chu nguoi tu tu hay

Đề luyện tập: Quan niệm về cái Đẹp của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn Chữ người tử tù.

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) cả một đời văn đi tìm cái Đẹp. Nhưng khác với Thạch Lam, tâm hồn ông hướng về vớ i những nét toàn thiện toàn mĩ , vượt lên khỏi giới hạn của cái bình thường, luôn nhìn nhận thế giới và con người ở phương diện thẩm mĩ – văn hoá.

Vang bóng một thời như là một điểm xuất phát của quan điểm nghệ thuật mang dấu ấn cá tính con người tài hoa tài tử Nguyễn Tuân. Mười một truyện ngắn dựng lên những chân dung đặc sắc khó quên của một thời quá vãng, tiêu biểu cho khuynh hướng thoát li của Nguyễn Tuân trước cách mạng : những thú chơi tao nhã, những con người của quá khứ xa xăm, thực ra là một cách cắt nghĩa cho tấm lòng của nhà văn vốn nặng tình cùng thời vàng son dĩ vãng. Nhưng ẩn chứa trong tập truyện là một tâm hồn dân tộc yêu tha thiết những giá trị đã trở thành truyền thống. Bên cạnh đó, tác phẩm còn là nơi gửi gắm tâm sự yêu nước, tâm trạng bất hoà của một người trí thức luôn cảm thấy bức bối trong khuôn đời chật hẹp. Cảm hứng đặc biệt mãnh liệt của Nguyễn Tuân gắn với những nhân vật đối lập với trật tự khuôn phép phong kiến, thể hiện tập trung trong truyện ngắn Chữ người tử tù, giúp ta hiểu sự chân thành sâu lắng của Nguyễn Tuân trong cái vỏ khác người kiêu bạc.

Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh nét chữ của Huấn Cao – người tử tù bất khuất. Xung quanh trục chính của câu chuyện là những nhân vật thầy thơ lại, viên quản ngục và Huấn Cao. Họ vốn là kẻ thù với nhau trong cuộc sống, nhưng lòng yêu cái Đẹp giúp họ tìm đến với nhau như những người bạn tâm giao.

Cho đến tận thế kỉ XXI, trên văn đàn vẫn còn những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh Chữ người tử tù về nhân vật chính của tác phẩm: Chữ hay là người tử tù Huấn Cao mới là cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm này của Nguyễn Tuân? Điều đó cho thấy tính phức tạp, đa nghĩa của tác phẩm. Chính vì vậy, sức hấp dẫn của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận tác phẩm này từ quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng, đồng thời gắn với đặc trưng “văn học là nhân học”  để xácđịnh rõ tư tưởng của Chữ người tử tù.  Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là đại diện cho khuynh hướng thoát li trong văn học lãng mạn bằng việc đề cao những vẻ đẹp “vang bóng một thời”. Lấy cái tôi làm trung tâm để nhìn nhận cuộc sống, ít nhiều trong tác phẩm, người nghệ sĩ lãng mạn bao giờ cũng muốn bộc lộ chính những suy ngẫm, tâm trạng của riêng mình. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm lại chọn nguyên mẫu Cao Bá Quát để tạo dựng hình tượng Huấn Cao, vì ít ra nhà văn cũng cảm nhận được mối quan hệ tương đồng giữa bản thân mình với nhân vật. Mặt khác, trước cách mạng, Nguyễn Tuân luôn lấy tiêu chuẩn đánh giá con người ở ba khía cạnh: cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương nên Huấn Cao là hình tượng độc đáo giúp nhà văn phát biểu quan niệm về con người của chính ông một cách toàn diện. Chữ – thư  pháp vốn là sở hữu của bậc văn nhân tài tử thời xưa, là phương tiện diễn tả thần thái, tinh hoa của con người, là hiện hình cụ thể của chủ thể thẩm mĩ. Vì vậy, không thể xem chữ là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Con người và những vẻ đẹp Người bao giờ cũng là trung tâm cảm hứng của văn học lãng mạn, chữ của Huấn Cao thực chất là sự lí giải một góc tâm hồn Huấn Cao, là lời ca tụng cái đẹp Con Người trong hoàn cảnh tưởng chừng chỉ tồn tại những điều xấu xa.

