6. Thuyết vận mệnh


 Các nhà Khắc kỷ cho rằng một cách để giữ sự bình thản là tin
rằng những thứ xảy đến với chúng ta là vận mệnh. Theo Seneca,
chúng ta nên thuận theo vận mệnh, bởi lẽ "đó là một niềm an ủi lớn
khi vận mệnh song hành với vũ trụ mà ta đang trôi giạt trong đó".
Theo Epictetus, cần phải luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ là những
diễn viên trong một vở kịch của người khác - hay nói chính xác hơn,
của Vận mệnh. Chúng ta không thể chọn vai diễn của mình trong vở
kịch này, nhưng bất kể được phân vai nào, chúng ta cũng phải diễn
hết khả năng. Nếu được Vận mệnh phân vai người ăn xin, thì chúng
ta cần phải diễn vai đó thật tốt; tương tự nếu chúng ta được phân
vai vua chúa. Nếu muốn cuộc đời mình trở nên tốt đẹp, Epictetus
khuyên chúng ta thay vì mong muốn mọi sự thuận theo ý mình,
chúng ta hãy làm cho những mong muốn của mình thuận theo mọi
sự; nói cách khác, chúng ta nên mong cầu mọi sự "xảy đến đúng
như chúng cần phải xảy đến".
Marcus cũng tin vào thuyết vận mệnh. Làm trái đi tức là chống lại
tự nhiên, và sự chống đối này sẽ gây phản tác dụng, nếu điều chúng
ta truy cầu là một cuộc sống tốt đẹp. Cụ thể là nếu chống lại sự sắp
đặt của vận mệnh, Marcus nói rằng chúng ta rất có thể sẽ phải chịu
đựng đau khổ, tức giận hoặc sợ hãi và mất đi sự bình thản. Để tránh
điều này, chúng ta phải học cách thích nghi với hoàn cảnh sống và
yêu thương những người cạnh bên mà vận mệnh đã an bài cho
chúng ta, học cách hân hoan đón nhận mọi bổn phận của mình và
thuyết phục bản thân rằng bất cứ điều gì xảy đến với chúng ta đều
có ý nghĩa. Quả thật, theo Marcus, một người tốt sẽ chào đón "mọi
trải nghiệm mà khung cửi số phận dệt cho anh ta".
Giống như phần lớn người La Mã cổ đại, các triết gia Khắc kỷ tin
vào vận mệnh. Chính xác hơn, họ tin vào sự tồn tại của ba nữ thần
vận mệnh. Mỗi nữ thần này đều có một công việc: Clotho quay sợi,
Lachesis đo sợi và Atropos cắt chỉ. Dù cố gắng đến mấy, con người
cũng không thể thoát khỏi số phận đã được các nữ thần vận mệnh
lựa chọn cho họ.
Thế nên, đối với người La Mã cổ đại, cuộc sống giống như một
cuộc đua ngựa đã được dàn xếp: Vận mệnh đã biết trước kết quả
thắng thua. Một tay đua ngựa có thể sẽ từ chối tham gia một cuộc
đua mà anh ta biết rằng kết quả đã được an bài; tại sao phải đua
tranh khi một ai đó ở đâu đấy đã biết trước người thắng cuộc cơ
chứ? Người ta có thể lầm tưởng rằng người La Mã cổ đại sẽ từ chối
tham gia các cuộc tranh đấu ở đời; tại sao phải bận tâm khi tương
lai đã được an bài cơ chứ? Điều thú vị là mặc dù người xưa tin vào
thuyết tiền định - bất kể điều gì xảy ra đều phải xảy ra - nhưng họ
không quan niệm rằng vận mệnh chi phối tương lai. Ví dụ, các nhà
Khắc kỷ không hề ngồi khoanh tay bó gối, cam chịu bất kể điều gì
xảy đến trong tương lai; trái lại, họ tìm cách tác động đến kết quả
của các sự kiện tương lai.
Tất nhiên, điều này có thể khiến chúng ta cảm thấy khó hiểu: Mặc
dù các nhà Khắc kỷ ủng hộ thuyết vận mệnh, nhưng dường như họ
lại không làm theo nó. Vậy phải hiểu như thế nào về lời khuyên của
họ rằng chúng ta nên tin là mọi sự xảy đến với ta đều là vận mệnh?
