8. Suy ngẫm
Quan sát bản thân
thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.
Để tiến bộ trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, Seneca
khuyên chúng ta định kỳ suy ngẫm về những sự kiện trong cuộc
sống thường ngày, cách chúng ta đã phản ứng với những sự kiện
đó, và cách chúng ta nên phản ứng với chúng dựa theo nguyên tắc
Khắc kỷ. Ông ghi nhận kỹ thuật này là của Sextius, thầy ông. Trước
lúc đi ngủ, Sextius sẽ tự vấn bản thân: "Ngày hôm nay ta đã thoát
khỏi những phiền não nào? Đã cải thiện được những nhược điểm
gì? Tiến bộ ở mặt nào?"
Seneca mô tả một trong những bài thực hành suy ngẫm trước lúc
đi ngủ của ông và đưa ra một loạt sự kiện mà ông có thể chiêm
nghiệm, cùng với những kết luận mà ông rút ra từ cách ông phản
ứng trước những sự kiện đó:
- Seneca đã quá hùng hổ khuyên răn ai đó; thành thử, thay vì
giúp người này sửa sai, ông lại khiến anh ta cam thấy khó chịu. Ông
tự khuyên nhủ bản thân: Khi ngẫm xem có nên chỉ trích người khác
hay không, ông cần phải cân nhắc tính đúng đắn của lời chỉ trích đó
và liệu đối phương có chấp nhận bị chỉ trích hay không. Ông nói
thêm rằng một người càng tệ hại thì anh ta càng ít có khả năng chấp
nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng.
- Tại một buổi tiệc, mọi người pha trò về chuyện chi tiêu của
Seneca, và thay vì bỏ ngoài tai thì ông lại để bụng. Ông tự khuyên
nhủ bản thân: "Tránh xa những kẻ ti tiện."
- Tại một yến tiệc, Seneca không được xếp ngồi ở vị trí danh dự
mà ông cho là mình xứng đáng. Thành thử, nguyên cả bữa tiệc đó
ông cảm thấy tức giận với người sắp xếp chỗ ngồi và ghen tị với
những người có chỗ ngồi tốt hơn. Ông tự đánh giá hành vi của
mình: "Ngươi mất trí rồi, ngồi đâu mà chẳng giống nhau cơ chứ."
- Ông nghe tin có người nói xấu các tác phẩm của mình, và ông
bắt đầu xem người chỉ trích này như kẻ thù. Nhưng sau đó, ông nghĩ
đến những người từng bị ông chỉ trích tác phẩm của họ. Liệu ông có
muốn tất cả bọn họ coi ông là kẻ thù không? Hiển nhiên là không.
Seneca kết luận: Nếu dự định xuất bản tác phẩm của mình thì ta
phải sẵn sàng chịu đựng những lời chỉ trích.
Khi đọc những điều trên và những chuyện bực bội khác của
Seneca, có thể thấy bản chất con người gần như không mấy thay
đổi trong hai thiên niên kỷ qua.
Tất nhiên bài thực hành suy ngẫm trước lúc đi ngủ của Seneca
hoàn toàn khác với những bài thiền tập của một tín đồ Phật giáo. Khi
thiền, một tín đồ Phật giáo có thể ngồi hàng giờ với tâm trí trống
rỗng nếu anh ta đủ khả năng. Ngược lại, tâm trí của một người Khắc
kỷ sẽ hoạt động khá tích cực trong quá trình thực hành suy ngẫm
trước lúc đi ngủ. Anh ta sẽ nghĩ về các sự kiện trong ngày. Có điều
gì phá vỡ sự bình thản của anh ta không? Anh ta có cảm thấy tức
giận không? Ganh tị? Ham muốn? Tại sao các sự kiện trong ngày lại
làm anh ta khó chịu? Lẽ ra anh ta đã có thể làm gì để tránh bị khó
chịu?
Epictetus mở rộng bài thực hành suy ngẫm trước lúc đi ngủ của
Seneca thêm một bước nữa. Ông đề xuất rằng trong sinh hoạt
thường ngày, chúng ta nên vừa đóng vai người tham gia vừa đóng
vai người xem. Nói cách khác, chúng ta nên tạo ra một người quan
sát Khắc kỷ bên trong mình. Người này sẽ theo dõi và đưa ra nhận
xét về những nỗ lực thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của chúng ta.
