PHẦN MỘT: SỰ HÌNH THÀNH CỦACHỦ NGHĨA KHẮC KỶ
1. Triết học quan tâm đến cuộc sống
Trong lịch sự nhân loại có lẽ chưa bao giờ vắng bóng các triết
gia, theo ý nghĩa nào đó của từ này. Họ không chỉ đặt ra các câu hỏi
- chẳng hạn như Thế giới đến từ đâu? Con người đến từ đâu? và
Tại sao lại có cầu vồng? - mà quan trọng hơn, họ tiếp tục đặt ra
những câu hỏi tiếp theo. Ví dụ khi nói rằng thế giới được các vị thần
tạo ra, các triết gia cổ đại sẽ thấy câu trả lời này không đi đến tận
cùng vấn đề. Họ sẽ tiếp tục hỏi tại sao các vị thần tạo ra thế giới, họ
tạo ra nó như thế nào, và - gây bực bội nhất cho những ai đang cố
gắng trả lời các câu hỏi của họ - ai đã tạo ra các vị thần.
Tư duy triết học đã có một bước tiến vượt bậc vào thế kỷ thứ sáu
trước công nguyên (TCN). Chúng ta có Pythagoras (570-500 TCN)
ở Ý; Thales (636-546 TCN), Anaximander (641-547 TCN), và
Heracleitus (535-475 TCN) ở Hy Lạp; Khổng Tử (551-479 TCN) ở
Trung Quốc; và Đức Phật (563-483 TCN) ở Ấn Độ. Chúng ta không
rõ liệu những cá nhân này có khám phá ra triết lý của họ một cách
độc lập hay không; cũng như không rõ ảnh hưởng triết học chảy
theo chiều hướng nào, nếu quả thực là có một ảnh hưởng như thế.
Nhà viết tiểu sử người Hy Lạp Diogenes Laertius, từ góc nhìn
thuận lợi của thế kỷ thứ ba công nguyên (CN), đã cung cấp một tài
liệu lịch sử về triết học thời kỳ đầu rất dễ đọc (nhưng không hoàn
toàn đáng tin cậy). Theo Diogenes, triết học phương Tây thời kỳ đầu
có hai nhánh riêng biệt. Một nhánh - mà ông gọi là nhánh Ý - bắt đầu
với Pythagoras. Nếu tiếp tục lần theo những người kế tục
Pythagoras, chúng ta cuối cùng sẽ bắt gặp Epicurus, người khai
sinh ra trường phái triết học từng là đối thủ chính của trường phái
Khắc kỷ. Một nhánh khác - Diogenes gọi là nhánh Ionian - bắt đầu
với Anaximander, người sinh ra (về phương diện trí tuệ và giáo dục)
Anaximenes, người sinh ra Anaxagoras, người sinh ra Archelaus,
người sinh ra Socrates (469-399 TCN).
Socrates đã sống một cuộc đời phi thường. Cái chết của ông
cũng phi thường không kém: ông bị xét xử vì tội làm hư hỏng giới trẻ
Athens và những hành vi sai trái khác, bị công dân trong thành kết
án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Ông có thể tránh được hình
phạt này nếu cầu xin tòa khoan hồng hoặc bỏ trốn sau khi bản án đã
được tuyên. Nhưng các nguyên tắc triết lý của ông không cho phép
ông làm như vậy. Sau cái chết của Socrates, nhiêu học trò của ông
không chỉ tiếp tục nghiên cứu triết học mà còn thu hút thêm nhiều
học trò gia nhập trường phái của họ. Plato, môn đệ nổi tiếng nhất
của Socrates, đã sáng lập học viên Academy, Aristippus sáng lập
trường phái Cyrenaic, Euclides sáng lập trường phái Megarian,
Phaedo sáng lập trường phái Elian và Antisthenes sáng lập trường
phái Yếm thế. Hoạt động triết học từng chỉ là một dòng chảy nhỏ giọt
trước thời Socrates đã trở thành một dòng chảy thực sự sau cái
chết của ông.
