CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN THỰC
1. Cách mạng tháng Mười Nga và mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực đầu tiên trên thế giới
a. Cách mạng tháng Mười Nga
Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và kéo dài 4 năm (1914-1918) không chỉ đánh dấu chấm dứt thời kì phát triển tương đối hoà bình của chủ nghĩa tư bản mà còn chứng tỏ những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ rất sâu sắc. Những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản đã làm xuất hiện tình thế cách mạng ở nhiều nước tư bản trong đó có nước Nga. Ở Nga từ sau cải cách nông nô (1861), kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển nhưng về chính trị chế độ chuyên chế phong kiến đang tồn tại. Nước Nga cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không chỉ đứng trước cuộc cách mạng dân chủ tư sản, mà còn đang đứng trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ 1905, khi viết tác phẩm Hai sách lược của đảng dân chủ xã hội trong cuộc cách mạng dân chủ, VI.Lênin đã phát triển tư tưởng cách mạng không ngừng của C.Mác và Ph.Ănghen, chuẩn bị về tư tưởng lý luận cho giai cấp công nhân Nga, ông cũng đã làm rõ sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản khiến cho cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể thắng lợi ở một nước hoặc vài nước, nơi đó không nhất thiết phải là nơi chủ nghĩa tư bản phát triển cao nhất, và đặt ra nhiệm vụ cho giai cấp công nhân "biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng".
Trong chiến tranh thế giới lần thứ I, Nga là nước tham chiến và trở thành nơi tập trung mâu thuẫn, là khâu yếu nhất trong sợi dây của chủ nghĩa đế quốc. Sau ba năm chiến tranh nhân dân Nga đứng trước sự lựa chọn hoặc là tiếp tục chết ngoài chiến trường bởi cuộc chiến tranh vô nghĩa, sống trong cảnh đói nghèo kiệt quệ, hoặc phải đứng lên làm cách mạng.
Tháng 2 năm 1917, nhân dân Nga đã tiến hành cuộc cách mạng lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng, chính phủ lâm thời được thành lập nhưng đó là chính phủ của giai cấp tư sản và tiếp tục theo đuổi chiến tranh. Những mâu thuẫn cơ bản của xã hội Nga vẫn chưa được giải quyết, sau cách mạng Tháng Hai nước Nga đang ở "đêm trước của cách mạng xã hội chủ nghĩa". Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích đứng đầu là VI.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở Pêtôgrat (thủ đô nước Nga lúc đó) đêm 24 rạng ngày 25 tháng 10 năm 1917 (lịch cũ của nước Nga).
Thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, đã đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, nó đã đặt ra và giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác về cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản, về việc xây dựng lực lượng đồng minh của giai cấp vô sản. Cách mạng Tháng Mười còn chứng minh những dự báo, sự phát triển lý luận chủ nghĩa Mác của VI.Lênin là đúng đắn, có giá trị mở đường cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Như nhận định của Hồ Chí Minh "giống như mặt trời chói lọi, cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất". Với thắng lợi Cách mạng Tháng Mười, nhân loại bước vào thời đại mới- thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
b. Mô hình chủ nghĩa xã hội đầu tiên trên thế giới
Cách mạng Tháng Mười thành công, nhà nước Xôviết- chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động- được thành lập. Nước Nga trở thành nước đầu tiên đi lên chủ nghĩa xã hội trong vòng vây thù địch của chủ nghĩa đế quốc. Trong tình hình không có bất cứ kinh nghiệm nào có thể noi theo, Đảng Bônsêvích và nhà nước Xôviết chỉ có thể căn cứ vào ý tưởng của Mác về xã hội chủ nghĩa tương lai và tình hình nước Nga lúc bấy giờ mà tìm kiếm phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Pháp lệnh đầu tiên của chính quyền Xôviết ban hành là hoà bình nhằm rút ra khỏi chiến tranh đế quốc chủ nghĩa và ruộng đất nhằm xoá bỏ chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ. Đầu năm 1918, V.I.Lênin viết tác phẩm Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết, đặt ra những nhiệm vụ nhằm "tổ chức và quản lí nước Nga" chủ trương thông qua chủ nghĩa tư bản quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc và cuộc phản loạn phản cách mạng trong nước buộc nhà nước Xôviết phải thực hiện chính sách "Cộng sản thời chiến" (1918-1920). Ở thời ầy này, mô hình chủ nghĩa xã hội phát triển theo hướng lấy quốc hữu hoá tư liệu sản xuất làm cơ sở, mà đặc trưng là thể chế kế hoạch và phân phối nhà nước tập trung cao độ, mọi quyền lực tập trung vào trung ương. Nhà nước trưng thu không bồi thường lương thực của nông dân, xoá bỏ thị trường, cấm trao đổi hàng hoá và hoạt động buôn bán, thực hiện chế độ tem phiếu cung cấp v.v. Mặc dù thể chế này có ý nghĩa với thắng lợi nội chiến nhưng nó đã cản trở sự phát triển sản xuất, phá hoại liên minh công nông, đe doạ sự tồn tại của nhà nước Xôviết.
