chủ nghĩa li khai dân tộc ở Tây Nguyên
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa li khai dân tộc ở Tây Nguyên
Việt Nam
Hồng Tuấn dịch
Tóm tắt: Chủ nghĩa li khai dân tộc ở Tây Nguyên Việt Nam là một trong những vấn đề dân tộc của Việt
Nam. Nguyên nhân của nó chủ yếu là nhân tố lịch sử, nhân tố kinh tế, nhân tố di dân, nhân tố tôn giáo,
và nhân tố nước ngoài.
Từ then chốt: Việt Nam, Tây Nguyên, li khai dân tộc
Khu vực Tây Nguyên nằm ở phía Tây Việt Nam, tại nơi giao giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia,
bao gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đây là khu vực tụ cư quan trọng của
các dân tộc thiểu số Việt Nam, cũng là nơi giao thoa văn hoá của nhiều dân tộc. Các dân tộc chủ yếu ở
đây là Kinh, Xơ Đăng, Tày, Ê Đê, Hmông, Mạ, Ba Na, Gia Rai, Mơ Nông... Diện tích đất ước tính 54,452
km2, chiếm 18% tổng diện tích toàn quốc, dân số ước tính 4,498,400 người (trong đó có 600,000 người
dân tộc thiểu số), chiếm 6% tổng dân số toàn quốc. Trong đó, tỉnh Kon Tum có diện tích 9,616 km2, dân
số 339,500 người. Tỉnh Gia Lai có diện tích 15,496 km2, dân số 1,667,000 người. Tỉnh Đắk Nông có diện
tích 6,514 km2, dân số 363,000 người. Tỉnh Lâm Đồng có diện tích 9,765 km2, dân số 1,064,300 người.
Nơi đây sản vật phong phú, là khu vực chủ yếu của các sản phẩm như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, hạt
điều của Việt Nam, đây còn là nơi nổi tiếng xa gần với rất nhiều loại gỗ tốt (1: 95).
Những năm gần đây, nhằm tách Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam, các thế lực chia rẽ dân tộc ở Tây Nguyên,
đứng đầu là tổ chức Fulro đã xây dựng cái gọi là nhà nước tự trị Đêgar. Về đối ngoại thì cấu kết với các
thế lực phản Việt quốc tế, ra sức yêu cầu sự đồng tình và ủng hộ của xã hội quốc tế, thúc giục các nước
phương Tây gây áp lực với đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam; về đối nội thì cấu kết với các phần tử
chia rẽ dân tộc và cực đoan tôn giáo khác, không ngừng gây ra bạo động phản chính phủ ở khu vực Tây
Nguyên Việt Nam, liên tục tiến hành các hoạt động chia rẽ, gây ảnh hưởng đến vấn đề an toàn quốc gia
Việt Nam (2: 23).
1. Nhân tố lịch sử
Nhìn từ lịch sử, người Kinh thông qua những cuộc chiến tranh không ngớt đã thống nhất Việt Nam, các
dân tộc thiểu số chỉ có ảnh hưởng hữu hạn đối với đời sống chính trị, có quan hệ khá lỏng lẻo với nhà
nước. Sau khi lập quốc vào thế kỉ 10, Việt Nam đã trải qua một quãng thời gian rất dài mà các thế lực
thống trị không vươn tới được các vùng dân tộc miền núi. Việc chính phủ trung ương Việt Nam dần tăng
cường khống chế các vùng dân tộc miền núi đã dẫn đến nảy sinh xung đột về lợi ích chính trị giữa dân
tộc chủ thể và các dân tộc thiểu số, mâu thuẫn dân tộc có chiều hướng xấu đi. Triều Lê sau khi thành lập
vào thế kỉ 15 đã đẩy mạnh chế độ thổ ti tại các vùng núi bắc bộ - địa bàn phân bố của các dân tộc Tày,
Nùng, Thái, uỷ nhiệm cho những người đứng đầu, lãnh chúa, tù trưởng là người dân tộc thiểu số trong
vùng làm Tri châu, Đoàn luyện, cho họ được sách phong và cống nạp cho vương triều phong kiến, thông
qua thượng tầng dân tộc để tiến hành thống trị "ki mi" (lỏng lẻo). Sau khi triều Nguyễn thành lập vào
đầu thế kỉ 19, nhằm tăng cường nền thống trị trung ương tập quyền, Việt Nam bắt đầu thực hành hành
chế độ lưu quan "Đại Kinh tộc thống nhất thiên hạ" (sai phái các quan lại người Kinh trong cung đến các
vùng dân tộc thiểu số để xây dựng cơ quan thống trị, khiến cho vùng đó chịu sự thống trị trực tiếp của
vương triều trung ương). Thực dân Pháp khi xâm lược cũng tăng cường khống chế các vùng dân tộc