Tại sao mối quan tâm về triết học lại bùng nổ như vậy? Một phần
vì Socrates đã thay đổi trọng tâm tìm hiểu của triết học. Trước
Socrates, các triết gia chủ yếu quan tâm đến việc giải thích về thế
giới xung quanh họ và các hiện tượng của thế giới đó - chính là thứ
mà chúng ta bây giờ gọi là khoa học. Mặc dù Socrates từng nghiên
cứu khoa học lúc còn trẻ, nhưng ông đã từ bỏ nó để tập trung vào
thân phận con người. Như nhà hùng biện, chính trị gia và triết gia La
Mã Cicero đã nói, Socrates là "người đầu tiên kéo triết học từ trên
trời xuống mặt đất, đặt nó vào các thành phố của loài người, đưa nó
đến các gia đình và buộc nó đặt ra những câu hỏi về cuộc sống, đạo
đức và những điều thiện ác". Học giả Francis MacDonald Cornford
mô tả tầm quan trọng của triết học Socrates bằng những lời lẽ
tương tự: "Triết học tiền Socrates bắt đầu... với công cuộc khám phá
Tự nhiên; triết học Socrates bắt đầu với công cuộc khám phá Tâm
hồn con người."
Tại sao sau hai mươi bốn thế kỷ, Socrates vẫn là một nhân vật ấn
tượng đến vậy? Đó không hẳn là vì những khám phá triết học của
ông; suy cho cùng, những nhận định triết học của ông về cơ bản là
bi quan: ông cho chúng ta thấy những điều chúng ta không biết.
Theo triết gia Luis E. Navia, "ở đây [Socrates], có lẽ hơn bất kỳ triết
gia lớn nào khác, chúng ta tìm thấy tấm gương về một người có khả
năng đưa những mối quan tâm mang tính lý thuyết và suy diễn vào
cuộc sống sinh hoạt thường ngày". Navia mô tả ông là "một thí dụ
điển hình về hoạt động triết học trong cả tư tưởng lẫn hành động".
Có lẽ một số người bị Socrates thu hút chủ yếu là do ấn tượng
với lý thuyết của ông, còn số khác lại ấn tượng sâu sắc trước lối
sống của ông. Plato thuộc về nhóm đầu; tại học viện Academy của
mình, Plato thích khám phá lý thuyết triết học hơn là rao giảng lời
khuyên về lối sống. Ngược lại, Antisthenes ấn tượng sâu sắc với lối
sống của Socrates; trường phái Yếm thế mà ông sáng lập không sa
đà vào lý thuyết triết học mà tập trung khuyên nhủ con người cần
phải làm gì để có một cuộc sống tốt đẹp.
Như thể Socrates sau khi qua đời đã phân tách thành Plato và
Antisthenes, với Plato kế thừa mối quan tâm của Socrates về lý
thuyết và Antisthenes kế thừa mối quan tâm của ông với việc sống
cuộc đời tốt đẹp. Sẽ thật tuyệt vời nếu hai khía cạnh này của triết
học phát triển mạnh mẽ trong những thiên niên kỷ tiếp theo, bởi lẽ
con người sẽ nhận được nhiều lợi ích từ cả lý thuyết triết học và
việc áp dụng triết học vào cuộc sống. Đáng tiếc là mặc dù khía cạnh
lý thuyết của triết học đã trở nên hưng thịnh, khía cạnh thực tiễn lại
lụi tàn.
Dưới sự cai quản của một thể chế nhà nước chuyên quyền như
Ba Tư cổ đại, khả năng đọc, viết và làm toán rất quan trọng với
chính quyền, còn khả năng thuyết phục người khác thì lại bị xem
nhẹ. Chính quyền chỉ cần đưa ra mệnh lệnh, những người dưới
quyền sẽ răm rắp tuân theo. Tuy nhiên, ở Hy Lạp và La Mã, sự phát
triển của chế độ dân chủ đồng nghĩa với việc những người có khả
năng thuyết phục người khác sẽ dễ thành công hơn trong sự nghiệp
chính trị hoặc luật pháp. Một phần vì lý do này mà các bậc cha mẹ
giàu có ở Hy Lạp và La Mã luôn tìm kiếm những người thầy có thể
giúp con họ phát triển khả năng thuyết phục người khác, sau khi
đứa trẻ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Các bậc cha mẹ này có thể tìm đến những nhà ngụy biện, đó là
những người đặt mục tiêu dạy cho học sinh chiến thắng trong các
cuộc tranh luận. Để đạt được mục tiêu này, các nhà ngụy biện sẽ
dạy nhiều kỹ thuật thuyết phục khác nhau, gồm cả thuyết phục lý trí
và thao túng cảm xúc. Cụ thể, họ dạy học sinh cách tranh luận nhằm
ủng hộ hoặc phản bác lại bất kỳ nhận định nào. Cùng với việc phát
triển kỹ năng tranh luận của học trò, họ còn phát triển kỹ năng hùng
biện của chúng, để chúng có thể truyền đạt hiệu quả các lý lẽ của
mình.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể tìm đến một triết gia. Giống như
các nhà ngụy biện, các triết gia cũng dạy các kỹ thuật thuyết phục,
nhưng điểm khác là họ tránh thao túng cảm xúc. Không như các nhà
ngụy biện, các triết gia cho rằng bên cạnh việc dạy học sinh cách
thuyết phục người khác, họ cũng nên dạy chúng cách sống cho tốt.