Để hiểu được, chúng ta cần phân biệt giữa thuyết vận mệnh về
tương lai và thuyết vận mệnh về quá khứ. Với một người tin vào
thuyết vận mệnh về tương lai, khi quyết định làm việc gì đó, cô ta sẽ
luôn tâm niệm rằng những hành động của cô ta không hề tác động
đến các sự kiện tương lai. Một người như vậy thì ít có khả năng
dành thời gian và năng lượng để suy nghĩ về tương lai hoặc tìm
cách thay đổi nó. Còn khi một người tin vào thuyết vận mệnh về quá
khứ, cô ấy giữ thái độ tương tự đối với các sự kiện trong quá khứ.
Khi quyết định làm việc gì đó, cô ấy sẽ luôn tâm niệm rằng những
hành động của cô ấy không có tác động đến quá khứ. Một người
như vậy sẽ ít khi bỏ thời gian và năng lượng để nghĩ đến chuyện
quá khứ có thể khác đi như thế nào.
Tôi cho rằng các nhà Khắc kỷ ủng hộ một hình thức giới hạn của
thuyết vận mệnh. Chính xác hơn, họ khuyên chúng ta tin vào thuyết
vận mệnh về quá khứ, luôn tâm niệm rằng quá khứ không thể thay
đổi. Vì thế, các nhà Khắc kỷ sẽ không khuyên nhủ một người mẹ có
đứa con bệnh tật tin vào thuyết vận mệnh về tương lai; cô ấy cần
phải tìm cách chăm sóc đứa con khỏe lại (mặc dù Vận mệnh đã an
bài chuyện sống chết của đứa con). Nhưng nếu đứa con chết, họ sẽ
khuyên người phụ nữ này tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ.
Ngay cả đối với các nhà Khắc kỷ, việc cảm thấy đau khổ sau cái
chết của một đứa con là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng mãi đắm chìm
vào cái chết đó lại là sự lãng phí thời gian và cảm xúc, bởi lẽ quá
khứ không thể thay đổi. Do đó, đắm chìm vào cái chết của đứa con
sẽ gây ra đau khổ không cần thiết cho người phụ nữ.
Khi nói rằng không nên đắm chìm trong quá khứ, các nhà Khắc
kỷ không có ý khuyên chúng ta không bao giờ được nghĩ về nó. Thi
thoảng chúng ta cũng nên nghĩ về quá khứ để rút ra các bài học có
thể giúp chúng ta trong nỗ lực định hình tương lai. Chẳng hạn,
người mẹ được nói đến ở trên nên nghĩ về nguyên nhân gây ra cái
chết cho đứa con để có thể bảo vệ những đứa con khác tốt hơn.
Nếu đứa con chết do ăn phải quả dại có độc, cô cần phải tìm cách
ngăn không cho những đứa con khác đến gần quả dại và dạy chúng
rằng loại quả này có độc. Nhưng sau khi đã làm như vậy thì cô cũng
nên buông bỏ quá khứ. Cụ thể là, cô không nên sống mà đầu óc lúc
nào cũng chất chứa những ý nghĩ "giá mà": "Giá mà mình biết con
bé ăn quả dại! Giá mà mình đưa con bé đến thầy thuốc sớm hơn!"
Đối với con người thời nay, thuyết vận mệnh về quá khứ chắc
chắn sẽ dễ chấp nhận hơn nhiều so với thuyết vận mệnh về tương
lai. Đa số chúng ta phản đối quan điểm cho rằng cuộc đời mình đã
được vận mệnh an bài; trái lại chúng ta tin rằng những nỗ lực của
mình có tác động đến tương lai. Đồng thời, chúng ta cũng sẵn lòng
chấp nhận rằng quá khứ là không thể thay đổi, vì vậy chúng ta sẽ dễ
dàng đồng tình với lời khuyên tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ
của các nhà Khắc kỷ.
Theo tôi, bên cạnh lời khuyên rằng chúng ta nên tin vào thuyết
vận mệnh về quá khứ, các nhà Khắc kỷ cũng ủng hộ thuyết vận
mệnh về hiện tại. Suy cho cùng, rõ ràng là chúng ta không thể tác
động đến hiện tại thông qua hành động của mình, nếu định nghĩa
hiện tại là chính khoảnh khắc này. Tôi có thể hành động và gây ảnh
hưởng đến những gì xảy ra trong một thập kỷ, một ngày, một phút
hoặc thậm chí là nửa giây kể từ bây giờ; tuy nhiên tôi không thể
hành động và thay đổi những gì đang diễn ra ngay lúc này, bởi vì
ngay khi tôi hành động để ảnh hưởng đến những điều đang diễn ra
ngay lúc này, khoảnh khắc đó sẽ trôi vào quá khứ và do đó không
thể bị ảnh hưởng được.