Tương tự, Marcus cũng khuyên chúng ta xem xét từng việc mình
làm, xác định động cơ thực hiện việc đó, và xem xét giá trị của bất
kể việc gì mà chúng ta đang cố hoàn thành. Chúng ta cần phải liên
tục tự hỏi bản thân có đang bị lý trí hoặc điều gì khác chi phối hay
không. Và nếu xác định được rằng chúng ta đang không bị lý trí chi
phối, thì chúng ta nên tự hỏi điều gì đang chi phối mình. Phải chăng
là linh hồn của một đứa trẻ? Một bạo chúa? Một con bò ngu ngốc?
Một con thú hoang? Chúng ta cũng nên chú tâm quan sát hành động
của người khác. Suy cho cùng, chúng ta có thể học hỏi được từ sai
lầm và thành công của họ.
Ngoài việc chiêm nghiệm về các sự kiện trong ngày, chúng ta có
thể dành một phần thời gian thực hành suy ngẫm để tự kiểm kê bản
thân. Chúng ta có đang thực hành các kỹ thuật tâm lý được các nhà
Khắc kỷ đề xuất không? Chẳng hạn, chúng ta có định kỳ thực hành
tưởng tượng tiêu cực không? Có dành thời gian để phân biệt những
thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ mà ta hoàn toàn
không thể kiểm soát và những thứ mà ta chỉ kiểm soát được một
phần không? Có nội tại hóa mục tiêu của mình không? Có hạn chế
đắm chìm trong quá khứ và thay vào đó tập trung đến tương lai
không? Có chủ động thực hành tự tiết chế bản thân không? Trong
lúc thực hành kỹ thuật suy ngẫm của phái Khắc kỷ, chúng ta cũng có
thể tự hỏi bản thân có làm theo lời khuyên của các nhà Khắc kỷ
trong sinh hoạt thường ngày hay không. Ở phần 3, tôi sẽ trình bày
chi tiết lời khuyên này.
Một điều nữa có thể làm khi suy ngẫm là đánh giá sự tiến bộ của
bản thân trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Có một số
chỉ báo giúp chúng ta đo lường được sự tiến bộ này. Thứ nhất, khi
thấm nhuần chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta sẽ nhận thấy rằng mối
quan hệ của mình với người khác đã thay đổi. Theo Epictetus,
chúng ta sẽ nhận ra là mình không bị tổn thương khi người khác nói
rằng chúng ta chẳng biết gì về những thứ bên ngoài và không tùy
thuộc vào chúng ta. Chúng ta sẽ bỏ ngoài tai những lời lẽ xúc phạm
và miệt thị của họ, cũng như mọi lời khen mà họ dành cho mình. Kỳ
thực, Epictetus cho rằng sự ngưỡng mộ của người khác là một
thước đo tiêu cực cho sự tiến bộ của chúng ta trong quá trình thực
hành chủ nghĩa Khắc kỷ: "Nếu mọi người nghĩ rằng bạn là người
thành công, hãy tự hoài nghi bản thân."
Theo Epictetus, những dấu hiệu khác của sự tiến bộ là: Chúng ta
sẽ ngừng đổ lỗi, chê bai và khen ngợi người khác; chúng ta sẽ thôi
huênh hoang về bản thân và kiến thức của mình; chúng ta sẽ nhận
trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài khi những
ước muốn của chúng ta gặp trở ngại. Và bởi đã phần nào làm chủ
được ham muốn của bản thân, thế nên chúng ta sẽ thấy mình có ít
ham muốn hơn trước; chúng ta sẽ thấy như lời của Epictetus, "cảm
giác thôi thúc đối với mọi thứ giảm dần". Và đáng chú ý là, nếu đạt
được tiến bộ trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta
sẽ không xem bản thân là một người bạn cần được đáp ứng mọi
ham muốn, mà là "một kẻ thù đang rình rập".
Theo các nhà Khắc kỷ, việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không
chỉ tác động đến suy nghĩ và mong muốn của chúng ta trong lúc
tỉnh, mà còn tác động đến cả giấc mơ của chúng ta. Cụ thể là. Zeno
cho rằng một khi đạt được tiến bộ trong quá trình thực hành, chúng
ta sẽ không còn ngủ mơ thấy bản thân thỏa mãn những lạc thú đáng
hổ thẹn nữa.