Bởi thế, theo nhà sử học H. I. Marrou, họ luôn nhấn mạnh đến "khía
cạnh đạo đức của giáo dục, sự phát triển của nhân cách và đời sống
nội tâm". Trong quá trình giảng dạy, nhiều triết gia cung cấp cho học
sinh một triết lý sống: họ dạy chúng những điều gì đáng để theo đuổi
trong cuộc sống và cách tốt nhất để đạt được chúng.
Một số bậc cha mẹ muốn con cái được thụ hưởng nền giáo dục
triết học đã thuê các triết gia làm gia sư; ví dụ như Aristotle được
vua Philip của Macedonia thuê để kèm cặp Alexander, người sau
này trở thành Alexander Đại đế. Những bậc cha mẹ không đủ tiền
để thuê gia sư riêng thì sẽ cho con trai họ - con gái thì rất hiếm khi -
theo học một trường dạy về triết. Sau cái chết của Socrates, những
ngôi trường này đã trở thành nét đặc trưng nổi bật của văn hóa
Athens, và đến thế kỷ thứ hai TCN, khi La Mã chịu sự ảnh hưởng
của văn hóa Athens, các ngôi trường triết học cũng bắt đầu xuất
hiện ở Rome.
Các ngôi trường triết học hiện không còn tồn tại, và đây là một
điều đáng tiếc. Đúng là triết học vẫn còn được dạy ở các trường
nhưng so với các trường triết học thời cổ đại, vai trò văn hóa của
các khoa triết đã thay đổi hoàn toàn. Bởi một lẽ, hiếm có sinh viên
nào học triết ở trường đại học là do khao khát có được một triết lý
sống; thay vào đó, họ cố học chỉ vì giáo sư hướng dẫn của họ bảo
rằng nếu không học thì không được tốt nghiệp. Và giả dụ họ có
muốn tìm kiếm một triết lý sống thì cũng khó tìm được một khóa học
cung cấp điều đó tại đa số các trường đại học.
Nhưng cho dù các ngôi trường triết học chỉ còn là dĩ vãng, thì con
người thời nay cũng vẫn cần có triết lý sống. Câu hỏi là họ có thể
đến đâu để tìm được nó? Nếu đến khoa triết ở trường đại học, như
tôi đã giải thích, có lẽ họ sẽ thất vọng. Nếu thay vào đó, họ tìm đến
nhà thờ thì sao? Mục sư có thể khuyên họ những điều phải làm để
trở thành một người tốt, tức là những điều phải làm để trở thành một
người chính trực về mặt đạo đức. Chẳng hạn họ có thể được dạy
rằng không được nói dối, ăn cắp hoặc (trong một số tôn giáo) phá
thai. Mục sư có lẽ cũng sẽ giải thích những điều họ phải làm để có
được một cuộc sống tốt đẹp sau khi chết. Họ nên đi lễ thường
xuyên, cầu nguyện và (trong một số tôn giáo) đóng thuế thập phân.
Nhưng có lẽ mục sư của họ sẽ không đề cập đến những điều họ
phải làm để có được một cuộc sống tốt đẹp. Quả thực phần lớn các
tôn giáo, sau khi răn dạy tín đồ những điều họ phải làm để trở thành
một người có đạo đức tốt và được lên thiên đàng, lại đều phó mặc
họ tự định đoạt những thứ gì đáng và không đáng theo đuổi trong
cuộc sống. Các tôn giáo này thấy chẳng có gì sai khi một tín đồ lao
động chăm chỉ để mua được một căn biệt thự lớn và một chiếc xe
hơi thể thao đắt tiền, miễn là anh ta không làm giàu phi pháp; cũng
như họ thấy chẳng có gì sai khi những tín đồ từ bỏ căn biệt thự để
sống trong một túp lều và từ bỏ xe hơi để đi xe đạp.