Xem Huấn Cao là nhân vật đại diện cho cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương theo quan niệm Nguyễn Tuân cũng cần phải xét đến vai trò của viên quản ngục và thầy thơ lại. Bởi, cái đẹp chỉ thật sự có ý nghĩa khi có người biết thưởng thức. Đó cũng là một khía cạnh chủ đề của tác phẩm mà nhà văn muốn thông qua những nhân vật của mình phát biểu. Sẽ không ai biết đến Huấn Cao vào những thời khắc khốc liệt nhất của đời ông nếu như không có những người như quản ngục, thơ lại. Hai nhân vật này cùng Huấn Cao làm nên “ba đốm sáng đặc biệt” trên nền hiện thực tăm tối.

Tác phẩm hấp dẫn người đọc trước hết ở lối dựng chuyện rất ấn tượng của Nguyễn Tuân. Bản thân ông ý thức rất rõ về việc tạo không khí cho tác phẩm để từ đó diễn giải về số phận, tính cách nhân vật. Vốn là một người rất am hiểu văn hoá phương Đông, tiếp thu ảnh hưởng của cha, Nguyễn Tuân có biệt tài tái hiện những hình ảnh xa xăm của một thời “một đi không trở lại”. Không khí cổ điển bao trùm toàn bộ tác phẩm ngay từ câu đầu tiên: “Nhận được phiến trát của quan Sơn-Hưng-Tuyên đốc bộ đường…”, để từ đó những con người của một thế giới xa xưa hiện ra trước mắt ta nguyên hình rõ nét. Nhân vật chính chưa xuất hiện mà tác phẩm lại bắt đầu từ tâm trạng nửa lo – nửa mừng của viên quan đứng đầu nhà ngục khi nghe tin Huấn Cao sẽ bị áp giải đến nơi mình cai quản. Bổn phận của một bề tôi trung thành là phải làm tròn chức trách nên trong cuộc trao đổi giữa ngục quan với thuộc cấp đã hiện lên một kẻ mẫn cán trong phận sự. Hoàn cảnh đề lao đã tạo nên con người theo khuôn phép, cẩn trọng đúng mực như ngục quan. Nhưng để thấy con người thực của ngục quan và nỗi băn khoăn của ông ta cần phải gắn cùng một hoàn cảnh khác, tâm trạng khác. Bởi qua những dòng đầu tiên, người đọc biết đến niềm khao khát được thưởng thức tài hoa tuyệt đỉnh của thư pháp trong nét chữ tên tử tù Huấn Cao của một người nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Nhưng là người biết định giá cái Đẹp và đến với cái Đẹp bằng tất cả tấm lòng, ngục quan cũng hiểu rõ tình thế khó xử của chính mình. Để nhân vật một mình lọt thỏm trong mênh mông bóng tối của nhà ngục. Nguyễn Tuân đã thuật lại khá đầy đủ những xung đột bên trong của nhân vật. Ngôn ngữ miêu tả tâm lý của Nguyễn Tuân đã đạt đến trình độ bậc thầy khi ông đi sâu mổ xẻ những uẩn khúc trong lòng nhân vật một cách rất tự nhiên gắn kết với khung cảnh.