Mùa xuân năm 1921, chiến tranh và nội chiến kết thúc, V.I.Lênin tỉnh táo đánh giá tình hình đã thay đổi, uốn nắn những sai lầm nóng vội, kịp thời chuyển Chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách Kinh tế mới; từ bỏ tiến thẳng, lựa chọn biện pháp đi vòng lên chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ hiện trạng kinh tế nước Nga lạc hậu, V.I.Lênin chủ trương cho phép bộ phận kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển, thu hút vốn nước ngoài, thực hiện chế độ tô nhượng và cho thuê, để chủ nghĩa xã hội có thể được học hỏi thông qua cạnh tranh thị trường hàng hoá, qua đó có thể học tập kế thừa không chỉ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh mà còn là kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Nhà nước công nông phải nhanh chóng đuổi kịp làn sóng cách mạng kỹ thuật mới của thế giới. Ở thời kỳ này, V.I.Lênin cũng rất quan tâm đến việc xây dựng bộ máy nhà nước. Năm năm sau cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin cảm nhận rằng "những cơ quan này chỉ luôn tô điểm bề ngoài, còn các mặt khác xem ra vẫn là một số cơ quan nhà nước kiểu cũ điển hình nhất". Bộ máy nhà nước tập quyền nặng nề, bệnh quan liêu nảy nở vì thế cần có sự thay đổi, V.I.Lênin đã đề ra hàng loạt biện pháp phân quyền, phát huy dân chủ v.v trong cơ quan nhà nước, trong mối quan hệ giữa Đảng và các cơ quan nhà nước. Điều này chứng tỏ V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích đã cố gắng kết hợp thực tiễn để vận dụng chủ nghĩa Mác nhằm không ngừng củng cố và hoàn thiện chính quyền nhà nước, đảm bảo cho việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Sau khi V.I.Lênin mất, Chính sách Kinh tế mới không được quán triệt thực hiện đầy đủ trên thực tế; từ năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Stalin, Liênxô chủ trương đẩy nhanh quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy nhanh quá trình tập thể hoá nông nghiệp toàn diện. Cũng thời gian này, sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933), nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới đến gần. Trong bối cảnh đó phải làm sao nhanh chóng biến nước Nga lạc hậu thành nước công nghiệp, vừa để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu, vừa để chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh. Để giải quyết nhiệm vụ đó nhà nước Xôviết không thể không áp dụng cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Cơ chế đó có điều kiện tập trung phần lớn nhân lực, vật lực và thực tế đã làm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liênxô đạt được những thành tựu quan trọng; chỉ trong một thời gian ngắn thông qua ba kế hoạch 5 năm, Liênxô đã thực hiện công nghiệp hoá, điện khí hoá, tập thể hoá và cơ giới hoá nông nghiệp. Công hữu hoá và kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân đã làm cho Liênxô từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước công nghiệp tiên tiến, đưa Liênxô từ vị trí thứ 5 trong nền kinh tế thế giới trước cách mạng (sau Mỹ, Anh, Pháp, Đức) nhảy vọt lên đứng thứ 2 (sau Mỹ). Ở trong nước, Liênxô đã xoá bỏ kinh tế tư hữu và giai cấp bóc lột, cải tạo kinh tế cá thể của nông dân thành kinh tế tập thể, đời sống của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc được cải thiện và nâng cao, bộ mặt xã hội đã có những thay đổi to lớn. Thực tiễn xã hội tỏ rõ tính ưu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Ngược lại, thế giới tư bản chủ nghĩa sau khủng hoảng