải chịu áp lực nên phải quy định các tiêu chuẩn để xác định các mối quan hệ có khả năng dẫn đến việc vi phạm tính khách quan của người làm kế toán và người làm kiểm toán.
c) Cần tránh các mối quan hệ dẫn đến sự thành kiến, thiên vị hoặc bị ảnh hưởng của những người khác có thể dẫn đến vi phạm tính khách quan.
d) Người làm kế toán và người làm kiểm toán có nghĩa vụ đảm bảo tôn trọng tính khách quan đối với các quan hệ cá nhân liên quan đến dịch vụ chuyên nghiệp.
e) Người làm kế toán và người làm kiểm toán không nên nhận quà hoặc tặng quà, dự chiêu đãi hoặc mời chiêu đãi đến mức có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá nghề nghiệp hoặc tới những người họ cùng làm việc. Quà tặng hoặc chiêu đãi là quan hệ tình cảm cần thiết nhưng người làm kế toán và người làm kiểm toán nên tránh các trường hợp có thể ảnh hưởng đến tính chính trực, khách quan hoặc dẫn đến tai tiếng nghề nghiệp.
· Người làm kế toán và người làm kiểm toán không nên có liên quan đến các báo cáo, tờ khai, các trao đổi hay các thông tin khác nếu họ tin rằng những thông tin này:
- Có các nhận định sai lệch hoặc gây hiểu nhầm một cách trọng yếu;
- Có các thông tin hay số liệu được cung cấp một cách cẩu thả; hay
- Bỏ sót hay che đậy thông tin được yêu cầu cung cấp trong trường hợp sự bỏ sót hay che đậy như vậy làm lệch lạc thông tin.
· Người làm kiểm toán không bị coi là đã vi phạm điều trên nếu người làm kiểm toán này đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần do các vấn đề đã đề cập trong điều đó.
Xung đột về đạo đức
07. Trong nền kinh tế thị trường, càng ngày càng có nhiều tình huống có thể dẫn đến các xung đột về lợi ích trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Những xung đột này có thể nảy sinh từ nhiều con đường khác nhau, từ những tình huống khó xử, không quan trọng cho đến những trường hợp gian lận và vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Khó liệt kê hết danh sách các trường hợp có nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích. Người làm kế toán và người làm kiểm toán cần phải thường xuyên tỉnh táo, có sự hoài nghi nghề nghiệp và cảnh báo về các nhân tố có thể nảy sinh xung đột về lợi ích. Sự khác nhau về ý kiến trung thực giữa một người làm kế toán và người làm kiểm toán với một bên khác không chỉ là vấn đề đạo đức. Tuy nhiên, thực tế và hoàn cảnh của từng trường hợp cần được các bên liên quan xem xét cụ thể.
08. Các nhân tố cụ thể có thể xảy ra khi trách nhiệm của người làm kế toán và người làm kiểm toán bị xung đột về đạo đức:
a) Áp lực từ cơ quan quản lý, đơn vị cấp trên, giám đốc, người lãnh đạo công ty kiểm toán; hoặc khi có các quan hệ gia đình hay cá nhân. Các mối quan hệ hay lợi ích có thể có ảnh hưởng trái ngược, làm vi phạm hay đe dọa đến tính chính trực của người làm kế toán và người làm kiểm toán thì cần được loại bỏ hoặc hạn chế.
b) Người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể bị yêu cầu hành động trái với các chuẩn mực nghề nghiệp và chuyên môn.
c) Có thể có vấn đề về lòng trung thành giữa một bên là cấp trên và một bên là yêu cầu của chuẩn mực nghề nghiệp mà người làm kế toán và người làm kiểm toán cần tuân thủ.
d) Xung đột có thể nảy sinh khi thông tin không trung thực được công bố có thể ảnh hưởng đến lợi ích của chủ doanh nghiệp hoặc khách hàng, người làm kế toán và người làm kiểm toán.