thiểu số, khiến cho các dân tộc thiểu số phải chịu hai tầng áp bức bóc lột. Năm 1945, nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà (ở miền Bắc Việt Nam) thành lập, họ từng xây dựng khu tự trị Việt Bắc và khu tự trị người
Thái Tây Bắc ở các vùng tụ cư của người miền núi Tây Bắc và Bắc bộ. Năm 1975, sau khi Việt Nam thống
nhất, người ta lại huỷ bỏ hai khu tự trị dân tộc này, tiếp tục tăng cường khống chế đối với các khu vực
đó, đồng thời di dân ồ ạt đến các vùng dân tộc thiểu số, đưa hàng triệu nông dân người Kinh vốn ở các
vùng đồng bằng dời lên khu vực cao nguyên để đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trong tình hình ấy, vấn đề
dân tộc miền núi của Việt Nam ngày càng nghiêm trọng hơn. Xung đột giữa người dân tộc thiểu số với
người Kinh di cư ở các vùng kinh tế mới xảy ra thường xuyên. Một phần trong số các dân tộc vùng núi
của người Hmông, người Dao trở thành nạn nhân, phải rời bỏ quê hương. Tại một số vùng miền núi còn
xuất hiện các tổ chức vũ trang của người dân tộc thiểu số chống chính phủ (3: 386).
2. Nhân tố kinh tế
Tại Việt Nam, dân tộc chủ thể sinh sống tại các vùng đồng bằng có kinh tế và văn hoá tương đối phát
triển. Họ theo nghề nông nghiệp truyền thống, lấy việc trồng lúa nước làm chủ đạo, đồng thời cũng đang
tiến vào công nghiệp hoá. Nhưng các dân tộc thiểu số ở các vùng cao nguyên đồi núi hẻo lánh lại làm
nghề nông nghiệp miền núi, đốt rẫy làm nương, hoàn toàn khác nhau ở mức độ bảo lưu các tàn dư của
chế độ phong kiến, chế độ thôn xã, cũng như chế độ thị tộc nguyên thuỷ. Trung ương đảng Cộng sản
Việt Nam trong một nghị quyết hữu quan đã chỉ ra rằng: Trình độ phát triển kinh tế xã hội miền núi khá
thấp, kinh tế tự nhiên và bán tự nhiên vẫn chiếm một tỉ trọng rất lớn, phương thức sinh hoạt du canh du
cư vẫn chưa được khắc phục căn bản. Đời sống kinh tế của các dân tộc miền núi vẫn còn khá nghèo khó
(4: 49). Những hành vi khai hoang đốt rẫy làm nương tàn phá rừng, làm phá hoại môi trường nghiêm
trọng, khiến cho thuỷ thổ xói mòn, nguồn nước cạn kiệt, điều đó càng khiến cho nhân dân nghèo khó
hơn.
3. Nhân tố di dân
Từ thập niên 1980 trở đi, Việt Nam liên tục có các đợt di dân tự phát đến Tây Nguyên và miền Đông
Nam bộ. Điều đó một mặt bắt đầu tạo ra áp lực mất cân bằng về vấn đề nhân khẩu và lao động vốn
từng diễn ra bình ổn tại Việt Nam. Mặt khác, sau khi tiến vào những vùng đất mới này, nhằm tìm kế sinh
nhai, người ta đã chiếm dụng rất nhiều đất đai để tự phát triển. Điều này không chỉ gây ra tranh chấp
đất đai với các dân tộc thiểu số bản địa, mà còn gây phá hoại môi trường nghiêm trọng đối với rất nhiều
diện tích đất khai hoang, từ đó cũng khiến cho nhân dân càng thêm nghèo khó.
4. Nhân tố tôn giáo
Do ảnh hưởng của Mỹ với Việt Nam trong lịch sử, đa phần người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên đều
theo đạo Tin lành. Từ năm 1929, Hội Tin lành ở Việt Nam bắt đầu cử giáo sĩ đến vùng dân tộc thiểu số
Tây Nguyên truyền giáo. Thời chính quyền Mỹ Nguỵ, đạo Tin lành ở Việt Nam còn lập ra tại vùng dân tộc
thiểu số ở Tây Nguyên hai giáo phận tách rời với người Việt, xây dựng một cơ quan chuyên môn được
đặt trực tiếp dưới quyền người Mỹ - cơ quan truyền giáo người Thượng, đồng thời lập trường giáo hội
chuyên đào tạo giáo dân và giáo sĩ cho người Thượng. Cách mà Hội Tin lành Việt Nam lần lượt đặt ra
giáo phận người Việt và giáo phận người Thượng đã vô hình trung tạo ra trong lòng người dân tộc thiểu
số một ý thức về sự sai biệt giữa đạo Tin lành của người Việt với đạo Tin lành của người Thượng, tạo sự
ngăn cách về lĩnh vực ý thức tôn giáo giữa dân tộc thiểu số với dân tộc chủ thể. Từ thập niên 1990, tổ
chức Fulro đã lợi dụng công việc truyền đạo của các giáo sĩ đạo Tin lành, đồng thời liên tục thâm nhập
sâu vào các tổ chức và chính trị của vùng Tây Nguyên (5: 23).
5. Nhân tố nước ngoài
Năm 1884, Việt Nam chính thức rơi vào cảnh đất thuộc địa của Pháp. Kẻ thống trị thực dân Pháp đã thực
hiện thể chế "củng cố người Thượng tự trị" tại vùng Tây Nguyên, cố tình tách rời mối quan hệ giữa người
dân tộc ở Tây Nguyên với người Việt ở Tây Nguyên, khiến cho Tây Nguyên bắt đầu xuất hiện phong trào
chủ nghĩa li khai dân tộc. Sau khi hiệp định Genève được kí kết năm 1954, Mỹ thay thế Pháp khống chế
miền nam Việt Nam, giúp đỡ chính quyền bù nhìn thân Mỹ của Ngô Đình Diệm. Năm 1958, dưới sự giật
dây của người Pháp, trong người Thượng ở Tây Nguyên đã nổ ra phong trào "Bajaraka" để phản đối
chính quyền họ Ngô, yêu cầu tự trị dân tộc. Phong trào này đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tàn khốc. Nhưng nhằm mục đích kiềm chế Ngô Đình Diệm, người Mỹ ngầm thả các thành viên của phong
trào "Bajaraka" đã bị bắt, đồng thời ủng hộ họ lập lại tổ chức Fulro - một tổ chức vũ trang theo chủ
nghĩa li khai dân tộc hoàn toàn mới - tại Phnom Penh, Campuchia năm 1965. Mục đích của tổ chức Fulro
cũng chuyển từ việc đòi tự trị dân tộc thời "Bajaraka" sang đòi xây dựng "nhà nước tự trị Đêgar" độc lập.
Trong một chiến dịch bao vây quy mô lớn của chính phủ Việt Nam năm 1985, Fulro đã bị đánh một đòn
trí mạng. Tàn quân Fulro chạy sang Campuchia, đến năm 1992 thì tuyên bố giải tán tổ chức. Sau khi chủ
nghĩa thực dân kiểu cũ đã mất thị trường, các quốc gia phương Tây đứng đầu là Mỹ đã thực thi chủ
nghĩa thực dân kiểu mới, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và dân chủ để can thiệp và
nhúng tay vào nội chính các nước khác. Năm 2000, một số phần tử lưu vong tại bang Colorado nước Mỹ
lập ra cái gọi là "Nước cộng hoà Đêgar," ngầm thao túng các cuộc bạo loạn của người dân tộc thiểu số ở
vùng Tây Nguyên, đòi độc lập dân tộc cho vùng đất này (6: 10-11).
Tài liệu tham khảo
1. Lương Bính Mãnh, "Nghiên cứu vấn đề chủ nghĩa li khai dân tộc ở vùng Tây Nguyên Việt Nam", in
trong Quảng Tây dân tộc học viện học báo, số 5/2005.
2. Đường Hoàn, "Thế lực chia rẽ dân tộc ở Tây Nguyên Việt Nam và đối sách của Việt Nam", in trong
Đông Nam Á nghiên cứu, số 1/2005.
3. Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc và Tôn giáo, thuộc Sở Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung
Quốc biên soạn, Quan sát vấn đề dân tộc và tôn giáo các khu vực chung quanh, Bắc Kinh: NXB Thời sự,
2002.
4. Lưu Trĩ, "Vấn đề dân tộc miền núi ở các nước bán đảo Trung Nam và đối sách của chính phủ", in trong
Đông Nam Á tung hoành, số 1/1998.
5. Đường Hoàn, "Đạo Tin lành và chủ nghĩa li khai dân tộc ở Việt Nam", in trong Thế giới dân tộc, số
5/2004.
6. Đường Hoàn, "Vấn đề người Thượng ở Việt Nam và ảnh hưởng của nó", in trong Thế giới dân tộc, số
1/2002.
Nguồn: "越南西原地区民族分离主义原因探究", in trong tạp chí Khoa giáo văn hội 科教文汇, số 6/2009,
tr. 243.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top