Và nếu các tôn giáo đưa ra lời khuyên cho tín đồ về những gì
đáng hoặc không đáng theo đuổi trong cuộc sống, thì họ lại thường
đưa ra lời khuyên với thái độ ôn hòa, thành thử tín đồ chỉ xem nó
như một gợi ý hơn là một chỉ dẫn về cách sống và do đó có thể bỏ
ngoài tai lời khuyên này. Đây là lý do tại sao tín đồ của các tôn giáo
khác nhau, mặc cho những khác biệt về niềm tin tôn giáo, rốt cuộc
đều có cùng một triết lý sống tự phát, một dạng của chủ nghĩa khoái
lạc khai ngộ. Do đó, mặc dù những người theo giáo phái Luther,
giáo phái Baptist, Do Thái giáo, giáo phái Mormons và Công giáo có
quan điểm tôn giáo khác nhau, nhưng họ lại rất giống nhau khi gặp
bên ngoài nhà thờ hoặc giáo đường. Họ làm những công việc giống
nhau và có tham vọng nghề nghiệp giống nhau. Họ sống trong
những ngôi nhà giống nhau, có đồ nội thất giống nhau. Và họ đều
thèm khát những sản phẩm tiêu dùng thịnh hành.
Tất nhiên là một tôn giáo cũng có thể yêu cầu tín đồ tuân theo
một triết lý sống cụ thể. Chẳng hạn, giáo phái Hutterite răn dạy tín
đồ rằng một trong những điều quý giá nhất của cuộc sống là ý thức
cộng đồng. Do đo, tín đồ Huttente bị cấm sở hữu tài sản riêng, lý do
là quyền sở hữu sẽ làm nảy sinh cảm giác ghen tị, kéo theo phá vỡ
ý thức cộng đồng mà tín đồ Hutterite coi trọng. (Tất nhiên, chúng ta
có thể đặt câu hỏi liệu đây có phải là một triết lý sống đúng đắn hay
không.)
Tuy nhiên, hầu hết các tôn giáo đều không yêu cầu tín đồ tuân
theo một triết lý sống cụ thể. Chừng nào các tín đồ không làm hại
người khác và không chọc giận Chúa, họ có thể tự do sống theo ý
mình. Kỳ thực, đa số mọi người cảm thấy giáo phái Hutterite vừa
cực đoan vừa kỳ lạ là bởi họ không hình dung nổi bản thân thuộc về
một tôn giáo răn dạy họ cách sống cuộc đời mình.
Điều này có nghĩa là ngày nay, hoàn toàn có thể xảy ra chuyện
một người nào đó tuy được nuôi dạy trong một tôn giáo và tham gia
các khóa triết ở trường đại học nhưng vẫn không có một triết lý
sống. (Quả thật đây là tình cảnh mà đa phần các sinh viên của tôi
gặp phải.) Vậy thì những người đang tìm kiếm một triết lý sống nên
làm gì? Có lẽ lựa chọn tốt nhất của họ là tạo ra cho mình một ngôi
trường triết học ảo bằng cách đọc tác phẩm của các triết gia từng
đứng đầu các ngôi trường thời cổ đại. Điều này, ở mức độ nào đó, là
điều mà tôi sẽ khuyến khích độc giả thực hiện trong những trang tiếp
theo.
Vào thời Hy Lạp cổ đại, khi các ngôi trường triết học vẫn là nét
đặc trưng của cảnh quan văn hóa, có nhiều ngôi trường mà các bậc
cha mẹ có thể gửi con cái theo học. Giả sử chúng ta du hành ngược
thời gian về năm 300 TCN và được một triết gia dẫn đi tham quan
Athens. Chúng ta có thể bắt đầu hành trình ở Agora, nơi một thế kỷ
trước đó, Socrates từng tranh biện với các công dân Athens. Ở phía
bắc Agora, chúng ta sẽ thấy Stoa Poikile, còn được gọi là Dãy Cột
Sơn, và có thể bắt gặp Zeno xứ Citium, người sáng lập trường phái
triết học Khắc kỷ, đang diễn thuyết ở đó. Địa điểm này trên thực tế là
một dãy cột lớn được trang trí bằng tranh bích họa.