09. Khi áp dụng chuẩn mực đạo đức, người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể gặp khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm đạo đức hoặc giải quyết các xung đột về lợi ích. Khi đối mặt với các vấn đề về đạo đức, người làm kế toán và người làm kiểm toán cần phải làm theo các chính sách của doanh nghiệp nơi họ làm việc để tìm kiếm cách giải quyết xung đột. Nếu những chính sách này không giải quyết được các xung đột về đạo đức thì cần phải xem xét các vấn đề sau:
a) Xem xét lại vấn đề xung đột với cấp trên trực tiếp. Nếu không thể giải quyết được thì phải báo cáo với cấp quản lý cao hơn sau khi đã báo cáo với cấp trên trực tiếp về quyết định này. Nếu cấp trên cũng có liên quan đến vấn đề xung đột thì phải báo cáo lên cấp quản lý cao hơn nữa. Cấp trên trực tiếp có thể là trưởng phòng, cấp trên cao hơn là giám đốc chi nhánh, cao hơn nữa là giám đốc công ty hoặc Đại hội cổ đông.
b) Trao đổi với chuyên gia (Hội nghề nghiệp, cơ quan nhà nước hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật).
c) Nếu xung đột về đạo đức vẫn còn và là trọng yếu sau khi đã báo cáo tất cả các cấp soát xét nội bộ, người làm kế toán và người làm kiểm toán chỉ còn cách cuối cùng để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp là phải từ chối làm việc đó hoặc từ chức và nói rõ lý do.
· Nếu các xung đột về đạo đức là trọng yếu thì tuỳ theo yêu cầu của pháp luật và các quy định, người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thông báo trong thời gian sớm nhất hành vi đó cho cơ quan chức năng có liên quan sau khi trao đổi với Hội nghề nghiệp, chuyên gia hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật.
Chuyên gia tư vấn phải là người có năng lực và phải đảm bảo tính bảo mật cho người làm kế toán và người làm kiểm toán khi trao đổi về các xung đột về đạo đức.
· Người làm kế toán và người làm kiểm toán khi ở vị trí lãnh đạo công ty kiểm toán thì cần nỗ lực thực thi các chính sách của doanh nghiệp để giải quyết được các xung đột về đạo đức.
· Trường hợp có xung đột trong nội bộ một tổ chức hoặc với một tổ chức khác, người làm kế toán và người làm kiểm toán cần tham khảo ý kiến của những người chịu trách nhiệm về bộ máy quản lý điều hành của tổ chức đó như Ban giám đốc hay bộ phận kiểm toán nội bộ.
· Vì quyền lợi của mình, người làm kế toán và người làm kiểm toán nên ghi lại bằng văn bản bản chất của xung đột và nội dung của bất cứ cuộc trao đổi nào đã được thực hiện hay bất cứ quyết định nào đã ban hành liên quan đến vấn đề đó.
Năng lực chuyên môn và tính thận trọng
10. Người làm kế toán và người làm kiểm toán không được thể hiện là có những khả năng và kinh nghiệm mà bản thân không có.
11. Nguyên tắc về năng lực chuyên môn và tính thận trọng yêu cầu người làm kế toán và người làm kiểm toán có các nghĩa vụ sau:
a) Duy trì kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn đạt yêu cầu quy định đảm bảo cung cấp dịch vụ chuyên môn tốt nhất cho khách hàng hay chủ doanh nghiệp;
b) Hành động đúng mực, phù hợp với các chuẩn mực về kỹ thuật và nghề nghiệp khi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
Một dịch vụ chuyên nghiệp tốt yêu cầu người làm kế toán và kiểm toán có các xét đoán đúng đắn khi áp dụng kiến thức và kỹ năng chuyên môn để thực hiện dịch vụ đó.
Năng lực chuyên môn có thể chia thành hai giai đoạn:
a) Đạt được trình độ chuyên môn: Là đạt được bằng cấp xác nhận trình độ được đào tạo như: trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên, Chứng chỉ hành nghề kế toán… Trình độ chuyên môn có thể còn yêu cầu về kinh nghiệm làm việc (thời gian thực tế làm nghề).
b) Giữ vững được trình độ chuyên môn:
(i) Giữ vững được trình độ chuyên môn là yêu cầu sự liên tục cập nhật những thay đổi trong nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, kể cả những công bố quốc gia và quốc tế về kế toán, kiểm toán, các quy định phù hợp và các yêu cầu khác của luật pháp.
(ii) Người làm kế toán và người làm kiểm toán cần phải tham gia, ít nhất là chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo luật định để đảm bảo kiểm soát chất lượng trong hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, nhất quán với các quy định của quốc gia và quốc tế phù hợp.
· Việc duy trì năng lực chuyên môn yêu cầu quá trình nhận thức liên tục và hiểu rõ các phát triển về kỹ thuật chuyên môn và các phát triển trong kinh doanh. Sự phát triển chuyên môn liên tục giúp xây dựng và duy trì các năng lực để người làm kế toán và người làm kiểm toán thực hiện công việc một cách hành thạo trong các môi trường chuyên nghiệp.
