chu nghia xa hoi khoa hoc 2
4. Trình bày các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học như thế nào?
* C. Mác và Ph. Ăngghen tiếp tục phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học
(1848 - 1895)
Sau “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăngghen tiếp tục bổ sung, phát triển thêm nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản, đặc biệt là cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp và Đức trong thời kỳ 1848 - 1851, qua theo dỏi, chỉ đạo và tổng kết kinh nghiệm của Công xã Pari (1871), hai ông đã viết nhiều tác phẩm và thông qua các tác phẩm, hai ông đã nêu lên những luận điểm hết sức quan trọng, làm phong phú thêm chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là những luận điểm sau:
- Giai cấp công nhân chỉ có thể chiến thắng giai cấp tư sản trên cơ sở đập tan bộ máy nhà nước tư sản và kịp thời trấn áp những hành động phục hồi của chúng.
- Cuộc đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản và bản thân nền chuyên chính đó cũng chỉ là bước quá độ để tiến lên xây dựng một xã hội không có giai cấp.
- Giai cấp công nhân chỉ có thể giành được thắng lợi khi có được sự lãnh đạo của một chính đảng được vũ trang bằng lý luận khoa học.
- Liên minh công - nông là điều kiện cần phải có để đưa cách mạng đến thắng lợi.
- Trình bày về tư tưởng cách mạng không ngừng; về chiến lược, sách lược đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân; về sự lựa chọn các phương pháp và hình thức đấu tranh trong từng thời kỳ phát triển cách mạng; về các vấn đề xã hội - chính trị mà cách mạng xã hội chủ nghĩa phải giải quyết; v.v...
* V.I. Lênin phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học trong hoàn cảnh lịch sử mới
Vlađimia Ilích Lênin (1870 - 1924) là người kế tục một cách xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của C. Mác và Ph. Ăngghen. Ông vừa bảo vệ sự trong sáng, vừa phát triển toàn diện và làm giàu thêm lý luận chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Ông là người mácxít đầu tiên vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào thực tiễn đấu tranh xây dựng chính quyền cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cải tạo xã hội cũ và bắt đầu xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực. Ông là lãnh tụ của giai cấp công nhân Nga và quốc tế, người sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xôviết.
Sự phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học của V.I.Lênin được chia thành hai thời kỳ cơ bản:
- Trước Cách mạng Tháng Mười Nga: Trên cơ sở những di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã xây dựng một hệ thống lý luận mang tính nguyên tắc cho các đảng mácxít kiểu mới của giai cấp công nhân. Đó là những lý luận về chuyên chính vô sản; về chính đảng kiểu mới; về liên minh công - nông; về sự chuyển biến cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
- Sau Cách mạng Tháng Mười Nga: Với yêu cầu của công cuộc xây dựng chế độ mới, V.I. Lênin phân tích và làm rõ nội dung, bản chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về mối quan hệ giữa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc với phong trào đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân; về những vấn đề mang tính quy luật của sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về vai trò của quần chúng,v.v.
Do cống hiến to lớn của V.I. Lênin đối với sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác, mà chủ nghĩa Mác đã phát triển thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
* Sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học từ sau khi V.I. Lênin từ trần
- Đảng Cộng sản Liên Xô và các Đảng Cộng sản khác trên thế giới
Hơn 80 năm đã trôi qua kể từ sau khi V.I. Lênin từ trần, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã trải qua nhiều thử thách to lớn. Các Đảng Cộng sản đã bảo vệ, phát triển sáng tạo những nguyên lý, những luận điểm có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học trong hoàn cảnh lịch sử mới và điều kiện cụ thể của mỗi nước. Dựa vào sự tổng kết, kinh nghiệm của nước mình, các Đảng Cộng sản đã đóng góp vào các vấn đề cấp bách của thời đại, vạch ra những vấn đề mang tính quy luật của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như các vấn đề của quá trình cách mạng thế giới.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học nên một sự thật không thể phủ nhận là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong đó thắng lợi vĩ đại nhất là đã đưa nhân loại thoát khỏi thảm họa phát xít, là tiền đề quan trọng nhất dẫn đến sự tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là sự hình thành và phát triển, lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh vì các mục tiêu của thời đại ngày nay trong suốt mấy thập kỷ qua.
Tuy nhiên, từ những năm 80 về sau, nhiều Đảng mắc phải nhiều sai lầm, khuyết điểm, trong đó có vấn đề nhận thức. Đó là sự chậm trễ phát triển lý luận; lý luận không theo kịp thực tiễn, lạc hậu nhưng lại chỉ đạo thực tiễn, v.v...Trong cải tổ, các đảng cũng lại phạm tiếp sai lầm trong nhận thức. Đó là từ bỏ chủ nghĩa xã hội khoa học, thực hiện đa nguyên chính trị và sự tồn tại đa đảng đối lập, v.v... đã làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực ở một số nước sụp đổ, tạo thế bất lợi cho phong trào cộng sản. Những tổn thất đó hoàn toàn không phải là do sai lầm của chủ nghĩa xã hội khoa học.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện cũng đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học, những bài học kinh nghiệm của các đảng anh em, của chính bản thân cách mạng Việt Nam vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang thực sự là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng nước ta trước kia, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Những đóng góp, bổ sung và phát triển cũng như sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta có thể tóm tắt trên một số vấn đề cơ bản sau:
+ Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tính quy luật của cách mạng Việt Nam, trong điều kiện thời đại hiện nay;
+ Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị, đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội;
+ Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đây được xem như một nội dung cơ bản, thể hiện sự ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa. Xây dựng phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái;
+ Mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của mọi giai cấp và tầng lớp nhân dân, mọi thành phần dân tộc và tôn giáo, mọi công dân Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, tạo cơ sở xã hội rộng lớn và thống nhất cho sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội mới;
+ Tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, khai thác mọi khả năng có thể hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;
+ Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Khâu then chốt để đảm bảo tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
5. Trình bày vị trí, chức năng và nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học. Ý nghĩa của việc học tập chủ nghĩa xã hội khoa học trong tình hình hiện nay như thế nào?.