Để cắt nghĩa tâm trạng ngục quan, Nguyễn Tuân đã khắc họa khỏanh khắc ngục quan khơi lại ngọn đèn dầu sở soi sáng khuôn mặt, đối diện chính bản thân. Đây cũng là thủ pháp thường gặp trong văn xuôi hiện đại. Nhà văn cũng đã không ngần ngại bộc lộ cảm tình của mình với ngục quan, khi ông dùng những nét vẽ bằng ngôn ngữ phác họa chân dung nhân vật một cách trân trọng. Phẩm chất nhân vật được khái quát đầy đủ ngay từ đầu với những nét tương hợp giữa ngôn ngữ, ngọai hình và nội tâm của nhân vật. Đàng sau khuôn mặt bình thản như mặt nước hồ thu là cả một thế giới tâm hồn đáng trọng: “trọng người ngay, biết giá người…” là cơ sở nhà văn khẳng định tâm hồn ngục quan như “bản đàn trong trẻo” trong thế giới tạp âm, đối lập với “bọn cặn bã, lũ quay quắt”. Nhân vật đối lập với hoàn  cảnh luôn là đặc điểm hàng đầu trong sáng tác của Nguyễn Tuân, là chiếc chìa khóa mở tung những cửa ngách phức tạp của hồn Nguyễn Tuân, văn Nguyễn Tuân. Đoạn đặc tả chân dung nhằm diễn giải cho tình huống thử thách xảy đến cùng ngục quan: liệu giữa con người bản – chất và con người mặt – nạ, phía nào sẽ thắng thế? Tâm nguyện của ngục quan có cơ hội thực hiện, nhưng bằng con đường nào phải lẽ, bản thân nhân vật phải trải qua quá trình đấu tranh căng thẳng với chính mình. Xin được chữ Huấn Cao – con người “văn hay chữ tốt nổi tiếng một vùng” là vinh hạnh của một kẻ như quản ngục, bị giam cầm trong bổn phận, trách nhiệm. Liệu nhân vật có vượt qua được thử thách hay không? Câu hỏi định hình từ phía nhà văn đã gợi được trí tò mò cho bạn đọc để làm nên một không khí khác hẳn với lối diễn giải một chiều của tiểu thuyết chương hồi, phơi bày những phức tạp mâu thuẫn nội tâm để làm rõ nét chân dung đặc sắc của ngục quan.

Nếu Huấn Cao là nhân vật trung tâm của tác phẩm thì ngục quan chính là nhân vật đối chiếu để làm rõ cho ý đồ của nhà văn. Thế nhưng góc nhìn đối sánh ấy lại bắt đầu từ vị thế đối lập giữa hai nhân vật. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên xuất hiện giữa nhà ngục, Huấn Cao đã hiện ra sừng sững những cốt cách, khí phách của một anh hùng. Chiếc gông đeo cổ sáu tử tù – biểu tượng dữ tợn của quyền uy và tội ác với kích cỡ “xứng đáng”, với màu “đen bóng” vì mồ hôi bao kẻ tử tội trở nên tầm thường thảm hại trước thái độ lạnh lùng “dỗ gông” của Huấn Cao. Giữa ranh giới sống – chết mong manh, khí phách “uy vũ bất năng khuất” (uy vũ không thể khuất phục) của Huấn Cao không thể được hiểu bằng đầu óc u tối của đám lính lệ dựa hơi quan quyền ra oai phách lối. Chỉ có thái độ “hiền lành khác hẳn ngày thường” của ngục quan mới là sự trọng thị thật sự của những người ý thức bản thân rõ nét. Nguyễn Tuân đã thuật lại quá trình tìm cách tiếp cận Huấn Cao của ngục quan hoàn toàn khách quan và hợp logic phát triển trên tâm lý nhân vật. Nhưng ông cũng giúp thấy rõ nghịch cảnh trớ trêu: một đàng tìm cách gần gũi, một đàng cảnh giác tuyệt giao. Nỗi khổ tâm của ngục quan càng tăng thì sự lạnh lùng “khinh bạc đến điều” của Huấn Cao càng tỏ rõ sự cứng rắn, đầy bản lĩnh của người anh hùng mạt lộ. Đơn giản một điều là họ chưa tìm thấy tiếng nói chung khi vị thế hai người được đặt trong sự đối đầu về mặt xã hội.