Do đó, tuy ủng hộ thuyết vận mệnh, các nhà Khắc kỷ khuyên
chúng ta không tin vào thuyết vận mệnh về tương lai, mà chỉ nên tin
vào thuyết vận mệnh về quá khứ và hiện tại. Khi Epictetus khuyên
chúng ta mong muốn những sự kiện "xảy đến đúng như chúng cần
phải xảy đến", ông đang đưa ra lời khuyên liên quan đến những sự
kiện xảy đến - đã xảy đến hoặc đang xảy đến - không phải lời
khuyên về những sự kiện sẽ xảy đến. Nói cách khác, ông khuyên
chúng ta tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ và hiện tại. Cũng giống
như bạn không thể chào đón một vị khách chừng nào anh ta chưa
đến, theo Marcus, một người tốt không thể chào đón những trải
nghiệm mà khung cửi vận mệnh dệt cho anh ta chừng nào những
trải nghiệm đó chưa xảy ra.
Tại sao tin vào thuyết vận mệnh về hiện tại có thể giúp cuộc sống
của chúng ta trở nên tốt đẹp? Như tôi đã nói, các nhà Khắc kỷ cho
rằng cách tốt nhất để đạt được sự thỏa mãn không phải là cố gắng
thỏa mãn bất cứ ham muốn nào nảy sinh trong chúng ta, mà là học
cách bằng lòng với cuộc sống hiện tại - học cách trở nên vui vẻ với
bất cứ thứ gì chúng ta nhận được. Chúng ta có thể uổng phí thời
gian để ao ước hoàn cảnh sống của chúng ta khác đi, nhưng nếu
mặc cho bản thân làm như vậy, chúng ta sẽ sống phí hoài cả đời
trong trạng thái bất mãn. Thay vì vậy, nếu có thể học cách muốn bất
kể thử gì mà mình sẵn có, chúng ta sẽ không phải vất vả làm việc để
đáp ứng những ham muốn hòng có được sự thỏa mãn; bởi chúng
đã được đáp ứng rồi.
Một trong những thứ chúng ta sở hữu chính là khoảnh khắc hiện
tại, và chúng ta có một lựa chọn quan trọng về nó: Chúng ta có thể
phung phí khoảnh khắc hiện tại để mong ước nó khác đi, hoặc có
thể đón nhận khoảnh khắc này. Nếu có thói quen làm theo vế đầu
tiên, chúng ta sẽ sống với trạng thái bất mãn trong phần lớn thời
gian; còn nếu thường làm theo vế sau, chúng ta sẽ vui sống cuộc
đời mình. Tôi nghĩ đấy là lý do các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta tin
vào thuyết định mệnh về hiện tại. Marcus nhắc rằng tất cả những gì
chúng ta sở hữu là khoảnh khắc hiện tại và ông khuyên chúng ta
sống trong khoảnh khắc này. (Lời khuyên này tương tự với lời dạy
trong Phật giáo rằng chúng ta cần phải cố gắng sống trong giây phút
hiện tại - một sự tương đồng thú vị nữa giữa chủ nghĩa Khắc kỷ và
Phật giáo.)
Cần lưu ý rằng lời khuyên tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ và
hiện tại là nhất quán với lời khuyên được đưa ra ở chương trước,
rằng chúng ta không nên bận tâm đến những thứ mà ta hoàn toàn
không thể kiểm soát. Chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát quá
khứ cũng như hiện tại, nếu định nghĩa hiện tại là chính khoảnh khắc
này. Bởi thế, chúng ta đang phí hoài thời gian khi lo lắng về những
sự kiện trong quá khứ hoặc hiện tại.
Cũng cần lưu ý rằng lời khuyên tin vào thuyết vận mệnh về quá
khứ và hiện tại có liên quan với lời khuyên thực hành tưởng tượng
tiêu cực. Khi tưởng tượng tiêu cực, chúng ta nghĩ xem hoàn cảnh
của mình có thể trở nên tồi tệ hơn theo những cách nào, nhằm giúp
ta coi trọng bất cứ thứ gì mình đang có. Có thể nói thuyết vận mệnh
của các nhà Khắc kỷ là mặt bên kia, hoặc ảnh chiếu, của kỹ thuật
tưởng tượng tiêu cực. Thay vì nghĩ rằng hoàn cảnh của chúng ta có
thể tồi tệ hơn như thế nào, chúng ta từ chối nghĩ xem nó có thể trở
nên tốt đẹp hơn ra sao. Khi tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ và
hiện tại, chúng ta từ chối so sánh hoàn cảnh của mình với những
hoàn cảnh thay thế thích hợp hơn. Khi làm như vậy, các nhà Khắc
kỷ cho rằng chúng ta sẽ làm hoàn cảnh hiện tại của mình, bất kể nó
có ra sao, trở nên dễ chịu đựng hơn.
