Đề 3:

   Phân tích cảnh cho chữ trong "Chữ người tử tù". Từ đó bình luận về cảm hứng lãng mạn được thể hiện trong đoạn trích trên.
                   Bài làm:
   Có những cái đẹp lướt qua dưới ánh mắt, tầm nhìn của người vô tình, mà cũng có cái đẹp ẩn khuất- vì tinh tế mà náu mình giữa cái phồn tạp, hư ảo của trần gian. Cảnh cho chữ trong tác phẩm "Chữ người tử tù" dường như cũng cất giấu những nét bút trác tuyệt như thế, đề cao vẻ đẹp nghệ thuật vị nhân sinh và luôn có sự song hành của cái tài, cái tâm người sáng tạo cái đẹp. Đồng thời cho thấy cảm hứng lãng mạn của ngòi bút Nguyễn Tuân cùng quan niệm lý tưởng thẩm mĩ mới mẻ phải có sự kết hợp giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng đạo đức.
    Tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ trong hoàn cảnh éo le có phần ngang trái giữa viên quản ngục và Huấn Cao đứng trên hai bình diện xã hội khác nhau thậm chí đối lập khi một bên là kẻ tử tù- phản nghịch của triều đình,  chống lại trật tự xã hội mục nát, thối rũa đương thời trong khi bên còn lại lại là người giữ sự bền vững, duy trì cho trật tự đó, tay sai của tầng lớp thống trị gián tiếp tiếp tay cho cái ác. Cứ ngỡ tưởng rằng điều này sẽ là rào cản khó thay đổi, tạo nên khoảng cách giữa hai tâm hồn đồng điệu thì chính lòng yêu mến nghệ thuật cùng sự si mê, ngưỡng mộ trước cái đẹp đã biến họ trở thành những người tri kỉ của nhau. Và cảnh cho chữ xảy đến là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện sự đền đáp của cái tài trước cái tâm, giúp mọi vẻ đẹp của các nhân vật được bộc lộ một cách đầy đủ, trọn vẹn.
   Nếu người nghệ sĩ thư pháp thường viết chữ ở những không gian thanh sạch, cao khiết thì Huấn Cao lại cho chữ quản ngục trên mảnh đất lao tù- vốn là nơi của sự chết chóc, xấu xa, tăm tối ngự trị- nay lại trở thành nơi cái đẹp cao quý được ra đời:" Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi trên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ." Biện pháp đối lập được sử dụng trong cách khắc hoạ hoàn cảnh của việc cho chữ đã thành công trong việc tạo dựng sự tương phản góp phần làm nổi bật hơn ý nghĩa sâu sắc mà tác giả muốn hướng tới phía sau, đồng thời cho thấy ý chí phi thường của những con người yêu cái đẹp, dám vượt lên mọi sự khắc nghiệt của hoàn cảnh để chiêm ngưỡng và lưu giữ nó. Thời gian cũng được đề cập đến khi đó là đêm cuối cùng mà người nghệ sĩ có thể cống hiến hết tài năng, sức lực của mình cho việc sáng tạo nghệ thuật, dù sắp phải đối mặt với cái chết, dường như Huấn Cao cũng không cảm thấy hối tiếc bởi đã tìm được người tri kỉ của đời mình.
     Người đọc thấy hình ảnh:"Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván" với phong thái đường hoàng đĩnh đạc, điều mà hiếm ai có thể thấy ở một con người ngay ngày mai sẽ phải đối mặt với tử thần. Sự lên ngôi và chiến thắng của cái đẹp tạo nên sự đảo ngược vị thế rất kì lạ nơi lao ngục. Khi Nguyễn Tuân phải dùng hai chữ" người tù" để gọi về Huấn Cao, nhằm dụng ý nhấn mạnh về thân phận của người sáng tạo cái đẹp đối lập với khí phách, bản lĩnh của người anh hùng, như thể ông mới là chủ nhân đích thực của chốn lao tù tăm tối. Trong khi đó hai mệnh quan của triều đình," thầy thơ lại, gầy gò, thì run run bưng chậu mực", "viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng", dường như đang trở thành những người hầu cận cho cái tài, cái đẹp, cảm phục, trân trọng điều đang diễn ra trước mắt. Điều này không làm hạ thấp giá trị nhân phẩm của con người mà ngược lại càng thể hiện tình yêu nghệ thuật cùng thiên lương toả sáng đáng trân trọng của những viên quản ngục hay thầy thơ lại giữa chốn ngục tù. Dường như chính bởi những tấm lòng tri kỉ như thế mà họ đã cùng nhau xoá nhoà đi mọi khoảng cách để cùng xây dựng một thế giới thành cao, nơi mà cái đẹp được tồn tại và duy trì.
    Cảnh cho chữ tiếp tục khắc hoạ và làm trọn vẹn hơn hình ảnh của Huấn Cao qua lời khuyên của ông với viên quản ngục:" Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở...Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi." Nó khẳng định sự trân trọng của Huấn Cao về vẻ đẹp bên trong của con người dù có ở nơi bạo tàn, chết chóc:"Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.", nhưng cũng hết mực quan tâm đến môi trường để nuôi dưỡng cái đẹp đó. Đến đây, Nguyễn Tuân cũng không đề cập cụ thể đến nội dung của bức trâm dù thường có hứng thú về chất tài hoa nghệ sĩ, nhằm dụng ý hướng tới khẳng định những giá trị còn cao quý hơn. Đó là về nghệt thuật có sức mạnh cảm hoá con người, cứu vớt và chỉ lối cho những tâm hồn đang đi lại. Có những cái vái lạy khiến người ta trở nên thấp hèn, nhưng cái vái lạy của viên quản ngục với Huấn Cao ngược lại làm tôn cáo thêm nhân cách, lòng ngưỡng mộ, cảm phục của ông trước cái tâm chân thành của người anh hùng. Đồng thời là mình chứng cho giá trị nghệ thuật không sinh ra vì nghệ thuật mà vị nhân sinh.
     Có thể nói, cảnh cho chữ đã khẳng định sức sống tư tưởng và sức mạnh phi thường của cái đẹp vượt lên trên thế giới tù ngục bạo tàn, tăm tối cùng tấm lòng của nhà văn trước những giá trị truyền thống của dân tộc. Thông qua nghệ thuật xây dựng cảnh, tạo không khí trang trọng, thiêng liêng, cùng ngôn ngữ giàu tính tạo hình, sử dụng nhiều từ Hán Việt, giọng văn chậm rãi, phù hợp với cảm hứng linh thiêng hoá cái đẹp trong cảnh cho chữ, và việc sử dụng thành công thủ pháp tương phản, đối lập càng góp phần nhiều hơn vào thành công của tác phẩm nói chung, đoạn trích nói riêng.
   Về bút pháp lạng mạn của ngòi bút Nguyễn Tuân trong cảnh cho chữ, trước hết nên nói về đề tài mà nhà văn chọn lựa. Bởi qua đó, mà tác giả đã vẽ lại những nét đẹp trong giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc giờ chỉ còn vang bóng mang sự hoài niệm nay đã là một thời quá vãng không xa, chọn cảnh cho chữ để thấy sức mạnh nghệ thuật to lớn, phi thường. Việc sử dụng triệt để thủ pháp tương phản đối lập cùng cách xây dựng nhân vật mang màu sắc lý tưởng hoá càng cho thấy những đặc trưng trong phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân không thể nhầm lẫn so với các tác gia cùng thời trong cùng một đề tài, hoàn cảnh.
     Tạ Ty nhận định:"Mỗi lời văn của Nguyễn Tuân đều là những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc tinh xảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ". Cũng chính thái độ nâng niu, trân trọng cái đẹp và với cái nhìn nghiêm túc về nghệ thuật của ông đã tạo nên 1 Nguyễn Tuân "vị nghệ thuật" trong văn chương....

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top