Trên đường tham quan Athens, chúng ta có thể tình cờ gặp triết
gia Yếm thế Crates, người mà Zeno từng theo học. Mặc dù các triết
gia Yếm thế thời kỳ đầu thường tụ họp gần nhà thi đấu Cynosarges
- nguồn gốc tên gọi của trường phái này* - nhưng chúng ta có thể
bắt gặp họ ở bất cứ đâu tại Athens, cố gắng lôi kéo (hoặc lôi xềnh
xệch, nếu cần) những người bình thường vào các cuộc tranh luận
về triết học. Hơn nữa, trong khi các bậc cha mẹ sẵn sàng cho con
cái theo học Zeno, họ lại không khuyến khích chúng trở thành
những nhà Yếm thế, bởi nếu tiếp thu tư tưởng của học thuyết này,
đứa trẻ tất sẽ lựa chọn sống một cuộc đời cơ cực.
Đi về hướng tây bắc và rời khỏi thành qua Cổng Dipylon, chúng
ta sẽ đến Khu vườn của những người theo trường phái Epicurean,
do chính Epicurus cai quản. Trong khi Dãy Cột Sơn nằm trong thành
nên việc giảng bài của các nhà Khắc kỷ chốc chốc lại bị gián đoạn
do tiếng phố xá huyên náo hoặc bình luận của người đi đường, thì
Khu vườn của Epicurus lại mang hơi hướng thôn dã. Khu vườn này
trên thực tế là nơi những người theo trường phái Epicurean tự trồng
rau.
Tiếp tục đi về hướng tây bắc, cách Agora khoảng một dặm,
chúng ta sẽ đến học viện Academy, ngôi trường triết học do Plato
sáng lập năm 387 TCN, hơn một thập kỷ sau cái chết của Socrates.
Giống như Khu vườn của Epicurus, học viện Academy là một địa
điểm thu hút những người thích tranh biện. Đây là một nơi thoái ẩn
giống như công viên, có nhiều lối đi bộ và đài phun nước. Trong
khuôn viên Academy là các tòa nhà được xây dựng bằng tiền của
Plato và bạn bè ông. Thuyết giảng ở đó vào năm 300 TCN có lẽ là
Polemo, người kế thừa vị trí chủ nhân của trường. (Triết gia Khắc kỷ
Zeno, như chúng ta sẽ thấy, cũng từng theo học tại trường của
Polemo một thời gian.)
Quay trở lại, đi qua thành một lần nữa và ra khỏi cổng thành, dạo
bước tới vùng ngoại ô phía đông của Athens, chúng ta sẽ đến
Lyceum. Trong khu vực rậm rạp cây cối này, gần một đền thờ Apollo
Lykeios, chúng ta có thể thấy những người theo trường phái
Peripatetic, học trò của Aristotle, đang vừa tản bộ vừa trò chuyện, và
người đứng đầu nhóm có thể là Theophrastus.
Nhưng đây mới chỉ là một vài sự lựa chọn giáo dục đối với các
bậc cha mẹ thời cổ đại. Bên cạnh các trường phái được đề cập ở
trên, còn có các trường phái Cyrenaic, Hoài nghi, Megarian và Elea
đã nói bên trên, cộng thêm một số trường phái khác được Diogenes
Laertius đề cập đến, bao gồm các trường phái Eretrian, Annicerean
và Theodorean, cùng với các trường phái của những người theo
chủ nghĩa hạnh phúc, những người yêu thích sự thật, những người
theo chủ nghĩa phản biện, những nhà lý luận theo phép loại suy,
những nhà vật lý, những nhà đạo đức học và những nhà biện
chứng.
Thật bất ngờ, những chàng trai trẻ không phải là đối tượng duy
nhất có mặt tại các trường triết học. Có đôi lúc người cha đi học
cùng con trai họ. Còn trong các trường hợp khác, những người
trưởng thành tự mình đi nghe các bài giảng. Một số người chỉ đơn
thuần là có hứng thú với triết học; có lẽ hồi trẻ họ từng theo học và
bây giờ muốn học tiếp về triết lý sống của một trường phái nào đó.
Những người khác, mặc dù chưa từng thuộc về một trường phái
nào, có thể đến nghe giảng với tư cách khách mời. Động cơ của họ
có lẽ cũng giống động cơ của những con người thời nay khi tham
dự một buổi diễn thuyết công cộng: họ muốn được mở mang đầu óc
và tiêu khiển.