kinh tế 1929-1933 được phục hồi đôi chút, năm 1937 lại rơi vào khủng hoảng kinh tế mới làm cho những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản bộc lộ gay gắt cuối cùng nổ ra chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh đó, Liênxô, nhờ những thành tựu kinh tế mà sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường, đã góp phần quyết định vào việc chiến thắng chủ nghĩa phát xít, cứu loài người khỏi thảm hoạ trong chiến tranh thế giới thứ hai và nâng cao uy tín của chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
2. Sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa và những thành tựu của nó
a. Sự ra đời và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Đảng Cộng sản ở nhiều nước châu Âu và châu Á đã lãnh đạo quần chúng nhân dân phối hợp với Hồng quân Liênxô thành một mặt trận chống phát xít, có sự phối hợp chi viện cho nhau, tăng cường liên hệ quốc tế. Chính sự lớn mạnh của các Đảng Cộng sản trong thời kỳ chiến tranh là cơ sở để khi chủ nghĩa phát xít bị đánh bại, Đảng Cộng sản ở nhiều nước đã đứng lên lãnh đạo quần chúng nhân dân vũ trang giành chính quyền thành lập nhà nước dân chủ nhân dân. Trong thời gian 5 năm (từ năm 1944 đến năm 1949) ở châu Âu và châu Á đã có 11 nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo bằng 3 phương thức đã giành được chính quyền và sau đó đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phương thức thứ nhất chủ yếu dựa vào lực lượng vũ trang của nhân dân nước mình, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, khi thời cơ đến đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền như: cộng hoà nhân dân liên bang Nam Tư thành lập 1944; nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập 1945; cộng hoà nhân dân Anbani năm 1946 và cộng hoà nhân dân Trung Hoa 1949.
Phương thức thứ hai chủ yếu dựa vào Hồng quân Liênxô giải phóng đồng thời phối hợp vũ trang của nhân dân nước mình như Cộng hoà nhân dân BaLan (1945), Bungari (1946), Rummani (1948), Hunggari và Tiệp Khắc (1946) nhưng sau đó phải đấu tranh trong nội bộ chính phủ để trục xuất các phần tử tư sản, trở thành nước cộng hoà dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo (Hunggari 7/1947; Tiệp Khắc 2/1948) và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên thành lập 1948.
Phương thức thứ ba hoàn toàn do Hồng quân Liênxô giải phóng và dưới sự giúp đỡ của Liênxô để đi lên con đường chủ nghĩa xã hội như CHDC Đức (10/1949).
Vậy là sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội từ một nước đã mở rộng ra 13 nước ở châu Âu và châu Á; với thắng lợi của cách mạng dân chủ ở Cu Ba năm 1959, Phong trào 26 tháng 7 do Phiden Castrô lãnh đạo, nước cộng hoà Cu Ba chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Như vậy chủ nghĩa xã hội đã không chỉ ở châu Âu, châu Á mà còn mở rộng đến châu Mỹ Latinh. Những nước này về hình thái ý thức đều lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm tư tưởng chỉ đạo. Về chính trị hình thành phe chủ nghĩa xã hội do Liênxô đứng đầu, về quân sự ở châu Âu hình thành tổ chức thông qua Hiệp ước Vacsava. Về quan hệ kinh tế, đó là những nước có chung một kiểu cơ sở kinh tế-xã hội, quyền sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và thông qua các hiệp ước song phương và Hội đồng tương trợ kinh tế để tương trợ giúp đỡ lẫn nhau xây dựng cộng đồng thị trường thế giới xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống tồn tại song song với hệ thống tư bản chủ nghĩa.