· Tinh thần làm việc thận trọng bao hàm cả trách nhiệm phải hành động theo đúng các yêu cầu của dịch vụ một cách cẩn thận, kỹ lưỡng và kịp thời.
· Người làm kế toán và người làm kiểm toán cần thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng những người làm việc về mặt chuyên môn dưới quyền của mình phải được đào tạo và giám sát thích hợp.
Tính bảo mật
12. Người làm kế toán và người làm kiểm toán có nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc bảo mật các thông tin về khách hàng hoặc của chủ doanh nghiệp thu được trong quá trình tiến hành các hoạt động chuyên nghiệp và phải tôn trọng nguyên tắc bảo mật ngay cả trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Trách nhiệm bảo mật phải được thực hiện kể cả sau khi chấm dứt mối quan hệ giữa người làm kế toán và người làm kiểm toán với khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp, tổ chức.
13. Người làm kế toán và người làm kiểm toán cần phải thực hiện nguyên tắc bảo mật trừ khi thông tin cần được cung cấp cho cơ quan chức năng có liên quan hoặc trách nhiệm nghề nghiệp hoặc luật pháp yêu cầu phải báo cáo.
Người làm kế toán và người làm kiểm toán có nghĩa vụ đảm bảo các nhân viên dưới quyền và những người được mời tư vấn cũng tôn trọng nguyên tắc bảo mật.
14. Người làm kế toán và người làm kiểm toán cần duy trì tính bảo mật ngay cả trong các mối quan hệ xã hội. Cần cảnh giác với khả năng vô tình tiết lộ thông tin, nhất là trong các trường hợp có sự cộng tác lâu dài với công ty liên kết, với người thân hay thành viên trong quan hệ gia đình trực tiếp.
15. Tính bảo mật không chỉ biểu hiện ở việc không được tiết lộ thông tin. Nguyên tắc bảo mật cũng yêu cầu người thu được thông tin trong quá trình làm kế toán, kiểm toán không được sử dụng các thông tin này để thu lợi cá nhân hoặc thu lợi cho bên thứ ba.
16. Người làm kế toán và người làm kiểm toán không được công bố thông tin bảo mật về khách hàng, doanh nghiệp, tổ chức hiện tại và khách hàng, doanh nghiệp hoặc tổ chức tiềm năng, kể cả thông tin khác, nếu không đựợc sự đồng ý của khách hàng, chủ doanh nghiệp hoặc tổ chức. Điều này không áp dụng cho việc công bố thông tin để hoàn thành trách nhiệm cam kết trong hợp đồng dịch vụ theo quy định của các chuẩn mực nghề nghiệp.
17. Công chúng và những người trong ngành kế toán, kiểm toán cần hiểu biết về bản chất và phạm vi của trách nhiệm bảo mật trong các chuẩn mực nghề nghiệp và các trường hợp cấm tiết lộ thông tin thu được trong quá trình cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
18. Nguyên tắc bảo mật được quy định trong các văn bản pháp luật. Chuẩn mực đạo đức hướng dẫn chi tiết về tính bảo mật sẽ phụ thuộc vào văn bản pháp luật của Nhà nước và quy định của tổ chức nghề nghiệp trong từng thời kỳ.
19. Ví dụ về những nội dung cần hiểu biết khi xác định thông tin bảo mật có thể được công bố hay không:
a) Khi được phép công bố. Khi khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp cho phép công bố thông tin thì cần xem xét lợi ích của tất cả các bên, bao gồm cả bên thứ ba có thể bị ảnh hưởng.
b) Khi pháp luật yêu cầu công bố, như:
(i) Cung cấp tài liệu hoặc bằng chứng trong quá trình tiến hành kiện tụng; và
(ii) Cung cấp tài liệu hoặc bằng chứng trong quá trình điều tra, thanh tra vi phạm pháp luật.
c) Khi quyền lợi và trách nhiệm nghề nghiệp yêu cầu công bố thông tin:
(i) Để tuân thủ các chuẩn mực kỹ thuật và tiêu chuẩn đạo đức, như khi đưa ra ý kiến về sự trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, trong đó có ý kiến ngoại trừ, ý kiến không chấp nhận vì có sự hạn chế và sự yếu kém của doanh nghiệp.
(ii) Để bảo vệ lợi ích nghề nghiệp của người làm kế toán và người làm kiểm toán trong các vụ kiện tụng.
(iii) Để tuân thủ việc kiểm soát chất lượng (hoặc kiểm tra định kỳ) của tổ chức cấp trên, cơ quan nhà nước hay hội nghề nghiệp.