Những lập luận của tôi về thuyết vận mệnh ở chương này và kỹ
thuật tưởng tượng tiêu cực ở chương 4 có thể khiến độc giả lo ngại
rằng việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ dẫn đến sự tự mãn. Độc
giả có thể cho rằng các nhà Khắc kỷ sẽ thỏa mãn một cách bất
thường với bất kể thứ gì họ có. Tất nhiên đó là một phước lành,
nhưng các nhà Khắc kỷ có thành ra quá thiếu tham vọng không?
Tôi xin nhắc lại rằng những nhà Khắc kỷ đang được chúng ta bàn
đến đều vô cùng tham vọng. Seneca có một cuộc sống năng động
trong vai trò một triết gia, nhà soạn kịch, nhà đầu tư và cố vấn chính
trị. Musonius Rufus và Epictetus đều đứng đầu các ngôi trường triết
học thành công. Và Marcus, khi không luận bàn triết học, ông làm
việc cật lực để cai trị đế chế La Mã. Nói đúng ra, những cá nhân này
đều vô cùng thành công. Điều này thật sự gây tò mò: mặc dù họ gần
như chẳng cần gì để có được sự thỏa mãn, nhưng họ vẫn phấn đấu
vì một thứ gì đó.
Các nhà Khắc kỷ đã giải thích điều tưởng chừng là nghịch lý này
như sau. Mặc dù dạy chúng ta bằng lòng với bất kể thứ gì mình có,
triết lý Khắc kỷ cũng khuyên chúng ta theo đuổi những thứ nhất định
trong cuộc sống. Chẳng hạn, chúng ta nên phấn đấu để trở thành
người tốt hơn - trở nên đức hạnh theo ý nghĩa cổ của từ này. Chúng
ta nên nỗ lực thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ trong cuộc sống hằng
ngày. Và chúng ta nên, như sẽ biết ở chương 9, cố gắng thực hiện
các bổn phận xã hội của mình: Đây là lý do tại sao Seneca và
Marcus cảm thấy nhất định phải tham gia chính quyền La Mã và tại
sao Musonius và Epictetus cảm thấy nhất định phải truyền dạy chủ
nghĩa Khắc kỷ. Hơn nữa, các nhà Khắc kỷ thấy chẳng có gì sai khi
chúng ta thực hiện những việc cần thiết để tận hưởng hoàn cảnh
hiện tại của mình; thật vậy, Seneca khuyên chúng ta "chú ý đến tất
cả những lợi thế tô điểm cho cuộc sống". Thành thử, chúng ta có thể
kết hôn và sinh con đẻ cái. Chúng ta cũng có thể xây dựng và vui
hưởng tình bạn.
Vậy còn những thành công thế tục thì sao? Các nhà Khắc kỷ có
theo đuổi tiền tài danh vọng không? Họ không màng đến chúng. Các
nhà Khắc kỷ cho rằng những thứ đó không có giá trị thực sự, thế
nên theo đuổi chúng là hành vi ngu ngốc, nhất là nếu điều đó phá vỡ
trạng thái bình thản của chúng ta hoặc đòi hỏi chúng ta hành động
vô đạo đức. Tôi nhận ra rằng sự thờ ơ của các nhà Khắc kỷ đối với
những thành công thế tục khiến họ có vẻ thiếu động lực trong mắt
con người thời nay, vốn luôn làm việc chăm chỉ để cố gắng đạt được
danh vọng và của cải. Nhưng cũng xin nói thêm rằng mặc dù các
nhà Khắc kỷ không theo đuổi thành công thế tục nhưng họ lại
thường có được nó.
Quả thật, các nhà Khắc kỷ kể trên đều được xem là những cá
nhân thành công trong thời đại của họ. Seneca và Marcus đều giàu
có và nổi tiếng, còn Musonius và Epictetus, trên cương vị người
đứng đầu các ngôi trường triết học lừng danh, ắt hẳn cũng được
nhiều người biết đến và có cuộc sống tài chính dư dả. Bởi vậy họ rơi
vào tình thế kỳ lạ, mặc dù không theo đuổi thành công nhưng rốt
cuộc lại có được nó. Ở chương 14 và 15, chúng ta sẽ biết cách họ
giải quyết nan đề này.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #khắckỷ