b. Những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực
Khi bắt đầu sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nước xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm khác nhau nhưng có điểm chung nổi bật là đều từ điểm xuất phát thấp về kinh tế-xã hội, nhiều nước đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Ở châu Âu, tuy kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển ở trình độ nhất định nhưng giai cấp tư sản trước đó cũng chưa tạo được một nền công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Ở châu Á, các nước đi lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ đều là những nước lạc hậu từ sản xuất nhỏ chưa qua tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa các nước đi lên chủ nghĩa xã hội đều phải trải qua những cuộc chiến tranh kéo dài, đất nước bị tàn phá nặng nề. Có thấy hết những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, mới thấy được những thành tựu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội mà các nước đi lên chủ nghĩa xã hội tạo ra.
Trải qua hơn 70 năm tồn tại và phát triển chủ nghĩa xã hội đã đem lại những thành tựu to lớn
1) Về chính trị. Chế độ người bóc lột người đã bị xoá bỏ, trên phạm vi toàn xã hội không còn tồn tại giai cấp bóc lột, chế độ xã hội chủ nghĩa từng bước được xây dựng, nhân dân lao động trở thành người làm chủ đất nước. Chế độ xã hội chủ nghĩa đã tạo nên sự thống nhất trong cộng đồng xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lí điều hành của nhà nước đã tập trung được mọi nguồn lực, sự đồng thuận của xã hội để vượt qua khó khăn thử thách.
2) Về kinh tế. Từ những điểm xuất phát thấp, nhưng nhờ tập trung nguồn lực của cải vật chất, phát huy sức mạnh chính trị, các nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn trong kinh tế. Nước Nga sau cách mạng Tháng Mười, qua 3 năm chiến tranh và nội chiến như người "bị đánh sắp chết" và tồn tại trong vòng vây thù địch của chủ nghĩa đế quốc nhưng đến năm 1938 sản lượng công nghiệp của Liênxô tăng hơn 9 lần so với 1913, trong khi đó Mỹ, Anh và Đức chỉ tăng khoảng 1,3 lần. Liênxô từ một nước nông nghiệp lạc hậu chỉ qua 3 kế hoạch 5 năm thực hiện công nghiệp hoá, điện khí hoá, tập thể hoá và cơ giới hoá nông nghiệp đã trở thành nước công nghiệp tiến tiến. Sự lớn mạnh về kinh tế tạo điều kiện để phát triển công nghiệp quốc phòng, đảm bảo cho Liênxô có điều kiện bảo vệ vững chắc tổ quốc xã hội chủ nghĩa và góp phần quyết định vào việc chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh thế giới thứ II, hệ thống xã hội chủ nghĩa có sự phát triển to lớn, chỉ tính riêng các nước tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế, khi mới thành lập (1949) chỉ chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp thế giới, đến đầu những năm 80 đã chiếm 40%. Nhịp độ phát triển kinh tế trong những năm 60, 70 của thế kỷ XX ở các nước xã hội chủ nghĩa đã cao hơn 2 lần so với các nước tư bản chủ nghĩa.
3) Về văn hoá khoa học kỹ thuật. Các nước xã hội chủ nghĩa cũng đã đạt được những thành tựu rực rỡ: nâng cao trình độ học vấn cho người lao động, dẫn đầu thế giới về nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nghiên cứu chinh phục khoảng không vũ trụ. Trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế cũng có những thành tựu to lớn.
Với sức mạnh tổng hợp của mình, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã có ảnh hưởng to lớn đến đời sống chính trị thế giới. Chủ nghĩa xã hội trở thành chỗ dựa của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào bảo vệ hoà bình thế giới. Các nước xã hội chủ nghĩa đã góp phần thức tỉnh, cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Ở nhiều nước sau khi giành độc lập dân tộc đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cho dân tộc mình. Cũng chính sự lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội, sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động những thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ XX buộc các nước tư bản chủ nghĩa muốn tồn tại phải có những điều chỉnh của nó.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top