Đỉnh cao của xung đột đầu tiên giữa hai kẻ không cùng chiến tuyến là lúc ngục quan mạo hiểm xuất hiện trước mặt Huấn Cao và nhận được câu trả lời đuổi thẳng. Đáp lại thái độ khinh bạc của Huấn Cao là một lời bẽ bàng của quản ngục “Xin lĩnh ý” . Tưởng chừng sau phút đó, chuyện sẽ rẽ ngoặt sang hướng khác: kính trọng sẽ thành thù hận. Nhưng điều bất thường là rượu thịt cung phụng cho “thú sinh bình” của Huấn Cao lại còn hậu hơn trước khiến cho nảy sinh tình huống mới: thái độ ngạc nhiên băn khoăn về quản ngục của Huấn Cao. Ngạc nhiên là phải, vì đàng sau rượu thịt không phải là những trò mua chuộc hạ sách mà ông Huấn Cao từng biết. Băn khoăn của Huấn Cao xoay quanh bí ẩn về nhân thân của quản ngục. Nét đặc sắc trong nghệ thuật dựng chân dung nhân vật của Nguyễn Tuân là ở đó, ông đặt nhân vật vào những ranh giới đòi hỏi sự lựa chọn đúng – sai, thật – giả, tốt – xấu … để khám phá thêm những mặt tiềm ẩn của tâm hồn con người, hé lộ những mặt đa dạng của tính cách nhân vật.

Lời giải đáp cho băn khoăn của Huấn Cao đến trong một hoàn cảnh thật nghiệt ngã, ông phải đứng trước thử thách của chính mình. Ranh giới phân định không còn nằm trong thế cho con người lựa chọn như trước, bởi đó là sự sống còn và cái chết của chính ông. Kết cục số phận của một người tử tù là cái chết, nhưng trước cái chết con người cũng có những phản ứng khác nhau. Một người bình thường sẽ mặt tái nhợt hốt hoảng như thầy thơ lại khi báo tin  cho Huấn Cao, còn bản thân một kẻ “chọc trời khuấy nước” như Huấn Cao lại dường như bình thản đón nhận. Người anh hùng luôn đón đợi hiểm nguy, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, phải chăng vì vậy Nguyễn Tuân đã không dùng một từ nào mô tả phản ứng của Huấn Cao khi nghe tin dữ đến với mình. Giây phút “lặng người đi một lát rồi mỉm cười” của Huấn Cao chính là thời điểm mở ra thế giới thực của một con người tài hoa. Cuối cùng những “kẻ thù “ trong đời đã gặp nhau ở một tấm lòng. Thời điểm này ta cũng nhận rõ hơn vai trò của thầy thơ lại. Ông ta hoàn toàn không phải là người trung gian, kẻ đầu sai cho chủ. Cũng giống viên quản ngục, ông ta còn giữ được “thiên lương” nhưng hoàn cảnh không cho phép ông bộc lộ con người thực của mình. Thậm chí, so với ngục quan, thầy thơ lại còn hiêïn lên vẻ an phận thủ thường bằng dáng vẻ khúm núm, rụt rè, hớt hải của một kẻ ý thức được thân phận của mình. Nhưng đôi mắt “biết giá người” của ngục quan đã phát hiện được con người thực của ông ta. Thầy thơ lại chính là điểm tựa, là niềm tin giúp ngục quan đủ dũng khí vượt qua nỗi sợ hãi thường trực trong cảnh sống nơm nớp lo âu. Có thể xem thầy thơ lại là nhân vật bổ sung cho tính cách của ngục quan. Dẫu cho ông ta không phải là người đam mê cái đẹp thư pháp giống như ngục quan, nhưng ông ta là người đóng vai trò xúc tác để cái đẹp tìm đến nhau. Cuộc sống rất cần loại người như thế. Trong thế giới nhân vật lý tưởng hoá của Nguyễn Tuân, viên thơ lại này là con người của đời thường, tận tâm trong công việc và tận tâm với cả bạn bè, dám làm những việc nguy hiểm cho tính mạng bản thân vì người khác. Không có thầy thơ lại, sẽ không có cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao với quản ngục, không có cảnh tượng cho chữ “xưa nay chưa từng có”.