Một dấu hiệu nữa cho thấy sự tiến bộ là triết lý sống của chúng ta
sẽ cốt ở hành động hơn là lời nói. Theo Epictetus, điều quan trọng
nhất không phải là khả năng đọc vanh vách bộ nguyên tắc của chủ
nghĩa Khắc kỷ mà là khả năng sống theo các nguyên tắc đó. Bởi
thế, tại một bữa tiệc, một người mới thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ
có thể chia sẻ về chuyện một cá nhân đã ngộ ra triết lý thì nên ăn gì;
còn một người Khắc kỷ đã thực hành sâu hơn thì chỉ đơn giản là ăn
theo chế độ đó. Tương tự, một người mới thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ có thể ba hoa về lối sống đơn giản của cô ta hoặc việc cô ta
bỏ rượu để uống nước lọc; trong khi một người Khắc kỷ thực hành
sâu hơn, vốn đã thực hiện lối sống đơn giản và bỏ rượu để uống
nước lọc, sẽ không có nhu cầu bình phẩm về chuyện này. Kỳ thực,
Epictetus cho rằng khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta nên
kín đáo để người khác không xem chúng ta là người Khắc kỷ - hoặc
thậm chí xem chúng ta là triết gia.
Tuy nhiên, dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy chúng ta đang tiến
bộ trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ là đời sống cảm xúc
của chúng ta có sự thay đổi. Không phải là chúng ta sẽ trở nên vô
cảm, như suy nghĩ phổ biến của những người không hiểu rõ bản
chất thật sự của chủ nghĩa Khắc kỷ. Thay vì vậy, chúng ta sẽ thấy
mình ít trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực hơn. Chúng ta cũng sẽ
thấy mình ít dành thời gian mong ước mọi chuyện khác đi và dành
nhiều thời gian tận hưởng mọi thứ trong hiện tại. Chung quy là
chúng ta sẽ trải nghiệm một mức độ bình thản chưa từng có trước
đây. Chúng ta cũng có thể khám phá ra rằng thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ khiến chúng ta dễ nhạy cảm trước những niềm vui nho nhỏ.
Chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng với con người hiện tại của mình,
sống cuộc đời mà mình đang sống, trong vũ trụ mà chúng ta đang
cư ngụ.
Tuy nhiên, để có được bằng chứng tối thượng cho thấy bản thân
đã đạt được tiến bộ trong việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng
ta sẽ phải đợi tới khi đối diện với cái chết. Chỉ khi đó, theo Seneca,
chúng ta mới biết liệu chủ nghĩa Khắc kỷ nơi mình có phải là đích
thực hay không.
Khi đánh giá sự tiến bộ của bản thân trong việc thực hành chủ
nghĩa Khắc kỷ, chúng ta có thể thấy nó diễn ra chậm hơn so với kỳ
vọng. Thế nhưng, chính các nhà Khắc kỷ cũng sẽ công nhận rằng
con người không thể thuần thục chủ nghĩa Khắc kỷ một sớm một
chiều. Quả thật, cho dù có thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ cả đời,
chúng ta cũng khó lòng thuần thục được nó một cách hoàn hảo; sẽ
luôn có chỗ cho sự tiến bộ. Tương tự thế, Seneca nói với chúng ta
rằng mục tiêu của ông khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không phải
là vì muốn trở thành một nhà hiền triết; thay vì vậy, ông đánh giá bản
thân còn có tiến bộ chừng nào "mỗi ngày còn giảm được số lượng
tật xấu, và khiển trách những sai lầm của mình".
Các nhà Khắc kỷ hiểu rằng họ sẽ gặp phải trở ngại trong việc
thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Bởi vậy, sau khi chỉ dạy học trò
những việc cần làm để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, Epictetus tiếp
tục chỉ dạy những gì nên làm gì khi họ không thể làm theo lời
khuyên của ông. Tương tự, Marcus khuyên rằng khi không thể làm
đúng theo lời dạy của phái Khắc kỷ, chúng ta không nên nản chí rồi
bỏ cuộc; thay vì vậy, chúng ta nên tiếp tục nỗ lực và hiểu rõ rằng
nếu có thể làm điều đúng đắn, thì trong hầu hết mọi trường hợp
chúng ta đều đang làm điều có lợi cho bản thân.
Tôi xin nói thêm một ý cuối cùng về chuyện tiến bộ trong việc
thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Marcus đã thực hành chủ nghĩa Khắc
kỷ suốt quãng đời trưởng thành, và cho dù có tính khí hoàn toàn phù
hợp với nó, ông nhận thấy rằng có những thời điểm tồi tệ, chủ nghĩa
Khắc kỷ dường như không thể mang lại cho ông sự bình thản mà
ông tìm kiếm. Trong cuốn Meditations, ông đưa ra lời khuyên về việc
cần làm vào những thời điểm như vậy: Tiếp tục thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ, "kể cả khi dường như không có cơ may thành công".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top