(iv) Để đáp ứng yêu cầu điều tra của cơ quan pháp luật.
20. Khi người làm kế toán và người làm kiểm toán xác định là thông tin bảo mật có thể được công bố thì cần chú ý:
a) Có phải tất cả thông tin sẽ công bố đều rõ ràng hoặc đã được chứng minh hay không; Khi có tình huống liên quan đến thực tế hoặc ý kiến chưa được chứng minh thì phải sử dụng khả năng xét đoán nghề nghiệp để xác định mức độ và hình thức công bố phù hợp;
b) Nên trao đổi thông tin với những bên có trách nhiệm đối với vấn đề sẽ công bố;
c) Xét đoán xem liệu người làm kế toán và người làm kiểm toán có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với việc trao đổi thông tin và những thông tin sẽ công bố không.
Trong tất cả những trường hợp kể trên, người làm kế toán và người làm kiểm toán nên xem xét sự cần thiết phải xin ý kiến của Hội nghề nghiệp, chuyên gia hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật.
Tư vấn thuế hoặc kê khai thuế
21. Người làm kế toán và người làm kiểm toán khi cung cấp dịch vụ tư vấn thuế có quyền đề xuất giải pháp áp dụng các luật thuế có lợi nhất cho khách hàng, hoặc chủ doanh nghiệp, miễn là dịch vụ được cung cấp với trình độ chuyên môn cao, tuân thủ pháp luật về thuế và không vi phạm tính chính trực và tính khách quan.
22. Người làm kế toán và người làm kiểm toán không nên đưa ra đảm bảo cho khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp là việc tư vấn thuế không có những hạn chế thực tế. Ngược lại nên đảm bảo để khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp nhận thức được những giới hạn liên quan đến dịch vụ tư vấn thuế để họ không hiểu nhầm rằng ý kiến tư vấn là một sự xác nhận về thuế thực tế.
23. Người làm kế toán và người làm kiểm toán thực hiện dịch vụ kê khai thuế nên chỉ rõ cho khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp để họ nhận thức được rằng việc kê khai thuế đúng đắn là trách nhiệm của khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp. Kiểm toán viên và người hành nghề kế toán chuyên nghiệp phải đảm bảo việc kê khai thuế được thực hiện đúng trên cơ sở các thông tin nhận được.
24. Ý kiến tư vấn về thuế hay ý kiến về các sự kiện trọng yếu tư vấn cho khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp cần được ghi chép lại, dưới dạng thư hoặc bản ghi nhớ để lưu hồ sơ.
25. Người làm kế toán và người làm kiểm toán không nên tham gia vào dịch vụ kê khai thuế hay trao đổi thông tin nào, nếu có cơ sở để tin rằng:
a) Việc đó có chứa đựng thông tin sai hoặc gian lận;
b) Có thông tin được cung cấp thiếu thận trọng hoặc không có kiến thức thực sự để xác định thông tin đó là đúng hay sai; hoặc
c) Bị cung cấp thiếu thông tin; thông tin không rõ ràng hoặc những thông tin này có thể làm cho cán bộ thuế hiểu nhầm.
26. Người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể phải chuẩn bị bản kê khai thuế liên quan đến việc sử dụng số liệu dự phòng hoặc ước tính kế toán. Khi sử dụng số liệu dự phòng và các ước tính kế toán nên trình bày với phương châm tránh xảy ra sự mất chính xác lớn hơn thực tế hoặc có lợi cho khách hàng hoặc doanh nghiệp. Người tính toán phải thấy thỏa mãn rằng những số liệu dự phòng hoặc ước tính đều là thỏa đáng.
27. Khi chuẩn bị bản kê khai thuế, người làm kế toán và người làm kiểm toán có thể tin tưởng vào các thông tin do khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp cung cấp miễn là thấy thỏa đáng. Mặc dù không yêu cầu việc kiểm tra hay xem xét lại các tài liệu hoặc các bằng chứng khác để hỗ trợ cho các thông tin, người làm kế toán và người làm kiểm toán nên khuyến khích việc cung cấp thông tin đó một cách phù hợp.
Ngoài ra, người làm kế toán và người làm kiểm toán cần phải:
a) Trao đổi với khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp thông tin về những năm trước;
b) Yêu cầu có sự giải trình thỏa đáng khi xét thấy thông tin trình bày có vẻ sai hoặc không đầy đủ; và
c) Tích cực nghiên cứu, tham khảo văn bản pháp luật và hồ sơ về hoạt động của doanh nghiệp.