Khi những hận thù, ngộ nhận được xoá nhoà, nhà văn mới để Huấn Cao bộc lộ rõ con người thật bằng những lời nói cảm động. Điều bất ngờ của Huấn Cao về quản ngục còn làm người đọc bất ngờ hơn về thái độ của Huấn Cao khi ân hận “Thiếu chút nữa thì ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao bỗng trở nên gần gũi, rất con người sau câu nói này. Hoá ra nhân cách cao quí của Huấn Cao ngoài thái độ bất khuất kiên cường còn có cả một tấm lòng biết trân trọng con người. Hoá ra nụ cười Huấn Cao không chỉ là “trông chết cười ngạo nghễ” mà còn là nụ cười sung sướng tìm được một con người có “sở thích cao quí” chính vào thời khắc số mệnh đã an bài. Cuộc gặp gỡ của những tấm lòng đã làm nên lời giải đáp, hoá giải mọi khổ tâm, băn khoăn, sợ hãi.

Nguyễn Tuân đã dựng lên một không gian đặc biệt để ba nhân vật gặp gỡ. Đúng như ông mô tả, đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Nhưng trang viết này đã thể hiện bút lực Nguyễn Tuân dồi dào sung mãn nhất. Cảm hứng mạnh mẽ, tô đậm những nét độc đáo phi thường đã làm nên nhừng hình ảnh, câu văn thật phóng khoáng. Bắt đầu của sự chuyển đổi không gian nhà ngục – vốn tối tăm ghê rợn đã bừng sáng lên trong ánh lửa cháy “rừng rực” của những bó đuốc tẩm dầu. Xung đột Bóng tối – Ánh sáng mang ý nghĩa tượng trưng, điển hình cho một cảm hứng quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn. Đây là ánh sáng khác hẳn với sắc nhợt nhạt của “những vì sao” nhấp nháy sắp rụng, với ánh leo lét của ngọn đèn dầu sở soi sáng gương mặt ngục quan, tâm hồn ngục quan. Aùnh đuốc làm bật lên ba con người đẹp đẽ trên nền hiện thực nhà tù tàn ác xấu xa. Đối cực giữa hoàn cảnh với con người nhờ vậy tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho độc giả, tạo một tâm thế hào hứng đón nhận cái đẹp vượt lên thực tại tầm thường tù túng, để thât sự thăng hoa.

Cảnh tượng đẹp nhất đánh dấu thời khắc cái Đẹp lên ngôi chính là lúc Huấn Cao viết chữ, thầy thơ lại khúm núm bưng chậu mực, viên quan coi ngục đánh dấu lên từng con chữ. Vẫn là những con người ấy nhưng thật sự họ đã toàn tâm toàn trí hướng về cái đẹp. Người sáng tạo, người thưởng thức, tôn vinh cái đẹp đã gặp gỡ nhau. Lời nói của Huấn Cao dành cho quan coi ngục là lời chỉ dành cho người tri âm tri kỷ. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng bình khoảnh khắc này là khoảnh khắc “ba đốm sáng gặp nhau”, khoảnh khắc để con người cúi đầu trước cái đẹp để thật sự cảm nhận vẻ đẹp toát lên từ con chữ, từ tấm lụa bạch, thỏi mực thơm.

Nhà văn khép lại câu chuyện bằng lời nói của ngục quan, như hứng lấy tâm huyết hoài bão một đời của Huấn Cao: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh!”. Đó là lúc cái đẹp chiến thắng tuyệt đối, là lúc “Ba người nhìn bức châm rồi lại nhìn nhau”. Họ đã thật sự chiến thắng nỗi sợ hãi, cái chết. Đó là thời khắc hội tụ cái Tài – cái Đẹp – cái Thiên Lương.

Chữ người tử tù đã thể hiện trọn vẹn quan niệm cái đẹp của Nguyễn Tuân trước các h mạng tháng Tám. Cái đẹp đối lập vối thực tại tầm thường giả trá, cái đẹp của những con người phản ứng thực tại xã hội đương thời. Và Nguyễn Tuân cũng đã đem lại cho người đọc thú thưởng thức văn hoá rất đặc sắc trong nét chữ tài hoa. Tài hoa ấy, tấm lòng ấy cũng là của chính Nguyễn Tuân muốn gửi gắm lại cho cuộc đời này.

TRẦN HÀ NAM

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: