Đề 2:

Cảm nhận về tình huống truyện trong tác phẩm" Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân.
Bài làm:
Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: "Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. "Chữ người tử tù" là một trong những tác phẩm như thế khi đã dựng lên bức chân dung đặc sắc khó quên, tiêu biểu cho khuynh hướng thoát ly của Nguyễn Tuân trước cách mạng, thực ra là một cách cắt nghĩa cho tấm lòng của nhà văn nặng tình cùng thời vàng son dĩ vãng, tâm trạng bất hòa của một người tri thức luôn cảm thấy bức bối trong khuân đời chật hẹp, đồng thời thể hiện quan niệm nghệ thuật tiến bộ coi trọng giá trị cái đẹp không chỉ xuất phát ở cái tài mà còn hàm chứa cái "tâm". Tình huống truyện trong tác phẩm chính là một trong những yếu tố then chốt giúp nhà văn truyền tải tư tưởng, thông điệp của mình, đóng góp vào thành công trong việc tạo tiếng vang của "Chữ người tử tù" trên nhiều diễn đàn văn học.
Ở các thể loại như tiểu thuyết, kịch,... đặc biệt là truyện ngắn, tình huống truyện luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên những hoàn cảnh đặc biệt nhằm để cho nhân vật có thể tự bộc lộ được bản chất bên trong, tự khắc hoạ đồng thời là phương tiện để nhà văn truyền tải tư tưởng, những dụng ý nghệ thuật của mình tới người đọc. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng:" Tình huống truyện giống như thứ nước rửa ảnh làm nổi lên hình sắc các nhân vật".Tình huống truyện trong "Chữ người tử tù" cũng mang những vai trò như vậy, hơn nữa còn mang nhiều nét độc đáo, kịch tính riêng không thể nhầm lẫn.
Tác phẩm xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ giữa hai con người đứng trên hai bình diện xã hội khác nhau: một Huấn Cao - người anh hùng chính nghĩa, ghét thói cường quyền hà hiếp bách tính, đã dám đứng lên chống lại triều đình, là phản nghịch bị xử chém. Một viên quan coi ngục- người nắm quyền kiểm soát và bảo vệ cho trật tự xã hội đương thời, tay sai của giai cấp phong kiến thống trị, người giam giữ Huấn Cao những ngày trước khi ra pháp trường. Họ gặp nhau tại nhà lao tỉnh Sơn trong một hoàn cảnh đầy éo le và nghịch lý, vào những ngày cuối cùng trước khi Huấn Cao bị xử chém. Điều này càng khiến cho câu chuyện thêm khác thường, kịch tính, qua đó đồng thời làm nổi bật lên tính cách của mỗi nhân vật.
Họ là những tri kỷ của nhau với niềm yêu nghệ thuật sâu sắc, ngưỡng mộ cái đẹp cùng tâm hồn có sự đồng điệu trước tài năng và thiên lương của con người. Nhưng chính sự trái ngược về địa vị xã hội đã tạo nên những rào cản, khó khăn đẩy hai con người vào nhiều tình huống mâu thuẫn, đồng thời góp phần vào việc khắc hoạ rõ nét tính cách của từng nhân vật. Viên quản ngục thì buộc phải lựa chọn giữa trách nhiệm trong công việc, chức trách, bổn phận của một mệnh quan triều đình với lòng biệt nhỡn nhân tài, sự tôn thờ trước cái đẹp. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua hành động của ông trong những ngày Huấn Cao bị giam ở nhà ngục. Sự ngạc nhiên, lòng ngưỡng mộ dù đã che giấu nhưng đã bộc lộ rất rõ trong lời nói với thầy thơ lại:"Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?". Rồi "cặp mắt hiền lành" mà viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù nhân mới vào:"Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi". Cùng việc mà thầy thơ lại luôn được sai đi dâng rượu và đồ nhắm trước mỗi bữa cơm tù cho Huấn Cao suốt nửa tháng bị giam giữ...tất cả đã đủ để chứng minh tấm lòng của viên quản ngục:"...tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay...là một thành âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ".
Nhưng kể cả là như vậy, thái độ của Huấn Cao dành cho ngục quan vẫn lạnh lùng, khinh bạc:"...thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm." Thậm chí, khi viên quan coi ngục đích thân xuống tận buồng giam của ông để bày tỏ ý nguyện của mình, Huấn Cao còn lập tức xưa đuổi, cho rằng đó là những trò tiểu nhân thị lại, lừa đảo, muốn dò đến những điều bí mật. Rõ ràng, sự đối lập, đối nghịch trong mối quan hệ xã hội đã tạo nên những khoảng cách, rào cản ngăn những tâm hồn có sự đồng điệu về suy nghĩ, về nghệ thuật tìm đến với nhau để cùng bày tỏ và chia sẻ lòng thành kính trước cái đẹp.