* Vị trí của chủ nghĩa xã hội khoa học
- Trước hết, với ý nghĩa là tư tưởng, là lý luận, thì chủ nghĩa xã hội khoa học nằm trong quá trình phát triển chung của các sản phẩm tư tưởng, lý luận mà nhân loại đã sản sinh ra. Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong những đỉnh cao nhất của các khoa học xã hội của nhân loại.
- Chủ nghĩa xã hội khoa học cũng nằm trong quá trình phát triển lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa có chọn lọc, phát triển những giá trị của chủ nghĩa xã hội không tưởng, tìm ra những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết hoàn chỉnh, gồm ba bộ phận hợp thành: triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị học Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân hiện đại trong cuộc đấu tranh thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Cả ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin gắn bó, quan hệ biện chứng với nhau để luận giải một cách toàn diện sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu như nhau, nhằm trang bị cho giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới.
Triết học Mác - Lênin, với phát kiến vĩ đại đầu tiên là chủ nghĩa duy vật lịch sử, đã chỉ ra sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội diễn ra trong lịch sử là do sự phát triển của các phương thức sản xuất kế tiếp nhau quyết định.
Kinh tế học chính trị Mác - Lênin, với phát kiến là học thuyết giá trị thặng dư, đã làm rõ bản chất của giai cấp tư sản trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư mà giai cấp công nhân đã tạo ra. Giai cấp tư sản càng đẩy mạnh phát triển kinh tế càng làm cho mâu thuẫn càng gay gắt giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội ngày càng cao với tính chất chật hẹp của chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn này là nguồn gốc kinh tế cho sự diệt vong chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa xã hội khoa học, với tư cách là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin, là học thuyết xã hội - chính trị, trực tiếp nghiên cứu sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, những điều kiện, những con đường để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên nền tảng lý luận chung và phương pháp luận của triết học và kinh tế chính trị học mácxít để đưa ra những luận cứ xã hội - chính trị rõ ràng, trực tiếp nhất để chứng minh, khẳng định sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chỉ ra những con đường, các hình thức và biện pháp để tiến hành cải tạo xã hội theo hướng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Như vậy chủ nghĩa xã hội khoa học là sự tiếp tục một cách lôgích triết học và kinh tế chính trị học mácxít, là sự biểu hiện trực tiếp mục đích và hiệu lực chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn.
Nếu như triết học, kinh tế chính trị học luận giải tính tất yếu, những nguyên nhân khách quan, những điều kiện để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội thì chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học mới đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi: bằng con đường nào để thực hiện bước chuyển biến đó.
* Chức năng, nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học
Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị tri thức khoa học, tri thức lý luận (thế giới quan khoa học), đó là hệ thống lý luận chính trị - xã hội và phương pháp luận khoa học mà chủ nghĩa Mác - Lênin để luận giải về quá trình tất yếu lịch sử dẫn đến sự hình thành, phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội khoa học giáo dục tư tưởng chính trị về chủ nghĩa xã hội cho giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản và nhân dân lao động để hình thành nên thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa.
Thứ ba, chủ nghĩa xã hội khoa học định hướng chính trị - xã hội cho hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (kim chỉ nam).
* Ý nghĩa của việc học tập chủ nghĩa xã hội khoa học
- Về mặt lý luận
Trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp như: sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, không ít người nghi ngờ hoặc phủ nhận vai trò của chủ nghĩa xã hội khoa học đối với cải tạo thực tiễn; vì vậy, việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học có ý nghĩa lý luận to lớn là:
+ Chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị những nhận thức chính trị - xã hội cho Đảng Cộng sản, Nhà nước, cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong quá trình bảo vệ và xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Học thuyết Mác không dừng lại ở chỗ giải thích thế giới mà còn nhằm cải tạo thế giới. Học thuyết về cải tạo thế giới mà chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện rõ và trực tiếp nhất là chủ nghĩa xã hội khoa học.
+ Chủ nghĩa xã hội khoa học là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống các học thuyết phản động, phi mácxít.
-Về mặt thực tiễn
Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong những cơ sở lý luận và phương pháp luận của nhiều khoa học xã hội chuyên ngành, đồng thời là cơ sở lý luận giúp cho các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế: xác định con đường đi, định hướng hành động đúng đắn cho đường lối chiến lược, sách lược, chính sách phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Do đó, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải vận dụng trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top