28. Khi người làm kế toán và người làm kiểm toán biết được các sai sót hoặc bỏ sót trọng yếu trong việc kê khai thuế hoặc hoàn thuế của năm trước, có thể liên quan hoặc không liên quan đến mình thì phải:
a) Kịp thời trình bày với khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp về sai sót hoặc lỗi bỏ sót và đưa ra lời khuyên về việc cần thông báo với cơ quan thuế liên quan. Thông thường, người làm kế toán và người làm kiểm toán không bắt buộc phải thông báo với cơ quan thuế, trừ khi mình có liên quan và được khách hàng đồng ý.
b) Nếu khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp không tự sửa chữa các sai sót, người làm kế toán và người làm kiểm toán phải:
(i) Thông báo cho khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp biết rằng không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ tư vấn thuế hoặc lập bảng kê khai thuế cho họ; và
(ii) Xem xét xem có nên tiếp tục cung cấp cho khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp các dịch vụ khác có liên quan với trách nhiệm nghề nghiệp không.
c) Nếu người làm kế toán và người làm kiểm toán cho rằng có thể tiếp tục mối quan hệ nghề nghiệp với khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp thì cần phải thực hiện tất cả các thủ tục hợp lý để đảm bảo các sai sót không bị lặp lại ở lần tư vấn hoặc kê khai thuế tiếp theo.
d) Đối với trường hợp pháp luật yêu cầu người làm kế toán và người làm kiểm toán phải thông báo cho cơ quan thuế thì phải thông báo với khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp rõ tình hình trước khi thông báo cho cơ quan thuế và không nên thông báo thêm các thông tin mà khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp chưa biết.
Áp dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho các hoạt động chuyên nghiệp xuyên quốc gia
29. Khi áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong các hoạt động chuyên nghiệp xuyên quốc gia, có thể nảy sinh một số vấn đề. Đối với người làm kế toán và người làm kiểm toán là thành viên của tổ chức nghề nghiệp quốc tế đồng thời cũng là thành viên của tổ chức nghề nghiệp tại Việt Nam (hoặc có Chứng chỉ kiểm toán viên, Chứng chỉ hành nghề kế toán của Việt Nam) thì khi cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp tại Việt Nam phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Việt Nam.
30. Một kế toán viên chuyên nghiệp người nước ngoài được công nhận ở một nước khác nhưng chưa có Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc Chứng chỉ hành nghề kế toán của Việt Nam có thể cư trú hoặc chỉ đến Việt Nam một thời gian tạm thời để thực hiện dịch vụ. Trường hợp kết quả dịch vụ được sử dụng ở Việt Nam thì người kế toán viên chuyên nghiệp này cần phải tuân thủ các chuẩn mực kỹ thuật phù hợp và các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của Việt Nam khi cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét trên mọi khía cạnh, người kế toán viên chuyên nghiệp này cần phải thực hiện các hướng dẫn về đạo đức trong đoạn 75 dưới đây.
31. Khi người làm kế toán và người làm kiểm toán của Việt Nam cung cấp dịch vụ tại nước ngoài hoặc kế toán viên chuyên nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và có những quy định khác biệt về tiêu chuẩn đạo đức giữa hai nước thì cần thực hiện các hướng dẫn sau:
a) Khi tiêu chuẩn đạo đức của Việt Nam không chặt chẽ bằng chuẩn mực đạo đức của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) thì phải áp dụng theo chuẩn mực đạo đức của IFAC.
b) Khi tiêu chuẩn đạo đức của Việt Nam chặt chẽ hơn chuẩn mực đạo đức của IFAC thì phải áp dụng theo chuẩn mực đạo đức của Việt Nam.
c) Khi tiêu chuẩn đạo đức của quốc gia mà người làm kế toán và người làm kiểm toán của Việt Nam cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp chặt chẽ hơn cả tiêu chuẩn đạo đức của Việt Nam và của chuẩn mực đạo đức của IFAC thì phải thực hiện theo chuẩn mực đạo đức của quốc gia đó.
Quảng cáo
32. Trong hoạt động tiếp thị và quảng bá về doanh nghiệp và công việc của mình, người làm kế toán và người làm kiểm toán không được:
a) Sử dụng các phương tiện có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh và danh tiếng nghề nghiệp;
b) Phóng đại về những công việc họ có thể làm hoặc dịch vụ họ có thể cung cấp, các bằng cấp hay kinh nghiệm của họ; và
c) Nói xấu hoặc đưa thông tin sai về công việc của doanh nghiệp và của người làm kế toán, người làm kiểm toán khác.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top