Kịch tính truyện được đẩy lên cao trào, khi viên quản ngục tiếp nhận công văn thứ hai từ hình bộ thượng thư đòi áp giải Huấn Cao và những người đồng chí vào kinh xử chém. Đây có thể coi là một bước ngoặt mang tính mấu chốt trong toàn bộ câu chuyện bởi nhờ nó mà Huấn Cao thông qua lời kể của thầy thơ lại đã tỏ rõ được tấm lòng trân quý, biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục, từ đó dẫn đến cảnh cho chữ-"một cảnh tượng xưa nay chưa từng có".
Quyết đinh cho chữ viên quản ngục của Huấn Cao chính là sự đền đáp, sự phụng sự của cái tài trước cái tâm, được mình chứng qua câu nói:"Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người...Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Qua đó, cho thấy người anh hùng dù không sợ hãi cường quyền hay hàm mê vàng bạc vẫn khuất phục trước thiên lương cao quý của con người, để rồi mang chính những rung cảm thẩm mĩ của mình khi bắt gặp cái đẹp trong tâm hồn của viên quản ngục, trở thành"..những nét chữ vuông tươi tăn nó nói lên những hoài bão từng hoành của một đời con người",như để đèn đáp cho tấm lòng tri kỷ. Và cảnh cho chữ chính là tình tiết để hoàn tất cuộc gặp gỡ kì lạ giữa những con người, giúp cho mọi vẻ đẹp trong các nhân vật được thăng hoa.
Đó là cuộc hội ngộ của những tâm hồn tri kỉ. Từ những con người sống cô đơn, họ đã trở nên gần gũi, đồng điệu, thấu hiểu, xoá nhoà mọi khoảng cách và cùng nhau tôn thờ, ngưỡng mộ cái đẹp."Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ."Khung cảnh hào hùng dưới ngòi bút uyên bác cùng ngôn từ có sự kết hợp của nhiều thể loại nghệ thuật, những nhân vật của Nguyễn Tuân như vượt lên hết tất cả ngăn cách về địa vị, thân phận, hiềm khích trong thế giới bạo tàn để nhường chỗ cho sự toả sáng và lên ngôi của cái đẹp. Người ta không bắt gặp người nghệ sĩ trong tâm thế tự do sáng tạo nghệ thuật mà ngược lại là" Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván", nhưng phong thái lại đường hoàng, đĩnh đạc như thể chính ông mới là chủ nhân của chốn ngục tù. Còn viên quản ngục và thầy thơ lại thì khúm núm, run run bưng chậu mực, hết sức thành kính trước việc sáng tạo cái đẹp trước mắt, như những kẻ phụng sự bên cạnh người nghệ sĩ. Sự đảo ngược về vị thế kì lạ giữa người cho chữ với người xin chữ trở thành yếu tố khiến cho bức chân dung mỗi nhân vật thêm sắc nét. Trong khi Huấn Cao tiếp tục cho thấy con người nghệ sĩ những cũng rất anh hùng của mình qua tâm thế hiên ngang, bình tĩnh thì cái khúm núm, run run của viên quản ngục và thầy thơ lại bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm phục, chiêm ngưỡng trước cái tài, cái đẹp. Nếu câu nói của Huấn Cao khuyên"...thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở...Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi."thể hiện sự quan tâm của ông đối với môi trường để tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng bản chất tốt đẹp trong con người; thì một cái chắp vái của viên quản ngục lại tôn cao nhân cách, sự tôn sùng và thành kính trước cái tài, cái đẹp trong thiên lương cao quý của con người này.
Qua đây, nhà văn khẳng định sức mạnh, uy quyền của cái đẹp. Cuộc kỳ ngộ giữa ba con người trong thế giới lao tù trở thành một cuộc hạnh ngộ của những tâm hồn đồng điệu. Nhà văn cho thấy sức mạnh toả ra từ tài năng, vẻ đẹp nhân phẩm của Huấn Cao có thể thức tỉnh con người (viên quản ngục) để thoát khỏi thế giới bạo tàn, dơ bẩn. Cũng như sự trường tồn của cái đẹp, dù cho người anh hùng thất thế như Huấn Cao có ra pháp trường vào ngày mai thì nó sẽ mãi bất tử trong lòng người ở lại bởi ở chính những giây phút cuối cùng ông đã tìm được tri kỷ của mình...
Việc lựa chọn tình huống truyện là cuộc gặp gỡ kì lạ giữa những con người như viên quản ngục và Huấn Cao trong chốn lao tù đã giúp Nguyễn Tuân gặt hái được nhiều thành công cùng tác phẩm khi vừa làm nổi bật được vẻ đẹp khác thường của các nhân vật, vừa truyền tải quan niệm sâu sắc của nhà văn về cái đẹp. Cái đẹp là bất tử, dù thực tại có tàn bạo đến bao nhiêu cũng không thể tiêu diệt được, bởi "cái đẹp sẽ đăng quang và cứu vớt thế giới."(
"Vang bóng một thời" vẽ lại những cái đẹp xưa của một thời phong kiến suy tàn, thời có những ông Nghè, ông Cống, ông Tú thích chơi lan, chơi cúc, thích đánh bạc bằng thơ hoặc nhấm nháp chén trà trong sương sớm với tất cả nghĩ lễ thành kính, thiêng liêng. Và " Chữ người tử tù" chính là một trong số đó, cùng với tên tuổi của Nguyễn Tuân, tác phẩm sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc cả nước, trở thành viên ngọc quý trường tồn cùng thời gian trong kho tàng văn chương dân tộc..

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top