Tuy nhiên, cũng có những người trưởng thành theo học các
trường triết học với động cơ mờ ám. Họ muốn thành lập trường phái
riêng và đi nghe bài giảng của người đứng đầu các trường phái
thành công để vay mượn ý tưởng triết học cho bài giảng của họ.
Zeno xứ Citium đã bị buộc tội này. Polemo tố cáo rằng động cơ của
Zeno khi đi nghe các bài giảng tại học viện Academy là để ăn cắp
các học thuyết của ông.
Các trường phái triết học đối địch dạy các chủ đề khác nhau.
Chẳng hạn, các nhà Khắc kỷ thời kỳ đầu không chỉ quan tâm đến
triết lý sống, mà còn cả vật lý và lô-gic, vì lý do đơn giản là họ cho
rằng các lĩnh vực nghiên cứu đó gắn liền với nhau. Những người
theo trường phái Epicurean cũng quan tâm đến vật lý (mặc dù họ có
những quan điểm khác về thế giới vật chất so với các nhà Khắc kỷ)
nhưng họ không quan tâm đến lô-gic. Còn những người theo trường
phái Cyrenaic và thuyết Yếm thế không quan tâm đến cả vật lý cũng
như lô-gic, họ chỉ giảng dạy về triết lý sống tại các ngôi trường của
mình.
Mỗi trường phái này lại đưa ra cho học trò một triết lý sống khác
nhau. Chẳng hạn, những người theo trường phái Cyrenaic cho rằng
mục tiêu lớn lao trong cuộc sống là trải nghiệm lạc thú và do đó ủng
hộ con người tận dụng mọi cơ hội để trải nghiệm nó. Những người
theo chủ nghĩa Yếm thế ủng hộ lối sống khổ hạnh: Họ cho rằng nếu
muốn có một cuộc sống tốt đẹp thì bạn phải học cách gần như
chẳng mong cầu điều gì. Trường phái Khắc kỷ rơi vào đâu đó giữa
trường phái Cyrenaic và trường phái Yếm thế: Họ cho rằng con
người nên tận hưởng những điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại, bao
gồm tình bạn và sự giàu sang, miễn là ta không bám chấp vào
những điều tốt đẹp đó. Thực vậy, họ tin rằng chúng ta nên định kỳ
tạm ngừng thụ hưởng những gì cuộc đời mang lại để dành thời gian
suy ngẫm về sự mất mát của bất kể thứ gì mà chúng ta đang thụ
hưởng.
Tham gia một trường phái triết học là chuyện nghiêm túc. Theo
nhà sử học Simon Price: "Trung thành với một trường phái triết học
không đơn thuần là để thỏa mãn tâm trí hoặc ra vẻ tri thức. Những
người coi trọng triết lý sống của mình sẽ cố gắng sống theo triết lý
đó mỗi ngày." Và giống như tôn giáo có thể là yếu tố then chốt tạo
nên bản sắc riêng của một người thời nay, các trường phái triết học
cũng là thành phần quan trọng tạo nên bản sắc của một người Hy
Lạp hoặc La Mã thời cổ đại. Theo nhà sử học Paul Veyne: "Một triết
gia thực thụ là người sống cả đời theo học thuyết của một trường
phái, điều chỉnh hành vi (thậm chí cả trang phục) theo nó, và nếu
cần, sẵn sàng chết vì nó."
Do đó, độc giả nên nhớ rằng mặc dù tôi ủng hộ triết lý sống của
chủ nghĩa Khắc kỷ, thì đó cũng không phải là sự lựa chọn duy nhất
cho những ai đang tìm kiếm một triết lý sống. Hơn nữa, mặc dù các
nhà Khắc kỷ cho rằng họ có thể chứng minh triết lý của họ là lẽ sống
đúng đắn cho cuộc đời nay thì tôi không nghĩ đó là chuyện khả thi.
Thay vào đó, tôi cho rằng một người nên chọn lựa triết lý sống tùy
theo tính cách và hoàn cảnh sống của mình.
Nhưng khi thừa nhận điều này, tôi xin nói thêm rằng tôi nghĩ rất
nhiều người có tính cách và hoàn cành sống phù hợp để thực hành
chủ nghĩa Khắc kỷ. Hơn nữa, bất kể cuối cùng một người lựa chọn
tuân theo triết lý sống nào, họ cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn
so với không có một triết lý sống nhất quán.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top